BỘ TƯ PHÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/2018/TT-BTP
|
Hà Nội, ngày 21
tháng 6 năm 2018
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH VỤ VIỆC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ PHỨC TẠP, ĐIỂN HÌNH
Căn cứ Luật Trợ
giúp pháp lý ngày 20 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 144/2017/NĐ-CP
ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP
ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2016 của Thủ
tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào
dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn
giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp
hoặc điển hình;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp
lý;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư quy định
Tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định tiêu chí xác định các vụ việc
tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật trong hoạt động trợ
giúp pháp lý là vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau:
1. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có
liên quan.
Điều 3. Tiêu chí chung đối với
vụ việc tham gia tố tụng
1. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc được dư
luận quan tâm, nhiều cơ quan báo chí ở Trung ương hay địa phương đưa tin.
2. Vụ việc mà quan điểm của người thực hiện trợ
giúp pháp lý khác với một trong các cơ quan tiến hành tố tụng và được chấp nhận
theo hướng có lợi cho người được trợ giúp pháp lý tại bản án, quyết định tố tụng.
3. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc có nhiều
tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau hoặc đánh giá chứng cứ, áp dụng
pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều ý kiến khác nhau hoặc vụ việc
có liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau.
4. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc bị
kháng nghị để giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm hoặc trong vụ án được xét xử
lại.
5. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc có liên
quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
6. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc có một
trong các bên đương sự cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài.
Điều 4. Tiêu chí đối với vụ việc
tham gia tố tụng hình sự
Vụ việc trợ giúp pháp lý trong tham gia tố tụng
hình sự được xác định là vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình khi đáp ứng
một trong các tiêu chí sau đây:
1. Đáp ứng một trong những tiêu chí quy định tại Điều
3 Thông tư này.
2. Thực hiện trợ giúp pháp lý cho bị can, bị cáo bị
truy tố nhiều tội danh trong cùng một vụ án.
3. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc thuộc
thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới nhưng được cơ quan tiến hành
tố tụng cấp trên lấy lên để giải quyết hoặc thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ
việc phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.
4. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc trả hồ
sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung.
5. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ án mà Viện
kiểm sát nhân dân đề nghị áp dụng mức hình phạt tù từ 02 năm trở lên, trừ những
vụ việc được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
6. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ án chỉ định
người bào chữa.
Điều 5. Tiêu chí đối với vụ việc
tham gia tố tụng dân sự
Vụ việc trợ giúp pháp lý trong tham gia tố tụng dân
sự, trừ việc dân sự và những vụ việc được giải quyết theo thủ tục rút gọn, được
xác định là vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình khi đáp ứng một trong
các tiêu chí sau đây:
1. Đáp ứng một trong những tiêu chí quy định tại Điều
3 Thông tư này.
2. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc mà quy
định của pháp luật về những vấn đề cần giải quyết trong vụ án chưa rõ ràng,
chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất hoặc chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều
chỉnh trực tiếp.
3. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc thuộc
thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp dưới nhưng được Tòa án nhân dân cấp trên lấy
lên để giải quyết hoặc thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc phải gia hạn thời
hạn chuẩn bị xét xử.
Điều 6. Tiêu chí đối với vụ việc
tham gia tố tụng hành chính
Vụ việc trợ giúp pháp lý trong tham gia tố tụng
hành chính, trừ những vụ việc được giải quyết theo thủ tục rút gọn, được xác định
là vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình khi đáp ứng một trong các tiêu
chí sau đây:
1. Đáp ứng một trong những tiêu chí quy định tại Điều
3 Thông tư này.
2. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc phát
sinh trong lĩnh vực mới mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực
tiếp.
3. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc có liên
quan đến quyền và lợi ích của nhiều người.
4. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc khiếu nại,
tố cáo kéo dài về quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng hoặc các lĩnh vực
pháp luật khác tại địa phương.
Điều 7. Tiêu chí đối với vụ việc
đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật
Vụ việc trợ giúp pháp lý đại diện ngoài tố tụng, tư
vấn pháp luật được xác định là vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình khi
đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:
1. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc khiếu nại
kéo dài được dư luận đặc biệt quan tâm, nhiều cơ quan báo chí ở Trung ương hay
địa phương đưa tin hoặc trong vụ việc mà tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý kiến
nghị các cơ quan, tổ chức về các vấn đề liên quan đến vụ việc.
2. Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc đã được
giải quyết nhiều lần hoặc do nhiều cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 21 tháng 8
năm 2018.
2. Việc xác định vụ việc tham gia tố tụng có tính
chất phức tạp hoặc điển hình trong hoạt động trợ giúp pháp lý đối với những vụ
việc đã hoàn thành trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì áp dụng theo
các Tiêu chí quy định tại Quyết định số 2662/QĐ-BTP
ngày 29/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Tiêu chí xác định vụ
việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình trong hoạt động trợ
giúp pháp lý năm 2016 và năm 2017.
Điều 9. Trách nhiệm thi hành
1. Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Thủ trưởng các
đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp
lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Sở Tư pháp và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước
chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc áp dụng các tiêu chí quy định tại Thông
tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc,
bất cập, đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp đế nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp: Bộ trưởng, các Thứ trưởng; các đơn vị thuộc Bộ;
- Sở Tư pháp, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản
quy phạm pháp luật; Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;
-Lưu: VT, Cục TGPL(10).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Khánh Ngọc
|