BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 20/2013/TT-BKHCN
|
Hà Nội, ngày 06
tháng 09 năm 2013
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN THỦ TỤC KIỂM TRA, QUY TRÌNH VÀ THỦ TỤC THANH TRA AN TOÀN HẠT NHÂN TRONG QUÁ
TRÌNH KHẢO SÁT, ĐÁNH GIÁ ĐỊA ĐIỂM NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN
Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP
ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Luật Thanh
tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Năng
lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 86/2011/NĐ-CP
ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật thanh tra;
Căn cứ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP
ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện
chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;
Căn cứ Nghị định số 70/2010/NĐ-CP
ngày 22 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử về
nhà máy điện hạt nhân;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thủ
tục kiểm tra, quy trình và thủ tục thanh tra an toàn hạt nhân trong quá trình
khảo sát, đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân.
MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thủ tục kiểm tra, quy trình
và thủ tục thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân
đối với hoạt động khảo sát, đánh giá, thu thập số liệu trong quá trình chuẩn bị
và nộp hồ sơ cho Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đối với dự án nhà máy điện hạt
nhân đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử (sau đây gọi là kiểm
tra, thanh tra an toàn địa điểm nhà máy điện hạt nhân).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt
nhân; cơ quan thanh tra; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên
ngành về an toàn bức xạ và hạt nhân; đoàn kiểm tra, thanh tra; thanh tra viên của
Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ thanh tra an toàn hạt nhân trong
quá trình khảo sát, thu thập số liệu, đánh giá địa điểm (sau đây gọi là khảo
sát, đánh giá địa điểm) xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
2. Chủ đầu tư, người nộp đơn đề nghị phê duyệt địa
điểm; tổ chức, cá nhân tư vấn; các nhà thầu thực hiện hoạt động khảo sát, đánh
giá nhằm mục đích lập hồ sơ đề nghị phê duyệt cho một địa điểm cụ thể đã được lựa
chọn để xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt
chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động tư vấn,
hỗ trợ kỹ thuật phục vụ cho hoạt động kiểm tra, thanh tra an toàn địa điểm nhà
máy điện hạt nhân.
Điều 3. Thẩm quyền thanh tra an
toàn địa điểm nhà máy điện hạt nhân
1. Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (sau đây gọi
là Thanh tra Bộ) là tổ chức trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, giúp Bộ trưởng
thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra an toàn hạt nhân, thực
hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra chuyên ngành an toàn địa điểm nhà máy điện hạt
nhân.
2. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân là cơ quan trực
thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng
quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm
tra, thanh tra chuyên ngành an toàn địa điểm nhà máy điện hạt nhân theo thẩm quyền.
3. Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra chuyên
ngành an toàn địa điểm nhà máy điện hạt nhân đối với hoạt động khảo sát, đánh
giá địa điểm trên địa bàn theo chỉ đạo, hướng dẫn hoặc yêu cầu phối hợp của
Thanh tra Bộ, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.
MỤC 2. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC,
CÁ NHÂN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC KIỂM TRA, THANH TRA AN TOÀN HẠT NHÂN ĐỐI VỚI HOẠT
ĐỘNG KHẢO SÁT, ĐÁNH GIÁ ĐỊA ĐIỂM NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN
Điều 4. Trách nhiệm của tổ chức,
cá nhân tiến hành hoạt động khảo sát, đánh giá địa điểm
Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động khảo sát đánh
giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân có trách nhiệm:
1. Gửi chương trình bảo đảm chất lượng đối với hoạt
động khảo sát, đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân về Bộ Khoa học và Công
nghệ, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân trước khi bắt đầu triển khai thực hiện hoạt
động khảo sát đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân và khi có sự thay đổi, bổ
sung các nội dung của chương trình bảo đảm chất lượng này.
