VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 72/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày
02 tháng 4 năm 2021
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC
VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Ngày 28 tháng 03 năm 2021, tại Trụ sở
Thành ủy Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo
thành phố Hà Nội về Tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2021,
nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm và một số kiến nghị, đề xuất của Thành phố.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bí thư Thành ủy
Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn
Thanh Long và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Giao thông vận tải,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kế
hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Xây dựng, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội,
Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ.
Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân Thành phố, phát biểu của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội, ý kiến của
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ
kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các đồng chí Lãnh đạo, cấp ủy đảng,
chính quyền, quân, dân Thủ đô và những thành tựu quan trọng đã đạt được trong những năm qua và 03 tháng đầu năm 2021, đóng góp tích
cực, quan trọng vào thành công chung của cả nước. Kinh tế - xã hội của Hà Nội
giai đoạn 2016 - 2020 phát triển khá toàn diện, GRDP bình quân đạt 6,68% (cao
hơn mức tăng của cả nước). Xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm 2 năm so với mục
tiêu đề ra (96,3% xã đạt chuẩn nông thôn mới với 13 huyện và 368 xã).
Quý I năm 2021, tăng trưởng kinh tế của
Hà Nội đạt 5,17%, cao hơn mức bình quân cả nước; sản xuất công nghiệp có bước
khởi sắc; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,7% cao hơn so với cùng kỳ;
kim ngạch xuất khẩu hồi phục, đạt 3,12 tỷ USD; nhập khẩu gần 7 tỷ USD, tăng 4%;
tổng vốn đầu tư xã hội tăng 8,2%; số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 212%.
Hà Nội đã kiểm soát tốt, chỉ đạo kịp thời, hạn chế dịch bệnh Covid-19 lây lan
ra cộng đồng.
Văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển.
An sinh xã hội được đảm bảo, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 2 năm (tỷ lệ
hộ nghèo còn 0,21%). Quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị; quản lý
tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí
hậu tiếp tục được quan tâm, có chuyên biên tích cực. Đã hoàn thành kế hoạch trồng
mới 1 triệu cây xanh, làm cho Thủ đô ngày càng xanh tươi hơn.
An ninh chính trị, trật tự, an toàn
xã hội tiếp tục được giữ vững. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh
doanh có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục
thăng hạng, thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước (tăng 15 bậc so với 2015).
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt
được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục: Tiến độ triển khai một số
dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn chậm; quy hoạch và
phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ
chưa đạt tiến độ; công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, đô thị, môi trường
có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu, để phát sinh nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm,
chậm được xử lý, gây bức xúc dư luận; việc xử lý úng ngập, ùn tắc giao thông
còn nhiều thách thức; công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng còn
chậm, gặp nhiều vướng mắc... Chỉ số Hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh
(PAPI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đang đứng ở vị trí
thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI
PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong thời gian tới, để tạo chuyển biến
toàn diện, mạnh mẽ trên các lĩnh vực, xây dựng và phát triển Hà Nội xứng đáng
với vai trò, vị thế Thủ đô “trái tim của cả nước”, Thành phố Hà Nội cần chú trọng
một số giải pháp, nội dung sau:
1. Về tầm nhìn và
quan điểm phát triển Hà Nội:
Tiếp tục nỗ lực phát huy các tiềm
năng, thế mạnh, phát triển Hà Nội là thành phố giàu đẹp, xanh, sạch, có bản sắc
và kỷ cương, văn minh, thanh lịch; xây dựng thành phố thông
minh, năng động; và hội nhập, thành phố kiến tạo, môi trường
kinh doanh thuận lợi, môi trường sống hướng đến các tiêu
chuẩn OECD - một thành phố đáng sống của mọi người dân và bạn bè quốc tế. Một
thành phố an toàn tuyệt đối trong biến đổi thời tiết cực đoan.
Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị
đồng bộ, hiện đại, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa với những
giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ; chú trọng đầu tư vào hoạt động bảo tồn, tôn
tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc
biệt khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, gắn văn
hóa với phát triển kinh tế và du lịch.
Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung
xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 gắn với Vùng Thủ đô để phát
triển đô thị vệ tinh hấp dẫn, trong đó, lấy trục không gian xanh sông Hồng làm
trung tâm phát triển, phát triển cân đối, hài hòa hai bên trục sông Hồng và
phía Bắc sông Hồng trở thành đô thị hiện đại, hạ tầng đồng bộ, trở thành Trung tâm tài chính quốc tế của khu vực và trên thế giới.
