Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 34/2009/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 02/03/2009 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 34/2009/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÀNH ĐAI KINH TẾ VEN BIỂN VỊNH BẮC BỘ ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 4332/TTr-BKH ngày 17 tháng 6 năm 2008; ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương liên quan về Quy hoạch phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. PHẠM VI CỦA VÀNH ĐAI KINH TẾ VEN BIỂN VỊNH BẮC BỘ

Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ phần thuộc lãnh thổ Việt Nam gồm hai tỉnh, thành phố có tuyến vành đai kinh tế đi qua là Quảng Ninh và Hải Phòng, có diện tích tự nhiên 7.418,8 km2, dân số gần 2,9 triệu người, chiếm 2,24% diện tích tự nhiên và 3,44% dân số cả nước.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung

Phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ thành khu vực kinh tế năng động, có sức thúc đẩy cả vùng Bắc Bộ và trở thành động lực trong hợp tác phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật với Trung Quốc và các nước ASEAN, đồng thời kết nối với các khu vực ven biển khác trong cả nước tạo thành một vành đai kinh tế ven biển phát triển nhanh, thúc đẩy và gắn kết với các vùng khác trong nội địa cùng phát triển.

2. Mục tiêu chủ yếu

- Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông trong vành đai kinh tế, đặc biệt là tuyến trục chính ven biển từ Móng Cái đến Đồ Sơn và các cảng biển, sân bay... để nối kết với hai hành lang kinh tế Việt - Trung và khu vực ven biển Nam Trung Quốc thuộc vành đai kinh tế, tạo điều kiện mở rộng giao thương và hợp tác phát triển với Trung Quốc và ASEAN một cách chủ động, hiệu quả.

- Tập trung phát triển vùng động lực và các đô thị trung tâm dọc vành đai kinh tế, tạo sự bứt phá thúc đẩy toàn vành đai kinh tế phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với vùng ven biển Nam Trung Quốc.

- Hình thành và phát triển một số ngành kinh tế chủ lực, gồm: du lịch biển, đảo cao cấp, đóng tầu, nhiệt điện, khai khoáng, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa dầu, nuôi trồng và chế biến thủy sản... đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp 1,4 - 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP cả nước. Đến năm 2020, Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ đóng góp khoảng từ 6,5 - 7,0% trong tổng GDP cả nước; GDP bình quân đầu người đạt 3.500 - 4.000 USD.

III. PHƯƠNG HƯỚNG TỔ CHỨC VÀNH ĐAI KINH TẾ

1. Xây dựng hoàn chỉnh trục giao thông nòng cốt

Tập trung xây dựng hoàn chỉnh và hiện đại hóa tuyến trục giao thông ven biển Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng - Ninh Bình, tạo điều kiện giao thông thuận tiện và thông suốt giữa Việt Nam với các tỉnh vùng Hoa Nam của Trung Quốc qua vành đai kinh tế. Giai đoạn 2009 - 2010, đầu tư nâng cấp đoạn Cẩm Phả - Móng Cái đạt cấp III đường đồng bằng và đường qua đảo Cái Bầu quy mô 4 - 6 làn xe (cùng với xây dựng cầu Vân Tiên) nối với đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái. Triển khai xây dựng một số đường cao tốc quan trọng: Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Hạ Long để đưa vào sử dụng trước năm 2015. Giai đoạn sau năm 2015, xây dựng tiếp đoạn Hạ Long - Móng Cái. Xem xét việc xây dựng tuyến cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình để kết nối Quảng Ninh với Hải Phòng và kết nối vành đai kinh tế với các tỉnh phía Nam, mạng cao tốc trong cả nước cũng như hệ thống đường cao tốc ven biển Nam Trung Quốc.

2. Phát triển vùng động lực

Tập trung phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp quan trọng, liên kết với các đô thị lớn tạo thành một dải vùng động lực, các khu vực trọng điểm mang tính đột phá dọc vành đai kinh tế .

a) Phát triển Khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) với chức năng chính là Khu du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao, trung tâm dịch vụ cao cấp và đầu mối giao thương quốc tế theo hướng: tập trung phát triển nhanh du lịch sinh thái, hình thành Trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch cả trên đảo và trên biển. Đầu tư xây dựng một số khu vui chơi giải trí cao cấp, gồm cả sân golf và hoạt động vui chơi giải trí tại trung tâm Cái Bầu và một số đảo khác. Phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp xuất khẩu. Xây dựng các trung tâm thương mại hiện đại phục vụ du lịch. Phát triển nuôi trồng hải sản trên biển phục vụ xuất khẩu kết hợp với du lịch. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng trang trại, Khu nông nghiệp công nghệ cao. Bảo vệ và phát triển rừng trên các đảo nhằm bảo vệ môi trường, kết hợp thăm quan du lịch;

Triển khai xây dựng các tuyến đường xuyên đảo, đường quanh đảo Cái Bầu và đường trên các đảo quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của Khu kinh tế. Xúc tiến các công việc chuẩn bị để triển khai xây dựng sân bay Vân Đồn sau năm 2010. Xây dựng cảng Vạn Hoa; cải tạo cảng Cái Rồng thành cảng hành khách phục vụ du lịch. Đầu tư hoàn thiện bến cập tầu trên các đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Bản Sen... phục vụ du lịch. Quy hoạch sắp xếp lại các khu dân cư; xây dựng đô thị trung tâm tại Cái Bầu với kiến trúc đẹp, hiện đại tầm cỡ khu vực và quốc tế.

b) Phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) thành một trong những trung tâm kinh tế giao thương quốc tế hiện đại của Vùng Bắc Bộ và cả nước, đồng thời là cửa mở ra biển chủ yếu của hai hành lang, một vành đai kinh tế. Khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực trong Khu kinh tế gồm: đóng tầu, nhiệt điện; cơ khí, điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp; hóa dầu; công nghiệp cảng và các ngành công nghiệp, dịch vụ cảng; sản xuất các thiết bị tin học, thiết bị tự động hóa; sản xuất vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao; lắp ráp, chế tạo thiết bị nặng; sản xuất các sản phẩm nhựa cao cấp, các chất tẩy rửa, hóa mỹ phẩm; chế biến nông, lâm, thuỷ sản; thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, du lịch... Xây dựng khu phi thuế quan với các chính sách ưu đãi nhất. Xây dựng các khu đô thị và các khu dịch vụ công cộng hiện đại trong Khu kinh tế;

Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế; nâng cấp cảng Hải Phòng, xây dựng mới các cảng tại khu vực Đình Vũ. Triển khai xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Nâng cấp sân bay quốc tế Cát Bi. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường trong Khu kinh tế, đường ra cảng và hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước... đáp ứng yêu cầu phát triển của Khu kinh tế.

c) Phát triển Khu công nghiệp Hải Hà (Quảng Ninh) thành trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn, thu hút mạnh đầu tư với các chức năng: Trung tâm công nghiệp nặng quy mô lớn của Vùng Bắc Bộ và cả nước; Trung tâm dịch vụ cảng và vận tải biển; đồng thời, là cửa mở lớn của cả vùng, tạo điều kiện phát triển hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc, khai thác thị trường Trung Quốc, đặc biệt là khu vực Nam Trung Quốc thông qua vành đai kinh tế này. Trước mắt, khẩn trương hình thành khu công nghiệp; triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng đối ngoại, đặc biệt là cảng biển, nhà máy đóng tầu và các trục giao thông chính (Quốc lộ 18, Quốc lộ 4B, đường cao tốc đi Móng Cái); xây dựng các khu đô thị, dịch vụ liên quan và một số công trình công nghiệp chính. Đến năm 2020 cơ bản xây dựng hoàn chỉnh Khu công nghiệp, cảng biển Hải Hà gắn với thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái thành trung tâm công nghiệp, cảng biển, trung tâm tài chính, khu mậu dịch tự do lớn và hiện đại trong khu vực;

d) Phát triển Khu công nghiệp - dịch vụ Đầm Nhà Mạc (Quảng Ninh) thành khu công nghiệp - dịch vụ đa năng gắn với thành phố Hải Phòng, cảng Lạch Huyện và khu vực Đình Vũ. Từ nay đến năm 2010 hình thành khu công nghiệp - dịch vụ Đầm Nhà Mạc. Sau năm 2010 triển khai xây dựng cảng biển và các trục giao thông kết nối với Hải Phòng, Quốc lộ 18 và thành phố Hạ Long; xây dựng một số công trình công nghiệp, khu đô thị, khu trung tâm hành chính, khu dịch vụ và thương mại... Sau năm 2015 đầu tư xây dựng cầu (hoặc đường hầm) qua sông Bạch Đằng nối với Đình Vũ, tuyến đường sắt nối với đường sắt Yên Viên - Bãi Cháy và đồng bộ hệ thống giao thông trong khu công nghiệp. Đến năm 2025 cơ bản xây dựng hoàn chỉnh Khu công nghiệp - dịch vụ này;

đ) Phát triển thành phố Hải Phòng thành Trung tâm dịch vụ cảng và vận tải biển lớn, hiện đại, có vị thế đáng kể trong khu vực và thế giới. Cơ cấu kinh tế của Hải Phòng gồm cảng biển - công nghiệp - dịch vụ. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp cảng, công nghiệp đóng tầu, cơ khí chế tạo, công nghiệp kỹ thuật cao, sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp, hàng xuất khẩu, chế biến thực phẩm, du lịch và dịch vụ tổng hợp... Xây dựng một Trung tâm thương mại, Hội chợ - triển lãm quốc tế Việt Nam - Trung Quốc làm đầu mối chính trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước qua hai hành lang, một vành đai kinh tế. Đến năm 2020 xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng văn minh, hiện đại trong khu vực với quy mô dân số nội thành từ 1,4 - 1,5 triệu người;

e) Phát triển thành phố Hạ Long thành Trung tâm phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giữ vai trò là một trong hai đô thị trung tâm của Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. Hướng phát triển của Hạ Long là lấy phát triển du lịch và dịch vụ làm trọng tâm để thúc đẩy các ngành khác và hạn chế dần khai thác than công nghiệp. Trước hết tập trung phát triển mạnh du lịch, xây dựng Hạ Long thành Trung tâm du lịch, vui chơi giải trí biển hiện đại của cả nư­ớc và quốc tế. Phối hợp với các địa phương Trung Quốc thuộc vành đai kinh tế để đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, nhất là các công trình vui chơi giải trí cao cấp và tổ chức các tuyến du lịch liên quốc gia (cả bằng đường bộ và đường thuỷ) qua vành đai kinh tế. Phát triển mạnh lĩnh vực thương mại, dịch vụ để trở thành trung tâm thương mại lớn của vành đai kinh tế. Phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ cảng, gắn với xây dựng cảng Cái Lân quy mô phù hợp, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long để phát triển du lịch;

Xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, đổi mới cơ cấu kinh tế phù hợp với chức năng của một thành phố du lịch - dịch vụ và công nghiệp cảng. Tiếp tục mở rộng quy mô thành phố, đến năm 2010 nâng cấp Hạ Long lên đô thị loại I với quy mô dân số khoảng từ 30 - 33 vạn người và năm 2020 đạt hơn 60 vạn người, trong đó dân số nội thị hơn 50 vạn người.

g) Xây dựng thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái, là điểm khởi đầu của Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, vì vậy, khẩn trương xây dựng Móng Cái trở thành Thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại, là một Trung tâm đầu mối về giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam với Trung Quốc; Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí lớn của khu vực và Trung tâm công nghiệp chế biến, chế tác và lắp ráp xuất khẩu;

Trước hết, đầu tư nâng cấp Quốc lộ 18A đoạn Mông Dương - Móng Cái và kéo dài đến Trà Cổ - Mũi Ngọc đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng. Xây dựng tuyến đường biên Móng Cái - Bắc Phong Sinh - Hoành Mô - Bắc Cương và các đường xương cá nối vào nội địa. Xây dựng đường trên đảo Vĩnh Thực phục vụ du lịch. Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, cấp điện, cấp thoát nước của thành phố. Đầu tư xây dựng cảng Vạn Gia công suất từ 3 - 5 triệu tấn/năm (giai đoạn đầu khoảng 1 triệu tấn/năm), đáp ứng yêu cầu phát triển giao thương hàng hóa trong nước và quốc tế.

Phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản xuất khẩu, gia công sản phẩm công nghiệp để xuất khẩu sang Trung Quốc và công nghiệp lắp ráp những linh kiện nhập từ Trung Quốc để xuất sang các nước ASEAN... Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại hiện đại (gồm trung tâm thương mại, các siêu thị, các điểm giao dịch, văn phòng đại diện, Trung tâm hội chợ - triển lãm quốc tế...). Hợp tác với Trung Quốc xây dựng Khu thương mại tự do Móng Cái theo mô hình "Đặc khu kinh tế song phương" với các chính sách ưu đãi chung cho cả hai bên để thúc đẩy phát triển các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước và mở cửa, hội nhập mạnh với các nước ASEAN.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

1. Phát triển các ngành chủ đạo trong vành đai kinh tế

a) Công nghiệp

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cơ bản, then chốt, các ngành có giá trị gia tăng cao, kết hợp với phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp khoảng 18 - 19%. Đến năm 2020 cơ bản Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ có nền công nghiệp lớn và hiện đại trong khu vực.

Ưu tiên nguồn lực và chính sách ưu đãi cho một số ngành, sản phẩm chủ đạo như công nghiệp than, nhiệt điện, đóng tầu, cơ khí chế tạo, sản xuất thép, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp dầu khí, sản xuất động cơ điện, chế biến lâm sản, thuỷ sản, dệt may, giầy dép, sản xuất hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng cao cấp... Kết hợp đồng bộ giữa phát triển công nghiệp với phát triển kết cấu hạ tầng trên từng địa bàn.

- Về công nghiệp than: đầu tư đổi mới công nghệ các cơ sở khai thác than hiện có, mở rộng quy mô khai thác hầm lò. Quản lý chặt chẽ tình trạng khai thác than trái phép. Từ nay đến năm 2010 và những năm tiếp theo thực hiện theo Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giảm dần xuất khẩu than thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch nhằm bảo vệ tài nguyên, đồng thời bảo đảm an toàn năng lượng quốc gia. Quy hoạch hợp lý các bãi thải, kiểm soát và xử lý tốt bụi than trong quá trình vận chuyển và chế biến than;

- Về công nghiệp điện: đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào hoạt động các nhà máy nhiệt điện Uông Bí II, Cẩm Phả I, II, Hà Khánh (Quảng Ninh), Tam Hưng (Hải Phòng). Triển khai xây dựng các nhà máy điện Mạo Khê, Mông Dương, Thăng Long, nhà máy điện diezen Cái Lân (Quảng Ninh)... Xúc tiến xây dựng trung tâm nhiệt điện lớn tại Khu công nghiệp Hải Hà sau năm 2010. Phát triển sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời tại các vùng nông thôn ven biển và trên các đảo. Đến năm 2010 tổng công suất điện trong vành đai kinh tế đạt từ 2.500 - 3.000 MW và năm 2020 đạt trên 6.000 MW;

- Về công nghiệp đóng tầu: tập trung nguồn lực phát triển mạnh công nghiệp đóng tầu. Đến năm 2020 xây dựng Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ thành Trung tâm đóng tầu lớn của Việt Nam, đồng thời là một trong những trung tâm công nghiệp tầu biển lớn và hiện đại của khu vực và thế giới, có thể đóng mới tầu vận tải đến 20 - 25 vạn DWT và các loại tầu chuyên dùng khác như tầu chở dầu, tầu container, tầu công trình, tầu thăm dò và khai thác dầu khí, tầu du lịch, tầu cá công suất lớn, tầu quân sự... đạt tiêu chuẩn quốc tế;

Tiếp tục nâng cấp mở rộng các nhà máy đóng tầu Phà Rừng - Bạch Đằng, Bến Kiền, Nam Triệu (Hải Phòng); hoàn thiện Khu công nghiệp đóng tầu Cái Lân, nhà máy đóng tầu Hạ Long, Hà An (Quảng Ninh)... đáp ứng từ 80 - 85% nhu cầu sửa chữa tầu sông của Vùng Bắc Bộ và 45 - 50% nhu cầu đóng mới, sửa chữa tầu biển của cả nước. Sau năm 2010, triển khai xây dựng một số nhà máy đóng tầu quy mô lớn cùng công nghiệp phụ trợ tại Khu công nghiệp Đình Vũ - Cát Hải và các Khu công nghiệp Hải Hà, Đầm Nhà Mạc, Quang Vinh (Tiên Lãng)... Phát triển đồng bộ các cơ sở công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp đóng tầu, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa.

