THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1590/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 11 tháng 8
năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỊNH HƯỚNG LỘ TRÌNH TỰ DO HÓA GIAO DỊCH VỐN CỦA VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ
4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững
khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới;
Căn cứ Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày
10 tháng 7 năm 2014 ban hành chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển
nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới;
Xét đề nghị của Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Định
hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam” với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
- Xác định định hướng lộ trình mở cửa
dòng vốn phù hợp với mục tiêu, định hướng cơ cấu kinh tế của Nhà nước, điều kiện
kinh tế - xã hội của Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đang đàm phán
hoặc đã tham gia ký kết có liên quan đến lộ trình tự do hóa dòng vốn, góp phần
thúc đẩy thu hút vốn nước ngoài, giám sát chặt chẽ các dòng vốn vào - ra khỏi
lãnh thổ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững, giảm thiểu các
tác động tiêu cực trước biến động của các dòng vốn quốc tế.
- Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước
về quản lý dòng vốn vào - ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
- Nâng cao hiệu quả giám sát các dòng
vốn vào - ra, xây dựng cơ sở dữ liệu về dòng vốn kịp thời, chính xác đáp ứng
yêu cầu của công tác phân tích, dự báo và hoạch định chính sách, điều hành thị
trường ngoại hối, ổn định cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại hối một cách
hợp lý.
- Thúc đẩy phát triển thị trường vốn
trong nước nhằm phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển kinh tế,
đảm bảo an toàn và ổn định vĩ mô, tăng cường giám sát và dự báo biến động dòng
vốn, tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch giữa các nhà đầu tư trong và ngoài
nước.
II. ĐỊNH HƯỚNG XÂY
DỰNG LỘ TRÌNH
Các cam kết quốc tế, hiệp định thương
mại và đầu tư song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết (khuôn khổ Hiệp định
WTO, Điều lệ Quỹ IMF, cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN và các Hiệp định
song phương và đa phương khác) không ràng buộc Việt Nam về việc mở cửa thị trường
hơn nữa đối với các giao dịch vốn và có thể được phép sử dụng các biện pháp
phòng vệ chính đáng để đối phó với những yếu tố tiềm tàng về mất cân đối vĩ mô
và rủi ro hệ thống có thể phát sinh trong tiến trình tự do hóa.
Về định hướng phát triển kinh tế xã hội,
trong thời gian trước mắt đến 2020, Đảng và Chính phủ tập trung vào mục tiêu
phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phối hợp hiệu quả giữa
chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đảm bảo ổn định
kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định
giá trị đồng tiền.
Thực hiện định hướng phát triển kinh
tế xã hội nói trên, việc xây dựng lộ trình tự do hóa các giao dịch vốn cần thực
hiện một cách thận trọng, phù hợp với mức độ phát triển kinh tế và khả năng đáp
ứng các điều kiện tiền đề để mở cửa hơn nữa thị trường vốn, cụ thể theo một số
định hướng sau:
1. Nguyên tắc xây dựng lộ trình
a) Định hướng tự do hóa giao dịch vốn
của Việt Nam không chịu ràng buộc bởi yêu cầu của các cam kết quốc tế mà Việt
Nam đã tham gia ký kết. Việt Nam có thể chủ động xây dựng
định hướng tự do hóa giao dịch vốn trên cơ sở:
- Xu thế tất yếu của hội nhập các hoạt
động đầu tư quốc tế;
- Sự tương thích với mức độ sẵn sàng
của nền kinh tế, mức độ phát triển và mở cửa của hệ thống tài chính;
- Sự phù hợp với năng lực quản lý, cạnh
tranh của Việt Nam.
b) Lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của
Việt Nam cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ tính hiệu quả của hoạt động đầu tư, tính
đồng bộ của chính sách vĩ mô, hướng tới thúc đẩy phát triển thị trường vốn
trong nước nhằm phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển kinh tế,
đảm bảo an toàn và ổn định vĩ mô, tăng cường giám sát và dự
báo biến động dòng vốn, tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch giữa các nhà đầu
tư trong và ngoài nước.
c) Trong lộ trình tự do hóa dòng vốn,
các chính sách cần hướng tới mục tiêu:
- Giảm thiểu các biện pháp can thiệp
hành chính;
- Chuyển sang áp dụng các biện pháp
kinh tế tác động vào lợi ích của các chủ thể để điều chỉnh dòng vốn như chính
sách thuế, lãi suất,...;
- Tăng cường hiệu quả các biện pháp
giám sát an toàn vĩ mô (chế độ thông tin báo cáo, cảnh báo sớm, theo dõi qua
tài khoản,...);
- Nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ
nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt
Nam thông qua việc tham gia sâu rộng hơn vào các giao dịch vốn quốc tế.
d) Lộ trình tự do hóa cần đánh giá kỹ
lưỡng những rủi ro của việc tự do hóa từng dòng vốn cụ thể, từ đó có biện pháp
dự phòng không trái với các cam kết quốc tế, đảm bảo khả năng phòng vệ trước
các cú sốc kinh tế, hạn chế sự bất ổn định và khủng hoảng do biến động dòng vốn
không kiểm soát được mang lại.
