ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1261/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày 05
tháng 6 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH AN GIANG
NĂM 2018
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số
26/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế
xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia;
Căn cứ Quyết định số
03/2014/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy
chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư;
Căn cứ Thông tư số
90/2015/TTLT-BTC-BKHĐT ngày 15 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch
và Đầu tư hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động xúc tiến đầu tư;
Căn cứ Công văn số
8145/BKHĐT-ĐTNN ngày 05 tháng 10 năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng
dẫn xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2018;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch
và Đầu tư tại Tờ trình số 122/TTr-SKHĐT ngày 01 tháng 6 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang
năm 2018.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Kế
hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- - Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Trung tâm XTĐT phía Nam;
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- VP Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu HCTC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Nưng
|
CHƯƠNG TRÌNH
XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH AN GIANG NĂM 2018
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1261/QĐ-UBND ngày 05/ 6 /2018 của UBND tỉnh
An Giang)
I. Kết quả
hoạt động Xúc tiến đầu tư năm 2017
1. Hoạt động nghiên cứu,
đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư:
- Thực hiện các hoạt động
nghiên cứu, tham dự hội nghị hội thảo, thông báo doanh nghiệp hướng đến các đối
tác tiềm năng đầu tư mạnh vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đông
Nam Á và Châu Mỹ La tinh.
- Tổ chức tiếp và làm việc với
3 đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản và Hàn Quốc. Cụ thể: đoàn Công ty Tsuno - Nhật
Bản giới thiệu Dự án Sản xuất và phát triển ứng dụng của dầu gạo và cám trích
ly; Hiệp hội Chế biến thực phẩm Thành phố Incheon - Hàn Quốc đến làm việc với
UBND tỉnh tìm kiếm cơ hội đầu tư và khảo sát doanh nghiệp Antesco nhằm hợp tác
đầu tư; Hiệp hội thịt bò Nhật Bản làm việc với UBND tỉnh để trao đổi về cơ hội
hợp tác đầu tư nhà máy sơ chế rơm rạ tại An Giang đề xuất về Nhật làm thức ăn cho
bò.
- Tham dự Hội thảo xúc tiến đầu
tư vào Việt Nam và tỉnh Quảng trị. Đây là hội thảo lần đầu tiên Bộ ngành trung
ương tổ chức ho một tỉnh, nội dung hình thức được đổi mới, tập trung định hướng,
sự phối hợp giữ chính phủ, tỉnh và sự tham gia của nhà đầu tư.
2. Hoạt động xây dựng cơ sở
dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng danh mục dự án kêu gọi
đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư:
- Để phục vụ cho hoạt động xúc
tiến đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở ngành liên quan rà soát, cập nhật
nội dung, danh mục dự án để làm tài liệu phục vụ xúc tiến đầu tư.
- Thực hiện tái bản tài liệu Cẩm
nang An Giang mời gọi đầu tư (Anh và Việt).
- Xây dựng tài liệu xúc tiến
thương mại, đầu tư và du lịch phục vụ tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng
theo yêu cầu của Ban tổ chức.
- Cập nhật thông tin kinh tế xã
hội, môi trường đầu tư để giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại
chúng.
- Thu thập thông tin, biên soạn
tài liệu phục vụ Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh nông nghiệp.
- Trung tâm Xúc tiến Thương mại
và Đầu tư phối hợp đối tác là Truyền thông Quế Anh thực hiện video clip “An
Giang hướng đến Trung Tâm du lịch đầu tàu ĐBSCL” song ngữ Việt - Anh phục vụ hội
nghị đầu tư thường niên vào Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 5 tại Cần Thơ.
3. Hoạt động tuyên truyền,
quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư:
- Tham gia hội nghị đầu tư vào
Đồng bằng sông Cửu Long lần 5 do VCCI tổ chức. Giới thiệu 6 dự án đầu tư phát
triển du lịch với tổng vốn đầu tư 1.129 tỷ đồng. Đồng thời bên lề hội nghị
trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng, danh mục dự án trọng điểm của tỉnh bên
lề hội nghị.