- Về công nghiệp thép: phát triển nhanh công nghiệp sản xuất thép, đáp ứng nhu cầu thép ngày càng lớn trong khu vực, nhất là cho công nghiệp đóng tầu. Tiếp tục mở rộng các nhà máy thép hiện có. Đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất thép khác, nhất là các nhà máy đúc phôi, sản xuất thép tấm, thép cao cấp... Ưu tiên xây dựng các nhà máy thép quy mô lớn tại Khu công nghiệp Đình Vũ - Cát Hải và Khu công nghiệp Hải Hà phục vụ công nghiệp đóng tầu. Đến năm 2010 quy mô sản xuất thép trong vành đai kinh tế đạt trên 5 triệu tấn/năm và năm 2020 đạt khoảng 15 triệu tấn/năm;

- Về công nghiệp vật liệu xây dựng: phát triển mạnh công nghiệp xi măng để trở thành ngành mũi nhọn. Cải tạo, nâng cấp các cơ sở sản xuất hiện có đạt trình độ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng dây chuyền II của các nhà máy xi măng Chinfon, Hướng Dương để đưa vào hoạt động trước 2010. Tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng Cẩm Phả, Thăng Long, Lam Thạch (Quảng Ninh)... Đến năm 2010 tổng năng lực sản xuất xi măng trong vành đai kinh tế đạt từ 11 - 12 triệu tấn/năm. Sắp xếp hợp lý các cơ sở sản xuất đá, đất sét, cát xây dựng... để khai thác hiệu quả nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn, đồng thời bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch;

- Về cơ khí, chế tạo: phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo trở thành trung tâm cơ khí mạnh của khu vực phía Bắc. Đầu tư có chọn lọc xây dựng mới các cơ sở sản xuất hiện đại với công nghệ tiên tiến. Ưu tiên phát triển các ngành cơ khí phục vụ công nghiệp đóng tầu, công nghiệp cảng, công nghiệp khai thác mỏ. Phát triển công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị điện; sản xuất, lắp ráp xe cơ giới; sửa chữa lắp ráp các thiết bị hạng nặng, các phương tiện vận tải nặng, các thiết bị nâng dỡ; sản xuất máy xây dựng, các máy móc, thiết bị phục vụ ngành xi măng, may mặc, chế biến nông, lâm, thuỷ sản... Ưu tiên phát triển các sản phẩm bổ trợ cho công nghiệp đóng mới và sửa chữa tầu biển;

- Các ngành công nghiệp khác: mở rộng các ngành công nghiệp truyền thống và các ngành sản phẩm có nhu cầu lớn trong địa bàn như sản xuất sơn tầu biển, bột nhẹ, chất tẩy rửa tổng hợp, đất đèn, ắc quy, nhựa bao bì, nhựa xây dựng, nhựa công nghiệp, điện tử, điện lạnh... và các loại hàng hóa tiêu dùng khác. Phát triển công nghiệp dệt may, da giầy phục vụ xuất khẩu, ưu tiên thu hút các dự án dệt may, da giầy vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện để sử dụng nguồn lao động của khu vực nông thôn. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, xây dựng một số cơ sở chế biến hiện đại, tạo các sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho các đô thị, khu du lịch trong vành đai kinh tế và xuất khẩu. Chuẩn bị điều kiện để sau năm 2010 triển khai xây dựng nhà máy lọc hóa dầu trong vành đai kinh tế (tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải hoặc Khu công nghiệp Hải Hà);

- Về phát triển các khu công nghiệp: đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp hiện có để thu hút đầu tư nâng cao tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp. Phát triển hợp lý các khu, cụm công nghiệp mới. Dự kiến đến năm 2020 toàn vành đai kinh tế sẽ có khoảng 25 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 22.100 ha, trong đó đất xây dựng công nghiệp gần 10.000 ha. Ngoài ra sẽ phát triển các khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ khác trên địa bàn các huyện, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông thôn.

b) Du lịch

Phát triển nhanh và bền vững ngành du lịch của vành đai kinh tế, gắn kết chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội và vùng Nam Trung Quốc. Tổ chức hợp lý không gian du lịch trong toàn khu vực. Đầu tư có chọn lọc một số khu du lịch trọng điểm, hình thành các trung tâm du lịch lớn ven biển và trên một số đảo có ý nghĩa quốc gia và quốc tế. Ưu tiên phát triển du lịch biển - đảo tại các đảo xa như Cô Tô, Bạch Long Vĩ... vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Phát triển nhanh Khu du lịch Hạ Long thành Trung tâm du lịch lớn, hiện đại có đẳng cấp khu vực và thế giới. Xây dựng đồng bộ và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng du lịch trong khu vực. Ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án du lịch có quy mô lớn, tạo ra các sản phẩm du lịch cao cấp để thu hút du khách. Tiếp tục nâng cấp hiện đại hóa Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Đồ Sơn; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp đảo Cát Bà gắn với Khu du lịch Hạ Long.

Triển khai xây dựng nhanh các công trình hạ tầng thiết yếu của Khu kinh tế Vân Đồn để thu hút đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái biển, đảo chất lượng cao Vân Đồn - Bái Tử Long. Phát triển Khu du lịch Móng Cái - Trà Cổ - Vĩnh Thực thành Trung tâm du lịch lớn, làm đầu mối quan trọng thu hút nguồn khách du lịch từ vùng Nam Trung Quốc qua vành đai kinh tế này. Xúc tiến đầu tư xây dựng Khu đô thị - du lịch sinh thái - văn hóa Nam Hạ Long, từng bước hình thành một quần thể du lịch hiện đại dọc ven biển Quảng Ninh (từ đảo Hoàng Tân - Tuần Châu - Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn - Móng Cái - Trà Cổ) có tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Hình thành các tuyến du lịch liên vùng kết nối với Hà Nội và các điểm du lịch lân cận. Tăng cường hợp tác với các địa phương Trung Quốc thuộc hai hành lang, một vành đai kinh tế tổ chức các tuyến du lịch giữa hai nước. Phối hợp với các nước ASEAN hình thành các tuyến du lịch liên quốc gia. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch để kêu gọi đầu tư và thu hút khách. Phấn đấu năm 2010 thu hút khoảng 7,5 triệu lượt khách, trong đó có từ 2,8 - 3 triệu lượt khách quốc tế và năm 2020 đạt 18 - 20 triệu lượt khách, trong đó có từ 8 - 10 triệu lượt khách quốc tế.

c) Thương mại - dịch vụ

Khai thác tối đa lợi thế so sánh của Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ để phát triển thương mại với tốc độ cao, hướng mạnh vào xuất khẩu, từng bước hội nhập vững chắc vào thị trường quốc tế, nhất là thị trường Trung Quốc, ASEAN. Phấn đấu tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên vành đai kinh tế tăng bình quân từ 17 - 18% thời kỳ 2008 - 2010 và trên 20% thời kỳ 2011 - 2020.

Phát triển hệ thống các siêu thị, các trung tâm thương mại hiện đại ở các thành phố, thị xã và các khu công nghiệp, Khu kinh tế. Xây dựng Trung tâm thương mại lớn và hiện đại tại Hải Phòng, làm chức năng đầu mối thương mại và trung tâm hội nhập chính của cả vùng Bắc Bộ và hai hành lang, một vành đai kinh tế. Đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Móng Cái, giữ vai trò cửa ngõ giao lưu chính của vành đai kinh tế với Trung Quốc và giữa Việt Nam - Trung Quốc với ASEAN. Phát triển hệ thống các siêu thị, các trung tâm thương mại quy mô phù hợp gắn với các khu du lịch ở Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn, Cát Bà, Đồ Sơn... và các thị xã, các trung tâm huyện lỵ... Củng cố mạng lưới thương mại từ cấp tỉnh đến các xã, hình thành một thị trường thông suốt, lưu thông hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy sản xuất phát triển và đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc; đổi mới cơ cấu hàng xuất khẩu, quy hoạch phát triển các nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu phù hợp với nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và lợi thế của từng địa phương. Tăng cường xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu thô, xuất khẩu nguyên liệu. Hạn chế thấp nhất việc xuất khẩu các loại than có nhu cầu sử dụng trong nước. Xây dựng hoàn chỉnh Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, nâng cấp các cửa khẩu Hoành Mô, Bắc Phong Sình để mở rộng giao thương hàng hóa giữa các địa phương của hai nước trong vành đai kinh tế.

Phát triển đa dạng các hoạt động xuất khẩu tại chỗ như: tạm nhập, tái xuất, chuyển tải, quá cảnh, uỷ thác, kho ngoại quan và các dịch vụ xuất, nhập khẩu khác... Phần đấu đạt tốc độ xuất khẩu bình quân từ 24 - 25% giai đoạn 2009 - 2010 và trên 25% giai đoạn 2011 - 2020. Đầu tư xây dựng các khu phi thuế quan tại các khu vực cửa khẩu, các khu kinh tế và các cửa hàng miễn thuế tại các thành phố, các trung tâm thương mại, trung tâm du lịch lớn, các sân bay, cảng biển đầu mối... nhằm thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ.

Phát triển tổng hợp các ngành dịch vụ theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ vận tải, tài chính ngân hàng, viễn thông..., đưa dịch vụ thực sự trở thành khu vực kinh tế năng động, tạo nhiều việc làm và đóng góp lớn cho nền kinh tế. Nâng cao năng lực hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các ngân hàng, các Công ty tài chính lớn trong và ngoài nước đầu tư tài chính và mở chi nhánh hoạt động tại Hải Phòng, Hạ Long, Móng Cái.... Xây dựng tại Hải Phòng Trung tâm tài chính lớn và hiện đại quy mô khu vực và quốc tế.

Phát triển mạnh dịch vụ vận tải cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không. Khai thác tối đa lợi thế "Cửa mở" để phát triển đa dạng các dịch vụ cảng và vận tải biển. Mở các tuyến vận tải cao tốc (cả đường bộ và đường biển) tới các địa phương của Trung Quốc thuộc vành đai kinh tế, đáp ứng nhu cầu giao lưu hàng hóa và đi lại của nhân dân, nhất là khách du lịch. Phát triển tuyến đường biển cao tốc đi các tỉnh phía Nam và các tuyến vận tải biển cao tốc ra các đảo đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế đảo.

Phát triển dịch vụ thông tin, truyền thông theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các loại dịch vụ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ khác đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

2. Thuỷ sản

Phát triển ngành thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hướng mạnh xuất khẩu. Chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất thuỷ sản theo hướng giảm tỷ trọng khai thác, tăng tỷ trọng nuôi trồng và dịch vụ; gắn sản xuất với chế biến và bảo vệ nguồn lợi, bảo đảm phát triển bền vững. Đến năm 2010 tổng sản lượng thuỷ sản trong vành đai kinh tế đạt 220 nghìn tấn và năm 2020 đạt khoảng 400 nghìn tấn, trong đó khai thác khoảng từ 120 - 130 nghìn tấn; nuôi trồng đạt từ 270 - 280 nghìn tấn; xuất khẩu thủy sản đạt từ 600 - 700 triệu USD.

Đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, nhất là ở ngư trường Bạch Long Vĩ, ngư trường giữa Vịnh... thuộc vùng đánh cá chung, nâng tỷ trọng khai thác xa bờ lên 65 - 70%. Phát triển các đội tầu lớn, trang bị hiện đại gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ nghề cá phục vụ đánh bắt xa bờ. Tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình liên kết, liên doanh, trước mắt phát triển mô hình các tổ đội khai thác xa bờ theo từng ngành, nghề để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo đảm an toàn trên biển. Sắp xếp hợp lý nghề khai thác gần bờ nhằm bảo vệ phát triển nguồn lợi, đồng thời bảo đảm mưu sinh cho dân cư ven biển. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và ven các đảo, giảm đánh bắt gần bờ chuyển sang nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch... Phát triển đồng bộ các cảng cá, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền và các trung tâm tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ... dọc ven biển và trên các đảo quan trọng như Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cô Tô... để thúc đẩy khai thác xa bờ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Phát triển nuôi trồng thuỷ sản, nhất là nuôi, trồng hải sản trên biển với công nghệ tiên tiến, bảo đảm vệ sinh môi trường và phát triển bền vững. Hình thành các vùng nuôi, trồng thuỷ sản tập trung theo hướng thâm canh năng suất cao. Đẩy mạnh nuôi, trồng thuỷ sản nước lợ, nhất là nuôi tôm xuất khẩu theo công nghệ tiên tiến. Mở rộng nuôi nhuyễn thể (nghêu, sò huyết, hến, vẹm, hầu...) tại các khu vực cửa sông, các vùng bãi triều ven biển và ven các đảo. Ưu tiên phát triển mạnh nuôi cá và đặc sản biển theo hướng công nghiệp kết hợp với phát triển du lịch, nhất là ở khu vực Bái Tử Long, Cô Tô, Vân Đồn, Tiên Yên và quanh đảo Cát Bà... từng bước xây dựng ngành nuôi trồng hải sản trên biển ở Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Tiếp tục nâng cấp hiện đại hóa các cơ sở chế biến hiện có; xây dựng mới một số cơ sở chế biến thủy sản hiện đại, tạo các sản phẩm chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Xây dựng Hải Phòng thành Trung tâm dịch vụ nghề cá lớn của Vịnh Bắc Bộ, Trung tâm sản xuất giống, sản xuất thức ăn, Trung tâm khoa học - kỹ thuật, chế biến, thương mại và xuất khẩu thuỷ sản của Vùng Bắc Bộ.

3. Nông, lâm nghiệp

Phát triển nông nghiệp trong vành đai kinh tế theo hướng nông nghiệp sinh thái, hiệu quả và bền vững. Phát triển ổn định sản xuất lương thực. Duy trì diện tích cây lương thực đến năm 2020 ở mức 140 - 145 nghìn ha, sản lượng lương thực đạt từ 0,9 - 1,0 triệu tấn, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực trên địa bàn. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái của từng khu vực, phát triển mô hình nông nghiệp đô thị phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ. Phát triển mạnh sản xuất rau sạch, rau an toàn, rau cao cấp; mở rộng diện tích trồng hoa và cây cảnh... ở các khu vực ven đô. Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Ưu tiên phát triển các mô hình trang trại, Khu nông nghiệp công nghệ cao, coi đây là khâu đột phá quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của vành đai kinh tế trong thời gian tới. Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp lên hơn 40% vào năm 2010 và 55 - 60% vào năm 2020. Ưu tiên phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, công nghiệp gắn với chế biến.

Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng theo hướng kết hợp giữa mục đích kinh tế với mục đích xã hội, cải thiện môi trường và thăm quan du lịch. Huy động các nguồn vốn đầu tư để bảo vệ và phát triển rừng tại các khu vực phòng hộ xung yếu như hồ Yên Lập, hồ Diễn Vọng, hồ Tràng Vinh, đầm Hà Động..., rừng ngập mặn ven biển và rừng trên các đảo. Đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh rừng đặc dụng, nhất là ở vườn quốc gia Cát Bà, các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu du lịch... Xây dựng các vùng nguyên liệu gỗ tập trung khoảng 200.000 ha phục vụ chế biến xuất khẩu và khoảng 30.000 ha rừng đặc dụng phục vụ bảo vệ môi trường, sinh thái. Khuyến khích đầu tư kinh doanh rừng sản xuất theo hướng thâm canh năng suất cao; gắn trồng rừng, bảo vệ rừng với chế biến lâm sản và kinh doanh du lịch.

4. Kết cấu hạ tầng

a) Giao thông: xây dựng đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và thu hút đầu tư bên ngoài

- Về đường bộ: cùng với việc phát triển các tuyến trục giao thông chính dọc vành đai kinh tế, đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các tuyến nối vành đai kinh tế với hai hành lang kinh tế, với Thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế lớn của Vùng đồng bằng sông Hồng, tạo mạng kết nối liên hoàn trong toàn khu vực. Duy trì quy mô của quốc lộ 5, xây dựng đường cao tốc 5B, kết hợp với cải tạo các hành lang dọc theo tuyến và các công trình hỗ trợ để nâng cao chất lượng và năng lực vận tải trên toàn tuyến. Nâng cấp, mở rộng các quốc lộ 4B, 18C, 279 đạt tiêu chuẩn cấp III, IV và toàn bộ các tuyến đường tỉnh, đường liên huyện trong vành đai kinh tế đạt tiêu chuẩn cấp IV. Xây dựng các tuyến đường ngang khác nối trục giao thông chính với các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế... Đầu tư xây dựng mới đường giao thông ven biển trong khuôn khổ dự án xây dựng tuyến đường ven biển dọc đất nước từ Móng Cái đến Đất Mũi để hỗ trợ phát triển kinh tế biển, kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh;

Huy động mọi nguồn lực (kể cả lao động công ích), lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn để phát triển giao thông nông thôn, nhất là ở các khu vực miền núi, hải đảo. Ưu tiên xây dựng đường giao thông và các công trình cấp điện, cấp nước trên các đảo xa bờ, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

- Về đường sắt: kết hợp đầu tư nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có với xây dựng mới một số tuyến đường sắt tốc độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và hai hành lang, một vành đai kinh tế. Từ nay đến năm 2010 nâng cấp đoạn Kép - Chí Linh và xây dựng đoạn Hạ Long - Cái Lân. Triển khai xây dựng mới tuyến Yên Viên - Phả Lại (đường đơn 1435 mm); tiếp tục nâng cấp, điện khí hóa tuyến Hà Nội - Hải Phòng và nối dài đến Khu công nghiệp Đình Vũ - Cát Hải. Giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Hải Phòng (đường đôi 1435 mm). Nghiên cứu việc xây dựng các tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái và đoạn Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định để kết nối với đường sắt Thống Nhất vào phía Nam;

- Về cảng biển: tiếp tục nâng cấp, mở rộng cụm cảng Hải Phòng lên khoảng 30 triệu tấn vào năm 2010 và duy trì đến năm 2020. Triển khai xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện làm chức năng đầu mối, đáp ứng nhu cầu vận tải biển cho cả phía Bắc và hàng quá cảnh của Vùng Tây Nam Trung Quốc. Quy mô cảng năm 2015 đạt 6 triệu tấn hàng khô; 1 triệu tấn hàng lỏng và năm 2020 đạt 26 - 40 triệu tấn hàng khô; 9 - 11 triệu tấn hàng lỏng, tiếp nhận tàu 5 - 8 vạn DWT. Triển khai xây dựng cảng Nam Đồ Sơn phục vụ kinh tế và quốc phòng.

Xây dựng hoàn chỉnh cảng Cái Lân, công suất năm 2010 khoảng từ 7 - 8 triệu tấn và năm 2020 đạt 16 - 20 triệu tấn, tiếp nhận tàu đến 5 vạn DWT. Tuy nhiên, việc phát triển cảng Cái Lân cần hết sức lưu ý vấn đề bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Tiếp tục nâng cấp cảng Mũi Chùa thành cảng cửa ngõ của khu vực miền núi phía Tây Quảng Ninh và các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Xây dựng cảng Vạn Hoa phục vụ Khu kinh tế Vân Đồn. Đầu tư mở rộng cảng Vạn Gia (Móng Cái) quy mô năm 2010 khoảng 1 triệu tấn, sau nâng lên 3 - 5 triệu tấn, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực Móng Cái, đồng thời là cửa ngõ giao lưu hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Đầu tư tổ hợp cảng biển Đầm Nhà Mạc thành một bộ phận của cảng cửa ngõ Lạch Huyện. Triển khai xây dựng cảng Hải Hà gắn với Khu công nghiệp Hải Hà phục vụ vận tải cho cả thị trường phía Bắc Việt Nam và vùng Nam Trung Quốc.

Tiếp tục nâng cấp mở rộng các cảng than Cẩm Phả, Cửa Ông; duy trì quy mô cảng Nam Cầu Trắng. Xây dựng mới cảng dầu tại khu vực Hòn Gạc (hoặc Hòn Ác) có thể tiếp nhận tàu 3 vạn DWT; cảng chuyên dùng cho nhà máy thép Cẩm Phả. Triển khai xây dựng cảng hành khách Hòn Gai quy mô lớn, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ tuyến vận tải hành khách đường biển cao tốc Bắc - Nam và các tuyến du lịch quốc tế bằng đường biển.

- Về hàng không: nâng cấp mở rộng cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) đạt cấp 4E, quy mô 800 hành khách giờ cao điểm, tiếp nhận máy bay A321, B767 và tương đương. Sau năm 2020, tiếp tục đầu tư nâng cấp để có thể tiếp nhận máy bay B747 - 400 hạn chế trọng tải, B777 và tương đương. Xúc tiến xây dựng sân bay Vân Đồn để đưa vào khai thác trong giai đoạn 2016 - 2020 với công suất khoảng 500 nghìn hành khách/năm; sau năm 2020 mở rộng công suất phù hợp với tiến độ phát triển của Khu kinh tế.

b) Cấp điện: Xây dựng đồng bộ mạng lưới điện bảo đảm cấp điện ổn định với chất lượng cao trong toàn vành đai kinh tế, nhất là cho các đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu du lịch, dịch vụ lớn. Từ nay đến năm 2020 nâng cấp cải tạo mạng lưới điện hiện có; xây dựng mới các tuyến đường dây tải điện quan trọng đồng bộ với các trạm biến áp cho thành phố Hải Phòng, Hạ Long, Móng Cái và các trung tâm đô thị, các khu kinh tế như Mông Dương, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Vân Đồn, Tiên Yên (Quảng Ninh); Vật Cách, Đình Vũ, An Lão, Bắc Sông Cấm (Hải Phòng)... Ưu tiên đầu tư hệ thống cấp điện cho các đảo quan trọng như Cát Bà, Vĩnh Thực... Phát triển điện diezen, năng lượng gió, năng lượng mặt trời cho các đảo xa như Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Minh Châu, Quan Lạn...;

c) Cấp, thoát nước: nâng cấp, mở rộng các nhà máy nước hiện có ở Hải Phòng, Đồ Sơn, Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Móng Cái... Xây dựng hoàn chỉnh các công trình cấp nước cho các đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ lớn. Chú trọng xây dựng các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường cho các vùng nông thôn. Đến năm 2010 có trên 80% dân số nông thôn trong vành đai kinh tế được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đạt 100% trước năm 2020. Xây dựng đồng bộ các hệ thống thoát nước hiện đại (theo hướng thoát nước mưa riêng, thoát nước thải sinh hoạt riêng) và các khu xử lý nước thải tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu du lịch... trên địa bàn;

d) Thông tin và truyền thông: phát triển hạ tầng thông tin - truyền thông với công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Nâng cấp mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, truyền hình đến tất cả các thôn, xã biên giới và hải đảo. Mở rộng vùng phủ sóng di động trong toàn vành đai kinh tế, kể cả vùng biển và các đảo quan trọng. Ưu tiên xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống thông tin duyên hải và thông tin trên biển, bảo đảm thông tin liên lạc thường xuyên với chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển...

5. Khoa học - công nghệ

Phát triển khoa học - công nghệ theo hướng hiện đại, tạo động lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Áp dụng mạnh mẽ các kỹ thuật công nghiệp tiên tiến vào sản xuất, nhất là trong các lĩnh vực quan trọng như điện khí hóa, tin học hóa, cơ giới hóa, hóa học hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới... để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hỗ trợ tích cực quá trình chuyển giao công nghệ thông tin phục vụ sản xuất và đời sống. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương xây dựng thương hiệu của những sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của Vùng. Đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan nghiên cứu khoa học ở Trung ương, các trường đại học và với nước ngoài trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ mới vào sản xuất.

6. Các lĩnh vực xã hội

a) Về giáo dục đào tạo: phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa nhằm nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực trong vành đai kinh tế. Hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010, tiến tới phổ cập trung học phổ thông trong toàn vùng vào năm 2020. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa trường học, phấn đấu tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với giáo viên ở các vùng núi, vùng khó khăn và hải đảo, ưu tiên đào tạo giáo viên là người đồng bào tại chỗ;

Mở rộng quy mô đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề cho các lĩnh vực có ưu thế như khai khoáng, công nghiệp điện, đóng tầu, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch, xây dựng, thủy sản, kỹ thuật điện, điện tử... Mở rộng liên kết với các trường đại học, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để xây dựng nhanh lực lượng lao động chất lượng cao cho ngành công nghiệp đóng tầu, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới. Phát triển các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề ở từng địa phương. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trường Du lịch Hải Phòng góp phần đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho vành đai kinh tế. Ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển các cơ sở đào tạo chất lượng cao trên địa bàn. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tham gia phát triển đào tạo nghề cho người lao động ở địa phương. Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong vành đai kinh tế lên trên 50% năm 2010 và trên 70% năm 2020.

b) Về y tế: phát triển đồng bộ mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở, phấn đấu đến năm 2010 có hơn 80% số xã trong vành đai kinh tế đạt chuẩn quốc gia về y tế và đạt 100% trước năm 2015. Xây dựng hoàn chỉnh các bệnh viện cấp tỉnh; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế cho các bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa khu vực. Phát triển đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trung tâm y tế dự phòng, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh và khám, chữa bệnh của nhân dân. Xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm y học biển Hải Phòng. Triển khai xây dựng, hoàn chỉnh cơ sở 2 bệnh viện Việt - Tiệp đáp ứng chức năng bệnh viện đa khoa vùng và một số bệnh viện đa khoa tại thành phố Hải Phòng và Hạ Long với cán bộ y tế trình độ cao, trang thiết bị hiện đại, đủ khả năng khám, chữa bệnh cho người nước ngoài làm việc trên địa bàn và khách du lịch quốc tế;

c) Về văn hóa, thể thao: tiếp tục thực hiện mục tiêu “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đầu tư xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hóa, thể thao, thông tin cơ sở theo quy hoạch chung của toàn ngành. Ưu tiên đầu tư các thiết chế phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng như: trung tâm văn hóa - thể thao, nhà văn hóa, công viên, khu vui chơi giải trí... Đến năm 2010 có 100% số hộ trong vùng được nghe đài phát thanh, 85 - 90% số hộ được xem truyền hình. Tăng cường hệ thống cung cấp thông tin, tuyên truyền sách báo tới các xã vùng sâu, vùng xa và các hải đảo;

d) Các lĩnh vực xã hội khác: tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia việc làm, chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi, hải đảo và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Xây dựng các kế hoạch cụ thể về giải quyết việc làm, thực hiện xoá đói giảm nghèo phù hợp với điều kiện của từng địa phương, ưu tiên đầu tư cho các vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa và hải đảo... Lồng ghép có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo với các chương trình, dự án khác trên địa bàn. Thực hiện tốt chính sách xã hội đối với các gia đình thương binh liệt sĩ, những người có công và các đối tượng xã hội khác.

7. Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

Bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long. Có biện pháp nghiêm ngặt để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường do khai thác, chế biến than; sản xuất công nghiệp, hoạt động du lịch, khai thác cảng và vận tải biển... Kiểm soát chặt chẽ việc đổ các chất thải rắn và nước thải có ô nhiễm vào Vịnh. Nước thải của các khu công nghiệp, bệnh viện, các cơ sở sản xuất, chế biến cần xử lý đạt tiêu chuẩn B trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung. Tính toán hợp lý quy mô phát triển cảng và các công trình công nghiệp quanh Vịnh Hạ Long nhằm bảo vệ Khu di sản thế giới theo quy định của UNESCO.

Quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác hải sản trong vùng, đặc biệt là ở vùng triều, các khu vực ven bờ và quanh các đảo. Xử lý nghiêm các trường hợp khai thác bằng chất nổ, xung điện, hóa chất và các ngư cụ mang tính huỷ diệt nguồn lợi. Không phát triển các phương tiện nhỏ đánh bắt ở khu vực gần bờ. Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân về các biện pháp nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường. Nhân rộng mô hình nuôi sạch, nuôi sinh thái để nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Quản lý chặt chẽ việc khai thác than ở khu vực Quảng Ninh. Ngăn chặn có hiệu quả, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác than trái phép. Quy hoạch quỹ đất phù hợp để trồng rừng bù đắp lại diện tích rừng bị phá do khai thác than lộ thiên ở khu vực Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả... Xây dựng các bãi thải đất đá nằm xa các sông suối ít nhất 500 mét và xa các khu dân cư tối thiểu 1 km.

Thiết lập hệ thống rừng phòng hộ ổn định và bền vững. Phát triển trồng rừng ở các khu vực khai thác than. Khôi phục và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ven biển và trên các đảo. Bảo vệ nghiêm ngặt vườn Quốc gia Cát Bà, các Khu bảo tồn thiên nhiên và rừng văn hóa lịch sử đã được thiết lập; xây dựng một số Khu bảo tồn khác nhằm bảo vệ và khôi phục các nguồn gien quý hiếm, các hệ sinh thái đặc thù, kết hợp với tham quan du lịch.

Xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống thoát nước thải, hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn; hệ thống xử lý khói, bụi, tiếng ồn... tại các đô thị, Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Khu du lịch... Quy hoạch các khu chôn lấp rác thải tập trung cho từng khu vực theo đúng quy định của Bộ Xây dựng. Đến năm 2010 mỗi thành phố, thị xã trong vành đai kinh tế đều có ít nhất 01 cơ sở chế biến rác; 100% chất thải rắn, chất thải nguy hại ở các đô thị, khu công nghiệp được thu gom và xử lý.

