THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 501/QĐ-TTg
|
Hà Nội,
ngày 10 tháng 4 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH TỈNH NINH THUẬN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM
NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24
tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Pháp lệnh số 01/2018/QH14 ngày 22 tháng 12 năm 2018 của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số
điều của 04 Pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP
ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi
tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày
05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày
13 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ về phiên họp
Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 110/NQ-CP
ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về việc ban
hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, vùng quy
hoạch, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59
Luật Quy hoạch;
Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh
Ninh Thuận tại Tờ trình số 43/TTr-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2020; Báo cáo thẩm
định số 900/BC-HĐTĐ ngày 17 tháng 02 năm 2020 của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh và Báo cáo số 61/BC-UBND ngày 12
tháng 3 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về tiếp thu, giải trình ý
kiến của Hội đồng thẩm định.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ lập
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội
dung sau:
I. TÊN QUY HOẠCH
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ
2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
II. PHẠM VI QUY HOẠCH
1. Phần lãnh thổ đất liền
Phạm vi lập quy hoạch đối với phần
lãnh thổ đất liền là 3.358 km2, được giới hạn
như sau:
- Phía Bắc: Giáp tỉnh Khánh Hòa;
- Phía Đông: Giáp Biển Đông;
- Phía Nam: Giáp tỉnh Bình Thuận;
- Phía Tây: Giáp tỉnh Lâm Đồng;
- Tỉnh Ninh Thuận có tọa độ địa lý
khoảng từ 10°42’36” đến 12°009’15” vĩ
độ Bắc, 108°009’08” đến 109°014’25” kinh độ Đông.
2. Phần không gian biển: Được xác định trên cơ sở
Luật Biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012; Nghị định số 51/2017/NĐ-CP ngày 21
tháng 5 năm 2014 của Chính phủ; Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm
2012 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Thời kỳ lập quy hoạch
- Thời kỳ lập quy hoạch: 2021 - 2030;
- Tầm nhìn dài hạn: Đến năm 2050.
III. QUAN ĐIỂM LẬP QUY HOẠCH
1. Việc lập “Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021
- 2030, tầm nhìn đến năm 2050” phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục
tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030,
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của cả nước; chiến lược
quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; chủ trương, định hướng của Đảng về
phát triển Việt Nam đến năm 2045; các điều ước quốc tế mà Việt
Nam là nước thành viên; bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn
định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
2. Quá trình nghiên cứu phải đặt Ninh
Thuận trong mối quan hệ liên kết vùng và vai trò tỉnh Ninh Thuận đối với quốc
gia. Phát huy lợi thế địa lý của Ninh Thuận là cửa ngõ kết
nối các vùng: Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh Nam Tây Nguyên.
3. Phát triển kinh tế dựa vào 06 nhóm
ngành trụ cột: Năng lượng; du lịch; nông - lâm - thủy sản; công nghiệp; giáo dục
đào tạo; xây dựng và kinh doanh bất động sản.
4. Phát huy yếu tố con người, coi trọng
phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học -
công nghệ, xem đây là động lực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh;
bảo tồn di sản, phát huy, phát triển nền văn hóa truyền thống các dân tộc trong
tỉnh.
5. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội
với bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan; đảm bảo khai thác và sử dụng bền vững
các nguồn tài nguyên, đất đai; giữ vững cân bằng sinh thái; chủ động thích ứng
với biến đổi khí hậu hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường và
phát triển bền vững.
6. Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn
với việc từng bước thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng
cao mức sống của nhân dân, chăm lo phát triển các hoạt động văn hóa, y tế, giáo
dục, chăm sóc sức khỏe, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị,
trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới trên biển; chủ động hội nhập và hợp
tác quốc tế.
7. Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia
của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc
gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân theo quy định tại Luật
Quy hoạch năm 2017.
