THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1601/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 10
năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ DÒNG VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC
NGOÀI VÀO VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật đầu tư số 59/2005/QH11
ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh ngoại hối số
28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13 tháng 12 năm 2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh ngoại hối;
Căn cứ Chỉ thị số 1617/CT-TTg ngày
19 tháng 9 năm 2011 về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài
trong thời gian tới;
Xét đề
nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản
lý dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam” với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý
dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam nhằm đạt
các mục tiêu sau:
- Cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy và nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp
với định hướng Chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng khuyến khích kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển theo quy hoạch và đảm bảo phù hợp với mục tiêu
phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô khác.
- Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước
về quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong hoạt động giám sát dòng vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài.
- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản
lý dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
- Nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám
sát các luồng vốn vào - ra, xây dựng cơ sở dữ liệu về dòng
vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài kịp thời, chính xác đáp ứng yêu cầu của công
tác phân tích, dự báo và hoạch định chính sách, điều hành thị trường
ngoại hối, ổn định cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại
hối một cách hợp lý.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Nghiên cứu đặc điểm, tính chất các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (bao gồm dòng
vốn góp, dòng vốn vay trong và ngoài nước...) và dòng vốn chuyển ra nước ngoài
của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hiểu chung là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
2. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên
quan đến quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:
a) Thống nhất khái niệm về đầu tư trực
tiếp, đầu tư gián tiếp trong các văn bản quy phạm pháp luật: Phân biệt rõ khái
niệm đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp để phân tổ, quản lý các dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam,
trên cơ sở đó bổ sung, làm rõ và thống
nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật để tạo khung
pháp lý hoàn thiện cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư vào thị trường
Việt Nam.
b) Bổ sung, sửa
đổi các quy định về quy trình thủ tục đầu tư, chuyển tiền
ra vào liên quan đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Nghiên cứu, rà soát
Luật đầu tư và các văn bản hướng dẫn
để sửa đổi, bổ sung các quy định về
các yếu tố cấu thành vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thời điểm chuyển tiền góp vốn đầu tư,
thời điểm chuyển nhượng vốn góp, cơ
chế hạch toán chi phí chuẩn bị dự án trước khi được cấp
phép,... nhằm tạo khung pháp lý hoàn chỉnh cho nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời
tăng cường khả năng phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong công tác quản
lý, giám sát dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
c) Bổ sung, chỉnh sửa các quy định về vay, trả nợ của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước
ngoài theo hướng thống nhất cơ chế, chính sách quản lý vay, trả nợ trong và ngoài nước của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp
nước ngoài nhằm đảm bảo mục tiêu quản
lý nợ nước ngoài thận trọng, đảm bảo quy trình tỷ lệ nợ an toàn, hiệu quả và nợ trong và ngoài nước của khối
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nằm trong phạm vi tổng vốn đầu tư của dự
án đã được phê duyệt tại Giấy chứng nhận đầu tư.
3. Kiện toàn cơ chế báo cáo và công
tác thống kê số liệu:
a) Nâng cao khả
năng tổng hợp, khai thác thông tin, số liệu thông qua việc
chuẩn hóa các chỉ tiêu thống kê; kiện toàn hệ thống báo cáo, thống kê số liệu
qua hệ thống tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp FDI. Xây dựng
hệ thống báo cáo theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin,
giảm tải công việc sự vụ và thủ công.
b) Xây dựng cơ chế đối chiếu số liệu giữa các nguồn báo cáo (tổ chức tín dụng và doanh nghiệp FDI) nhằm đảm
báo tính chính xác của số liệu.
c) Xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin chặt chẽ giữa các Bộ ngành nhằm luật hóa trách
nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và gia tăng phối hợp,
thực hiện có hiệu quả công tác quản lý dòng vốn FDI.
d) Nghiên cứu, xây dựng các chế tài đối
với việc không tuân thủ chế độ báo cáo thống kê của các đối tượng có liên quan trong việc báo cáo số liệu về dòng vốn FDI.
