ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/2022/QĐ-UBND
|
Bình Phước, ngày 20 tháng 5 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14
tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Thi hành án dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị quyết số
107/2015/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về thực
hiện chế định Thừa phát lại;
Căn cứ Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày
08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
03/2014/TTLT-BTP-NHNNVN ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về việc xác minh điều kiện
thi hành án của Thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tư
pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối
cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án
dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự;
Căn cứ Thông tư số 223/2016/TT-BTC
ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ
thu nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề Thừa
phát lại; phí thẩm định điều
kiện thành lập, hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại;
Căn cứ Thông tư số 05/2021/TT-BTC ngày
20 tháng 01 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung một số điều của
Thông tư số 223/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài
chính quy định mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định tiêu
chuẩn, điều kiện hành nghề Thừa phát lại; phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động
của Văn phòng Thừa phát lại;
Căn cứ Thông tư số 05/2020/TT-BTP ngày
28 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và
biện pháp thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của
Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại
Tờ trình số 32/TTr-STP
ngày 18 tháng 4 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong công
tác quản lý nhà nước về Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Thủ
trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường thị trấn và các tổ chức, cá nhân có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 01 tháng 6 năm 2022./.
Nơi nhận:
-
Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Cục KTVB (BTP);
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Trung tâm CNTT- TT (Sở TT&TT);
- Như Điều 2;
- LĐVP;
- Lưu: VT, P.NC. DN13
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Tuệ Hiền
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 09/2022/QĐ-UBND ngày 20/5/2022 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Bình Phước)
Chương I
NHỮNG
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội
dung, hình thức và trách nhiệm phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở,
ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (viết tắt là Ủy ban
nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (viết tắt là Ủy
ban nhân dân cấp xã); các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giúp Ủy ban
nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động Thừa phát
lại trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các sở,
ban, ngành; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức, cá nhân
có liên quan trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 3. Nguyên tắc phối
hợp
1. Thực hiện đúng các quy định của
pháp luật về Thừa phát lại.
2. Hoạt động phối hợp được thực hiện
trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các cơ quan, đơn vị, địa
phương.
3. Hoạt động phối hợp phải chặt chẽ,
thường xuyên, thống nhất, kịp thời, hiệu quả.
4. Xác định rõ cơ quan, đơn vị chủ
trì; cơ quan, đơn vị phối hợp; trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu các cơ
quan, đơn vị, địa phương; nội dung, thời hạn, cách thức thực hiện chế độ thông
tin, báo cáo.
Chương II
NỘI
DUNG, HÌNH THỨC VÀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP
Điều 4. Nội dung phối
hợp
1. Tổ chức phổ biến, thi hành pháp luật
về Thừa phát lại, chính sách phát triển tổ chức hành nghề Thừa phát lại.
2. Thực hiện các biện pháp phát triển
tổ chức hành nghề Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định của pháp
luật hiện hành và tình hình thực tiễn của địa phương.
3. Bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống
cháy nổ.
4. Quyết định việc thành lập, chuyển đổi, hợp nhất,
sáp nhập, chuyển nhượng, tạm
ngừng, chấm dứt hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật.
5. Tham mưu ban hành quy định về tiêu
chí, phương pháp tính điểm và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn
phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
6. Phối hợp trong kiểm tra, rà soát, theo
dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực Thừa phát lại nhằm tham mưu xây dựng, sửa
đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành liên quan đến
tổ chức và hoạt động Thừa phát lại.
7. Trao đổi, cung cấp thông tin về tổ
chức và hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh; xây dựng, khai thác cơ sở dữ
liệu về vi bằng; chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa các ngành; tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc trong hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại và Thừa phát lại.
8. Thực hiện kiểm tra, thanh tra và giải
quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực Thừa phát lại theo quy định của pháp luật.
9. Phối hợp thực hiện một số hoạt động
khác để thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ
chức và hoạt động của Thừa phát lại và các văn bản quy phạm pháp luật khác có
liên quan đến hoạt động Thừa phát lại.
