CỤC HÀNG KHÔNG
DÂN DỤNG VIỆT NAM
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 1049/CAAV
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 9 năm 1993
|
QUY ĐỊNH
CỦA CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM SỐ 1049/CAAV NGÀY 11
THÁNG 09 NĂM 1993 QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN CỦA CỤC
HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều lệ tổ chức và
hoạt động của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (ban hành kèm theo Nghị định số
36/TTg ngày 06/02/1993 của Thủ tướng Chính phủ);
Căn cứ vào điều lệ quản lý xây dựng cơ bản (ban hành kèm theo Nghị định của
Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) số 385/HĐBT ngày 07/12/1990 sửa đổi và bổ
sung điều lệ quản lý xây dựng cơ bản số 232/CP ngày 06/06/1981);
Căn cứ Thông tư liên bộ số 01/TTLB ngày 09/03/1991 của Bộ Xây dựng, Uỷ ban
KH Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thi hành kèm
theo Nghị định số 385/CP ngày 07/11/1990;
Kể từ ngày 01/09/1993 tất cả các công trình XDCB thuộc Cục HKDD Việt Nam phải
thực hiện đầy đủ theo thứ tự các bước sau đây:
I. Chuẩn bị đầu tư.
II. Chuẩn bị xây dựng.
III. Chọn đơn vị thiết kế thi công và thi công.
IV. Nghiệm thu.
V. Quyết toán công trình.
Cụ thể:
I. CHUẨN BỊ ĐẦU
TƯ:
1. Sau khi thực hiện đầy đủ 4 bước
chuẩn bị đầu tư theo Điều lệ quản lý XDCB số 385/HĐBT ngày 07/11/1990 chủ đầu
tư lập tờ trình xin chuẩn bị đầu tư cho từng công trình, nêu rõ sự cần thiết phải
đầu tư và quy mô, trình Cục xem xét và ra quyết định có dự trù vốn chuẩn bị đầu
tư tiếp của các công trình xin xây dựng cho năm sau.
2. Lập luận chứng KTKT trình Cục
phê duyệt đối với tất cả các công trình không phân biệt nguồn vốn, hình thức đầu
tư, cấp quản lý công trình,.... (gửi về Cục 4 bản cho các Ban Kế hoạch đầu tư,
Ban XDCB, quản lý cảng HK sân bay, Ban Tài chính và Thủ trưởng Cục).
Chủ đầu tư là người chịu trách
nhiệm lập và trình luận chứng KTKT cho chủ quản đầu tư.
Tất cả các luận chứng KTKT bắt
buộc phải qua Hội đồng thẩm định trước khi trình chủ quản đầu tư duyệt. Thành
phần Hội đồng thẩm định của Cục gồm:
- Đại diện Ban kế hoạch đầu tư:
Chủ tịch
- Đại diện Ban XDCB, quản lý cảng
HK, SB: Uỷ viên
- Đại diện Ban Tài chính: Uỷ
viên
- Đại diện Hội đồng KHKT Cục: Uỷ
viên
3. Nội dung chủ yếu cần xem xét
khi thẩm định Luận chứng KTKT:
- Sự cần thiết phải đầu tư.
- Các phương án về hình thức đầu
tư (đầu tư cho công trình chính, công trình liên quan trực tiếp...).
- Các phương án về diện tích, địa
điểm, bảo vệ môi trường, di tích lịch sử...
- Các phương án về sản phẩm, các
chỉ tiêu về kinh tế, kỹ thuật, vốn đầu tư, giá thành...
- Các nhu cầu về nguyên liệu,
năng lượng, nước, vận tải...
- Nếu là công trình nhập của nước
ngoài phải xem xét giá nhập khẩu, khả năng ngoại tệ, khả năng xuất nhập để trả
nợ, hợp đồng về chuyên gia, đào tạo...
- Các phương án xây dựng: các sơ
đồ, bản vẽ....
- Thời hạn thu hồi.
- Và các nội dung khác quy định
tại Điều 9 của Điều lệ XDCB ban hành theo Nghị định 385/HĐBT ngày 07/11/1990.
II. CHUẨN BỊ
XÂY DỰNG:
1. Trên cơ sở luận chứng KTKT đã
được chủ quản đầu tư phê duyệt và xác định vốn đầu tư, chủ đầu tư tổ chức thiết
kế dự toán. Dự toán công trình không được vượt quá 5% tổng số dự toán công
trình đã được phê duyệt trong luận chứng KTKT, nếu vượt quá 5% thì chủ đầu tư
phải giải trình và nếu được cơ quan xét duyệt chấp nhận bằng văn bản thì mới được
bổ sung.
2. Ban XDCB, quản lý HK, SB sẽ
chủ trì thẩm định thiết kế dự toán cùng với các thành viên trong Hội đồng thẩm
định luận chứng KTKT của Cục (nếu cần có thể mời thêm một số cơ quan chức năng
của Nhà nước tham gia).
3. Chỉ được triển khai xây dựng
khi chủ đầu tư đã hoàn thành các công việc:
- Đã có đầy đủ hồ sơ thiết kế, dự
toán, đã tổ chức thẩm định và phê duyệt.
- Chuẩn bị mặt bằng, đặt mua thiết
bị, công nghệ, vật tư, kỹ thuật, chuyên gia (nếu có).
- Chuẩn bị các điều kiện khi thi
công.
