ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 183/QĐ-UBND
|
Lâm
Đồng, ngày 27 tháng 01 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN NĂM 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 06 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 08/2020/NĐ-CP
ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;
Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-BTP
ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của
Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư
pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển
Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn năm 2021-2025, định
hướng đến năm 2030.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Tư pháp; Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- TT.Tỉnh ủy;
TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh;
- VP Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Cục
THADS tỉnh;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh;
- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Văn Hiệp
|
ĐỀ ÁN
PHÁT
TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN NĂM 2021 -
2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 183/QĐ-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
I. CƠ SỞ XÂY DỰNG
ĐỀ ÁN
1. Cơ sở
pháp lý
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005
của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ việc
xã hội hóa trong hoạt động thi hành án dân sự: “Nghiên cứu thực hiện và phát
triển các loại hình dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự
chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của mình... từng bước thực hiện việc xã hội hóa và
quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức
không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện một số
công việc thi hành án”.
Thể chế hoá chủ trương
của Đảng về xã hội hóa một số hoạt động thi hành án dân sự và tống đạt văn bản
của Tòa án, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành nhiều văn
bản quy phạm pháp luật, trong đó tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP
ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại
đã quy định: “Căn cứ vào các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án
phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. ”.
2. Cơ sở thực tiễn
Lâm Đồng là tỉnh miền núi Nam Tây nguyên,
có 12 đơn vị hành chính gồm 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và 10 huyện, có diện
tích 9.781,20 km2, dân số 1.309.792 người, mật độ dân số 133 người/km2.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần
thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu tiếp tục phát triển nhanh, toàn
diện và bền vững, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển
khá của cả nước; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu
nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, gắn với liên kết
thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông
nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; phát triển du lịch chất lượng
cao, phát triển công nghiệp có chọn lọc. Phát triển mạnh giáo dục và khoa học kỹ
thuật, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc cộng đồng các dân tộc; đảm bảo
an sinh, phúc lợi xã hội. Quản lý tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó biến
đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng - an ninh; thực hiện hiệu
quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...Đến năm 2025, là tỉnh phát triển khá của cả nước; đến
năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện, tự cân đối được ngân sách và
có điều tiết nộp về ngân sách trung ương.
Cùng với xu thế các hoạt động phát
triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng năng động, phát triển thì các
quan hệ xã hội diễn ra cùng có xu hướng ngày càng đa dạng, phức tạp, phát sinh
nhiều mâu thuẫn, tranh chấp. Từ đó, các khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự,
kinh tế, lao động sẽ có chiều hướng tăng về số lượng, phức
tạp, đa dạng hơn về nội dung.
Từ tình hình thực tiễn nêu trên, việc
phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh là cần
thiết, sẽ góp phần giữ vững ổn định chính trị
- xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu chính đáng của tổ chức, công dân, góp phần
thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy
nhà nước, giảm tải công việc cho hệ thống ngành Tòa án và Thi hành án dân sự.
II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC
TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Quan điểm
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện chế
định Thừa phát lại, nhằm triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công
việc có liên quan đến thi hành án dân sự theo chủ trương cải
cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.
b) Tăng cường năng lực, hiệu quả
trong hoạt động thi hành án dân sự, cũng như
trong công tác quản lý nhà nước và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước đối với
hoạt động Thừa phát lại tại địa phương.
c) Phát huy khả năng và tính chủ
động tích cực của người dân trong đời sống xã hội, phát huy trách
nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân trong các quan hệ pháp luật dân sự, hành
chính; giảm bớt khối lượng công việc và gánh nặng chi phí của Nhà nước cho hoạt
động xác minh điều kiện thi hành án, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt
động của cơ quan nhà nước.
d) Kế thừa và
phát huy những kết quả đạt được của việc phát triển, thành
lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
2. Mục
tiêu
2.1. Mục tiêu chung:
a) Phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, cải cách hành
chính và xã hội hóa trong lĩnh vực này; phát huy được vai trò, huy động được
nguồn lực và nâng cao trách nhiệm từ cộng đồng, xã hội.
