Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Hướng dẫn 628/BKHĐT-TH 2015 lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 2020

Số hiệu: 628/BKHĐT-TH Loại văn bản: Hướng dẫn
Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Người ký: ***
Ngày ban hành: 01/02/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 628/BKHĐT-TH

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2015

HƯỚNG DẪN

LẬP KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN 5 NĂM 2016-2020
(Tài liệu phục vụ Hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 tại Hà Nội ngày 02 tháng 02 năm 2015)

Để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn số 5318/BKHĐT-TH ngày 15 tháng 8 năm 2014. Để phục vụ cho công tác lập kế hoạch đầu tư trung hạn của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin hệ thống lại và hướng dẫn cụ thể thêm như sau:

I. PHẠM VI VÀ CĂN CỨ, NGUYÊN TẮC LẬP KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG

1. Phạm vi lập kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của các bộ, ngành và địa phương bao gồm: Kế hoạch đầu tư từ các nguồn: vốn NSNN; vốn trái phiếu Chính phủ; vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước; vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương.

2. Căn cứ và nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020

Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 phải được thực hiện theo đúng các căn cứ và nguyên tắc quy định trong Luật Đầu tư công và Chỉ thị số 23/CT-TTg , trong đó các bộ, ngành và địa phương cần lưu ý:

- Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn phải nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước, cũng như của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

- Đối với các dự án khởi công mới trong 5 năm 2016-2020 ngay từ năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2016-2020 bộ, ngành và địa phương phải bố trí đủ vốn chuẩn bị đầu tư để trình duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.

- Trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, đối với từng nguồn vốn, các bộ, ngành, địa phương chỉ phân bổ 85% tổng số vốn, còn lại 15% để dự phòng xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trong từng năm cụ thể.

3. Xác định chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu

a) Về chương trình mục tiêu quốc gia

Theo quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2016-2020 chỉ thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ, cơ quan Trung ương phụ trách 14 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trong giai đoạn 2011-2015 còn lại rà soát, lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ có liên quan đến giảm nghèo vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các mục tiêu, nhiệm vụ liên quan đến xây dựng nông thôn mới vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở kết quả rà soát này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 2 chương trình này trình Thủ tướng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, dự kiến báo cáo xin ý kiến Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 2016-2020 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII vào tháng 5 tới.

b) Về chương trình mục tiêu

Để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và tăng quyền chủ động trong việc bố trí vốn kế hoạch hàng năm, tại Chỉ thị số 23/CT-TTg , Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu giảm tối đa số lượng chương trình mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 theo hướng lồng ghép các chương trình có cùng mục tiêu, nhiệm vụ tương tự nhau. Trong từng ngành, lĩnh vực (nếu cần thiết có chương trình mục tiêu) chỉ đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt không quá 2 chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020.

b.1) Đối với với chương trình mục tiêu sử dụng vốn ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác do Trung ương quản lý: các bộ, ngành quản lý nhà nước đề xuất trình Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tối đa không quá 2 chương trình mục tiêu/ngành, lĩnh vực (nếu cần thiết có chương trình mục tiêu).

Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được văn bản của 11 bộ đề xuất 19 chương trình mục tiêu1. Tuy nhiên, một số bộ mới đề xuất danh mục, chưa có Báo cáo chủ trương đầu tư. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (xác định phần vốn sự nghiệp của chương trình nếu có) và các bộ chủ chương trình rà soát lại danh mục các chương trình, theo hướng thu hẹp số lượng chương trình, tạo thuận lợi cho các địa phương lồng ghép nguồn vốn đầu tư trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg .

Trong việc xác định các chương trình mục tiêu, các bộ chủ chương trình căn cứ vào tình hình cân đối vốn của chương trình trong 5 năm qua và nhu cầu trong 5 năm tới, có chia ra phần ngân sách trung ương và phần của địa phương. Các bộ chủ chương trình cân đối xây dựng các mục tiêu, nội dung của chương trình cho phù hợp, khắc phục tình trạng đưa mục tiêu và tổng mức đầu tư quá cao2, thiếu tính khả thi như trong thời gian qua.

