BỘ TƯ PHÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 8014/VBHN-BTP
|
Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2013
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ TƯ VẤN PHÁP LUẬT
Nghị
định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật,
có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 8 năm 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Nghị
định số 05/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung
một số điều của các Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý,
luật sư, tư vấn pháp luật, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2012.
Căn
cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét
đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp[1],
Chương 1.
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Nghị
định này quy định về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức chính trị
- xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp,
cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật (sau đây gọi chung là tổ chức
chủ quản).
Hoạt
động tư vấn pháp luật quy định tại Nghị định này mang tính chất xã hội, không
nhằm mục đích thu lợi nhuận.
Điều 2. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chủ quản trong
hoạt động tư vấn pháp luật
1. Cơ
quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khuyến khích, hỗ trợ
phát triển tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật; phối hợp với tổ chức chủ quản
trong quản lý về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật theo quy định của Nghị định
này.
2. Tổ
chức chủ quản chịu trách nhiệm về tổ chức, hoạt động của tổ chức tư vấn pháp luật
do mình thành lập.
Điều 3. Hình thức tổ chức tư vấn pháp luật
Tổ chức
chủ quản có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị định
này được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật để thực hiện tư vấn pháp luật
cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình và cá nhân, tổ chức khác.
Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm
1.
Nghiêm cấm tổ chức tư vấn pháp luật, người thực hiện tư vấn pháp luật thực hiện
các hành vi sau đây:
a)
Xúi giục cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật cung cấp thông tin, tài liệu
sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật;
b) Lợi
dụng hoạt động tư vấn pháp luật để trục lợi;
c) Lợi
dụng hoạt động tư vấn pháp luật gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu
đến đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền,
lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;
d) Tư
vấn pháp luật cho các bên có quyền lợi đối lập trong cùng một vụ việc, tiết lộ
thông tin về vụ việc, về cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật, trừ trường
hợp cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật đồng ý hoặc pháp luật có quy định
khác.
2.
Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân
có liên quan đến hoạt động tư vấn pháp luật thực hiện các hành vi sau đây:
a)
Xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người thực hiện tư vấn pháp luật;
b) Cố
tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc;
c) Cản
trở hoạt động tư vấn pháp luật.
Chương 2.
TRUNG TÂM TƯ
VẤN PHÁP LUẬT
Điều 5. Điều kiện thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật
1. Có
ít nhất hai tư vấn viên pháp luật hoặc tư vấn viên pháp luật và một luật sư
hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hai luật sư
hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động.
2. Có
trụ sở làm việc của Trung tâm.
Điều 6. Địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức của Trung tâm tư vấn
pháp luật
1.
Trung tâm tư vấn pháp luật có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.
Việc
khắc và sử dụng con dấu của Trung tâm tư vấn pháp luật được thực hiện theo quy
định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu.
2. Cơ
cấu tổ chức, quy chế hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật do tổ chức chủ quản
quyết định.
3.
Giám đốc của Trung tâm tư vấn pháp luật phải là tư vấn viên pháp luật hoặc luật
sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động.
Điều 7. Phạm vi hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật
1.
Trung tâm tư vấn pháp luật được thực hiện tư vấn pháp luật; được cử luật sư làm
việc theo hợp đồng cho Trung tâm tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện, bảo vệ
quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật đối với vụ
việc mà Trung tâm thực hiện tư vấn pháp luật; được thực hiện trợ giúp pháp lý
theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
2.
Trung tâm tư vấn pháp luật được nhận và thực hiện vụ việc trong tất cả các lĩnh
vực pháp luật.
Điều 8. Quyền, nghĩa vụ của Trung tâm tư vấn pháp luật
1.
Trung tâm tư vấn pháp luật có các quyền sau đây:
a) Thực
hiện vụ việc theo phạm vi quy định tại Điều 7 của Nghị định này;
b) Đề
nghị cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin về những vấn đề có liên quan đến quyền,
lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật;
c) Kiến
nghị với cơ quan nhà nước về những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp
pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật.
2.