b) Hoạt động của Thừa phát lại góp phần
nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tư pháp nói chung và thi hành án dân
sự nói riêng; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động
này.
c) Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa
các cơ quan nhà nước có liên quan, đặc biệt giữa Tòa án, Cơ quan thi hành án
dân sự và chính quyền địa phương với hoạt động của Thừa phát lại; đảm bảo tổ chức
thực hiện chế định Thừa phát lại đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; có quy hoạch
phát triển và giải pháp thực hiện phù hợp, bảo đảm cho Văn phòng Thừa phát lại
có thể hoạt động, phát triển bền vững.
d) Huy động tối đa các nguồn lực xã hội
tham gia thực hiện chế định Thừa phát lại, nhằm giảm áp lực công việc, giảm chi
ngân sách và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp mà trực tiếp
là Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng.
e) Tạo điều kiện cho người dân chủ động
xác lập các chúng cứ pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong
hoạt động tố tụng cũng như trong việc thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế.
Đồng thời, người dân có sự lựa chọn trong việc xác minh điều kiện thi hành án,
thực thi các phán quyết của Tòa án.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
a) Việc xây dựng và cho phép thành lập
Văn phòng Thừa phát lại phải căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Điều 21 Nghị
định số 08/2020/NĐ-CP , cụ thể như sau:
- Điều kiện về kinh tế - xã hội của địa
bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
- Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án,
cơ quan Thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng
Thừa phát lại.
- Mật độ dân cư và nhu cầu của người
dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
- Không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại
tại 01 đơn vị hành chính là thị xã (nếu có), thành phố thuộc tỉnh; không quá 01
Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính là huyện thuộc tỉnh.
b) Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng
đến năm 2030, phát triển, thành lập không quá 10 Văn phòng Thừa phát lại trên địa
bàn toàn tỉnh. Cụ thể:
+ Giai đoạn 2021- 2025, tổng số Văn
phòng Thừa phát lại được thành lập mới trên địa bàn là 05 Văn phòng Thừa phát lại.
Cụ thể:
- Giai đoạn 2021- 2023: Phát triển 03
Văn phòng Thừa phát lại.
- Giai đoạn 2024 - 2025: Phát triển
thêm 02 Văn phòng Thừa phát lại.
+ Đến năm 2030,
tổng số Văn phòng Thừa phát lại được thành lập trên địa bàn toàn tỉnh là không
quá 10 Văn phòng (bao gồm cả 02 Văn phòng đã thành lập năm
2019 và 05 Văn phòng thành lập trong giai đoạn 2021- 2025).
III. THỰC TRẠNG HOẠT
ĐỘNG THỪA PHÁT LẠI TRONG THỜI GIAN QUA
1. Về hoạt động
tống đạt các loại văn bản của Tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự
a) Trong lĩnh vực xét xử
Trong năm 2021, Tòa án nhân dân hai cấp
tỉnh Lâm Đồng đã thụ lý 9.221 vụ, việc; giải quyết 7.390 vụ, việc các loại, đạt
tỷ lệ 80,14%
Theo quy định của pháp luật và thực
tiễn hoạt động tố tụng, thủ tục giải quyết một vụ án, Tòa án phải thực hiện tống
đạt nhiều loại giấy tờ, văn bản như:
thông báo thụ lý vụ kiện, giấy mời lấy lời khai, thông báo hòa giải, quyết định
khẩn cấp tạm thời, thông báo đo đạc, thẩm định, giấy triệu tập đương sự, quyết
định đưa vụ án ra xét xử, quyết định, bản án và các văn bản tố tụng khác của Tòa án. Do vậy, việc phát triển Văn phòng thừa phát lại sẽ
góp phần giảm tải công việc cho đội ngũ cán bộ của Tòa án nhân dân các cấp trên
địa bàn tỉnh trong việc tống đạt các loại văn bản, giấy tờ có liên quan.
