BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU
TƯ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 01/2005/TT-BKH
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 3 năm 2005
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ SỐ 01/2005/TT-BKH NGÀY 09 THÁNG 3
NĂM 2005 HƯỚNG DẪN VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM (CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ
21 CỦA VIỆT NAM)
Căn cứ Quyết định số 153/2004/
QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành
"Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam " (Chương trình
Nghị sự 21 của Việt Nam);
Căn cứ Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 6/6/2003
của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Kế hoạch và Đầu tư;
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn triển khai thực hiện Định hướng
Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam
như sau:
I. MỤC TIÊU,
NGUYÊN TẮC ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM
(CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ 21 CỦA VIỆT NAM)
1. Mục tiêu của Chiến lược phát
triển bền vững
1.1. Mục tiêu Phát triển bền vững
là nhằm đạt được sự đầy đủ về vật chất; sự giàu có về tinh thần và văn hoá; sự
bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận của xã hội; sự hài hoà giữa con người
và tự nhiên.
1.2. Phát triển bền vững là sự
phát triển nhằm đáp ứng những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại
cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai, đảm bảo sự phát triển hài
hoà cả về 3 mặt: Kinh tế - Xã hội - Môi trường;
1.2.1. Phát triển bền vững về
kinh tế là việc đảm bảo kết hợp hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với
phát triển văn hoá-xã hội, cân đối tốc độ tăng trưởng kinh tế với việc sử dụng
các điều kiện nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên, khoa học, công nghệ, đặc biệt
chú trọng phát triển công nghệ sạch.
1.2.2. Phát triển bền vững về xã
hội là việc phải xây dựng một xã hội có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định,
đi đôi với dân chủ công bằng và tiến bộ xã hội, trong đó giáo dục, đào tạo, y tế
và phúc lợi xã hội phải được chăm lo đầy đủ và toàn diện cho mọi đối tượng
trong xã hội.
1.2.3. Phát triển bền vững về
môi trường là việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên tái tạo trong phạm vi chịu tải
của chúng nhằm khôi phục được cả về số lượng và chất lượng, các dạng tài nguyên
không tái tạo phải được sử dụng tiết kiệm và hợp lý nhất. Môi trường tự nhiên
(không khí, đất, nước, cảnh quan thiên nhiên...) và môi trường xã hội (dân số,
chất lượng dân số, sức khỏe, môi trường sống, lao động và học tập của con người...)
không bị các hoạt động của con người làm ô nhiễm, suy thoái và tổn hại. Các nguồn
phế thải từ sản xuất và sinh hoạt được xử lý, tái chế kịp thời, vệ sinh môi trường
được bảo đảm, con người được sống trong môi trường trong sạch...
2. Nguyên tắc chỉ đạo và các hướng
ưu tiên phát triển
2.1. Con người là trung tâm của
phát triển bền vững: Phát triển bền vững cần lấy con người làm đích của sự phát
triển. Phát triển kinh tế kết hợp hài hoà với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội.
Chú trọng phát triển khoa học và công nghệ, coi đây là nền tảng và động lực cho
phát triển nhanh và bền vững; sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch và
thân thiện với môi trường. Tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế để thực hiện các
mục tiêu phát triển bền vững.
2.2. Phát triển bền vững là sự
nghiệp của các cấp chính quyền, của các bộ, ngành và địa phương, của các cơ
quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mọi người dân. Huy
động tối đa sự tham gia của mọi người có liên quan trong việc lựa chọn các quyết
định về phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường ở địa phương, ngành và
trên quy mô cả nước.
II. NỘI DUNG
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG (CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ
21 CỦA NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG)
1. Mục đích
Chương trình Nghị sự 21 của
ngành và địa phương là kế hoạch hành động, cụ thể hoá các mục tiêu, các chỉ
tiêu và các giải pháp trong Định hướng Chiến lược phát triển bền vững cấp Quốc
gia (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam) do Thủ trưởng các bộ, ngành, Chủ tịch
Uỷ Ban Nhân dân tỉnh/ thành phố tổ chức nghiên cứu, xây dựng và chỉ đạo thực hiện.