Sau khi lựa chọn chương trình mục tiêu và dự kiến nguồn vốn cân đối cho từng chương trình, bao gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương, trong đó chia ra vốn đầu tư và vốn sự nghiệp (vốn sự nghiệp phải làm việc với Bộ Tài chính), các bộ chủ chương trình đề xuất danh mục và các nội dung chủ yếu của chương trình, bao gồm: mục tiêu, phạm vi, nội dung chủ yếu, sơ bộ tổng số vốn và các nguồn vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp trình Chính phủ xem xét danh mục chương trình.

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ chủ chương trình khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh Báo cáo chủ trương đầu tư trình Chính phủ phê duyệt trước ngày 15 tháng 3 năm 2015.

b.2) Đối với các chương trình mục tiêu sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác do địa phương quản lý: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ o mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu của địa phương.

c) Xử lý đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 không tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016-2020

- Trong năm 2015, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo để hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng các dự án đầu tư dở dang của các chương trình. Không mở thêm các dự án mới.

Trường hợp một số ít dự án dở dang do lý do khách quan, chưa thể hoàn thành trong năm 2015, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động bố trí vốn đầu tư nguồn NSNN và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2016 - 2020 để hoàn thành dự án. Điều chỉnh giảm quy mô, giãn, hoãn tiến độ thi công các dự án trong trường hợp không cân đối được nguồn vốn. Cần lưu ý khi cắt giảm quy mô, giãn, hoãn về điểm dừng kỹ thuật của dự án để phát huy hiệu quả của các hạng mục đã đầu tư dở dang, tránh thất thoát, lãng phí.

- Đối với một số nhiệm vụ của chương trình chưa hoàn thành, sẽ lồng ghép vào các chương trình khác có mục tiêu tương tự nhau, hoặc vào nhiệm vụ thường xuyên và bố trí trong vốn đầu tư và chi thường xuyên của bộ, ngành và vốn cân đối ngân sách ngân sách địa phương để thực hiện.

II. LẬP KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRƯNG HẠN 5 NĂM 2016-2020

Trên cơ sở các căn cứ và các nguyên tắc nêu trên, dự kiến khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư công, khả năng huy động các nguồn vốn khác (kể cả hình thức đối tác công tư PPP) để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công; các giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát dự kiến danh mục các dự án đầu tư công và lập kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020 của từng nguồn vốn theo quy định dưới đây:

I. Quy trình lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của các bộ, ngành, địa phương

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của các bộ, ngành và địa phương được xây dựng theo quy trình thống nhất và báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến phê duyệt gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo 3 lần dự thảo như sau:

a) Dự thảo Kế hoạch lần thứ nhất (theo quy định phải gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31 tháng 12 năm 2014): Đây là giai đoạn dự kiến sơ bộ về nhu cầu đầu tư.

Trong giai đoạn này, các bộ, ngành, địa phương triển khai các công việc sau đây:

(1) Xác định tổng số vốn đầu tư dự kiến cho 5 năm tới.

- Về tổng số vốn trung ương: Dự kiến tổng số vốn của ngân sách trung ương cho từng bộ, ngành, từng địa phương tăng khoảng 10% (bao gồm tổng vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và các nguồn vốn khác do Trung ương quản lý).

- Về vốn cân đối ngân sách địa phương cho địa phương dự kiến theo các nguyên tắc quy định trong Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

(2) Rà soát danh mục dự án đầu tư, bao gồm dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới (theo quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn số 5318/BKHĐT-TH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

(3) Dự kiến phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 bao gồm tổng vốn đầu tư của từng bộ, ngành, địa phương; số vốn phân bổ theo ngành, lĩnh vực, chương trình; danh mục và dự kiến sơ bộ mức vốn bố trí cho từng dự án cụ thể theo các nguyên tắc, tiêu chí quy định trong Luật Đầu tư công Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở đó, tổng hợp thành báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn lần thứ nhất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư với đầy đủ các nội dung đã quy định trong Luật Đầu tư công.

Về báo cáo dự thảo kế hoạch lần thứ nhất, cho đến nay, có 43 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 24 địa phương đã gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Qua rà soát sơ bộ cho thấy, dự kiến của các bộ, ngành, địa phương vượt quá nhiều so với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Để có căn cứ thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 31 tháng 01 năm 2015 và xin hướng dẫn thêm một số ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện dự thảo lần thứ nhất như sau:

- Đề nghị các bộ, ngành và địa phương xác định số vốn đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020 nguồn ngân sách trung ương tính toán theo quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg như sau: Căn cứ kế hoạch năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, loại trừ những khoản vốn tăng không thường xuyên, như: khoản 4.300 tỷ đồng từ thu sử dụng đất của Bộ Quốc phòng, các dự án lớn đã hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015 như: Nhà Quốc hội, trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước,…), Chương trình Biển Đông - Hải đảo và khoản hỗ trợ các dự án cấp bách từ nguồn vốn ngân sách trung ương do dự án cấp bách nhiều thay đổi giữa các địa phương.