b) Trong lĩnh vực thi hành án
Theo quy định của pháp luật về thi hành
án dân sự thì các quyết định về thi hành án phải gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp;
Quyết định cưỡng chế thi hành án phải gửi cho UBND xã, phường,
thị trấn nơi tổ chức cưỡng chế và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết
việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án; quyết định về thi hành án, giấy
báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải
thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Thông báo về thi hành án được thực
hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần
ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh
việc thi hành án và theo các hình thức: Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ
chức, các nhân khác theo quy định của pháp luật; niêm yết công khai; thông báo
trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trong năm 2021, tổng số việc giải quyết
của các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh là 16.139 việc, trong số
có điều kiện, đã thi hành xong đạt tỷ lệ 79,63%. Cùng với số lượng công việc giải
quyết đó, các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện gửi, tống đạt nhiều bản
án, quyết định thi hành án; các loại quyết định, văn bản, giấy tờ liên quan đến
thi hành án (Công văn, Giấy báo, Giấy triệu tập, Thông báo thi hành án...) cho
Viện kiểm sát, Tòa án, Sở Tư pháp, các bên đương sự, người
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác trong quá
trình tổ chức thi hành án.
Từ các số liệu
trên cho thấy, khối lượng văn bản phải tống đạt của Tòa án, cơ quan Thi hành án
dân sự rất lớn. Do vậy, việc giao Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ, văn
bản sẽ góp phần giảm bớt áp lực công việc của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân
sự; đảm bảo tuân thủ chặt chẽ yêu cầu của thủ tục tố tụng trong công tác xét xử
của Tòa án và công tác thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự. Trong một số
trường hợp, việc giao các văn bản cho Thừa phát lại để thực
hiện còn là căn cứ để xác định thời hạn kháng cáo, thời hiệu yêu cầu thi hành
án, thời hạn để thực hiện các thủ tục: lựa chọn tổ chức thẩm
định giá, tổ chức đấu giá, thẩm định giá lại, thời gian
đưa tài sản ra đấu giá...
Việc tống đạt giấy tờ, văn bản có
liên quan đến việc xét xử và thi hành án có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo quyền
và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc giao
Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ, văn bản đảm bảo tuân thủ chặt chẽ yêu
cầu của thủ tục tố tụng, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết các
vụ việc thụ lý tại Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự đạt hiệu quả.
c) Về công tác thi hành các bản án,
quyết định của Tòa án
Theo tình hình chung, tính chất các vụ
án ngày càng phức tạp, nhất là các tranh chấp có liên quan đến đất đai, từ đó phát
sinh nhiều vấn đề khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa
phương. Trong năm 2021, cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp đã tiếp nhận 12.277
bản án, quyết định của Tòa án.
Do vậy, việc phát triển Văn phòng Thừa
phát lại, người dân có quyền lựa chọn dịch vụ thi hành án
dân sự tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc thực thi bản án, quyết
định của Tòa án một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời.
d) Đối với việc lập vi bằng
Thực tiễn cho thấy, việc người dân tự
thu thập chứng cứ chứng minh trong các vụ, việc khá khó khăn, phức tạp; hơn nữa,
nhiều người thiếu hiểu biết chuyên sâu về pháp luật nên không thể thực hiện
đúng nghĩa vụ cung cấp chứng cứ theo quy định.
Chính vì vậy, việc xác lập chứng cứ
chứng minh thông qua hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại
sẽ tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân, tổ chức tự bảo
vệ mình trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các giao dịch dân sự, hạn
chế tranh chấp, rủi ro về pháp lý trong các giao dịch dân sự, cũng như xác lập
các chứng cứ để bảo vệ mình trong quá trình hòa giải,
thương lượng hoặc xét xử; hỗ trợ cơ quan công chứng khi thực hiện công chứng
các giao dịch và đặc biệt là nguồn cung cấp chứng cứ trong hoạt động tố tụng tại
Tòa án; tạo cơ sở để cơ quan tài phán xem xét, giải quyết
vụ việc một cách khách quan, đúng pháp luật.
2. Thực trạng tổ
chức và hoạt động của Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua
a) Số lượng Văn phòng Thừa phát lại
được thành lập và hoạt động
Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 Văn
phòng Thừa phát lại được thành lập và hoạt động, bao gồm:
- Văn phòng Thừa phát lại thành phố
Bảo Lộc
+ Tổng số Thừa phát lại: 06 Thừa phát
lại.