- Tham gia các sự kiện xúc tiến
đầu tư, thương mại tại Đà Nẵng nhân sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC. Cung cấp tài
liệu An Giang tiềm năng đầu tư thương mại và du lịch gởi Ban tổ chức và tham
gia gian hàng triển lãm thành tựu kinh tế xã hội và giới thiệu tiềm năng An
Giang.
- Cung cấp thông tin về An
Giang gửi Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam để đưa lên cổng thông tin Cơ sở dữ
liệu đầu tư Việt Nam thuộc Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Phối hợp Tạp chí Văn hóa
Doanh nhân - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện Đặc san đối ngoại
của tỉnh với 12 bài viết về thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang, Đặc
san được trình bày bằng song ngữ Việt - Anh, phát hành vào tháng 12/2017 và phục
vụ tuyên truyền cho các hội viên của Tổng hội Đài Thương tại VN, VCCI, thương vụ
VN tại Đài Loan…
4. Hoạt động hỗ trợ doanh
nghiệp, nhà đầu tư:
- Tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp,
nhà đầu tư như Công ty TNHH Samsung Engineering Vietnam, Công ty TNHH MTV Chân
Trời Mới - Phần Lan - FRP và Công Ty TNHH SX & TM Song Hoàng, Công ty TNHH
năng lượng Thạnh Phát, Công ty Cổ phần sản xuất & xuất nhập khẩu Việt
Phúc... đến tìm hiểu, đầu tư trong lĩnh vực xử lý nước, xử lý nước thải, rác thải,
năng lượng, bệnh viện, giống chuối công nghệ cao, ...
- Thường xuyên thực hiện các hoạt
động hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp thông tin trực tiếp và đưa tin hoạt động xúc
tiến đầu tư, môi trường đầu tư, cơ sở dữ liệu đầu tư lên trang thông tin điện tử
của Trung tâm Xúc tiến để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, tra cứu.
5. Hoạt động đào tạo tập huấn:
- Tổ chức 3 lớp tập huấn ”Xây dựng
nhãn mác, bao bì cho hàng hóa ở An Giang”; “Nghiên cứu thị trường phát triển
thiết kế” và “Kỹ năng tiếp thị xuất khẩu” cho các đơn vị, doanh nghiệp nhằm
nâng cao kiến thức trong việc thiết kế xây dựng nhãn mác, bao bì, nâng cao giá
trị của sản phẩm, phù hợp xu hướng tại thị trường trong nước và thế giới. Có
trên 250 học viên tham dự gồm đại diện của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp
tác xã, tổ hợp tác sản xuất, cán bộ thuộc Sở ngành, huyện thị thành phố.
- Tham gia lớp tập huấn xúc tiến
đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tổ chức cho các tỉnh khu vực phía Nam.
6. Hoạt động hợp tác về xúc
tiến đầu tư:
- Tham gia các hoạt động ngoại
giao hợp tác như: Gặp gỡ Hoa kỳ, Gặp gỡ các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở
nước ngoài tại tỉnh Long An do Bộ Ngoại giao tổ chức; Giao lưu kết nối tỉnh Aichi
(Nhật Bản) do Công ty Minh Trân tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh .
- Thường xuyên quan hệ hợp tác
với Trung tâm Xúc tiến các tỉnh thành phía Nam, VCCI Cần Thơ, Trung tâm Xúc tiến
đầu tư phía Nam; Phối hợp Sở ngành và huyện thị thành trong việc tổ chức các hoạt
động xúc tiến đầu tư. Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, Hiệp Hội
doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, ...
II. Quan điểm,
định hướng và mục tiêu Chương trình xúc tiến đầu tư:
1. Quan điểm:
- Thu hút đầu tư có ý nghĩa rất
quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh
đó, cần phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và
ngoài nước.
- Thu hút các nguồn lực, khoa học
tiến bộ để khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhằm phát triển sản
xuất hàng hóa, thương mại - dịch vụ và du lịch, giải quyết việc làm cho người
lao động, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa
phương.
