ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 39/KH-UBND
|
Cần Thơ, ngày 11 tháng
7 năm 2011
|
KẾ HOẠCH
ĐẦU TƯ PHÁT
TRIỂN CHỢ ĐÔ THỊ NĂM 2011 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01
năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số
114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về
phát triển và quản lý chợ;
Căn cứ Quyết định số 58/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6
năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc phê duyệt Dự án Quy
hoạch tổng thể phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đến năm
2015, định hướng đến năm 2020;
Trên cơ sở đề nghị của Sở Công Thương, Ủy ban nhân
dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch đầu tư phát triển chợ đô thị năm
2011-2015 trên địa bàn thành phố như sau:
I. Đánh giá tình hình thực hiện Kế
hoạch số 14/KH-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần
Thơ về đầu tư phát triển chợ năm 2009-2010 và thực trạng hệ thống chợ trên địa
bàn thành phố:
1. Tình hình triển khai thực hiện Kế
hoạch số 14/KH-UBND:
Qua hai năm triển khai thực hiện Kế hoạch số
14/KH-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về
đầu tư phát triển chợ năm 2009 - 2010 trên địa bàn thành phố đã có nhiều chợ
được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo, nâng cấp.
Tổng số chợ đã triển khai thực hiện xây dựng mới và
sửa chữa, cải tạo, nâng cấp được 24 chợ (theo Kế hoạch số 14/KH-UBND là: 31
chợ). Tổng giá trị đầu tư 258.770 triệu đồng. Trong đó: từ nguồn vốn ngân sách
2.070 triệu đồng, huy động được nguồn vốn của cá nhân và doanh nghiệp đầu tư
256.700 triệu đồng (trong đó khu Trung tâm dân cư và thương mại quận Thốt Nốt
chiếm 176.000 triệu đồng).
Chợ được đầu tư xây dựng mới hoàn thành và chuẩn bị
đưa vào khai thác gồm 08 chợ: chợ Xuân Khánh quận Ninh Kiều thực hiện xong giai
đoạn I và đưa vào khai thác từ tháng 01 năm 2011; chợ trung tâm quận Cái Răng; chợ
trung tâm quận và chợ Phước Thới thuộc quận Ô Môn; chợ trung tâm quận Thốt Nốt;
chợ trung tâm huyện Vĩnh Thạnh; chợ Trung Hưng, chợ Thạnh Phú thuộc huyện Cờ
Đỏ.
Ngoài nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp nêu
trên, ngân sách các quận, huyện cũng đã đầu tư sửa chữa, cải tạo và nâng cấp
hoàn thành 06 chợ gồm: chợ Ba Se thuộc quận Ô Môn; chợ Cầu Nhiếm thuộc huyện
Phong Điền; chợ Thới Đông, chợ Trung An, chợ Thạnh Phú, chợ Đông Hiệp thuộc
huyện Cờ Đỏ.
Các chợ đã được chủ trương của Ủy ban nhân dân thành
phố giao doanh nghiệp đầu tư đang triển khai thi công, hoàn tất thủ tục chuẩn
bị đầu tư là 10 chợ: chợ An Nghiệp thuộc quận Ninh Kiều; chợ An Thới, chợ Hồi
Lực, chợ Trà Nóc, chợ Bình Thủy thuộc quận Bình Thủy; chợ Thới Thuận (chợ Bà
Ót), khu Trung tâm dân cư và thương mại, chợ Thuận Hưng thuộc quận Thốt Nốt; chợ
Trường Thành, chợ Trường Xuân thuộc huyện Thới Lai.
