Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 290/2006/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 29/12/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHIÃ VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 290/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT VÀ SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC THỜI KỲ 2006 - 2010"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thời kỳ 2006 - 2010" (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian 03 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
 Website Chính phủ, Ban Điều hành 112
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

ĐỀ ÁN

"ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT VÀ SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC THỜI KỲ 2006 - 2010"
(Ban hành kèm theo Quyết định số 290/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)

LỜI NÓI ĐẦU

Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (tháng 4 năm 2006) và Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Khoá XI, kỳ họp thứ 9) thông qua.

Đề án "Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức thời kỳ 2006 - 2010” có mục tiêu đề ra chiến lược và các biện pháp thu hút, phân bổ, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực quan trọng này, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm nêu trên. Đề án này được xây dựng trên các cơ sở sau đây:

1. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010;

2. Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng ODA;

3. Đánh giá tình hình thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA thời kỳ 2001 - 2005;

4. Cam kết Hà Nội về Hiệu quả viện trợ;

5. Định hướng quản lý nợ nước ngoài đến năm 2010;

6. Kết quả thăm dò về dự kiến cam kết của cộng đồng tài trợ cung cấp vốn ODA cho Việt Nam để hỗ trợ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 và tiếp tục sự nghiệp đổi mới toàn diện đời sống kinh tế, xã hội.

I. TÌNH HÌNH ODA THẾ GIỚI

Tại Hội nghị tài trợ cho phát triển tổ chức ở Monterey, Mexico tháng 3 năm 2002, cộng đồng tài trợ quốc tế đã cam kết gia tăng cung cấp ODA để hỗ trợ các nước nghèo thực hiện "Tuyên bố thiên niên kỷ và Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ" (MDGs).

ODA thế giới đang có chiều hướng tăng lên về số lượng (từ khoảng 90 tỷ USD năm 2005 dự kiến đạt khoảng 150 tỷ USD vào năm 2010) đi đôi với yêu cầu nâng cao chất lượng sử dụng. Tuy nhiên, tỷ trọng ODA trên tổng thu nhập quốc dân bình quân của các nước phát triển hiện chỉ đạt 0,39%, còn cách xa mục tiêu 0,7% mà Đại hội đồng Liên hợp quốc đã kêu gọi. Theo Báo cáo hợp tác phát triển 2005 của Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), trong cộng đồng tài trợ chỉ có một số nước như Na Uy, Đan Mạch, Lúc-xem-bua, Thuỵ Điển, Hà Lan là đạt và vượt mục tiêu này.

Để tăng cường nguồn lực cho viện trợ phát triển, các nhà tài trợ và các nước tiếp nhận viện trợ đã nhất trí thực hiện "Tuyên bố Pa-ri về Hiệu quả viện trợ" (tháng 3 năm 2005). Tuyên bố trên đã được “nội địa hoá” thành "Cam kết Hà Nội về Hiệu quả viện trợ" và đã được Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (tháng 6 năm 2005) nhất trí thông qua nội dung và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về nguyên tắc (tháng 9 năm 2005).

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THU HÚT VÀ SỬ DỤNG ODA THỜI KỲ 2001 - 2005

1. Tình hình cam kết, ký kết, giải ngân

Trong thời kỳ 2001 – 2005, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại.

Về hợp tác phát triển, các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA khá lớn với tổng giá trị đạt gần 14,9 tỷ USD[1].

Các chương trình, dự án ODA đã được ký kết có giá trị hơn 11,2 tỷ USD, trong đó khoảng 80% là nguồn vốn vay ưu đãi.

Vốn ODA giải ngân trong thời kỳ này đạt hơn 7,9 tỷ USD, bằng 88% chỉ tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đề ra (9 tỷ USD).

2. Tác động tích cực của ODA đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2001 - 2005

Công tác thu hút và sử dụng ODA trong giai đoạn vừa qua đã được Đảng và Nhà nước đánh giá về cơ bản có hiệu quả. Các nhà tài trợ cũng coi Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA.

Trên các lĩnh vực cụ thể, ODA đã góp phần:

a) Thực hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam: thông qua hợp tác phát triển với các chương trình và dự án ODA cung cấp cho Việt Nam, Chính phủ và nhân dân các nước tài trợ cũng như các tổ chức quốc tế đã hiểu và tích cực ủng hộ chính sách phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Hiện có khoảng 50 nhà tài trợ song phương và đa phương cung cấp ODA cho hầu hết các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Việt Nam, bao gồm :

Các nhà tài trợ song phương: Ai-xơ-len, Anh, Áo, Ba Lan, Bỉ, Ca-na-đa, Cô-oét, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hungari, I-ta-lia, Luc-xem-bua, Mỹ, Na-uy, Nhật Bản, Niu-di-lân, Ôt-xtrây-lia, Phần Lan, Pháp, Séc, Tây Ban Nha, Thái Lan, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Trung Quốc, Singapo.

- Các nhà tài trợ đa phương gồm:

+ Các định chế tài chính quốc tế và các quỹ: nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu (NIB), Quỹ Phát triển Bắc Âu (NDF), Quỹ Phát triển quốc tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC (OFID - trước đây là Quỹ OPEC), Quỹ Kuwait;

+ Các tổ chức quốc tế và liên chính phủ: Ủy ban châu Âu (EC), Cao uỷ Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR), Quỹ Dân số của Liên hợp quốc (UNFPA), Chương trình Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), Cơ quan Phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Quỹ Đầu tư Phát triển của Liên hợp quốc (UNCDF), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Quốc tế và Phát triển nông nghiệp (IFAD), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

b) Bổ sung một nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển: trong Kế hoạch 5 năm 2001 - 2005, ODA đã bổ sung khoảng 11% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 17% trong tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Cơ cấu sử dụng vốn ODA thời kỳ 2001 - 2005 thể hiện trong Bảng 1.

Bảng1. Cơ cấu sử dụng vốn ODA thời kỳ 2001 - 2005

Đơn vị: Triệu USD

Ngành, lĩnh vực

Hiệp định ODA ký kết 2001 - 2005

Giải ngân ODA 2001 - 2005

Tổng

Tỷ lệ

Tổng

Tỷ lệ

1. Nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp xoá đói, giảm nghèo

1.818

16%

1.641

21%

2. Năng lượng và công nghiệp

1.802

16%

1.375

17%

3. Giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, cấp, thoát nước và phát triển đô thị, trong đó:

3.801

34%

2.559

32%

- Giao thông vận tải, bưu chính viễn thông

2.753

25%

2.040

25%

- Cấp, thoát nước và phát triển đô thị

1.048

9%

519

7%

4. Y tế, giáo dục đào tạo, môi trường, khoa học kỹ thuật, các ngành khác, trong đó:

3.785

34%

2.332

30%

- Y tế, giáo dục đào tạo

1.171

11%

554

7%

- Môi trường, khoa học kỹ thuật

351

3%

361

5%

- Các ngành khác

2.263

20%

1.417

18%

Tổng số

11.206

100%

7.907

100%

Trong lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vốn ODA đã góp phần đáng kể phát triển hệ thống thuỷ lợi, lưới điện nông thôn, trường học, trạm y tế, giao thông nông thôn, cấp nước sinh hoạt, tín dụng nông thôn quy mô nhỏ, phát triển nông thôn tổng hợp kết hợp xoá đói, giảm nghèo.

Nhờ có vốn ODA, ngành Năng lượng điện đã tăng đáng kể công suất nguồn; phát triển và mở rộng mạng lưới phân phối điện, kể cả lưới điện nông thôn, một số cơ sở sản xuất công nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn ODA đã góp phần tạo công ăn việc làm ở một số địa phương.

Trong lĩnh vực Giao thông vận tải và Bưu chính viễn thông, vốn ODA đã góp phần nâng cấp và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và cải thiện chất lượng dịch vụ. Hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, cảng biển, đường hàng không, cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông đã có những bước phát triển rõ rệt.

Về Giáo dục và đào tạo, vốn ODA đã được sử dụng để tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác dạy và học ở tất cả các cấp (giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục đại học, cao đẳng và dạy nghề); đổi mới sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông; đào tạo nâng cao trình độ giáo viên; gửi giáo viên và sinh viên đi đào tạo và bồi dưỡng ở nước ngoài; xây dựng chính sách và tăng cường năng lực quản lý ngành.

Trong lĩnh vực Y tế, vốn ODA đã được sử dụng để tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật cho công tác khám và chữa bệnh, tăng cường công tác kế hoạch hóa gia đình; phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm; đào tạo cán bộ y tế; hỗ trợ xây dựng chính sách và nâng cao năng lực quản lý ngành.

Trong lĩnh vực Môi trường, vốn ODA đã được sử dụng để hỗ trợ bảo vệ và cải thiện môi trường sống trong các lĩnh vực như trồng rừng, quản lý nguồn nước, cấp nước và thoát nước, xử lý nước thải, rác thải ở nhiều thị xã, thành phố, khu công nghiệp và các khu dân cư tập trung.

c) Phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý tiên tiến: vốn ODA đã hỗ trợ tài chính và chuyên môn để xây dựng một số luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Cạnh tranh, Luật Phòng, chống tham nhũng và nhiều văn bản dưới luật; chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Một lực lượng lớn nguồn nhân lực đã được đào tạo và được đào tạo lại ở trong và ngoài nước, góp phần đáng kể tăng cường năng lực con người cho các cấp;

d) Phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương: vốn ODA đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội và xoá đói, giảm nghèo của nhiều địa phương, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ (cấp nước, đường giao thông, trường học, trạm y tế, lưới điện phân phối, điện thoại nông thôn,...) và phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản của nhiều địa phương, nhất là các tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Giá trị ODA bình quân đầu người vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đạt 33,98 USD, vùng đồng bằng sông Hồng đạt 18,42 USD, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung đạt 52,46 USD, vùng Tây Nguyên đạt 21,86 USD, vùng Đông Nam Bộ đạt 25,4 USD, vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 11,19 USD.

3. Những hạn chế trong công tác thu hút và sử dụng ODA: công tác thu hút và sử dụng ODA trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế và bất cập sau đây:

a) Chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về bản chất của ODA: trong việc thu hút và sử dụng ODA thời gian qua, có nơi có lúc chưa có những nhận thức đầy đủ và đúng đắn về ODA, coi đây là nguồn vốn nước ngoài cho không, nếu là vốn vay thì Chính phủ có trách nhiệm trả nợ. Nhận thức sai lệch như vậy dẫn tới tình trạng một số chương trình, dự án ODA kém hiệu quả;

b) Chậm cụ thể hoá chủ trương, chính sách và định hướng thu hút và sử dụng ODA:

Mặc dù đã có chủ trương, chính sách và những định hướng về thu hút và sử dụng ODA ở tầm vĩ mô, song một số Bộ, ngành và địa phương còn chậm triển khai thành các chương trình, dự án cụ thể nên thường bị động và chưa phát huy hết vai trò làm chủ trong hợp tác với nhà tài trợ.

