ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3618/QĐ-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 10 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH
PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Nghị định số 08/2020/NĐ-CP
ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;
Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-BTP
ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển
khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính
phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư
pháp tại Tờ trình số 3530/TTr-STP-TC ngày 01 tháng 8 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển
Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố,
Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc các Sở, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
quận, huyện, thành phố Thủ Đức, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy:
- Thường trực HĐND Thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Tòa án nhân dân Thành phố;
- Viện kiểm sát nhân dân Thành phố;
- Cục Thi hành án dân sự Thành phố;
- VPUB: CVP, các PCVP;
- Các phòng NCTH;
- Lưu: VT, (NCPC/Kh).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Ngô Minh Châu
|
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Kèm theo Quyết định số 3618/QĐ-UBND ngày
25 tháng 10 năm 2022 của Ủy
ban nhân dân Thành phố)
Phần I
CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ
TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ ÁN
1. Cơ sở pháp
lý và các quy định liên quan về việc xây dựng Đề án
- Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26
tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại, theo đó “ghi
nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo
Nghị quyết 24/2008/QH12 và Nghị quyết 36/2012/QH13. Chấm dứt việc thí điểm và
cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày
01/01/2016....”.
- Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP
ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại
quy định việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại như sau:
“1. Việc thành lập Văn phòng Thừa
phát lại phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:
a) Điều kiện về kinh tế - xã hội của
địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;
b) Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa
án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn
phòng Thừa phát lại;
c) Mật độ dân cư và nhu cầu của
người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;
d) Không quá 02 Văn phòng Thừa
phát lại tại 01 đơn vị hành chính cấp huyện là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị
xã; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính huyện.
2. Căn cứ vào các tiêu chí quy định
tại khoản 1 Điều này, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án
phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
phê duyệt.
3. Căn cứ vào Đề án phát triển Văn
phòng Thừa phát lại đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo về
việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương...”.
- Khoản 1 Điều 68 Nghị định số
08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của
Thừa phát lại quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực
hiện quản lý nhà nước về Thừa phát lại tại địa phương như sau: "Phê duyệt
Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa
phương;..."
- Công văn số 875/BTP-BTTP ngày 13
tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp về việc triển khai thực hiện Nghị định số
08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của
Thừa phát lại, Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành có liên quan thực hiện việc: "Khảo sát, đánh giá
nhu cầu, khả năng phát triển chế định Thừa phát lại tại địa
phương, xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa
phương theo các tiêu chí quy định tại khoản 1
Điều 21 của Nghị định và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và các điều kiện khác để đảm bảo thực
hiện có hiệu quả Đề án đã được phê duyệt.
Đối với các địa phương đã được Bộ
Tư pháp phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại thì tiếp tục thực hiện
theo Đề án đã được phê duyệt, trường hợp có nhu cầu phát triển thêm Văn phòng
Thừa phát lại tại địa phương thì Sở Tư pháp căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 21
của Nghị định, hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Mục này để tham mưu, trình Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định."
- Công văn số 881/UBND-NCPC ngày 12
tháng 3 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc triển khai thực hiện Nghị
định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020, Ủy ban nhân dân Thành phố giao
Sở Tư pháp: "Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án
phát triển Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố, trình Ủy ban nhân dân thành
phố phê duyệt khi Chính phủ ban hành quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với
hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động của Thừa phát lại...".
2. Cơ sở thực
tiễn điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu dịch vụ pháp lý do Thừa phát lại cung
cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu của vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam (Vùng), có tỷ lệ đóng góp lớn cho sự phát triển
kinh tế - xã hội của Vùng và cả nước; là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh
tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội
nhập quốc tế, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của Vùng. Tổng sản phẩm
trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016 - 2019 tăng trưởng bình quân 7,72%, ước giai
đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 6,41%, tỷ trọng kinh tế Thành phố đóng
góp trên 22,2% kinh tế cả nước. Thu ngân sách Thành phố luôn chiếm tỷ trọng lớn
nhất cả nước (năm 2019 khoảng 27%), chất lượng đời sống người dân được nâng
cao, GRDP/người của Thành phố là hơn 6.300 USD vào năm 20201. Cùng với đó, tổng diện tích của Thành phố Hồ Chí Minh là 2.061
km2 và được chia thành 16 quận, 5 huyện và thành phố Thủ Đức; mật độ
dân số của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay 4.292 người/km2. Với mật độ
dân cư đông, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao
dẫn đến nhu cầu của người dân về dịch vụ pháp lý ngày một tăng, trong đó kể đến
các dịch vụ pháp lý do Thừa phát lại cung cấp.
Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hoá
và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động dịch vụ pháp lý ngày càng phát huy mạnh
mẽ trong các hoạt động thương mại. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội thì
các nhu cầu về giao kết hợp đồng giữa các tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực về
dân sự, kinh tế ngày càng nhiều, dễ phát sinh các mâu thuẫn tranh chấp, khiếu
kiện...dẫn đến nhu cầu về cung cấp dịch vụ pháp lý lập vi bằng ghi nhận sự kiện,
hành vi của tổ chức, cá nhân trong xã hội không ngừng gia tăng. Do đó, việc
phát triển tổ chức Thừa phát lại trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, góp
phần cùng cơ quan nhà nước giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Thông qua hoạt
động lập vi bằng sẽ cung cấp chứng cứ để Tòa án xem xét giải quyết vụ việc, là
căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Bên cạnh đó, hoạt động Thừa phát lại
không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn hỗ trợ hoạt động của các cơ quan
tố tụng như Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án trong việc tống đạt giấy tờ, hồ
sơ tài liệu, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành bản án, quyết định
của Tòa án ... Đặc biệt, trong những năm gần đây, khối lượng công việc của Tòa
án, cơ quan Thi hành án tại Thành phố Hồ Chí Minh rất nhiều, ngày càng gia
tăng, cụ thể như sau:
- Về kết quả công tác thi hành án dân
sự:
+ Năm 2019: về việc, đến hết tháng
9/2019, số cũ chuyển sang là 43.328 việc; từ 01 tháng 10 năm 2018 đến 30 tháng
9 năm 2019, thụ lý mới 69.379 việc, tăng 3.139 việc (4,74%) so với cùng kỳ năm
2018. Như vậy, tổng số thụ lý là 112.707 việc, tăng 1.569 việc (1,41%) so với
cùng kỳ năm 2018. Về tiền, đến hết tháng 9 tháng 2019, số cũ chuyển sang là
47.830.247.118.806 đồng, thụ lý mới 58.212.520.602.854 đồng, tăng
40.904.344.567.290 đồng (236,33%) so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, tổng số tiền
thụ lý là 106.042.767.721.660 đồng, tăng 36.766.608.253.171 đồng (53,07%) so với
cùng kỳ năm 2018.
+ Năm 2020: về việc, tổng số giải quyết
là 102.873 việc, trong đó, số cũ chuyển sang (trừ số đã chuyển sổ theo dõi
riêng) là 42.832 việc, thụ lý mới 60.041 việc, giảm 9.700 việc (13,91%) so với
cùng kỳ năm 2019. Về tiền, tổng số giải quyết là 112.513.698.754 đồng, trong
đó, số cũ chuyển sang (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) là 76.689.766.323 đồng,
số thụ lý mới là 35.823.932.431.000 đồng, giảm 23.490.678.042 đồng (giảm 39,60
%) so với năm 2019.
+ Năm 2021: về việc, tổng số giải quyết
là 88.124 việc, trong đó, số cũ chuyển sang (trừ số đã chuyển sổ theo dõi
riêng) là 41.574 việc, thụ lý mới 46.550 việc, giảm 13.491 việc tương đương giảm
22,47% so với cùng kỳ năm 2020. Về tiền, tổng số giải quyết là
107.907.920.467.444 đồng, trong đó, số cũ chuyển sang (trừ số đã chuyến sổ theo
dõi riêng) là 81.940.331.543.678 đông, số thụ lý mới là 25.967.588.923.766 đồng,
giảm 9.856.343.507.447 đồng (giảm 27,51 %) so với năm 2020.
- Về thụ lý và giải quyết của cơ quan
Tòa án:
+ Năm 2019: Tòa án nhân dân hai cấp
Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý 62.839 vụ việc, giải quyết 49.034 vụ việc, đạt tỷ
lệ 78,03%, còn lại 13.805 vụ việc chưa giải quyết, trong đó có 6.221 vụ việc
đang tạm đình chỉ. Số lượng vụ án còn lại chưa giải quyết hầu hết là những vụ
án mới thụ lý, đang trong quá trình chuẩn bị xét xử và còn trong thời hạn giải
quyết theo quy định của pháp luật. So với cùng kỳ năm 2018, thụ lý tăng 1.541 vụ
việc, giải quyết giảm 7.838 vụ việc.
+ Năm 2020: Tòa án nhân dân hai cấp
Thành phố giải quyết 49.190/62.318 vụ việc, đạt 78,93%; số vụ việc còn lại hầu
hết còn trong thời hạn theo quy định pháp luật và đang được tiếp tục xem xét,
giải quyết. Trong đó, giải quyết 47.139/60.062 vụ việc sơ thẩm, đạt 78,5%, giải
quyết 2.051/2.256 vụ việc phúc thẩm, đạt 91,0%. So với cùng kỳ năm 2019, thụ lý
giảm 8.600 vụ việc, giải quyết giảm 844 vụ việc, tỷ lệ giải quyết tăng 0,9%.
+ Năm 2021: Tòa án nhân dân hai cấp
Thành phố giải quyết 26.493/51.062 vụ việc thụ lý, đạt 51,88%. Trong đó, giải
quyết 25.409/49.445 vụ việc sơ thẩm, đạt 51,3%; giải quyết 1.084/1.617 vụ việc phúc
thẩm, đạt 67%. So với cùng kỳ năm 2020, thụ lý giảm 11.256 vụ việc, giải quyết
giảm 22.679 vụ việc, tỷ lệ giải quyết giảm 27,5%.
Từ những số liệu nêu trên cho thấy
nhu cầu phát triển Văn phòng Thừa phát lại của Thành phố là cần thiết nhằm góp
phần chia sẻ khó khăn về biên chế, nhân sự, làm giảm tải khối lượng công việc của
các cơ quan Tòa án, Thi hành án, đáp ứng nhu cầu pháp lý của người dân, qua đó
thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự và cải cách tư
pháp của Trung ương cũng như Thành phố. Với những kết quả của hoạt động Thừa
phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã khẳng định được vị
trí cần thiết của mình trong đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa của người dân.
3. Thực tiễn tổ
chức và hoạt động Thừa phát lại
3.1. Về tổ chức
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu
tiên được Trung ương tin tưởng giao thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại
(theo Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí
Minh”). Theo đó, ở giai đoạn đầu thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số
24/2008/QH12 và Nghị định 61/2007/NĐ-CP , Thành phố đã thành lập 08 Văn phòng Thừa
phát lại, trong đó 05 Văn phòng Thừa phát lại tại các Quận: 1, 5, 8, Bình Thạnh
và Tân Bình hoạt động từ tháng 5 năm 2010 và 03 Văn phòng Thừa phát lại tại các
Quận: 10, Bình Tân và Gò Vấp hoạt động từ tháng 5 năm 2012.