+ Tổng số thư ký
nghiệp vụ: 10 Thư ký nghiệp vụ.
- Văn phòng Thừa phát lại thành phố
Đà Lạt
+ Tổng số Thừa phát lại: 09 Thừa phát
lại.
+ Tổng số thư ký nghiệp vụ: 14 Thư ký
nghiệp vụ.
b) Hoạt động của các Văn phòng Thừa
phát lại
Kết quả hoạt động của các Văn phòng
Thừa phát lại trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 như sau:
- Tống đạt: 15.034 văn bản, doanh thu
1.339.631.000 đồng;
- Lập Vi bằng: 1.439 Vi bằng, doanh
thu 1.087.568.000 đồng.
Nhìn chung, từ khi được thành lập đến
nay, các Văn phòng Thừa phát lại đã chấp hành các quy định về đăng ký hoạt động,
thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, đăng ký hành nghề cho Thừa phát lại theo
quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ và pháp
luật có liên quan, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ đảm bảo hoạt động cứa
văn phòng và phục vụ người yêu cầu. Hoạt động của các Văn phòng đã góp phần tống
đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án
và cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn.
Đối với việc lập vi bằng, về cơ bản
đúng thẩm quyền, thủ tục, hình thức, nội dung và các biểu mầu quy định tại Nghị
định số 08/2020/NĐ-CP và Thông tư số 05/2020 ngày 28/8/2020 của Bộ Tư pháp quy
định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP. Việc
lập vi bằng là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ
quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và góp phần bổ sung nguồn chứng
cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính
theo quy định của pháp luật;
Bên cạnh những kết quả đạt được,
trong hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại cũng còn những tồn tại, hạn chế
cần khắc phục trong thời gian tới như sau:
- Một số văn bản Tòa án yêu cầu tống
đạt và niêm yết nhưng có Văn phòng Thừa phát lại chỉ thực hiện việc tống đạt và
khi không giao được văn bản cho đương sự, Văn phòng Thừa phát lại không thực hiện
thủ tục niêm yết theo yêu cầu của Tòa án.
- Thư ký Tòa án chuyển giao văn bản đảm bảo thời gian để niêm yết văn bản
tố tụng nhưng một số Thừa phát lại để cận ngày đương sự triệu tập mới tống đạt, thậm chí
có trường hợp qua ngày xét xử mới tống đạt cho đương sự
làm ảnh hưởng đến quyền tham gia tố tụng của đương sự.
- Sau khi thực hiện việc tống đạt cho
đương sự, một số Thừa phát lại chậm trả văn bản cho Tòa án, dẫn đến việc Tòa án không nắm được thông tin đến ngày xét xử hoặc ngày được
triệu tập, văn bản đã được chuyển giao đến đương sự hay
chưa; có trường hợp còn làm mất (thất lạc) hoặc chuyển nhầm cho người khác văn
bản tố tụng mà Tòa án chuyển giao cho Văn phòng Thừa phát lại tống đạt, làm ảnh
hưởng nghiêm trọng đến quá trình giải quyết của Tòa án và quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong việc tham
gia tố tụng tại Tòa án.
- Vẫn còn tình trạng Thừa phát lại thực
hiện tống đạt và trả kết quả không đúng thời hạn trong hợp đồng; Thừa phát lại
thực hiện không đúng thủ tục tố tụng (lập biên bản không tống đạt được, biên bản
niêm yết không đúng quy định).
IV. LỘ TRÌNH THỰC
HIỆN
1. Giai đoạn
2021-2023:
Bước đầu thực hiện Đề án và thành lập 03 Văn phòng Thừa phát lại tại huyện Đức Trọng, huyện
Lâm Hà, huyện Di Linh là các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển của
tỉnh nhưng hiện nay chưa có Văn phòng Thừa phát lại, nhằm đáp ứng nhu cầu và tạo
điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
a) Tại địa bàn huyện Đức Trọng:
Huyện Đức Trọng có 15 đơn vị hành
chính cấp xã gồm 1 thị trấn và 14 xã, dân số là 189.206
người, mật độ dân số 209 người/ km2, có diện tích 903 km2.