Lấy kết quả rà soát đã loại trừ các khoản vốn nêu trên tăng thêm 10%, được số vốn dự kiến năm 2016; lấy kết quả dự kiến 2016 tăng thêm 10%, được số vốn dự kiến năm 2017,... Tổng cộng lại 5 năm 2016-2020 dự kiến sơ bộ vốn ngân sách trung ương (bằng khoảng 6,7 lần kế hoạch năm 2015 đã loại trừ các yếu tố nêu trên) bao gồm toàn bộ nguồn vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu (đối với các bộ, ngành trung ương) và tổng số vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương của địa phương.

Căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của bộ, ngành, địa phương và số dự kiến về tổng số vốn đầu tư nêu trên, các bộ ngành và địa phương xác định những mục tiêu ưu tiên để đầu tư. Từ đó lựa chọn dự kiến danh mục dự án và dự kiến các chương trình mục tiêu phù hợp với đặc điểm của từng ngành và từng địa phương.

- Một số vấn đề có tính nguyên tắc cần chú ý trong bố trí vốn trong 5 năm 2016-2020:

+ Việc bố trí vốn đầu tư nguồn NSNN phải căn cứ vào mục tiêu, định hướng chiến lược và quy hoạch phát triển của bộ, ngành, địa phương và tổng số vốn dự kiến nêu trên (đối với phần vốn ngân sách trung ương), các nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

+ Do nguồn vốn NSNN rất hạn hẹp, nên trong bố trí vốn phải quán triệt nguyên tắc ưu tiên sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, như: hợp tác công - tư, khai thác các nguồn vốn tư nhân khác, vốn ODA cho vay lại,...

- Về cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách trung ương cho các dự án do địa phương quản lý

+ Về chương trình hỗ trợ phát triển vùng theo các nghị quyết của Bộ Chính trị chỉ hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa, quốc phòng, an ninh; các lĩnh vực khác giao địa phương chịu trách nhiệm cân đối ngân sách địa phương để thực hiện;

+ Đối với hỗ trợ trong từng ngành, lĩnh vực sẽ xác định các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, nhưng trên nguyên tắc chung là trung ương hỗ trợ tập trung cho các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, chủ yếu là các dự án hạ tầng, như: giao thông hỗ trợ để đầu tư các dự án đường nhánh nối với các quốc lộ hoặc các quốc lộ giao địa phương quản lý, các dự án liên tỉnh; các dự án thủy lợi liên vùng;... Nguyên tắc, tiêu chí hỗ trợ sẽ được công khai báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định.

+ Về quy mô dự án hỗ trợ: Để bố trí vốn ngân sách trung ương tập trung, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ quyết định tiêu chí quy mô của dự án khởi công mới được hỗ trợ từ ngân sách trung ương là các dự án từ nhóm B và các dự án nhóm C tổng mức đầu tư từ 45 tỷ đồng trở lên.

+ Về cơ chế hỗ trợ dự án cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với các dự án khởi công mới trung ương hỗ trợ sẽ bố trí 100% từ nguồn ngân sách trung ương, bao gồm vốn chuẩn bị đầu tư, vốn đền bù giải phóng mặt bằng, vốn xây lắp, trang thiết bị,...

Đối với các dự án đầu tư dở dang đã bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương, tiếp tục hỗ trợ theo tỷ lệ như cũ, không phân biệt quy mô dự án, cho đến khi hoàn thành; không áp dụng cơ chế mới về quy mô và tỷ lệ hỗ trợ 100% nêu trên.

