ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
39/2021/QĐ-UBND
|
Kon
Tum, ngày 22 tháng 11 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHÍ XÉT DUYỆT HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ THÀNH LẬP VĂN
PHÒNG CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Công chúng ngày 20
tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 29/2015/NĐ-CP
ngày 15 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Công chúng;
Căn cứ Thông tư số 01/2021/TT-BTP
ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Công chúng;
Theo đề nghị của Sở Tư pháp tại Tờ
trình số 128/TTr-STP ngày 29 tháng 10 năm 2021 và số 131/TTr-STP ngày 11 tháng
11 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về
tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh
Kon Tum.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
03 tháng 12 năm 2021.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng Văn thư - Lưu trữ (Sở Nội vụ);
- Lưu: VT- NC-NĐB.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Ngọc Tuấn
|
QUY ĐỊNH
VỀ TIÊU CHÍ XÉT DUYỆT HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ THÀNH LẬP
VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 39/2021/QĐ-UBND Ngày 22 tháng 11
năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều
chỉnh: Quy định này quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn
phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
2. Đối tượng áp dụng:
Quy định này áp dụng đối với công chứng viên nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn
phòng công chứng, cơ quan quản lý nhà nước về công chứng và các cơ quan, tổ chức
có liên quan trong việc xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng.
Điều 2. Nguyên tắc xét duyệt hồ sơ
1. Việc xét duyệt
hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng phải đảm bảo công bằng, công khai,
khách quan và đúng quy định của pháp luật.
2. Việc thành lập
Văn phòng công chứng phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội,
đáp ứng nhu cầu công chứng của từng địa bàn huyện, thành phố (sau đây gọi là
cấp huyện); tổ chức hành nghề công chứng gắn với địa bàn dân cư, không tập
trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng trong cùng một địa bàn cấp huyện.
3. Hồ sơ xét duyệt
phải tuân theo quy định của Luật Công chứng, Quy định này và các văn bản pháp
luật khác có liên quan.
Điều 3. Trách nhiệm của công chứng viên nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn
phòng công chứng
1. Công chứng
viên nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng chịu trách nhiệm về tính
xác thực của hồ sơ và nộp kèm các giấy tờ chứng minh về những nội dung trình
bày trong Đề án thành lập Văn phòng công chứng.
2. Thực hiện đúng
các nội dung đã nêu tại Đề án thành lập Văn phòng công chứng sau khi Đề án được
xét duyệt và thành lập.
Điều 4. Tiêu chí xét duyệt hồ sơ
Việc xét duyệt hồ
sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng phải dựa trên các tiêu chí sau:
1. Tiêu chí bắt
buộc là những điều kiện tối thiểu mà Văn phòng công chứng cần phải đáp ứng để đảm
bảo cho hoạt động của Văn phòng công chứng, bao gồm:
a. Trụ sở Văn
phòng công chứng: Diện tích trụ sở của Văn phòng công chứng phải có tổng diện
tích tối thiểu là 100m2, trong đó diện tích dành cho khách hàng ít
nhất là 60m2, diện tích dành cho lưu trữ ít nhất là 30m2 và
có chỗ dành cho việc giữ xe. Đối với địa bàn cấp huyện đã có tổ chức hành nghề
công chứng thì trụ sở Văn phòng công chứng dự kiến thành lập phải cách tổ chức
hành nghề công chứng đang hoạt động ít nhất là 5km (tính theo đường chim
bay).
b. Công chứng
viên: Văn phòng công chứng phải có từ 02 công chứng viên hợp danh trở lên. Trưởng
Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng
và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.
c. Cơ sở vật chất
và tổ chức nhân sự: Văn phòng công chứng phải có dự kiến các trang thiết bị để
phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ, có nhân viên phụ trách kế toán, nhân viên phụ
trách lưu trữ, nhân viên phụ trách công nghệ thông tin (có thể hoạt động
kiêm nhiệm).
2. Tiêu chí tính
điểm khi xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng (thang điểm
100), bao gồm:
a. Tiêu chí về trụ
sở và cơ sở vật chất (45 điểm). b. Tiêu chí về tổ chức nhân sự (49 điểm).
c. Các tiêu chí khác
(6 điểm).
Chương II
NỘI DUNG TIÊU
CHÍ TÍNH ĐIỂM
Mục 1. TIÊU CHÍ VỀ TRỤ SỞ VÀ CƠ SỞ VẬT CHẤT
Điều 5. Vị trí dự kiến đặt trụ sở Văn phòng công chứng
Điểm tối đa là 20
điểm, trong đó:
1. Trụ sở Văn
phòng công chứng đặt tại địa bàn cấp huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng:
20 điểm.