2. Gửi kế hoạch tiến hành hoạt động khảo sát, đánh
giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục An toàn bức
xạ và hạt nhân đúng thời gian và đầy đủ nội dung theo lịch trình dưới đây:
a) Gửi kế hoạch tổng thể và kế hoạch hoạt động khảo
sát của cả năm trước khi bắt đầu triển khai thực hiện;
b) Trước ngày 01 tháng 9 hàng năm gửi kế hoạch hoạt
động khảo sát của năm tiếp theo;
c) Trước ngày 15 tháng thứ nhất của quý gửi kế hoạch
hoạt động khảo sát của quý tiếp theo;
d) Trước ngày 05 tháng trước gửi kế hoạch chi tiết
hoạt động khảo sát của tháng tiếp theo.
3. Cung cấp thông tin, tài liệu cho đoàn kiểm tra,
thanh tra.
a) Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu,
tài liệu gốc, số đo ban đầu quan sát, ghi chép được, tài liệu phân tích, xử lý
các số liệu liên quan đến nội dung kiểm tra, thanh tra;
b) Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông
tin, tài liệu cung cấp cho đoàn kiểm tra, thanh tra, cơ quan thanh tra.
4. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các yêu cầu,
quyết định về kiểm tra, thanh tra; các yêu cầu, kiến nghị của đoàn kiểm tra,
thanh tra, cơ quan thanh tra quy định tại Khoản 1 Điều 2 của
Thông tư này.
5. Thực hiện các yêu cầu khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan
thanh tra
1. Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm
sau:
a) Xây dựng kế hoạch thanh tra đối với hoạt động khảo
sát, đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân. Chủ trì việc triển khai và trực
tiếp thực hiện kế hoạch thanh tra đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
phê duyệt;
b) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện
thanh tra đối với hoạt động khảo sát, đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân của
Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương nơi có hoạt động khảo sát, đánh giá địa điểm;
c) Đầu mối tổng hợp các báo cáo, kết quả thanh tra
hoạt động khảo sát, đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân của Cục An toàn bức
xạ và hạt nhân, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương nơi có hoạt động khảo sát, đánh giá địa điểm;
d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết
luận thanh tra của đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ tổ chức đối với các hoạt động
khảo sát, đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân;
đ) Yêu cầu Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Sở Khoa
học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có hoạt động khảo
sát, đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân cử cán bộ có chuyên môn phù hợp
tham gia đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ tổ chức khi cần thiết;
e) Cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra của Cục An
toàn bức xạ và hạt nhân khi có đề nghị.
2. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm
sau:
a) Xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm đối với hoạt
động khảo sát, đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân căn cứ trên yêu cầu công
tác quản lý, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, kế hoạch thanh tra
của Thanh tra Bộ, gửi Thanh tra Bộ trước ngày 01 tháng 11 hàng năm để tổng hợp
và trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt;
b) Xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện
kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt trong thẩm quyền được giao;
c) Thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra của
Thanh tra Bộ đối với hoạt động khảo sát, đánh giá địa điểm xây dựng nhà máy điện
hạt nhân;
d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết
luận thanh tra, kiến nghị đoàn thanh tra do Cục chủ trì đối với các hoạt động
khảo sát, đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân;
đ) Phối hợp với Thanh tra Bộ tổ chức hướng dẫn
chuyên môn nghiệp vụ về thanh tra hoạt động khảo sát, đánh giá địa điểm nhà máy
điện hạt nhân cho Thanh tra các Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương nơi có hoạt động khảo sát, đánh giá địa điểm xây dựng nhà máy
điện hạt nhân;
e) Cử cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp
tham gia đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ khi có yêu cầu.
3. Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương nơi có hoạt động khảo sát, đánh giá địa điểm
xây dựng nhà máy điện hạt nhân có trách nhiệm sau:
a) Thực hiện thanh tra hoạt động khảo sát, đánh giá
địa điểm nhà máy điện hạt nhân tại địa phương khi có chỉ đạo và hướng dẫn của
Thanh tra Bộ, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân;
b) Gửi báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh
tra cho Thanh tra Bộ, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân;
c) Cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ,
Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức khi được yêu cầu.