- Về nguyên tắc sắp xếp thứ tự ưu tiên bố trí vốn NSNN

Như trên đã báo cáo, do nguồn vốn NSNN còn hạn hẹp, nên trong bố trí vốn phải quán triệt nguyên tắc ưu tiên sử dụng vốn ngân sách nhà nước như vốn mồi để huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Theo tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 31 tháng 01 năm 2015 đã chỉ đạo thứ tự ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước điều chỉnh so với Chỉ thị số 23/CT-TTg3 như sau:

+ Ưu tiên đầu tiên bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công - tư PPP. Các bộ, ngành và địa phương trên cơ sở Nghị định PPP sẽ ban hành sắp tới, lựa chọn dự án và dự kiến sơ bộ số vốn hỗ trợ của nhà nước, cân đối trong tổng vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình theo cách tính toán nêu ở trên và vốn cân đối ngân sách địa phương.

+ Ưu tiên thứ hai là bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA bảo đảm cân đối đủ vốn đối ứng để giải ngân vốn nước ngoài theo đúng tiến độ đã cam kết.

+ Ưu tiên thứ ba thanh toán trả nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn vốn đã ứng trước.

+ Ưu tiên thứ tư là bố trí cho những công trình dự kiến hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2015 nhưng còn thiếu vốn; các công trình chuyển tiếp, dở dang của giai đoạn 2011-2015 chuyển sang giai đoạn 2016-2020.

+ Cuối cùng, số vốn còn lại mới bố trí cho các dự án mới.

- Để bổ sung và hoàn thiện dự thảo kế hoạch với các nội dung hướng dẫn thêm như trên đề nghị lùi thời gian gửi dự thảo kế hoạch lần thứ nhất về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 28 tháng 02 năm 2015 để có thẩm định (chậm 2 tháng so với quy định của Chỉ thị số 23/CT-TTg).

b) Dự thảo Kế hoạch lần thứ hai: Đây là giai đoạn tiếp tục hoàn thiện dự thảo kế hoạch của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự thảo kế hoạch và phương án phân bổ vốn cho các bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Quốc hội.

(1) Về nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương:

Trong giai đoạn này, căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự thảo kế hoạch lần thứ nhất; các bộ, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ các nội dung của dự thảo kế hoạch; đặc biệt chú trọng đến việc rà soát danh mục dự án, sắp xếp bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên. Đồng thời, phải đề ra được các giải pháp huy động các nguồn vốn khác, bảo đảm cho các dự án thực hiện đứng tiến độ. Báo cáo dự kiến kế hoạch lần thứ hai gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30 tháng 6 năm 2015.

Về yêu cầu báo cáo số nợ đọng xây dựng cơ bản: Theo quy định, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn lần thứ nhất của các bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31 tháng 12 năm 20144; tại thời điểm này chỉ xác định được sơ bộ số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản. Do đó, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý nợ đọng; rà soát kỹ, chốt chính xác tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương và nguồn ngân sách địa phương tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2014; dự kiến kế hoạch trả nợ trong 5 năm tới, bao gồm kế hoạch thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản trong 5 năm tới (nêu rõ trong dự thảo Kế hoạch lần thứ hai) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

(2) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tổng hợp dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; trong đó dự kiến tổng mức và cơ cấu đầu tư các nguồn vốn; dự kiến phương án phân bổ tổng số vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ theo ngành, lĩnh vực, chương trình cho các bộ, ngành, địa phương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến. Căn cứ ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh và thửa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội, đồng thời thông báo cho các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết.

c) Dự thảo kế hoạch lần thứ 3: (các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo kế hoạch lần thứ 3 về Bộ Kế hoạch Đầu tư trước ngày 20 tháng 11 năm 2015) là giai đoạn phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định giao kế hoạch.

(1) Về nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương

Căn cứ dự kiến mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo, bao gồm tổng số vốn, số vốn dự kiến theo ngành, lĩnh vực, chương trình, các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ sau:

- Rà soát lần cuối về danh mục dự án, các điều kiện thủ tục đầu tư của từng chương trình, dự án cụ thể. Riêng về các chương trình mục tiêu, đến giai đoạn này, đã có quyết định phê duyệt chương trình của cấp có thẩm quyền, cho nên việc rà soát lựa chọn danh mục các dự án thuộc chương trình phải phù hợp với mục tiêu và phạm vi của từng chương trình.

- Dự kiến phương án phân bổ vốn của từng ngành, lĩnh vực, chương trình cho từng dự án cụ thể theo đúng tổng số vốn dự kiến kế hoạch được thông báo và các nguyên tắc thứ tự ưu tiên bố trí vốn như đã nêu ở phần trên.