Với những kết quả đạt được về tổ chức
và hoạt động của Thừa phát lại trong thời gian đầu đã khẳng định việc thí điểm
chế định Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh thành công, mô hình Thừa phát
lại phù hợp, cần thiết cho xã hội và cho hoạt động tư pháp từng bước được người
dân ủng hộ. Từ cơ sở đó, Thành phố tiếp tục thực hiện thực hiện thí điểm chế định
này theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 và Nghị định 135/2013/NĐ-CP. Ở giai đoạn
này, Thành phố đã thành lập 03 Văn phòng Thừa phát lại, trong đó 02 Văn phòng
Thừa phát lại tại quận Thủ Đức và huyện Hóc Môn hoạt động từ tháng 4 năm 2014
và Văn phòng Thừa phát lại huyện Bình Chánh hoạt động từ tháng 7 năm 2014. Tuy
nhiên, đối với địa bàn Quận 7, Ủy ban nhân dân Thành phố đã cho phép thành lập
Văn phòng Thừa phát lại Quận 7 nhưng hồ sơ đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa
phát lại Quận 7 chưa đảm bảo chất lượng về nhân sự theo Đề án thành lập nên Sở
Tư pháp đã từ chối đăng ký hoạt động và Ủy ban nhân dân Thành phố đã thu hồi, hủy
bỏ quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại Quận 7.
Như vậy, trong giai đoạn thí điểm chế
định Thừa phát lại, Thành phố Hồ Chí Minh có 11 Văn phòng Thừa phát lại được
thành lập và hoạt động (tại các địa bàn gồm: Quận 1, 5, 8, 10, Bình Thạnh, Tân
Bình, Gò vấp, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn) với 106 Thừa phát lại,
88 thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại và 65 nhân viên khác. Nhìn chung, các Văn
phòng Thừa phát lại về cơ bản được phân bổ tương đối đều ở các khu vực, địa bàn
Thành phố, các Văn phòng không chỉ được thành lập ở các địa bàn trung tâm mà
còn được thành lập cả ở những khu vực đang đô thị hóa, địa bàn vùng ven và ngoại
thành. Với số lượng và sự phân bổ như trên, các Văn phòng Thừa phát lại đã phục
vụ tốt cho việc thực hiện thí điểm, tạo điều kiện cho người dân trong việc tiếp
cận, quen dần với chế định Thừa phát lại và hỗ trợ tích cực công tác tống đạt
văn bản của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự.
Từ thực tiễn triển khai thí điểm chế
định Thừa phát lại tại Thành phố cho thấy sự tham gia của chế định Thừa phát lại
đã không làm cho hoạt động tư pháp bị xáo trộn mà thông qua kết quả đạt được đã
góp phần nâng cao hiệu quả công tác xét xử và công tác thi hành án dân sự trên
địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 26 tháng 11 năm 2015, Quốc hội
đã ban hành Nghị quyết số 107/2015/QH13 về việc chính thức áp dụng chế định Thừa
phát lại trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Với việc chính thức
được áp dụng chế định Thừa phát lại, số lượng và sự phân bổ các Văn phòng Thừa
phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn thí điểm đã không
còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa tương xứng, trung bình 02 quận, huyện có 01
Văn phòng Thừa phát lại, trong khi đó trên mỗi quận huyện đều có Tòa án, cơ
quan Thi hành án dân sự và các tổ chức hành nghề công chứng. Do vậy, tại một số
địa bàn, người dân phải đi một quãng đường xa mới đến được các Văn phòng Thừa
phát lại để đề nghị cung cấp dịch vụ pháp lý.
Nhằm phát triển hoạt động Thừa phát lại
trên cơ sở đảm bảo tại mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có 01 Văn phòng Thừa
phát lại, ngày 15 tháng 7 năm 2016, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Công văn
số 3707/UBND-NCPC về việc đề nghị phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa
phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo đó Ủy ban nhân dân Thành phố đã xây dựng
dự thảo Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh và đề
nghị Bộ Tư pháp xem xét, phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại
trên các địa bàn quận, huyện thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 25 tháng 8 năm 2017, Bộ Tư pháp
ban hành Quyết định số 1333/QĐ-BTP về phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Thừa
phát lại của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2018, theo đó phê duyệt Đồ
án thành lập 09 Văn phòng Thừa phát lại tại các Quận: 2, 3, 4, 6, 9, 11,12, Phú
Nhuận, Tân Phú. Tuy nhiên, quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong
lĩnh vực Thừa phát lại đang hoàn thiện nên chưa thực hiện được Đề án.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định
số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 về tổ chức và hoạt động của Thừa
phát lại; Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 về quy định xử phạt
hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia
đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, đến nay Thành phố Hồ
Chí Minh vẫn chưa thực hiện thành lập mới Văn phòng Thừa phát lại.
Với số lượng 11 Văn phòng Thừa phát lại
như hiện nay chưa phân bổ đều tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, từ đó dẫn
đến việc người dân tiếp cận khó, mất nhiều thời gian, chi phí để đến được các
Văn phòng Thừa phát lại. Bên cạnh đó, số lượng Văn phòng Thừa phát lại được cho
phép thành lập còn hạn chế dẫn đến việc nhiều Thừa phát lại được bổ nhiệm có
nhu cầu hành nghề nhưng chưa thể hành nghề thông qua việc thành lập văn phòng.