So với Kế hoạch số 14/KH-UBND thì còn một số chợ chưa
thực hiện được như: chợ Rạch Côn, chợ cá thủy sản đầu mối thuộc quận Ninh Kiều;
chợ Sang Trắng, chợ Thới An Đông quận Bình Thủy; chợ Ngã Ba quận Ô Môn; chợ
Láng Sen, chợ Thạnh An (chợ Kênh Đ) thuộc huyện Vĩnh Thạnh. Đây là những chợ có
yêu cầu bức xúc nhưng chưa được các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực
hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND gặp không ít những khó khăn, vướng mắc và tồn tại
cụ thể như sau:
- Thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư kéo dài, giá cả
biến động; phục vụ công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do không có quỹ
đất tái định cư cho các hộ phải di dời khi thực hiện đầu tư các chợ trên địa
bàn các quận, huyện một số trường hợp đòi hỏi quyền lợi, bồi hoàn của dân không
thể tiến hành áp giá bồi thường giá trị đất và hoa màu như: chợ cá đầu mối, mở
rộng chợ An Bình, chợ Xuân Khánh giai đoạn 2,...
- Phần lớn các chợ dân cư đều là chợ có quy mô nhỏ,
điều kiện cơ sở hạ tầng của một số chợ còn nhiều hạn chế, ngày càng xuống cấp
mặt bằng nhỏ hẹp, dân cư sinh sống và kinh doanh đan xen. Vì vậy khó mời gọi
doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh khai thác và quản lý chợ.
- Chính sách ưu đãi đầu tư về lĩnh vực chợ chưa rõ
ràng, cơ chế còn chồng chéo vướng mắc nên chưa thu hút được nhà đầu tư.
- Doanh nghiệp thường quan tâm vào các chợ có vị trí
thương mại thuận lợi, dân cư đông, quy mô lớn, nguồn doanh thu khá ổn định, vị
trí trung tâm như quận Ninh Kiều hoặc một số chợ trung tâm của các quận, huyện.
Các chợ còn lại có quy mô nhỏ rất khó mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư.
- Nhìn chung qua triển khai thực hiện chủ trương xã hội
hóa và giao quyền cho doanh nghiệp đầu tư, khai thác kinh doanh và quản lý chợ,
bước đầu đạt được kết quả tích cực như: chợ An Bình, chợ An Hòa do Công ty Cổ
phần Đầu tư Xây dựng thành phố đầu tư; chợ Xuân Khánh, chợ Trung tâm quận Ô Môn
do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng chợ Cửu Long đầu tư; chợ hợp tác xã Trần
Việt Châu do Cty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Việt Mai đầu tư,… một số
chợ huy động vốn đầu tư cơ sở vật chất, tạo thuận lợi cho việc mua bán của các
tiểu thương và bà con nông dân tiêu thụ các sản phẩm tự sản tự tiêu.
- Hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn thành phố
bước đầu được nâng cấp mở rộng, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân và du
khách tham quan du lịch thành phố, hoạt động kinh doanh, đa dạng hàng hóa,
phong phú về mẫu mã, đảm bảo về chất lượng; thực hiện tốt cả 2 chức năng bán
buôn, bán lẻ, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, ổn định giá cả thị trường,
tăng nguồn thu ổn định cho ngân sách của địa phương và hoạt động của chợ đã
phục vụ tích cực cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và tiêu thụ hàng hóa sản
xuất công nghiệp, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Thu hút nhiều tiểu thương vào
tham gia kinh doanh trong chợ, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động có
trình độ phổ thông, tăng thu nhập đáng kể cho các thành phần kinh tế gia đình
tham gia kinh doanh trong chợ.
2. Thực trạng hệ thống chợ trên địa
bàn thành phố:
- Thành phố Cần Thơ hiện có tổng số chợ truyền thống
là 102 chợ, trong đó: có 05 chợ hạng I, 11 chợ hạng II, 53 chợ hạng III, còn
lại là 33 chợ trong diện quy hoạch nhưng chưa đầu tư hạ tầng, chưa đủ điều kiện
phân hạng theo quy định (trong đó: có 65 chợ đô thị và 37 chợ nông thôn) phân
bố khá đều trên địa bàn tại 09 quận, huyện gồm: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng,
Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh.