Trong việc rà soát danh mục dự án và bố trí vốn trong giai đoạn phân bổ chi tiết cần lưu ý xử lý các dự án dở dang thuộc các chương trình không tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, như: lồng ghép vào các chương trình khác, chuyển vào nhiệm vụ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách của các bộ, ngành, vốn cân đối của ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện dự án; hoặc áp dụng các biện pháp điều chỉnh giảm quy mô, giãn hoãn,...; bảo đảm hiệu quả số vốn đã đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí.

(2) Nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và các báo cáo về phương án phân bổ vốn chi tiết của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án phân bổ vốn chi tiết và giao kế hoạch đầu tư trung hạn cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Trong giai đoạn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát danh mục và hoàn chỉnh phương án phân bổ vốn theo đúng quy định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Rà soát dự kiến danh mục dự án đầu tư công giai đoạn 2011-2015 chuyển tiếp và các dự án khởi công mới giai đoạn 2016-2020

Để chuẩn bị danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn phải tiến hành rà soát kỹ lưỡng trong cả 3 lần xây dựng dự thảo kế hoạch đã nêu ở trên.

a) Rà soát danh mục dự án chuyển tiếp

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, lập danh mục các dự án đang được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2011-2015 theo từng nguồn vốn; chia ra nhóm các dự án: Danh mục dự án hoàn thành và đã bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31 tháng 12 năm 2014 nhưng chưa bố trí đủ vốn; Danh mục dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2015, nhưng chưa bố trí đủ vốn; Danh mục dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020; Danh mục dự án hoàn thành sau năm 2020.

b) Rà soát danh mục các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định trước ngày Luật Đầu tư công có hiệu lực, chưa được bố trí vốn, nhưng đã có trong kế hoạch đầu tư được phê duyệt hoặc đã được Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền đồng ý bố trí vốn đầu tư công trong giai đoạn 2016-2020 để thực hiện.

Đối với các dự án này được bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020, không phải làm các thủ tục về thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư.

c) Rà soát danh mục dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020

Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định trước ngày Luật Đầu tư công có hiệu lực (ngày 01 tháng 01 năm 2015), nhưng chưa được bố trí vốn và chưa có trong kế hoạch đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các dự án khởi công mới: Thực hiện việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và quyết định dự án theo quy định tại Chương II của Luật Đầu tư công. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương:

- Bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch năm 2015 và trong giai đoạn 2016-2020 để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án mới.

- Chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, điều kiện để tổ chức lập, thẩm định gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định tại Mục 1, Chương II của Luật Đầu tư công. Ở địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các chương trình, dự án nhóm A, B và C và thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

- Căn cứ quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền, tổ chức lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư công theo quy định tại Mục 2, Chương II của Luật Đầu tư công.

3. Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020

a) Dự kiến phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020

Trên cơ sở dự kiến khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 (khả năng cân đối từng nguồn vốn theo hướng dẫn cụ thể tại mục lập kế hoạch từng nguồn vốn), các bộ, ngành, địa phương dành lại dự phòng khoảng 15% kế hoạch vốn mỗi loại để xử lý các vấn đề phát sinh, cấp bách trong quá trình triển khai kế hoạch trung hạn, dự kiến phương án phân bổ 85% tổng số vốn theo quy định sau:

a.1) Bố trí đủ vốn chuẩn bị đầu tư để tổ chức lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư cho các dự án đầu tư công khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020 theo quy định và các dự án dự kiến khởi công mới cho giai đoạn tiếp theo (nếu có).

a.2) Bố trí vốn thực hiện dự án đầu tư theo ngành, lĩnh vực, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu cho từng dự án để giải phóng mặt bằng, lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán của dự án hoặc hạng mục của dự án và tổ chức thi công cho các dự án theo thứ tự ưu tiên nêu tại Điểm 1, Mục II trên đây.

Việc bố trí vốn các dự án khởi công mới giai đoạn 2016-2020 phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo đúng quy định tại Luật Đầu tư công.

- Bảo đảm bố trí đủ vốn giai đoạn 2016-2020 để hoàn thành dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.

b) Dự kiến các kết quả đạt được và các tồn tại, hạn chế trong phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.

c) Đề xuất, kiến nghị và các giải pháp, chính sách triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.

