ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 45/KH-UBND
|
Quảng Ngãi, ngày 26 tháng 3 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN “ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI ĐẦU TƯ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2017
- 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025”
Thực hiện Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai
đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến 2025 (sau đây gọi tắt là Đề án 63); căn cứ
Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 23/10/2015 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng
Ngãi lần thứ XIX; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 01/7/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần
thứ tư, khóa XIX về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao
thông, hạ tầng đô thị; Nghị quyết số 19/2015/NQ-HĐND ngày
14/12/2015 của HĐND tỉnh khóa XI, kỳ họp thứ 18 về Kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Quyết định số 402/QĐ-UBND ngày
18/12/2015 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm
2016 - 2020; Căn cứ vào tình hình đầu tư công của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi
ban hành kế hoạch thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng
Ngãi, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017
- 2020 và một số định hướng đến năm 2025 nhằm chuyển đổi và hình thành cơ cấu đầu
tư hợp lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công; thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả
các nguồn lực đầu tư phát triển; đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh
tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát
triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Tổ chức thực hiện có hiệu quả kế
hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
b) Xác định rõ vai trò và định hướng
đầu tư công theo nguồn vốn và các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2017 - 2020 và định
hướng đến năm 2025.
c) Tiếp tục đẩy mạnh thu hút tối đa,
quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển theo hướng đẩy mạnh
xã hội hóa đầu tư, mở rộng các hình thức đầu tư.
II. ĐỊNH HƯỚNG CƠ
CẤU LẠI ĐẦU TƯ CÔNG
Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn
2017-2020 và định hướng đến năm 2025 tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng
của tỉnh; các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng và tạo động lực
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực
tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP) và bảo đảm
phát triển hài hòa giữa các huyện, thành phố và các ngành, lĩnh vực. Định hướng
đầu tư công theo nguồn vốn và các lĩnh vực của tỉnh như sau:
1. Định hướng đầu tư công theo nguồn
vốn:
a) Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước:
Ưu tiên thực hiện các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn
trực tiếp hoặc không xã hội hóa được; các dự án công trình sau khi hoàn thành
có tác động lan tỏa tích cực cho sự phát triển của tỉnh. Tiếp tục đầu tư cho
các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị
thiên tai, bão lũ và các vùng khó khăn khác.
Quán triệt nguyên tắc ưu tiên bố trí,
sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn hỗ trợ, khuyến khích để khai thác tối
đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Tăng cường thu hút, khuyến
khích các thành phần kinh tế đầu tư theo hình thức PPP để phát triển cơ sở hạ tầng
kinh tế - xã hội quan trọng, nhất là các dự án có tính kết nối, lan tỏa và tác
động lớn tới phát triển kinh tế; các dự án hạ tầng xã hội thuộc ngành y tế,
giáo dục,...
b) Đối với nguồn vốn ODA và vốn vay
ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: Ưu tiên đầu tư các dự án trong lĩnh vực
giảm nghèo, nhất là ở các huyện miền núi; lĩnh vực phát triển nông nghiệp và
nông thôn; đào tạo nghề; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
c) Đối với nguồn vốn tín dụng đầu tư
phát triển của Nhà nước: Ưu tiên huy động đầu tư các dự án có khả năng thu hồi
vốn trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; sản xuất hàng
xuất khẩu, đặc biệt là các dự án sản xuất sử dụng nhiều lao động; trồng rừng
nguyên liệu tập trung, trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả; các dự án
phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản; các dự án đầu tư xã hội hóa trong các
ngành giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao.
d) Nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư
nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP): Ưu tiên đầu tư
phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, nhất là các dự
án trọng điểm của tỉnh, có sức lan tỏa và kết nối giữa các địa phương trong tỉnh;
các dự án hạ tầng xã hội thuộc ngành y tế, giáo dục,...