Điều 5. Hình thức phối
hợp
Hoạt động phối hợp được thực hiện linh
hoạt bằng nhiều hình thức phù hợp như: Họp, trao đổi bằng văn bản, thanh tra, kiểm tra và
một số hình thức phối hợp khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 6. Trách nhiệm
phối hợp
1. Sở Tư pháp
a) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện
quản lý Nhà nước về Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh; rà soát các quy định của
pháp luật về Thừa phát lại và các quy định pháp luật khác có liên quan để báo
cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện, bảo đảm áp
dụng thống nhất, đồng bộ trên địa bàn tỉnh;
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ tiêu chí thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên
địa bàn tỉnh phù hợp quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn phát triển tổ
chức hành nghề Thừa phát lại ở địa phương; xem xét, đánh giá về tính hợp lý, hiệu
quả của địa điểm thành lập Văn phòng Thừa phát lại để tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập;
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính,
Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành có liên quan xây dựng, khai thác
cơ sở dữ liệu về vi bằng;
d) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp
huyện trong việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với các
hoạt động của tổ chức Thừa phát lại;
đ) Chỉ đạo các Văn phòng Thừa phát lại
thực hiện việc niêm yết công khai tại trụ sở số điện thoại của cơ quan, đơn vị,
người có thẩm quyền quản lý tổ chức, hoạt động Thừa phát lại để các tổ chức, cá
nhân thuận tiện trong việc thông tin, phản ánh về tổ chức và hoạt động Thừa
phát lại;
e) Trong trường hợp cần thiết, chủ
trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu
Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành về tổ chức
và hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh;
g) Định kỳ hàng năm và đột xuất tổ chức
họp giao ban với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện để đánh giá về
tình hình hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh; thông
tin liên quan đến việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại,
tố cáo, phản ánh kiến nghị về Thừa phát lại tại địa phương cho Ủy ban nhân dân
cấp huyện; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động Thừa
phát lại.
2. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
a) Phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nội dung
liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực Thừa phát lại trên địa bàn
tỉnh;
b) Chỉ đạo Trung tâm Phục vụ hành
chính công trong việc tiếp nhận, chuyển hồ sơ, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị...
của tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của các tổ
chức Thừa phát lại.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh
và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện cung cấp đầy đủ, kịp thời
thông tin, số liệu về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn
liền với đất (bao gồm cả thông tin về giao dịch bảo đảm) phục vụ cho việc xác
minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại; đồng thời, phối hợp,
hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định
pháp luật.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và
các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn giải quyết chế độ, quyền lợi của người
lao động làm việc tại các Văn phòng Thừa phát lại trong trường hợp giải thể,
chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại.
5. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham
mưu Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến chế độ tài
chính trong việc xây dựng, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu vi bằng liên quan đến
hoạt động Thừa phát lại làm cơ sở cho việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông
tin trong lĩnh vực Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và
các sở, ban, ngành đăng tải thông tin liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước
về Thừa phát lại lên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh;
b) Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng và
khai thác cơ sở dữ liệu vi bằng về Thừa phát lại.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số
liệu về đăng ký kinh doanh, đầu tư phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành
án theo yêu cầu của Thừa phát lại.
8. Sở Giao thông vận tải
Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số
liệu về đăng ký phương tiện tham gia giao thông phục vụ cho việc xác minh điều
kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ
cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định.
9. Công an tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và
các đơn vị có liên quan trong việc xem xét, xử lý hành vi vi phạm pháp luật
trong hoạt động Thừa phát lại của các tổ chức, cá nhân;
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung
cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, số liệu về đăng ký xe cơ giới phục vụ cho
việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại, hỗ trợ cho
Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định của pháp
luật;
c) Chỉ đạo Công an các xã, phường, thị
trấn phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt các văn bản của
Tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án theo quy định
của pháp luật về tố tụng và các quy định pháp luật có liên quan;
d) Chỉ đạo Công an cấp huyện và Công
an cấp xã, phường, thị trấn phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại tổ chức bảo vệ
việc cưỡng chế thi hành án theo trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy
động lực lượng bảo vệ;
đ) Chỉ đạo Trại tạm giam, các nhà tạm
giữ phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự
theo quy định;
g) Chỉ đạo Công an cấp huyện thường
xuyên kiểm tra tình hình bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong hoạt động
của Văn phòng Thừa phát lại tại địa bàn.
10. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
Cung cấp thông tin về tình hình tuân
thủ pháp luật trong hoạt động tống đạt các văn bản của Tòa án, các văn bản về
thi hành án và trong hoạt động thi hành án của Thừa phát lại theo đề nghị của Sở
Tư pháp hoặc các cơ quan, đơn vị có liên quan.
11. Tòa án nhân dân tỉnh
a) Hỗ trợ và chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp
huyện và các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện các
công việc được làm theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các
quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Thông tin cho Sở Tư pháp về số lượng
và chất lượng của vi bằng được sử dụng làm chứng cứ trong xét xử tại Tòa án
nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện.
12. Cục Thi hành án dân sự tỉnh
a) Thỏa thuận và chỉ đạo Chi cục Thi
hành án dân sự cấp huyện giao các văn bản cần tống đạt cho Thừa phát lại thực
hiện; phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại, đặc biệt là hỗ trợ về kinh
nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự;
b) Thông tin về việc thực hiện các
công việc về thi hành án dân sự của Thừa phát lại theo đề nghị của Sở Tư pháp
hoặc các cơ quan, đơn vị có liên quan.