Trung tâm tư vấn pháp luật có các nghĩa vụ sau đây:
a)
Tuân theo quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên
quan của pháp luật về luật sư, trợ giúp pháp lý;
b) Chịu
trách nhiệm về việc sử dụng tư vấn viên pháp luật, luật sư, cộng tác viên tư vấn
pháp luật của Trung tâm;
c)
Báo cáo Sở tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở
Tư pháp), nơi đặt trụ sở của Trung tâm, báo cáo tổ chức chủ quản về tổ chức và
hoạt động của Trung tâm theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu trong trường hợp
đột xuất;
d) Bồi
thường thiệt hại do lỗi của tư vấn viên pháp luật, luật sư, cộng tác viên tư vấn
pháp luật của Trung tâm gây ra trong khi thực hiện tư vấn pháp luật.
Điều 9. Kinh phí hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật
Trung
tâm tư vấn pháp luật hoạt động theo cơ chế tự trang trải về tài chính.
Nguồn
kinh phí hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật gồm:
1.
Kinh phí để thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật được bố trí trong kinh phí hoạt
động thường xuyên của tổ chức chính trị - xã hội đối với Trung tâm tư vấn pháp
luật do tổ chức chính trị - xã hội thành lập.
2.
Kinh phí được cấp từ việc thực hiện trợ giúp pháp lý đối với Trung tâm tư vấn
pháp luật đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về
trợ giúp pháp lý.
3.
Thù lao thu được từ hoạt động tư vấn pháp luật cho cá nhân, tổ chức theo quy định
tại Điều 11 của Nghị định này.
4.
Các khoản hỗ trợ của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội -
nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật được trích từ
nguồn thu hoạt động sự nghiệp; các khoản tài trợ của cá nhân, tổ chức trong nước
và nước ngoài hỗ trợ cho hoạt động tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Tư vấn pháp luật miễn phí
Trung
tâm tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho thành viên, hội
viên, đoàn viên của tổ chức chủ quản.
Nhà
nước khuyến khích Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật miễn
phí cho người nghèo và các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định
của pháp luật.
Điều 11. Tư vấn pháp luật có thu thù lao
1.
Ngoài hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí cho các đối tượng quy định tại Điều 10 của Nghị định này, Trung tâm tư vấn pháp luật được thu
thù lao đối với cá nhân, tổ chức khác có yêu cầu tư vấn pháp luật để bù đắp chi
phí cho hoạt động của Trung tâm.
2. Việc
thu thù lao của Trung tâm tư vấn pháp luật do tổ chức chủ quản quyết định.
Trong trường hợp Trung tâm tư vấn pháp luật được thu thù lao thì tổ chức chủ quản
có trách nhiệm quy định về mức thù lao.
3.
Trung tâm tư vấn pháp luật có trách nhiệm niêm yết mức thù lao tại trụ sở của
Trung tâm và chấp hành quy định của pháp luật về tài chính.
Điều 12. Thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật
1. Tổ
chức chủ quản ra Quyết định thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật Quyết định
thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật do người đứng đầu tổ chức chủ quản ký và
có nội dung chính sau đây:
a)
Tên gọi của Trung tâm tư vấn pháp luật;
b) Mục
đích, nhiệm vụ của Trung tâm tư vấn pháp luật;
c)
Lĩnh vực hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật.
2. Tổ
chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội
- nghề nghiệp cấp trung ương, cấp ngành được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật
trong phạm vi cả nước.
Tổ chức
chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội -
nghề nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật trong
phạm vi địa phương mình.
Cơ sở
đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật
trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đặt trụ sở của cơ sở
đó.
3.
Tên gọi của Trung tâm tư vấn pháp luật phải bao gồm cụm từ “Trung tâm tư vấn
pháp luật” và thể hiện được tên của tổ chức chủ quản. Trong trường hợp một tổ
chức chủ quản thành lập từ hai Trung tâm tư vấn pháp luật trở lên, thì tên gọi
của các Trung tâm này phải có sự phân biệt với nhau.
Điều 13. Đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật2
1.
Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, nơi đặt trụ sở của
Trung tâm. Khi đăng ký hoạt động, Trung tâm tư vấn pháp luật gửi 01 bộ hồ sơ trực
tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp.