đ) Lộ trình tự do hóa giao dịch vốn
không nhất thiết phải là việc xác định cụ thể thời điểm mở cửa cho một số dòng
vốn cụ thể. Chính sách mở cửa dòng vốn cần linh hoạt theo điều kiện thực tế của
nền kinh tế tại thời điểm, hoàn cảnh cụ thể.
2. Một số định hướng cơ bản đối với lộ
trình tự do hóa các giao dịch vốn
a) Đối với các giao dịch vốn trong hoạt
động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Chú trọng nâng cao chất lượng dòng vốn
thông qua kiện toàn hệ thống văn bản pháp lý, hoàn thiện cơ chế báo cáo và chia
sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý.
b) Đối với giao dịch vốn trong hoạt động
đầu tư ra nước ngoài: Trong điều kiện ưu tiên tập trung nguồn vốn phát triển
kinh tế - xã hội, tiếp tục định hướng kiểm soát chặt chẽ,
thận trọng vốn đầu tư ra nước ngoài. Trường hợp điều kiện thị trường thuận lợi,
kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, có thể xem xét mở rộng đối tượng được
phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, nới lỏng các rào cản kỹ thuật trên cơ sở vẫn
đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán
quốc tế và thị trường ngoại hối.
c) Đối với giao dịch vốn trong hoạt động
vay nước ngoài: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật nhằm
nâng cao chất lượng giám sát và dự báo về việc vay nước ngoài của tổ chức;
nghiên cứu khả năng cho phép cá nhân được vay từ các ngân hàng ở nước ngoài phục
vụ một số mục đích hợp pháp như học tập, chữa bệnh.
d) Đối với giao dịch vốn trong hoạt động
cho vay ra nước ngoài: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quy định trình tự thủ tục về
việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hoạt động cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh
cho người không cư trú của tổ chức kinh tế để đảm bảo tính minh bạch chính
sách.
đ) Đối với giao dịch vốn trong hoạt động
đầu tư tiền gửi: Tiếp tục duy trì việc thu hút dòng vốn ngoại từ tiền gửi của
người không cư trú, đồng thời xem xét, cân nhắc xây dựng hàng rào kỹ thuật nhằm
tránh những bất ổn có thể xảy ra do sự đảo chiều của dòng vốn.
e) Đối với tính chuyển đổi của đồng
Việt Nam: Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện
cán cân thanh toán, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong điều kiện
kinh tế vĩ mô ổn định bền vững, các yếu tố hỗ trợ về thị trường tài chính, tiền
tệ, ngoại hối được củng cố, xem xét xây dựng các chính sách nâng cao tính chuyển
đổi của đồng Việt Nam trên thị trường quốc tế như cho phép sử dụng đồng Việt
Nam để đầu tư ra nước ngoài với những quốc gia tiếp nhận vốn là những nước có
thỏa thuận đầu tư và thanh toán bằng đồng nội tệ với Việt Nam, cho phép đồng Việt
Nam tham gia vào các giao dịch cho vay ra nước ngoài trong trường hợp Bên đi
vay có nhu cầu sử dụng nguồn vốn vay bằng đồng Việt Nam để thanh toán trực tiếp
cho người thụ hưởng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc thanh toán bù trừ cho bên thứ 3
bằng đồng Việt Nam.
3. Việc sử dụng các biện pháp phòng
ngừa rủi ro và phòng vệ chính đáng trong quá trình tự do hóa giao dịch vốn
Việc xây dựng lộ trình cho tự do hóa
dòng vốn cần được thực hiện đồng thời với việc xây dựng tổng thể các biện pháp
phòng ngừa rủi ro và phòng vệ chính đáng nhằm hạn chế tối đa các tác động bất lợi,
những bất ổn và rủi ro trong kinh tế, bao gồm:
a) Nhóm biện pháp phòng ngừa rủi ro
trước khủng hoảng:
- Thiết lập hệ thống số liệu giám sát
dòng vốn, tăng cường chia sẻ thông tin dòng vốn và các biến số vĩ mô giữa các
cơ quan quản lý nhà nước nhằm xây dựng mô hình cảnh báo sớm dự báo biến động
dòng vốn và đánh giá tác động của biến động dòng vốn, từ đó đề xuất chính sách
quản lý kịp thời, phù hợp.
