THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
136-TTg
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 3 năm 1996
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN KHẢ THI ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VƯỜN QUỐC GIA TAM ĐẢO
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số
177/CP ngày 20 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn) tại công văn số 2778/KH ngày 22 tháng 9 năm 1995 và của Bộ trưởng Bộ
Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 463/BKH-VPTĐ ngày 1 tháng 2 năm 1996,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Dự án khả thi đầu tư xây dựng Vườn quốc gia Tam Đảo trên cơ sở nâng cấp
và mở rộng rừng cấm quốc gia Tam Đảo được thành lập theo Quyết định số 41/TTg
ngày 24 tháng 1 năm 1977 của Thủ tướng Chính phủ, với những nội dung chính sau
đây:
1. Tên dự án:
Vườn Quốc gia Tam Đảo.
2. Cơ quan chủ
quản Dự án: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3. Chủ đầu tư: Ban quản lý
Vườn quốc gia do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.
4. Địa điểm:
- Vườn quốc gia Tam Đảo chạy dài
80km theo hướng Tây Bắc - Đông Nam từ huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) đến
huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phú) ở toạ độ địa lý:
21o21' - 21o42'
vĩ độ Bắc.
105o23 - 105o44
kinh độ Đông.
Trung tâm Vườn quốc gia Tam Đảo
cách Hà Nội 80km về phía Tây Bắc và cách thị xã Vĩnh Yên 20 km về phía Bắc.
- Vườn quốc gia Tam Đảo nằm trong
địa giới của 3 tỉnh: Vĩnh Phú, Tuyên Quang, Bắc Thái bao gồm địa phận của 19 xã
thuộc 4 huyện: Tam Đảo, Lập Thạch (Vĩnh Phú), Sơn Dương (Tuyên Quang) và Đại Từ
(Bắc Thái).
Có tổng diện tích tự nhiên:
36.883 ha và diện tích vùng đệm: 15.515ha.
5. Nhiệm vụ:
- Bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh
thái rừng trên núi Tam Đảo.
- Bảo vệ nguồn gen các loài động,
thực vật rừng quý hiếm, đặc biệt các loài động, thực vật đặc hữu và cảnh quan
thiên nhiên.
- Thực hiện công tác nghiên cứu,
thực nghiệm khoa học và dịch vụ khoa học; tạo môi trường tốt phục vụ công tác
nghiên cứu khoa học, du lịch và nghỉ mát.
- Tổ chức công tác tuyên truyền,
giáo dục phổ cập cho nhân dân lòng yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ rừng.
- Thực hiện vai trò giữ và điều
tiết nước của khu vực đầu nguồn, góp phần cải thiện môi sinh cho vùng đồng bằng
Trung du Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội.
- Tham gia tổ chức việc tham
quan du lịch và nghỉ mát.
- Góp phần ổn định và nâng cao đời
sống nhân dân trong vùng đệm.
6. Phân khu chức
năng:
a. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt:
- Diện tích: 17.295 ha.
- Phân khu này tính từ độ cao
400 m (so với mặt biển) trở lên,
- Chức năng: bảo vệ nghiêm ngặt,
cấm mọi tác động làm ảnh hưởng đến động vật, thực vật rừng.
b. Phân khu phục hồi sinh thái:
- Diện tích: 17.286 ha.
- Chức năng: bảo vệ được rừng hiện
có; khoanh nuôi rừng nơi còn khả năng tái sinh tự nhiên; trồng rừng mới nơi đất
trống nhằm phục hồi diện tích rừng đã bị phá hoại và bảo vệ phân khu bảo vệ
nghiêm ngặt.
c. Phân khu nghỉ mát, du lịch:
- Diện tích: 2.302 ha (bao gồm
diện tích đất thị trấn Tam Đảo).
- Nằm ở sườn núi Tam Đảo thuộc địa
phận tỉnh Vĩnh Phú, bao quanh khu nghỉ mát Tam Đảo.