Việc phối hợp vốn ODA với các nguồn vốn khác trên phạm vi cả nước cũng như trên địa bàn lãnh thổ chưa tốt, làm giảm hiệu quả sử dụng ODA.

c) Khuôn khổ pháp lý về quản lý và sử dụng ODA còn nhiều bất cập:

Giữa các văn bản pháp quy về quản lý và sử dụng ODA và các văn bản pháp quy chi phối nguồn vốn này còn thiếu sự đồng bộ. Quy trình và thủ tục thu hút và sử dụng ODA chưa rõ ràng và còn thiếu minh bạch. Việc thi hành các văn bản pháp quy liên quan đến quản lý và sử dụng ODA chưa nghiêm.

Các quy trình thủ tục quản lý ODA của Việt Nam và nhà tài trợ chưa hài hoà, gây chậm trễ trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án, làm giảm hiệu quả đầu tư và tăng chi phí giao dịch.

d) Tổ chức quản lý ODA, năng lực đội ngũ cán bộ còn nhiều yếu kém:

Cơ cấu tổ chức và phân cấp trong công tác quản lý và sử dụng ODA chưa đáp ứng được những yêu cầu của quá trình đổi mới quản lý nguồn lực công. Năng lực cán bộ tham gia quản lý và thực hiện các chương trình và dự án ODA còn yếu về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hợp tác quốc tế và ngoại ngữ.

Tổ chức và quy chế hoạt động của các Ban quản lý chương trình, dự án ODA chưa chặt chẽ.

đ) Công tác theo dõi và đánh giá ODA còn hạn chế: công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA, hoạt động của các Ban quản lý dự án chưa được quan tâm đúng mức; chế độ báo cáo, thanh quyết toán tài chính chưa được thực hiện nghiêm túc và thiếu các chế tài cần thiết.

4. Những bài học chủ yếu

Thực tế thu hút và sử dụng ODA trong thời kỳ 2001 - 2005 cho thấy những bài học chủ yếu sau:

Một là, cần nhận thức đúng đắn về ODA, coi ODA là nguồn lực bên ngoài có tính chất bổ sung chứ không thay thế nguồn lực nội sinh đối với quá trình phát triển ở cấp độ quốc gia, ngành, địa phương và đơn vị thụ hưởng. ODA không phải là "thứ cho không" mà chủ yếu là vay nợ nước ngoài theo các điều kiện ưu đãi, gắn với uy tín và trách nhiệm quốc gia trong quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế.

Hai là, để phát huy vai trò làm chủ trong thu hút và sử dụng ODA nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA phục vụ sự nghiệp phát triển, phải dựa trên cơ sở chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng ngành và địa phương.

Ba là, sự cam kết mạnh mẽ, chỉ đạo sát sao và có sự tham gia của các đối tượng thụ hưởng sẽ bảo đảm việc thực hiện các chương trình, dự án ODA có hiệu quả, phòng và chống được thất thoát, lãng phí và tham nhũng.

Bốn là, xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy với các nhà tài trợ trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, hợp tác xây dựng và cùng chia sẻ trách nhiệm trong cung cấp và tiếp nhận ODA là yếu tố không thể thiếu để quản lý và sử dụng ODA có hiệu quả.

III. ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT VÀ SỬ DỤNG ODA THỜI KỲ 2006 - 2010

1. Dự báo nhu cầu vốn đầu tư phát triển thời kỳ 2006 - 2010

a) Nhu cầu vốn đầu tư phát triển:

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,5-8%/năm, cần huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 2.200 nghìn tỷ đồng (theo giá năm 2005), tương đương gần 140 tỷ USD (theo giá hiện hành là 160 tỷ USD), trong đó 65% huy động từ các nguồn vốn trong nước và 35% từ các nguồn vốn ngoài nước.

Trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư huy động từ bên ngoài, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và vốn ODA có vị trí quan trọng.

b) Nhu cầu về vốn ODA: để đáp ứng nhu cầu nguồn vốn đầu tư huy động từ bên ngoài, trong 5 năm 2006 - 2010 cần thực hiện được khoảng 11 tỷ USD vốn ODA[2]. Để thực hiện được nguồn vốn ODA nêu trên, cần phải có vốn ODA cam kết khoảng 19 - 21 tỷ USD[3].

2. Dự báo khả năng vốn ODA thời kỳ 2006 - 2010

Những thuận lợi và thách thức trong thu hút và sử dụng ODA 5 năm 2006 - 2010:

a) Thuận lợi: Việt Nam có những thuận lợi cơ bản để tiếp tục thu hút và sử dụng ODA phục vụ việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010:

- Tình hình chính trị ổn định; sự nghiệp đổi mới toàn diện đời sống kinh tế xã hội tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và sâu rộng;

- Nền kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ cao; những tiến bộ xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, đã tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với bạn bè quốc tế;

- Tiến trình hội nhập sâu của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới và khu vực diễn ra sôi động, với bước ngoặt là việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

b) Thách thức:

- Nhu cầu về vốn ODA của các nước đang phát triển tiếp tục tăng mạnh, song nguồn cung của thế giới còn nhiều hạn chế;

- Năng lực tổ chức quản lý và thực hiện các chương trình và dự án ODA còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được những yêu cầu về nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn này;

- Việc áp dụng các cách tiếp cận và mô hình viện trợ mới như tiếp cận theo chương trình, hỗ trợ ngân sách và các hình thức hỗ trợ khác theo tinh thần Tuyên bố Pa-ri và Cam kết Hà Nội về Hiệu quả viện trợ yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ hệ thống quản lý trong nước, nhất là quản lý các nguồn lực công.

3. Chính sách thu hút và sử dụng ODA thời kỳ 2006 - 2010

Trong thời kỳ 2006 - 2010, chủ trương thu hút và sử dụng ODA là tiếp tục tranh thủ đi đôi với việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, bảo đảm khả năng trả nợ để hỗ trợ thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.

Chính sách thu hút và quản lý ODA trong thời gian tới cần tập trung cải thiện mạnh mẽ tình hình giải ngân các chương trình và dự án ODA đã ký kết, sớm đưa các công trình vào khai thác và sử dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ODA. Đồng thời, xây dựng các chương trình, dự án ODA gối đầu cho giai đoạn sau năm 2010, đặt trọng tâm vào chất lượng và hiệu quả.

Để thực hiện chủ trương và chính sách sử dụng ODA nêu trên, các lĩnh vực ưu tiên sử dụng nguồn vốn này là:

a) Phát triển nông nghiệp và nông thôn (bao gồm nông nghiệp, thuỷ lợi, lâm nghiệp, thủy sản) kết hợp xoá đói, giảm nghèo;

b) Xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại;

c) Xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục đào tạo, dân số phát triển và một số lĩnh vực khác);

d) Bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên;

đ) Tăng cường năng lực thể chế và phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai.

Nhằm bảo đảm sử dụng ODA có hiệu quả, Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ thực hiện Tuyên bố Pa-ri và Cam kết Hà Nội về Hiệu quả viện trợ.

4. Các nguyên tắc chỉ đạo trong việc thu hút và sử dụng ODA

a) Phát huy vai trò làm chủ quốc gia:

Các chương trình, dự án thu hút và sử dụng ODA phải dựa trên Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng ngành và từng địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thụ hưởng phải chủ động lồng ghép các chương trình, dự án ODA vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 của mình.

b) Lựa chọn những lĩnh vực phù hợp để sử dụng ODA: kết hợp hài hoà, có lựa chọn giữa vốn ODA với các nguồn vốn đầu tư khác. Việc sử dụng nguồn vốn này phải căn cứ vào các yếu tố kinh tế, xã hội và phải đánh giá kỹ các lợi ích mang lại từ việc chuyển giao nguồn vốn, kiến thức, công nghệ, kỹ năng và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; không sử dụng ODA tràn lan, gây gánh nặng nợ nước ngoài không bền vững cho quốc gia;

c) Tối đa hóa hiệu quả và tác động lan tỏa của ODA: việc quyết định sử dụng vốn ODA phải dựa trên sự đánh giá tương quan giữa chi phí và lợi ích đối với các chương trình, dự án để khẳng định chắc chắn rằng các chương trình, dự án này có hiệu quả cao và tạo ra tác động lan tỏa tối đa, đóng góp vào việc thực hiện những ưu tiên phát triển đã được đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010;

d) Sự tham gia của các đối tượng thụ hưởng: huy động sự tham gia của các đối tượng thụ hưởng ở các cấp vào quá trình chuẩn bị, tổ chức thực hiện và theo dõi giám sát các chương trình, dự án ODA để góp phần làm cho nguồn vốn này được quản lý và sử dụng một cách công khai, minh bạch, chống được thất thoát, lãng phí và tham nhũng;

đ) Tạo dựng mối quan hệ đối tác tin cậy với các nhà tài trợ : tạo dựng niềm tin, tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau với các nhà tài trợ trên cơ sở đẩy mạnh đối thoại một cách cởi mở và xây dựng ở cấp chính sách cũng như cấp thực hiện; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; nỗ lực hài hoà các quy trình và thủ tục ODA để giảm các chi phí giao dịch; tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, thúc đẩy giải ngân để nâng cao hiệu quả đầu tư; thực hiện nghiêm túc các cam kết giữa Chính phủ và các nhà tài trợ, đặc biệt là Cam kết Hà Nội về Hiệu quả viện trợ;

5. Chính sách cung cấp ODA cho Việt Nam của các nhà tài trợ

Trong khuôn khổ Cam kết Hà Nội về Hiệu quả viện trợ, các nhà tài trợ đã khẳng định chính sách tài trợ của mình dựa vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 của Việt Nam, Chiến lược toàn diện về Tăng trưởng và Giảm nghèo (CPRGS), các chương trình ưu tiên quốc gia, ngành, địa phương để hỗ trợ đạt được các mục tiêu phát triển nhằm đẩy mạnh tăng trưởng, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển thể chế và tăng cường năng lực con người.

Cung cấp ODA cho Việt Nam, các nhà tài trợ cam kết cùng với Chính phủ thực hiện 5 trụ cột để nâng cao hiệu quả nguồn vốn này, đó là:

a) Phát huy vai trò làm chủ của Việt Nam trong việc đề ra và tổ chức thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội;

b) Tuân thủ các hệ thống quản lý của Việt Nam đi đôi với việc hỗ trợ hoàn thiện các hệ thống này theo hướng công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình;

c) Đẩy mạnh các hoạt động hài hoà hoá và tinh giản hoá các quy trình, thủ tục cung cấp và tiếp nhận ODA giữa các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện và giảm chi phí giao dịch;

d) Áp dụng các giải pháp quản lý dựa vào kết quả nhằm thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp có thể theo dõi và đánh giá được để đạt được các mục tiêu phát triển đề ra;

đ) Cùng chia sẻ trách nhiệm chung đối với quá trình phát triển nói chung và các chương trình, dự án ODA nói riêng.