4. Lập kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN 5 năm 2016-2020 của các bộ, ngành, địa phương

a) Về dự kiến tổng mức vốn nguồn NSNN 5 năm 2016-2020

Các bộ, ngành và địa phương dự kiến tổng vốn đầu tư trong dự kiến kế hoạch lần thứ nhất và lần thứ hai như sau:

- Tổng số vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước của các bộ, ngành ở trung ương và vốn bổ sung có mục tiêu (chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu,...) tăng bình quân 10%/năm so với kế hoạch năm trước do Thủ tướng Chính phủ giao.

- Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách của các địa phương (không bao gồm tiền thu sử dụng đất): trong năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước phấn đấu tăng khoảng 10% so với kế hoạch năm trước do Thủ tướng Chính phủ giao. Trong các năm tiếp theo, tính toán tăng theo khả năng cân đối thu, chi ngân sách địa phương.

b) Lập kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN

Các bộ, ngành và địa phương căn cứ dự kiến tổng mức vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN, lập kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 theo đúng các quy định lập kế hoạch đầu tư công nêu tại điểm 2 trên đây, đồng thời trong lập kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 phải thực hiện các nguyên tắc, tiêu chí dưới đây:

- Dự kiến kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN phải phù hợp với khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước, dự kiến khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư khác đối với các dự án sử dụng nhiều nguồn vốn đầu tư.

- Phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 của cả nước và từng địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định.

- Bố trí vốn cho các chương trình, dự án phải thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước.

- Theo thứ tự ưu tiên bố trí vốn đã nêu ở trên.

- Các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương khởi công mới phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn; các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương cấp nào, phải được cấp đó thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định tại Luật Đầu tư công.

5. Lập kế hoạch đầu tư nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 5 năm 2016-2020

a) Đối với các chương trình, dự án đã được Quốc hội bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016

Đề nghị các bộ, ngành, địa phương dự kiến kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 trên cơ sở nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung giai đoạn 2014-2016 còn lại như sau:

a.1) Đối với các dự án giao thông, thủy lợi, y tế

- Thực hiện theo đúng danh mục và mức vốn trái phiếu Chính phủ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung năm 2014-2016.

- Tập trung thanh toán dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2014.

- Bố trí đủ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2016 để thu hồi các khoản vốn trái phiếu Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ cho phép ứng trước, chưa bố trí thu hồi tại kế hoạch các năm trước.

- Mức vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2016 bố trí cho từng dự án không được vượt quá số vốn kế hoạch giai đoạn 2014-2016 còn lại của từng dự án.

- Dự kiến khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư công khác và huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác để bổ sung vốn cho các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ triển khai dở dang nhưng chưa được bố trí đủ vốn.

a.2) Đối với vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA

Các bộ, ngành và địa phương phải chủ động sử dụng các nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí cho các bộ, ngành trung ương, vốn cân đối ngân sách địa phương và hỗ trợ phát triển vùng để cân đối vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA, không trông chờ vào nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đề xuất vốn đối ứng nguồn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2016 cho các chương trình, dự án ODA chỉ tập trung cho một số chương trình, dự án trọng điểm, cấp bách.

a.3) Đối với vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở số vốn còn lại trong kế hoạch giai đoạn 2014-2016, dự kiến bố trí vốn trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

b) Đề xuất nhu cầu đầu tư các dự án lớn, quan trọng tác động liên vùng, khu vực và toàn quốc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020

Hiện nay, Quốc hội chưa có chủ trương phát hành vốn trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn tới. Tuy nhiên, trước yêu cầu đẩy mạnh thực hiện chủ trương đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, nợ công trong giới hạn cho phép, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xác định khả năng phát hành nguồn trái phiếu giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổng hợp nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 cho một số dự án lớn, quan trọng của các bộ: Giao thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và các dự án trọng điểm của các địa phương, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển ngành, lĩnh vực và có tác động liên vùng, khu vực. Riêng về địa phương, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dự kiến không quá 3 dự án (nếu thấy cần thiết).

Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát từng dự án cụ thể về quy mô, tổng vốn, hiệu quả đầu tư, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho chủ trương trên tinh thần tăng thêm nguồn vốn xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội, đồng thời vẫn bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

6. Lập kế hoạch đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020

Địa phương căn cứ vào tình hình, triển vọng phát triển kinh tế và nguồn thu, phấn đấu tốc độ tăng vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước (như: nguồn xổ số kiến thiết, các khoản phí để lại cho đầu tư) khoảng 12-15%/năm so với kế hoạch năm trước, lập kế hoạch đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020 của từng nguồn thu cụ thể theo các nội dung dưới đây:

a) Kế hoạch về số thu hằng năm trong 5 năm 2016-2020 đối với từng nguồn thu cụ thể để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước.

b) Dự kiến phương án phân bổ cụ thể đối với từng nguồn vốn theo các quy định về lập kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN 5 năm 2016-2020 theo quy định tại điểm 3 nêu trên.

c) Việc phân bổ, sử dụng nguồn vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương theo đúng mục tiêu quy định tại nghị quyết của Quốc hội, quy định của Chính phủ đối với từng nguồn thu cụ thể.

7. Lập kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trung hạn 5 năm 2016-2020

a) Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành trung ương và các địa phương dự kiến kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước và vốn tín dụng đầu tư chính sách xã hội 5 năm 2016-2020 với tốc độ tăng trưởng khoảng 8%/năm so với kế hoạch năm trước theo các nội dung dưới đây:

- Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước: dự kiến kế hoạch đầu tư các khoản vay đầu tư phát triển từ nguồn vốn trong nước, nguồn vốn ODA cho vay lại của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các quỹ đầu tư của địa phương (nếu có) trong giai đoạn 2016-2020.

- Vốn tín dụng chính sách xã hội: dự kiến kế hoạch tín dụng theo các chương trình sử dụng vốn tín dụng chính sách, như: các khoản cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh sinh viên, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay trả chậm nhà ở, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay trồng rừng,... trong giai đoạn 2016-2020 và từng năm cụ thể.

- Dự kiến kế hoạch hoàn trả các khoản vốn vay, làm rõ các nguồn vốn hoàn trả các khoản vốn vay, trong đó: hoàn trả các khoản vốn vay cho các chương trình, dự án triển khai từ Kế hoạch năm 2015 trở về trước, hoàn trả các khoản vốn vay cho các chương trình, dự án trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020. Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội dự kiến các cân đối nguồn và phương thức huy động các nguồn vốn, dự kiến bù lãi suất và chi phí ngân hàng,...

b) Các bộ, ngành và địa phương lập kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước giai đoạn 2016-2020, cần lưu ý:

- Các dự án thuộc kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước phải có khả năng thu hồi vốn, có hiệu quả và khả năng trả nợ, thuộc ngành, lĩnh vực được sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

- Đối với các dự án hoàn trả một phần vốn vay bằng nguồn vốn ngân sách trung ương (các dự án do các bộ, ngành cơ quan trung ương quản lý) phải thực hiện các quy định tại Điều 55 của Luật Đầu tư công và thuộc danh mục Kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương.

- Đối với các dự án hoàn trả một phần hoặc toàn bộ vốn vay bằng nguồn cân đối ngân sách địa phương (các dự án do địa phương quản lý) phải thực hiện các quy định tại Điều 55 của Luật Đầu tư công và thuộc danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn cân đối ngân sách địa phương.

8. Lập kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2016-2020

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào các hiệp định, các cam kết và dự kiến khả năng giải ngân để lập kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg. Trong đó lưu ý cần tập trung vào một số nội dung như sau:

a) Dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài 5 năm 2016-2020 trên cơ sở kế hoạch thực hiện chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiến độ cam kết với nhà tài trợ nước ngoài, trong đó làm rõ danh mục các dự án đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, danh mục cho vay lại tương ứng với 2 nguồn vốn trên.

b) Phải rà soát lại toàn bộ danh mục các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA, trong đó làm rõ:

- Danh mục các dự án đang đầu tư dở dang;

- Danh mục các dự án khởi công mới phải được kiểm soát chặt chẽ về sự cần thiết, thực sự hiệu quả và xác định được khả năng trả nợ.

c) Cân đối đủ vốn đối ứng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo cam kết với nhà tài trợ nước ngoài, phù hợp với khả năng giải ngân thực tế hằng năm của chương trình, dự án.