IV. MỤC TIÊU LẬP QUY HOẠCH
1. Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận là cơ sở
để cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng duyên hải Nam Trung Bộ
ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội,
quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị
và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất
đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
2. Quy hoạch tỉnh làm cơ sở để xây dựng
các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3. Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận là một
trong những công cụ quản lý nhà nước của tỉnh giúp hoạch định, kiến tạo động lực,
không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với
quy hoạch vùng duyên hải Nam Trung Bộ và quy hoạch tỉnh làm cơ sở lập quy hoạch
xây dựng các vùng huyện và liên huyện, quy hoạch đô thị và nông thôn và các quy
hoạch kỹ thuật chuyên ngành có liên quan; khai thác tối đa
tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội
nhanh và bền vững.
4. Quy hoạch tỉnh là cơ sở để quản lý
và thu hút đầu tư, đẩy nhanh các khâu đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng;
đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo cản trở đầu tư
phát triển trên địa bàn; cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận
cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển
kinh tế - xã hội - môi trường.
V. NGUYÊN TẮC LẬP QUY HOẠCH
1. Đảm bảo sự tuân thủ, bám sát các
quy trình, nội dung, nguyên tắc theo Luật Quy hoạch, Nghị
định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch;
2. Đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ
nhưng cũng cần giải quyết những vấn đề bất hợp lý, xung đột giữa quy hoạch tỉnh
Ninh Thuận với các chiến lược phát triển kinh tế cấp quốc gia, cấp vùng cũng
như với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến
năm 2020; quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2030; các quy hoạch ngành và các dự án trọng điểm cấp quốc gia, cấp vùng,
liên tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Đảm bảo khai thác và phát huy hết
các tiềm năng và lợi thế về năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch - văn hóa
để đề xuất các giải pháp đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế, nâng cao sức
cạnh tranh và vị thế của tỉnh Ninh Thuận.
4. Đảm bảo phát huy lợi thế địa lý của
Ninh Thuận là cửa ngõ kết nối vùng kinh tế trọng điểm Đông
Nam Bộ với các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, có lợi thế lớn như: Cảng biển nước sâu...
trong việc giao thương, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển.
5. Đáp ứng được các yêu cầu phát triển
trong giai đoạn hội nhập, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia và phát huy vai
trò thành viên ở nhiều tổ chức kinh tế quốc tế cùng với đó là việc thực hiện
các cam kết, hoàn tất đàm phán và thực thi các hiệp định FTA, gần nhất là ký kết
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
6. Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận là dạng
quy hoạch tích hợp, vì vậy quá trình lập quy hoạch phải
công khai, minh bạch, sự giám sát của người dân, cộng đồng, sự phối hợp một cách có hiệu quả giữa các cơ quan tổ chức
lập quy hoạch, các ngành, địa phương, đơn vị tư vấn và các bên có liên quan để
sản phẩm quy hoạch có chất lượng và đúng tiến độ đề ra.
7. Cần ứng dụng các giải pháp công
nghệ thông tin, đặc biệt là ứng dụng hệ thống thông tin địa
lý GIS trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu hiện trạng phục vụ hỗ trợ ra quyết định,
đề xuất phương án quy hoạch cũng như quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu quy hoạch
sau khi quy hoạch được duyệt.
