ỦY BAN NHÂN
DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/CT-UBND
|
Cần Thơ, ngày
17 tháng 6 năm 2019
|
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG
TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện
các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được tiến hành sâu rộng trong
ban ngành, đoàn thể, địa phương và Nhân dân. Hoạt động trợ giúp pháp lý cơ bản
đáp ứng được nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo, đối tượng chính sách và
đối tượng yếu thế khác trong xã hội. Qua đó, tiếp tục khẳng định trợ giúp pháp
lý là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm quyền con người,
quyền công dân trong tiếp cận công lý và quyền bình đẳng trước pháp luật; xây
dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa chính quyền địa phương với Nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được,hoạt động trợ
giúp pháp lý thời gian qua chưa thật sự thu hút được các nguồn lực xã hội tham
gia; trong khi đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý và nhu cầu thụ hưởng
trợ giúp pháp lý ngày càng được mở rộng và tăng cao. Một số đối tượng thuộc
diện được trợ giúp pháp lý chưa được tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn
phí như trẻ em, người khuyết tật có khó khăn về tài chính.... Việc phối hợp
thực hiện trợ giúp pháp lý và phản hồi, giải quyết kiến nghị của các tổ chức
tham giatrợ giúp pháp lý còn chưa được các ngành, các cấp quan tâm; mối quan hệ
phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có
liên quan với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được tăng cường nhưng chưa
phát huy hết vai trò và trách nhiệm của từng đơn vị.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên; đồng
thời, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian
tới theo quy định Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi
hành, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương
tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Sở Tư pháp
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố quản lý nhà nước
về lĩnh vực trợ giúp pháp lý; chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức
xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch có liên quan đến hoạt động trợ
giúp pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương theo từng giai
đoạn;
b) Tăng cường công tác truyền thông về Luật Trợ giúp
pháp lý năm 2017 và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp
lý cho cán bộ, công chức, viên chức ở các ban ngành, đoàn thể và Nhân dân bằng
nhiều hình thức phù hợp đối với từng nhóm đối tượng, trong đó lưu ý đối tượng
là trẻ emnhằm nâng cao ý thức về tầm quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý
và quyền; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý;
c) Lựa chọn các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư
vấn pháp luật đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý, góp
phần thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý;
d) Chủ trì, phối hợp với các ngành là thành viên Hội
đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trong tổ
chức triển khai và thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-
TANDTC ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ
Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định về
phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng;
đ) Rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và biên
chế của Trung tâm, Chi nhánh trợ giúp pháp lý đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện
hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý;
e) Tiếp nhận hỗ trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân cho
công tác trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật;
g) Chú trọng tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ
chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp
pháp lý, cơ quan tiến hành tố tụng và các tổ chức, cá nhân có liên quan;
h) Nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, tập
trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố
tụng, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân và
gia đình, các vụ việc đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư
vấn pháp luật tiền tố tụng.
2. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân thành
phố trong việc củng cố, kiện toàn sắp xếp tổ chức lại bộ máy, biên chế của
Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố đảm bảo đủ nguồn nhân lực thực
hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý.
3. Sở Tài chính
Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí hợp
lý đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và hoạt động trợ giúp pháp lý; trình
Ủy ban nhân dân thành phố quyết định, đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả hoạt
động trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.
4. Sở Thông tin và Truyền
thông
Phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên
truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý; chỉ đạo Đài Phát
thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ thường xuyên đưa tin, bài viết về
Luật Trợ giúp pháp lý; các hoạt động trợ giúp pháp lý để giúp người dân tiếp
cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý.
5. Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội
a) Phối hợp với Sở Tư pháp đổi mới hoạtđộng truyền
thông về trợ giúp pháp lý phù hợp với đặc thù của trẻ em và người khuyết tật có
khó khăn về tài chính, đảm bảo trẻ em, người khuyết tật có khó khăn về tài
chính và những người đại diện hợp pháp của nhóm đối tượng này hiểu rõ quyền
được trợ giúp pháp lý và hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí;
b) Phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp và cơ quan, tổ
chức có liên quan, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách trợ giúp
pháp lý cho trẻ em và người khuyết tật có khó khăn về tài chính;
c) Tổng hợp số liệu và phối hợp với Sở Tư pháp nắm bắt
nhu cầu trợ giúp pháp lý của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,người nghèo, người có
công với Cách mạng, người khuyết tật (phân chia theo dạng tật, các tổ chức của
người khuyết tật, cơ sở bảo trợ xã hội) và đối tượng chính sách khác trên địa
bàn thành phố để phối hợp, triển khai hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý.