Từ những cơ sở nêu trên, để kịp thời
đáp ứng tốt nhu cầu pháp lý của người dân, giảm tải khối lượng việc của các cơ
quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án, giúp các cơ quan tập trung thực hiện
nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; nâng cao tính chuyên nghiệp, cạnh tranh về chất
lượng hoạt động hành nghề thừa phát lại; việc thành lập mới các Văn phòng Thừa
phát lại trên địa bàn Thành phố là cấp thiết, phù hợp. Đặc biệt với nguồn nhân
lực hoạt động trong lĩnh vực Thừa phát lại hiện nay tại Thành phố hoàn toàn đảm
bảo cho việc phát triển mới các Văn phòng Thừa phát lại.
3.2. Về kết quả hoạt động Thừa
phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Thông qua kết quả đạt được trong giai
đoạn đầu thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp
tục chú trọng việc nâng cao năng lực, hiệu quả của hoạt động Thừa phát lại
trong những năm tiếp theo. Trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021, hoạt động
Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả tích
cực như sau:
- Về thực hiện việc tống đạt theo yêu
cầu của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự: năm 2019, thực hiện tống đạt
101.014 văn bản với tổng chi phí tống đạt là 9.445.204.000 đồng; năm 2020, thực
hiện tống đạt 150.424 văn bản với tổng chi phí tống đạt là 13.294.601.000 đồng;
năm 2021, thực hiện tống đạt 89.718 văn bản với tổng chi phí tống đạt là
8.799.445.375 đồng.
- Về lập vi bằng: năm 2019, thực hiện
lập và đăng ký 46.227 vi bằng với doanh thu là 40.768.968.000 đồng; năm 2020,
thực hiện lập và đăng ký 34.534 vi bằng với doanh thu là 33.673.100.000 đồng;
năm 2021, thực hiện lập và đăng ký 28.720 vi bằng với doanh thu là
18.626.771.549 đồng.
- Về xác minh điều kiện thi hành án và
trực tiếp tổ chức thi hành án: năm 2019, không có thụ lý vụ việc thi hành án
theo yêu cầu của đương sự, doanh thu phát sinh trong năm 2019 trong hoạt động
này đến từ các vụ việc thi hành án kéo dài đã thụ lý trước năm 2019 là
143.326.200 đồng, xác minh điều kiện thi hành án được 01 vụ việc với doanh thu
là 3.000.000 đồng; năm 2020, thực hiện xác minh điều kiện thi hành án 01 vụ việc
với doanh thu là 3.300.000 đồng, trực tiếp thụ lý tổ chức thi hành án 01 vụ việc
với doanh thu là 3.645.000 đồng; năm 2021, không có thụ lý vụ việc thi hành án
theo yêu cầu của đương sự, không thụ lý vụ việc trực tiếp tổ chức thi hành án
dân sự.
Từ kết quả của hoạt động Thừa phát lại
trên địa bàn Thành phố trong các năm qua cho thấy các Văn phòng Thừa phát lại
đã triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định pháp luật và đạt được nhiều kết
quả quan trọng cả về lượng việc lần doanh thu.
Với các quy định pháp luật và văn bản
hướng dẫn thực hiện chính thức chế định Thừa phát lại đã được ban hành, cơ sở
thực tiễn khi chế định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại được áp dụng rộng
rãi trên phạm vi cả nước, cùng với việc tăng cường tuyên truyền phổ biến về hoạt
động thừa phát lại thì dự báo nhu cầu của người dân sử dụng dịch vụ pháp lý do
Thừa phát lại cung cấp tăng. Do đó yêu cầu phát triển Văn phòng Thừa phát lại đảm
bảo đúng quy định, chặt chẽ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Thừa
phát lại và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Phần II
MỤC TIÊU, NGUYÊN
TẮC, SỐ LƯỢNG VÀ CÁCH THỨC THÀNH LẬP VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TẠI THÀNH PHỐ HỒ
CHÍ MINH
1. Mục tiêu
- Việc phát triển các Văn phòng Thừa
phát lại theo một mạng lưới gắn kết với địa bàn dân cư trên toàn Thành phố, nhằm
đáp ứng kịp thời nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp
cận các dịch vụ pháp lý do Thừa phát lại cung cấp, đồng thời góp phần giúp giảm
tải lượng việc của các cơ quan như Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự.
- Đảm bảo tổ chức thực hiện chế định
Thừa phát lại đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển các Văn phòng Thừa
phát lại phải đi đối với tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
2. Nguyên tắc
- Việc xây dựng Đề án phát triển Văn
phòng Thừa phát lại phải bảo đảm đúng chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng,
quy định pháp luật về Thừa phát lại đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu
của xã hội.
- Đảm bảo số lượng Văn phòng Thừa
phát lại được phép thành lập tại các địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức
theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của
Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, cụ thể tại mỗi quận và
thành phố Thủ Đức có 02 Văn phòng Thừa phát lại, tại mỗi huyện có 01 Văn phòng
Thừa phát lại hoạt động.
- Xây dựng mạng lưới Văn phòng Thừa
phát lại phân bổ hợp lý, đảm bảo điều kiện về khoảng cách, tránh tình trạng tập
trung nhiều Văn phòng Thừa phát lại trong một khu vực, phù hợp với điều kiện
phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của từng địa bàn quận, huyện và thành phố
Thủ Đức.