VI. NỘI DUNG LẬP QUY HOẠCH
1. Yêu cầu về nội dung của Quy hoạch:
a) Định hướng phát triển, sắp xếp
không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ
với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước
có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 6 trụ
cột: Năng lượng; du lịch; nông, lâm, thủy sản; công nghiệp;
giáo dục, đào tạo; xây dựng và kinh doanh bất động sản; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các
cam kết trong các điều ước quốc tế
đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên;
b) Bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát
triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ tỉnh Ninh Thuận, hướng tới mục tiêu phát
triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phân
bố, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn
các di tích lịch sử, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên
cho các thế hệ hiện tại và tương lai;
c) Việc phân bố phát triển không gian
trong quá trình lập quy hoạch phải thống nhất giữa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ
tầng xã hội, phân bố đất đai và bảo vệ môi trường, dịch vụ hệ sinh thái;
d) Có sự liên kết, tính đồng bộ và hệ
thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng
và khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm
năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với tiến bộ công bằng xã hội,
bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh; sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế,
xã hội, môi trường trong quá trình lập quy hoạch;
đ) Bảo đảm giảm thiểu các tác động
tiêu cực do kinh tế, xã hội và môi trường đối với sinh kế của cộng đồng, người
cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em; quá trình
lập quy hoạch phải được kết hợp với các chính sách khác thúc đẩy phát triển các
khu vực khó khăn, chậm phát triển và đảm bảo sinh kế bền vững của người dân
trong khu vực khó khăn, chậm phát triển; sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích của
nhà nước và lợi ích của cộng đồng; giữa lợi ích của các vùng, các địa phương;
e) Bảo đảm quyền tham gia ý kiến của
cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong quá trình lập
quy hoạch; tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình lập quy
hoạch; đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn và phù hợp với yêu cầu phát triển
và hội nhập quốc tế của đất nước;
g) Nội dung của từng loại quy hoạch
phải thống nhất, liên kết với nhau và được thể hiện bằng báo cáo quy hoạch và hệ
thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về quy hoạch.
2. Các nội dung chính của quy hoạch:
Nội dung chủ yếu của Quy hoạch tỉnh
Ninh Thuận thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện theo các quy định
tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định
số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Quy hoạch với những nội dung chủ yếu sau:
a) Phân tích, đánh giá, dự báo về các
yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Ninh Thuận.
b) Đánh giá thực trạng phát triển
kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông
thôn.
c) Quan điểm, mục tiêu và lựa chọn
phương án phát triển tỉnh.
d) Phương hướng phát triển các ngành
quan trọng trên địa bàn tỉnh.
đ) Lựa chọn phương án tổ chức hoạt động
kinh tế - xã hội.
e) Quy định tại các điểm
d, đ, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch, bao gồm:
- Phương án quy hoạch hệ thống đô thị;
- Phương án phát triển mạng lưới giao
thông;
- Phương án phát triển mạng lưới cấp
điện;
- Phương án phát triển mạng lưới viễn
thông;
- Phương án phát triển mạng lưới thủy
lợi, cấp nước;
- Phương án phát triển các khu xử lý
chất thải;
- Phương án phát triển kết cấu hạ tầng
xã hội.
g) Lập phương án phân bổ và khoanh
vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp
huyện.
h) Phương án quy hoạch xây dựng vùng
liên huyện, vùng huyện.
i) Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn
thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.
k) Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng,
tài nguyên trên địa bàn tỉnh.
l) Phương án khai thác, sử dụng, bảo
vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
m) Phương án phòng, chống thiên tai
và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
n) Danh mục dự án của tỉnh và thứ tự
ưu tiên thực hiện.
o) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy
hoạch.
p) Xây dựng báo cáo quy hoạch gồm báo
cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu quy hoạch
tỉnh.
3. Các nội dung đề xuất nghiên cứu:
Các nội dung được tích hợp vào quy hoạch
tỉnh Ninh Thuận được nghiên cứu đề xuất đảm bảo Quy hoạch được thực hiện theo phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành,
lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường
trong việc lập quy hoạch trên phạm vi lãnh thổ của tỉnh nhằm đạt được mục tiêu
phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
VII. PHƯƠNG PHÁP LẬP QUY HOẠCH
1. Yêu cầu về phương pháp lập Quy hoạch:
Quy hoạch được lập dựa trên phương
pháp tiếp cận hệ thống, tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, đảm bảo các yêu cầu về
tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.