2. Căn cứ xây dựng và triển khai
thực hiện Chương trình Nghị sự 21 của ngành, địa phương
Chương trình nghị sự 21 của
ngành, địa phương được xây dựng trên cơ sở vận dụng 7 tiêu chuẩn đưa ra tại Hội
nghị Thượng đỉnh về phát triển bền vững tại Johannesburg
(Nam phi, năm
2002), bao gồm:
2.1. Có sự tham gia của nhiều
thành phần xã hội (mọi người dân, các ngành kinh doanh, tổ chức, trường học
);
2.2. Tầm nhìn do tất cả các tầng
lớp nhân dân đồng thuận đưa ra;
2.3. Gắn kết (lồng ghép) các yếu
tố kinh tế, xã hội và hệ sinh thái vào mục tiêu phát triển bền vững;
2.4. Có sự hợp tác giữa chính
quyền và các tổ chức địa phương trong xây dựng và điều hành thực hiện Chương
trình nghị sự 21;
2.5. Có một kế hoạch hành động cụ
thể gắn với những mục tiêu lâu dài để phát triển bền vững;
2.6. Có các tiêu chí được đưa ra
như là một công cụ để đánh giá và
giám sát mục tiêu phát triển bền vững;
2.7. Có hệ thống giám sát và báo
cáo;
Vận dụng các tiêu chuẩn nêu
trên, việc xây dựng Chương trình Nghị sự 21 của ngành và địa phương phải bảo đảm
các nguyên tắc như sau:
- Chương trình Nghị sự 21 của
ngành và địa phương cần được xây dựng trên cơ sở phối hợp liên ngành và liên
vùng; kết hợp chặt chẽ kế hoạch phát triển bền vững giữa ngành và vùng lãnh thổ;
giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Việc gắn kết
các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường phải được thể hiện rõ trong kế hoạch
phát triển bền vững của từng ngành, từng địa phương; phù hợp với chiến lược
chung.
- Trong quá trình xây dựng và
triển khai thực hiện chương trình Nghị sự 21 của ngành và địa phương cần có sự
tham gia rộng rãi của các bên liên quan (các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp,
trường học, các tổ chức phi Chính phủ, các cơ quan Nhà nước và Chính phủ) và
huy động rộng rãi sự tham gia của nhân dân. Tầm nhìn trung hạn, dài hạn; các mục
tiêu, các chỉ tiêu phát triển bền vững và các giải pháp thực hiện đều được thảo
luận, bàn bạc để có sự đồng thuận trong các cộng đồng dân cư ở các địa phương.
- Coi sự nghiệp phát triển bền vững
là sự nghiệp của toàn dân, do dân và vì dân. Thực hiện phương châm "dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Huy động rộng rãi các tầng lớp nhân dân
tham gia vào các khâu: xây dựng kế hoạch hành động và phối hợp thực hiện kế hoạch
đó; giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững; lồng
ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội
của địa phương.
3. Nội dung
Chương trình Nghị sự 21 của
ngành và địa phương phải thể hiện đầy đủ các nội dung sau đây:
3.1. Đánh giá thực trạng của
ngành, địa phương; rút ra những điểm mạnh, những yếu kém, tồn tại về các lĩnh vực
kinh tế, xã hội và môi trường, trên cơ sở đó đối chiếu với yêu cầu của mục tiêu
phát triển bền vững nêu trong Định hướng Chiến lược phát triển bền vững của cả
nước .
3.2. Cụ thể hoá các quan điểm
phát triển bền vững trong Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam
vào việc xây dựng Chương trình Nghị sự 21 của từng ngành và từng tỉnh, thành phố.
3.3. Xác định hệ thống các mục
tiêu, các chỉ tiêu phát triển bền vững của ngành, của địa phương trên 3 lĩnh vực:
kinh tế, xã hội và môi trường. Những vấn đề chính cần tập trung giải quyết là sự
đói nghèo; chất lượng dân số; sức khoẻ; mô hình tiêu dùng và các mô hình sản xuất,
mô hình phát triển trong các ngành kinh tế; định cư, độ sạch bầu khí quyển; bảo
vệ nguồn tài nguyên; giảm ô nhiễm môi trường...
