ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 14/CT-UBND
|
Bắc Giang, ngày
20 tháng 9 năm 2021
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TẠI CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TRONG
CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
Hiện nay, tình hình dịch Covid
- 19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát; các doanh nghiệp trong các KCN trên
địa bàn tỉnh đã khôi phục lại hoạt động sản xuất với số lượng lao động trở lại
làm việc bằng và tăng thêm so với thời điểm trước khi xảy ra dịch; việc đi lại
của người lao động, lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình
thường. Song, tình hình dịch Covid-19 ở ngoài địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức
tạp, nếu không chủ động và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch thì
nguy cơ dịch lây nhiễm vào KCN rất cao. Để đảm bảo duy trì ổn định hoạt động
sản xuất của các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND
tỉnh chỉ thị cho Ban quản lý các KCN, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện
nghiêm một số nhiệm vụ, biện pháp sau:
1. Về quản lý và sử dụng lao
động
- Doanh nghiệp trong các KCN
chỉ được tuyển dụng và sử dụng lao động cư trú ở vùng xanh; không được tuyển
dụng và sử dụng lao động đang cư trú ở vùng đỏ, vùng vàng ngoài tỉnh; không sử
dụng lao động thời vụ, ngắn hạn. Doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc việc
giao kết hợp đồng lao động với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao
động và phải cập nhật đầy đủ thông tin của tất cả người lao động vào phần mềm
quản lý lao động và truy vết.
Đối với lao động ngoài tỉnh mới
tuyển dụng: Khi vào tỉnh Bắc Giang phải có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR
âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ; doanh nghiệp phải thực hiện cách ly
07 ngày và qua 02 lần xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR (mỗi lần
cách nhau 3 ngày), có kết quả âm tính mới được phép vào doanh nghiệp làm việc;
sau khi vào doanh nghiệp làm việc được xác định là đối tượng nguy cơ cao trong
10 ngày tiếp theo phải thực hiện xét nghiệm tầm soát với tần suất 03 ngày/lần.
Doanh nghiệp lập danh sách cụ thể gửi Ban Quản lý các KCN tỉnh để theo dõi,
giám sát.
- Khi nơi cư trú của người lao
động chuyển trạng thái phòng chống dịch sang vùng đỏ thì người lao động không
được phép đến doanh nghiệp làm việc; chuyển sang vùng vàng thì doanh nghiệp
phải bố trí nơi lưu trú tập trung và đưa đón lao động theo nguyên tắc 2 điểm,
một cung đường.
- Đối với lãnh đạo quản lý,
chuyên gia, lao động kỹ thuật cao khuyến khích thuê địa điểm lưu trú trong tỉnh
Bắc Giang, trường hợp cư trú trong vùng xanh thuộc địa bàn ngoài tỉnh nếu đi
làm và trở về nơi cư trú hàng ngày thì doanh nghiệp phải lập danh sách cụ thể
và định kỳ 72 giờ/lần thực hiện xét nghiệm sàng lọc bằng phương pháp RT-PCR,
đảm bảo người lao động vào doanh nghiệp làm việc có kết quả âm tính với
SARS-CoV-2. Định kỳ hàng tuần, doanh nghiệp gửi danh sách và kết quả xét nghiệm
của các đối tượng này về Ban Quản lý các KCN tỉnh để theo dõi, giám sát.
- Doanh nghiệp chịu trách nhiệm
quản lý chặt chẽ và có chế tài để người lao động chấp hành thực hiện nghiêm các
biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế, quy định của
tỉnh.
2. Kiểm soát chặt chẽ nguy
cơ lây nhiễm dịch Covid-19
- Thực hiện đầy đủ việc khai
báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động và những người đến làm việc tại
doanh nghiệp. Tất cả người lao động phải cài đặt ứng dụng Bluezone và thường
xuyên bật Bluetooth để ứng dụng hoạt động hiệu quả. Đối với những người không
phải là người lao động của doanh nghiệp khi vào doanh nghiệp phải có kết quả
xét nghiệm RT-PCR (trong vòng 72 giờ) âm tính với SARS-CoV-2 hoặc có xác nhận
đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và thời gian sau tiêm mũi 2 từ 14 ngày
trở lên.
- Yêu cầu tất cả người lao động
khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở, đau đầu phải tự giác khai báo với y tế doanh
nghiệp, y tế địa phương hoặc bộ phận phụ trách để kịp thời có biện pháp phòng chống
dịch. Doanh nghiệp có chế tài xử lý đối với những trường hợp không tự giác khai
báo.
- Thành lập và duy trì nền nếp
hoạt động của Tổ an toàn Covid-19 trong doanh nghiệp gắn với các phân xưởng,
dây chuyền, nhóm, tổ đội sản xuất; phát huy vai trò của Tổ an toàn Covid-19
trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhất là trong việc theo dõi
tình hình sức khỏe của người lao động để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử
lý ngay đối với những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở.