6. Dự báo khả năng vốn ODA cam kết, ký kết và giải ngân thời kỳ 2006 - 2010

a) Dự báo vốn ODA cam kết: căn cứ vào kết quả phân tích và đánh giá tình hình và xu hướng ODA trên thế giới; những thuận lợi, khó khăn và thách thức của Việt Nam trong thu hút và sử dụng ODA thời kỳ 2006 - 2010; dựa trên những kinh nghiệm và những bài học rút ra về thu hút và sử dụng ODA giai đoạn 1993 - 2005; căn cứ vào kết quả thăm dò ý kiến các nhà tài trợ được thực hiện trong tháng 2 năm 2006, có thể dự báo trong thời kỳ 2006 - 2010, vốn ODA dành cho Việt Nam sẽ có mức cam kết đạt khoảng 19 - 21 tỷ USD, bình quân 4 tỷ USD/năm, tăng trung bình 8% so với mức cam kết ODA năm 2005.

b) Dự báo vốn ODA ký kết:

- Vốn ODA ký kết trong thời kỳ 2001 - 2005 chuyển tiếp sang thời kỳ 2006 - 2010 là khoảng 8 tỷ USD;

- Vốn ODA ký kết mới trong thời kỳ 2006 - 2010 dự báo sẽ đạt khoảng từ 12,35 - 15,75 tỷ USD;

Như vậy, tổng vốn ODA được ký kết thời kỳ 2006 - 2010 sẽ đạt khoảng từ 20,35 - 23,75 tỷ USD;

Kết quả khảo sát các nhà tài trợ cũng cho thấy tổng vốn ODA của các chương trình và dự án sẽ được ký kết trong thời kỳ 2006 - 2010 khoảng 23,23 tỷ USD, sát với dự báo nguồn vốn ODA ký kết nêu trên.

c) Dự báo vốn ODA giải ngân:

Dự báo tổng vốn ODA sẽ giải ngân thời kỳ 2006 - 2010 đạt khoảng từ 11,46 - 12,41 tỷ USD.

Theo kết quả thăm dò ý kiến các nhà tài trợ, tổng vốn ODA giải ngân 5 năm tới sẽ đạt khoảng từ 10,9 - 12,3 tỷ USD.

Những kết quả dự báo nói trên là cơ sở để nhận định rằng, khả năng thực hiện 11,9 tỷ USD vốn ODA như đã được dự kiến trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 là hiện thực.

7. Cơ cấu định hướng thu hút và sử dụng ODA theo ngành, lĩnh vực và vùng thời kỳ 2006 - 2010

a) Cơ cấu sử dụng ODA theo ngành, lĩnh vực:

Cơ cấu sử dụng ODA theo ngành và lĩnh vực được thể hiện trong Bảng 2:

Bảng 2. Cơ cấu vốn ODA theo lĩnh vực thời kỳ 2006 - 2010

Ngành, lĩnh vực

Cơ cấu ODA thực hiện 2001- 2005

Dự kiến cơ cấu ODA ký kết 2006-2010

Tổng ODA ký kết

(tỷ USD)

Nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản kết hợp phát triển nông nghiệp và nông thôn, xóa đói, giảm nghèo

21%

21%

4,27 - 4,98

Năng lượng và công nghiệp

17%

15%

3,05 - 3,56

Giao thông, bưu chính viễn thông, cấp thoát nước và đô thị

32%

33%

6,72 - 7,84

Y tế, giáo dục và đào tạo, môi trường, khoa học công nghệ và các ngành khác (bao gồm xây dựng thể chế, tăng cường năng lực…)

30%

31%

6,31 - 7,37

Tổng

100%

100%

20,35-23,75

So với thời kỳ 2001- 2005, chính sách phân bổ nguồn vốn ODA trong thời kỳ 2006 - 2010 sẽ tiếp tục duy trì tỷ trọng ODA ở mức cao (21%) để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thuỷ lợi, lâm nghiệp, thuỷ sản kết hợp xoá đói, giảm nghèo; tập trung sử dụng vốn ODA vay ưu đãi (15%) để hỗ trợ phát triển hệ thống lưới điện và các trạm phân phối; tăng tỷ trọng vốn ODA (33%) cho phát triển giao thông, bưu chính viễn thông, cấp thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị. Các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, môi trường, khoa học và công nghệ và các ngành khác tiếp tục giữ tỷ trọng vốn ODA cao (31%).

b) Cơ cấu sử dụng ODA theo vùng, lãnh thổ: trong thời kỳ 2006 - 2010 Chính phủ sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ để tăng tỷ trọng vốn ODA hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương thuộc vùng ưu tiên, cụ thể là tích cực vận động ODA cho các vùng nghèo và khó khăn như vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

8. Định hướng ưu tiên thu hút và sử dụng ODA theo ngành và lĩnh vực

a) Phát triển nông nghiệp và nông thôn (bao gồm nông nghiệp, thuỷ lợi, lâm nghiệp, thuỷ sản) kết hợp xoá đói, giảm nghèo: ưu tiên thu hút và sử dụng ODA để thực hiện các chương trình và dự án nhằm tăng năng suất nông nghiệp; phát triển hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ thiết yếu cho người nghèo (giao thông nông thôn, cấp nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế,...); phát triển các công trình thủy lợi kết hợp phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên rừng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác một cách bền vững; tạo việc làm kết hợp với xoá đói, giảm nghèo; tăng cường năng lực cán bộ quản lý các cấp, nhất là ở cấp huyện, xã và thôn bản;

b) Xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại:

Về điện, ưu tiên thu hút và sử dụng ODA để tiếp tục phát triển ngành điện, đặc biệt là phát triển lưới điện và trạm phân phối, nhất là phát triển lưới điện nông thôn. Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như thuỷ điện quy mô nhỏ, điện mặt trời, điện gió, địa nhiệt tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, nơi phát triển lưới điện quốc gia không kinh tế;

Việc sử dụng ODA cho một số chương trình, dự án có tính chất sản xuất công nghiệp phải được tính toán kỹ hiệu quả và thực hiện nguyên tắc tự vay tự trả.

Về giao thông, ưu tiên thu hút và sử dụng ODA cho các lĩnh vực sau:

- Phát triển hệ thống đường cao tốc Bắc Nam, các đường trục chính của các vùng kinh tế; ưu tiên phát triển các tuyến đường ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long; phát triển mạnh hệ thống đường cao tốc, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm; phát triển các tuyến hành lang giao thông trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mêkông mở rộng (GMS), tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và Hai hành lang và Một vành đai kinh tế Việt - Trung; xây dựng một số cầu đường bộ lớn ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam, trong đó có các cầu Cao Lãnh và Vàm Cống thuộc Dự án Đường Hồ Chí Minh giai đoạn II; phát triển giao thông nông thôn, nâng cấp các tuyến đường huyện, bảo đảm đường thông suốt trong cả năm từ các thôn bản về trung tâm xã; đầu tư hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông đường bộ cũng như công tác duy tu bảo dưỡng đường bộ;

- Nâng cấp, xây dựng một số tuyến đường sắt, kể cả tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường năng lực quản lý và điều hành ngành đường sắt;

- Xây dựng một số cảng nước sâu, trong đó có các cảng Vân Phong – Khánh Hoà và cảng Lạch Huyện - Hải Phòng, cảng trung chuyển;

- Xây dựng một số sân bay quốc tế ở một số tỉnh, thành phố phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống các sân bay của cả nước, trước mắt xây dựng mới một sân bay quốc tế hiện đại cho Thủ đô Hà Nội (cảng hàng không quốc tế T2), Long Thành – Biên Hoà, Đà Nẵng (nhà ga), Cam Ranh – Khánh Hoà (nhà ga) và Phú Quốc – Kiên Giang;

- Hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống các tuyến đường thuỷ nội địa quan trọng ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long;

- Phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người trong lĩnh vực giao thông, nhất là an toàn giao thông.

Về bưu chính, viễn thông, ưu tiên thu hút và sử dụng ODA hỗ trợ đầu tư phát triển một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật bưu chính viễn thông có ý nghĩa quốc gia, phục vụ nhu cầu khai thác chung của mọi thành phần kinh tế, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp và lợi ích của người sử dụng; phát triển điện thoại nông thôn.

Về cấp, thoát nước và phát triển đô thị, ưu tiên thu hút và sử dụng ODA để hỗ trợ xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, hoàn thiện hệ thống cấp nước sinh hoạt, cung cấp đủ nước sạch cho các đô thị và khu công nghiệp; tiếp tục thực hiện cải tạo và xây dựng mới hệ thống cấp nước sạch ở nông thôn, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; giải quyết cơ bản vấn đề thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, rác thải y tế ở các đô thị, nhất là đô thị loại 1, loại 2, các khu công nghiệp và một số khu đô thị và khu dân cư tập trung.

Đối với phát triển đô thị, ODA được ưu tiên để giải quyết các vấn đề giao thông đô thị, đặc biệt là đối với một số thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, phát triển hệ thống đường vành đai tại các đô thị lớn, đường nội đô, từng bước phát triển mạng lưới giao thông bánh sắt khối lượng lớn (đường sắt trên cao, tầu điện ngầm…); hỗ trợ phát triển chính sách, thể chế trong lĩnh vực quản lý xã hội.

c) Xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (y tế, dân số và phát triển, giáo dục và đào tạo và một số lĩnh vực khác):

Về y tế, dân số và phát triển, ưu tiên thu hút và sử dụng ODA để hỗ trợ nâng cấp và tăng cường trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, nhất là bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện; hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) trong lĩnh vực y tế như giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ tử vong và suy dinh dưỡng của trẻ em, cải thiện sức khoẻ sinh sản của các bà mẹ, phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch bệnh khác; tăng cường năng lực xây dựng và thực hiện chính sách, đào tạo cán bộ quản lý trong ngành y tế.

Về giáo dục và đào tạo, ưu tiên thu hút và sử dụng ODA để hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; cải thiện chất lượng và phổ cập giáo dục; cải thiện công tác dạy nghề; xây dựng và hiện đại hoá một số trường đại học và ngành nghề đào tạo trọng điểm, xây dựng một số phòng thí nghiệm kết hợp nghiên cứu và đào tạo; phát triển giáo dục tại các vùng khó khăn; đào tạo cán bộ, đặc biệt cấp cơ sở và ở các vùng nông thôn, miền núi; hỗ trợ xây dựng và thực hiện chính sách, phát triển thể chế và tăng cường năng lực quản lý ngành.

d) Về môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên: ưu tiên thu hút và sử dụng ODA để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 về môi trường, bao gồm thực hiện các quy hoạch về quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững; hỗ trợ thực hiện Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững; hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc tế về môi trường và giảm ô nhiễm; cải thiện môi trường đô thị; tăng cường khả năng phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai;

đ) Tăng cường năng lực thể chế và phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai:

Về tăng cường năng lực thể chế và phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên thu hút và sử dụng ODA vào các lĩnh vực như: hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, quản lý xã hội sau khi Việt Nam gia nhập WTO; xây dựng và thực hiện chính sách quản lý kinh tế, cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng; đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế đi đôi với tăng cường năng lực ở cơ sở; tăng cường năng lực cho các cơ quan dân cử ở các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương; tăng cường năng lực toàn diện quản lý các chương trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, kể cả hệ thống theo dõi và đánh giá chương trình, dự án; đẩy mạnh cải cách hành chính công theo hướng chú trọng đến người nghèo; giảm thiểu quan liêu, đẩy lùi tham nhũng, thực hiện quản lý nhà nước dân chủ có sự tham gia của người dân.