- Phát huy lợi thế của tỉnh thuộc
vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, tranh thủ cơ chế chính
sách, nguồn lực phân bổ của Trung ương đầu tư có hiệu quả để tạo hiệu ứng lan tỏa
và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
- Thu hút đầu tư tạo hướng phát
triển trên cơ sở sử dụng hợp lý, tiết kiệm tối đa tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ
tốt môi trường, phát huy lợi thế sẵn có, đảm bảo phát triển bền vững.
- Phát triển kinh tế - xã hội
phải đi đôi với việc giữ vững an ninh - quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã
hội.
2. Định hướng:
- Tăng cường quản lý và nâng
cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh, gắn kết với các hoạt động xúc
tiến đầu tư của các Bộ, ngành Trung ương và một số địa phương trên cả nước.
- Tăng cường công tác thông tin
và truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh, chính sách và môi trường đầu tư của tỉnh
đến với các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước; khai thác thông tin từ nhiều
nguồn trên mạng, báo chí, tạp chí chuyên ngành về xúc tiến thương mại và đầu tư
nhằm hỗ trợ cho việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.
- Phát huy lợi thế cạnh tranh
và thế mạnh của tỉnh để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, bảo quản, ... các nhóm sản phẩm
được xác định trong Kế hoạch được duyệt; tiếp tục mời gọi đầu tư cơ sở hạ tầng
giao thông, bệnh viện, môi trường; các dự án đầu tư vào khu công nghiệp trong
các lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm, may mặc, đồ dùng gia đình, công
nghiệp hỗ trợ; có chọn lọc lựa chọn các dự án quy mô lớn có tính cạnh tranh cao
và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty lớn, các tập đoàn xuyên quốc
gia.
- Xem việc cải thiện môi trường
đầu tư là công việc trọng tâm trong công tác xúc tiến đầu tư, lấy công tác xúc
tiến đầu tư tại chỗ làm hạt nhân hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khó khăn trong
quá trình triển khai đầu tư, kinh doanh nhanh chóng và hiệu quả.
3. Mục tiêu:
- Tập trung cải thiện, nâng cao
chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, lấy cải cách hành chính là khâu đột
phá, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng bộ máy hành chính. Cải thiện điểm
số và vị trí xếp hạng về năng lực cạnh tranh tỉnh An Giang, góp phần xây dựng
môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo thuận lợi
hơn cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh.
- Tăng cường công tác hợp tác đối
ngoại với các Tham tán đầu tư; cơ quan xúc tiến, cơ quan ngoại giao của nước
ngoài tại Việt Nam. Thường xuyên giữ mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức xúc
tiến trong nước.
- Tăng cường hoạt động nghiên cứu
thị trường, tìm kiếm khách hàng theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương và các
trang thông tin chuyên ngành nhằm giúp cho doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản
phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Tăng cường quảng bá môi trường
đầu tư; Tổ chức hội nghị, hội thảo; gặp gỡ nhà đầu tư để trao đổi và mời về tỉnh.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ
xúc tiến đầu tư. Xác định danh mục dự án ưu tiên trong các lĩnh vực nông nghiệp,
công nghiệp chế biến, du lịch, công nghiệp phụ trợ; xây dựng cơ sở dữ liệu từng
lĩnh vực phục vụ xúc tiến đầu tư.
- Tăng cường công tác tuyên
truyền về thông tin thương mại, đầu tư; hội nhập kinh tế quốc tế, các rào cản
thương mại. Nâng chất lượng hoạt động cổng thông tin điện tử của các đơn vị
trong tỉnh.
- Nâng cao năng lực cán bộ về
nghiệp vụ xúc tiến đầu tư.
III. Nội
dung Chương trình xúc tiến đầu tư:
1. Hoạt động nghiên cứu,
đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư:
- Tập trung vào các đối tác lớn,
doanh nghiệp tiềm năng đang đầu tư và có hướng đầu tư vào Việt Nam như Nhật Bản,
Hàn Quốc, Singapre, Malaysia, Mỹ, Úc, New Zealand ... Hợp tác đầu tư các đối đối
mối quan hệ ngoại giao với An Giang như Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, ...