Quản lý chặt chẽ việc xả thải của các tàu vận tải hoạt động trên biển, nhất là trong Vịnh Hạ Long và khu vực gần Vịnh Hạ Long. Tuân thủ nghiêm những quy tắc kỹ thuật trong quá trình bốc dỡ hàng, dầu và các hóa chất độc hại. Sớm xây dựng một lực lượng chuyên trách với phương tiện đủ mạnh để ngăn chặn và ứng phó kịp thời với các sự cố tràn dầu trong vành đai kinh tế.

Tăng cường công tác quản lý môi trường. Quy định chặt chẽ việc thẩm định phương án bảo vệ môi trường trong quá trình xét duyệt các dự án phát triển, nhất là các công trình có nguy cơ gây ô nhiễm lớn như hóa chất, cảng biển, đóng tầu, nhiệt điện... Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch để bảo vệ môi trường.

Đa dạng hóa các nguồn vốn bảo vệ môi trường. Tăng cường nguồn vốn ngân sách cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất để xây dựng các công trình xử lý chất thải. Huy động các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đóng góp kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo nguyên tắc "Người được hưởng lợi phải trả tiền, người gây ô nhiễm phải đầu tư để khắc phục ô nhiễm". Đẩy mạnh công tác giáo dục môi trường trong toàn thể nhân dân, kể cả ở thành thị và nông thôn.

8. Tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh

Tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh trên vành đai kinh tế gắn với chiến lược phòng thủ của Vùng Đông Bắc và cả nước, nhằm giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các vùng biên giới, vùng biển và hải đảo, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.

Xây dựng đồng bộ và hiện đại hóa các lực lượng quản lý biên giới, quản lý và bảo vệ biển, đảo. Tăng cường đầu tư và năng lực cho các khu vực phòng thủ quan trọng, bảo đảm tính cơ động, sẵn sàng chiến đấu cao và chủ động đối phó trong mọi tình huống. Xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc ven biển và trên các đảo, tuyến đảo trọng yếu (Bạch Long Vĩ, Cát Bà, đảo Trần, Cô Tô, Vĩnh Thực...) đáp ứng yêu cầu bảo vệ biển, đảo và phát triển kinh tế. Phối hợp chặc chẽ giữa các lực lượng vũ trang với dân quân, tự vệ và nhân dân địa phương để giữ vững an ninh chính trị, chủ quyền các vùng biên giới và vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Quy hoạch cụ thể những khu vực biển, đảo dành riêng cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; xây dựng thí điểm khu kinh tế - quốc phòng tại một số đảo quan trọng trong khu vực theo tinh thần Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Việc bố trí các công trình kinh tế và dân cư nhất thiết phải tính đến yêu cầu phòng thủ biển, đảo; tạo thành các cụm dân cư, các cơ quan, xí nghiệp... liên hoàn có thể phối hợp, ứng cứu lẫn nhau khi cần thiết. Đồng thời, việc xây dựng các cơ sở quốc phòng ven biển và trên các đảo như cầu cảng, cơ sở hậu cần - kỹ thuật, hệ thống bảo đảm hàng hải, quân y... cần nghiên cứu để vừa phục quốc phòng, an ninh, vừa có thể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tiếp tục đưa dân ra định cư trên các đảo Bạch Long Vĩ, đảo Trần, Mã Cháu, Hạ Mai, Thanh Lân, Cô Tô... để làm ăn lâu dài, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo Đông Bắc của Tổ quốc.

9. Phương hướng hợp tác phát triển vành đai kinh tế

Nội dung hợp tác quốc tế phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế nói chung và phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ nói riêng là rất phong phú. Vì vậy, thời gian tới cần đẩy mạnh hợp tác theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các hình thức hợp tác và các lĩnh vực hợp tác trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và cùng có lợi. Ưu tiên hợp tác với Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của khu vực để phát triển nhanh. Mở rộng hợp tác với các nước có tiềm lực kinh tế lớn và các tổ chức quốc tế trong khu vực để phát triển các công trình trọng điểm.

Về hợp tác với Trung Quốc, căn cứ vào Hiệp định hợp tác kinh tế thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc, Bản ghi nhớ về triển khai hợp tác hai hành lang, một vành đai kinh tế và ưu thế của mỗi nước, thời gian tới tập trung vào hợp tác trong các lĩnh vực chủ yếu sau:

a) Hợp tác trong xây dựng hạ tầng: đẩy mạnh hợp tác xây dựng hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng cửa khẩu, đặc biệt là tuyến cao tốc Hà Nội - Hạ Long - Móng Cái gắn với hai hành lang kinh tế để kết nối liên thông với mạng cao tốc ven biển Nam Trung Quốc. Trước mắt hợp tác nâng cấp quốc lộ 18A và tuyến đường sắt Kép - Bãi Cháy - Cái Lân đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giai đoạn sau tiếp tục hợp tác xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái và tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng - Phòng Thành, kết nối với mạng đường sắt của hai nước, hướng tới xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á trong tương lai. Mở rộng hợp tác xây dựng các cảng biển quan trọng, hình thành đầu mối và mạng lưới vận tải biển thuận tiện và hiệu quả, tạo điều kiện thúc đẩy Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ nói riêng và hai hành lang, một vành đai kinh tế nói chung;

b) Hợp tác về du lịch: hợp tác nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trong Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ nói riêng và hai hành lang, một vành đai kinh tế nói chung. Tổ chức các tuyến du lịch quốc tế (cả bằng đường bộ, đường không và đường biển) giữa các địa phương hai nước trong khu vực hai hành lang, một vành đai kinh tế; xây dựng tuyến du lịch biển vòng quanh Vịnh Bắc Bộ. Đẩy mạnh hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng và kinh doanh du lịch. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc vào đầu tư xây dựng các khách sạn và các công trình vui chơi giải trí cao cấp tại các khu vực trọng điểm như Hạ Long, Vân Đồn, Cát Bà, Móng Cái... Thúc đẩy tiện lợi hóa xuất cảnh du lịch. Mở rộng hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhất là hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc, xúc tiến đầu tư và tuyên truyền quảng bá du lịch... Phối hợp cùng tổ chức Năm du lịch của Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, đồng thời định kỳ hàng năm tổ chức Hội chợ - triển lãm du lịch luân phiên tại mỗi tỉnh trong vành đai kinh tế;

c) Hợp tác về thương mại: đẩy mạnh hợp tác phát triển thương mại giữa các địa phương của hai nước thuộc vành đai kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực: mậu dịch chính ngạch, quản lý thị trường, ngăn chặn buôn lậu và gian lận thương mại. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam buôn bán với các đối tác Trung Quốc. Thúc đẩy hợp tác phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, nhất là xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Đặc khu kinh tế song phương tại Móng Cái. Phối hợp xây dựng các trung tâm dịch vụ tổng hợp gồm các trạm dừng, cơ sở cung cấp xăng dầu và các dịch vụ khác... tại các cửa khẩu, các cửa cảng và dọc hai hành lang, một vành đai kinh tế. Mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực dịch vụ khác như tài chính ngân hàng, vận tải, bưu chính viễn thông... Hai bên cùng hợp tác xây dựng và vận động các nước ASEAN, các tổ chức quốc tế tham gia xây dựng Quỹ tài chính cho phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ;

d) Hợp tác về công nghiệp: đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác phát triển công nghiệp, nhất là các ngành Trung Quốc có lợi thế như nhiệt điện, đóng tầu và sản xuất các thiết bị phụ trợ cho công nghiệp đóng tầu, lọc hóa dầu, khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất đồ điện gia dụng, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản... Tăng cường tiếp xúc với phía Trung Quốc để xác định những hạng mục hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Trung Quốc vào đầu tư phát triển công nghiệp tại Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ;

đ) Hợp tác về thuỷ sản: hợp tác điều tra, đánh giá trữ lượng và khả năng khai thác nguồn lợi hải sản trong Vịnh Bắc Bộ và vùng đánh cá chung, từ đó quy định quy mô khai thác phù hợp cho mỗi bên nhằm bảo vệ nguồn lợi. Đẩy mạnh hợp tác trong quản lý, bảo vệ nguồn lợi; điều tra nghiên cứu ngư trường; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ khai thác và nuôi trồng hải sản, nhất là trong sản xuất giống nuôi và phát triển nuôi hải sản trên biển phục vụ xuất khẩu và du lịch...;

e) Hợp tác trong nông nghiệp: mở rộng hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến nông, lâm sản; sản xuất và cung ứng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mà Trung Quốc có nhu cầu như lúa, rau quả thực phẩm, hoa, cây cảnh, cây dược liệu và các sản phẩm chăn nuôi... Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc liên doanh sản xuất giống và xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao tại vành đai kinh tế. Đẩy mạnh hợp tác trong bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn và quản lý nguồn nước các lưu vực sông chung;

g) Hợp tác về khoa học - công nghệ: xây dựng kế hoạch hợp tác thường xuyên và lâu dài với Trung Quốc để cùng phối hợp điều tra tổng hợp Vịnh Bắc Bộ nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ phục vụ việc quản lý và khai thác tài nguyên, môi trường Vịnh Bắc Bộ một cách hiệu quả và bền vững. Chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ để hợp tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tại các mỏ nằm vắt ngang đường phân định và các mỏ trong khu vực chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ khi cần thiết. Tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ và tổ chức nghiên cứu khoa học. Xúc tiến hợp tác quốc tế trong phát triển các nghề biển tương lai ở Vịnh Bắc Bộ;

h) Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa xã hội: mở rộng hợp tác trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, y tế, văn hóa nghệ thuật, triển lãm, thể dục thể thao và các lĩnh vực xã hội khác. Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, biểu diễn nghệ thuật... giữa các địa phương thuộc vành đai kinh tế để hiểu biết rõ hơn về phong tục tập quán của nhau, đồng thời góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ bang giao đang ngày càng thắm thiết giữa hai nước;

i) Hợp tác trong bảo vệ môi trường: hợp tác chặt chẽ với các địa phương Trung Quốc thuộc vành đai kinh tế trong công tác quan trắc, dự báo môi trường và bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển, bảo đảm phát triển bền vững cho toàn vành đai kinh tế. Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an toàn hàng hải, ứng phó các sự cố tràn dầu và xử lý ô nhiễm biển do nạn dầu loang. Mở rộng hợp tác trong tìm kiếm cứu nạn, cảnh báo thiên tai. Hai nước hợp tác xây dựng một hệ thống các Trung tâm tìm kiếm cứu nạn thống nhất trong khu vực vành đai kinh tế, có kế hoạch phối hợp chặt chẽ trong việc tìm kiếm cứu nạn có hiệu quả.

V. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giai đoạn 2009 - 2010: hình thành cho được một số lãnh thổ động lực; xây dựng một bước cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng trong vành đai kinh tế; xúc tiến thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào các công trình trọng điểm, vùng động lực... tạo điều kiện để phát triển nhanh trong giai đoạn sau.

2. Giai đoạn 2011 - 2020: tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng trong vành đai kinh tế. Xây dựng xong những hạng mục quan trọng tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. Xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động Đặc khu kinh tế song phương Móng Cái, các cảng Lạch Huyện, Hải Hà, Vạn Gia..., sân bay Vân Đồn, các khu du lịch, các trung tâm vui chơi giải trí cao cấp và các công trình dịch vụ khác... để phát triển tăng tốc trong giai đoạn sau năm 2020.

VI. CÁC GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giải pháp phối hợp chung giữa hai nước

Trên cơ sở các thoả thuận đã đạt được tại Bản ghi nhớ về việc triển khai hợp tác "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc, hai bên cần phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

a) Phối hợp lập quy hoạch chung về phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ trên lãnh thổ của cả hai nước: hai bên cần củng cố và đẩy mạnh hoạt động của Nhóm công tác hai hành lang, một vành đai kinh tế trong khuôn khổ Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc để tổ chức, phối hợp lập quy hoạch chung về phát triển vành đai kinh tế trên phạm vi lãnh thổ của cả hai nước, đồng thời xây dựng Chương trình hành động chung để cùng nhau thực hiện trong thời gian tới. Thành lập các tổ chuyên gia chuyên ngành trong một số lĩnh vực quan trọng để phối hợp xây dựng quy hoạch và chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể đối với từng lĩnh vực, đồng thời tổ chức thực hiện quy hoạch và những vấn đề hai bên đã thoả thuận;

b) Đẩy nhanh kế hoạch hợp tác xây dựng hệ thống giao thông trong Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ: căn cứ vào Điều 6 Bản ghi nhớ về việc triển khai hợp tác hai hành lang, một vành đai kinh tế, Bộ Giao thông vận tải tiến hành trao đổi, thoả thuận với Trung Quốc để cùng phối hợp xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trong phạm vi hai hành lang, một vành đai kinh tế nói chung và Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ nói riêng. Đẩy nhanh kế hoạch hợp tác xây dựng các công trình giao thông đã được thoả thuận trong phạm vi hai hành lang, một vành đai kinh tế. Sớm xây dựng tuyến cao tốc dọc vành đai kinh tế từ Hải Phòng - Hạ Long đến Móng Cái (trước mắt nâng cấp hoàn chỉnh quốc lộ 18 đạt cấp III đồng bằng) để kết nối liên thông với mạng cao tốc khu vực Nam Trung Quốc. Phối hợp xây dựng nhanh các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Hạ Long; xây dựng các tuyến đường thông thương giữa hai bên biên giới và đường nối các cửa khẩu chính đến các trung tâm kinh tế phía trong;

Triển khai việc hợp tác nâng cấp tuyến đường sắt Kép - Bãi Cháy, Hà Nội - Hải Phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế 1435 mm; xây dựng tuyến đường sắt Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; chuẩn bị điều kiện hợp tác xây dựng tiếp đoạn Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng - Phòng Thành để hoà vào mạng đường sắt quốc gia của hai nước. Cùng hợp tác phát triển cảng biển, tạo cửa ra cho hai hành lang, một vành đai kinh tế.

c) Hợp tác đẩy mạnh tự do hóa thương mại và tiện lợi hóa thông quan. Hai bên cùng tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy tự do hóa thương mại trong Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. Đẩy mạnh hợp tác trong việc cải tiến, tiện lợi hóa thông quan trên các cặp cửa khẩu, trước mắt thực hiện tại cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Đông Hưng, sau đó mở rộng sang các cặp cửa khẩu khác. Tăng cường hợp tác và thúc đẩy mô hình thông quan "Kiểm tra một lần" ở tất cả các cửa khẩu chính trong phạm vi vành đai kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu hàng hóa qua biên giới và đi lại của các thương gia hai nước;

Tích cực mở rộng hợp tác vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa hai nước. Cải thiện điều kiện vận chuyển hành khách và hàng hóa qua biên giới, áp dụng phương thức Giấy phép vận tải qua biên giới GMS đã được thoả thuận tại Hiệp định Vận tải qua biên giới GMS tháng 4 năm 2006. Xem xét mở các tuyến vận chuyển hành khách xuyên quốc gia để thúc đẩy phát triển hợp tác du lịch và mậu dịch.

d) Bộ Công thương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh trao đổi, thoả thuận với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để phối hợp lập quy hoạch và hợp tác xây dựng Khu thương mại tự do Móng Cái (theo mô hình Đặc khu kinh tế song phương); đồng thời cùng thoả thuận thống nhất quy chế của Khu thương mại tự do này, qua đó rút kinh nghiệm để áp dụng cho các khu vực khác trong vành đai kinh tế nhằm thúc đẩy thương mại giữa hai nước cũng như với khu vực và thế giới.