- Phần lớn chợ hạng III, chợ tạm tình trạng cơ sở hạ
tầng thấp kém, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, thường bị ngập vào
mùa mưa, mặt bằng chật hẹp mua bán sinh hoạt gia đình đan xen, che chắn, kho
chứa không đảm bảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ nhất là mùa khô,...
- Qua khảo sát thực tế và báo cáo của Ủy ban nhân dân
các quận, huyện: còn nhiều chợ có yêu cầu bức xúc cần được đầu tư nâng cấp
trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015, cụ thể: đầu tư xây dựng mới có 27 chợ; cải
tạo, nâng cấp có 12 chợ; giải tỏa, di dời 02 chợ. Đây là những chợ đô thị tại
các trung tâm quận, huyện khu dân cư tập trung, có nhu cầu bức xúc, rất cần mời
gọi đầu tư của các tổ chức, cá nhân và sự hỗ trợ đầu tư từ ngân sách thành phố,
nhằm giải quyết tình trạng quá tải, mặt bằng chật hẹp, vệ sinh môi trường không
đảm bảo, nguy cơ cháy lan diện rộng vào mùa khô, bị ngập mùa mưa, không đạt
tiêu chí hạng chợ theo quy định, chợ đô thị văn minh.
II. Kế hoạch đầu tư phát
triển chợ đô thị năm 2011 - 2015 trên địa bàn thành phố
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của
thành phố trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng chợ văn minh xứng
tầm với đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
1. Mục tiêu đầu tư phát
triển chợ năm 2011 - 2015:
Huy động đúng mức nguồn lực, tài lực của các tổ chức,
cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh khai thác các chợ trung tâm quận huyện, các
chợ dân cư đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ quy mô phù hợp tiêu chí chợ văn
minh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tốt lợi thế thương
mại - dịch vụ phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân, du khách tham quan du
lịch. Đồng thời với triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các chợ xã đạt tiêu
chí chợ nông thôn mới theo Kế hoạch chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố đã
triển khai.
Phấn đấu trong năm 2011 - 2015 tập trung tốt các
nguồn lực, vận động các tổ chức, cá nhân triển khai đầu tư đưa vào hoạt động
kinh doanh các chợ trung tâm quận, huyện chợ có lợi thế thương mại đạt tiêu chí
chợ văn minh; có kết cấu hạ tầng đồng bộ và đủ các tiêu chí của chợ hạng I,
hạng II đảm bảo điểm, nơi mua bán nề nếp ổn định, tạo điểm nhấn phục vụ khách
du lịch nhất là các chợ đã có doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhưng chưa triển khai
thực hiện được, chợ quá bức xúc nhưng khả năng không thể mời gọi doanh nghiệp vào
đầu tư xây dựng, cần thiết phải hỗ trợ từ ngân sách để đầu tư phục vụ đời sống
dân sinh.
2. Kế hoạch đầu tư phát triển chợ cụ
thể từ năm 2011 - 2015:
Trên cơ sở thực trạng hệ thống chợ truyền thống trên
địa bàn thành phố và yêu cầu đầu tư phát triển chợ trong thời gian tới, Ủy ban
nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch đầu tư phát triển chợ đô thị năm 2011 -
2015 như sau:
- Tổng số chợ cần đầu tư xây dựng mới, cải tạo và
nâng cấp 41 chợ. Trong đó: có 27 chợ đầu tư xây dựng mới, 12 chợ cải tạo, nâng
cấp và 02 chợ sẽ di dời (có 20 chợ mời gọi đầu tư, 19 chợ mời gọi đầu tư và cần
thiết có sự hỗ trợ từ ngân sách thành phố, ngân sách quận, huyện đầu tư một số
hạng mục hạ tầng thiết yếu).
