ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
34/2022/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày 15
tháng 9 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ XÉT DUYỆT HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ THÀNH LẬP
VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Công chứng ngày
20 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan
đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số
29/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng;
Căn cứ Thông tư số
01/2021/TT-BTP ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi
tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Tư pháp tại Tờ trình số 93/TTr-STP ngày 28 tháng 7 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chí
xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh An
Giang.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30
tháng 9 năm 2022 và thay thế Quyết định số 63/2019/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12
năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị
thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Bình
|
QUY ĐỊNH
TIÊU CHÍ XÉT DUYỆT HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ THÀNH LẬP VĂN PHÒNG CÔNG
CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Kèm theo Quyết định số 34/2022/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban
nhân dân tỉnh An Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về tiêu
chí, phương pháp tính điểm và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn
phòng công chứng trên địa bàn tỉnh An Giang.
Các nội dung liên quan đến việc
thành lập Văn phòng công chứng không được quy định tại văn bản này thì áp dụng
theo các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với
các công chứng viên có hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng, các cơ quan, tổ
chức có liên quan trong việc xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công
chứng trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2.
Nguyên tắc xét duyệt hồ sơ
1. Việc xét duyệt hồ sơ đề nghị
thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh An Giang phải đảm bảo công
khai, minh bạch, khách quan, đúng quy định của pháp luật. Mỗi hồ sơ thành lập
Văn phòng công chứng phải đảm bảo có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên
theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật công chứng.
2. Hồ sơ đề nghị xét chọn phải
đạt từ 90 điểm trở lên đối với địa bàn thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc;
88 điểm trở lên đối với các địa bàn huyện Châu Thành, huyện Châu Phú, huyện Tri
Tôn, huyện Phú Tân, thị xã Tân Châu; 85 điểm đối với các huyện Thoại Sơn, Chợ
Mới, Tịnh Biên, An Phú. Trong đó mỗi tiêu chí quy định từ Điều 7 đến Điều 13 tại
Chương II quy định này, phải đạt từ 50% trở lên tổng số điểm đánh giá.
Điều 3.
Các trường hợp không được xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng
1. Tính đến ngày nộp hồ sơ,
các công chứng viên đề nghị thành lập Văn phòng công chứng vẫn còn trong thời
hạn bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 14
Luật Công chứng.
2. Nếu có căn cứ cho rằng các
công chứng viên đề nghị thành lập Văn phòng công chứng thuộc trường hợp không
có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật
Doanh nghiệp.
3. Trong thời hạn tiếp nhận và
xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, các công chứng viên đồng
thời đứng tên trong hai hồ sơ, Đề án thành lập Văn phòng công chứng trở lên.
Điều 4. Những
trường hợp không được tính điểm
1. Nhân viên (bao gồm nhân viên
phụ trách kế toán, nhân viên nghiệp vụ và nhân viên khác quy định tại Khoản
2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 7 quy định này) đứng tên đồng thời trong hai Đề án
thành lập Văn phòng công chứng (khác nhau) hoặc đang hợp đồng lao động tại tổ
chức hành nghề công chứng khác.
2. Trong năm (bắt đầu ngày 01
tháng 01 đến ngày 31 tháng 12), công chứng viên tham gia với tư cách là thành
viên hợp danh trong Đề án thành lập Văn phòng công chứng đã được cơ quan có thẩm
quyền cho phép thành lập và đi vào hoạt động mà tiếp tục tham gia với tư cách
là thành viên hợp danh trong Đề án thành lập Văn phòng công chứng mới.
3. Không có giấy tờ chứng minh
về những nội dung liên quan khi nộp Đề án thành lập Văn phòng công chứng theo
quy định của pháp luật.
Điều 5. Giải
thích từ ngữ
Nhân viên nghiệp vụ là
người giúp việc về chuyên môn cho công chứng viên.
Chương II
TIÊU CHÍ VÀ SỐ ĐIỂM CỦA
CÁC TIÊU CHÍ
Điều 6. Cơ
cấu thang điểm và tiêu chí xét duyệt hồ sơ
1. Cơ cấu thang điểm
a) Tổ chức nhân sự của Văn
phòng công chứng: Công chứng viên; Nhân viên nghiệp vụ; Nhân viên kế toán;
Nhân viên công nghệ thông tin; Nhân viên lưu trữ: tối đa 52 điểm.
b) Trụ sở làm việc của Văn
phòng công chứng: Tối đa 20 điểm.
c) Cơ sở vật chất của Văn phòng
công chứng: Tối đa 10 điểm.
d) Kinh nghiệm quản lý của Trưởng
Văn phòng công chứng: Tối đa 10 điểm.
