VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
74/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2010
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VỀ CÔNG TÁC ĐẦU TƯ
XÂY DỰNG TOÀN QUỐC
Ngày 4 tháng 3 năm 2010, tại Văn
phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công
tác đầu tư xây dựng toàn quốc. Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng, lãnh đạo
các Bộ, ngành Trung ương, đại diện các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước
và lãnh đạo Ủy ban nhân dân, ban ngành các tỉnh thành phố trực thuộc Trung
ương. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của đại biểu dự họp,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
1. Với những giải pháp, chính
sách quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu
tư, năm 2009 đã huy động được khối lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển, ước tổng
vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 704,2 nghìn tỷ, bằng khoảng 42,8% GDP, trong
đó vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ tăng gấp đôi so với cùng kỳ
các năm trước đây. Năm 2009 đánh dấu một năm thành công vượt bậc trong lĩnh vực
đầu tư xây dựng, đã huy động được nguồn vốn đầu tư lớn trong điều kiện kinh tế
khó khăn. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2009 đạt tỷ lệ cao
nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhiều công trình đầu tư đã đưa vào sử dụng
góp phần chống suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước,
trong hoàn cảnh kinh tế thế giới suy giảm mạnh.
Đạt được những thành tích nêu
trên là do:
- Việc phân giao kế hoạch vốn đầu
tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước năm 2009 được các Bộ, ngành và địa
phương triển khai nghiêm túc, đúng thời gian quy định. Bước đầu khắc phục được
tình trạng bố trí vốn phân tán dàn trải của các năm trước đây, tập trung vốn
cho các dự án sắp hoàn thành, các dự án quan trọng cấp bách, điều tiết chuyển vốn
để sử dụng hiệu quả nguồn vốn.
- Cơ chế quản lý đã có bước phân
cấp mạnh hơn và thông thoáng hơn. Công tác thanh tra và giám sát đầu tư, phát
hiện tiêu cực chống thất thoát, tiêu cực trong quản lý dự án đầu tư được tăng
cường ở tất cả các cấp.
- Công tác chỉ đạo thực hiện đã
được các cơ quan và địa phương quan tâm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy
nhanh tiến độ thực hiện.
Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng
vẫn còn những hạn chế:
- Việc giải ngân nguồn vốn ở một
số công trình ở địa phương, ngành còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các
công trình, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
- Phân bổ vốn đầu tư ở một số
nơi vẫn còn tình trạng dàn trải; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có
lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ.
- Chất lượng công trình, dự án
chưa đồng đều, vẫn còn có công trình chưa đảm bảo chất lượng, có nơi thực hiện
chưa đúng thủ tục về đầu tư, vi phạm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ
bản, cá biệt còn có tình trạng gây thất thoát lãng phí vốn đầu tư, cần nghiêm
túc kiểm điểm để quản lý chặt chẽ hơn, hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương,
các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước cần tập trung chỉ đạo sát sao,
khắc phục yếu kém, khẳng định phát huy những việc làm tốt, khẩn trương thực hiện
các nhiệm vụ nhằm tăng cường quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn ngân
sách nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với các cơ quan liên quan tiếp
thu ý kiến các đại biểu, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, sớm hoàn chỉnh và
trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý đầu tư xây dựng
bằng nguồn vốn Nhà nước năm 2010.
Để thực hiện thắng lợi kế hoạch
đầu tư xây dựng cơ bản năm 2010, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cụ
thể sau:
a) Các Bộ, ngành địa phương cần
nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao và triển khai kế hoạch đầu tư phát
triển năm 2010.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo rà soát phân bổ nguồn vốn đầu
tư phát triển thuộc nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ kịp thời đến
chủ đầu tư, làm tốt và quyết liệt ngay trong tháng 3, để hết quý I hoàn tất việc
phân bổ vốn và thông báo kế hoạch vốn đến các đơn vị. Việc phân bổ vốn phải bảo
đảm đúng mục đích, đúng mục tiêu, đúng quy hoạch, ưu tiên các dự án, công trình
cần thiết, cấp bách, đủ điều kiện, có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng, phát
huy hiệu quả trong năm 2010, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải.
b) Ngay từ đầu năm 2010, tập
trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư đến
khâu lựa chọn nhà thầu và tổ chức thực hiện; Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các tỉnh được phép chỉ định thầu các công trình cấp thiết, ở những nơi có ít
đơn vị thi công và tư vấn theo quy định tại Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15
tháng 10 năm 2009 của Chính phủ. Việc chọn đúng nhà thầu quyết định lớn đến
thành công của dự án, phải trên tinh thần chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước
và nhân dân, vì lợi ích chung của tập thể và đất nước.