Về khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai, ưu tiên thu hút và sử dụng ODA để hỗ trợ xây dựng, nâng cấp các viện nghiên cứu, trường đại học trọng điểm để đầu tư đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thông qua các chương trình, dự án ODA tranh thủ thu hút những thành tựu mới nhất về khoa học và công nghệ, bí quyết sản xuất kinh doanh; hiện đại hoá và nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thuỷ văn.

e) Việc làm và an sinh xã hội, thực hiện bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của trẻ em; phát triển thanh niên Việt Nam; phòng chống tệ nạn xã hội: ưu tiên thu hút và sử dụng ODA để tạo việc làm, nâng tỷ lệ lao động nữ, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, giảm tỷ lệ lao động chưa có việc làm ở thành thị; bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ như xoá bỏ chênh lệch về giới ở cấp giáo dục tiểu học và trung học của các dân tộc thiểu số, tăng số lượng phụ nữ trong các cơ quan dân cử các cấp, tăng thêm số phụ nữ tham gia trong các cơ quan, các ngành và giảm mức độ dễ bị tổn thương của phụ nữ trước các hành vi bạo hành trong gia đình; đảm bảo quyền cho trẻ em; giảm khả năng dễ bị tổn thương và phát triển mạng lưới an sinh xã hội trợ giúp cho các đối tượng yếu thế và người nghèo; xây dựng chiến lược phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

9. Định hướng thu hút và sử dụng ODA trực tiếp hỗ trợ các vùng trong thời kỳ 2006 - 2010

a) Vùng trung du miền núi Bắc Bộ: ưu tiên thu hút và sử dụng ODA để thực hiện các chương trình và dự án trong các lĩnh vực như phát triển lâm nghiệp bền vững; tiếp cận các dịch vụ cơ sở hạ tầng bao gồm điện, thủy lợi, nước sạch và giao thông nông thôn; phát triển dân tộc thiểu số; xây dựng các trường dân tộc nội trú và tăng cường trang thiết bị cho các trường đại học; tăng cường trang thiết bị cho bệnh viện tuyến tỉnh và hình thành các trung tâm y tế; phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Trung Quốc; tăng cường năng lực quản lý hành chính các cấp;

b) Vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc: ưu tiên thu hút và sử dụng ODA để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển trong các lĩnh vực như hiện đại hoá kết cấu hạ tầng; cải tạo các dịch vụ cơ sở hạ tầng khác; hỗ trợ xây dựng và trang bị một số trường đại học; phát triển hệ thống các trường đào tạo nghề; hỗ trợ đa dạng hóa thu nhập cho các hộ nông dân; tăng cường trang thiết bị cho hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố; phòng, chống ô nhiễm môi trường; tăng cường năng lực quản lý hành chính các cấp;

c) Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: ưu tiên thu hút và sử dụng ODA để thực hiện các chương trình, dự án trong các lĩnh vực như quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên rừng; các hệ thống thủy lợi; giảm thiểu thảm hoạ thiên tai; giao thông nông thôn; hỗ trợ ngư dân ven biển và đồng bào thiểu số; phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy thương mại với các vùng khác trong nước và quốc tế; phát triển hệ thống các trường dạy nghề; phát triển hệ thống y tế; tăng cường năng lực quản lý hành chính các cấp;

d) Vùng Tây Nguyên: ưu tiên thu hút và sử dụng ODA cho các lĩnh vực như trồng rừng và bảo vệ các vườn quốc gia; xây dựng các công trình thủy lợi; phòng chống thiên tai, dịch bệnh; nâng cấp các quốc lộ nối các tỉnh duyên hải miền Trung, nâng cấp các tuyến đường sang Campuchia và Lào; cải thiện khả năng tiếp cận các cơ sở hạ tầng nông thôn; tăng cường các cơ hội tạo thu nhập cho người dân nông thôn; tăng cường năng lực quản lý hành chính các cấp;

đ) Vùng đông Nam Bộ, bao gồm khu kinh tế trọng điểm phía Nam: ưu tiên thu hút và sử dụng ODA để thực hiện các chương trình, dự án trong các lĩnh vực thích hợp như hỗ trợ về khoa học, công nghệ để phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ ven biển; xây dựng hệ thống giao thông bao gồm các đường vành đai quanh thành phố Hồ Chí Minh, hiện đại hoá hệ thống đường sắt và đường thủy, xây dựng cảng hàng không quốc tế mới và hệ thống giao thông công cộng ở thành phố Hồ Chí Minh; hoàn thiện và xây dựng hệ thống cấp và thoát nước nhằm cải thiện môi trường đô thị; tăng cường trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tỉnh; xây dựng các trường đào tạo nghề; tăng cường năng lực quản lý đô thị;

e) Vùng đồng bằng sông Cửu Long: ưu tiên thu hút và sử dụng ODA cho các lĩnh vực như: quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên; các hệ thống thủy lợi; giao thông nông thôn; phát triển giao thông đường thủy; khôi phục tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh đi Mỹ Tho; phát triển cơ sở hạ tầng thành phố Cần Thơ; phát triển cơ sở hạ tầng môi trường; đầu tư vào phát triển nông thôn tổng hợp; cải thiện các dịch vụ y tế, giáo dục; phát triển các trường dạy nghề; xây dựng trường Đại học Cần Thơ thành trường trọng điểm quốc gia; tăng cường năng lực quản lý hành chính các cấp.

10. Định hướng thu hút và sử dụng ODA theo các nhà tài trợ

Các nhà tài trợ đều có chính sách, quy mô tài trợ khác nhau và thế mạnh riêng trong cung cấp ODA cho Việt Nam. Chính phủ sẽ cố gắng khai thác tối đa thế mạnh căn cứ vào đặc điểm của từng nhà tài trợ, và phối hợp những nỗ lực chung của các nhà tài trợ trong việc sử dụng có hiệu quả vốn ODA theo tinh thần của Cam kết Hà Nội về Hiệu quả viện trợ, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.

a) Đối với các tổ chức phát triển, như Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW): Chính phủ sẽ thu hút và sử dụng ODA của các tổ chức này cho các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội tầm cỡ quốc gia, vùng lãnh thổ, cũng như cơ sở hạ tầng đô thị đối với một số thành phố và thị xã trọng điểm để có tác dụng xúc tác cho sự phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững, xoá đói, giảm nghèo trên cả nước cũng như ở các địa phương; hỗ trợ phát triển thể chế và tăng cường năng lực con người;

b) Đối với các nhà tài trợ song phương và các tổ chức đa phương: Chính phủ sẽ thu hút và sử dụng ODA của các nhà tài trợ này cho các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực sau:

- Hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội quy mô nhỏ khu vực nông thôn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc gắn với xoá đói giảm nghèo;

- Hỗ trợ tăng cường năng lực con người và phát triển thể chế, nhất là trong các vấn đề hậu WTO và ưu tiên cao cho các địa phương;

- Tăng cường đồng tài trợ để có thể tăng quy mô đầu tư và để giảm tình trạng kém hiệu quả và trùng lắp khi các nhà tài trợ hỗ trợ riêng lẻ;

- Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án đầu tư, đơn giản hoá quy trình và thủ tục ODA để thúc đẩy giải ngân, giảm bớt gánh nặng nợ nần cho phía Việt Nam từ vốn vay ODA;

- Hỗ trợ ngân sách cho một số chương trình mục tiêu, một số tỉnh để đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

11. Định hướng sử dụng các phương thức và mô hình viện trợ: các phương thức và mô hình viện trợ rất đa dạng, do vậy cần lựa chọn một cách phù hợp căn cứ vào quy mô, tính chất và điều kiện áp dụng cho từng trường hợp cụ thể để đảm bảo sử dụng ODA đạt hiệu quả cao.

a) Các phương thức viện trợ:

Ưu tiên sử dụng ODA không hoàn lại cho các chương trình và dự án không có khả năng hoàn vốn, đặc biệt hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, những địa phương có nhiều khó khăn; hướng các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật vào các lĩnh vực nghiên cứu phát triển, tăng cường năng lực và thể chế, hỗ trợ chuẩn bị các dự án ODA vốn vay để giảm bớt vay nợ nước ngoài của Chính phủ;

Vốn ODA hoàn lại, đặc biệt các khoản vay có ưu đãi cao (lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài và có ân hạn) ưu tiên sử dụng để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội. Đối với các khoản vay ODA có điều kiện ưu đãi kém hơn (lãi suất cao, thời gian trả nợ và ân hạn ngắn) cần sử dụng cho các chương trình, dự án có tính khả thi cao về mặt kinh tế và có khả năng trả nợ;

b) Áp dụng các mô hình viện trợ mới: đẩy mạnh áp dụng các mô hình viện trợ mới như tiếp cận theo chương trình, ngành, hỗ trợ ngân sách chung và hỗ trợ ngân sách để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát huy vai trò chủ đạo của Chính phủ, giảm chi phí giao dịch, tăng cường hài hoà thủ tục và tuân thủ hệ thống của Chính phủ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án ODA.

IV. ĐỊNH HƯỚNG TỔNG QUÁT THU HÚT VÀ SỬ DỤNG ODA SAU NĂM 2010

Theo thông lệ tài trợ quốc tế, một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình (GDP bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD) sẽ ít được hưởng vốn ODA có điều kiện ưu đãi cao.

Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, đến năm 2010, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 1.050 USD. Do vậy, tỷ trọng nguồn vốn ODA có điều kiện ưu đãi cao trong tổng vốn ODA thời kỳ sau năm 2010 sẽ giảm xuống, đồng thời vốn vay ODA có điều kiện gần với điều kiện vốn vay thương mại có thể sẽ tăng lên. Trong thời kỳ 2006 - 2010, cần triển khai công tác nghiên cứu việc sử dụng các khoản vay mới có điều kiện kém ưu đãi hơn từ nguồn Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), nguồn Tín dụng thông thường (OCR) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nguồn Tài trợ chính thức khác (OOF) của Nhật Bản, nguồn Vốn vay có bảo lãnh 3 (PS 3) của Pháp, vay phát triển của Đức nhằm chuẩn bị các điều kiện thu hút và sử dụng có hiệu quả những nguồn vốn này trong thời kỳ sau năm 2010 như mở rộng các đối tượng thụ hưởng ODA kể cả các thành phần kinh tế tư nhân; điều chỉnh hướng sử dụng vốn ODA, tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực ưu tiên có khả năng thu hồi vốn nhanh và bảo đảm trả nợ vốn vay một cách bền vững.

V. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Để triển khai thực hiện Đề án "Định hướng thu hút và sử dụng ODA thời kỳ 2006 – 2010", Chính phủ sẽ thực hiện các chính sách và giải pháp sau:

1. Nhóm các giải pháp về chính sách và thể chế:

a) Nâng cao nhận thức về bản chất của ODA, phát huy tinh thần làm chủ trong thu hút và sử dụng nguồn vốn này phục vụ các mục tiêu phát triển của cả nước, của các Bộ, ngành và địa phương;

b) Quản lý nguồn vốn đầu tư công một cách minh bạch và có trách nhiệm; cải thiện hơn nữa hệ thống của Chính phủ về mua sắm công theo hướng tiếp cận tới các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực này; thực hiện các chương trình và giải pháp cụ thể để phòng chống tham nhũng;

c) Bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản và dễ thực hiện của hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến quản lý và sử dụng ODA;

d) Hoàn thiện chính sách tài chính trong nước đối với ODA, cụ thể:

- Triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Định hướng quản lý nợ nước ngoài đến năm 2010;

- Công bố chính sách cho vay lại nguồn vốn ODA cụ thể đối với chương trình, dự án trong từng lĩnh vực và địa bàn đầu tư;

- Bảo đảm chính sách thuế thông thoáng và dễ thực hiện đối với chương trình, dự án ODA;

- Tăng cường quản lý nguồn vốn ODA theo quy định của Luật Ngân sách.

đ) Tăng cường việc theo dõi và đánh giá các dự án ODA:

- Xây dựng kho dữ liệu chính thức về các chương trình, dự án ODA phục vụ công tác theo dõi, đánh giá và phân tích việc sử dụng nguồn vốn này;

- Thể chế hoá công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA trong các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 131/2006/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA;

- Xây dựng cơ chế đảm bảo việc theo dõi và giám sát từ phía cộng đồng, góp phần thực hiện các biện pháp phòng chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng;

- Xây dựng và áp dụng những chế tài cần thiết để khuyến khích những đơn vị thụ hưởng sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này, đồng thời phòng ngừa và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng kém hiệu quả và vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng ODA.

2. Nhóm các giải pháp về tổ chức:

a) Hoàn thiện cơ cấu tổ chức của các cơ quan đầu mối về quản lý và sử dụng ODA ở các cấp, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh và thành phố nhằm thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân các cấp thẩm định chương trình, dự án ODA;

b) Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động của các Ban quản lý chương trình, dự án ODA;

c) Đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác ODA của Chính phủ về thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA.

3. Nhóm các giải pháp về tăng cường năng lực thu hút và sử dụng ODA:

a) Nâng cao trình độ hiểu biết của lãnh đạo và cán bộ quản lý và thực hiện các chương trình, dự án ODA ở các cấp về chính sách, quy trình và thủ tục ODA của Việt Nam cũng như của nhà tài trợ;

b) Nâng cao năng lực chuẩn bị chương trình, dự án ODA;

c) Tăng cường năng lực cho các Ban quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.

4. Nhóm các giải pháp về công khai, minh bạch:

a) Xây dựng hệ thống các tiêu chí để làm cơ sở lựa chọn các chương trình, dự án ODA đưa vào Danh mục yêu cầu tài trợ theo quy định hiện hành;

b) Xem xét việc mở rộng hơn diện thụ hưởng ODA đối với các đối tượng ngoài khu vực nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án phục vụ các lợi ích công cộng trên cơ sở tuân thủ các quy định của luật pháp liên quan tới thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA;

c) Công khai hoá toàn bộ thông tin và tài liệu về ODA tới các Bộ, ngành và các địa phương để làm cơ sở chuẩn bị các chương trình và dự án sử dụng nguồn vốn này.

5. Nhóm các giải pháp về thông tin, tuyên truyền:

a) Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản và đơn vị thụ hưởng ODA có trách nhiệm theo thẩm quyền cung cấp đầy đủ và xác thực thông tin về việc tiếp cận và sử dụng vốn ODA cho các cơ quan dân cử, các phương tiện thông tin đại chúng khi có yêu cầu, góp phần giải trình và định hướng công luận về nguồn lực này;

b) Duy trì và làm cho phong phú và sinh động hơn Website, Bản tin về ODA phục vụ đắc lực cho việc thu hút và sử dụng nguồn vốn này, cũng như công khai hoá những thông tin cần thiết về ODA;

c) Tăng cường thông tin tuyên truyền ra nước ngoài về ODA, kể cả các hoạt động xúc tiến để thu hút nguồn lực này ở nước ngoài;

d) Có chế độ khen tặng những phần thưởng vinh dự đối với những cá nhân và tập thể ở trong nước, của các nước và tổ chức quốc tế tài trợ vì những đóng góp to lớn và có hiệu quả trong việc cung cấp và sử dụng ODA phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

6. Các giải pháp về tăng cường quan hệ đối tác với các nhà tài trợ:

a) Cải tiến chất lượng đối thoại giữa Chính phủ và các nhà tài trợ thông qua các cơ chế đã được hình thành như Hội nghị Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) thường niên và giữa kỳ, các nhóm quan hệ đối tác ngành, Nhóm Quan hệ đối tác về Hiệu quả viện trợ (PGAE);

b) Phát huy vai trò làm chủ và nâng cao tính chủ động của các Bộ, ngành và các địa phương trong việc vận động ODA đối với các nhà tài trợ;

c) Hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ để thực hiện Tuyên bố Pa-ri và Cam kết Hà Nội về Hiệu quả viện trợ;

d) Thúc đẩy các nhà tài trợ cùng làm việc với nhau trên cơ sở lợi ích chung với mục đích hợp lý hóa, hài hoà quy trình thủ tục nhằm giảm chi phí giao dịch và nâng cao hiệu quả viện trợ;

đ) Thực hiện các hoạt động nhằm hài hoà quy trình thủ tục giữa Chính phủ và các nhà tài trợ trong các khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện và theo dõi, đánh giá chương trình, dự án ODA.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Quán triệt và lồng ghép nội dung của Đề án vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2006 - 2010 của các cấp: các cơ quan quản lý nhà nước về ODA, các cơ quan chủ quản và các đơn vị thụ hưởng quán triệt tinh thần, các nguyên tắc chỉ đạo, những định hướng thu hút và sử dụng ODA thời kỳ 2006 - 2010 của Đề án để xây dựng các chương trình, dự án ODA cho thời kỳ này; lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương, đồng thời dựa vào Đề án này tiến hành công tác vận động ODA.

2. Phối hợp với các nhà tài trợ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, các Bộ, ngành và địa phương trong phạm vi chức năng của mình giới thiệu với các nhà tài trợ về nội dung của Đề án, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong nước và hợp tác với các nhà tài trợ trong quá trình chuẩn bị và thực hiện các dự án cụ thể theo những định hướng của Đề án này.

3. Theo dõi, báo cáo và cập nhật Đề án: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì theo dõi tình hình thực hiện thông qua Kế hoạch hành động thực hiện Đề án, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, định kỳ cập nhật Đề án cho phù hợp với thực tế và những dự báo mới có liên quan đến Đề án./.

 



[1] Từ năm 1993 - 2005 cộng đồng tài trợ quốc tế đã cam kết 32,53 tỷ USD, đã ký kết 22,6 tỷ USD và đã giải ngân 15,9 tỷ USD.

[2] Trong thời kỳ 5 năm 2001-2005, tổng vốn ODA thực hiện đạt 7,9 tỷ USD.

[3] Trong thời kỳ 5 năm 2001 - 2005, tổng vốn ODA cam kết đạt trên 14,8 tỷ USD.

THE PRIME MINISTER OF GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No: 290/2006/QD-TTg

Hanoi, December 29, 2006

 

DECISION

APPROVING THE SCHEME ON ORIENTATIONS FOR OFFICIAL DEVELOPMENT ASSISTANCE ATTRACTION AND USE IN THE 2006-2010 PERIOD

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the Government's Decree No. 131/2006/ND-CP of November 9, 2006, promulgating the Regulation on management and use of official development assistance;
At the proposal of the Minister of Planning and Investment,

DECIDES:

Article 1.- To approve the Scheme on orientations for official development assistance attraction and use in the 2006-2010 period (enclosed with this Decision).

Article 2.- To assign the Minister of Planning and Investment to submit within 03 months after the effective date of this Decision an action plan for implementing the Scheme to the Prime Minister for approval.

Article 3.- This Decision takes effect 15 days after its publication in "CONG BAO."

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

 

PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

SCHEME

ON ORIENTATIONS FOR OFFICIAL DEVELOPMENT ASSISTANCE ATTRACTION AND USE IN THE 2006-2010 PERIOD
(Promulgated together with the Prime Minister's Decision No. 290/2006/TTg of December 29, 2006)

FOREWORD

The Party and State of Vietnam advocate the mobilization of all internal and external resources to achieve the objectives and tasks defined in the 2006-2010 socio-economic development plan already approved by the Xth National Party Congress (in April 2006) and the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam (the XIth legislature, 9th session).

The aims of the Scheme on orientations for official development assistance attraction and use in the 2006-2010 period are to set out a strategy and measures for attracting, allocating and effectively using this important resource, contributing to the successful implementation of the above 5-year socio-economic development plan. This Scheme has been elaborated on the following grounds:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Government's Decree No. 131/2006/ND-CP of November 9, 2006, promulgating the Regulation on management and use of ODA;

3. The evaluation of ODA attraction and use in the 2001-2005 period;

4. The Hanoi Core Statement on Aid Effectiveness;

5. Orientations for management of foreign debts till 2010;

6. The findings of the survey on tentative donor commitments to provide ODA to Vietnam in support of the implementation of the 2006-2010 5-year socio-economic development plan and the continuation of comprehensive socio-economic renewal.

I. THE ODA SITUATION IN THE WORLD

At the International Conference on Financing for Development held in Monterey, Mexico, in March 2002, the international donor community pledged to increase ODA for poor countries to realize the Millennium Declaration and Millennium Development Goals (MDGs).

The world ODA tends to not only increase in volume (from about USD 90 billion in 2005 to a projected amount of about USD 150 billion by 2010) and also be subjected to higher requirements on the quality of its use. However, the proportion of ODA to average gross domestic income of developed countries reaches only 0.39%, far lower than the target of 0.7% set by the United Nations General Assembly. According to the 2005 Development Cooperation Report of the Organization of Economic Cooperation and Development (OECD), in the donor community only some countries such as Norway, Denmark, Luxemburg, Sweden and the Netherlands achieved or overachieved this target.