- Trên địa bàn các quận, huyện: Quận Ninh Kiều 08 chợ
mời gọi đầu tư, trong đó có 02 chợ sẽ di dời là chợ Hưng Lợi tạm, chợ sắt An
Lạc; quận Bình Thủy có 10 chợ cần đầu tư xây dựng mới (trong đó: 05 chợ mời gọi
đầu tư, 05 chợ cần sự hỗ trợ ngân sách và mời gọi đầu tư); quận Cái Răng 05 chợ
(trong đó: 04 chợ mời gọi đầu tư mới cần sự hỗ trợ ngân sách thành phố, 01 chợ
cải tạo nâng cấp); quận Ô Môn 08 chợ (03 chợ cần sự hỗ trợ từ ngân sách cải tạo
nâng cấp, 05 chợ mời gọi đầu tư mới); quận Thốt Nốt 06 chợ (cần hỗ trợ từ ngân
sách, trong đó: 02 chợ đầu tư xây dựng mới, 04 chợ cải tạo nâng cấp); huyện Cờ
Đỏ 01 chợ cần hỗ trợ ngân sách và mời gọi đầu tư; huyện Phong Điền 01 chợ mời
gọi doanh nghiệp đầu tư; huyện Thới Lai 01 chợ cần hỗ trợ ngân sách thành phố; huyện
Vĩnh Thạnh 01 chợ cần hỗ trợ ngân sách thành phố (xem Phụ lục Kế hoạch đầu
tư phát triển chợ đô thị năm 2011 - 2015 trên địa bàn thành phố Cần Thơ).
3. Giải pháp và chính
sách về đầu tư:
- Sở Công Thương chủ trì phối hợp các sở ngành liên
quan phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách khuyến
khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các loại hình kết cấu
hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân
khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tự có và các nguồn vốn khác để đầu
tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn thành phố; chủ yếu là phổ
biến;
- Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý
chợ; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm
2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Nghị định số 108/2006/NĐ-CP
ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Đầu tư; Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16 tháng 10
năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết
định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các văn bản
quy định hiện hành có liên quan;
- Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số
58/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ
về việc phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống chợ, siêu thị,
trung tâm thương mại đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số
42/2009/QĐ-UBND ngày 05 tháng 8 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ
về việc Quy định mức thu phí chợ; phí qua phà; qua đò; phí trông giữ xe; phí sử
dụng lề đường, bến bãi, mặt nước; phí vệ sinh và phí xây dựng; Quyết định số
250/2004/QĐ-UB ngày 09 tháng 6 năm 2004 về việc ban hành Quy chế quản lý và phát
triển chợ trên địa bàn thành phố Cần Thơ và Quyết định số 74/2005/QĐ-UBND ngày
06 tháng 12 năm 2005 phê duyệt Phương án chuyển đổi tổ chức quản lý từ Ban Quản
lý chợ, Tổ Quản lý chợ hạng III sang hình thức Doanh nghiệp quản lý chợ.
4. Tổ chức thực hiện:
Để thực hiện đầu tư phát triển chợ đô thị năm 2011 -
2015 trên địa bàn thành phố có hiệu quả cao, đạt yêu cầu kế hoạch của từng năm
đề ra, Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ các sở ngành có liên quan:
a) Sở Công Thương:
- Chủ trì và phối hợp các sở ngành cùng với Ủy ban
nhân dân quận, huyện rà soát các chợ truyền thống chưa đảm bảo kết cấu hạ tầng,
quy mô hạng chợ phù hợp quy hoạch để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia
đầu tư xây dựng chợ;
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân
các quận, huyện và các đơn vị liên quan xem xét, lựa chọn doanh nghiệp có năng
lực, kinh nghiệm đề xuất ý kiến trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét đồng ý
chủ trương giao doanh nghiệp đầu tư xây dựng khai thác kinh doanh và quản lý
chợ đúng quy định, đạt hiệu quả.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành chức năng rà
soát các doanh nghiệp, chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đề xuất giao đầu tư
xây dựng chợ và các chợ có yêu cầu bức xúc cần thiết theo đề xuất của Ủy ban
nhân dân quận, huyện phải hỗ trợ vốn từ nguồn ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở
hạ tầng thiết yếu phù hợp các quy định, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem
xét, quyết định hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng, nhằm khuyến khích mời gọi tổ chức và
cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực chợ trên địa bàn thành phố;
- Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thực hiện
giám sát, kiểm tra các dự án đầu tư chợ, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư;
- Hướng dẫn hồ sơ thủ tục đầu tư chợ trên địa
bàn thành phố theo quy định hiện hành.