Huyện Đức Trọng nằm ở vùng giữa tỉnh
Lâm Đồng, trung tâm huyện cách thành phố Đà Lạt 30 km về phía Nam, nằm ở vị trí
trung tâm giao thông đi Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Buôn Ma Thuột, Phan
Rang, có điều kiện thuận lợi cho mở rộng giao lưu với bên ngoài, phát triển mạnh
mẽ nên kinh tế với cả ba thế mạnh Nông, Lâm nghiệp, Công nghiệp - Dịch vụ.
Trong năm 2021, Tòa án nhân dân huyện
Đức Trọng đã thụ lý 1.498 các loại án về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình,
lao động, kinh doanh thương mại, hành chính; Chi cục Thi hành án dân sự huyện
đã giải quyết 2.405 việc, tỷ lệ thi hành xong trong số có điều kiện thi hành là
82,64%.
b) Tại địa bàn huyện Lâm Hà:
Huyện Lâm Hà có 16 đơn vị hành chính
cấp xã gồm 02 thị trấn và 14 xã, dân số là 145.552 người,
mật độ dân số 156 người/ km2 (mật độ dân số cao nhất cả tỉnh), có diện
tích 930 km2. Huyện Lâm Hà có ranh giới phía Bắc giáp huyện Đam
Rông, phía Đông giáp thành phố Đà Lạt, phía Đông Nam giáp huyện Đức Trọng, phía
Tây giáp huyện Di Linh. Hiện nay, huyện Lâm Hà đã và đang đầu tư nhiều chương
trình trọng tâm, trọng điểm, điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
Trong năm 2021, Tòa án nhân dân huyện
Lâm Hà đã thụ lý 1.108 các loại án về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao động,
kinh doanh thương mại, hành chính, tỷ lệ giải quyết là 82,7%; Chi cục Thi hành
án dân sự huyện đã giải quyết 2.139 việc, tỷ lệ thi hành xong trong số có điều
kiện thi hành là 83,66%
c) Tại địa bàn huyện Di Linh:
Huyện Di Linh có 19 đơn vị hành chính
cấp xã gồm 1 thị trấn và 18 xã, dân số là 161.212 người, mật độ dân số 100 người/km2,
có diện tích 1.613 km2 (diện tích lớn nhất tỉnh).
Di Linh là một huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng,
nằm trên cao nguyên Di Linh, phía đông giáp với huyện Đức Trọng, phía Tây giáp
huyện Bảo Lâm, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Bắc giáp huyện Lâm Hà, là
huyện nằm trên trục Quốc lộ 20, có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển các
ngành kinh tế, đặc biệt là ngành nông nghiệp.
Trong năm 2021, Tòa án nhân dân huyện
Di Linh đã thụ lý 840 các loại án về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao động,
kinh doanh thương mại, hành chính, tỷ lệ giải quyết là 69,9%; Chi cục Thi hành
án dân sự huyện đã giải quyết 1.511 việc, tỷ lệ thi hành xong trong số có điều
kiện thi hành là 73,23%.
2. Giai đoạn
2024-2025
Tiếp tục thực hiện Đề án và thành lập
02 Văn phòng Thừa phát lại tại huyện Đơn Dương, huyện Đạ Huoai là các địa bàn
có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển của tỉnh nhưng chưa có Văn phòng Thừa
phát lại, nhằm đáp ứng nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh
nghiệp trên địa bàn.
a) Tại địa bàn huyện Đơn
Dương
Huyện Đơn Dương có 10 đơn vị hành
chính cấp xã gồm 02 thị trấn và 08 xã, dân số là 108.332 người, mật độ dân số
177 người/ km2, có diện tích 611 km2.
Đơn Dương là huyện nằm ở phía Đông Nam
Đà Lạt, phía Nam cao nguyên Lâm viên. Mục tiêu giai đoạn 2020-2025 là xây dựng
huyện Đơn Dương đạt nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao theo hướng thông minh vào năm 2025, xây dựng huyện Đơn Dương
phát triển toàn diện, bền vững, là trung tâm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao theo hướng thông minh của tỉnh, khu vực và cả nước; phát triển công
nghiệp theo hướng chọn lọc, tập trung vào những ngành, nghề, lĩnh vực lợi thế.