Hồ sơ
đăng ký hoạt động gồm có:
a)
Đơn đăng ký hoạt động;
b)
Quyết định của tổ chức chủ quản về việc thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật; về
việc cử Giám đốc của Trung tâm tư vấn pháp luật;
c) Dự
thảo quy chế tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn do tổ chức chủ quản ban
hành;
d)
Danh sách kèm theo hồ sơ của người được đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật,
của luật sư làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm.
Trong
thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có
trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm tư vấn pháp luật; trong
trường hợp từ chối, phải thông báo lý do bằng văn bản.
2.
Khi cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm tư vấn pháp luật, Sở Tư pháp đồng
thời cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật cho người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 19 của Nghị định này.
Bộ Tư
pháp quy định mẫu Giấy đăng ký hoạt động, Thẻ tư vấn viên pháp luật.
3.
Trung tâm tư vấn pháp luật được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt
động.
Điều 14. Chi nhánh của Trung tâm tư vấn pháp luật
1.
Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị
xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp Trung ương, cấp ngành,
cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật được đặt Chi nhánh trong phạm
vi cả nước.
Trung
tâm tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội
- nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp tỉnh được đặt Chi nhánh trong
phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đặt trụ sở của tổ chức chủ
quản.
2.
Chi nhánh của Trung tâm tư vấn pháp luật (sau đây gọi tắt là Chi nhánh) là đơn
vị phụ thuộc của Trung tâm. Chi nhánh được thực hiện tư vấn pháp luật trong phạm
vi hoạt động của Trung tâm. Trung tâm tư vấn pháp luật phải chịu trách nhiệm về
hoạt động của Chi nhánh.
3.
Chi nhánh của Trung tâm tư vấn pháp luật có con dấu để giao dịch.
Việc
khắc và sử dụng con dấu của Chi nhánh được thực hiện theo quy định của pháp luật
về quản lý và sử dụng con dấu.
4.
Chi nhánh phải có ít nhất một tư vấn viên pháp luật hoặc một luật sư hành nghề
với tư cách cá nhân làm việc cho Chi nhánh. Trung tâm tư vấn pháp luật cử một
tư vấn viên pháp luật hoặc một luật sư làm Trưởng Chi nhánh.
5.
Chi nhánh thực hiện đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, nơi đặt trụ sở của Chi
nhánh.
Trong
thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động của Chi
nhánh, Trung tâm tư vấn pháp luật phải thông báo bằng văn bản về việc đặt Chi
nhánh cho Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động của Trung tâm.
Điều 15. Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Trung tâm
tư vấn pháp luật, Chi nhánh
Trong
trường hợp thay đổi trụ sở, Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh, tư vấn viên
pháp luật, luật sư, thì Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh phải thông báo bằng
văn bản cho Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động.
Điều 16. Chấm dứt hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật,
Chi nhánh
1.
Trung tâm tư vấn pháp luật chấm dứt hoạt động trong những trường hợp sau đây:
a)
Theo quyết định của tổ chức chủ quản;
b) Bị
thu hồi Giấy đăng ký hoạt động.
2.
Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này,
thì chậm nhất là sáu mươi ngày, trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động, tổ
chức chủ quản phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động.
Trước
thời điểm chấm dứt hoạt động, Trung tâm tư vấn pháp luật phải làm thủ tục chấm
dứt hợp đồng lao động đã ký với luật sư, cộng tác viên và nhân viên của Trung
tâm; thực hiện xong các vụ việc mà Trung tâm đã nhận. Trong trường hợp không thể
thực hiện xong vụ việc thì Trung tâm phải thỏa thuận với cá nhân, tổ chức yêu cầu
tư vấn pháp luật về việc xử lý vụ việc đó.
3.
Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này,
thì trong hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Sở
Tư pháp có trách nhiệm thông báo với tổ chức chủ quản về việc thu hồi Giấy đăng
ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật.
Trong
thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Trung tâm
tư vấn pháp luật phải làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với luật sư,
cộng tác viên và nhân viên của Trung tâm; thực hiện xong các vụ việc mà Trung
tâm đã nhận. Trong trường hợp không thể thực hiện xong vụ việc thì Trung tâm phải
thỏa thuận với cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật về việc xử lý vụ việc
đó.