3. Số lượng Văn phòng Thừa phát lại
Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 21
quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Trong giai đoạn thí điểm chế định Thừa phát lại,
Thành phố Hồ Chí Minh có 11 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập và hoạt động
(gồm: Quận 1, 5, 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, huyện
Bình Chánh, Hóc Môn). Như vậy, hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh còn 11 quận,
huyện chưa thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số
08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của
Thừa phát lại, Thành phố Hồ Chí Minh được phép thành lập thêm 28 Văn phòng Thừa
phát lại tại 16 quận, huyện và thành phố Thủ Đức (cho phép thành lập tối đa số
lượng văn phòng), cụ thể số lượng Văn phòng Thừa phát lại được thành lập tại
các quận, huyện, thành phố Thủ Đức như sau:
- Cho phép thành lập 01 Văn phòng Thừa
phát lại tại mỗi quận, huyện sau: Quận 1, 5, 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp,
Bình Tân, thành phố Thủ Đức, huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè.
- Cho phép thành lập 02 Văn phòng Thừa
phát lại tại mỗi quận sau: Quận 3, 4, 6, 7, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Phú.
Như vậy sau khi thành lập thêm 28 Văn
phòng Thừa phát lại, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đảm bảo số lượng Văn phòng Thừa
phát lại theo quy định, cụ thể:
- Tại mỗi Quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8,
10, 11, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Phú, thành
phố Thủ Đức: 02 Văn phòng Thừa phát lại hoạt động.
- Tại mỗi huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình
Chánh, Hóc Môn, Củ Chi: 01 Văn phòng Thừa phát lại hoạt động.
4. Cách thức thành lập Văn phòng
Thừa phát lại
Việc thẩm định và cho phép thành lập
Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định
về Tiêu chí và cách thức thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát
lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được ban hành kèm theo Đề án này.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách
nhiệm của Sở Tư pháp:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên
địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố các giải
pháp thực hiện Đề án, hỗ trợ, phát triển các Văn phòng Thừa phát lại trên địa
bàn Thành phố;
b) Khuyến khích thành lập và phát triển
các Văn phòng Thừa phát lại từ hai Thừa phát lại trở lên thành lập, có đội ngũ
nhân sự lành nghề, am hiểu pháp luật, phẩm chất đạo đức tốt, có cơ sở vật chất
thuận lợi cho việc tiếp dân và điều kiện lưu trữ hồ sơ tốt, áp dụng công nghệ
thông tin vào hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt tại những khu vực khó khăn của
Thành phố;
c) Tăng cường công tác quản lý nhà nước
đối với hoạt động Thừa phát lại tại Thành phố; thực hiện công tác kiểm tra,
thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của các Văn
phòng Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố.
2. Sở Tài
chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế Thành phố, các sở ngành, Ủy ban nhân dân
quận, huyện và thành phố Thủ Đức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao phối
hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại
theo quy định.
3. Đề nghị
Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan thi hành án dân sự Thành
phố phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện Đề án, hướng dẫn nghiệp vụ
liên quan cho các Văn phòng Thừa phát lại; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
để hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại nề nếp, hiệu quả.
4. Trong quá trình thực hiện Đề án,
giao Sở Tư pháp tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và đề xuất Ủy ban nhân dân
Thành phố xem xét, giải quyết./.
QUY ĐỊNH
VỀ TIÊU CHÍ VÀ CÁCH THỨC THẨM ĐỊNH HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ THÀNH LẬP VĂN PHÒNG THỪA
PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Kèm theo Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ
Chí Minh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
và đối tượng điều chỉnh
1. Quy định này được áp dụng để xét
duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ
Chí Minh.
2. Quy định này áp dụng đối với các
Thừa phát lại nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại, các cơ quan,
tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng
Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Nguyên
tắc thẩm định hồ sơ
1. Việc thành lập Văn phòng Thừa phát
lại phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định của Nghị định số
08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của
Thừa phát lại và các văn bản hướng dẫn thi hành, phù hợp với điều kiện phát triển
kinh tế - xã hội, nhu cầu của từng địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức, đảm
bảo các Văn phòng Thừa phát lại gắn với địa bàn dân cư, đáp ứng được đầy đủ nhu
cầu về lập vi bằng, tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành
các bản án, quyết định của Tòa án và các hoạt động chuyên môn khác; tránh tình
trạng tập trung nhiều Văn phòng Thừa phát lại trong một khu vực.
2. Việc thẩm định hồ sơ đề nghị thành
lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phải đảm bảo
nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan và phù hợp quy định pháp luật.
3. Văn phòng Thừa phát lại được phép
thành lập đảm bảo chất lượng và hoạt động ổn định.
Chương II
TIÊU CHÍ VÀ SỐ
ĐIỂM CỦA CÁC TIÊU CHÍ
Điều 3. Vị trí
dự kiến đặt trụ sở văn phòng
Điểm tối đa là 10 (Mười) điểm,
trong đó:
1. Vị trí dự kiến đặt trụ sở Văn
phòng Thừa phát lại có khoảng cách di chuyển bằng đường bộ ngắn nhất với các tổ
chức hành nghề thừa phát lại đã thành lập hoặc tổ chức hành nghề thừa phát lại
dự kiến thành lập cùng đợt:
a) Dưới 1 (Một) km: 0 (Không) điểm.
b) Từ 1 (Một) đến 3 (Ba) km: tối đa 2
(Hai) điểm.
c) Trên 3 (Ba) km: tối đa 5 (Năm) điểm.
2. Vị trí thuận lợi cho việc liên hệ
của người dân, không gây ách tắc giao thông: tối đa 5 (Năm) điểm.