2. Các giải pháp riêng đối với Việt Nam

a) Xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách cho Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. Căn cứ vào định hướng quy hoạch này, các ngành và địa phương liên quan rà soát, bổ sung, cụ thể hóa các chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển nhanh, hiện đại hóa một số ngành quan trọng và vùng động lực. Xác định các dự án lớn, các lĩnh vực, khu vực mang tính đột phá và cấp thiết để có chính sách đầu tư tập trung, trọng điểm. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư thoả đáng cho xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Vân Đồn. Trên cơ sở Quy chế tổ chức và hoạt động của Khu kinh tế Vân Đồn đã được ban hành tại Quyết định số 120/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục cụ thể hóa các chính sách ưu đãi đặc thù nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển nhanh Khu kinh tế trong thời gian tới;

Tiếp tục hoàn thiện, đổi mới chính sách đối với kinh tế cửa khẩu. Tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu biên giới để bổ sung, đổi mới các chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển thương mại ở các khu vực này, nhất là các chính sách về đầu tư, về xuất khẩu, về thuế, chính sách tài chính, tiền tệ... để phát triển kinh tế cửa khẩu.

Xây dựng, củng cố cơ sở pháp lý và nguồn nhân lực phục vụ cho hội nhập quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý theo lộ trình hội nhập WTO, APEC và các hợp tác đa phương và song phương khác... Chú trọng xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ các thẩm phán, luật sư, các cán bộ làm công tác đối ngoại của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng để có khả năng đàm phán và xử lý kịp thời các tranh chấp kinh tế, thương mại quốc tế trong quá trình hợp tác phát triển vành đai kinh tế.

b) Tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực: có chính sách tích cực để đào tạo phát triển nguồn nhân lực, sớm xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của vành đai kinh tế trong bối cảnh hợp tác và hội nhập. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, dạy nghề, nâng cao chất lượng lao động trẻ tại chỗ, nhất là cho các ngành có lợi thế như khai khoáng, nhiệt điện, đóng tầu, cơ khí chế tạo, hàng hải, du lịch, thuỷ sản... Đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức quản lý kinh tế, quản lý đối ngoại. Tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia dạy nghề cho lực lượng lao động của địa phương. Áp dụng chính sách ưu đãi để thu hút các chuyên gia, các nhà doanh nghiệp giỏi và các nhà khoa học có trình độ cao... đến làm việc lâu dài tại vành đai kinh tế;

Liên kết với các trường đại học, các trung tâm đào tạo, dạy nghề ở Hà Nội để mở rộng quy mô và hình thức đào tạo. Đẩy mạnh thu hút FDI trong lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là với Trung Quốc trong công tác đào tạo với nhiều hình thức... sớm xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao cho các ngành mũi nhọn trong vành đai kinh tế.

c) Giải pháp về khoa học, công nghệ và môi trường: đổi mới công tác quản lý khoa học, công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường và yêu cầu hội nhập quốc tế. Tăng cường ứng dụng các công nghệ mới thông qua chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến của nước ngoài để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của các sản phẩm mũi nhọn. Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại đầu tư vào vành đai kinh tế.

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đổi mới công nghệ. Thực hiện các chính sách ưu đãi về tín dụng, miễn giảm thuế, về thuê đất... để phát triển khoa học, công nghệ. Có cơ chế vừa khuyến khích, vừa bắt buộc các doanh nghiệp đầu tư cải tiến kỹ thuật và áp dụng công nghệ mới, công nghệ thích hợp vào sản xuất. Mở rộng quan hệ hợp tác, nhất là với Trung Quốc để phát triển khoa học, công nghệ. Tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và đổi mới công nghệ...

Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cả về kỹ thuật, cơ chế chính sách và tuyên truyền giáo dục... nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường của vành đai kinh tế, đặc biệt là môi trường Vịnh Hạ Long, bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Quản lý chặt chẽ việc xả thải của các nguồn gây ô nhiễm. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất.

d) Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho phát triển: dự báo nhu cầu vốn đầu tư của vành đai kinh tế từ nay đến năm 2020 là hơn 50 tỷ USD, trong đó giai đoạn 2009 - 2010 khoảng 5 - 7 tỷ USD. Để đáp ứng nguồn vốn trên cần thực hiện các giải pháp đồng bộ và tích cực nhằm thu hút mọi nguồn vốn có thể dưới mọi hình thức, trong đó tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các thế mạnh và cơ hội đầu tư của vành đai kinh tế. Xác định các công trình, các địa bàn ưu tiên và mức độ ưu tiên để kêu gọi vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tại Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ;

- Áp dụng các chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, miễn, giảm thuế và tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, hỗ trợ vốn giải phóng mặt bằng, tái định cư... đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, Khu kinh tế. Ưu tiên dành nguồn vốn ngân sách và tín dụng ưu đãi hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng. Xúc tiến việc thành lập Quỹ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của vành đai kinh tế. Xem xét thành lập Công ty đầu tư phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ (như Trung Quốc đang thực hiện ở Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây) để kinh doanh vốn và tạo kênh thu hút nguồn vốn vào phát triển hạ tầng và các ngành mũi nhọn của vành đai kinh tế;

- Sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích theo dự án, giảm tình trạng lãng phí, thất thoát vốn, nhất là trong khâu thi công xây dựng. Đơn giản hóa các thủ tục cho vay; mở rộng các hình thức cho vay và đối tượng cho vay, tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tiếp cận được nguồn vốn này. Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Mở rộng việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu các loại để huy động vốn cho các công trình quan trọng;

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng trong lĩnh vực đầu tư. Có chính sách khuyến khích các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ;

- Khuyến khích khu vực dân cư và tư nhân đầu tư mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp tập trung, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển kinh tế trang trại, phát triển du lịch, dịch vụ... Tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, không hạn chế về quy mô, ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn. Đẩy mạnh huy động sự đóng góp của nhân dân (cả bằng tiền và lao động công ích) phù hợp với các quy định của Nhà nước vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là ở các khu vực miền núi và hải đảo;

- Đổi mới cơ chế thu hút FDI, xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ để thu hút nguồn vốn FDI phù hợp với quá trình hội nhập. Tạo mọi điều kiện thuận lợi và thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư Trung Quốc vào phát triển sản xuất tại vành đai kinh tế. Điều chỉnh cơ cấu thu hút đầu tư FDI phù hợp, hướng nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực ưu tiên. Khuyến khích các dự án lớn có khả năng tạo lợi thế cạnh tranh và các dự án sản xuất hàng xuất khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, phối hợp với các địa phương Trung Quốc thuộc vành đai kinh tế tổ chức các Hội nghị để quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư, trao đổi kinh nghiệm về xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư...;

- Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế để tranh thủ vận động đàm phán các dự án ODA, trong đó ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng. Xây dựng các dự án cụ thể, tích cực vận động đầu tư và chủ động bố trí vốn đối ứng làm cơ sở để vận động tài trợ. Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế vào các lĩnh vực: bảo tồn thiên nhiên, xóa đói, giảm nghèo, nước sạch nông thôn, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục... ở các khu vực miền núi, hải đảo. Mở rộng các hình thức đầu tư BOT, BT và các hình thức khác....

3. Tổ chức thực hiện

a) Nhanh chóng tiến hành nghiên cứu các vấn đề liên quan: để thực hiện mục tiêu phát triển của vành đai kinh tế, hai nước cần phối hợp xây dựng nhanh quy hoạch chung về phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ trên phạm vi lãnh thổ cả hai nước và Chương trình hợp tác tổng thể trình Chính phủ hai nước thông qua, làm cơ sở cho các ngành, địa phương tổ chức thực hiện;        

b) Xây dựng diễn đàn Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ: hai bên phối hợp tổ chức diễn đàn chung về hợp tác phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, cũng như các diễn đàn chuyên ngành đối với các ngành quan trọng để trao đổi, thảo luận thống nhất các vấn đề liên quan và kế hoạch hợp tác phát triển;

c) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền: hai nước phối hợp xây dựng một Tập san hoặc bản tin chung (song ngữ Việt - Trung) xuất bản định kỳ để hai bên có điều kiện tìm hiểu thêm về tình hình phát triển kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực liên quan đến vành đai kinh tế. Phổ biến kịp thời đến các cơ quan, tổ chức liên quan về các nội dung nghiên cứu cụ thể làm cơ sở cho việc xây dựng các chương trình, dự án phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ;

d) Phân công thực hiện

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan xây dựng chương trình hành động chung, trong đó có phân công trách nhiệm và phối hợp cụ thể; phối hợp với Bộ Tài chính để cân đối và huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển vành đai kinh tế; làm đầu mối của phía Việt Nam để phối hợp với phía Trung Quốc xây dựng quy hoạch chung cho toàn bộ vành đai kinh tế trên phạm vi lãnh thổ hai nước; xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể về hợp tác phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ và phối hợp tổ chức thực hiện; làm đầu mối giúp Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát việc thực hiện quy hoạch và chương trình, kế hoạch hợp tác phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ;

- Các Bộ, ngành liên quan: xây dựng chương trình hành động cụ thể của ngành mình để thực hiện quy hoạch; lồng ghép các mục tiêu, định hướng phát triển của quy hoạch này vào quy hoạch phát triển của ngành mình trên phạm vi cả nước; phối hợp với tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng cân đối các nguồn lực cho phát triển vành đai kinh tế theo quy hoạch; xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác và các dự án hợp tác cụ thể của ngành trong phạm vi vành đai kinh tế và tổ chức thực hiện;

- Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng: tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố đến năm 2020, lồng ghép các mục tiêu, định hướng phát triển của quy hoạch này vào quy hoạch tổng thể của tỉnh, thành phố; xây dựng kế hoạch hợp tác và các dự án hợp tác cụ thể của địa phương và tổ chức thực hiện. Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh và Hải Phòng làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch và các chương trình, kế hoạch hợp tác phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ trong phạm vi của địa phương;

- Các Bộ, ngành và địa phương liên quan phối hợp với Bộ Quốc phòng trong quá trình lập và triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến quốc phòng, bảo đảm sự thống nhất giữa kinh tế với quốc phòng, đồng thời không phá vỡ những quy hoạch lớn về quốc phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Định kỳ hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch này để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

Điều 2. Quy hoạch này là căn cứ định hướng cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các dự án đầu tư và hợp tác đầu tư phát triển của các chuyên ngành và các địa phương liên quan trong Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐP (5b). A.

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

THE PRIME MINISTER
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 34/2009/QD-TTg

Hanoi, March 2, 2009

 

DECISION

APPROVING THE MASTER PLAN ON DEVELOPMENT OF THE TONKIN GULF COASTAL ECONOMIC BELT UP TO 2020

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
At the proposal of the Ministry of Planning and Investment in Report No. 4332/TTr-BKH of June 17, 2008; and considering opinions of concerned ministries, branches and localities on the Master Plan on Development of the Tonkin Gulf Coastal Economic Belt,

DECIDES:

Article 1. To approve the Master Plan on Development of Tonkin Gulf Coastal Economic Belt up to 2020, with the following principal contents:

I. SCOPE OP THE TONKIN GULF COASTAL ECONOMIC BELT

The Tonkin Gulf coastal economic belt section in the Vietnamese territory covers Quang Ninh province and Hai Phong city, with a land area of 7.414.8 km2 and a population of nearly 2.9 million, representing 2.24% of the national land area and 3.44% of the national population.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. General objectives

To develop the Tonkin Gulf coastal economic belt into a dynamic economic zone able to drive the whole northern region, becoming a motive force in economic, scientific and technical development cooperation with China and ASEAN countries and linking with other coastal areas nationwide to form a fast developing coastal economic belt, which boosts and links with other inland regions for common development.

2. Key objectives

- To build a complete transport system in the economic belt, especially the main coastal road from Mong Cai to Do Son and seaports and airports for connection with the two Vietnam-China economic corridors and the southern Chinese coastal region in the economic belt, facilitating the trade expansion and active and effective development cooperation with China and ASEAN countries.

- To concentrate on developing the motive region and central urban centers along the economic belt, creating a breakthrough in boosting the fast and sustainable development of the entire economic-belt matching the southern Chinese coastal region.

- To form and develop a number of major industries, including high-class sea-island tourism, shipbuilding, thermoelectricity, mining, mechanical engineering, building material production, petrochemical industry and aquaculture and processing up to the regional advanced level.

- The economic growth rate will be 1.4-1.5 times the national GDP growth rate. By 2020, the Tonkin Gulf coastal economic belt will contribute about 6.5-7% of the national GDP and its per-capita GDP will reach USD 3,500- 4,000 on average.

III. ORIENTATIONS FOR ORGANIZATION OF THE ECONOMIC BELT

1. To build complete trunk roads

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To develop the motive region

To quickly develop a number of important economic zones and industrial parks, linking with big urban centers into a stretch of motive regions and key areas of breakthrough nature along the economic belt.

a/ To develop Van Don economic zone (Quang Ninh) with its main functions as a high-quality sea and island eco-tourism zone, a high-grade service center and an international trade hub in the direction of rapidly developing eco-tourism and forming a high-quality sea and island eco-tourism center of regional and international magnitude. To diversify forms of tourism on both islands and the sea. To build a number of high-grade entertainment and recreation zones, including golf courts, in the heart of Cai Bau and some other islands. To develop clean industries and export. To build modern trade centers serving tourism. To develop the rearing of marine resources for export and tourism. To develop agricultural production towards establishing farms and hi-tech agricultural zones. To protect and develop forests on islands for environmental protection combined with sightseeing;

To build roads crossing and surrounding Cai Bau island and roads on important islands, meeting the socio-economic development and defense and security maintenance requirements of the economic zone. To make preparations for the construction of Van Don airport after 2010. To build Van Hoa port; to renovate Cai Rong port into a tourist port. To complete the piers on Quan Lan, Minh Chau, Ngoc Vung and Ban Sen islands for tourist puiposes. To rearrange population areas; to build on Cai Bau an urban center with beautiful and modem architecture of regional and international magnitude.

b/ To develop Dinh Vu-Cat Hai economic zone (Hai Phong) into a modern international trade center of the northern region and the whole country and at the same time a main seaward gate of the two corridors and one economic belt. To encourage development of various industries in the economic zone, including shipbuilding, thermoelectricity; mechanical engineering, electronics, high-quality consumer goods production; petrochemical industry; port industry, port services; production of information equipment and automation equipment; production of new materials and hi-tech materials; assembly and manufacture of heavy equipment; production of high-quality plastic products, detergents and cosmetics; agricultural, forest and aquatic product processing; trade in services, export and import, tourism. To build non-tariff zones with highest incentives. To build modern urban areas and public service zones in the economic zone;

To build a synchronous infrastructure system in the economic zone; to upgrade Hai Phong port and build new pons in Dinh Vu area. To proceed with the construction of Lach Huyen international gateway port. To upgrade Cat Bi international airport. To build a complete system of intra-economic zone roads, roads leading to ports and power supply, water supply and drainage systems, meeting the development requirements of the economic zone.