2. Tập trung và huy
động của cả hệ thống chính trị và nhân dân để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội
XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII và 10 chương
trình hành động toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đi đầu thực hiện Nghị quyết
01, 02 năm 2021 của Chính phủ. Chuẩn bị tốt các công tác tổ chức bầu cử Đại biểu
Quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -
2026. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch thành
phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
3. Tiên phong thực
hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế, bảo
đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Tuyên truyền, vận động người dân thực
hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo “5K + Vắc xin”.
Phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ giám sát Covid-19 cộng đồng. Phối hợp chặt
chẽ với Bộ Y tế để triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 an toàn, hiệu quả.
4. Cơ cấu lại nền
kinh tế, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng dựa trên ứng dụng khoa học, công
nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Đẩy mạnh
hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi
pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị, phát triển đô thị
- kinh tế đô thị. Chú trọng phát triển các khu đô thị mới để vừa tạo động lực
phát triển vừa giãn dân, đặc biệt phát triển nhà ở xã hội và xây dựng cải tạo lại
chung cư cũ.
5. Đẩy mạnh xây dựng
hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, cải
cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ
công trực tuyến. Có giải pháp quyết liệt để tăng điểm, tăng thứ hạng Chỉ số Hiệu
quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ
hành chính (SIPAS). Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách
nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức để xứng đáng là cán bộ của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
6. Xây dựng lực lượng
vũ trang Thủ đô vững mạnh, toàn diện; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh nhân
dân vững chắc; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội,
phòng, chống tội phạm hiệu quả; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của
Trung ương và thành phố, các sự kiện quốc gia, quốc tế. Mở rộng, nâng cao hiệu
quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với
các ban, bộ, ngành trung ương; đẩy mạnh liên kết vùng.
7. Phát triển nguồn
nhân lực, quản trị của một đô thị đặc biệt, nhất là nhân lực chất lượng cao,
nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch; thu
hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
và hội nhập quốc tế. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí
tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống. Đề cao ý thức,
trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đưa
văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn
lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
III. VỀ MỘT SỐ
KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT CỦA THÀNH PHỐ
1. Về việc tăng
tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố Hà Nội trên mức 35%: Giao Bộ Tài chính
chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xác định tỷ lệ điều tiết
ngân sách Thành phố giai đoạn tiếp theo cho phù hợp, báo cáo
cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, đảm bảo nguồn lực cho Hà Nội thực hiện
các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, dành nguồn lực đầu tư công
ngân sách trung ương cấp cho Thủ đô để tập trung đầu tư phát triển.
2. Về đề nghị
đưa 04 dự án thuộc lĩnh vực giao thông (Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn
Ba La - Xuân Mai, Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 32, đoạn từ Sơn Tây đến
cầu Trung Hà, Xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc
lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình, Xây dựng Cầu Vân Phúc
qua sông Hồng và đường nối ra Quốc lộ 32) vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2021-2025:
Đồng ý với đề xuất của Bộ Kế hoạch và
Đầu tư (tại Tờ trình số 1642/BKHĐT-TH ngày 24 tháng 3 năm 2021) về dự kiến các
dự án trọng điểm có tác động liên vùng của thành phố Hà Nội trong Kế hoạch đầu
tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đối với dự án Xây dựng Cầu Vân Phúc qua sông Hồng và đường nối ra Quốc lộ 32, Ủy ban nhân dân
thành phố Hà Nội bố trí từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu và
ngân sách địa phương theo tiêu chí, nguyên tắc tại Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14
ngày 8 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quyết định số
26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Về đề nghị tạo
điều kiện về vốn, về chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông liên kết vùng (đường
vành đai 4, đường vành đai 5, đường 32, đường kết nối giữa Hà Nội với Hòa Bình,
Bắc Giang). Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và
các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về đề nghị
thành phố Hà Nội rà soát quỹ nhà đất công dôi dư sau khi sắp xếp trụ sở, di dời cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế...
các cơ quan đơn vị của Trung ương và thành phố, quỹ nhà đất chuyên dùng của thành
phố và rà soát quỹ đất trước đây đã quy hoạch làm quỹ đất đối ứng thực hiện các
dự án BT, nay dừng triển khai (dự kiến khoảng 8900ha) để tổ chức đấu giá, đấu
thầu tạo nguồn đầu tư phát triển các công trình giao thông trọng điểm:
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với
các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề
xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đúng quy định không để thất thoát.
5. Về vị trí nhà
ga C9 (trong tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo:
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn
trương có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Thành phố Hà Nội
và các bộ, ngành liên quan xác định rõ các yếu tố yêu cầu,
điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình di tích lịch sử Quốc gia đặc
biệt Hồ Hoàn Kiếm theo đúng quy định của pháp luật về Di sản văn hóa và quy định
pháp luật liên quan.
Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
chủ trì, phối hợp với các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải,
Xây dựng đánh giá, làm rõ và thống nhất các yếu tố, điều kiện bảo đảm an toàn
chạy tàu, xác định rõ các điểm lên xuống của nhà ga, xác
định rõ ranh giới bảo vệ để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, vừa thuận lợi cho
giao thông, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình di tích lịch sử Quốc
gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2021.
6. Về việc tháo
gỡ vướng mắc về bố trí vay vốn nước ngoài phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng
thêm của dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long -
Trần Hưng Đạo: Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành thẩm định điều chỉnh
chủ trương đầu tư Dự án, tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành, hoàn thiện
hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ.
7. Về việc trình Quốc hội phê duyệt Đề
xuất dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn ưu đãi nước ngoài và phê duyệt chủ
trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai:
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn
trương có văn bản gửi Bộ Tài chính giải trình làm rõ một số nội dung theo ý kiến
của Bộ Tài chính tại văn bản số 888/BTC-QLN ngày 26/01/2021, đồng thời gửi Bộ Kế
hoạch và Đầu tư văn bản giải trình, hoàn thiện đề xuất Dự án, trên cơ sở đó, Bộ
Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét,
quyết định.
8. Về việc trình Quốc hội phê duyệt
chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị số 5 (đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng
Hòa Lạc): Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành thẩm định Báo cáo Nghiên
cứu tiền khả thi Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Về chủ trương chuyển đổi đầu tư từ
phương thức BT sang đầu tư công đối với Dự án cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát: Ủy
ban nhân dân thành phố Hà Nội căn cứ quy định của pháp luật nghiên cứu hình thức
đầu tư phù hợp, thực hiện thẩm định, phê duyệt các dự án theo thẩm quyền, đúng
quy định pháp luật.
10. Về chủ trương điều chỉnh tăng tỷ
lệ đất đô thị và nông thôn toàn Thành phố lên 40% - 60%: Ủy ban nhân dân thành
phố Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để cập nhật,
xem xét trong quá trình lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô
và Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; Kế hoạch sử dụng
đất cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
11. Về việc cho phép nghiên cứu quy
hoạch sân bay dân dụng thứ 2 tại địa bàn thành phố Hà Nội: Giao Bộ Giao thông vận
tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và cơ
quan liên quan nghiên cứu, đề xuất trong quá trình lập
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc thời kỳ
2011 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ.
12. Về việc điều chỉnh tổng thể Quy
hoạch chung xây dựng Thủ đô hoàn chỉnh mô hình chùm đô thị: Đồng ý về nguyên tắc,
Thành phố Hà Nội khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công
văn số 383/TTg-CN ngày 26 tháng 3 năm 2021. Lưu ý quy hoạch
đô thị Bắc Sông Hồng, các đô thị vệ tinh xứng tầm phát triển Thủ đô trong giai
đoạn mới, phù hợp với những quốc gia có nhiều tỉnh, thành phố, phù hợp mô hình
quản lý hành chính và các quy định của pháp luật.
13. Về việc điều chuyển Vườn quốc gia
Ba Vì về thành phố Hà Nội quản lý: Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn nghiên cứu kiến nghị của thành phố Hà Nội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ
xem xét, quyết định.
14. Về việc bố trí vốn sự nghiệp cho
công tác lập quy hoạch: Thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Đầu
tư công.
15. Về việc phê duyệt quy chuẩn kỹ
thuật về quy hoạch kiến trúc 4 quận nội đô lịch sử khu vực trung tâm Thành phố
gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa: Bộ Xây dựng khẩn trương thực hiện
ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1663/VPCP-CN ngày 15
tháng 3 năm 2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2021.
16. Về việc cải tạo xây dựng lại
chung cư cũ: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng
và các bộ, cơ quan liên quan thống nhất phương án giải quyết hiệu quả, làm chuyển
biến vấn đề này; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, quy định pháp luật, thì
đề xuất mô hình, cơ chế chính sách đặc thù, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét,
quyết định sớm, không được để kém an toàn các chung cư cũ.
17. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Ủy ban
nhân dân thành phố Hà Nội trong công tác chuẩn bị tổ chức Sea Games 31; Ban Chỉ
đạo quốc gia khẩn trương xây dựng phương án, kịch bản SEA Games 31 và ASEAN
Para Games 11 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp
trên thế giới và khu vực.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy
ban nhân dân thành phố Hà Nội và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó TTg
Chính phủ;
- Đ/c Vương Đình Huệ, Chủ tịch QH;
- Đ/c Đinh Tiến Dũng; Bí thư Thành ủy HN;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài
nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Tư pháp, Lao
động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn;
- Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TKBT, KTTH,
NN, CN, TH, KGVX, QHQT, PL, KSTT;
- Lưu: VT, QHĐP (3b). Huyền
|
KT. BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Trần Văn Sơn
|