đ) Quy trình nghiệp vụ và lưu
trữ: Tối đa 05 điểm.
e) Điều kiện thực hiện các quy
định về an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ: Tối đa 02
điểm.
g) Tính khả thi của Đề án
thành lập Văn phòng: Tối đa 01 điểm.
2. Tiêu chí xét duyệt
Việc xét duyệt hồ sơ đề nghị
thành lập Văn phòng công chứng căn cứ trên các tiêu chí được quy định tại Khoản
1 Điều này. Tổng số điểm đánh giá cho các tiêu chí là 100 điểm trên cơ sở
thang điểm của từng tiêu chí đánh giá hồ sơ được quy định từ Điều 7 đến Điều
13 của Quy định này.
Điều 7. Tổ
chức nhân sự của Văn phòng công chứng
Tối đa 52 điểm, cụ thể:
1. Công chứng viên: tối đa 38
điểm, trong đó:
a) Có 02 công chứng viên hợp
danh: 20 điểm.
b) Từ công chứng viên hợp danh
thứ 03 trở lên, mỗi công chứng viên được cộng thêm 01 điểm (tối đa 04 điểm).
c) Kinh nghiệm của công chứng
viên hợp danh (trừ công chứng viên hợp danh dự kiến làm Trưởng Văn phòng).
- Có thời gian hành nghề công
chứng viên; công tác nghiệp vụ chứng thực hoặc quản lý nhà nước về công chứng
tại các cơ quan quản lý nhà nước từ 05 năm trở lên: mỗi công chứng viên được cộng
thêm 02 điểm (tối đa 08 điểm).
- Có thời gian làm nhân viên
nghiệp vụ công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng trước khi được bổ
nhiệm công chứng viên 05 năm trở lên: mỗi công chứng viên được cộng thêm 01 điểm
(tối đa 04 điểm)
d) Có công chứng viên đạt trình
độ đại học ngoại ngữ hoặc khung B2 Châu Âu: 02 điểm.
2. Nhân viên nghiệp vụ: Tối đa
10 điểm, trong đó:
a) Mỗi nhân viên nghiệp vụ có
thời gian làm công tác pháp luật (tính từ ngày có bằng cử nhân luật từ 03 năm
trở lên: 01 điểm mỗi nhân viên.
b) Mỗi nhân viên nghiệp vụ đã
có chứng chỉ đào tạo nghề công chứng /giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng
được cộng thêm tối đa: 02 điểm mỗi nhân viên.
3. Nhân viên phụ trách kế
toán: Tối đa 02 điểm, trong đó:
a) Có trình độ trung cấp chuyên
ngành kế toán: 0,5 điểm.
b) Có trình độ cao đẳng chuyên
ngành kế toán: 01 điểm.
c) Có trình độ đại học chuyên ngành
kế toán: 02 điểm
4. Nhân viên khác: Thủ quỹ;
Văn thư; Lưu trữ; Công nghệ thông tin: Tối đa 02 điểm:
a) Có trình độ trung cấp: 0,25
điểm/nhân viên mỗi vị trí.
b) Có trình độ cao đẳng, đại học
trở lên: 0,5 điểm/nhân viên mỗi vị trí.
Điều 8. Trụ
sở làm việc của Văn phòng công chứng
Tối đa 20 điểm, trong đó:
1. Vị trí dự kiến đặt trụ sở
Văn phòng: Khác địa bàn (xã, phường, thị trấn) và cách nơi có tổ chức hành
nghề công chứng hiện tại đặt trụ sở có khoảng cách di chuyển bằng đường bộ tối
thiểu 03km: 03 điểm.
2. Diện tích (diện tích xây dựng)
13 điểm. Trong đó, điểm chuẩn: 08 điểm, điểm cộng: 05 điểm:
a) Phòng xử lý thủ tục công chứng
là phòng làm việc của công chứng viên; phòng các nhân viên khác và nơi tiếp
người đến yêu cầu công chứng, tối đa 08 điểm, trong đó:
Tổng diện tích tối thiểu: 30m2:
05 điểm.
Diện tích tăng thêm so với diện
tích tối thiểu: Cứ tăng thêm 10m2 thì cộng thêm 01 điểm, tối đa 03
điểm.
b) Kho lưu trữ hồ sơ công chứng
là nơi chứa hồ sơ tích trữ và giữ gìn qua thời gian của Văn phòng công chứng, tối
đa 05 điểm, trong đó:
Diện tích tối thiểu 20m2
: 03 điểm.