c/ To develop Hai Ha industrial park (Quang Ninh) into a big industrial and seaport center strongly attracting investment, with its functions as a large-scale heavy industry center of the northern region and the whole country; a port-service and ocean-shipping center; and a big gateway of the whole region, creating conditions for further economic cooperation with China and exploitation of the Chinese market, especially southern China, through this economic belt. In the immediate future, to expeditiously establish an industrial park, build external infrastructure facilities, particularly seaports, shipyard and trunk roads (national highways 18 and 4B, an expressway to Mong Cai); to build related urban and service areas and key industrial facilities. By 2020, to basically complete the construction of Hai Ha industrial park and seaport in connection with Mong Cai international gateway city into a big industrial, seaport and financial center and a big and modem free-trade zone in the region;

d/ To develop Dam Nha Mac industrial-service park (Quang Ninh) into a multi-function industrial-service park linking with Hai Phong city, Lach Huyen port and Dinh Vu area. From now to 2010. to set up Dam Nha Mac industrial-service park. After 20107 to build a seaport and roads linking with Hai Phong, national highway 18 and Ha Long city; to build industrial works, urban areas, administrative center, trade and tourism areas. After 2015, to build a bridge or a tunnel crossing Bach Dang river and linking with Dinh Vu; a railroad linking with the Yen Vien-Bai Chay railroad and a synchronous road system in the industrial park. By 2025. to basically complete the construction of this industrial-service park;

e/ To develop Hai Phong city into a big and modem port service and ocean-shipping center, holding a considerable position in the region and the world. Hai Phong’s economy will be structured to comprise seaport, industry and service. To strongly develop port, shipbuilding, machine tool and hi-tech industries, high-quality consumer goods and export production, food processing, tourism and general services. To build an international Vietnam-China trade fair and exhibition center functioning as a main hub to promote economic and trade cooperation between the two countries through the two corridors and one economic belt. By 2020. to build Hai Phong into a civilized and modern port city with an inner-city population of 1.4-1.5 million;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



To comprehensively build and incrementally modernize the urban infrastructure system, to renew the economic structure suitable to the functions of a tourism-service-port industry city. To further expand and upgrade Ha Long into a grade-I urban center with a population of some 300,000- 330,000 by 2010 and over 600,000. including more than 500,000 urban dwellers, by 2020.

g/ To expeditiously build Mong Cai international border-gate city, the starting point of the Tonkin Gulf coastal economic belt, into a modern international border-gate city, a center for trade in goods and services between Vietnam and China, a big regional center for tourist resort, entertainment and recreation and a center for export processing, fashioning and assembly;

First of all, to upgrade national highway 18A, the Mong Duong-Mong Cai section, expanded to Tra Co-Mui Ngoc. to grade-Ill delta road standards. To build the Mong Cai-northern Phong Sinh-Hoanh Mo-Bac Cuong border road and fish-bone roads leading into the inland. To build roads on VinhThuc island to serve tourism. To comprehensively develop the transport, electricity supply and water supply and drainage systems in the city. To build Van Gia port capable of handling 3-5 million tons of cargo a year (one million tons/year in the initial stage), meeting the domestic and international trade requirements.

To develop the processing of agricultural, forest and aquatic products for export, processing of industrial products for export to China and assembly of components imported from China for export to ASEAN countries. To build modern commercial infrastructure systems (including trade centers, department stores, transaction offices, representative offices and international trade fair-exhibition centers). To cooperate with China in building Mong Cai free trade zone after the “bilateral special economic zone” model with common incentive policies for both sides in order to boost economic and trade cooperation between the two countries and to strongly integrate with ASEAN countries.

IV. ORIENTATIONS FOR BRANCH AND DOMAIN DEVELOPMENT

1. Developing of leading industries in the economic belt

a/ Industries

To prioritize the development of fundamental and key industries and those with high added value in combination with the development of labor-intensive industries, striving for an industrial growth rate of around 18- 19%. By 2020, the Tonkin Gulf coastal economic belt will basically have a big and modern industry in the region.

To prioritize resources and incentive policies for a number of leading industries and products such as coal mining, thermoelectricity, shipbuilding, machine tool, steel production, building material production, petroleum, electric motor production, forest and aquatic product processing, textiles and garments, export and high-quality consumer goods production. To synchronously combine industrial development with infrastructure development in each locality.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Power: To speed up the construction and commission of Uong Bi II, Cam Pha I and II, Ha Khanh (Quang Ninh) and Tam Hung (Hai Phong) thermo-power plants. To start building Mao Khe. Mong Duong and Thang Long coal-fired power plants and Cai Lan diesel oil power plant (Quang Ninh). To build a big thermo-power center in Hai Ha industrial park after 2010. To develop the use of wind energy and solar energy in coastal rural areas and on islands. The total electricity output in the economic belt will reach 2,500- 3,000 MW by 2010 and over 6.000 MW by 2020.

Shipbuilding: To concentrate resources on vigorously developing the shipbuilding industry. To build the Tonkin Gulf coastal economic belt into a big shipbuilding center of Vietnam by 2020. and a big and modern shipbuilding center of the region and the world, which will be capable of building cargo ships of up to 200,000- 250,000 DWT and other special-use ships such as oil tankers, container ships, project ships, petroleum exploring and exploiting ships, tourist ships, fishing ships of big capacity and military ships up to international standards.

To further upgrade and expand Pha Rung- Bach Dang, Ben Kien and Nam Trieu shipyards (Hai Phong); to complete the construction of Cai Lan shipbuilding industrial park. Ha Long and Ha An shipyards (Quang Ninh) to meet 80-85% of the northern region’s river ship repair requirement and 45-50% of the country’s sea-going ship building and repair requirements. After 2010, to build a number of big shipyards together with support industries in Dinh Vu- Cat Hai industrial park and Hai Ha, Dam Nha Mac and Quang Vinh industrial parks (Tien Lang). To synchronously develop industries in support of shipbuilding, gradually increasing the localization rate;

- Steel: To quickly develop steel production, meeting the increasing steel demand of the region, especially oT the shipbuilding industry. To further expand the existing steel mills. To construct other steel mills, particularly steel cast, steel sheet and high-quality steel plants. To prioritize the construction of large-scale steel mills in Dinh Vu-Cat Hai and Hai Ha industrial parks in service of the shipbuilding industry. By 2010, the steel production capacity in the economic belt will reach over 5 million tons/year and about 15 million tons/ year by 2020;

- Building materials: To strongly develop cement production into a spearhead industry. To upgrade existing cement plants to the advanced level so as to increase productivity and raise product quality and protect the environment. To speed up the construction of production chains II of Chinfon and Huong Duong cement plants for their commission before 2010. To further invest in the construction of Cam Pha. Thang Long and Lam Thach (Quang Ninh) cement plants. By 2010, the total cement output in the economic bell will reach 11-12 million tons/year. To rationally reorganize establishments producing building stone, clay and sand for the efficient exploitation of building materials in the localities while protecting the environment and tourist landscape;

- Mechanical engineering: To develop the mechanical engineering industry in order to make the area a strong mechanical engineering center of the northern region. To selectively invest in the construction of modern production establishments equipped with advanced technologies. To prioritize the development of mechanical engineering in service of shipbuilding, port and mining industries. To develop the manufacture of machinery and electric equipment; manufacture and assembly of motor vehicles; repair and assembly of heavy equipment, heavy vehicles and lifting equipment: manufacture of construction machines, machinery and equipment in service of cement, textile and garment, agricultural, forest and aquatic product processing industries. To prioritize the development of products for ship building and repair;

Other industries: To expand traditional industries producing products of great demand in the area, such as ship paints, light powders, general detergents, calcium carbide, accumulators, packaging plastic, construction plastic, industrial plastic, electronics, electro-refrigerating articles and other consumer goods. To develop textile, garment and leather industries in service of export, prioritizing the attraction of textile, garment and leather projects into industrial complexes in districts to employ rural workers. To develop the agricultural and aquatic product processing industry, building modem processing establishments and producing high-quality products for urban centers and tourist resorts in the economic belt and for export. To prepare conditions for the construction of a petrochemical plant in the economic belt after 2010 (in Dinh Vu-Cat Hai or Hai Ha industrial park);

- Development of industrial parks: To speed up the construction of infrastructure in existing industrial parks for attracting investment in order to raise their occupancy rate. To rationally develop new industrial parks and complexes. It is expected that by 2020, the entire economic belt will accommodate 25 industrial parks with a total land area of more than 22,100 ha, including nearly 10,000 ha for industrial construction. Besides, to develop medium- and small-sized industrial parks and complexes in districts, boosting the restructuring of labor and rural economy.

b/ Tourism

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



To quickly develop Ha Long tourist zone into a big and modern tourist center of regional and world class. To build synchronous and modern tourist infrastructure facilities in the area. To prioritize the attraction of foreign investment in large-scale tourist projects, creating high-quality tourist products attractive to visitors. To further upgrade and modernize Do Son entertainment and re­creation tourist zone and Cat Ba high-grade eco-tourist resort zone in association with Ha Long tourist zone.

To quickly build essential infrastructure in Van Don economic zone in order to attract investment in the construction of Van Don-Bai Tu Long high-quality sea-island eco-tourist zone. To develop Mong Cai-Tra Co-Vinh Thuc tourist zone into a big tourist center, functioning as an important hub to attract visitors from southern China through this economic belt. To promote investment in the construction of southern 1 la Long urban, eco-tourist and cultural center, incrementally forming a modem tourist complex along Quang Ninh coast (from Hoang Tan island to Tuan Chau, Ha Long, Bai Tu Long, Van Don, Mong Cai andTra Co) of regional and international magnitude.

To form inter-regional tourist routes connecting with Hanoi and neighboring tourist sites. To enhance cooperation with Chinese localities in the two corridors and one economic belt in organizing transnational tours. To cooperate with ASEAN countries in organizing transnational tours. To step up tourist advertisement and promotion in order to call for investment and attract visitors. To try to attract around 7.5 million tourist arrivals, including 2.8-3 million international arrivals, by 2010 and 18-20 million arrivals, including 8-10 million international arrivals, by 2020.

c/ Trade and service

To fully tap the comparative advantages of the Tonkin Gulf coastal economic belt for trade development at high rates, strongly directing towards export and firmly integrating into the international markets, particularly Chinese and ASEAN markets. To strive for the economic belt’s average total goods circulation and service turnover growth rate of 17-18% in the 2008-2010 period and over 20% in the 2011-2020 period.

To develop department stores and modern trade centers in cities, towns, industrial parks and economic zones. To build a big and modern commercial center in Hai Phong, which will function as a main commercial hub and integration center of the northern region and the two economic corridors and one economic belt. To invest in the construction of Mong Cai trade center, which will play the role as the economic belt’s main gateway for trade with China and ASEAN countries. To develop appropriate-sized department stores and trade centers in association with the tourist zone of Ha Long, Mong Cai, Van Don, Cat Ba and Do Son and towns and township centers. To consolidate the trade networks from the provincial to communal level, forming a market for smooth goods circulation, boosting production development and meeting people’s needs.

To step up export, particularly to China; to renew the structure of export goods, planning to develop key export groups in response to China’s export demands and each locality’s advantages. To step up the export of refined products while limiting the export of crude and raw materials. To minimize the export of coal needed for domestic consumption. To completely build Mong Cai border-gate economic zone, upgrade Hoanh Mo and Bac Phong Sinh border gates for expansion of goods trade between the two countries’ localities in the economic belt.

To diversify on-spot Export activities such as temporary import for re-export, transshipment, transit, entrustment, bonded warehouse and other export and import services. To strive for an average export growth rate of 24-25% in the 2009-2010 period and over 25% in the 2011- 2020 period. To build non-fariff zones in border-gate areas, economic zones and duty-free shops in cities, commercial centers, big tourist centers, airports and key sea ports, aiming to boost on-spot export.

To comprehensively develop services towards diversification to meet production and daily-life needs. To prioritize the development of high added-value services such as transport, financial, banking and telecommunications, making services really a dynamic industry creating more jobs and making great contributions to the economy. To increase banking operations in the area. To create favorable conditions for attracting big domestic and foreign banks and foreign companies to make financial investment and open branches in Hai Phong, Ha Long and Mong Cai. To build in Hai Phong a big and modern financial center of regional and international scale.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



To develop information and communication services towards modernization, higher quality and competitiveness, meeting the regional and international integration requirements. To develop other services meeting production requirements and people’s daily needs.

2. Fishery

To develop fishery towards large-scale commodity production, strongly oriented to export To strongly restructure fishery production toward a lower fishing rate but higher aquaculture and service rates; to associate production with processing and resource protection, ensuring sustainable development. The total fishery output in the economic belt will reach 220.000 tons by 2010 and about 400.000 tons by 2020, including 120,000- 130,000 tons of exploited products and 270,000- 280,000 tons of reared products; and the export turnover will reach USD 600-700 million.

To step up offshore fishing, particularly in the fishing grounds of Bach Long Vi and middle-gull area, in the joint fishing zone, raising the offshore fishing proportion to 65-70%. To develop large fishing fleets with modem equipment in association with investment in fishery infrastructure and offshore fishing services. To reorganize on-sea production after the model of cooperation or joint venture; in the immediate future, to develop the model of offshore fishing teams or groups based on fishing trades for mutual support in production, product sale and safety at sea. To rationally reorganize onshore fishing in order to protect and develop resources while ensuring coastal inhabitants’ livelihood. To restructure production in Ha Long Bay and Bai Tu Long areas and around islands, reducing onshore fishing while developing aquaculture and tourist services. To comprehensively develop fish ports and storm shelters for vessels as well as search and rescue centers along the coastline and on such important islands as Bach Long Vi, Cat Ba and Co To, in order to boost offshore fishing, meeting the requirements of developing the sea economy and maintaining defense and security.

To develop aquaculture, particularly rearing at sea, with advanced technologies, ensuring environmental sanitation and sustainable development. To form aquaculture zones in the direction of intensive farming and higher productivity. To step up the rearing of aquatic animals in brackish water, particularly shrimps for export. To expand the rearing of mollusks (oyster, mussel...) in estuaries and coastal areas and around islands. To prioritize the strong development of the rearing of fish and sea specialty animals by industrial methods in combination with tourist development, particularly in the areas of Bai Tu Long, Co To, Van Don. Tien Yen and around Cat Ba island, step by step building the on-sea marine animal rearing in the Tonkin Gulf coastal economic belt into an industry of regional advanced level.

To further upgrade and modernize the existing processing establishments; to build modern aquatic product-processing establishments turning out high-quality products of international standards. To build Hai Phong into a big fishery service center of the Tonkin Gulf, an aquatic breed and feed production center and a scientific-technical, aquatic product processing, trading and exporting center of the northern region.

3. Agriculture and forestry

To develop agriculture in the economic belt towards ecological agriculture, efficiency and sustainability. To stably develop food production.

To maintain the food crop area till 2020 at 140,000-145,000 ha and food production will reach 0.9-1 million tons, meeting the food security requirements in the area. To further restructure crops suitable to the ecological conditions in each area, developing the model of urban agriculture for tourist and service development. To strongly develop the production of clean, safe and high-quality vegetables; to expand areas under flowers and bonsai in outlying areas. To step up the application of scientific and technological advances to production. To prioritize the development of farm and hi-tech agricultural zone models, considering this a breakthrough in agricultural production in the economic belt in the coming period. To develop husbandry towards commodity production, raising the husbandry proportion in the agricultural production value toover 40% by 2010 and 55- 60% by 2020. To prioritize the development of husbandry in the direction of farm and industrial production in association with processing.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Infrastructure

a/ Transport: To synchronously build and modernize transport infrastructure systems, meeting the fast development requirements and attracting investment.