2. Trụ sở Văn
phòng công chứng đặt tại địa bàn cấp huyện có từ 05 tổ chức hành nghề công chứng
trở xuống: 10 điểm.
3. Trụ sở Văn
phòng công chứng đặt tại địa bàn cấp huyện có trên 05 tổ chức hành nghề công chứng
không tính điểm.
Điều 6. Trụ sở Văn phòng công chứng
Điểm tối đa là 8
điểm, trong đó:
1. Tổng diện tích
sử dụng của trụ sở Văn phòng công chứng, điểm tối đa là 6 điểm, cụ thể:
a. Diện tích từ
100m2 đến dưới 150m2: 4 điểm.
b. Diện tích từ
150m2 đến dưới 300m2: 5 điểm.
c. Diện tích từ
300m2 trở lên: 6 điểm.
2. Về tính pháp
lý trụ sở Văn phòng công chứng, điểm tối đa là 2 điểm, cụ thể:
a. Trụ sở Văn
phòng công chứng có hợp đồng thuê, mượn hợp lệ, điểm tối đa là 1,5 điểm, trong
đó:
- Hợp đồng thuê,
mượn có thời hạn thuê, mượn từ 01 đến dưới 03 năm: 0,5 điểm;
- Hợp đồng thuê,
mượn có thời hạn thuê, mượn từ 03 đến dưới 05 năm: 1 điểm;
- Hợp đồng thuê,
mượn có thời hạn thuê, mượn từ 05 năm trở lên: 1,5 điểm.
b. Trụ sở Văn phòng
công chứng thuộc sở hữu hợp pháp của công chứng viên là thành viên hợp danh: 2
điểm.
Điều 7. Diện tích dành cho tiếp khách hàng (phục vụ hoạt động
chuyên môn của Văn phòng công chứng)
Điểm tối đa là 5
điểm, trong đó:
1. Diện tích từ
60m2 đến dưới 80m2: 3 điểm.
2. Diện tích từ
80m2 đến dưới 100m2: 4 điểm.
3. Diện tích từ
100m2 trở lên: 5 điểm. Điều 8. Diện tích dành cho lưu trữ Điểm
tối đa là 5 điểm, trong đó:
1. Diện tích từ
30m2 đến dưới 60m2: 3 điểm.
2. Diện tích từ
60m2 đến dưới 70m2: 4 điểm.
3. Diện tích từ
70m2 trở lên: 5 điểm.
Điều 9. Điều kiện thực hiện các quy định về an ninh trật tự và an toàn
giao thông
Điểm tối đa là 4
điểm, trong đó:
1. Diện tích dành
cho giữ xe, điểm tối đa là 3 điểm, cụ thể:
a. Diện tích giữ
xe từ 10m2 đến dưới 50m2: 2 điểm.
b. Diện tích giữ
xe từ 50m2 đến dưới 60m2: 2,5 điểm.
c. Diện tích giữ
xe từ 60m2 trở lên: 3 điểm.
2. Có phương án
phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông: 1 điểm.
Điều 10. Cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ và ứng dụng
công nghệ thông tin
Điểm tối đa là 3
điểm, trong đó:
1. Có dự kiến
trang bị máy photocoppy, 05 máy tính trở lên, kết nối Internet và các trang thiết
bị khác đảm bảo cho hoạt động của Văn phòng công chứng: 0,5 điểm.
2. Có dự kiến lắp
camera trong và ngoài trụ sở Văn phòng: 1 điểm.
3. Có dự kiến
trang bị thiết bị hỗ trợ kiểm tra giấy tờ giả: 1 điểm.
4. Có phương án sử
dụng phần mềm quản lý nghiệp vụ (phần mềm kế toán, cơ sở dữ liệu công
chứng): 0,5 điểm.
Mục 2. TIÊU CHÍ VỀ TỔ CHỨC NHÂN SỰ
Điều 11. Số lượng công chứng viên
Điểm tối đa là 18
điểm, trong đó:
1. Văn phòng công
chứng do 03 công chứng viên trở lên hợp danh thành lập: 18 điểm.
2. Văn phòng công
chứng có 02 công chứng viên là thành viên hợp danh thành lập: 12 điểm, trường hợp
có công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng được tính 3 điểm/người.