In order to increase development assistance resources, donors and aid-receiving countries unanimously agreed to implement the Paris Declaration on Aid Effectiveness (March 2005). This Declaration was localized into the Hanoi Core Statement on Aid Effectiveness, which was unanimously adopted by the mid-term consultative group meeting of Vietnam's donors (in June 2005) and approved on principle by the Prime Minister (in September 2005).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The situation of commitment, signing and disbursement

In the 2001-2005 period, Vietnam recorded many important achievements in socio-economic development and foreign relations.

Regarding development cooperation, the donors committed to provide Vietnam with a relatively big ODA amount totaling nearly USD 14.9 billion1.

The signed ODA-funded programs and projects were capitalized at more than USD 11.2 billion, including 80% of concessional loans.

ODA disbursements in this period reached over USD 7.9 billion, accounting for 88% of the target set out by the IXth National Party Congress (USD 9 billion).

2. Positive impacts of ODA on the socio-economic development in the 2001-2005 period

According to the assessment of the Party and the State, ODA attraction and use in the past period was basically effective. Donors also viewed Vietnam as a country that used ODA effectively.

In specific domains, ODA has contributed to:

a/ Implementation of Vietnam's foreign policy: Through development cooperation under ODA-funded programs and projects for Vietnam, the governments and peoples of donor countries and international organizations understood and actively supported correct and widely supported socio-economic development policies of the Party and the State of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Bilateral donors: Iceland, the UK, Austria, Poland, Belgium, Canada, Kuwait, Denmark, Germany, the Netherlands, the Republic of Korea, Hungary, Italy, Luxemburg, the US, Norway, Japan, New Zealand, Australia, Finland, France, the Czech Republic, Spain, Thailand, Sweden, Switzerland, China and Singapore.

- Multilateral donors:

+ International financial institutions and funds: The World Bank (WB), the International Monetary Fund (IMF), the Asian Development Bank (ADB), the Nordic Investment Bank (NIB), the Nordic Development Bank, the OPEC Fund for International Development (OFID - the former OPEC Fund), and the Kuwait Fund;

+ International organizations and inter-governmental organizations: The European Commission (EC), the United Nations High Commissioner for Refugees (UNHCR), the United Nations Fund for Population Activities (UNFPA), the United Nations Industrial Development Organization (UNIDO), the United Nations Development Program (UNDP), the United Nations AIDS Coordination Program (UNAIDS), the United Nations Office on Drugs and Crime, the United Nations Capital Development Fund (UNCDF), the Global Environment Facility (GEF), the United Nations International Children's Emergency Fund (UNICEF), the International Fund for Agricultural Development (IFAD), the United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization (UNESCO), the International Labor Organization (ILO), the Food and Agriculture Organization (FAO) and the World Health Organization (WHO).

b/ Supplementation of an important capital source for development investment: Under the 2001-2005 5-year plan, ODA accounted for about 11% of total investment capital of the entire society and about 17% of total investment capital from the state budget. The ODA use structure in the 2001-2005 period is shown in Table 1.

Table 1. ODA use structure in the 2001-2005 period

Unit of calculation: Million USD

 

ODA agreements signed in 2001-2005

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Total

%

Total

%

1. Agriculture and rural development combined with hunger eradication and poverty alleviation

1,818

16%

1,641

21%

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1,802

16%

1,375

17%

3. Transport, post and telecommunications, water supply and drainage and urban development, including:

3.801

34%

2,559

32%

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2,753

25%

2,040

25%

- Water supply and drainage and urban development

1,048

9%

519

7%

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3,785

34%

2,332

30%

- Health, education and training

1,171

11%

554

7%

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



351

3%

361

5%

- Other branches

2,263

20%

1,417

18%

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



11,206

100%

7,907

100%

In agriculture and rural development, ODA has considerably contributed to the development of irrigation systems, rural power grids, schools, health stations, rural roads, water supply, small-scale rural credit and integrated rural development combined with hunger eradication and poverty alleviation.

Thanks to ODA, the power sector has significantly increased source output; developed and expanded power distribution networks, including rural power grids. A number of industrial production establishments invested with ODA capital have contributed to creating jobs in some localities.

In transport and post and telecommunications, ODA has contributed to upgrading and developing material and technical foundations and improving service quality. The system of roads, railways, inland waterways, seaports, airways and post and telecommunications infrastructures have markedly developed.

In education and training, ODA has been used to develop material and technical foundations for teaching and learning activities at all levels (primary, lower secondary, upper secondary, tertiary, collegial and vocational training); renew general education textbooks and programs; organize training to raise teachers' professional qualifications; send teachers for overseas training; develop policies and enhance management capacity of the service.

In healthcare, ODA has been used to improve material and technical foundations for medial examination and treatment, promote family planning, prevention and control of HIV/AIDS and communicable diseases; train health workers, support policy formulation and enhance management capacity of the service.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Development of institutions, enhancement of the capacity of human resources, transfer of modern scientific and technological advances and advanced management experience: ODA has been provided in the form of financial and technical assistance for formulating important laws such as the Enterprise Law, the Land Law, the Commercial Law, the Investment Law, the Bidding Law, the Competition Law, the Anti-Corruption Law and many sub-law documents; and for transferring scientific and technological advances and advanced management experience. A large proportion of human resources has been trained and retrained at home and abroad, making considerable contributions to enhancing the capacity of human resources at all levels;

d/ Economic and social development in localities: ODA has contributed to socio-economic development, hunger eradication and poverty alleviation in many localities, including development of small-scale infrastructure facilities (water supply, roads, schools, health stations, power distribution networks, rural telephony, etc.) and development of agriculture, forestry, irrigation and fisheries in many localities, especially poor provinces, deep-lying, remote and ethnic minority areas. Per capita ODA value was USD 33.98 in the northern midland and mountainous region, USD 18.42 in the Red River delta, USD 52.64 in the northern and coastal Central Vietnam, USD 21.86 in the Central Highlands, USD 25.4 in the eastern South Vietnam, and USD 11.19 in the Mekong River delta.

3. Limitations in ODA attraction and use: The ODA attraction and use has so far revealed the following weaknesses and limitations:

a/ Incorrect and inadequate perception of the nature of ODA: In the past ODA attraction and use, the perception of ODA is incorrect and inadequate in some places and at some time, which takes ODA as free foreign capital or loan capital which the Government has the responsibility to repay. Such incorrect perception has resulted in a number of ineffective ODA programs and projects.

b/ Slow concretization of guidelines, policies and orientations on ODA attraction and use:

Some ministries, branches and localities remain slow in concretizing macro guidelines, policies and orientations on ODA attraction and use into specific programs and projects. Consequently they often remained passive and failed to properly play their leadership role in their cooperation with donors.

Coordination of ODA and other capital sources in different regions and the country as a whole has not been well performed, thus reducing ODA effectiveness.

c/ The legal framework on ODA management and use reveals many constraints:

Regulatory documents on ODA management and use are inconsistent with those on ODA allocation. ODA attraction and use processes and procedures remain unclear and non-transparent. The enforcement of regulator documents on ODA attraction and use is lax.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ The organization of ODA management and the capacity of ODA management personnel show many weaknesses:

The structure of organization and decentralization of ODA management and use fails to meet the requirements of the process of renewing management of public resources. Personnel involved in management and implementation of ODA-funded programs and projects remain weak in professional capability and international cooperation skills and foreign languages.

The organization and operation regulations of ODA-funded program and project management units remain inadequate.

e/ ODA monitoring and evaluation remains limited: The monitoring and evaluation of ODA-funded programs and projects and the operation of project management units have not yet received due attention; financial reporting, payment and settlement regulations have not yet been strictly complied with and necessary sanctions remain insufficient.

4. Major lessons

The following major lessons can be learnt from the actual ODA attraction and use in the 2001-2005 period:

First, a correct perception of ODA is needed. ODA should be regarded as a supplementary external resource that cannot replace internal resources for the development process of the country, sectors, localities and units that benefit from it. ODA is not a "free gift." ODA mostly consists of foreign concessional loans associated with national prestige and duty in the relation with the international donor community.

Second, to promote the leadership role in ODA attraction and use for a higher ODA use effectiveness in service of the development process, national, sectoral and local socio-economic development strategies, plannings and plans must be based on.

Third, strong commitment, close direction, and participation of beneficiaries will guarantee the effective implementation of ODA-funded programs and projects as well as prevention and combat of losses, waste and corruption.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



III. ORIENTATIONS FOR ODA ATTRACTION AND USE IN THE 2006-2010 PERIOD

1. Forecasts for development investment capital demand in the 2006-2010 period

a/ Development investment capital demand:

In order to achieve the socio-economic development objectives of the 2006-2010 5-year plan and ensure an average economic growth rate of 7.5-8% per year, it is necessary to mobilize a total investment capital of about VND 2,200 trillion (at the 2005 price), equivalent to nearly USD 140 billion (or USD 160 billion at the current exchange rate), of which 65% will be mobilized from internal sources and 35% from external sources.

In the structure of investment capital to be mobilized from outside, foreign direct investment and ODA capital will play an important role.

b/ ODA capital demand: To meet the demand for externally mobilized capital, it is necessary to execute ODA capital worth about USD 11 billion in the 2006-2010 period2. In order to have this ODA capital amount, committed ODA capital amount should reach USD 19-21 billion3.

2. Forecasts for ODA possibility in the 2006-2010 period

Following are advantages and challenges in ODA attraction and use in the 2006-2010 period:

a/ Advantages: Vietnam have substantial advantages in further attracting and using ODA for the implementation of the 2006-2010 5-year socio-economic development plan:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The economy constantly grows at a high rate; social progresses, particularly in hunger eradication and poverty alleviation, have made strong impressions on international friends;

- The deep integration of Vietnam's economy into the global and regional economies has been very active, with a turning point that Vietnam has become an official WTO member.

b/ Challenges:

- The demand for ODA capital in developing countries continues to sharply rise while the global ODA supply remains limited;

- The capacity of organization, management and implementation of ODA-funded programs and projects remains poor, failing to meet the requirements on higher effectiveness of management and use of this capital source;

- The application of new aid approaches and models such as program-based approaches, budget support and other types of support in accordance with the spirit of the Paris Declaration and the Hanoi Core Statement on Aid Effectiveness requires vigorous renewal of domestic management systems, particularly public resource management.

3. Policies on ODA attraction and use in the 2006-2010 period

In the 2006-2010 period, the guidelines for ODA attraction and use are to take advantage of ODA while improving effectiveness of its management and use, and to ensure repayment capability for the successful implementation of the 2006-2010 5-year socio-economic development plan.

In the coming time, ODA attraction and use policies should focus on vigorously improving the situation of disbursement for the signed ODA programs and projects so as to early put the constructed works into operation and use, contributing to increasing ODA effectiveness. At the same time, ODA-funded programs and projects will be formulated for the post-2010 period, focusing on quality and efficiency.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Development of agriculture and rural areas (including agriculture, irrigation, forestry and fisheries) combined with hunger eradication and poverty alleviation;

b/ Building of synchronized economic infrastructure toward modernization;

c/ Building of social infrastructure (healthcare, education and training, population and development and other fields);

d/ Protection of the environment and natural resources;

e/ Enhancement of institutional capacity and development of human resources; technology transfer; and raising of research and development capacity.