3.4. Dự báo nguồn lực phát triển
và khả năng huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình Nghị sự 21 của
ngành và địa phương. Từng bộ, ngành, địa phương cần xây dựng các chương trình,
các dự án phát triển bền vững cụ thể của ngành và địa phương mình.
3.5. Xây dựng kế hoạch hành động
thực hiện Chương trình Nghị sự 21 của ngành và địa phương; bao gồm hệ thống các
giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển bền vững; hệ thống điều hành, giám sát;
huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, các doanh nghiệp thực hiện
các mục tiêu phát triển bền vững.
III. CÁC BƯỚC
TIẾN HÀNH XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ 21 CỦA NGÀNH VÀ
ĐỊA PHƯƠNG
Chương trình nghị sự 21 của
ngành và địa phương được xây dựng theo 4 bước sau đây:
1. Bước chuẩn bị, bao gồm các nội
dung:
- Thành lập Hội đồng (hoặc Ban
chỉ đạo) Phát triển bền vững của ngành và địa phương. Trường hợp chưa thể thành
lập Hội đồng (hoặc Ban chỉ đạo) thì nhanh chóng hình thành nhóm công tác tạm thời
và cơ quan thường trực để tiến hành các bước chuẩn bị xây dựng.
- Hội đồng, Ban chỉ đạo hoặc
nhóm công tác tạm thời do Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ
quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ Ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương quyết định (có thể giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư ở các tỉnh/thành
phố; Vụ kế hoạch, hoặc các đơn vị nghiên cứu xây dựng kế hoạch, quy hoạch ở các
Bộ, ngành làm cơ quan đầu mối thường trực).
- Hội đồng, Ban chỉ đạo hoặc
nhóm công tác tạm thời xây dựng lịch trình, tiến độ thời gian; kế hoạch phối hợp,
huy động sự tham gia của cộng đồng; phân công người phụ trách để tiến hành xây
dựng Chương trình nghị sự 21 của ngành và địa phương.
2. Bước điều tra cơ bản, xác định
thực trạng, bao gồm các nội dung:
Thực hiện điều tra cơ bản của
ngành và điều tra tổng thể kinh tế xã hội và môi trường của địa phương, trên cơ
sở đó phân tích, đánh giá thực trạng của ngành, của địa phương, xác định mặt mạnh,
những lợi thế và mặt yếu của thực trạng về kinh tế, xã hội và môi trường, tập
trung vào những việc cụ thể như sau:
- Rà soát, cập nhật các quy hoạch
phát triển ngành, sản phẩm, các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa
phương.
- Xây dựng hệ thống các số liệu
điều tra cơ bản, các tính toán, dự báo về khả năng khai thác các lợi thế, các
nguồn tiềm năng, khả năng huy động vốn để đưa vào thực hiện kế hoạch phát triển
bền vững.
- So sánh về thực trạng và yêu cầu
đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững, những mặt mạnh, những mặt yếu cần được
khắc phục trong kế hoạch hành động.
3. Bước xây dựng văn kiện Chương
trình nghị sự 21 của ngành và địa phương, bao gồm các nội dung:
- Hình thành chương trình toàn
diện về phát triển bền vững của ngành và địa phương, bao gồm các vấn đề: Xây dựng
các quan điểm phát triển bền vững của ngành và địa phương, các mục tiêu và hệ
thống chỉ tiêu phát triển bền vững, xây dựng các dự án hành động, lựa chọn các
mô hình phát triển bền vững của ngành và địa phương.
Để làm được việc này, các Bộ,
các ngành, các địa phương cần tổ chức nghiên cứu kỹ Chương trình Nghị sự 21 của
Việt nam, trên cơ sở đó, tìm ra những thách thức và trách nhiệm thuộc lĩnh vực
phát triển bền vững của ngành, địa phương mình. Đề ra các mục tiêu phù hợp với
các nhóm mục tiêu phát triển bền vững, lựa chọn các bước đi thích hợp, các cơ
chế chính sách thực hiện.