13. Cục Thuế tỉnh
a) Cung cấp thông tin về thu, nộp, cấp
biên lai về phí, lệ phí; về thực hiện nghĩa vụ thuế của các Văn phòng Thừa phát
lại khi có yêu cầu;
b) Cung cấp và chỉ đạo Chi cục Thuế
các huyện, thị xã, thành phố cung cấp thông tin về thuế phục vụ cho việc xác
minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại theo quy định pháp luật;
c) Thực hiện và chỉ đạo Chi cục Thuế
các huyện, thị xã, thành phố cấp huyện thực hiện quản lý thuế theo phân cấp quản
lý đối với các Văn phòng Thừa phát lại theo đúng quy định của pháp luật về quản
lý thuế.
14. Cục Hải quan tỉnh
Cung cấp và chỉ đạo các Chi cục Hải
quan cung cấp thông tin về thuế phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án
theo yêu cầu của Thừa phát lại theo quy định pháp luật.
15. Bảo hiểm xã hội tỉnh
Chủ trì thực hiện, chỉ đạo cơ quan Bảo
hiểm xã hội cấp huyện hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cho người lao động
theo quy định của pháp luật.
16. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Phối hợp với Sở Tư pháp và các sở,
ban, ngành liên quan phổ biến pháp luật về Thừa phát lại; giá trị pháp lý của
văn bản Thừa phát lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân ở địa
phương;
b) Phối hợp với Sở Tư pháp xem xét,
đánh giá về nhu cầu Thừa phát lại của tổ chức, cá nhân trên địa bàn; góp ý kiến
về địa điểm, tính hiệu quả của việc phát triển tổ chức hành nghề Thừa phát lại;
tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn
trong hoạt động Thừa phát lại tại địa phương;
c) Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn có
liên quan, Ủy ban nhân dân cấp xã cung cấp thông tin về đương sự và tài sản
theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của tổ chức hành nghề Thừa phát lại
phục vụ cho việc lập vi bằng; chỉ đạo Ủy
ban nhân dân cấp xã thực hiện nghiêm trách nhiệm phối hợp với các tổ chức hành
nghề Thừa phát lại;
d) Thực hiện việc giám sát, cung cấp
thông tin phản ánh, kiến nghị của cử tri, các tổ chức, cá nhân liên quan đến tổ
chức và hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương. Trường hợp cần
thiết kiến nghị Sở Tư pháp thành lập đoàn kiểm tra, hoặc tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh thành lập Đoàn thanh tra về tổ chức và hoạt động của Văn phòng Thừa
phát lại đối với các tổ chức hành nghề Thừa phát lại tại địa phương khi có
thông tin hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;
đ) Thực hiện nhiệm vụ liên quan khác
theo đề nghị hoặc chỉ đạo của cơ quan cấp trên.
e) Giao Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp
với các phòng chuyên môn và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp
huyện thực hiện các nhiệm vụ, nội dung phối hợp thuộc trách nhiệm của Ủy ban
nhân dân cấp huyện theo quy định tại Quy chế này.
g) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã có
trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của Sở Tư pháp, các cơ quan liên quan và chỉ
đạo của Ủy ban nhân dân huyện phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về Thừa phát
lại.
17. Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân
dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã ngoài những nhiệm vụ nêu trên còn có
trách nhiệm phối hợp thực hiện nhiệm vụ khác theo đề nghị hoặc chỉ đạo của Ủy
ban nhân dân tỉnh.
Chương III
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Triển khai thực
hiện Quy chế
1. Kinh phí thực hiện theo phân cấp quản
lý ngân sách; các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện lồng ghép với kinh phí
chuyên môn đã được bố trí trong dự toán giao hàng năm.
Sở Tài chính căn cứ vào nguồn kinh phí
đã bố trí trong dự toán giao các đơn vị, thực hiện thẩm định, quyết toán theo
quy định.
2. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với
Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thi hành
án dân sự tỉnh; các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp này. Đồng thời,
giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra; tham mưu tổ chức đánh giá kết quả
việc thực hiện Quy chế phối hợp; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tư
pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Điều 8. Giải quyết
khó khăn, vướng mắc
Trong quá trình thực hiện Quy chế nếu
có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề phát sinh, các cơ quan, đơn vị, địa
phương kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để được xem xét,
giải quyết.
Điều 9. Sửa đổi, bổ
sung Quy chế
Trên cơ sở báo cáo, kiến nghị của các
cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc có sự thay đổi của pháp luật, Sở Tư pháp chủ
trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.