In order to ensure effective ODA use, the Government of Vietnam makes strong commitments to closely cooperate with donors in implementing the Paris Declaration and the Hanoi Core Statement on Aid Effectiveness.

4. Guiding principles for ODA attraction and use

a/ Promoting the country's leadership role:

Programs and projects calling for and using ODA shall be developed on the basis of national, sectoral and local five-year socio-economic development plans.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Selecting suitable domains for ODA use: ODA capital and capital of other sources shall be harmoniously and selectively combined. The use of ODA must take into account economic and social factors, and benefits from the transfer of capital, knowledge, technology, advanced managerial skills and experience must be thoroughly analyzed. ODA may not be used too extensively as this will cause unsustainable foreign debt burdens to the country;

c/ Maximizing the effectiveness and pervasive impacts of ODA: Decisions on ODA use shall be made based on the cost-benefit evaluation of programs and projects so as to be ascertained that these programs and projects will be highly effective and have maximum pervasive impacts, contributing to the realization of development priorities set out in the 2006-2010 5-year socio-economic development plan.

e/ Mobilizing participation of beneficiaries: Participation of beneficiaries at all levels shall be mobilized in the process of preparing, implementing, supervising and monitoring ODA-funded programs and projects with a view to making public and transparent the management and use of this capital source and preventing losses, waste and corruption;

e/ Building reliable partnership with donors: Mutual trust, better understanding and mutual respect shall be developed between Vietnam and donors on the basis of promoting open and constructive dialogues at policy and implementation levels; corruption shall be resolutely repelled; efforts shall be made to harmonize ODA processes and procedures in order to reduce transaction costs; difficulties and problems shall be removed to accelerate disbursements to raise investment efficiency; the commitments between the Government and donors, particularly those in the Hanoi Core Statement on Aid Effectiveness, shall be seriously executed.

5. Donor policies on the provision of ODA to Vietnam

Within the framework of the Hanoi Core Statement on Aid Effectiveness, donors confirm to base their aid policies on Vietnam's 2006-2010 5-year socio-economic development plan, the comprehensive poverty reduction and growth strategy (CPRGS), priority national programs and priority programs of branches and localities to support the achievement of the development goals of increasing growth, ensuring social progress and equity, developing institutions and enhancing the capacity of human resources.

In granting ODA to Vietnam, donors commit together with the Government to implement the following five pillars to increase the effectiveness of this capital source:

a/ Promoting Vietnam's leadership role in developing and implementing socio-economic development programs;

b/ Complying with Vietnam's management systems in parallel with supporting the strengthening of these systems toward publicity, transparency and accountability;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Applying results-based management solutions to synchronously implement monitorable and assessable solutions to achieve the set development goals;

e/ Sharing joint responsibility for the development process in general and ODA programs and projects in particular.

6. Forecasts for ODA to be committed, signed and disbursed in the 2006-2010 period

a/ Forecasts for committed ODA: On the basis the results of analysis and evaluation of the world ODA situation and trends and Vietnam's advantages, difficulties and challenges in ODA attraction and use in the 2006-2010 period; experiences and lessons learnt from ODA attraction and use in the 1993-2005 period; and the findings of a survey of donors conducted in February 2006, it can be predicted that in the 2006-2010 period, the committed ODA amount for Vietnam will reach about USD 19-21 billion, an annual average of USD 4 billion and an average increase of 8% compared with the committed ODA level of 2005.

b/ Forecasts for signed ODA:

- ODA signed in the 2001-2005 period to be carried forward to the 2006-2010 period will be about USD 8 billion;

- ODA to be signed in the 2006-2010 period is forecast to reach about USD 12.35-15.75 billion;

Total ODA to be signed in the 2006-2010 period will reach about USD 20.35-23.75 billion;

The findings of the survey of donors also revealed that total ODA of programs and projects to be signed in the 2006-2010 period will be about USD 23.23 billion, close to the above forecasts on signed ODA capital.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Total ODA to be disbursed in the 2006-2010 period is forecast to reach about USD 11.46-12.41 billion.

According to the findings of the survey of donors, total ODA to be disbursed in the next five years will reach about USD 10.9-12.3 billion.

With the above forecasts, it can be affirmed that the target of USD 11.9 billion of ODA set for the 2006-2010 5-year socio-economic plan is achievable.

7. Oriented structures of ODA attraction and use by sectors, domains and regions in the 2006-2010 period

a/ Sector- and domain-based ODA use structure:

The sector- and domain-based ODA use structure is shown in Table 2:

Table 2. Domain-based ODA structure in the 2006-2010 period

Sectors, domains

Structure of implemented ODA in 2001-2005 period

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Total signed ODA (in USD billion)

Agriculture, irrigation, forestry, fisheries combined with agricultural and rural development, hunger eradication and poverty alleviation

21%

21%

4.27-4.98

Energy and industries

17%

15%

3.05-3.56

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



32%

33%

6.72-7.84

Healthcare, education and training, environment, science and technology and other sectors (including institution building, capacity enhancement, etc.)

30%

31%

6.31-7.37

Total

100%

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



20.35 - 23.75

Compared with the 2001-2005 period, the ODA allocation policy in the 2006-2010 period will continue maintaining a large ODA proportion (21%) to support agricultural development, irrigation, forestry and fisheries combined with hunger eradication and poverty alleviation; concentrate concessional ODA loans (15%) on supporting development of the power grids and distribution stations; increase the proportion of ODA (33%) for development of transport, post and telecommunications, water supply and drainage, and urban infrastructure development. A large proportion of ODA (31%) will be maintained in the domains of healthcare, education and training, environment, science and technology and other sectors.

b/ Region- and territory-based ODA use structure: In the 2006-2010 period, the Government will closely cooperate with donors to increase the proportion of ODA to be used in direct support of localities in prioritized regions, specifically actively calling for ODA for poor and difficult regions including the northern midland and mountainous region, the northern and coastal Central Vietnam, the Central Highlands and the Mekong River delta.

8. Orientation for prioritizing sector- and domain-based ODA attraction and use

a/ Agricultural and rural development (including agriculture, irrigation, forestry and fisheries) combined with hunger eradication and poverty alleviation: To prioritize ODA attraction and use for carrying out programs and projects to increase agricultural productivity; develop small-scale essential rural infrastructure facilities for the poor (rural transport, daily-life water supply, schools, health stations, etc.); develop irrigation works in combination with prevention and reduction of natural calamities; increase management of forest resources and other natural resources in a sustainable manner; create jobs in combination with hunger eradication and poverty alleviation; increase the capacity of management officials at all levels, particularly at district, commune and village levels;

b/ To build comprehensive economic infrastructure toward modernization.

Regarding electricity, to prioritize ODA attraction and use for further developing the electricity sector, especially development of power grids and distribution stations and particularly development of rural power grids. To develop renewable energy sources such as small-scale hydropower works, solar power, wind power and geothermal power in rural and mountainous areas and islands in which development of the national power grid will not be cost effective;

The use of ODA for some industrial production programs and projects must be carefully considered to ensure effectiveness and efficiency and comply with the self-borrowing and self-repayment principle.

Regarding transport, to prioritize ODA attraction and use for the following domains:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Upgrading and building some railways, including the Hanoi-Ho Chi Minh city express railway; increasing the capacity of management and administration of the railway sector;

- Building some deep-water ports, including Van Phong port in Khanh Hoa and Lach Huyen port, a depot port, in Hai Phong;

- Building some international airports in some provinces and cities in line with the master plan on development of the national system of airports, first of all, building a new modern international airport in Hanoi capital (T2 international airport), Long Thanh in Bien Hoa, Da Nang (a terminal), Cam Ranh in Khanh Hoa (a terminal) and Phu Quoc in Kien Giang;

- Supporting investment in developing the systems of important inland waterways in the Red River delta and Mekong River delta;

- Developing institutions and enhancing the capacity of human resources in the domain of transport, especially traffic safety.

Regarding post and telecommunications, to prioritize ODA attraction and use for supporting investment in developing post and telecommunications infrastructure facilities of national importance which serve the common needs of all economic sectors, ensuring fair competition among enterprises and the interests of users; and developing rural telephony.

Regarding water supply and drainage and urban development, to prioritize ODA attraction and use for supporting building and incremental modernization of synchronous urban infrastructure systems, perfecting daily-life water supply systems, supplying sufficient clean water for urban centers and industrial parks; continuing renovating and building rural clean water supply systems, especially the Mekong River delta, Central Vietnam, northern mountainous region, coastal Central Vietnam and the Central Highlands; fundamentally solving the issues of water drainage, treatment of wastewater, solid wastes and medical rubbish in urban centers, particularly cities of grade 1 or 2, industrial parks and some big urban centers and residential areas.

Regarding urban development, ODA will be prioritized for solving urban traffic problems, especially in big cities like Hanoi and Ho Chi Minh, developing belt roads in big cities, inner-city roads; step by step developing the network of mass transit (overhead railways, metro, etc.); supporting policy and institutional development in the domain of society governance.

c/ Building social infrastructure facilities (healthcare, population and development, education and training and other domains):

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Regarding education and training, to prioritize ODA attraction and use for supporting the achievement of MDGs in the education and training domain; improving education quality and universalizing education; improving vocational training; building and modernizing some key universities and training disciplines, building some laboratories engaged in research and training; developing education in difficult areas; training cadres, especially at grassroots level and in rural and mountainous areas; supporting policy formulation and implementation, developing institutions and enhancing the management capacity of the service.

d/ Regarding environment and natural resources: To prioritize ODA attraction and use for supporting the achievement of the environment-related objectives set out in the 2006-2010 5-year socio-economic development plan, including implementation of plans on sustainable management of natural resources; supporting implementation of Agenda 21 on sustainable development; supporting implementation of international goals regarding environment and pollution reduction; improving the urban environment and increasing the capacity of preventing, combating and overcoming consequences of natural calamities;

e/ Enhancing institutional capacity and developing human resources; technology transfer, improving research and development capacity:

For enhancing institutional capacity and developing human resources, to prioritize ODA attraction and use in such domains as perfecting legislation on economic management and society governance after Vietnam joins the WTO; formulating and implementing economic management policies, reforming financial and banking systems; stepping up state management of economic activities in parallel with enhancing grassroots capacity; enhancing the capacity of people-elected agencies at all levels and central and local state management agencies; enhancing the capacity of comprehensive management of state capital-funded programs and projects, including the program and project monitoring and evaluation system; accelerating public administration reform oriented at the poor; minimizing bureaucracy, repelling corruption and exercising democratic state management with the participation of the people.

