ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
05/2008/CT-UBND
|
Lào
Cai, ngày 25 tháng 11 năm 2008
|
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ, QUẢN
LÝ HỘ TỊCH VÀ CÔNG TÁC CHỨNG THỰC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
Trong thời gian qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo quy định
của Luật Hôn nhân và Gia đình và các văn bản pháp luật về đăng ký và quản lý hộ
tịch, công tác chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực đã có chuyển
biến tích cực, tạo được bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính
trong lĩnh vực này; các nhu cầu về đăng ký hộ tịch và chứng thực của công dân
nhìn chung đã được đáp ứng kịp thời.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện nhiệm
vụ đăng ký, quản lý hộ tịch và chứng thực còn có những hạn chế nhất định. Ở một
số nơi vẫn còn tình trạng nam nữ chung sống với nhau không đăng ký kết hôn; các
sự kiện sinh, tử, nuôi con nuôi chưa đăng ký kịp thời, đúng quy định; công tác
chứng thực bản sảo, chứng thực chữ ký của người dịch nhiều nơi còn để công dân
phải chờ đợi, đi lại mất thời gian. Đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch ở cơ sở
chưa đáp ứng được yêu cầu, không ổn định, phải kiêm nhiệm nhiều công tác khác,
trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, do đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến
độ và chất lượng công tác đăng ký hộ tịch và chứng thực. Công tác tuyên truyền,
phổ biến giáo dục pháp luật về hộ tịch và chứng thực đã được chú trọng hơn trước
nhưng việc phổ biến các quy định mới về hộ tịch và chứng thực chưa được kịp thời,
do đó khi có nhu cầu chứng thực, giải quyết các việc hộ tịch người dân vẫn phải
đi lại nhiều nơi, nhiều lần mới thực hiện được. Công tác tập huấn nghiệp vụ
đăng ký hộ tịch và chứng thực cho đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở đã được triển
khai nhưng còn chậm, chưa kịp thời và hiệu quả đạt được chưa cao.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu quả quản lý nhà
nước trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và công tác chứng thực trên địa
bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai chỉ thị:
1. Các cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch và chứng thực trên địa
bàn tỉnh:
Cần nhận thức đúng đắn vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác
đăng ký, quản lý hộ tịch và công tác chứng thực:
a) Phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đăng ký,
quản lý hộ tịch và chứng thực. Niêm yết công khai tại trụ sở lịch làm việc, thẩm
quyền, thủ tục, thời hạn giải quyết, các loại giấy tờ phải xuất trình, phải nộp
mức lệ phí khi đi đăng ký hộ tịch hoặc chứng thực.
b) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan để thực hiện tốt công tác
tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hộ tịch và chứng thực tới cán bộ,
công chức và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổ chức các
lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác đăng ký,
quản lý hộ tịch và chứng thực.
2. Sở Tư pháp:
a) Chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên
truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hộ tịch và chứng thực. Tập trung tuyên
truyền trong các cơ quan, các tổ chức đoàn thể, cán bộ và nhân dân trong toàn tỉnh
dưới nhiều hình thức; từ đó, tạo sự chuyển biến về ý thức tôn trọng và chấp
hành tốt các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch và chứng thực trong các
cơ quan nhà nước, cán bộ và nhân dân trong tỉnh.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, công chức
tư pháp – hộ tịch cơ sở tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện tốt công tác đăng
ký, quản lý hộ tịch và công tác chứng thực theo quy định của pháp luật. Tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ nhằm phát hiện, khắc phục, sửa
chữa kịp thời những sai sót, hạn chế trong hoạt động nghiệp vụ hộ tịch và chứng
thực.
c) Xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về
quản lý, đăng ký hộ tịch và chứng thực cho UBND cấp huyện, cấp xã và công chức
làm công tác tư pháp hộ tịch cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm bồi dưỡng kiến
thức về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ
nhân dân, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chống mọi biểu hiện gây phiền
hà, sách nhiễu trong việc thực hiện đăng ký hộ tịch và chứng thực cho công dân.
Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức xây dựng mô
hình đơn vị điểm về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong công tác
đăng ký, quản lý hộ tịch và chứng thực.
d) Định kỳ hàng năm tiến hành sơ kết, ba năm tổ chức tổng kết công
tác đăng ký, quản lý hộ tịch và chứng thực trên địa bàn tỉnh để kịp thời biểu
dương, khen thưởng các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc; rút kinh nghiệm,
khắc phục những tồn tại, hạn chế.
3. Sở Nội vụ:
Chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, các ngành và UBND các huyện, thành
phố xây dựng đề án quy hoạch, đào tạo đội ngũ công chức tư pháp cơ sở nhằm xây
dựng đội ngũ công chức tư pháp cơ sở đảm bảo về trình độ chuyên môn, chuyên
trách, ổn định công tác lâu dài, để thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho UBND
cùng cấp trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và chứng thực. Khảo sát, xây dựng
kế hoạch đảm bảo biên chế công chức Tư pháp – Hộ tịch cho các địa phương có địa
bàn rộng, tập trung đông dân cư, khối lượng công việc nhiều.