Điều 12. Trình độ, kinh nghiệm của công chứng viên
Điểm tối đa là 15
điểm, trong đó số điểm tính cho từng công chứng viên như sau:
1. Công chứng
viên có thời gian hành nghề công chứng từ 05 năm trở lên: 10 điểm.
2. Công chứng
viên có thời gian hành nghề công chứng dưới 05 năm: 5 điểm.
3. Công chứng
viên chưa có thời gian hành nghề: 3 điểm.
Điều 13. Trình độ, kinh nghiệm của chuyên viên nghiệp vụ
Điểm tối đa là 10
điểm, trong đó số điểm tính cho từng chuyên viên nghiệp vụ như sau:
1. Chuyên viên
nghiệp vụ có bằng cử nhân luật được tính 0,5 điểm.
2. Chuyên viên
nghiệp vụ được cộng tối đa 1 điểm nếu thuộc các trường hợp sau:
a. Có thời gian
công tác pháp luật từ 05 năm trở lên: 0,5 điểm.
b. Đã có chứng chỉ
tốt nghiệp khóa đào tạo hoặc bồi dưỡng nghề công chứng: 0,5 điểm.
3. Mỗi chuyên
viên nghiệp vụ được cộng tối đa 1 điểm nếu thuộc các trường hợp sau:
a. Có thời gian
công tác nghiệp vụ công chứng từ 03 năm đến dưới 05 năm: 0,5 điểm.
b. Có thời gian
công tác nghiệp vụ công chứng từ 05 năm trở lên: 1 điểm.
Điều 14. Nhân sự phụ trách kế toán
Điểm tối đa là 2
điểm, trong đó:
1. Có bằng trung
cấp hoặc tương đương trở lên chuyên ngành kế toán, thời gian công tác kế toán
trên 01 năm: 2 điểm.
2. Có bằng trung
cấp hoặc tương đương trở lên chuyên ngành kế toán: 1 điểm.
Điều 15. Nhân sự phụ trách công nghệ thông tin
Điểm tối đa là 2
điểm, trong đó:
1. Có bằng trung
cấp hoặc tương đương trở lên chuyên ngành công nghệ thông tin: 2 điểm.
2. Sử dụng tốt một
số kỹ năng công nghệ thông tin (tin học văn phòng, chỉnh sửa một số lỗi
đơn giản trên máy tính và môi trường Internet…): 1 điểm.
Điều 16. Nhân sự phụ trách lưu trữ
Điểm tối đa là 2
điểm, trong đó:
1. Có bằng trung
cấp hoặc tương đương trở lên chuyên ngành văn thư, lưu trữ: 2 điểm.
2. Có khả năng đảm
nhiệm công việc lưu trữ hồ sơ: 1 điểm.
Mục 3. CÁC TIÊU CHÍ KHÁC
Điều 17. Xây dựng quy trình nghiệp vụ công chứng và quy trình lưu trữ hồ sơ chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật
Điểm tối đa là 2 điểm,
trong đó:
1. Xây dựng quy
trình nghiệp vụ công chứng chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật: 1 điểm.
2. Xây dựng quy
trình lưu trữ chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật: 1 điểm.
Điều 18. Khả năng quản trị Văn phòng công chứng
Điểm tối đa là 3
điểm, trong đó:
1. Trưởng Văn
phòng công chứng từng có kinh nghiệm quản trị tổ chức hành nghề công chứng từ
02 năm trở lên: 3 điểm.
2. Trưởng Văn
phòng công chứng có bằng cấp hoặc giấy tờ chứng minh đã qua lớp đào tạo, bồi dưỡng
kiến thức về quản trị doanh nghiệp: 2 điểm.
3.Trưởng Văn
phòng công chứng chưa có kinh nghiệm quản trị tổ chức hành nghề công chứng: 01
điểm.
Điều 19. Tính bảo đảm thực thi của Đề án thành lập Văn phòng công chứng
Điểm tối đa 1 điểm,
trong đó Đề án thành lập Văn phòng công chứng thể hiện được tính khả thi, cho
thấy sự cần thiết thành lập Văn phòng công chứng; có số liệu, bảng biểu, hình ảnh
minh họa và đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định.
Điều 20. Các trường hợp không tiếp nhận hồ sơ thành lập Văn phòng công
chứng
1. Công chứng
viên dự kiến là Trưởng Văn phòng công chứng đã chuyển nhượng Văn phòng công chứng
trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chuyển nhượng.