- Tập chung chỉ đạo thực hiện tốt
công tác giải phóng mặt bằng. Đây là công tác liên quan đến lợi ích của nhân
dân, cần phải làm đầy đủ, thấu đáo và trách nhiệm trước nhân dân. Bộ Tài nguyên
và Môi trường xem xét, hướng dẫn thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13
tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, bồi
thường, hỗ trợ và tái định cư; phối hợp cùng với các bộ, địa phương xử lý tháo
gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định. Các địa phương chuẩn
bị tốt phương án tái định cư, đi đôi với việc chuẩn bị đất sạch, bảo đảm thuận
lợi cho việc triển khai dự án.
Công tác giải phóng mặt bằng phải
gắn với tuyên truyền vận động làm cho nhân dân hiểu và ủng hộ. Thực hiện đúng
phương án, chính sách chế độ nhà nước trong việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ
và tái định cư, xử lý nghiêm các hành vi không chấp hành chính sách pháp luật của
Nhà nước.
Các địa phương phải dành một phần
tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch
cho các dự án.
- Các Bộ, ngành, địa phương, các
Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty Nhà nước tăng cường năng lực của các chủ đầu
tư, các Ban quản lý dự án.
- Các Bộ, ngành rà soát thể chế,
thủ tục quy định trong các văn bản pháp luật về hoạt động đầu tư để khắc phục
vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện thể chế tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong đầu tư
xây dựng. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng phân cấp mạnh hơn đi đôi với
quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn các cấp.
- Tiếp tục làm tốt công tác chỉ
đạo, đôn đốc, kiểm tra, giao ban, để kịp thời tháo gỡ, vướng mắc, khó khăn
trong đầu tư xây dựng, ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương.
c) Về xử lý vốn cho đầu tư phát
triển năm 2010
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài
chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn thống nhất trong cả nước cơ chế điều
chỉnh tổng mức đầu tư của các dự án (bao gồm dự án sử dụng vốn ngân sách tập
trung và vốn trái phiếu Chính phủ).
+ Tổng hợp, trình Thủ tướng
Chính phủ việc ứng vốn kế hoạch năm 2011 (bao gồm vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập
trung và vốn trái phiếu Chính phủ) đối với các dự án quan trọng, cấp bách của
các Bộ, ngành, địa phương đã có trong danh mục, chương trình, phù hợp với quy
hoạch, đã bố trí vốn đang triển khai dở dang, có khả năng hoàn thành trong năm
2010 nhưng thiếu vốn (năm 2011 ngân sách Nhà nước phải tiếp tục bố trí vốn để
thực hiện). Trong đó, cần tập trung đánh giá kiểm soát khối lượng thực hiện các
dự án và tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đã bố trí trong kế hoạch năm 2010 để có
căn cứ ứng vốn cho các dự án, công trình hoàn thành năm 2010.
- Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối
hợp với các cơ quan liên quan tính toán kế hoạch huy động trái phiếu Chính phủ
cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giai đoạn 2011-2015 và cho các năm tiếp
theo, bảo đảm an ninh tài chính và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trái phiếu
Chính phủ, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
d) Cần có cơ chế để có thể huy động
các nguồn vốn trong xã hội và nước ngoài cho đầu tư phát triển, giảm dần phụ
thuộc vào vốn ngân sách nhà nước.
Năm 2010 vốn ODA cam kết cho Việt
Nam thuận lợi, rất lớn so với các năm trước đây, cần phải đẩy nhanh tiến độ giải
ngân nguồn vốn đã cam kết, chuẩn bị ngay các dự án để tranh thủ nguồn vốn ODA mới,
nhất là lĩnh vực liên quan đến hạ tầng giao thông và đối phó với biến đổi khí hậu.
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát
tháo gỡ khó khăn để cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư
phát triển, tạo điều kiện khuyến khích đầu tư nước ngoài. Nghiên cứu cơ chế
chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra nước ngoài để
thu hút vốn cho đầu tư phát triển.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ
đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện để doanh nghiệp, nhất là các doanh
nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc
giải ngân vay vốn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành,
địa phương và đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người
đứng đầu trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra để thực hiện và hoàn thành tốt kế
hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2010.
Văn phòng Chính phủ thông báo để
các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các tập đoàn, TCTy 90, 91;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TH, KGVX, NC, PL, TCCV, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (5).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Văn Trọng Lý
|