MỤC 3. TỔ CHỨC KIỂM TRA, THANH
TRA AN TOÀN HẠT NHÂN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHẢO SÁT, ĐÁNH GIÁ ĐỊA ĐIỂM NHÀ MÁY ĐIỆN
HẠT NHÂN
Điều 6. Hình thức thanh tra
1. Việc tổ chức thanh tra an toàn địa điểm nhà máy
điện hạt nhân được thực hiện theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên hoặc thanh
tra đột xuất quy định tại Điều 37 Luật Thanh tra.
2. Việc tổ chức thanh tra an toàn địa điểm nhà máy
điện hạt nhân được tiến hành do đoàn thanh tra hoặc do thanh tra viên, người được
giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra chuyên ngành tiến hành độc lập theo quyết định
thanh tra của người có thẩm quyền quy định tại Điều 51 Luật
Thanh tra.
Điều 7. Nội dung thanh tra
1. Thanh tra hoạt động khảo sát, thu thập số liệu tại
thực địa:
a) Hoạt động khảo sát, thu thập số liệu tại thực địa
đã được thực hiện đúng như kế hoạch khảo sát, chương trình bảo đảm chất lượng
mà tổ chức, cá nhân khảo sát (sau đây gọi là người khảo sát) đã gửi Bộ Khoa học
và Công nghệ;
b) Việc tuân thủ các quy trình do người khảo sát
thiết lập;
c) Trang thiết bị, dụng cụ được sử dụng trong quá
trình khảo sát, đánh giá địa điểm phù hợp, được kiểm tra, hiệu chuẩn, bảo dưỡng
định kỳ theo quy định;
d) Nhân viên thực hiện các công việc liên quan đến
hoạt động khảo sát, đánh giá địa điểm có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng
được các yêu cầu công việc; có các văn bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp;
đ) Việc quản lý mẫu vật, tài liệu tại thực địa được
thực hiện đúng theo quy trình và chương trình bảo đảm chất lượng đã được thiết
lập;
e) Việc lập và kiểm soát các loại hồ sơ được thực
hiện đầy đủ;
g) Việc giám sát đối với các hoạt động khảo sát tại
thực địa được triển khai và thực hiện hiệu quả.
2. Thanh tra chương trình bảo đảm chất lượng:
a) Chương trình bảo đảm chất lượng trong hoạt động
khảo sát và đánh giá địa điểm đã được thiết lập, đáp ứng quy định tại Điều 13 Nghị định số 70/2010/NĐ-CP ngày 22 tháng 6 năm 2010 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử về nhà máy điện hạt
nhân và quy định tại Điều 9 Thông tư số 28/2011/TT-BKHCN ngày
28 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về yêu cầu
an toàn hạt nhân đối với địa điểm nhà máy điện hạt nhân;
b) Các quy trình, quy phạm về phương pháp tiến
hành, nội dung, khối lượng, chất lượng công việc khảo sát, thu thập, phân tích,
minh giải và đánh giá số liệu đối với các yêu cầu bảo đảm an toàn hạt nhân quy
định tại Chương III và Chương IV của Thông tư số 28/2011/TT-BKHCN
được thiết lập và thực hiện đầy đủ;
c) Các quy định quản lý và bảo đảm chất lượng đối với
hoạt động khảo sát, đánh giá nhằm xác định các thông số làm cơ sở cho thiết kế
hoặc có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các bộ phận, hệ thống, cấu trúc liên
quan đến an toàn của nhà máy điện hạt nhân đã được thiết lập và tuân thủ;
d) Việc giám sát đối với các hoạt động khảo sát,
thu thập dữ liệu, phân tích, minh giải và đánh giá số liệu, kể cả các hoạt động
do nhà thầu thực hiện đã được triển khai, thực hiện đầy đủ và hiệu quả.