6. Ban Dân tộc
a) Ban Dân tộc phối hợp với
Sở Tư pháp thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT ngày 17
tháng 01 năm 2012 của Bộ Tư pháp và Ủy Ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện trợ giúp
pháp lý đối với người dân tộc thiểu số;
b) Phòng Dân tộc, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân cấp huyện(nơi không đủ tiêu chí thành lập Phòng Dân tộc), Ủy viên
Ủy ban nhân dân cấp xã kiêm nhiệm theo dõi, tổ chức thực hiện công tác dân tộc,
trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ nếu phát hiện người dân tộc thiểu
số thuộc diện được trợ giúp pháp lý và có nhu cầu trợ giúp pháp lý thì hướng
dẫn họ về các thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý, địa chỉ của Trung tâm trợ giúp
pháp lý Nhà nước thành phố để được hưởng trợ giúp pháp lý;
c) Niêm yết công khai Bảng thông tin về trợ giúp pháp
lý tại địa điểm tiếp dân; chủ động yêu cầu Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp
lý Nhà nước thành phố để phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông và hướng
dẫn về trợ giúp pháp lý.
7. Thanh tra thành phố
a) Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tốt các quy định
của Thông tư liên tịch số 10/2011/TTLT/BTP-TTCP ngày 06 tháng 6 năm 2011 của Bộ
Tư pháp và Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc
khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Khi giải quyết khiếu nại, trường hợp phát hiện người
khiếu nại thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì hướng dẫn họ về các thủ tục yêu
cầu trợ giúp pháp lý, địa chỉ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa
phương và có trách nhiệm bảo đảm, tạo điều kiện để người thực hiện trợ giúp
pháp lý giúp đỡ về pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý.
b) Niêm yết công khai Bảng thông tin về trợ giúp pháp
lý tại địa điểm tiếp dân; chủ động yêu cầu Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp
lý Nhà nước thành phố để phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông và hướng
dẫn về trợ giúp pháp lý.
8. Công an thành phố, Viện kiểm sát nhân dân thành
phố, Toà án nhân dân thành phố
Phối hợp với Sở Tư pháp
triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số
10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Tư
pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Tòa án nhân dân tối cao; tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp
pháp lý hoàn thành tốt nhiệm vụ khi tham gia hoạt động tố tụng.
9. Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam thành phố
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và
các tổ chức thành viên tham gia tích cực vận động Nhân dân chấp hành pháp luật
về trợ giúp pháp lý; tổ chức giám sát và phản biện xã hội về tổ chức thực hiện
trợ giúp pháp lý.
10. Ủy ban nhân dân
quận,huyện
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp
luật, truyền thông về trợ giúp pháp lý trên địa bàn;
b) Chỉ đạo Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh
và Xã hội và các đơn vị có liên quan tích cực phối hợp, hỗ trợ Trung tâm và Chi
nhánh triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn;
c) Giải quyết các kiến nghị của Trung tâm trợ giúp
pháp lý nhà nước theo quy định của pháp luật;
d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên
địa bàn thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý tại cơ sở; tổ chức, bố
trí địa điểm và cử đại diện lãnh đạo tham dự các đợt trợ giúp pháp lý ngoài trụ
sở tại địa phương;
đ) Tạo điều kiện bố trí phòng làm việc, nơi tiếp dân
cho các Chi nhánh trợ giúp pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp
cận dịch vụ trợ giúp pháp lý.
Chỉ thị này có hiệu lực kể
từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2015 của Ủy
ban nhân dân thành phố về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trong tình
hình mới.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
quận, huyện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện nghiêm túc
Chỉ thị này.
Giao Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm triển khai,
theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, có
phát sinh khó khăn, vướng mắc cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Tư pháp để tổng
hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo kịp thời./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trương Quang Hoài Nam
|