Điều 4. Về trụ sở
của Văn phòng Thừa phát lại
Điểm tối đa là 14 (Mười bốn) điểm,
trong đó:
1. Tính pháp lý, ổn định của trụ sở dự
kiến:
a) Trường hợp trụ sở thuộc sở hữu của
Thừa phát lại hợp danh hoặc có hợp đồng thuê, mượn hợp pháp có thời hạn từ 5
(Năm) năm trở lên: 2 (Hai) điểm.
b) Trường hợp hợp đồng thuê, mượn hợp
lệ có thời hạn từ 1 (Một) năm đến dưới 5 (Năm) năm: 1 (Một) điểm.
c) Có cam kết đảm bảo vị trí trụ sở
ít nhất trong thời hạn 01 năm: tối đa 1 (Một) điểm.
2. Tổng diện tích của trụ sở Văn
phòng Thừa phát lại (không bao gồm diện tích giữ xe):
a) Dưới 100 (Một trăm) m2:
0 (Không) điểm.
b) Từ 100 (Một trăm) m2 đến
dưới 150 (Một trăm năm mươi) m2: tối đa 2 (Hai) điểm.
c) Từ 150 (Một trăm năm mươi) m2
đến dưới 200 (Hai trăm) m2: tối đa 3 (Ba) điểm.
d) Từ 200 (Hai trăm) m2 trở
lên: tối đa 4 (Bốn) điểm.
3. Tổ chức bố trí trụ sở Văn phòng Thừa
phát lại:
a) Đảm bảo nơi làm việc cho Thừa phát
lại và người lao động với diện tích theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn,
định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, đảm bảo nơi tiếp người
yêu cầu và nơi lưu trữ hồ sơ: tối đa 2 (Hai) điểm.
b) Đối với khu vực (phòng) lưu trữ
đáp ứng các tiêu chuẩn về công tác lưu trữ theo quy định, trong đó:
- Diện tích dưới 30 (Ba mươi) m2:
tối đa 1 (Một) điểm.
- Diện tích trên 30 (Ba mươi) m2:
tối đa 2 (Hai) điểm.
4. Tổ chức, bố trí địa điểm giữ xe:
a) Diện tích giữ xe dưới 50 (Năm
mươi) m2: tối đa 1 (Một) điểm.
b) Diện tích giữ xe từ 50 (Năm mươi)
m2 trở lên: tối đa 2 (Hai) điểm.
c) Trường hợp trụ sở Văn phòng Thừa
phát lại không có diện tích dành cho giữ xe, nhưng bố trí chỗ giữ xe (thuê, mượn
chỗ giữ xe, sử dụng bãi đỗ xe công cộng) trong phạm vi khoảng cách 100 (Một
trăm) m tính từ trụ sở thì được tính 50% (Năm mươi phần trăm) so với số điểm tối
đa của diện tích tương ứng.
d) Địa điểm giữ xe chỉ được tính điểm
khi đảm bảo thuận lợi, an ninh trật tự, an toàn giao thông.
5. Trụ sở Văn phòng Thừa phát lại có
các phương tiện phòng cháy, chữa cháy (bình chữa cháy, hệ thống báo cháy,...):
tối đa 1 (Một) điểm.
Điều 5. Hình thức
Văn phòng Thừa phát lại
Điểm tối đa là 4 (Bốn) điểm,
trong đó:
1. Văn phòng Thừa phát lại do một Thừa
phát lại thành lập (tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân):
2 (hai) điểm.
2. Văn phòng Thừa phát lại do từ hai
Thừa phát lại trở lên thành lập (tổ chức và hoạt động theo loại hình Công ty hợp
danh): 4 (Bốn) điểm.
Điều 6. Thừa phát
lại
Điểm tối đa là 36 (Ba mươi sáu) điểm,
trong đó:
1. Mỗi thừa phát lại là Trưởng Văn
phòng, thành viên hợp danh: 2 (Hai) điểm.
2. Kinh nghiệm của Thừa phát lại: điểm
số tính cho mỗi thừa phát lại là Trưởng Văn phòng, thành viên họp danh là:
a) Có thời gian công tác pháp luật, cụ
thể:
- Từ 10 (Mười) năm đến 15 (Mười lăm)
năm: tối đa 1 (Một) điểm.
- Trên 15 (Mười lăm) năm: tối đa 2
(Hai) điểm.
b) Có thời gian công tác có liên quan
đến nghiệp vụ thừa phát lại tại các cơ quan quản lý nhà nước về thừa phát lại từ
3 (Ba) năm trở lên: tối đa 0,5 (Không phẩy năm) điểm.
c) Có thời gian làm công tác nghiệp vụ
thừa phát lại tại các tổ chức hành nghề thừa phát lại, thi hành án tại các cơ
quan Thi hành án dân sự trước khi được bổ nhiệm thừa phát lại:
- Từ 1 (Một) năm đến dưới 2 (Hai)
năm: tối đa 0,5 (Không phẩy năm) điểm.
- Từ 2 (Hai) năm đến 3 (Ba) năm: tối
đa 1 (Một) điểm.
- Trên 3 (Ba) năm: tối đa 1,5 (Một phẩy
năm) điểm.
d) Thừa phát lại đã từng hành nghề với
tư cách thừa phát lại, chấp hành viên:
- Từ 1 (Một) năm đến dưới 3 (Ba) năm:
tối đa 1 (Một) điểm.
- Từ 3 (Ba) năm đến dưới 5 (Năm) năm:
tối đa 2 (Hai) điểm.
- Từ 5 (Năm) năm đến 10 (Mười) năm: tối
đa 3 (Ba) điểm.
- Trên 10 (Mười) năm: tối đa 4 (Bốn)
điểm.
e) Đã là thành viên tổ chức xã hội
nghề nghiệp của Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc cam kết tham gia tổ
chức xã hội nghề nghiệp của Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh khi Văn
phòng Thừa phát lại được cho phép thành lập: tối đa 01 điểm.