- Phối hợp tham tán Việt Nam tại
các nước xây dựng kế hoạch tổ chức các đoàn ra xúc tiến đầu tư gắn với xúc tiến
thương mại đối tác khu vực Asean (Singapore, Malaysia), Châu Mỹ (Mexico,
Brasil), đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Nghiên cứu tổ chức đi gặp lại
các đối tác: Nhật Bản, Hàn Quốc, ...
- Đón tiếp, mời đoàn vào Nhật Bản,
Hàn Quốc, Trung Quốc, Israel, ... đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh.
Tăng cường kết nối thông qua tiếp đón đoàn vào, chuẩn bị trao đổi thông tin, kết
hợp xúc tiến hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa doanh nghiệp An Giang với doanh
nghiệp nước ngoài theo hình thức chuỗi liên kết.
- Tăng cường các hoạt động xúc
tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc thường xuyên gặp gỡ nhà đầu tư để tháo gỡ kịp
thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án đã được chấp thuận
đầu tư hoạt động có hiệu quả.
- Tập trung thu hút đầu tư có
chọn lọc theo hướng ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, dự án công nghiệp
hỗ trợ, các dự án đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, các dự án thân thiện môi
trường, nhưng không quên yếu tố giải quyết việc làm: sản xuất các linh phụ kiện
phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô, may mặc…
2. Hoạt động xây dựng cơ sở
dữ liệu, tài liệu, ấn phẩm, danh mục dự án phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu
tư:
- Cập nhật lại thông tin, số liệu,
tài liệu theo định kỳ phục vụ cho hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư. Đổi mới công tác
xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin, số liệu của tỉnh mang tính khác biệt.
- Thường xuyên cập nhật và phổ
biến chính sách, thông tin về môi trường đầu tư, cải cách hành chính, các thủ tục
đầu tư, Đề án tạo quỹ đất và mặt bằng khu - cụm công nghiệp để thông tin kịp thời
cho nhà đầu tư.
- Tập trung vào các ngành công
nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp công nghệ cao theo Chương trình hành động
số 08-CTr/TU ngày 11/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Quyết định số
1066/QĐ-UBND ngày 05/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch thực hiện
Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 11/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 như
phát triển các sản phẩm lúa gạo, thủy sản, rau màu, nấm ăn, dược liệu, chăn
nuôi, cơ sở hạ tầng giao thông,... ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn.
- Rà soát Danh mục dự án khả
thi, quan trọng trong các lĩnh vực ưu tiên mời gọi đầu tư của tỉnh (du lịch,
nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ, hạ tầng giao thông, y tế,...);
xây dựng đề cương chi tiết để phục vụ cho công tác xúc tiến mời gọi đầu tư.
- Nghiên cứu lựa chọn các dự án
hướng tới hình thức kêu gọi đầu tư phù hợp theo quy định. Danh mục dự án kêu gọi
đầu tư được phân chia theo từng lĩnh vực và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu
gồm: brochure, profile; video clip để phục vụ cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh
An Giang năm 2018. Tài liệu, ấn phẩm dịch ra các thứ tiếng để phục vụ đối tác dễ
tìm hiểu.
3. Hoạt động tuyên truyền,
quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư:
- Thường xuyên giới thiệu quảng
bá môi trường đầu tư kinh doanh nhân các sự kiện xúc tiến đầu tư, ngoại giao đối
ngoại để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng thế mạnh và ưu tiên đầu tư
phát triển của tỉnh.
- Tích cực tham gia diễn đàn, hội
nghị - hội thảo về xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài để thông tin quảng
bá về môi trường đầu tư và danh mục dự án mời gọi đầu tư của tỉnh.
- Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu
tư tỉnh An Giang nhằm tuyên truyền, giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội, tiềm
năng, thế mạnh và chính sách mời gọi đầu tư của tỉnh.
- Nghiên cứu tổ chức Hội nghị
xúc tiến đầu tư chuyên đề (Khu công nghiệp - kinh tế cửa khẩu…)
- Tổ chức Gặp gỡ doanh nghiệp
Nhật Bản nhân sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật
Bản theo Kế hoạch số 524/KH-UBND ngày 14/9/2017 của UBND tỉnh.