Tăng thêm 10m2 thì cộng
thêm 01 điểm, tối đa không quá 02 điểm.
3. Tính pháp lý của trụ sở Văn
phòng công chứng: Tối đa 04 điểm, trong đó:
a) Trụ sở Văn phòng công chứng
thuộc sở hữu hợp pháp của một trong các công chứng viên đề nghị thành lập: 04
điểm.
b) Trụ sở Văn phòng công chứng
có hợp đồng thuê, mượn và có thời hạn thuê, mượn, cụ thể:
Hợp đồng thuê, mượn nhà hợp
pháp; thời hạn thuê, mượn từ 05 năm trở lên: 02 điểm.
Hợp đồng thuê, mượn nhà hợp
pháp; thời hạn thuê, mượn dưới 05 năm: 01 điểm.
Điều 9. Cơ
sở vật chất của Văn phòng công chứng
Tối đa 10 điểm, trong đó:
1. Trang bị máy tính, máy in
cho các công chứng viên và nhân viên văn phòng (ít nhất 04 máy vi tính): 04
điểm.
2. Trang bị bàn ghế làm việc,
bàn ghế tiếp khách: 01 điểm.
3. Trang bị tủ hoặc kệ đựng hồ
sơ: 01 điểm.
4. Trang bị máy photocopy: 01
điểm.
5. Trang bị máy scan: 01 điểm.
6. Lắp đặt camera giám sát:
01 điểm.
7. Có phương án sử dụng phần mềm
quản lý nghiệp vụ, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng của tỉnh: 01 điểm.
Điều 10.
Kinh nghiệm quản lý của công chứng viên dự kiến là Trưởng Văn phòng công chứng
Tối đa 10 điểm, trong đó:
1. Công chứng viên dự kiến là
Trưởng Văn phòng công chứng đã hành nghề công chứng liên tục từ 05 năm trở lên
với tư cách là công chứng viên hợp danh, công chứng viên làm việc theo chế độ
hợp đồng, công chứng viên tại Phòng công chứng: 03 điểm.
2. Công chứng viên dự kiến là
Trưởng Văn phòng công chứng đã từng là Trưởng tổ chức hành nghề công chứng trên
03 năm liên tục: 05 điểm.
3. Công chứng viên dự kiến là
Trưởng Văn phòng công chứng có bằng cấp hoặc giấy tờ chứng minh đã qua lớp đào
tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cấp phòng trở lên (đối với đối tượng
từng là công chức, viên chức); chứng chỉ, chứng nhận, bằng cấp đã qua lớp quản
trị, quản lý doanh nghiệp: 02 điểm.
Điều 11.
Quy trình nghiệp vụ và lưu trữ
Tối đa 05 điểm, trong đó:
1. Xây dựng quy trình nghiệp vụ
công chứng chặt chẽ, đúng quy định pháp luật: 03 điểm.
2. Xây dựng quy trình lưu trữ
chặt chẽ, đúng quy định pháp luật: 02 điểm.
Điều 12.
Điều kiện thực hiện các quy định về an ninh trật tự, an toàn giao thông và
phòng chống cháy nổ
Tối đa 02 điểm, trong đó:
1. Địa điểm giữ xe thuận lợi
(cách trụ sở Văn phòng công chứng dưới 100m), đảm bảo an ninh trật tự, an toàn
giao thông: Tối đa 01 điểm.
2. Điều kiện phòng cháy và chữa
cháy (trong Đề án thể hiện phương án mua thiết bị phòng cháy, chữa cháy, sơ
đồ bố trí) đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định pháp luật hiện
hành về phòng cháy và chữa cháy: 01 điểm.
Điều 13.
Tính khả thi của Đề án thành lập Văn phòng công chứng
Tối đa 01 điểm, trong đó:
1. Đề án nêu đầy đủ nội dung
và chứng minh được sự cần thiết thành lập của Văn phòng công chứng tại địa
phương nơi đặt trụ sở: 0,5 điểm.
2. Đề án xây dựng được nội
dung, tiến độ công việc và giải pháp về quản lý, duy trì các nguồn lực về tài
chính, nhân lực, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin… để đảm bảo Văn phòng công
chứng hoạt động ổn định, hiệu quả; có dự thảo các nội quy, quy chế để quản lý
hoạt động Văn phòng công chứng: 0,5 điểm.