- Chức năng: tạo điều kiện thuận
lợi để phát triển khu du lịch sinh thái, thu hút khách du lịch trong và ngoài
nước đến nghỉ ngơi và tìm hiểu thiên nhiên Việt Nam.
d. Phân khu hành chính:
- Địa điểm tại km 13 đường lên
núi Tam Đảo, là nơi xây dựng các nhà làm việc, nhà khách phục vụ công tác quản
lý; Vườn thực vật kết hợp làm công viên rừng, các phòng nghiên cứu động vật, thực
vật và các công trình phù trợ khác, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và du
lịch.
e. Phân khu đệm:
- Diện tích: 15.515 ha.
- Đây là phân khu tập trung dân,
có tác động lớn đến Vườn quốc gia, cần tiếp tục thực hiện các dự án Lâm - Nông
nghiệp thuộc chương trình 327 đã có và xây dựng bổ sung các dự án mới.
7. Các chương
trình hoạt động và nội dung đầu tư:
a. Chương trình bảo vệ:
+ Mục tiêu nhằm bảo vệ nguyên vẹn
các hệ sinh thái, các động vật, thực vật quý hiếm, tính đa dạng sinh học của rừng
Tam Đảo.
+ Các hạng mục đầu tư chủ yếu:
- Thành lập hạt kiểm lâm của Vườn
quốc gia gồm 13 trạm và 1 đội lưu động.
- Xác định ranh giới bằng các cọc
mốc xi măng dài 2m, chôn sâu 1m, cứ 5km đường ranh giới đóng 1 cọc mốc; xây 3 bảng
nội quy kích thước 4m x 1,5m.
- Tổ chức hội nghị các huyện để
xác định ranh giới trên thực địa và tổ chức cho nhân dân học tập nội quy Vườn
quốc gia.
- Mua sắm trang thiết bị và biên
soạn in tài liệu tuyên truyền.
- Xây dựng trạm phòng chống cháy
rừng và sâu bệnh hại rừng.
b. Chương trình phục hồi rừng và
các hệ sinh thái.
+ Mục tiêu: Tái tạo lại rừng và
các hệ sinh thái rừng của Vườn quốc gia nhằm góp phần bảo vệ nguồn nước, môi
trường, bảo đảm điều kiện sinh trưởng cho các loài động vật, thực vật trong vườn
quốc gia.
+ Các hạng mục đầu tư chủ yếu:
- Bảo vệ theo hướng lợi dụng tái
sinh tự nhiên 21.982 ha rừng tự nhiên.
- Bảo vệ và tiếp tục chăm sóc
1.351 ha rừng trồng đã có.
- Khoanh nuôi phục hồi rừng bằng
xúc tiến tái sinh tự nhiên 7.890 ha thảm cây bụi, cỏ cây gỗ rải rác (cây giống).
- Trồng mới 2000 ha rừng trên đất
có cây bụi và trảng cỏ bằng các loài cây bản địa.
c. Chương trình nghiên cứu khoa
học.
+ Mục tiêu: nắm chắc tài nguyên
rừng để xây dựng danh mục động, thực vật của Vườn Quốc gia và nghiên cứu giải
pháp bảo tồn, khôi phục và phát triển chúng.
+ Các hạng mục đầu tư:
- Điều tra cơ bản tài nguyên động,
thực vật rừng, khí hậu, thuỷ văn của Vườn quốc gia.
- Nghiên cứu khu hệ động, thực vật
rừng.
- Nghiên cứu đặc điểm và sự phân
bổ của động, thực vật rừng quý hiếm.
- Xây dựng trại nuôi động vật rừng:
10-20 ha và nhà bảo tàng thực, động vật rừng 200m2.
- Xây dựng vườn thực vật rừng kết
hợp làm công viên rừng 100 ha ở km13.
- Tổ chức các dịch vụ nghiên cứu
khoa học.
d. Chương trình du lịch và tuyên
truyền giáo dục
+ Mục tiêu: thu hút khách du lịch
trong và ngoài nước đến nghỉ mát ở Tam Đảo, đặc biệt du lịch sinh thái nhằm
tăng cường sự hiểu biết và ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng cho khách và
nhân dân, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế, bổ sung kinh phí xây dựng phát triển
Vườn Quốc gia và nhân dân địa phương.
+ Các hạng mục đầu tư:
- Tập huấn cán bộ
- Xây dựng các tuyến du lịch và
các chương trình du lịch sinh thái.
- Nghiên cứu làm các mặt hàng
lưu niệm từ nguồn vật nuôi, cây trồng đặc hữu của Vườn quốc gia.