Điều 8. Yêu cầu đối với đoàn
thanh tra
1. Hoạt động của đoàn thanh tra được thực hiện theo
quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra, Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của
Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên
ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, các quy định của pháp luật về thanh
tra.
2. Trưởng đoàn thanh tra có các nhiệm vụ, quyền hạn
theo quy định tại Điều 53 của Luật Thanh tra; chịu trách
nhiệm trước pháp luật, trước người ra quyết định thanh tra về việc thực hiện
nhiệm vụ thanh tra được giao. Trong quá trình tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn
thanh tra được sử dụng con dấu của cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra khi ban
hành những văn bản để áp dụng các biện pháp thực hiện quyền thanh tra.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn và các yêu cầu đối với thành
viên đoàn thanh tra
a) Thành viên đoàn thanh tra có các nhiệm vụ, quyền
hạn theo quy định tại Điều 54 của Luật Thanh tra; chịu
trách nhiệm trước pháp luật, trước Trưởng đoàn thanh tra về việc thực hiện nhiệm
vụ thanh tra được giao;
b) Thành viên đoàn thanh tra phải có kiến thức
chuyên môn phù hợp, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi thực hiện nội
dung thanh tra phải tiến hành lấy mẫu, đo kiểm tra đánh giá thực tế, thành phần
đoàn thanh tra phải có người có kiến thức về lấy mẫu, có kỹ năng sử dụng các
thiết bị, phương tiện kỹ thuật;
c) Thành viên đoàn thanh tra khi vắng mặt phải có ý
kiến đề nghị bằng văn bản của thủ trưởng cơ quan cử người tham gia đoàn thanh
tra, trừ khi do phải thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn. Trường
hợp thành viên đoàn thanh tra vắng mặt, buổi làm việc giữa đoàn thanh tra và đối
tượng thanh tra vẫn được tiến hành nhưng phải bảo đảm có mặt ít nhất hai thành
viên trong đoàn thanh tra.
4. Trường hợp sử dụng tư vấn phục vụ hoạt động
thanh tra, tổ chức, cá nhân tham gia tư vấn cho đoàn thanh tra được phép có mặt
trong các buổi làm việc của đoàn thanh tra theo yêu cầu của Trưởng đoàn, thực
hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn thanh tra, báo cáo kết quả thực
hiện nhiệm vụ được giao với Trưởng đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm trước Trưởng
đoàn thanh tra và trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của
nội dung đã báo cáo.
Điều 9. Quy trình thanh tra
1. Quy trình thanh tra đối với hoạt động của đoàn
thanh tra thực hiện theo quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21, 22,
23, 24, 25, 26, 27 và Điều 28 của Nghị định số 07/2012/NĐ-CP của Chính phủ
và các quy định của pháp luật về thanh tra.
Trường hợp sử dụng tư vấn phục vụ hoạt động thanh
tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm phổ biến kế hoạch thanh tra, hướng dẫn
phương pháp, cách thức phối hợp công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ
chức, cá nhân tham gia tư vấn cho đoàn thanh tra.
2. Ngôn ngữ chính thức sử dụng trong hoạt động
thanh tra khảo sát, đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân là tiếng Việt.
3. Quy trình thanh tra đối với hoạt động của thanh
tra viên, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc
lập được thực hiện theo các quy định tại Điều 31 và Điều 32 của
Nghị định số 07/2012/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định của pháp luật về
thanh tra.
4. Phương pháp tiến hành thanh tra tại cơ sở:
a) Quan sát trực tiếp các hoạt động khảo sát,
nghiên cứu, thu thập số liệu của các đối tượng thanh tra;
b) Trao đổi và phỏng vấn nhân viên của đối tượng
thanh tra;
c) Kiểm tra các quy trình, các ghi chép và tài liệu
của các đối tượng thanh tra;
d) Tiến hành đo đạc trực tiếp hoặc sử dụng các nhà
tư vấn độc lập với các đối tượng thanh tra.