- Tăng cường công tác thanh tra, giám
sát hoạt động ngân hàng nhằm đảm bảo tính kỷ luật chặt chẽ và kịp thời phát hiện
những vấn đề rủi ro phát sinh từ hoạt động ngân hàng.
- Hoàn thiện các chính sách nhằm kịp
thời phát hiện và xử lý nguy cơ chuyển vốn nhằm mục đích rửa tiền, ảnh hưởng đến
tính minh bạch và ổn định dòng vốn.
- Kiện toàn hệ thống quản trị rủi ro
ngân hàng và doanh nghiệp ở tầm vi mô, các chính sách đảm bảo an toàn vĩ mô cho
cả hệ thống ngân hàng.
- Phát triển các công cụ phòng ngừa rủi
ro tiền tệ, lãi suất, hàng hóa và chứng khoán phù hợp với thông lệ quốc tế; kiện
toàn khung pháp lý, hệ thống kế toán doanh nghiệp, ngân hàng để có thể áp dụng
các công cụ phòng ngừa rủi ro này trên thực tế.
b) Nhóm biện pháp phòng vệ chính đáng
- Nghiên cứu, xây dựng các biện pháp ứng
phó đối với dòng vốn ra trong trường hợp khẩn cấp như: Quy định điều kiện đối với
nhà đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là tổ chức, hạn mức, thời hạn đầu tư, ký quỹ,
thuế trên cơ sở thời hạn đầu tư; quy định chặt chẽ điều kiện cho vay ra nước
ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú.
- Nghiên cứu, xây dựng các biện pháp ứng
phó đối với dòng vốn vào trong trường hợp khẩn cấp như: Tăng cường tính minh bạch
của dòng tiền vào; cân nhắc việc quy định yêu cầu đăng ký các khoản vay ngắn hạn
bằng tiền, bổ sung các tỷ lệ đảm bảo an toàn liên quan đến
vay ngắn hạn nước ngoài của các ngân hàng thương mại; tăng cường kiểm soát chặt
chẽ hoạt động của các bàn thu đổi ngoại tệ nhằm thu hẹp và
tiến tới xóa bỏ hoạt động mua bán ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam
a) Nhóm giải pháp về chính sách tiền
tệ
- Chủ động điều hành linh hoạt, chặt
chẽ và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, lãi suất, ngoại hối, tỷ giá để đảm
bảo ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và mục tiêu tăng trưởng kinh
tế.
- Nâng cao chất lượng thống kê, dự
báo phục vụ cho công tác hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ.
- Đẩy mạnh công tác phối hợp với Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong nghiên cứu, đề xuất, triển
khai, thực hiện, giám sát và đánh giá các chính sách kinh tế vĩ mô.
- Tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động,
linh hoạt theo tín hiệu thị trường, đảm bảo giá trị đồng Việt Nam; tiếp tục triển
khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ và có hiệu quả cao thị trường
ngoại tệ nhằm ổn định tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và hỗ trợ
tăng trưởng dự trữ ngoại hối Nhà nước một cách bền vững, đảm bảo an toàn thanh
khoản.
b) Nhóm giải pháp về quản lý dòng vốn
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành
có liên quan xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật quản lý
ngoại hối, Nghị định hướng dẫn Luật quản lý ngoại hối và hoàn thiện các văn bản
hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động chuyển tiền liên quan đến đầu
tư nước ngoài vào - ra khỏi lãnh thổ; vay, trả nợ nước ngoài; cho vay và thu hồi
nợ nước ngoài.
- Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc
nghiên cứu, xây dựng chính sách thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tài chính
theo hướng mở rộng các công cụ tài chính theo lộ trình phù hợp để các chủ thể
tham gia thị trường có cơ sở thực hiện các nghiệp vụ phòng ngừa rủi
ro.
- Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành
có liên quan rà soát các điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp nhằm đảm bảo
phù hợp với các Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, đặc biệt hướng tới việc nâng
cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài (vay nước ngoài của doanh nghiệp
FDI); nghiên cứu các điều kiện vay chặt chẽ của doanh nghiệp nhằm đảm bảo tuân
thủ hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả và các chỉ số an toàn nợ nước ngoài của
quốc gia.
- Chủ trì xây dựng văn bản quy phạm
pháp luật về điều kiện, trình tự thủ tục chấp thuận hoạt động cho vay ra nước
ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế không gắn với các dự
án đầu tư ra nước ngoài.