4. Kiện toàn công tác thanh tra, kiểm
tra, giám sát và công tác phối hợp liên
ngành:
a) Kiện toàn cơ sở pháp lý về công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát trong phạm vi liên
quan đến công tác quản lý dòng vốn FDI như ban hành văn bản
quy phạm pháp luật quy định kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu
tư trực tiếp nước ngoài...
b) Công tác thanh tra, kiểm tra và
giám sát dòng vốn FDI cần tập trung thực hiện thông qua kiểm tra định kỳ và đột xuất về hoạt động chuyển tiền góp vốn, chuyển lợi nhuận, chuyển tiền thanh toán liên quan đến hoạt động đầu tư trực
tiếp nước ngoài.
c) Công tác phối hợp liên ngành: Tổ
chức các Đoàn kiểm tra liên ngành đối với hoạt động của doanh nghiệp FDI
mang tính chất định kỳ hoặc đột xuất nhằm đánh giá thực trạng
diễn biến dòng vốn FDI để có cơ chế chính sách phù hợp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành có liên quan hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến công tác giám sát dòng vốn bằng tiền của các doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm dòng vốn góp bằng tiền, dòng vốn vay
trong và ngoài nước).
b) Chủ trì xây dựng
cơ chế giám sát tổng mức vay trong nước và vay nước ngoài của các doanh nghiệp có vốn đầu
tư nước ngoài trong tương quan với tổng vốn đầu tư của
doanh nghiệp.
c) Chủ trì,
nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống báo cáo thông
qua các tổ chức tín dụng đảm bảo tổng hợp số liệu dòng vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài nhanh, kịp thời và chính xác.
2. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu
tư:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, đánh giá và hoàn thiện khuôn
khổ pháp lý về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam,
thống nhất cơ sở pháp lý về phân tổ nhà đầu tư nước ngoài, thủ tục đầu tư, quy trình
cấp phép, chuyển nhượng dự án, quy định cơ cấu vốn góp (vốn hữu hình, vốn vô
hình, vốn bằng tiền mặt, tỷ lệ vốn vay/vốn góp...) trong quá trình cấp giấy chứng
nhận đầu tư để tổng hợp
số liệu thống kê chi tiết dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam kịp
thời, chính xác.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành
trong công tác quản lý hoạt động đầu
tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam nói chung và công tác thống kê, giám sát
dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam nói riêng.
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành và địa phương xây dựng hệ thống thông tin hiệu quả
về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam nhằm đáp ứng
nhu cầu phân tích, dự báo và hoạch định chính sách.
d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành và địa phương xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư
trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
3. Trách nhiệm của Bộ Tài chính:
a) Chỉ đạo Tổng
cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hệ thống
theo dõi số liệu về tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài, số liệu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam dưới hình thức góp vốn bằng hàng hóa, máy móc thiết bị.
b) Triển khai các giải pháp kiểm soát
hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với các lĩnh
vực thuộc chức năng quản lý nhà nước.
4. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và
Công nghệ:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành
liên quan triển khai các giải pháp tại Đề án “Nâng cao hiệu
quả chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư trực tiếp nước
ngoài'’ sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương:
a) Chủ động phối
hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc hoàn thiện cơ
sở pháp lý liên quan đến thống kê, kiểm soát và quản lý đầu tư trực tiếp
nước ngoài vào Việt Nam.
b) Chủ động, phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư và cơ quan có liên quan thực hiện cơ chế báo cáo
số liệu thống kê về hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài
vào Việt Nam của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc phạm vi quản
lý nhằm theo dõi, kiểm soát kịp thời, chính xác dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và ra khỏi
lãnh thổ Việt Nam.
c) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình thực hiện công tác thanh
tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật, chế độ
báo cáo thống kê đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc địa bàn quản lý.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện có kết quả Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, các Vụ: TH, TKBT,
PL, ĐP;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|