Trong năm 2021, Tòa án nhân dân huyện
Đơn Dương đã thụ lý 741 các loại án về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao
động, kinh doanh thương mại, hành chính, tỷ lệ giải quyết là 75,8%; Chi cục Thi
hành án dân sự huyện đã giải quyết 1.227 việc, tỷ lệ thi hành xong trong số có
điều kiện thi hành là 72,23%.
b) Tại địa bàn huyện Đạ Huoai:
Huyện Đạ Huoai có 07 xã và 02 thị trấn,
dân số là 34.135 người, mật độ dân số 69 người/km2, có diện tích 495
km2.
Huyện Đạ Huoai nằm dọc Quốc lộ 20, là
trục giao thông huyết mạch của tỉnh Lâm Đồng với vùng kinh tế trọng điểm phía
Nam, đường huyện Đạ Mri - Đoàn Kết nối với Tỉnh lộ 721 đi Bình Thuận và Tỉnh lộ
721 nối với các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên tạo điều kiện thuận lợi để trở thành đầu mối giao lưu kinh tế - xã hội với các huyện trong tỉnh,
khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Trong năm 2021, Tòa
án nhân dân huyện Đạ Huoai đã thụ lý 257 các loại án về hình sự, dân sự, hôn
nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính, tỷ lệ giải quyết là
69,9%; Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã giải quyết 186 việc, tỷ lệ thi hành
xong trong số có điều kiện thi hành là 83,05%.
Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại
trên địa bàn huyện Đạ Huoai sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân, cơ quan,
đơn vị có liên quan trên địa bàn huyện Đạ Huoai và các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên.
3. Định hướng đến năm 2030
Số lượng các Văn phòng Thừa phát lại
được thành lập trên cơ sở đánh giá nhu cầu thực tế, chỉ thành lập Văn phòng Thừa
phát lại nếu xét thấy cần thiết, đảm bảo các tiêu chí thành lập theo quy định.
V. TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ CÓ LIÊN QUAN TRONG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Sở Tư pháp
a) Chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân
dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh
và các cơ quan, tổ chức có liên quan khác triển khai thực hiện hiệu quả Đề án.
b) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện
quản lý Nhà nước về Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 2
Điều 68 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP .
c) Thông tin, tuyên truyền về Đề án
này, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật liên quan nhằm bảo đảm
cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân nhận thức đúng, đầy đủ về hoạt
động của Thừa phát lại và định hướng phát triển Thừa phát
lại của tỉnh. Qua đó thúc đẩy hoạt động Thừa phát lại ngày
càng phát triển và ổn định, đi vào nề nếp.
d) Tùy tình hình thực tế của hoạt động
thừa phát lại hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài chính dự trù kinh phí để
triển khai thực hiện Đề án.
2. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở,
ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm kinh phí triển khai thực
hiện Đề án.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai
cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu
nhà ở và tài sản khác gan liền với đất (bao gồm cả thông tin về giao dịch bảo đảm)
phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án; thực hiện việc đăng ký quyền sử
dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với
đất cho người mua được tài sản, người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào tiền được thi hành án; thu hồi, sửa đổi các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền
với đất đã cấp cho người phải thi hành án; thực hiện việc cấp mới các giấy tờ
đó theo quy định của pháp luật.
4. Sở Giao thông vận tải
Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin,
số liệu về đăng ký phương tiện thủy nội địa (nếu có), xe
máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ phục vụ
cho việc xác minh điều kiện thi hành án; phối hợp, hỗ trợ Thừa phát lại thực hiện
công việc về thi hành án dân sự quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các
quy định pháp luật thi hành án dân sự.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo
chí, truyền thông thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chế
định Thừa phát lại, dành thời lượng thích hợp để tuyên
truyền phổ biến trên các chuyên trang, chuyên mục pháp luật về nội dung của các
văn bản pháp luật liên quan đến Thừa phát lại.