- Ban Quản lý các KCN tỉnh
thành lập nhóm zalo, cử cán bộ đầu mối để tiếp nhận và xử lý thông tin từ các Tổ
an toàn Covid-19 tại các doanh nghiệp.
3. Thực hiện tiêm vắc xin
phòng Covid-19
- Thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19
cho tất cả người lao động làm việc trong các KCN; những người chưa tiêm được
coi là đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm dịch Covid-19; khi tỉnh đã bố trí đủ
vắc xin tiêm phòng Covid-19 cho toàn bộ người lao động trong các KCN mà người
lao động không chấp hành tiêm (trừ trường hợp có chống chỉ định với vắc xin)
được coi là người không chấp hành thực hiện quy định phòng chống dịch Covid-19,
doanh nghiệp không được phép sử dụng; những người không tiêm vắc xin phòng
Covid-19 không được vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong KCN của tỉnh.
- Doanh nghiệp có chế tài để
người lao động chấp hành việc tiêm vắc xin phòng Covid-19. Sau khi tỉnh đã bố
trí đủ vắc xin để tiêm phòng cho tất cả người lao động trong KCN, nếu doanh
nghiệp để xảy ra tình trạng có trên 5% người lao động không tiêm vắc xin phòng
Covid-19 vào làm việc, thì bị áp dụng biện pháp dừng hoạt động.
- Sở Y tế chịu trách nhiệm tham
mưu cho UBND tỉnh tập trung nguồn vắc xin phòng Covid-19 để ưu tiên hoàn thành
việc tiêm phòng cho người lao động tại các KCN trong thời gian sớm nhất.
- Ban Quản lý các KCN tỉnh chịu
trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu danh sách người lao động và kết quả tiêm vắc xin
phòng Covid - 19 tại các doanh nghiệp trong KCN; kịp thời chấn chỉnh và xử lý
nghiêm các trường hợp không chấp hành theo quy định pháp luật về phòng chống dịch
Covid -19.
4. Thực hiện xét nghiệm tầm
soát Covid-19
- Thực hiện xét nghiệm tầm soát
SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT- PCR với tần suất 03 ngày/lần đối với tất cả những
người lao động trong doanh nghiệp được xác định là đối tượng có nguy cơ cao lây
nhiễm dịch Covid-19 và những người lao động chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Đối với những người lao động còn lại thực hiện xét nghiệm tầm soát 7 ngày/lần
cho 50% người lao động (yêu cầu lấy mẫu xen kẽ).
- Doanh nghiệp xây dựng kế
hoạch xét nghiệm tầm soát phải có danh sách cụ thể người lao động lấy mẫu xét
nghiệm theo từng đợt, theo dõi chặt chẽ không để bỏ sót đối tượng phải lấy mẫu
xét nghiệm và có chế tài xử lý nghiêm đối với người lao động trốn tránh xét
nghiệm; gửi kế hoạch và kết quả xét nghiệm (có danh sách cụ thể người lao động
lấy mẫu xét nghiệm) về Ban Quản lý các KCN tỉnh.
- Đối với những doanh nghiệp sử
dụng từ 10.000 lao động trở lên: Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
tỉnh (CDC tỉnh) làm việc trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp để ký hợp đồng lấy
mẫu tổ chức xét nghiệm; đảm bảo vừa hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí xét nghiệm,
đồng thời kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng trốn tránh xét nghiệm tầm
soát.
- Ban Quản lý các KCN tỉnh chủ
trì, phối hợp với Bộ phận y tế thường trực tại KCN thực hiện theo dõi, giám
sát, đối chiếu kế hoạch và kết quả xét nghiệm; kịp thời phát hiện và xử lý
nghiêm đối với những doanh nghiệp không chấp hành theo quy định pháp luật về
phòng chống dịch Covid-19.
- Sở Y tế, CDC tỉnh tăng cường
công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở y tế thực hiện dịch vụ xét nghiệm
tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực hiện nghiêm quy định lấy mẫu
gộp từ 10 đến 20, chạy mẫu gộp từ 20 trở lên và giảm 50% tiền công lấy mẫu.
5. Tất cả các doanh nghiệp
phải cài đặt và cập nhật đầy đủ thông tin của người lao động vào phần mềm quản
lý lao động và truy vết.
Sở Thông tin và Truyền thông
chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp
cài đặt và cập nhật thông tin vào phần mềm.
Ban Quản lý các KCN tỉnh phổ
biến Chỉ thị này đến các doanh nghiệp trong các KCN; chủ trì, phối hợp với các
cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc thực hiện và có biện pháp xử lý đối
với những doanh nghiệp không chấp hành theo quy định pháp luật về phòng, chống dịch
Covid-19; định kỳ hàng tuần, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các thành viên BCĐ PCD Covid-19 tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy và các Ban, cơ quan thuộc Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Huyện ủy, thành ủy, UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ LĐVP, TH, KTTH, KGVX, NC-KSTTHC, Cổng TTĐT tỉnh;
+ Lưu: VT, KTNNHÂN.
|
CHỦ TỊCH
Lê Ánh Dương
|