- Roads: In couple with the development of trunk roads along the economic belt, to invest in upgrading and building roads linking the economic belt with the two economic corridors, with Hanoi capital and big economic centers of the Red River delta region, creating a chain network in the whole region. To maintain the size of national highway 5, and build expressway 5B in combination with improving the corridors along the route and support facilities in order to raise transport quality and capacity on the whole route. To upgrade and expand national highways 4B, 18C and 279 up to grade-Ill or -IV standards and all provincial and inter-district roads in the economic belt up to grade-IV standards. To build other transversal roads linking trunk roads with urban centers, industrial parks and economic zones. To construct coastal roads within the framework of the project on construction of coastal roads along the country from Mong Cai to Ca Mau in support of the development of sea economy and combination with defense and security maintenance;

To mobilize all resources (including public labor) and efficiently integrate programs and projects in the area for rural transport development, particularly in mountainous areas and islands. To prioritize the construction of roads, water and power supply facilities on offshore islands, satisfying people’s daily-life and production needs.

- Railroads: To combine the upgrading of existing railroads with the construction of some express railroads, meeting the fast development requirements of the northern key economic region and the two economic corridors and one economic belt. From now till 2010, to upgrade the Kep-Chi Linh section and build the Ha Long-Cai Lan section. To proceed with the construction of the Yen Vien-Pha Lai railway (single track of 1.435 mm); to further upgrade and electrify the Hanoi-Hai Phong railroad and expand it to Dinh Vu-Cat Hai industrial park. In the 2016-2020 period, to build Hanoi-Hai Phong express railroad (double track of 1,435 mm). To study the construction of Ha Long-Mong Cai and Hai Phong-Thai Binh-Nam Dinh railroads for connection to the North-South railroad;

- Seaports: To further upgrade and expand Hai Phong port complex capable of handling around 30 million tons of cargo by 2010 then 2020. To proceed with the construction of Lach Huyen international gateway port functioning as a ocean-shipping hub, meeting the ocean-shipping demand of the northern region and goods transit for the southwestern region of China. The port capacity will reach 6 million tons of dry cargo and 1 million tons of liquid cargo by 2015 and 26-40 million tons of dry cargo and 9-11 million tons of liquid cargo by 2020; the port can accommodate ships of 50,000- 80,000 DWT. To proceed with the construction of Nam Do Son port for economic development and defense.

To completely build Cai Lan port with the handling capacity of around 7-8 million tons by 2010 and 16-20 million tons by 2020. and capable of receiving ships of up to 50,000 DWT. However, in the development of Cai Lan port, particular attention should be paid to the environmental protection of Ha Long Bay and the tourist development requirements. To further upgrade Mui Chua port into a gateway port of the western mountainous region of Quang Ninh and Cao Bang as well as Lang Son provinces. To build Van Hoa port to serve Van Don economic zone. To expand Van Gia port (Mong Cai) for the handling capacity of 1 million tons by 2010, then 3-5 million tons, meeting the development requirements of Mong Cai area and acting as a gateway for goods export and import with China. To invest in Dam Nha Mac seaport complex into a part of Lach Huyen gateway port. To construct Hai Ha port in association with Hai Ha industrial park, to serve transport to the markets in northern Vietnam and southern China.

To further upgrade and expand Cam Pha and Cua Ong coal ports and maintain the size of Southern Cau Trang port. To build a new oil port in Hon Gac (or Hon Ac) area, which will be able to receive ships of 30,000 DWT. and a special-use port for Cam Pha steel mill. To construct a large and modern Hon Gai passenger port up to international standards to serve express North-South passenger transportation and international sea tourist routes.

- Airways: To upgrade and expand Cat Bi international airport (Hai Phong) to grade 4E, being capable of receiving 800 passengers at peak hours and A321, B767 and equivalent aircraft. After 2020, to further invest in the upgrading the airport so as to be able to receive B747-400, B777 and equivalent aircraft. To proceed with the construction of Van Don airport for operation in the 2016-2020 period with the capacity of around 500,000 passengers/year, which will be further expanded after 2020 with a capacity suitable to the development of the economic zone.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Water supply and drainage: To upgrade and expand the existing water plants in Hai Phong, Do Son. Ha Long, Cam Pha, Dong Trieu, Mong Cai. To completely build water supply facilities in urban centers, economic zones, industrial parks, big tourist and service zones. To attach importance to the construction of water supply and environmental sanitation facilities in rural areas. By 2010, over 80% of the rural population in the economic belt will be supplied with clean water, which will rise to 100% before 2020. To build synchronous and modern water drainage systems (separately for rainwater and daily-life wastewater) and wastewater treatment zones in urban centers, industrial parks and tourist resorts in the area;

b/ Information and communication: To develop information-communication infrastructure with modern technologies, meeting the international integration requirements. To expand radio and television coverage to all border hamlets, communes and islands. To expand mobile phone coverage in the whole economic belt, including sea areas and important islands. To prioritize the construction of synchronous and modern coastal and sea communication systems, ensuring regular high-quality information and communication, meeting sea-economy development, defense and security maintenance requirements and serving search, rescue and salvage activities at sea.

5. Science and technology

To develop modem science and technology, creating a motive force for fast and sustainable development. To strongly apply advanced industrial techniques to production, particularly in such important areas as electrification, computerization, mechanization, chemicalization, biotechnology and new materials in order to raise the efficiency and competitiveness of the economy. To actively support the process of information technology transfer to serve production and daily-life activities. To encourage and support enterprises and localities in establishing the brands of advantageous and typical products of the region. To step up cooperation with scientific research institutions at the central level, universities and foreign countries in training, scientific research and transfer of new science and technology to production.

6. Social affairs

a/ Training and education: To develop and qualitatively improve education and training towards standardization, modernization and socialization, aiming to raise the intellectual level and quality of human resources in the economic belt. To complete the lower secondary education universalization program by 2010. then the upper secondary education universalization in the whole region by 2020. To step up the socialization of education in order to meet socio-economic development requirements. To effectively implement the program on building permanent schools, striving to raise the percentage of schools reaching national standards. To continue realizing state policies on preferential treatment for teachers in mountainous and difficult areas, prioritizing the training of local teachers.

To scale up university, collegial, professional secondary and vocational training for such advantageous fields as mining, power, shipbuilding, mechanical engineering, building materials, tourism, construction, fishery, electric techniques and electronics. To expand alignment with universities, training establishments at home and abroad in order to quickly build up high-quality labor forces for the shipbuilding industry, meeting the development requirements in the coming period. To develop vocational colleges and intermediate schools in each locality. To speed up the construction of Hai Phong tourism school, contributing to turning out high-quality human resources for tourism in the economic belt. To prioritize the attraction of foreign direct investment in the development of high-quality training institutions in the area. To encourage big enterprises in the locality to participate in the development of vocational training for local workers. To try to raise the percentage of trained labor in the economic belt to over 50% by 2010 and over 70% by 2020.

b/ Healthcare: To synchronously develop healthcare networks from the provincial to grassroots level, striving for the targets that by 2010, over 80% of the communes in the economic belt will reach the national standards on healthcare, which will rise to 100% before 2015. To completely build provincial hospitals; to further invest in material foundations, equipment and health workers for district hospitals and regional general hospitals. To synchronously develop preventive medicine centers in material foundations and equipment, meeting people’s demands for disease prevention, medical examination and treatment. To completely build Hai Phong marine medicine center. To build the second establishment of Viet-Tiep hospital to perform the function of a regional general hospital, and build in Hai Phong and Ha Long cities a number of general hospitals with highly qualified health workers and modern equipment, capable of providing medical examination and treatment for foreigners working in the area and foreign tourists.

c/ Culture and sports: To further realize the target of “building and developing an advanced Vietnamese culture deeply imbued with national identities”. To synchronously build grassroots cultural, sport and information institutions according to the general planning of the sector. To prioritize investment in institutions serving community cultural activities such as cultural and sport centers, cultural houses, parks, entertainment and recreation zones. By 2010,100% of households in the region will be able to listen to radio and 85-90% of households view television. To consolidate the systems of propagation and information supply to deep-lying, remote and island areas.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. Environmental protection and sustainable development

To strictly protect the ecological environment in Ha Long Bay. To apply strict measures to minimize adverse environmental impacts of coal mining and processing, industrial production, tourist activities, sea port exploitation and sea-shipping. To strictly control the dumping of solid wastes and discharge of polluting wastewater into the Bay. Wastewater from industrial parks, hospitals, and production and processing establishments shall be treated up to standard B before being discharged into common water drainage systems. To calculate the rational development sizes of ports and industrial projects around Ha Long Bay, aiming to protect the world heritage site under UNESCO regulations.

To strictly manage fishing activities in the region, especially high-sea, onshore areas and around islands. To severely handle the exploitation by explosives, electrical shocks, chemicals and fishing tools of destructive nature. Not to develop small vessels for onshore fishing. To enhance the training in. and propagation about, environmentally friendly aquaculture measures for fishermen. To widely popularize the models of clean rearing and ecological rearing in order to raise product quality and protect the environment.

To strictly manage coal mining in Quang Ninh area. To effectively prevent then put an end to illegal coal mining. To set aside rational land funds for afforestation in compensation for forest areas destroyed by open-cast coal mining in Dong Trieu, Uong Bi and Cam Pha areas. To build spoil dumping sites at least 500 m far away from rivers and streams and 1 km from population areas.

To establish a stable and sustainable protective forest system. To develop forestation in coal mining areas. To restore and develop headwater protective forests, coastal and island forests. To strictly protect Cat Ba national park, nature conservation zones and cultural and historical forests already established: to build other conservation zones and restore rare and precious gene sources, particularly ecological systems in combination with tourist sightseeing.

To synchronously build and incrementally modernize wastewater drainage systems, solid waste collection and treatment systems and smoke, dust and noise treatment systems in urban centers, economic zones, industrial parks and tourist zones. To plan consolidated garbage burial sites for every area strictly according to regulations of the Ministry of Construction. By 2010, each city or town in the economic belt will have at least one garbage processing establishment; 100% of solid wastes and hazardous wastes in urban centers and industrial parks will be collected and treated.

To strictly manage the waste discharge by vessels operating on the sea, particularly Ha Long Bay and its vicinities. To strictly observe the technical regulations on loading and unloading of cargo, oil and hazardous chemicals. To early build up a strongly equipped full-time force to prevent and promptly cope with oil spills in the economic belt.

To enhance environmental management. To strictly provide the appraisal of environmental protection plans in the process of considering and approving development projects, particularly those likely to cause great pollution such as chemical facilities, seaports, ship-building and thermo-electricity facilities. To encourage enterprises to apply advanced and clean technologies to protect the environment.

To diversify capital sources for environmental protection. To increase budget allocations for environmental management and protection. To adopt policies to support production establishments in building waste treatment facilities. To mobilize production and business establishments in the area to contribute funds for the construction of waste treatment systems on the principle that “beneficiaries pay and polluters remedy pollution.” To step up environmental education among urban and rural people.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



To enhance and consolidate defense and security in the economic belt in line with the defense strategies of the northeastern region and the whole country, aiming to firmly maintain political security, social order and safety, particularly in border regions, sea areas and islands and facilitate economic development.

To comprehensively build up modem forces for border management and sea and island management and protection. To increase investment and capability for important defense zones, ensurjng high mobility, combat-readiness and active response in any circumstance. To build firm defense zones along the coast, on islands and along important island lines (Bach Long Vi, Cat Ba, Tran, Co To, Vinh Thuc) meeting the sea and island protection and economic development requirements. To ensure close coordination among the armed forces and local militia and self-defense forces and people in firmly maintaining political security and sovereignty in border regions, sea areas and islands of the country.

To specifically plan exclusive sea areas and islands for defense and security tasks; to experimentally build economic-defense zones on important islands in the spirit of the Government’s Resolution No. 27/2007/NQ-CP of May 30, 2007, promulgating the Government’s action program for realization of the Resolution of the 4th plenum of the Xth Party Central Committee on Vietnam’s Sea Strategy till 2020.

To closely combine socio-economic development with defense and security maintenance. Sea and island defense requirements must be taken into account in the arrangement of economic works and the population, creating a chain of population areas, public offices and factories, which will be able to cooperate with and rescue one another when necessary. Meanwhile, the construction of such defense establishments along the coastline and on islands as wharves, technical-logistic foundations, maritime safety and military medical systems should be studied to serve defense and security and socio-economic development in the area.

To continue sending people to settle on Bach Long Vi, Tran, Mau Chau, Ha Mai, Thanh Lan and Co To islands to develop economy and protect the northern sea areas and islands of the country.

9. Orientations for economic belt development cooperation

The contents of international cooperation on the development of the two economic corridors and one economic belt in general and the Tonkin Gulf coastal economic belt in particular are very rich. Hence, in the coming period, cooperation should be further intensified towards multilateralization and diversification of forms and areas of cooperation on the principle of respect for each other’s independence, sovereignty, territorial integrity, equality and mutual benefit. To prioritize cooperation with China and ASEAN countries with a view to well tapping the area’s potential and advantages for fast development. To expand cooperation with countries having great economic potential and with regional international organizations on key development projects.