- Đưa hồ Xạ Hương và làng Hà vào
mạng lưới du lịch. e. Chương trình xây dựng kinh tế - xã hội vùng đệm.
+ Mục tiêu: Nhằm nâng cao năng lực
phòng hộ của vùng đệm, bảo vệ được vườn quốc gia và góp phần nâng cao đời sống
nhân dân, động viên nhân dân tham gia bảo vệ Vườn quốc gia.
+ Các hạng mục đầu tư:
- Xây dựng bổ sung và tổ chức thực
hiện các dự án mới về Nông- Lâm nghiệp thuộc chương trình 327.
- Xây dựng các mô hình vườn rừng,
trại rừng, phát triển nghề phụ, hình thành các làng sinh thái.
- Giao đất, khoán rừng và tổ chức
nhân dân trồng rừng, bảo vệ rừng.
8. Vốn đầu tư:
(bao gồm cả vùng đệm)
a. Tổng số vốn đầu tư: 27.835
triệu đồng bao gồm:
- Xây dựng cơ bản: 24.835 triệu
đồng; trong đó:
. Xây lắp 22.530 triệu đồng
. Thiết bị 1.305
. Kiến thiết CB khác 1.000 -
- Vốn sự nghiệp 3.000 -
Chia theo ngành:
- Lâm nghiệp: 9.481 triệu đồng
- Xây dựng cơ sở hạ tầng 9.710
triệu đồng
- Nông nghiệp và các ngành khác
2.059 triệu đồng
- Sự nghiệp 6.585 triệu đồng
(bao gồm cả nghiên cứu khoa học
và điều tra cơ bản)
b. Nguồn vốn:
- Ngân sách Nhà nước: 23.435 triệu
đồng
- Vốn vay ưu đãi: 2.400 triệu đồng
- Vốn tự bổ sung và liên doanh:
2.000 triệu đồng
9. Thời gian thực
hiện: Trong 5 năm từ 1996 - 2000
Điều 2.
Phân công tổ chức thực hiện việc xây dựng Vườn quốc gia Tam Đảo:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn làm chủ quản dự án có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh
Vĩnh Phú, Tuyên Quang, Bắc Thái thành lập Ban quản lý Vườn Quốc gia, với bộ máy
quản lý gọn nhẹ, điều hành có hiệu lực. Phối hợp với Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân
dân tỉnh Vĩnh Phú xác định diện tích phân khu hành chính và tách diện tích khu
nghỉ mát thị trấn Tam Đảo khỏi Vườn quốc gia đã được Bộ Xây dựng phê duyệt tại
Quyết định số 69/BXD-ĐT ngày 29-3-1993.
2. Giám đốc Vườn quốc gia làm chủ
đầu tư dự án có trách nhiệm tổ chức thực thi dự án; phối hợp với Uỷ ban nhân
dân các tỉnh Vĩnh Phú, Tuyên Quang, Bắc Thái tuyên truyền giáo dục nhân dân,
tham gia tổ chức thực hiện các dự án Nông-Lâm thuộc Chương trình 327, xây dựng
các mô hình vườn rừng, trại rừng, các làng sinh thái ở vùng đệm, phối hợp với
ban quản lý nhà nghỉ mát Tam Đảo tổ chức tham quan du lịch và dịch vụ du lịch
trong phạm vi vườn quốc gia.
Điều 3.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Uỷ ban nhân dân các tỉnh
Vĩnh Phú, Tuyên Quang, Bắc Thái, Tổng cục địa chính, Tổng cục du lịch và các Bộ,
ngành, địa phương có cơ sở sản xuất, dịch vụ hiện đang nằm trong ranh giới Vườn
quốc gia Tam Đảo phải có biện pháp bảo vệ tốt các loại rừng, các hệ sinh thái,
các loài động thực vật quý, hiếm, nguồn nước cảnh quan, môi trường của Vườn quốc
gia theo đúng pháp luật và nội quy của Vườn quốc gia.
Điều 4.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 5.
Các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kế hoạch và đầu tư, Tài
chính, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Xây dựng, Quốc phòng, Tổng cục trưởng
Tổng cục Địa chính, Tổng cục Du lịch, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh Vĩnh
Phú, Tuyên Quang, Bắc Thái và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này.