6. UBND các huyện, thành phố
a) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực
thuộc phối hợp, hỗ trợ hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn thuộc phạm vi quản
lý.
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã,
phường, thị trấn phối hợp, hỗ trợ Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành
án dân sự quy định tại Điều 52 Nghị định số 08/2020/NĐ và quy định pháp luật có
liên quan.
c) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn
cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu
nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi
hành án của Thừa phát lại.
7. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh
a) Phối hợp, hỗ trợ và chỉ đạo Tòa án
nhân dân cấp huyện và các đơn vị trực thuộc hỗ trợ hoạt động Thừa phát lại.
b) Hỗ trợ chuyển giao và chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện hỗ trợ chuyển giao các văn bản tố tụng cần tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại.
8. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân
tỉnh
a) Kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại.
b) Chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân cấp
huyện và các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ hoạt động Thừa phát lại.
c) Thông tin cho Sở Tư pháp việc tuân
theo pháp luật trong hoạt động tống đạt các văn bản của
Tòa án, các văn bản về thi hành án và trong hoạt động thi hành án của Thừa phát
lại.
9. Đề nghị Cơ quan Thi hành án dân
sự
Thực hiện trách nhiệm theo quy định tại
khoản 1 Điều 60 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP , cụ thể như sau:
a) Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Cục
Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở có trách nhiệm ra quyết
định thi hành án theo đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại; chuyển giao quyết định thi hành án cho Văn phòng Thừa phát lại đã đề nghị
trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng
Thừa phát lại đặt trụ sở có trách nhiệm hỗ trợ việc thi hành án của Văn phòng
Thừa phát lại, hướng dẫn việc phối hợp trong thi hành án giữa các Chi cục Thi
hành án dân sự với Văn phòng Thừa phát lại và giữa các Văn phòng Thừa phát lại
trên địa bàn tỉnh.
b) Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Cục
Thi hành án dân sự có trách nhiệm phối hợp với các Văn
phòng Thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án và thanh toán tiền
thi hành án theo quy định.
Việc tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu
của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt
trụ sở là theo hợp đồng dịch vụ thoả thuận giữa cơ quan Thi hành án dân sự với
Văn phòng Thừa phát lại hoặc các thủ tục xác minh... được thực hiện theo quy định
của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật thi hành án dân sự.
10. Đề nghị Công an tỉnh
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp,
hỗ trợ Thừa phát lại trong việc xác minh địa chỉ, nơi cư trú của người cần tống
đạt văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi
hành án theo quy định của pháp luật về tố tụng.
11. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước -
Chi nhánh tỉnh
a) Chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín
dụng trên địa bàn phối hợp, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, hỗ trợ Thừa
phát lại thực hiện các công việc xác minh điều kiện thi hành án theo quy định tại
Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và pháp luật thi hành án dân sự.
b) Phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường
công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt hoạt động Thừa phát lại đến các tổ
chức tín dụng trên địa bàn.
12. Đề nghị Kho bạc Nhà nước tỉnh
Thực hiện và chỉ đạo Kho bạc Nhà nước
các huyện, thành phố phối hợp cung cấp thông tin, hỗ trợ Thừa phát lại thực hiện
các công việc xác minh điều kiện thi hành án theo quy định tại Nghị định số
08/2020/NĐ-CP và pháp luật thi hành án dân sự.
13. Đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh
Thực hiện và chỉ đạo Bảo hiểm xã hội
các huyện, thành phố phối hợp cung cấp thông tin, hỗ trợ Thừa phát lại thực hiện
các công việc xác minh điều kiện thi hành án quy định tại Nghị định số
08/2020/NĐ-CP và pháp luật thi hành án dân sự.
14. Các Cơ quan, tổ chức có liên
quan khác
Phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động của Thừa
phát lại trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với
các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; các
cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên
địa bàn; kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án; định kỳ báo cáo Bộ Tư
pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Đề
án, phát sinh những khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ
quan, đơn vị, địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để
kịp thời xem xét, giải quyết./.