2. Định hướng đầu tư công theo ngành,
lĩnh vực
a) Lĩnh vực hạ tầng giao thông
Ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành các
dự án trọng điểm, các dự án kết nối từ trung tâm tỉnh lỵ đến các huyện; giữa
các huyện ven biển và các huyện miền núi trong tỉnh: Đường
ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 1, Cầu Cửa Đại, Cầu
Thạch Bích, Cảng Bến Đình, Cầu An
Phú, Đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn các huyện vùng Tây Quảng Ngãi, Đường Ba Tơ
- Ba Trang - Ba Khâm, đường Quảng Ngãi - Chợ Chùa... để phát huy lợi thế của từng
vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tranh thủ các nguồn vốn để đầu
tư hoàn chỉnh tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2 nhằm kết nối với tuyến đường ven biển của 02 tỉnh Bình Định và Quảng Nam; tuyến ĐT.623B
(Quảng Ngãi - Thạch Nham, giai đoạn 2)...
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải phấn đấu thực hiện theo đúng tiến độ đã được
phê duyệt đối với tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng,
hoàn thành dự án mở rộng đường Quốc lộ 1 (đoạn Dốc Sỏi - KCN VSIP); đề xuất
trung ương đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24B đoạn qua trung tâm huyện lỵ mới
Sơn Tịnh, đường cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định...
Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư công
khác để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới giao thông liên xã, giao thông nội đồng gắn
với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo lưu thông thông suốt cho nhân dân trong cả
hai mùa mưa, nắng.
b) Lĩnh vực hạ tầng công nghiệp
Ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn đầu tư
công để hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất đáp ứng yêu cầu phát triển và
gắn kết với bên ngoài thông qua việc đầu tư xây dựng hoàn
thành các trục đường giao thông chính như: các tuyến đường trục vào KCN nặng
phía Đông, tuyến đường trục liên cảng Dung Quất 1, Đường Trì Bình - Cảng Dung
Quất (giai đoạn 1), đường Dốc Sỏi - sân bay Chu Lai; hệ thống thoát nước mưa,
thu gom, xử lý nước thải KCN Dung Quất phía Tây, các khu tái định cư, kè chắn
cát cảng Dung Quất... Đảm bảo việc giải phóng mặt bằng để phục
vụ thi công việc mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Phát triển cụm công nghiệp
trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch đã được duyệt.
Có cơ chế, chính sách khuyến khích
thu hút các nhà đầu tư đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp;
thay đổi phương thức đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp từ chủ yếu sử dụng
ngân sách nhà nước sang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng
khu công nghiệp và hình thức đối tác công tư (PPP), phấn đấu giải ngân khoảng
800-1.000 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thời kỳ 2016 - 2020.
c) Về hạ tầng phục vụ sản xuất nông
nghiệp, thủy sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Ưu tiên đầu tư các dự án nâng cấp hệ
thống thủy lợi phục vụ sản xuất; xây dựng và củng cố hệ thống đê biển, đê sông; các công trình ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng thích ứng với
biến đổi khí hậu. Đảm bảo vốn đầu tư công để hoàn thành các dự án đang được đầu
tư như: Đê bao ứng phó biến đổi khí hậu khu vực xã Tịnh Kỳ, Vũng neo đậu tàu
thuyền đảo Lý Sơn (giai đoạn 2), Đập ngăn mặn sông Trà Bồng, Đập ngăn mặn Bình
Nguyên - Bình Phước, Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Cổ
Lũy, thành phố Quảng Ngãi (giai đoạn I); hệ Thống trữ nước
sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn; Khắc phục khẩn cấp
hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền trung (vốn ODA). Đầu tư hạ tầng sản xuất
nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch để thu hút đầu tư và nâng cấp, kiên
cố hóa hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng (kênh loại III) trên địa bàn tỉnh.
d) Về hạ tầng đô
thị
Tập trung nguồn lực đầu tư công xây dựng
hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị từng bước đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các tiêu
chí của một tỉnh công nghiệp; trong đó: cần ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thành phố
Quảng Ngãi, khu dân cư phục vụ tái định cư Trung tâm hành chính tỉnh và các
công trình hạ tầng xã hội thiết yếu.
Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ
tầng đô thị kết hợp đầu tư hạ tầng thoát nước tại trung tâm cấp huyện và các đô
thị mới; ưu tiên đầu tư để huyện Đức Phổ trở thành thị xã trực thuộc tỉnh; phấn
đấu đô thị Vạn Tường, thị trấn Châu Ổ mở rộng (sát nhập thêm
khu vực Bình Long) đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; thị trấn Di Lăng tập trung đầu
tư cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV; các đô thị: Minh Long, Lý
Sơn, Sơn Tây trở thành thị trấn trực thuộc huyện; cơ bản hoàn thành hạ tầng thiết
yếu trung tâm huyện lỵ mới Sơn Tịnh; các đô thị còn lại từng
bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại V theo quy định.
đ) Về hạ tầng cung cấp điện
Đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống lưới
điện, vốn đầu tư công ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền tải,
phân phối điện ở nông thôn, miền núi; đầu tư hoàn thành đúng tiến độ và mức vốn
trung ương bố trí đối với Dự án cấp điện nông thôn miền núi tỉnh Quảng Ngãi
giai đoạn 2016-2020. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% hộ dân có điện thắp sáng.
e) Về hạ tầng giáo dục, đào tạo
Ưu tiên bố trí vốn đầu tư cơ sở vật
chất các Trường THPT như Lê Khiết, Chu Văn An, Tư Nghĩa, Hệ thống trường nội
trú, bán trú ở tất cả các cấp học ở miền núi, Chương trình Kiên cố hóa trường lớp
học tại các huyện, thành phố, Trường Chính trị tỉnh.... Huy động và sử dụng có
hiệu quả các nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng giáo dục, đào tạo, đáp ứng
yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo của tỉnh.
h) Về hạ tầng y tế
Ưu tiên huy động và bố trí nguồn lực
đầu tư hạ tầng y tế để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm với
các tỉnh trong khu vực. Ưu tiên vốn đầu tư công để hoàn thành các dự án: Trung
tâm Nội tiết tỉnh, các trạm y tế xã, nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh đạt tiêu
chí hạng 1, Khoa ung bướu Bệnh viện đa khoa tỉnh...
Tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn đầu
tư công khác để đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Thành phố, Sơn Tịnh, Dung Quất
thành cơ sở của bệnh viện đa khoa tỉnh; mở rộng Bệnh viện Đặng Thụy Trâm, Bệnh
viện Quân dân y Lý Sơn, Bệnh viện Y học cổ truyền...
i) Về hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch
Đầu tư xây dựng hạ tầng văn hóa, thể
thao đáp ứng nhu cầu của nhân dân; huy động đa dạng nguồn lực đầu tư phát triển
các công trình hạ tầng phục vụ du lịch để phát huy thế mạnh, khai thác có hiệu
quả các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, lễ hội; các giá trị văn hóa đặc sắc
của các dân tộc, vùng miền trong tỉnh. Cần tập trung vốn đầu tư công để hoàn
thành các dự án: Đường trục chính khu du lịch Sa Huỳnh; đường trục chính và hệ
thống điện chiếu sáng khu du lịch Mỹ Khê; đầu tư, tôn tạo phát huy giá trị văn
hóa dân tộc Hrê thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ... Đối với hạ tầng huyện
đảo Lý Sơn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tuyến đường đang đầu tư như: Đường
trung tâm huyện - UBND xã An Hải, tuyến đường Cồn An Vĩnh-Ra đa tầm xa huyện Lý
Sơn để đáp ứng nhu cầu tham quan, đi lại của du khách.
III. GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
1. Nhóm giải pháp thực hiện giai đoạn
2018-2020:
a) Tiếp tục quán triệt và triển khai
thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị định của Chính
phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
của các cấp có thẩm quyền trong đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng,
bảo đảm thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn thi hành
Luật; đẩy mạnh phân cấp, giao trách nhiệm, tạo sự chủ động cho các sở, ngành và
địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao theo hướng cải cách hành chính trong đầu
tư, nhất là các khâu thẩm định dự án, thẩm định thiết kế -
dự toán bảo đảm thời gian quy định; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn
trãi, hiệu quả thấp hoặc triển khai thực hiện vượt quá khả
năng cân đối nguồn vốn; tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, đẩy
nhanh tiến độ đầu tư các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng, sớm đưa vào khai
thác sử dụng và quản lý có hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu
tư công góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
b) Thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn
chặt chẽ với cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công, giảm tỷ trọng đầu tư nhà
nước, tăng tỷ trọng đầu tư các thành phần kinh tế khác. Khuyến khích và tạo điều
kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân tham gia phát triển hạ tầng, phát triển các sản
phẩm có lợi thế, có tiềm năng phát triển và các vùng kinh tế động lực, một số
ngành nghề trong lĩnh vực xã hội, xử lý môi trường bảo đảm cho nền kinh tế phát
triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ
công.
c) Tăng cường rà soát, bảo đảm các
chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm phải
có đầy đủ các thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công. Quản lý chặt chẽ việc
sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tăng cường
công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện. Chú trọng
công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các
chương trình, dự án đầu tư cụ thể.
d) Nâng cao hiệu quả công tác giám
sát chất lượng công trình và khai thác sử dụng sau đầu tư; thực hiện tốt việc
duy tu, bảo dưỡng, bảo trì công trình xây dựng để phát huy
tính năng sử dụng, duy trì độ bền vững và bảo đảm cảnh quan môi trường.
đ) Rà soát, kiện toàn các Ban quản lý
dự án, chú trọng tăng cường, bổ sung cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và đạo đức
công vụ cho các Ban quản lý; tăng cường trách nhiệm giám sát công trình của chủ
đầu tư. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, giám sát đánh giá đầu tư đầy
đủ, kịp thời theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các quy định
có liên quan. Theo dõi, đôn đốc (chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu) đẩy
nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
e) Tăng cường ứng dụng công nghệ
thông tin về quản lý đầu tư công.
2. Nhóm giải pháp định hướng đến
năm 2025
a) Nâng cao chất lượng thể chế quản
lý đầu tư công:
- Rà soát, nghiên cứu tham gia hoàn
thiện cơ chế, chính sách về đầu tư công theo hướng tăng cường cải cách thủ tục
hành chính; giảm thiểu các thủ tục đầu tư không cần thiết, rút ngắn quy trình,
thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà tài trợ triển
khai nhanh các dự án đầu tư, không để chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công.
- Nghiên cứu rà soát, hoàn thiện hệ
thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất
đầu tư xây dựng công trình phục vụ các ngành kinh tế.
b) Huy động tối đa và sử dụng có hiệu
quả các nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế theo cơ chế thị trường, tiếp tục hoàn
thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực
hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội:
- Đối với vốn đầu tư ngân sách nhà nước:
bảo đảm đầu tư tập trung, hiệu quả, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trãi. Ưu
tiên bố trí phần vốn ngân sách nhà nước và tăng cường huy động các nguồn vốn đầu
tư kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP, tập trung vốn cho các ngành, lĩnh vực,
công trình dự án được xác định trọng điểm, cấp thiết tạo động lực, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh, rút ngắn khoảng
cách chênh lệch về cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội giữa các vùng trong tỉnh.
- Đối với các nguồn vốn vay để đầu tư
kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: phải được kiểm soát một cách chặt chẽ về mục
tiêu, hiệu quả đầu tư, kế hoạch trả nợ; quán triệt tinh thần không vay vốn để đầu
tư cơ sở hạ tầng với bất cứ giá nào.
- Mở rộng các hình thức đầu tư, tiếp
tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận
lợi, thông thoáng, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu
tư kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến
thông tin về đầu tư theo hình thức PPP. Tăng cường các biện pháp khuyến khích đầu
tư theo hình thức PPP theo hướng minh bạch, ổn định, bình
đẳng.
- Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội
hóa đối với các dịch vụ công, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe
nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình dự án cơ sở hạ tầng
phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nông thôn.
c) Phân bổ vốn đầu tư công hợp lý, kết
hợp hài hòa giữa ngành, lĩnh vực đáp ứng định hướng trong kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội 5 năm. Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng
bảo vệ và cải thiện môi trường sống, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tăng cường liên kết giữa các địa phương để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của
từng địa phương và ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu.
d) Đẩy mạnh thực hiện đột phá xây dựng
kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường. Cải
thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo
điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng. Nâng
cao hiệu quả và quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
đ) Nâng cao chất lượng công tác quy
hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, địa phương là căn cứ
xây dựng các chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn.
e) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công
tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu theo hướng công khai, minh bạch; giám
sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trong quá trình đầu tư công; chống tham
nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Trong đó, đặc biệt đề cao vai
trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong các vùng ảnh hưởng của dự án,
nâng cao trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư và các bên liên quan đến dự án.
Xác định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với
hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư. Xử lý nghiêm
những hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí trong đầu
tư.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch
đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt. Chủ trì, phối hợp
với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, điều
chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trong trường hợp cần
thiết; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025
trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh theo
quy định.
- Tổ chức hướng dẫn thực hiện, theo
dõi, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện kế hoạch cơ cấu lại đầu tư
công trung hạn giai đoạn 2018-2020.
2. Sở Tài chính:
- Chủ trì, tham mưu các giải pháp về
tăng thu ngân sách hằng năm để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện
các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công.
- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về
báo cáo tình hình giải ngân các dự án đầu tư công hàng tháng, quý và hàng năm
theo quy định.
3. Sở Xây dựng:
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định
mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư xây dựng công trình trên
địa bàn tỉnh.
4. Các sở, ban, ngành và địa phương:
- Căn cứ mục tiêu, giải pháp của kế
hoạch này, cụ thể hóa thành các kế hoạch, nhiệm vụ của sở, ban ngành và địa
phương mình, trong đó quy định lộ trình thực hiện từ nay đến hết năm 2025; tổ
chức triển khai thực hiện đến các đơn vị trực thuộc được giao phụ trách.
- Báo cáo, cung cấp đầy đủ các thông
tin, số liệu cần thiết phục vụ công tác theo dõi, đánh giá việc thực hiện cơ cấu
lại đầu tư công theo yêu cầu, bảo đảm tính chính xác và đúng thời gian quy định.
- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân
dân tỉnh và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về
tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo thuộc sở, ban, ngành và địa
phương quản lý.
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời chủ
trương, giải pháp và tình hình triển khai thực hiện cơ cấu lại đầu tư công cho
các phương tiện thông tin truyền thông để quán triệt, tạo đồng thuận của cán bộ,
đảng viên và toàn dân, bảo đảm thực hiện thành công và có hiệu quả nhiệm vụ cơ
cấu lại đầu tư công.
V. THỜI GIAN THỰC
HIỆN
1. Các sở, ngành và địa phương tổ chức
thực hiện các nội dung của kế hoạch này cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai
đoạn 2016-2020, kế hoạch đầu tư công hằng năm và là cơ sở xây dựng kế hoạch đầu
tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
2. Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch:
Đánh giá giữa kỳ vào Quý IV năm 2020 và cuối kỳ vào Quý IV năm 2025.
Trên đây là kế hoạch thực hiện Đề án
cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến 2025 của tỉnh Quảng
Ngãi. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị,
địa phương kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để
xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ
(b/cáo);
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính (b/cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các BQLDA ĐTXD công trình: Giao thông, DD-CN,
NN-PTNT.
- VPUB: C.PCVP, các PN/cứu, CBTH;
- Lưu VT, Thhtlvan44.
|
CHỦ TỊCH
Trần Ngọc Căng
|