Chương
III
CÁCH THỨC XÉT DUYỆT VÀ
CHẤM ĐIỂM HỒ SƠ
Điều 14.
Thành lập Tổ xét duyệt hồ sơ
1. Trong thời hạn 05 ngày làm
việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, Giám
đốc Sở Tư pháp ra quyết định thành lập Tổ xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập
Văn phòng công chứng. Tổ xét duyệt có 5 thành viên, bao gồm: Phó Giám đốc Sở
Tư pháp làm Tổ trưởng; đại diện Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện Hội
công chứng viên tỉnh; đại diện Văn phòng và phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư
pháp.
2. Tổ xét duyệt hồ sơ làm việc
độc lập, căn cứ vào tiêu chí và thang điểm quy định tại chương II của Quy định
này để xét duyệt và chấm điểm từng hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng.
3. Thời hạn xét duyệt hồ sơ của
Tổ xét duyệt là 05 ngày làm việc, các thành viên của Tổ xét duyệt tự giải thể
sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 15.
Cách thức chấm điểm
1. Điểm của từng hồ sơ được
tính bằng cách lấy điểm chấm của các thành viên cộng lại và chia cho số lượng
thành viên tham gia chấm điểm.
2. Việc xét duyệt và chấm điểm
hồ sơ phải được lập thành biên bản và có chữ ký của các thành viên Tổ xét duyệt.
3. Hồ sơ đề nghị xét chọn phải
đạt số điểm quy định tại Khoản 2 Điều 2 Quy định này.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm
việc, kể từ ngày kết thúc việc xét duyệt, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông
báo bằng văn bản kết quả xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng
cho công chứng viên có hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng, đăng tải trên cổng
thông tin điện tử Sở Tư pháp và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định
việc cho phép thành lập Văn phòng công chứng theo quy định.
5. Trong thời hạn 5 ngày làm việc,
căn cứ vào kết quả xét duyệt và số điểm của từng hồ sơ, Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng.
Điều 16.
Đăng ký hoạt động
1. Trong thời hạn 90 ngày kể từ
ngày Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập, Văn phòng công chứng phải thực
hiện việc đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm
việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký hoạt động hợp lệ của Văn phòng công chứng
quy định tại Khoản 1 Điều này, Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra trụ sở, điều kiện
cơ sở vật chất, nhân sự của Văn phòng công chứng trước khi cấp Giấy đăng ký hoạt
động.
Trường hợp Văn phòng công chứng
không đáp ứng nội dung tại Đề án đã được chấm điểm, xét chọn, Sở Tư pháp lập
biên bản, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi Quyết định cho phép thành lập.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17.
Trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ và công chứng viên nộp hồ
sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng
1. Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ
thành lập Văn phòng công chứng, kiểm tra thành phần hồ sơ theo quy định của Luật
công chứng, Quy định này và các quy định pháp luật có liên quan.
2. Công chứng viên nộp hồ sơ đề
nghị thành lập Văn phòng công chứng chịu trách nhiệm về tính xác thực của hồ
sơ và các giấy tờ chứng minh về những nội dung trình bày trong Đề án thành lập
Văn phòng công chứng. Trường hợp phát hiện hồ sơ không trung thực thì bị hủy bỏ
kết quả xét duyệt và sau 18 tháng kể từ ngày bị hủy bỏ kết quả xét duyệt công
chứng viên mới được nộp lại hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng mới.
3. Tổ trưởng Tổ xét duyệt có
trách nhiệm trình Giám đốc Sở Tư pháp ra văn bản hủy bỏ kết quả xét duyệt
trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
Điều 18.
Khiếu nại, tố cáo
1. Công chứng viên nộp hồ sơ đề
nghị thành lập Văn phòng công chứng có quyền khiếu nại về việc từ chối cho phép
thành lập Văn phòng công chứng khi có căn cứ cho rằng việc từ chối đó là trái
Luật Công chứng, các văn bản hướng dẫn thi hành và Quy định này.
2. Công chứng viên nộp hồ sơ đề
nghị thành lập Văn phòng công chứng có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm
quyền về các hành vi vi phạm pháp luật và Quy định này trong việc tiếp nhận,
xét duyệt và đề nghị thành lập Văn phòng công chứng.
3. Việc giải quyết khiếu nại, tố
cáo tuân thủ theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 19. Tổ
chức thực hiện
Giao Sở Tư pháp tổ chức thực
hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ theo
quy định của pháp luật./.