For cooperation with China in the coming period, based on the Vietnam-China bilateral economic and trade cooperation agreement, a memorandum of understanding on cooperation in the two economic corridors and one economic belts, and each country’s advantages, it will focus on the following principal areas:

a/ Infrastructure construction: To step up cooperation on the construction of communication systems and border-gate infrastructure, especially the Hanoi-Ha Long-Mong Cai expressway in association with the two economic corridors for connection with the coastal expressway network in southern China. In the immediate future, to cooperate on upgrading national highway 18A and the Kep-Bai Chay-Cai Lan railway up to international standards. Subsequently, to cooperate on the construction of the Ha Long-Mong Cai expressway and Ha Long-Mong Cai-Donxing-Fangchenggang railroad, connecting the railway networks of the two countries, targeting at the construction of a trans-Asian railroad in the future. To expand cooperation on the construction of important seaports, forming a convenient and efficient ocean-shipping hub and network, creating conditions to boost the Tonkin Gulf coastal economic belt in particular and the two economic corridors and one economic belt in general.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Trade: To step up trade development cooperation between the two countries’ localities in the economic belt, particularly in official trade, market management and smuggling and trade fraud combat. To create favorable conditions for Chinese enterprises to invest in Vietnam and Vietnamese enterprises to trade with Chinese partners. To boost cooperation on the development of border-gate economic zones, particularly the construction of Mong Cai border-gate economic zone and the bilateral special economic zone in Mong Cai. To coordinate in building general service centers, including car stops, fill-in stations and other service facilities at border gates, port gates and along the two economic corridors and one economic belt. To expand cooperation in other services such as financial and banking, transport and post and telecommunications. The two countries will cooperate on building, and mobilizing ASEAN countries and international organizations to participate in building a financial fund for the development of the Tonkin Gulf coastal economic belt.

d/ Industries: To further intensify industrial development cooperation, particularly in industries in which China has advantages such as thermo-electricity, shipbuilding and production of shipbuilding equipment, petrochemistry, mineral exploitation and processing, building materials production, manufacture of electrical appliances, aquatic animal rearing and processing. To enhance contact with the Chinese side in identifying cooperation projects and create favorable conditions for Chinese enterprises to invest in industrial development in the Tonkin Gulf coastal economic belt.

e/ Fishery: Cooperation on the survey and assessment of marine reserves and capacity of fishing marine resources in the Gulf and common fishing grounds, thereby providing for an appropriate fishing scale for each side in order to protect resources. To step up cooperation on resource management and protection; fishing ground surveys and study; research into and transfer of fishing and rearing technologies, particularly in the production of breeds and the development of on-sea rearing for export and tourist purposes;

f/ Agriculture: To expand cooperation on the research into, and transfer of. agricultural and forestry production and processing technologies; on production and supply of plant varieties and animal breeds of high yield and high quality; production of high-quality farm produce for which China has demands, such as rice, foodstuff vegetables and fruits, flowers, ornamental plants, pharmaceutical plants and husbandry products. To create conditions for Chinese enterprises to enter into joint ventures to produce varieties and breeds and build hi-tech farming zones in the economic belt. To step up cooperation on the protection and development of headwater protective forests and management of water sources in common basins.

g/ Science and technology: To work out plans for regular and long-term cooperation with China for joint general surveys in the Gulf, aiming to establish a synchronous database for the effective and sustainable management and exploitation of resources and the environment in the Gulf. To prepare material foundations and personnel for cooperation on oil and gas prospecting and exploration in mines lying across the demarcation line and mines in overlapping areas off the coast of the Gulf when necessary. To intensify cooperation on information exchange, personnel training and scientific research. To promote international cooperation on the development of future sea trades in the Gulf.

h/ Cultural and social affairs: To expand cooperation on education and training, healthcare, culture and arts, exhibition, physical training and sports and other social areas. To step up the exchange of cultural, sport, art performance activities between localities in the economic belt for better understanding of each other’s customs and habits, thus contributing to further tightening the friendly relations between the two countries.

i/ Environmental protection: To closely cooperate with Chinese localities in the economic belt on environment observation, forecast and protection, particularly marine environment, ensuring the sustainable development in the entire economic belt. To step up cooperation on maritime safety and response to oil spills and treatment ot marine pollution caused by oil spills. To expand cooperation on search and rescue and natural disaster warning. The two countries will cooperate on building a unified system of search and rescue centers in the economic belt, and working out plans on close coordination for effective search and rescue.

V. IMPLEMENTATION SCHEDULE

The 2009-2010 period: To form some motive territories; to substantially construct infrastructure in the economic belt; to attract domestic and foreign investment in key projects and motive regions, creating conditions for fast development in the subsequent period.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



VI. SOLUTIONS AND ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

1. Bilateral coordination solutions

On the basis of the agreement in the Memorandum of Understanding on the “two corridors and one economic belt” cooperation program between the Vietnamese and Chinese governments, the two sides should closely coordinate in performing the following tasks and solutions:

a/ To coordinate in formulating joint plans on development of the Tonkin Gulf coastal economic belt in their respective territories: The two sides shall consolidate and intensify activities of the working group on two economic corridors and one economic belt within the framework of the Vietnam-China Committee for Bilateral Economic Cooperation in order to organize and coordinate in the making of joint plans on development of the economic belt in the territories of the two countries, and at the same time elaborate joint action programs for implementation in the coming period. To set up specialized expert teams in a number of important domains for coordination in elaborating master plans, programs and specific plans in each domain, and at the same time organize the implementation of the master plan and matters already agreed upon by the two sides;

b/ To accelerate the plan on cooperation on the construction of the transport system in the Tonkin Gulf coastal economic belt: Based on Article 6 of the Memorandum of Understanding on the “two corridors and one economic belt” cooperation program, the Ministry of Transport shall exchange ideas and reach agreement with the Chinese side for coordination in the formulation of plans on development of the transport infrastructure systems in the two corridors and one economic belt in general and the Tonkin Gulf coastal economic belt in particular. To further the plan on cooperation on the construction of traffic works as agreed upon in the two corridors and one economic belt. To early build an expressway along the economic belt from Hai Phong-Ha Long to Mong Cai (firstly upgrading national highway 18 to grade-Ill delta road) for connection with the expressway network in southern China. To coordinate in building Hanoi-Hai Phong and Hanoi-Ha Long expressways; to build roads for trade between the two countries” border regions and roads connecting principal border gates to inland economic centers.

To proceed with cooperation on upgrading Kep-Bai Chay and Hanoi-Hai Phong railroads up to the 1,435 mm international standards; to build the Pha Lai-Ha Long-Cai Lan railroad: to prepare conditions for cooperation on continued construction of the Pha Lai-Ha Long-Donxing-Fangchenggang section for connection to the railway networks of the two countries. To cooperate on the development of seaports, creating outlets for the two corridors and one economic belt.

c/ To cooperate on stepping up trade liberalization and customs clearance facilitation. The two sides will jointly create a favorable environment to boost trade liberalization in the Tonkin Gulf coastal economic belt. To intensify cooperation to improve and facilitate customs clearance at border gate pairs, firstly at the Mong Cai-Donxing international border-gate pair, then at other pairs. To boost cooperation and promote the “single inspection” customs clearance model at all principal border gates in the economic belt, facilitating the cross-border trade between the two countries.

To actively expand cooperation on cargo and passenger transportation between the two countries. To improve cross-border cargo and passenger transportation conditions, applying the form of GMS cross-border transport permit already agreed in the GMS Cross-Border Transport Agreement of April 2006. To consider the opening of transnational passenger transport routes in order to boost tourist and trade development cooperation.

d/ The Ministry of Industry and Trade shall coordinate with Quang Ninh province in discussing and reaching agreement with Quangxi province (China) on coordinated planning and cooperation on the construction of Mong Cai free-trade zone (after the model of bilateral special economic zone); and at the same time reaching agreement on the uniform status of this free-trade zone, thereby drawing experience for application to other zones in the economic belt, aiming to boost trade between the two countries and with the region and the world.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To establish and compete a legal framework, mechanisms and policies for the Tonkin Gulf coastal economic belt. Based on this master plan’s orientations, concerned branches and localities shall review, supplement and concretize policies, aiming to bring into play all resources and economic sectors at home and abroad for the fast development and modernization of important industries and motive areas. To identify necessary big projects, industries and sectors of breakthrough nature in order to work out policies for focal and concentrated investment. To prioritize investment capital sources for the construction of infrastructure in Van Don economic zone. On the basis of the Regulation on Organization and Operation of Van Don economic zone, which was promulgated under the Prime Minister’s Decision No. 120/2007/QD-TTg of June 20, 2007, ministries, branches and localities shall continue concretizing peculiar preferential policies to attract domestic and foreign investment for the economic zone’s fast development in the coming period.

To further improve and renew policies for border-gate economic zones. To review the implementation of the Prime Minister’s Decision No.53/2001/QD-TTg of April 19, 2001, on policies applicable to border-gate economic zones, in order to supplement and renew policies and measures to support trade development in these areas, particularly investment, export, taxation, financial and monetary policies for border-gate economic development.

To establish and consolidate legal grounds and train human resources for international integration. To further improve the legal framework according to the roadmaps for integration into WTO, APEC and other multi-lateral and bilateral cooperation forums. To attach importance to building and training judges, lawyers and foreign-relation officials of Quang Ninh province and Hai Phong city who will be capable of negotiating on and promptly handling international economic and commercial disputes in the course of cooperation for development of the economic belt.

b/ To create breakthroughs in human resource development: To work out active policies on human resource training and development, early building high-quality workforce meeting the fast development requirements of the economic belt in the context of cooperation and integration. To diversify forms of training and vocational training, raising the quality of local young laborers, particularly for such advantageous branches as mining, thermoelectricity, shipbuilding, mechanical engineering, maritime, tourism and fishery. To step up professional training and fostering, raise the capabilities of cadres and officials engaged in economic management or external relation activities. To enhance the capacity of training institutions in the area. To encourage big enterprises to participate in vocational training for local workforce. To apply preferential policies to attract outstanding experts and entrepreneurs and highly qualified scientists to work for a long time in the economic belt.

To align with universities, training or vocational training centers in Hanoi in order to expand the scale and forms of training. To further attract FDI in human resource training and development. To expand international cooperation, particularly with China, on training in various forms so as to early build up a high-quality workforce for spearhead industries in the economic belt.

c/ Scientific, technological and environmental solutions: To renew the management of science and technology in line with the market mechanism and international integration requirements. To intensify the application of new technologies through transfer of technologies, especially foreign advanced technologies, in order to renew technologies, thereby raising the quality and competitiveness of spearhead products. To prioritize the attraction of investment projects with advanced and modem technologies in the economic belt.

To encourage various economic sectors to invest in technological renewal. To apply preferential policies on credit, tax reduction and exemption and land lease for scientific and technological development. To adopt mechanisms to simultaneously encourage and compel enterprises to invest in technical renewal and application of new and appropriate technologies to production. To expand cooperation, particularly with China, for scientific and technological development. To take advantage of assistance and support of foreign countries and international organizations in the fields of training, scientific research, technological application and renewal.

To intensify environmental protection. To apply synchronous measures in terms of technique, mechanism and policy, propagation and education aiming to protect natural resources and the environment in the economic belt, especially the environment of Ha Long Bay, ensuring fast, efficient and sustainable development. To strictly manage the discharge from polluting sources. To encourage enterprises to apply clean technologies and environmentally friendly technologies to production.

d/ To mobilize and efficiently use investment capital sources for development: The economic belt’s investment capital need from now till 2020 is estimated at over USD 50 billion, including USD 5-7 billion in the 2009-2010 period. To satisfy this capital need, synchronous and active solutions should be applied to attract capital sources as many as possible in all forms, focusing on the following principal solutions:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To apply such incentive policies as incorporate income tax and import tax exemption and reduction, land tax, land rent and land use levy exemption and reduction, supports for ground clearance and re-settlement for domestic and foreign enterprises building infrastructure of industrial parks and economic zones. To reserve with priority budget capital and preferential credit sources to support investments in the construction of important infrastructure facilities. To establish an Investment Fund for the Economic Belt Infrastructure Construction. To consider the establishment of a company for investment development of the Tonkin Gulf coastal economic belt (like the one set up by China in Quangxi Tonkin Gulf Economic Zone) to deal in capital and create channels for the attraction of capital sources for development of infrastructure and spearhead industries in the economic belt.

- To use investment capital for proper purposes and reduce capital waste and loss, particularly in construction. To simplify lending procedures; to expand lending forms and eligible borrowers, creating conditions for all economic sectors to access this capital source. To efficiently incorporate programs and projects in the area for more efficient use of funds. To expand the raising of capital through issuing various bonds to raise capital for important works.

- To continue with administrative reform and create an open and convenient environment for investment. To adopt policies to encourage big business groups and enterprises to invest in production and business development in the Tonkin Gulf coastal economic belt.

- To encourage people and individuals to expand and develop their production and business.

particularly agricultural and forestry production, aquaculture, farm economy, tourism and services. To create favorable conditions for the private economy to develop without any restrictions on scale, production and business lines, industries and geographical areas. To step up the mobilization of people’s contributions (in cash or public labor) in accordance with the State’s regulations to the construction of rural infrastructure, particularly in mountainous areas and islands.

To renew mechanisms for FDI attraction, to formulate synchronous mechanisms and policies for attraction of FDI capital sources in conformity with the integration process. To create all favorable conditions for attracting foreign investors, particularly Chinese investors, to develop production in the economic belt. To properly adjust mechanisms for attracting FDI investment, directing the FDI capital sources into priority industries. To encourage big projects capable of creating the competitive edges and projects producing exports. To step up investment promotion, coordinating with Chinese localities in the economic belt in organizing conferences to advertise and introduce the investment environment and exchange experiences on investment promotion and attraction.

- To promote close coordination between branches, localities and international organizations so as to campaign for negotiations on ODA projects, prioritizing infrastructure development. To formulate specific projects, actively mobilize investment capital and allocate domestic capital as a basis for calling for financial assistance. To lake advantage of international organizations’ aid money in such areas as nature conservation, hunger elimination and poverty reduction, rural clean water, environmental sanitation, healthcare and education in mountainous areas and on islands. To expand BOT, BT and other forms of investment.

3. Organization of implementation

a/ To quickly study relevant matters: To attain the development objectives of the economic belt, the two countries should coordinate in quickly formulating a joint master plan on development of the Tonkin Gulf coastal economic belt in their respective territories and the general cooperation program for submission to the two Governments for adoption, serving as the bases for branches and localities to organize the implementation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To intensify information and propagation work: The two countries will coordinate in periodically publishing a bilingual journal or joint bulletin (in Vietnamese and Chinese) so that the two sides have conditions to inquire more into the economic development situation and cooperation on the areas related to the economic belt; to disseminate in time to concerned agencies and organizations specific research findings, which will serve as a basis for the formulation of programs and projects on development of the Tonkin Gulf coastal economic belt.

d/ Assignment of implementation responsibilities

- The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries, branches and localities in, formulating joint action programs clearly stating the assignment of responsibilities and specific coordination; coordinate with the Ministry of Finance in balancing and mobilizing investment capital sources for the development of the economic belt; act as a coordinating body of the Vietnamese side for coordination with the Chinese side in formulating the joint master plan for the entire economic belt in the two countries” territories; work out programs and master plans for cooperation on development of the Tonkin Gulf coastal economic belt and coordinate in their implementation; act as a key body to assist the Government in coordinating concerned ministries and branches in organizing and supervising the implementation of the master plan, programs and plans for cooperation on the development of the Tonkin Gulf coastal economic belt;

- Concerned ministries and branches shall formulate specific action programs for implementation of the master plan; incorporate the development objectives and orientations of this master plan into their development plannings nationwide; coordinate with Quang Ninh province and Hai Phong city in balancing resources for the development of the economic belt according to the master plan; formulate specific cooperation programs, plans and projects in the economic belt and organize their implementation;

- The People’s Committees of Quang Ninh province and Hai Phong city shall review, adjust and supplement their master plans on socio-economic development till 2020, incorporate the development objectives and orientations of this master plan into their master plans; draw up specific cooperation plans and projects and organize their implementation. The Planning and Investment Services of Quang Ninh province and Hai Phong city will act as major bodies assisting their People’s Committees in coordinating with concerned ministries and branches in organizing, examining and supervising the implementation of the master plan and programs and plans for cooperation on the development of the Tonkin Gulf coastal economic bell within their localities;

- Concerned ministries and branches shall coordinate with the Ministry of Defense in formulating and implementing socio-economic development projects related to defense, ensuring the uniformity between economic development and defense without breaking major defense plannings already approved by the Prime Minister;

- Annually, the People’s Committees of Quang Ninh province and Hai Phong city shall coordinate with concerned ministries and central branches in reviewing and evaluating the implementation of this master plan in order to propose competent authorities to promptly adjust and supplement the master plan to suit the new situation.

Article 2. This master plan will serve as orientations for the formulation of plannings, plans and investment and development investment cooperation projects of specialized branches and concerned localities in the Tonkin Gulf coastal economic belt.

Article 3. This Decision takes effect 45 days from the date of its signing.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

 

PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 34/2009/QĐ-TTg ngày 02/03/2009 phê duyệt quy hoạch phát triển vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc bộ đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.378

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.42.174
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!