2. Các phương pháp lập Quy hoạch:
- Phương pháp tích hợp quy hoạch;
- Phương pháp điều tra, thu thập
thông tin, dữ liệu;
- Phương pháp phân tích, đánh giá và
tổng hợp;
- Phương pháp thực chứng, ứng dụng
các bài học thực tiễn;
- Phương pháp mô hình hóa;
- Phương pháp xây dựng kịch bản phát
triển;
- Phương pháp chồng lớp, đối chiếu bản
đồ ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS);
- Phương pháp điều tra xã hội học;
- Phương pháp quy hoạch có sự tham gia
của cộng đồng, các bên liên quan;
- Phương pháp chuyên gia;
- Sử dụng công cụ hỗ trợ lập quy hoạch
(Bộ công cụ này bao gồm hệ thống cơ sở dữ liệu và công cụ
phân tích. Bộ công cụ này có thể được tích hợp thông qua các cổng thông tin cơ sở dữ liệu quy hoạch được xây dựng phục vụ quá trình lập quy
hoạch).
VIII. THÀNH PHẦN, CHI PHÍ VÀ TIẾN
ĐỘ LẬP QUY HOẠCH
1. Thành phần hồ sơ:
a) Phần văn bản:
- Tờ trình thẩm định và phê duyệt Quy
hoạch tỉnh Ninh Thuận.
- Dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch
tỉnh Ninh Thuận.
- Báo cáo thuyết minh Quy hoạch tỉnh
Ninh Thuận, báo cáo tóm tắt kèm theo các sơ đồ, bản đồ thu nhỏ.
- Các phụ lục và văn bản pháp lý liên
quan.
- Các báo cáo nội dung đề xuất tích hợp
và Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận.
- Báo cáo đánh giá môi trường chiến
lược.
b) Bản đồ và sơ đồ phân tích:
- Hệ thống bản đồ in và số:
+ Bản đồ vị trí địa lý và mối quan hệ
của tỉnh trong vùng và cả nước.
+ Bản đồ hiện trạng điều kiện tự
nhiên của tỉnh.
+ Bản đồ hiện trạng kinh tế - xã hội
của tỉnh.
+ Bản đồ hiện trạng phân bố dân cư, hệ
thống đô thị và điểm dân cư nông thôn.
+ Bản đồ hiện trạng hệ thống hạ tầng
kỹ thuật và hạ tầng xã hội của tỉnh.
+ Bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai
theo các mục đích sử dụng.
+ Bản đồ định hướng phát triển kết cấu
hạ tầng kỹ thuật tỉnh.
+ Bản đồ định hướng phát triển kết cấu
hạ tầng xã hội tỉnh.
+ Bản đồ định hướng phát triển hệ thống
đô thị, điểm dân cư nông thôn tỉnh.
+ Bản đồ phân vùng và tổ chức không
gian phát triển tỉnh.
+ Bản đồ xây dựng vùng liên huyện.
+ Bản đồ quy hoạch sử dụng đất của tỉnh.
+ Bản đồ quy hoạch thăm dò, khai
thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên tỉnh.
+ Bản đồ định hướng bảo vệ môi trường,
bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh.
+ Bản đồ định hướng phòng, chống
thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.
+ Bản đồ quy hoạch tỉnh.
+ Bản đồ xây dựng vùng huyện.
+ Bản đồ vị trí các dự án và thứ tự
ưu tiên thực hiện.
+ Bản đồ hiện trạng và định hướng
phát triển các khu vực trọng điểm của tỉnh.
- Các sơ đồ nghiên cứu phân tích quy
hoạch.
c) Cơ sở dữ liệu Quy hoạch (đĩa CD).
2. Chi phí lập Quy hoạch: Thực hiện
theo quy định hiện hành.
3. Tiến độ lập quy hoạch: Không quá
24 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ lập Quy hoạch được phê duyệt.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận
căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định này, tổ chức
lập Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo
phù hợp quy định của Luật Quy hoạch 2017 và các quy định hiện hành, trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình lập quy hoạch, Ủy ban
nhân dân tỉnh Ninh Thuận chủ động phối hợp, cập nhật thông tin với quy hoạch cấp cao hơn để điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ
đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp
quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của
Luật Quy hoạch 2017.
2. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, cơ quan liên
quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận triển khai thực
hiện lập Quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh Ninh Thuận và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều
4;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Ninh Thuận;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục;
- Lưu: VT, QHĐP (2b).Thg
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trịnh Đình Dũng
|