3. Số điểm của mỗi Thừa phát lại làm
việc theo chế độ hợp đồng được tính bằng 25% (Hai mươi lăm phần trăm) số điểm của
Trưởng Văn phòng, Thừa phát lại hợp danh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều
này.
4. Mỗi hồ sơ đề nghị thành lập Văn
phòng Thừa phát lại được tính điểm tối đa 4 (Bốn) Thừa phát lại. Trong trường hợp
tổng số điểm của Thừa phát lại đạt được trên 36 (Ba mươi sáu) điểm thì được
tính tối đa là 36 (Ba mươi sáu) điểm.
Điều 7. Thư ký
nghiệp vụ Thừa phát lại
Điểm tối đa là 14 (Mười bốn) điểm,
trong đó:
1. Mỗi thư ký nghiệp vụ được tối đa 2
(Hai) điểm nếu thuộc các trường hợp sau đây:
a) Có thời gian làm công tác pháp luật
từ 5 (Năm) năm trở lên hoặc đã từng được bổ nhiệm các chức danh tư pháp: tối đa
1 (Một) điểm.
b) Đã được đào tạo nghiệp vụ thi hành
án dân sự hoặc tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc
hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức: 1 (Một) điểm.
2. Mỗi thư ký nghiệp vụ có thời gian
công tác nghiệp vụ thi hành án hoặc thừa phát lại được tính tối đa 2 (Hai) điểm:
a) Từ 1 (Một) năm đến dưới 2 (Hai)
năm: tối đa 1 (Một) điểm.
b) Từ 2 (Hai) năm đến 3 (Ba) năm: tối
đa 1,5 (Một phẩy năm) điểm.
c) Trên 3 (Ba) năm: tối đa 2 (Hai) điểm.
3. Mỗi hồ sơ đề nghị thành lập Văn
phòng Thừa phát lại được tính điểm tối đa 4 (Bốn) thư ký nghiệp vụ. Trong trường
hợp tổng số điểm của thư ký nghiệp vụ đạt được trên 14 (Mười bốn) điểm thì được
tính tối đa 14 (Mười bốn) điểm.
Điều 8. Nhân sự
phụ trách kế toán
Điểm tối đa là 2 (Hai) điểm,
trong đó:
1. Nhân viên kế toán có bằng đại học
hoặc cao đẳng chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán: tối đa 1 (Một) điểm.
2. Nhân viên kế toán có thời gian làm
công tác kế toán được tính tối đa 1 (Một) điểm:
a) Từ 1 (Một) năm đến 3 (Ba) năm: tối
đa 0,5 (Không phẩy năm) điểm.
b) Trên 3 (Ba) năm: tối đa 1 (Một) điểm.
Điều 9. Nhân sự
phụ trách công nghệ thông tin
Điểm tối đa là 2 (Hai) điểm,
trong đó:
1. Nhân viên công nghệ thông tin có bằng
đại học hoặc cao đẳng chuyên ngành công nghệ thông tin: tối đa 1 (Một) điểm.
2. Nhân viên công nghệ thông tin có
thời gian làm công tác công nghệ thông tin được tính tối đa 1 (Một) điểm:
a) Từ 1 (Một) năm đến 3 (Ba) năm: tối
đa 0,5 (Không phẩy năm) điểm.
b) Trên 3 (Ba) năm: tối đa 1 (Một) điểm.
Điều 10. Nhân sự
phụ trách lưu trữ
Điểm tối đa là 2 (Hai) điểm,
trong đó:
1. Nhân viên lưu trữ có trình độ
chuyên ngành lưu trữ: tối đa 1 (Một) điểm.
a) Trung cấp chuyên ngành lưu trữ: tối
đa 0,5 (Không phẩy năm) điểm.
b) Đại học hoặc cao đẳng chuyên ngành
lưu trữ: tối đa 1 (Một) điểm.
2. Nhân viên lưu trữ có thời gian làm
công tác lưu trữ được tính tối đa 1 (Một) điểm:
a) Từ 1 (Một) năm đến 3 (Ba) năm: tối
đa 0,5 (Không phẩy năm) điểm.
b) Trên 3 (Ba) năm: tối đa 1 (Một) điểm.
Điều 11. Xây dựng
quy trình nghiệp vụ Thừa phát lại và quy trình lưu trữ
Điểm tối đa là 3 (Ba) điểm,
trong đó:
1. Xây dựng quy trình nghiệp vụ chặt
chẽ, đúng quy định của pháp luật: tối đa 2 (Hai) điểm.
2. Xây dựng quy trình lưu trữ chặt chẽ,
đúng quy định của pháp luật: tối đa 1 (Một) điểm.
Điều 12. Khả
năng quản trị văn phòng
Điểm tối đa là 3 (Ba) điểm,
trong đó:
1. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại có
bằng cấp hoặc giấy tờ chứng minh đã qua lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản
trị:
a) Thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới
6 (Sáu) tháng: tối đa 0,5 (Không phẩy năm) điểm.
b) Thời gian đào tạo, bồi dưỡng từ 6
(Sáu) tháng trở lên: tối đa 1 (Một) điểm.
2. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại đã
từng là Trưởng Văn phòng Thừa phát lại:
a) Dưới 3 (Ba) năm: 0 (Không) điểm.
b) Từ 3 (Ba) năm trở lên: tối đa 1 (Một)
điểm.