4. Sở Tài chính:
a) Chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng văn bản quy định mức
thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí hộ tịch, chứng thực, đề nghị
UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định; hướng dẫn thực hiện việc thu, nộp, quản
lý và sử dụng lệ phí hộ tịch, lệ phí chứng thực.
b) Tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo kinh phí nhằm nâng cao hiệu quả
công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và chứng thực trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Tăng cường
tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong
toàn ngành. Tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về đăng ký, quản
lý hộ tịch, cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực
chữ ký phù hợp với từng đối tượng học sinh, sinh viên, giáo viên và cán bộ,
công chức trong ngành. Hướng dẫn các đơn vị trong ngành giáo dục thực hiện
nghiêm túc việc tiếp nhận bản sao theo quy định tại Điều 6 Nghị định số
79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho
công dân.
6. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân các huyện, thành
phố: Khi ra Quyết định liên quan đến các thay đổi
hộ tịch theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005,
như xác định cha, mẹ, con; ly hôn; hủy việc kết hôn trái pháp luật cần thực hiện
tốt việc gửi bản sao Quyết định cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nơi trước
đây đã đăng ký các sự kiện hộ tịch có liên quan đến việc thay đổi để ghi vào sổ
hộ tịch.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể:
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và các hội viên
thực hiện tốt các quy định của pháp luật về chứng thực, đăng ký hộ tịch, Luật
hôn nhân và Gia đình; giáo dục về đạo đức, phong tục tập quán tốt đẹp trong các
tầng lớp nhân dân, góp phần từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà
nước, ý thức thực hiện pháp luật của nhân dân.
b) Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh khi đủ điều kiện, tiến hành thành lập
Trung tâm Hỗ trợ kết hôn với người nước ngoài nhằm đảm bảo việc kết hôn đúng mục
đích, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra do thiếu hiểu biết về lĩnh vực này.
8. Các Sở, ban, ngành:
a) Trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp
với Sở Tư pháp và UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý nhà
nước và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hộ tịch
và chứng thực nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức
trong cơ quan, đơn vị mình.
b) Cơ quan Báo Lào Cai, Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh cần chú trọng
đưa nội dung phổ biến pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch và chứng thực trong
chuyên trang, chuyên mục pháp luật; chỉ đạo tốt việc tuyên truyền qua hệ thống
truyền thanh cơ sở.
c) Các đơn vị được phân công giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn, xã biên
giới có trách nhiệm phối hợp với UBND xã tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật; đôn đốc, vận động nhân dân thực hiện đúng các quy định
của pháp luật về hộ tịch và chứng thực. Hỗ trợ UBND các xã tổ chức thực hiện
đăng ký và quản lý hộ tịch. Hàng năm tiến hành đánh giá kết quả giúp đỡ UBND xã
thực hiện các quy định pháp luật về hộ tịch và chứng thực trong báo cáo kết quả
giúp đỡ xã 135 của ngành, gửi Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đăng ký, quản
lý hộ tịch và chứng thực trên địa bàn. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về hộ tịch và chứng thực đến thôn bản, vùng sâu, vùng xa,
vùng đặc biệt khó khăn.
b) Chỉ đạo Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp và UBND các xã, phường, thị
trấn kiện toàn, bố trí cán bộ tư pháp cơ sở đảm bảo ổn định lâu dài, đủ điều kiện
về trình độ; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nhằm nâng cao
trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức tư pháp – hộ tịch; đảm bảo thường
xuyên có người trực, tiếp nhận giải quyết kịp thời các yêu cầu đăng ký hộ tịch
và chứng thực của người dân.
c) Chỉ đạo UBND cấp xã bố trí nơi làm việc, trang bị cơ sở vật chất,
phương tiện để tiếp công dân và giải quyết các yêu cầu về hộ tịch và chứng thực.
Đảm bảo kinh phí phục vụ cho công tác hộ tịch, chứng thực và công tác lưu trữ
tài liệu, bảo quản sổ hộ tịch theo đúng quy định của pháp luật.
d) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý, uốn
nắn kịp thời những sai sót xảy ra; khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá
nhân có thành tích tốt nhằm tạo bước chuyển biến mới trong công tác hộ tịch và
chứng thực.
đ) Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức thực hiện tốt công tác tập huấn
nghiệp vụ hộ tịch và chứng thực cho đội ngũ lãnh đạo UBND các xã, phường, thị
trấn và công chức tư pháp hộ tịch cơ sở; tổ chức mô hình đơn vị điểm về thực hiện
cải cách hành chính trong công tác này.
10. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:
Tổ chức thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và công tác
chứng thực; sắp xếp, bố trí cán bộ có đủ trình độ thực hiện việc tiếp nhận yêu
cầu đăng ký hộ tịch và chứng thực; thường xuyên kiểm tra các hoạt động của công
chức tư pháp – hộ tịch; định kỳ cử cán bộ xuống các thôn bản rà soát, nắm bắt
các sự kiện hộ tịch để kịp thời đăng ký các sự kiện hộ tịch phát sinh ở địa
phương; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong công tác đăng ký,
quản lý hộ tịch và chứng thực ở địa phương; thực hiện nghiêm túc công tác báo
cáo, thống kê số liệu hộ tịch và chứng thực theo quy định.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư Pháp, Thủ trưởng các sở,
ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm phối
hợp triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có khó
khăn, vướng mắc báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo kịp thời.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản – BTP;
- TT: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- UB Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể;
- Các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc UBND tỉnh;
- Công an tỉnh, Báo Lào Cai;
- TT HU, Thành ủy, UBND các huyện, thành phố;
- TAND tỉnh, TAND các huyện, thành phố;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Các chuyên viên;
- Lưu VT-TC.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Vạn
|