Điều 10. Phương tiện thanh tra
1. Đoàn thanh tra được trang bị các phương tiện làm
việc và thiết bị sau để phục vụ hoạt động thanh tra:
a) Máy tính xách tay, máy in;
b) Thiết bị chụp ảnh, ghi âm, ghi hình;
c) Các thiết bị đo chuyên dụng;
d) Các dụng cụ lấy mẫu, kiểm tra mẫu hiện trường;
đ) Các trang thiết bị bảo hộ lao động;
e) Các thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho hoạt động
thanh tra.
2. Các thiết bị đo chuyên dụng sử dụng trong hoạt động
thanh tra phải được kiểm định, hiệu chuẩn phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia.
Điều 11. Hồ sơ thanh tra
1. Toàn bộ tài liệu trong quá trình thanh tra từ khi
chuẩn bị đến khi kết thúc phải được lập thành hồ sơ bao gồm các nội dung quy định
tại Khoản 2 Điều này và phải được bảo quản, lưu giữ, khai thác theo đúng quy định
của pháp luật về bảo mật thông tin và lưu trữ hồ sơ.
2. Hồ sơ thanh tra bao gồm: quyết định thanh tra; kế
hoạch tiến hành thanh tra; các văn bản thông báo, yêu cầu của đoàn thanh tra;
các biên bản do đoàn thanh tra, thanh tra viên lập; báo cáo giải trình của đối
tượng thanh tra; báo cáo kết quả thanh tra; kết luận thanh tra; tài liệu đoàn
thanh tra thu thập trong quá trình chuẩn bị thanh tra; tài liệu do đối tượng
thanh tra cung cấp; tài liệu do các tổ chức tư vấn cung cấp; tài liệu ảnh, ghi
âm, ghi hình, file điện tử có được trong quá trình tiến hành thanh tra.
3. Việc sắp xếp các tài liệu trong hồ sơ thanh tra
thực hiện theo quy định của Thanh tra Chính phủ về việc lập, quản lý hồ sơ
thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo.
Điều 12. Kiểm tra an toàn hạt
nhân đối với hoạt động khảo sát, đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân
1. Căn cứ yêu cầu công tác quản lý nhà nước về đảm
bảo an toàn trong lựa chọn địa điểm nhà máy điện hạt nhân, Bộ Khoa học và Công
nghệ, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tiến hành hoạt động kiểm tra an toàn đối với
hoạt động khảo sát, đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân.
2. Việc kiểm tra an toàn đối với hoạt động khảo
sát, đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân phải có quyết định bằng văn bản.
Quyết định phải ghi rõ căn cứ, nội dung, yêu cầu, phạm vi kiểm tra; thời hạn kiểm
tra; thành viên đoàn kiểm tra, quyền và trách nhiệm của người thực hiện kiểm
tra; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra. Quyết định
kiểm tra phải thông báo cho tổ chức, cá nhân được kiểm tra ít nhất 03 ngày làm
việc trước khi tiến hành kiểm tra.
3. Thời hạn kiểm tra trực tiếp của mỗi cuộc kiểm
tra tối đa là 10 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra. Trong
trường hợp đặc biệt, người ra quyết định kiểm tra có thể gia hạn thời gian kiểm
tra. Thời gian gia hạn không vượt quá thời hạn quy định tối đa 10 ngày làm việc
cho mỗi cuộc kiểm tra.
4. Việc lập và lưu giữ hồ sơ đoàn kiểm tra thực hiện
theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này. Ngoài ra, hồ sơ
đoàn kiểm tra sau khi hoàn tất cần chuyển cơ quan thanh tra cùng cấp để lưu giữ.
MỤC 4. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể
từ ngày ký.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc
có vấn đề mới phát sinh, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Khoa học và Công nghệ
để có hướng dẫn, xem xét sửa đổi, bổ sung./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Công báo;
- Bộ KH&CN: Thanh tra Bộ, Cục NLNT, Viện NLNTVN, Vụ PC;
- Lưu: VT, ATBXHN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Đình Tiến
|