4.
Chi nhánh chấm dứt hoạt động trong những trường hợp sau đây:
a)
Theo quyết định của tổ chức chủ quản;
b)
Trung tâm tư vấn pháp luật mà Chi nhánh phụ thuộc chấm dứt hoạt động;
c) Bị
thu hồi Giấy đăng ký hoạt động.
Trung
tâm tư vấn pháp luật phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ và giải quyết mọi
vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hoạt động của Chi nhánh.
Điều 17. Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn
pháp luật, Chi nhánh
1.
Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động trong
trường hợp sau đây:
a)
Không còn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 5, khoản 4 Điều 14
của Nghị định này;
b) Có
hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm hoặc vi phạm
nghiêm trọng quy định sử dụng Giấy đăng ký hoạt động.
2. Sở
Tư pháp, nơi cấp Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi
nhánh thực hiện việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động.
Chương 3.
NGƯỜI THỰC
HIỆN TƯ VẤN PHÁP LUẬT
Điều 18. Người thực hiện tư vấn pháp luật
Người
thực hiện tư vấn pháp luật bao gồm:
1. Tư
vấn viên pháp luật.
2. Luật
sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm
tư vấn pháp luật.
3. Cộng
tác viên tư vấn pháp luật.
Điều 19. Tư vấn viên pháp luật
1. Tư
vấn viên pháp luật là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có đủ tiêu chuẩn
sau đây:
a) Có
năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người
đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án
tích;
b) Có
Bằng cử nhân luật;
c) Có
thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên.
2. Tư
vấn viên pháp luật được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật. Tư vấn viên pháp luật được
hoạt động trong phạm vi toàn quốc.
Công
chức đang làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm
sát nhân dân không được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật.
Điều 20. Cấp, thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật
1.3 Người đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật gửi 01 bộ hồ sơ
trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp.
Hồ sơ
cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật gồm có:
a) Giấy
đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật;
b) Bản
sao Bằng cử nhân luật;
c) Giấy
xác nhận về thời gian công tác pháp luật của người được đề nghị.
Trong
thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp, nơi
Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký hoạt động có trách nhiệm cấp Thẻ tư vấn viên
pháp luật cho người đủ điều kiện, trong trường hợp từ chối, phải thông báo lý
do bằng văn bản.
2.
Người đã được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật mà thuộc một trong các trường hợp
sau đây thì bị thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật:
a)
Không còn đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Nghị
định này;
b) Được
tuyển dụng làm công chức trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện
kiểm sát nhân dân;
c) Có
hành vi vi phạm thuộc trường hợp bị nghiêm cấm quy định tại điểm
a, b và c khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.
Sở Tư
pháp, nơi có Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh mà người có Thẻ tư vấn viên
pháp luật đang làm việc, thực hiện việc thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật.
Điều 21. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc cho
Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh
1. Luật
sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc cho Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi
nhánh theo hợp đồng lao động.
2. Luật
sư làm việc cho Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh có quyền, nghĩa vụ theo hợp
đồng lao động ký kết giữa luật sư và Trung tâm tư vấn pháp luật, phù hợp với
quy định của pháp luật về luật sư.
Điều 22. Cộng tác viên tư vấn pháp luật
1. Cộng
tác viên tư vấn pháp luật phải có đủ điều kiện quy định tại các điểm
a, b khoản 1 Điều 19 của Nghị định này. Người có bằng đại học khác làm việc
trong các ngành, nghề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; người
thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc
thiểu số và miền núi có bằng trung cấp luật hoặc có thời gian làm công tác pháp
luật từ ba năm trở lên hoặc có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng
có thể làm cộng tác viên tư vấn pháp luật.
Cán bộ,
công chức có thể làm cộng tác viên tư vấn pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp
luật, Chi nhánh trong trường hợp việc làm cộng tác viên đó không trái với pháp
luật về cán bộ, công chức.
2. Cộng
tác viên tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật theo hợp đồng cộng tác
viên được ký kết giữa Trung tâm tư vấn pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp
luật.
Quyền,
nghĩa vụ của cộng tác viên tư vấn pháp luật được quy định trong hợp đồng cộng
tác viên.