2. Công chứng
viên đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị kết án bằng bản án đã có hiệu
lực pháp luật của Tòa án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích hoặc về tội
phạm do cố ý.
3. Đề án không
đáp ứng các tiêu chí bắt buộc là những điều kiện tối thiểu mà Văn phòng công chứng
cần phải có để đảm bảo cho hoạt động của Văn phòng công chứng được nêu tại khoản
1 Điều 4 Quy định này.
Chương III
CÁCH THỨC XÉT
DUYỆT HỒ SƠ, HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG
Điều 21. Tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công
chứng
1. Sở Tư pháp có
trách nhiệm hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng
(Hồ sơ được tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hoặc các địa
điểm được tiếp nhận thủ tục hành chính theo quy định của cấp có thẩm quyền).
2. Giám đốc Sở Tư
pháp quyết định thành lập Tổ xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công
chứng, do lãnh đạo Sở Tư pháp làm Tổ trưởng. Các thành viên của Tổ xét duyệt hồ
sơ làm việc độc lập, căn cứ vào tiêu chí và thang điểm nêu tại Chương II của
Quy định này để xét duyệt và chấm điểm từng hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng.
Điều 22. Cách thức chấm điểm
1. Điểm của từng
hồ sơ được tính bằng cách lấy điểm chấm của các thành viên Tổ xét duyệt cộng lại
và chia cho số lượng thành viên tham gia chấm điểm.
2. Việc xét duyệt
và chấm điểm hồ sơ phải được lập thành biên bản và có chữ ký của các thành viên
Tổ xét duyệt.
3. Hồ sơ đáp ứng
để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phải đảm bảo các tiêu chí tại khoản 1 Điều 4 và đạt
từ 60 điểm trở lên đối với các tiêu chí tại khoản 2 Điều 4 của Quy định này, đồng
thời, mỗi nhóm tiêu chí (Mục 1, Mục 2, Mục 3 Chương II Quy định này) phải
đạt ít nhất từ 50% số điểm trở lên.
4. Căn cứ vào kết
quả xét duyệt và số điểm của từng hồ sơ, Giám đốc Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng theo quy định
pháp luật.
Điều 23. Hoạt động Văn phòng công chứng
1. Sở Tư pháp tiến
hành kiểm tra trụ sở, điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự của Văn phòng công chứng
trước khi cấp Giấy đăng ký hoạt động. Trường hợp Văn phòng công chứng không đáp
ứng đúng nội dung tại Đề án đã được xét chọn, Sở Tư pháp báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng, theo quy định
pháp luật.
2. Văn phòng công
chứng sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động thì phải hoạt động theo đúng Đề
án thành lập (đối với nội dung: Công chứng viên hợp danh, trụ sở) ít nhất
là 03 năm, trừ các trường hợp sau:
a. Công chứng
viên hợp danh chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, bị kết án, bị miễn
nhiệm công chứng viên.
b. Hết thời hạn
thuê, mượn trụ sở nhưng không ký kết được hợp đồng thuê, mượn mới tại vị trí
cũ. Trường hợp thay đổi trụ sở thì trụ sở mới đảm bảo với các tiêu chí về trụ sở
được quy định tại Quy định này.
3. Sở Tư pháp có
trách nhiệm thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi
Quyết định cho phép thành lập trong trường hợp Văn phòng công chứng hoạt động
không đúng với Đề án thành lập và quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Các Văn phòng
công chứng đã thành lập từ trước hoặc sau khi Quy định này có hiệu lực, khi
thay đổi địa điểm trụ sở Văn phòng công chứng thì trụ sở và cơ sở vật chất của
Văn phòng công chứng phải đạt từ 70% số điểm trở lên đối với tiêu chí được quy
định tại Mục 1 Chương II của Quy định này.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 24. Khiếu nại, tố cáo
1. Công chứng viên
nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng có quyền khiếu nại về việc từ
chối tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng hoặc từ chối cho
phép thành lập Văn phòng công chứng, khi có căn cứ cho rằng việc từ chối đó là
trái với Quy định này hoặc quy định của pháp luật.
2. Công chứng
viên, cá nhân, tổ chức có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về
các hành vi vi phạm pháp luật trong việc xét duyệt hồ sơ và cho phép thành lập
Văn phòng công chứng.
3. Việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo tuân theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 25. Tổ chức thực hiện
Sở Tư pháp có
trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu phát
sinh khó khăn, vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Ủy ban
nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp tổng hợp, tham mưu) để xem xét sửa đổi, bổ
sung theo quy định của pháp luật./.