3. Có dự thảo các nội quy, quy chế để
quản lý hoạt động Văn phòng Thừa phát lại (về thời gian, lề lối làm việc; phân
công trách nhiệm đối với từng bộ phận; mối quan hệ với khách hàng; mối quan hệ
nội bộ...): tối đa 1 (Một) điểm.
Điều 13. Tính khả
thi của Đề án thành lập
Tính khả thi của Đề án được xem xét,
đánh giá tổng thể các điều kiện về trụ sở, cơ sở vật chất và nhân sự của Văn phòng
Thừa phát lại, đảm bảo đầy đủ các nội dung Đề án theo quy định: tối đa 8
(Tám) điểm.
Điều 14. Những
trường hợp không được tính điểm
1. Các trường hợp không được tính điểm:
a) Cùng nhân sự, cùng một địa điểm tham
gia tại nhiều Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại cùng thời điểm xét
duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
b) Thừa phát lại thôi làm Trưởng Văn
phòng Thừa phát lại (đối với Văn phòng Thừa phát lại hoạt động theo loại hình
doanh nghiệp tư nhân) và Thừa phát lại chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của
Văn phòng Thừa phát lại (đối với Văn phòng Thừa phát lại hoạt động theo loại
hình Công ty hợp danh) trong thời gian 5 (Năm) năm tính đến ngày nộp hồ sơ.
c) Thừa phát lại bị xử phạt vi phạm
hành chính trong hoạt động thừa phát lại với hình thức xử phạt bổ sung tước quyền
sử dụng thẻ thừa phát lại (đang trong thời gian bị tước thẻ), bị tạm đình chỉ
hành nghề thừa phát lại, thuộc trường hợp bị miễn nhiệm thừa phát lại.
2. Các trường hợp không xem xét cho
phép tham gia thành lập Văn phòng Thừa phát lại: Thừa phát lại hợp danh thuộc
trường hợp quy định tại điểm c, khoản 1 Điều này hoặc không có quyền thành lập,
quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN THẨM ĐỊNH
Điều 15. Thông
báo và tiếp nhận hồ sơ
1. Sở Tư pháp thực hiện việc thông
báo, hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
Thông báo tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải được
đăng tải trên một phương tiện thông tin đại chúng (ít nhất trong 3 số liên tiếp)
và trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp. Thời hạn tiếp nhận là 30 (Ba
mươi) ngày kể từ ngày đăng thông báo.
2. Thừa phát lại nộp hồ sơ đề nghị
thành lập Văn phòng Thừa phát lại chịu trách nhiệm về tính xác thực của hồ sơ
và những nội dung trình bày trong Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
Điều 16. Thẩm định
hồ sơ
Giám đốc Sở Tư pháp căn cứ quy định của
Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ và các quy định
pháp luật có liên quan, tiêu chí, thang điểm nêu tại Chương II của Quy định này
và nội dung Đề án để tổ chức thực hiện việc thẩm định và chấm điểm.
Điều 17. Xét chọn
hồ sơ và quyết định cho phép thành lập
1. Hồ sơ đề nghị xét chọn phải đáp ứng
các điều kiện sau đây:
Hồ sơ được đề nghị xét chọn phải đạt
từ 60 điểm trở lên và có số điểm cao nhất trong số hồ sơ xin thành lập trong 01
đơn vị (quận, huyện, thành phố Thủ Đức); đảm bảo không vi phạm các quy định
pháp luật về Thừa phát lại. Trong đó, số điểm đạt được tại các tiêu chí về vị
trí dự kiến đặt trụ sở (Điều 3 ), trụ sở Văn phòng Thừa phát lại (Điều 4), Thừa
phát lại (Điều 6), thư ký nghiệp vụ (Điều 7) không được thấp hơn 50% (Năm mươi
phần trăm) so với điểm tối đa của tiêu chí. Đối với trường hợp có từ 02 hồ sơ
trở lên đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại một địa bàn quận, huyện,
thành phố Thủ Đức có số điểm cao nhất bằng nhau theo quy định thì thứ tự ưu
tiên như sau:
a) Hồ sơ có số điểm của tiêu chí về
Thừa phát lại cao hơn.
b) Hồ sơ có số điểm của tiêu chí về
trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại cao hơn.
2. Giám đốc Sở Tư pháp trình Ủy ban
nhân dân Thành phố xem xét, quyết định việc cho phép thành lập Văn phòng Thừa
phát lại theo quy định.
Điều 18. Đăng ký
hoạt động
1. Trong thời hạn 30 (Ba mươi) ngày, kể
từ ngày nhận được Quyết định cho phép thành lập, Văn phòng Thừa phát lại phải
đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi cho phép thành lập.
2. Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra trụ
sở, điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự của Văn phòng Thừa phát lại trước khi cấp
giấy đăng ký hoạt động. Trường hợp Văn phòng Thừa phát lại không đáp ứng đúng nội
dung tại Đề án đã được xét chọn, Sở Tư pháp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố
thu hồi Quyết định cho phép thành lập.
3. Văn phòng Thừa phát lại có trách
nhiệm đảm bảo thực hiện theo đúng Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại đã được
xét duyệt trong thời hạn 01 (Một) năm kể từ khi được cấp giấy đăng ký hoạt động,
trường hợp Văn phòng Thừa phát lại thay đổi về trụ sở, Thừa phát lại, Sở Tư
pháp căn cứ tiêu chí và cách thức thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng
Thừa phát lại này để đánh giá, chấm điểm nội dung thay đổi và chỉ cho phép thay
đổi trong trường hợp đạt sổ điểm bằng hoặc cao hơn so với nội dung đã được xét
duyệt tại Đề án./.
1
Theo Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành
phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.