3. Cộng
tác viên tư vấn pháp luật chỉ được nhận vụ việc từ Trung tâm tư vấn pháp luật,
Chi nhánh.
Điều 23. Quyền và nghĩa vụ của người thực hiện tư vấn pháp
luật
1. Thực
hiện tư vấn pháp luật trong phạm vi hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật,
Chi nhánh nơi mình làm việc.
2. Được
bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
3. Được
hưởng thù lao từ việc thực hiện tư vấn pháp luật.
4. Chịu
trách nhiệm về nội dung tư vấn do mình thực hiện.
5.
Tuân thủ các quy định của tổ chức chủ quản, quy định của Nghị định này và các
quy định khác có liên quan của pháp luật về luật sư, trợ giúp pháp lý.
6. Bồi
hoàn thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong khi thực hiện tư vấn pháp luật.
Chương 4.
QUẢN LÝ HOẠT
ĐỘNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT
Điều 24. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong quản lý hoạt động
tư vấn pháp luật
Bộ Tư
pháp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm
pháp luật về tư vấn pháp luật; tổ chức tổng kết, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ
việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người thực hiện tư vấn pháp luật và thực
hiện các biện pháp hỗ trợ khác nhằm phát triển tổ chức, hoạt động tư vấn pháp
luật quy định tại Nghị định này.
Điều 25. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương trong quản lý hoạt động tư vấn pháp luật
1. Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra,
thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của
Trung tâm tư vấn pháp luật theo thẩm quyền; thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát
triển tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật tại địa phương.
2. Sở
Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản
lý hoạt động tư vấn pháp luật, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Cấp,
thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh;
b) Cấp,
thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật;
c) Phối
hợp với tổ chức chủ quản cùng cấp trong việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
cho người thực hiện tư vấn pháp luật;
d)
Tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về
các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật tại địa
phương;
đ) Thực
hiện kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức,
hoạt động tư vấn pháp luật theo thẩm quyền hoặc theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
e)
Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư pháp định
kỳ hàng năm về tổ chức và hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh tại
địa phương hoặc theo yêu cầu trong trường hợp đột xuất.
Điều 26. Trách nhiệm của tổ chức chủ quản trong quản lý hoạt
động tư vấn pháp luật
Tổ chức
chủ quản có trách nhiệm quản lý về tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp
luật, Chi nhánh do mình thành lập theo quy định tại Nghị định này và Điều lệ của
tổ chức mình.
Điều 27. Xử lý vi phạm đối với người thực hiện tư vấn pháp
luật, Trung tâm tư vấn pháp luật và Chi nhánh
1.
Người thực hiện tư vấn pháp luật có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định
này thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính
hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường
theo quy định của pháp luật.
2.
Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh có hành vi vi phạm các quy định của Nghị
định này thì bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường
theo quy định của pháp luật.
3.
Hình thức, thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm hành chính về tư vấn pháp luật được
thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực
tư pháp.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH4
Điều 28. Quy định chuyển tiếp
Giấy
đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, Giấy chứng nhận tư vấn viên
pháp luật được cấp theo quy định của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 6
năm 2003 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật tiếp tục có hiệu
lực theo quy định của Nghị định này.
Điều 29. Hiệu lực thi hành
1. Nghị
định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Nghị định
số 65/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động
tư vấn pháp luật hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
2.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm thi hành Nghị định này./.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hoàng Thế Liên
|
[1] Nghị định số 05/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của
các Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn
pháp luật có căn cứ ban hành như sau:
“Căn
cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn
cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Thực
hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về đơn giản
hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp;
Xét đề nghị của Bộ trưởng
Bộ Tư pháp,”
2 Điều
này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định số
05/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đăng ký giao dịch
bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật, có hiệu lực kể từ ngày 01
tháng 4 năm 2012.
3 Khoản
này được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định số
05/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đăng ký giao dịch
bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật, có hiệu lực kể từ ngày 01
tháng 4 năm 2012.
4 Điều 6 của Nghị định số 05/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một
số điều của các Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật
sư, tư vấn pháp luật, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2012 quy định như
sau:
“Điều
6. Điều khoản thi hành
Nghị định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2012. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Nghị định này.”