- Thành lập ban quản lý công
trình, giao nhiệm vụ cụ thể cho ban quản lý công trình, tổ chức bộ máy giúp việc
(nếu công trình thuộc diện SXKD của doanh nghiệp thì Giám đốc doanh nghiệp phải
trực tiếp làm Giám đốc Ban quản lý công trình). Chủ đầu tư đề nghị với chủ quản
đầu tư ra quyết định thành lập Ban quản lý công trình.
- Tổ chức lực lượng xây lắp: có
thể tổ chức giao thầu và nhận thầu, hoặc giao trực tiếp.
- Tổ chức Hội đồng chọn thầu gồm:
Ban Kế hoạch đầu tư, Ban XDCB, quản lý cảng HK, SB, Ban Tài chính và chủ đầu tư
công trình.
- Chọn bên B thi công nếu công
trình đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên thì do Cục phê duyệt, dưới 1 tỷ đồng do Chủ đầu
tư phê duyệt.
- Nếu các công trình thuộc diện
hợp tác liên doanh với nước ngoài cũng phải thực hiện đúng theo Điều lệ quản lý
XDCB ban hành kèm theo Nghị định số 385/HĐBT ngày 07/11/1990 và Luật Đầu tư nước
ngoài tại Việt Nam. Các hồ sơ luận chứng KTKT, thiết kế, dự toán làm bằng hai
thứ tiếng (Anh và Việt).
- Đơn vị được chọn thi công (xây
lắp) phải đủ tư cách pháp nhân, đúng ngành nghề có đăng ký và giấy phép hành
nghề.
III. CHỌN ĐƠN
VỊ THIẾT KẾ THI CÔNG VÀ THI CÔNG:
1. Hiện tại, Cục có các đơn vị
trực thuộc có đủ tư cách pháp nhân và đăng ký hành nghề: công ty khảo sát thiết
kế công trình hàng không, công ty xây dựng công trình hàng không, các xí nghiệp
xây dựng của các công ty dịch vụ cụm cảng HK, SB. Do đó các công trình thuộc
chuyên ngành HKDD được ưu tiên giao nhiệm vụ thiết kế xây dựng cho các đơn vị
trên theo nguyên tắc tự nguyện đảm nhận các hạng mục công trình HKDD theo đúng
điều lệ và giấy phép hành nghề (được ưu tiên chọn nhiệm vụ thiết kế, xây dựng
nhưng không bắt buộc).
2. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm
toàn bộ và trực tiếp quản lý việc thực hiện đầu tư, triển khai thi công, giám
sát kỹ thuật, chất lượng và đảm bảo tiến độ công trình. Trong quá trình thi
công có những điểm Bên A và B chưa thống nhất, đơn giá, công việc, vật tư, khối
lượng ngoài thiết kế, dự toán... phải kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản đầu tư
để xin ý kiến giải quyết.
3. Chủ đầu tư chỉ ứng trước vốn
cho khảo sát thiết kế không quá 30% giá trị khảo sát thiết kế. Sau khi nhận đủ
hồ sơ phê duyệt thì thanh toán không quá 95% tổng giá trị khảo sát thiết kế.
4. Bắt đầu khởi công xây dựng,
chủ đầu tư cấp vốn lần đầu căn cứ vào kế hoạch xin cấp vốn hoặc theo các bước
thi công, thời gian thi công... nhưng không quá 30% tổng giá trị công trình được
phê duyệt. Việc cấp phát tiếp theo căn cứ vào khối lượng đã hoàn thành nhưng
không vượt quá 85% giá trị còn lại của dự toán. Số còn lại được cấp sau khi
công trình đã được duyệt quyết toán và bàn giao sử dụng.
5. Chủ đầu tư, thủ trưởng các
đơn vị thiết kế thi công của ngành HKDD phải chấp hành đầy đủ các quy định của
pháp luật về đầu tư và xây dựng.
IV. NGHIỆM
THU CÔNG TRÌNH:
Công trình khi hoàn thành từng
khâu công việc chủ yếu, từng bộ phận công trình, từng hạng mục công trình này
hay toàn bộ công trình phải tổ chức nghiệm thu bàn giao giữa Bên A và Bên B
theo đúng Quyết định số 102/BXD-GD ngày 15/06/1992 của Bộ Xây dựng ban hành
"Điều lệ quản lý chất lượng công trình".
V. QUYẾT TOÁN
CÔNG TRÌNH:
1. Công trình sau khi xây dựng
xong chủ đầu tư phải gửi hồ sơ hoàn tất công trình kèm theo quyết toán công
trình về Ban XDCB, quản lý cảng HK, SB và Ban Tài chính.
2. Ban XDCB, quản lý cảng HK, SB
có trách nhiệm rà xét khối lượng đã thi công đúng với quy mô kết cấu đã duyệt
trong thiết kế, khối lượng phát sinh có chính xác không.
3. Ban Tài chính quản lý và cấp
phát vốn đầu tư, kiểm tra đơn giá định mức và các chi phí của công trình (có
quy định riêng).
Trên cơ sở thẩm xét của hai Ban,
trình Cục trưởng phê duyệt quyết toán công trình. Chỉ sau khi được Cục phê duyệt
quyết toán công trình thì Bên A mới được quyết toán với Bên B số tiền còn lại của
công trình (15%).
4. Đối với các công trình có vốn
đầu tư 1 tỷ đồng trở lên có thể mời cơ quan kiểm toán Nhà nước kiểm quyết toán
công trình.
Căn cứ vào Quy định này các cơ
quan, đơn vị có trách nhiệm thi hành để việc quản lý XDCB được chặt chẽ và đúng
nề nếp.