c) Sở Tài nguyên Môi
trường:
- Hướng dẫn các thủ tục liên quan đến đất đai trong
việc đầu tư xây dựng chợ, kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường; lập
thủ tục ký kết hợp đồng thuê đất và quản lý việc thuê đất của các đối tượng đã
được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Phối hợp sở, ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban
nhân dân thành phố thực hiện cơ chế chính sách về đất để tổ chức, người sử dụng
đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật hiện
hành,...
d) Sở Xây dựng:
Thẩm định thiết kế từng dự án chợ cụ thể theo quy
định của Nhà nước và phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của các quận,
huyện đã được phê duyệt.
đ) Sở Tài chính:
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư phân bổ vốn đã
được phê duyệt, kiểm tra tài chính, kiểm tra quyết toán đối với những công
trình chợ sử dụng vốn ngân sách nhà nước;
- Cùng với Cục Thuế xây dựng các chính sách ưu tiên
miễn giảm thuế cho doanh nghiệp; đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố mức thu
phí mặt bằng chợ đối với chợ do doanh nghiệp đầu tư xây dựng nguồn vốn ngoài
ngân sách.
g) Sở Giao thông vận tải:
- Thỏa thuận địa điểm dự kiến xây dựng mới chợ, mở
rộng chợ của các quận, huyện phù hợp với quy hoạch hệ thống giao thông trên địa
bàn thành phố;
- Thường xuyên kiểm tra đôn đốc các cấp quản lý đối
với những chợ vi phạm lộ giới, có kiến nghị với Ủy ban nhân dân quận, huyện lập
kế hoạch di dời khẩn trương để đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội.
h) Ủy ban nhân dân quận,
huyện:
- Rà soát, xác định rõ quy mô chợ phù hợp quy hoạch
có nhu cầu bức xúc cần mời gọi đầu tư, chủ động liên hệ với các tổ chức, cá
nhân có năng lực, kinh nghiệm kinh doanh khai thác, quản lý chợ trong, ngoài
thành phố để giới thiệu và doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư lập Phương án dự kiến
đầu tư rõ ràng, gửi Sở Kế hoạch Đầu tư xem xét phối hợp với các sở, ngành chức
năng, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định;
- Chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng hỗ
trợ về trình tự thủ tục đầu tư, đề xuất ý kiến với Sở Kế hoạch & Đầu tư trình
Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng chợ từ
ngân sách thành phố;
- Chỉ đạo kiểm tra phòng chức năng các quận, huyện
phối hợp chặt với nhà đầu tư triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng,
giải quyết các vướng mắc hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ;
- Thường xuyên thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên
các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách, quyết tâm thực
hiện xây dựng chợ văn minh, nhằm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần
phục vụ nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân thụ hưởng chính sách an sinh xã
hội, lợi ích cộng đồng của Đảng và Nhà nước để nhân dân biết đồng tình tham gia
ủng hộ.
Các sở, ngành thành phố và các đơn vị có liên quan
phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện xem xét, giải quyết kịp thời các khó
khăn, vướng mắc của chủ đầu tư theo chức năng, thẩm quyền; nếu vượt quá thẩm
quyền, đề xuất ý kiến trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
Giám đốc Sở Công Thương kiểm tra đôn đốc việc triển
khai tổ chức thực hiện Kế hoạch đầu tư phát triển chợ đô thị năm 2011- 2015
trên địa bàn thành phố, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân thành phố
để kịp thời chỉ đạo có hiệu quả./.
(Đính kèm Phụ lục Kế hoạch đầu tư
phát triển chợ đô thị năm 2011 - 2015 trên địa bàn thành phố Cần Thơ)
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Thành Thống
|