Regarding science and technology, raising of research and development capacity: To prioritize ODA attraction and use for supporting building and upgrading of key research institutions and universities to reach the advanced regional level; through ODA programs and projects to attract the latest scientific and technological achievements, production and business know-hows; and modernizing and improving the quality of hydro-meteorological forecasts.

e/ Employment and social welfare, gender equity, protection of the interest of children; development of Vietnamese youth; and prevention and combat of social evils: To prioritize ODA attraction and use for creating jobs, raising the rate of female laborers, increasing the rate of trained laborers, reducing unemployment rates in cities; ensuring gender equity, enhancing women's status through abolishing gender disparities at primary and secondary ethnic minority students, increasing the number of women in people-elected bodies at all levels, increasing the number of women working in various agencies and sectors and reducing women's vulnerability to domestic violence; ensuring the rights of children; reducing the vulnerability of disadvantaged and poor people and developing a social welfare and relief network for them; and formulating a natural disaster prevention and reduction strategy.

9. Orientations for ODA attraction and use to directly support various regions in the 2006-2010 period

a/ The northern midland and mountainous region: To prioritize ODA attraction and use for carrying out programs and projects in such domains as sustainable silviculture development; access to infrastructure services including power, irrigation, clean water and rural roads; ethnic minority development; building of boarding schools for ethnic minority students and supply of equipment for universities; supply of equipment for provincial-level hospitals and establishment of health centers; development of infrastructure to boost economic relations with China; and building of administrative management capacity at all levels;

b/ The Red River delta and key northern economic region: To prioritize ODA attraction and use for supporting the achievement of the development goals in such domains as modernization of infrastructure; renovation of other infrastructure services; building of, and supply of equipment for, some universities; development of the system of vocational training schools; diversification of incomes for farmers' households; provision of more equipment for provincial and municipal hospitals; prevention and combat of environmental pollution; and building of administrative management capacity at all levels;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ The Central Highlands: To prioritize ODA attraction and use for such domains as forestation and protection of national parks; building of irrigation facilities; prevention and control of natural disasters and diseases; upgrading of national highways connecting coastal Central Vietnam provinces, and roads linking with Cambodia and Laos; improvement of accessibility to rural infrastructure facilities; expansion of income generation opportunities for rural inhabitants; and building of administrative management capacity at all levels;

e/ The eastern South Vietnam, embracing the key southern economic region: To prioritize ODA attraction and use for carrying out programs and projects in such suitable domains as provision of scientific and technological supports for agricultural development; accelerated planting of coastal protection forests; building of roads including belt roads surrounding Ho Chi Minh City, modernization of railways and waterways, building of a new international airport and building of a water supply and drainage to improve the urban environment; provision of more medical equipment for provincial hospitals; construction of vocational schools; and building of urban management capacity;

f/ The Mekong River delta: To prioritize ODA attraction and use for such domains as sustainable management of natural resources; irrigation systems; rural roads; development of waterways transport; restoration of the railway from Ho Chi Minh City to My Tho; development of infrastructure of Can Tho city; development of environmental infrastructure; investment in integrated rural development; improvement of health and education services; development of vocational training schools; building of Can Tho university into a key national one; and building of administrative management capacity at all levels.

10. Orientations for ODA attraction and use based on donors

Donors have different aid policies and volumes. They also have different strengths in providing ODA for Vietnam. The Government will strive to exploit to the maximum the strengths of each donor, and coordinate donors' joint efforts to effectively use ODA capital in the spirit of the Hanoi Core Statement on Aid Effectiveness, contributing to the successful implementation of the 2006-2010 5-year plan.

a/ For development institutions like the Japan Bank for International Cooperation (JBIC), the World Bank (WB), the Asian Development Bank (ADB), the French Development Agency (AFD) and the German Reconstruction Bank (KfW): The Government will attract and use their ODA for national and regional economic and social infrastructure facilities as well as urban infrastructure in some key cities and towns, serving as catalysts for fast and sustainable economic and social development, and hunger eradication and poverty alleviation across the country and in localities; supporting institutional development and building of the capacity of human resources;

b/ For bilateral donors and multilateral institutions: The Government will attract and use their ODA for programs and projects in the following domains:

- Supporting the building of small-scale economic and social infrastructure in rural, mountainous and ethnic minority areas combined with hunger eradication and poverty alleviation;

- Supporting the building of the capacity of human resources and development of institutions, especially in post-WTO issues and in localities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Providing technical assistance to raise the quality of preparation of investment projects; simplify ODA processes and procedures to accelerate disbursements and reduce Vietnam's debt burden of ODA loans;

- Providing budget support for some target programs and some provinces to invest in social and economic infrastructure facilities in rural, mountainous and ethnic minority areas.

11. Orientations for the use of aid modalities and models: As aid modalities and models are very diversified, it is necessary to select an appropriate method based on the scale, nature and conditions applicable to each specific case to ensure high ODA use effectiveness.

a/ Aid modalities:

To prioritize non-refundable ODA for programs and projects incapable of capital recovery, particularly direct support for the poor and localities meeting with many difficulties; to reserve technical assistance programs and projects for development research, capacity and institution enhancement, support of the preparation of ODA loan-funded projects in order to reduce the Government's foreign debts;

To prioritize refundable ODA, particularly highly concessional loans (low interest rate, long payment duration and grace period) for developing social and economic infrastructure. For less concessional ODA loans (higher interest rate, short payment duration and grace period), they should be used for programs and projects that are highly economically feasible and capable of debt payment;

b/ Application of new aid models: To step up the application of new aid models such as program- and sector-based approaches, general budget supports and budget supports for carrying out national target programs with a view to promoting the Government's leadership role, reducing transaction costs, increasing procedure harmonization and compliance with the Government's systems, and accelerating disbursements for ODA-funded programs and projects.

IV. OVERALL ORIENTATIONS FOR ODA ATTRACTION AND USE AFTER 2010

According to international financing practice, a developing country with an average income (per capita GDP of over USD 1,000) will enjoy less ODA with highly concessional conditions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



V. MAJOR SOLUTIONS

In order to implement the Scheme on orientations for ODA attraction and use in the 2006-2010 period, the Government will implement the following policies and measures:

1. Group of policy and institutional measures:

a/ Raising awareness of the nature of ODA, promoting the leadership spirit in the attraction and use of this capital source to serve the development goals of the country, ministries, sectors and localities;

b/ Managing public investment capital sources in a transparent and accountable manner; further improving the Government's public procurement system to meet international standards in this domain; carrying out programs and taking specific measures to prevent and combat corruption;

c/ Ensuring uniformity, consistency, clearness, transparency, simplicity and enforceability of the system of regulatory documents on ODA management and use;

d/ Perfecting domestic financial policies on ODA, specifically:

- Implementing the action plan for implementing the orientations for management of foreign debts till 2010;

- Publishing policies on re-lending specific ODA loans to each program and project in each investment domain and geographical area;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Promoting ODA management in accordance with the Budget Law.

d/ Promoting monitoring and evaluation of ODA-funded projects:

- Setting up an official database on ODA-funded programs and projects to serve the monitoring, assessment and analysis of the use of this capital source;

- Institutionalizing the monitoring and evaluation of ODA-funded programs and projects in documents guiding Decree No. 131/2006/ND-CP on management and use of ODA capital;

- Developing mechanisms to ensure community-based monitoring and supervision, contributing to the implementation of measures against loss, waste and corruption;

- Developing and applying necessary sanctions to encourage ODA beneficiary units to effectively use this capital source and prevent and strictly handle those that ineffective use this capital source and violate regulations on ODA management and use.

2. Group of organizational measures:

a/ Improving the organizational structure of key agencies in charge of ODA management and use at all levels, particularly provincial/municipal Planning and Investment Services so that they will be able to assist the People's Committees at all levels to assess ODA-funded programs and projects;

b/ Improving the organizational structure and operation of ODA-funded program or project management units;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Group of measures to enhance ODA attraction and use capacity:

a/ Raising the knowledge of leaders and officials engaged in managing and implementing ODA-funded programs and projects at all levels about Vietnam's and donors' ODA policies, processes and procedures;

b/ Raising the capacity of preparation for ODA-funded programs and projects;

c/ Enhancing capacity for project management units toward professionalization and sustainability.

4. Group of measures to ensure publicity and transparency:

a/ Developing a system of indicators as a basis for selecting ODA-funded programs and projects to be included in the financing list according to current regulations;

b/ Considering the expansion of the category of ODA beneficiaries to include non-state entities for implementing programs and projects to serve public interests on the basis of compliance with relevant laws on attraction and effective use of ODA;

c/ Disclosing all information and documents on ODA to all ministries, sectors and localities as a basis for preparing for ODA-funded programs and projects.

5. Group of information and communication measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Maintaining and diversifying the website and bulletin on ODA so that they can actively serve the attraction and use of this capital source, and publicize necessary information on ODA;

c/ Promoting the provision of information on ODA overseas, including promotion activities to attract this resource in foreign countries;

d/ Awarding honorable prizes to individuals and collectives in the country, foreign donor countries and international institutions for their great and effective contributions to the provision and use of ODA for Vietnam's socio-economic development.

6. Measures to enhance partnership with donors:

a/ Improving the quality of dialogues between the Government and donors through already established mechanisms such as annual and mid-term consultative group meeting, sector-based partnership groups and partnership groups on aid effectiveness (PGAE)

b/ Promoting the leadership role and raising the initiative of ministries, sectors and localities in calling for ODA from donors;

c/ Closely cooperating with donors in implementing the Paris Declaration and the Hanoi Core Statement on Aid Effectiveness;

d/ Urging donors to join their efforts on the basis of common interests for the purpose of rationalization and harmonization of processes and procedures to reduce transaction costs and raise aid effectiveness;

e/ Carrying out activities to harmonize the Government's and donors' procedures for preparing, implementing, monitoring and evaluating ODA-funded programs and projects.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Grasping and integrating the Scheme's contents into the 2006-2010 socio-economic development plans at all levels; State management agencies in charge of ODA, agencies managing beneficiary units and beneficiary units themselves shall grasp the spirit, guiding principles and orientations for ODA attraction and use in the 2006-2010 period set out in the Scheme to formulate ODA-funded programs and projects in this period; integrating them in the implementation of sector and local socio-economic development plans, and mobilize ODA in line with this Scheme.

2. Coordinating with donors: The Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Foreign Affairs, overseas diplomatic missions, ministries, sectors and localities shall, within the scope of the respective functions, introduce the Scheme's contents to donors and, at the same time, promote coordination among domestic agencies and cooperation with donors in the process of preparing for and implementing specific projects in line with the Scheme's orientations.

3. Monitoring, reporting and updating the Scheme: The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for monitoring the implementation through the action plan for implementing the Scheme, report it to the Prime Minister on a periodical basis; assume the prime responsibility for, and coordinating with concerned agencies in, periodically updating the Scheme in accordance with the realities and new forecasts related to the Scheme.

 

 

PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

Note:

1 From 1993-2005, the international donor community committed to USD 32.53 billion, signed ODA agreements on USD 22.6 billion, and disbursed USD 15.9 billion.

2 In the five years 2001-2005, total executed ODA reached USD 7.9 billion.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 290/2006/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 phê duyệt đề án " định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức thời kì 2006-2010 " do Thủ tướng chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.467

DMCA.com Protection Status
IP: 3.15.156.140
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!