- Nghiên cứu tổ chức (hoặc phối
hợp VCCI Cần Thơ tổ chức) “Gặp gỡ Singapore tại An Giang” chủ đề liên kết hợp
tác sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp An Giang với doanh
nghiệp Singapore.
- Tiếp tục thực hiện các hoạt động
xúc tiến, tiếp cận đối tác đầu tư giới thiệu dự án trọng điểm, dự án nông nghiệp
và du lịch của tỉnh.
- Thực hiện quảng bá đăng tải
thông tin các chương trình xúc tiến đầu tư, danh mục dự án kêu gọi đầu tư để cộng
đồng doanh nghiệp biết và đăng ký tham gia. Phối hợp với cơ quan báo đài thực
hiện chuyên đề quảng bá xúc tiến đầu tư.
- Tăng cường các hoạt động xúc
tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc thường xuyên gặp gỡ nhà đầu tư hiện hữu để
tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án đã được
cấp phép hoạt động có hiệu quả.
- Đề xuất cơ chế, chính sách
khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành
doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.
- Khuyến khích doanh nghiệp đầu
tư ra nước ngoài, các nước trong khu vực ASEAN.
4. Hoạt động đào tạo, tập huấn,
tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư:
- Nghiên cứu tổ chức, phối hợp
tổ chức 1-2 lớp đào tạo kỹ năng xúc tiến đầu tư cho cán bộ làm công tác xúc tiến
của sở ngành, huyện, thị, thành và doanh nghiệp. Tích cực tham gia các lớp xúc
tiến đầu tư do Bộ ngành và các đơn vị tổ chức.
- Lựa chọn cử cán bộ tham dự
các chương trình đào tạo tập huấn do Bộ ngành Trung ương và các tỉnh tổ chức.
- Nghiên cứu mời các chuyên gia
nước ngoài về truyền dạy kinh nghiệm làm xúc tiến đầu tư cho cán bộ nghiệp vụ;
tầm nhìn và chiến lược xúc tiến cho cán bộ lãnh đạo Sở, ngành tỉnh và huyện, thị,
thành phố.
5. Hoạt động hỗ trợ doanh
nghiệp, nhà đầu tư:
- Cung cấp thông tin kịp thời
cho nhà đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, quy định pháp
luật, cơ chế chính sách, quy hoạch định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, các
thủ tục đầu tư, tình hình đất đai và mặt bằng các khu - cụm công nghiệp.
- Hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện
thủ tục đầu tư, khảo sát mặt bằng, kết nối với doanh nghiệp tỉnh.
- Thường xuyên theo dõi hoạt động,
kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
6. Hoạt động hợp tác về xúc
tiến đầu tư:
- Duy trì tốt mối quan hệ hợp
tác với các tổ chức xúc tiến các nước như EuroCham, Amcham, Kotra, Jetro, ...
tìm hiểu đối tác và nhu cầu mở rộng đầu tư để có chương trình hợp tác mời gọi đầu
tư vào các dự án trọng điểm của tỉnh.
- Hợp tác với Ban Quản lý Khu
kinh tế tỉnh Cà Mau thực hiện Chương trình hợp tác phát triển các Khu công nghiệp,
Khu kinh tế giai đoạn 2016-2020.
- Thường xuyên gặp gỡ Bộ ngành
Trung ương tranh thủ thông tin định hướng đầu tư của đối tác có quan hệ hợp tác
giữa Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên xúc tiến đầu tư như nông nghiệp,
du lịch, thương mại dịch vụ, cơ sở hạ tầng, ...
- Tiếp tục giữ mối quan hệ phối
hợp với Sở ngành, huyện thị thành phố, hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan xúc
tiến tỉnh thành trong việc tổ chức thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư.
IV. Giải
pháp thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư:
Để thực hiện được những mục
tiêu, định hướng đề ra, cũng như nội dung Chương trình xúc tiến đầu tư năm
2018, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần tập
trung vào một số giải pháp chủ yếu sau đây:
1. Tiếp tục tập trung
triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hành động nâng
cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020;
Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số
35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh
nghiệp đến năm 2020; Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số
19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ
yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Kế
hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về Phát triển doanh nghiệp tỉnh An Giang đến năm
2020; Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
và vừa tỉnh An Giang; Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết
98/NQ-CP ngày 03/10/2017 của Chính phủ và Kế hoạch số 38- KH/TU ngày 30/11/2017
của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động
lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
2. Tổ chức thực hiện có
hiệu quả Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai cam kết của tỉnh với
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về cam kết hỗ trợ doanh nghiệp phát
triển.