Việc huy động rộng rãi các tầng
lớp dân cư, các doanh nghiệp, các đoàn thể quần chúng, các hội khoa học kỹ thuật,
các trường đại học tham gia trong quá trình xây dựng chương trình Nghị sự 21 của
ngành và địa phương cần được quy định cụ thể, trên những nguyên tắc đã nêu ở phần
trên.
- Lồng ghép các mục tiêu phát
triển kinh tế - xã hội - môi trường với nhau theo hướng gắn kết chặt chẽ, hài
hoà. Việc lồng ghép sẽ được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
+ Rà soát từng nhóm mục tiêu và
chỉ tiêu phát triển trong từng lĩnh vực Kinh tế - Xã hội - Môi trường trong Định
hướng Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.
+ Đưa các mục tiêu phát triển bền
vững vào từng nhóm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi
trường của ngành và địa phương. Cần nhấn mạnh các mục tiêu chất lượng, loại trừ
những mục tiêu trùng lắp, hình thành một hệ thống chỉ tiêu chung về phát triển
kinh tế-xã hội- môi trường theo hướng bền vững.
+ Hình thành các nhóm giải pháp
để thực hiện các nhóm mục tiêu.
4. Bước chỉ đạo triển khai thực
hiện, bao gồm các nội dung:
Tuỳ tình hình cụ thể từng địa
phương, từng ngành, cần tiến hành hội nghị hoặc diễn đàn với sự tham gia rộng
rãi của các tổ chức, các đoàn thể thông qua Chương trình nghị sự 21 của ngành
và địa phương, khởi động và phân công trách nhiệm thúc đẩy thực hiện Chương
trình trên cơ sở sau:
- Xây dựng chương trình hành động
thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của ngành và địa phương; Phân công cụ
thể các cá nhân, đơn vị phụ trách chỉ đạo, theo dõi từng vấn đề, từng nhóm mục
tiêu thật cụ thể.
- Xây dựng hệ thống giám sát và
chế độ thỉnh thị báo cáo định kỳ.
- Xây dựng các tiêu chí đánh giá
về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của ngành và địa phương.
- Xây dựng chế độ trách nhiệm,
cơ chế hợp tác trong việc huy động các ngành, các cấp, các đoàn thể và cộng đồng
dân cư trong địa phương tham gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
IV. KINH PHÍ
XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ 21 CỦA NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG
- Kinh phí để xây dựng và thực
hiện Chương trình Nghị sự 21 của ngành và địa phương do bộ/ ngành và địa phương
huy động từ mọi nguồn lực. Trong đó cần vận động sự hỗ trợ giúp đỡ của các tổ
chức quốc tế, huy động từ các nguồn của các doanh nghiệp, sự đóng góp của các tổ
chức xã hội và cộng đồng dân cư....
- Trong giai đoạn xây dựng
Chương trình Nghị sự 21, các bộ/ ngành, địa phương được sử dụng nguồn vốn điều
tra cơ bản, vốn quy hoạch, vốn chuẩn bị đầu tư do ngân sách nhà nước cấp để thực
hiện những nội dung có liên quan.
- Trong giai đoạn thực hiện
Chương trình Nghị sự 21, các bộ/ ngành, địa phương được huy động các nguồn vốn
để thực hiện các dự án được phê duyệt theo đúng các quy định hiện hành.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
- Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng
các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ Ban Nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, xây dựng và
chỉ đạo thực hiện Chương trình Nghị sự 21 của ngành và địa phương mình.
- Hàng năm, Bộ trưởng các Bộ, Thủ
trưởng các cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ Ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát triển bền vững ở bộ/ ngành, địa
phương mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào kế hoạch hàng năm của
nhà nước, đồng thời có báo cáo định kỳ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tiến độ thực
hiện để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Trong quá trình tổ chức thực
hiện nếu có những vấn đề vướng mắc hoặc phát sinh mới, đề nghị các bộ/ ngành và
địa phương thông báo kịp thời tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp, tìm những
giải pháp phù hợp để thực hiện nghiêm túc Quyết định số 153/2004/ QĐ-TTg ngày
17 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện thành công Định hướng
Chiến lược Phát triển bền vững ở Việt Nam.
- Thông tư hướng dẫn này có giá
trị thực hiện sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.