9. Lập kế hoạch vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn vay khác của ngân sách địa phương

Địa phương căn cứ tình hình phát triển và khả năng huy động của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để hoàn trả các khoản vốn vay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp cho ý kiến về dự kiến mức vốn vay của ngân sách địa phương, nhưng không vượt quá tổng mức huy động theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Trong kế hoạch vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn vay khác của ngân sách địa phương cần làm rõ:

a) Khả năng huy động vốn trái phiếu chính quyền địa phương (nếu có) trong 5 năm 2016-2020.

b) Khả năng huy động các nguồn vốn vay (nêu rõ các nguồn vốn vay) và sử dụng vốn vay khác của ngân sách địa phương theo từng năm trong 5 năm 2016-2020.

c) Kế hoạch bố trí vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn vay khác của ngân sách địa phương cho các dự án trong 5 năm 2016-2020. Trong đó yêu cầu:

- Việc bố trí vốn kế hoạch thực hiện theo quy định bố trí kế hoạch vốn đầu tư công, danh mục dự án phải thuộc danh mục các dự án sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương.

- Kế hoạch vốn đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020 nguồn vốn này phải phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 và hoàn trả đúng hạn các khoản vốn vay.

d) Dự kiến kế hoạch bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác (nêu cụ thể nguồn vốn) hoàn trả các khoản trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vốn vay của ngân sách địa phương.

đ) Dự kiến dư nợ các khoản vốn vay của ngân sách địa phương đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.

* *

*

Trên đây là báo cáo hướng dẫn bổ sung phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Kính báo cáo Hội nghị thảo luận và cho ý kiến./.



1 (1) Bộ Công an: 4 chương trình (đã đề xuất ghép lại thành 2 chương trình): Chương trình phòng chống tội phạm, ma túy và mua bán người và đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Chương trình phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn; (2) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 2 chương trình: Chương trình phát triển thủy sản bền vững; Chương trình phát triển rừng bền vững; (3) Bộ Công thương: 3 chương trình: Chương trình mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng thương mại giai đoạn 2016-2020; Đề án "Phát triển lưới điện cung cấp điện cho các trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020"; Chương trình khuyến công quốc gia; (4) Bộ Ngoại giao: Chương trình đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, nhà ở của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài; (5) Bộ Nội vụ: Chương trình hỗ trợ đầu tư kho lưu trữ chuyên dụng của các tình, thành phố trực thuộc trung ương; (6) Bộ Thông tin và Truyền thông: Chương trình mục tiêu đưa thông tin về cơ sở giai đoạn 2016-2020; Chương trình mục tiêu nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin và hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020; (7) Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chương trình Tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân (tuy nhiên, chương trình này sử dụng toàn bộ vốn sự nghiệp); Chương trình Hỗ trợ giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; (8) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: 2 chương trình: Chương trình Hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ xã hội; Chương trình mục tiêu việc làm - dạy nghề và an toàn, vệ sinh lao động; (9) Bộ Y tế: 2 chương trình: Chương trình mục tiêu Phòng, chống một số bệnh xã hội; Chương trình mục tiêu Phòng, chống một số bệnh mới nổi; (10) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 2 chương trình: Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa - thể thao, Chương trình phát triển du lịch; Ủy ban dân tộc: 1 chương trình.

2 Đối với các chương trình chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015, dự kiến mức vốn giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 10% so với kế hoạch năm 2015 theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các chương trình mới dự kiến tổng mức vốn phù hợp với mục tiêu và nội dung của chương trình.

3 Chỉ thị số 23/CT-TTg quy định thứ tự ưu tiên như sau: (1) Dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31 tháng 12 năm 2014 nhưng chưa bố trí đủ vốn; (2) Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2015; (3) Vốn đối ứng cho chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư; (4) Dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011 - 2015 chuyển sang giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; (5) Dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020; (6) Dự án khởi công mới phải đáp ứng một số quy định cụ thể, như: Sau khi đã xử lý thanh toán dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2014, Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư,...

4 Theo quy định tại Luật Đầu tư công, kể từ khi Luật có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 01 năm 2015) nếu cơ quan, đơn vị nào để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sẽ vi phạm vào các hành vi bị cấm của Luật Đầu tư công. Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2, Điều 106 của Luật Đầu tư công quy định chỉ bố trí vốn kế hoạch đầu tư công để thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước thời điểm Luật có hiệu lực thi hành. Do đó, việc xác định số nợ đọng xây dựng cơ bản đến ngày 31 tháng 12 năm 2014 là yêu cầu bắt buộc.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Hướng dẫn 628/BKHĐT-TH ngày 01/02/2015 lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


8.290

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.195.79
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!