3. Rà soát lại cơ chế,
chính sách để có bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh
nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận.
4. Trong cải cách hành
chính:
- Tiếp tục triển khai Quy chế
phối hợp thực hiện một cửa liên thông trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành
chính về đầu tư trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 30
tháng 6 năm 2016 và Văn bản hướng dẫn thực hiện quy trình thủ tục đầu tư trên địa
bàn tỉnh An Giang.
- Phối hợp chặt chẽ với các
ngành, các cấp để đảm bảo thời gian trả kết quả cấp Giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp chỉ trong 01 ngày làm việc, thời gian quyết định chủ trương đầu tư
chỉ trong 16 ngày (theo quy định là 35 ngày làm việc).
- Triển khai thực hiện có hiệu
quả Quy chế liên kết số 148/QCLK-SKHĐT-NH ngày 30/8/2017 của Sở Kế hoạch và Đầu
tư và các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn tỉnh An Giang về đăng ký tài khoản
cho doanh nghiệp và Biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
trên địa bàn tỉnh An Giang với Công ty cổ phần Misa về việc “tặng phần mềm kế
toán cho doanh nghiệp mới thành lập” .
5. Hỗ trợ tiếp cận đất
đai, mở rộng mặt bằng đầu tư sản xuất kinh doanh:
- Triển khai Đề án số
338/ĐA-UBND ngày 07/6/2017 đề án tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
tỉnh An Giang đến năm 2020. Theo đó, Đề án xác định nhu cầu quỹ đất cho từng mục
tiêu, đảm bảo yêu cầu về quỹ đất phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội;
thu hút đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ và
công nghiệp; Đề án xác định cơ chế nguồn vốn và cơ chế tạo quỹ đất cho từng mục
tiêu.
- Thực hiện cơ chế thỏa thuận,
chấp thuận đầu tư trước, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau nhằm tạo
điều kiện cho doanh nghiệp sớm đưa dự án đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh
doanh.
6. Tranh thủ sự giúp đỡ
của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tham tán
Việt Nam, Văn phòng Đại diện xúc tiến thương mại tại nước ngoài, các tổ chức quốc
tế tại Việt Nam… để vận động thu hút đầu tư vào tỉnh.
V. Tổ chức
thực hiện
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
là đơn vị Thường trực Chương trình có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh:
Triển khai “Chương trình xúc tiến đầu tư 2018 tỉnh An Giang”; Theo dõi tình
hình thực hiện và tổng hợp kết quả hoạt động về công tác xúc tiến báo cáo định
kỳ 6 tháng/năm.
2. Các Sở: Khoa học và
Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Ngoại vụ, Ban Quản
lý Khu kinh tế và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư... theo chức năng và
nhiệm vụ chủ động triển khai lồng ghép vào hoạt động của đơn vị thực hiện
Chương trình này.
3. Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư theo
lĩnh vực địa bàn quản lý. Đồng thời thực hiện cơ chế phối kết hợp chặt chẽ giữa
Sở, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện.
4. Định kỳ 6 tháng và cả
năm các Sở, ngành, huyện, thị, thành báo cáo và cung cấp thông tin về kết quả
thực hiện; kiến nghị và đề xuất phương hướng tới gửi đơn vị thường trực để tổng
hợp báo cáo...
5. Văn phòng UBND tỉnh
theo dõi, đôn đốc báo cáo thường xuyên với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết
quả thực hiện các hoạt động của các sở, ban, ngành liên quan.
VI. Phụ lục
kèm theo
1. Phụ lục 1: Tổng hợp đề xuất
các hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2018 của tỉnh An Giang (theo mẫu Biểu thống
kê quy định tại Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng
Chính phủ).
2. Phụ lục 2: Danh mục hợp tác
và kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang.
3. Phụ lục 3: Các chính sách, cải
cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh An Giang.