- Nâng cao chất lượng báo cáo thống
kê; hoàn thiện và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện báo cáo hoạt động vay,
trả nợ nước ngoài theo phần mềm trực tuyến để kiện toàn hệ
thống cơ sở dữ liệu về vay, trả nợ nước ngoài, phục vụ
công tác dự báo biến động dòng vốn, kịp thời phát hiện và cảnh báo nguy cơ ảnh
hưởng đến an toàn của thị trường tài chính nói riêng và kinh tế vĩ mô nói
chung.
c) Nhóm giải pháp hoàn thiện hệ thống
ngân hàng
- Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu hệ thống
ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao năng lực
cạnh tranh, giảm thiểu tình trạng sở hữu chéo.
- Đổi mới và nâng cao hiệu quả thanh
tra, giám sát ngân hàng nhằm giữ vững kỷ luật trên thị trường tiền tệ, thị trường
ngoại hối và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
- Hoàn thiện các quy định về an toàn,
kiểm soát và quản lý rủi ro đối với hệ thống tài chính đồng thời đổi mới mô
hình thanh tra giám sát hệ thống tài chính theo thông lệ quốc tế.
- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng
cao năng lực quản trị rủi ro, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin ngành
ngân hàng, tích cực tham gia xây dựng các chính sách và chấp hành quy định pháp
luật liên quan đến quản lý dòng vốn.
2. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả vốn
đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành
và địa phương xây dựng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thông tin quốc
gia về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài nhằm
đáp ứng nhu cầu phân tích, dự báo và hoạch định chính sách.
- Chủ trì nghiên cứu, đề xuất giải
pháp nâng cao tính ổn định dài hạn và chất lượng của vốn đầu tư trực tiếp;
trong đó chú trọng đến nhóm các doanh nghiệp FDI có tỷ trọng vốn vay trên vốn
góp lớn.
- Với tư cách là Cơ quan thường trực
Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, chủ trì phối hợp với các bộ,
ngành có liên quan giám sát chặt chẽ các khoản vay ODA, vay ưu đãi theo đúng
quy định của pháp luật.
b) Nhóm giải pháp cải thiện môi trường
kinh doanh nhằm thu hút vốn đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành
có liên quan rà soát, đánh giá và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đầu tư nước
ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
- Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất
lượng cổ phần hóa doanh nghiệp, tập trung giảm phần vốn nhà nước trong doanh
nghiệp, đổi mới quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
3. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
a) Nhóm chính sách liên quan đến
chính sách tài khóa
Chủ trì xây dựng và triển khai các giải
pháp tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; cơ cấu lại các khoản
chi ngân sách nhà nước và chủ động phối hợp trao đổi thông
tin với Ngân hàng Nhà nước liên quan đến các chính sách, định hướng điều hành
chính sách tài khóa để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa và
chính sách tiền tệ.
b) Nhóm chính sách liên quan đến nợ
công
Tiếp tục chủ trì rà soát hệ thống văn
bản quy phạm pháp luật về quản lý vay nợ nước ngoài của Chính phủ, giám sát chặt
chẽ bảo lãnh của Chính phủ cho các khoản vay nước ngoài; phối hợp với Ngân hàng
Nhà nước giám sát tình hình thực hiện hạn mức vay, trả nợ nước ngoài của doanh
nghiệp theo hình thức tự vay, tự trả nhằm đảm bảo chỉ số nợ nước ngoài của quốc
gia trong giới hạn cho phép.
c) Nhóm chính sách liên quan đến thị
trường chứng khoán
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành
có liên quan rà soát, đánh giá và hoàn thiện khuôn khổ pháp
lý về hoạt động đầu tư chứng khoán nhằm thu hút và phát huy các nguồn vốn đầu
tư gián tiếp phục vụ phát triển kinh tế.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
có liên quan nghiên cứu các vấn đề về chính sách quản lý thị trường chứng khoán
trong trường hợp Việt Nam tham gia vào Sáng kiến phát triển thị trường vốn và
Diễn đàn phát triển thị trường vốn trong khuôn khổ hợp tác ASEAN.
d) Nhóm giải pháp về tài chính doanh
nghiệp để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Xây dựng và hoàn thiện các văn bản
pháp lý về tài chính doanh nghiệp, hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán phù hợp
với thông lệ quốc tế.
đ) Nhóm giải pháp về chính sách thuế
và hải quan
Triển khai các giải pháp quản lý thuế
đối với giá chuyển nhượng của các bên có giao dịch liên kết, hoàn thiện chính
sách thuế và hải quan liên quan đến hoạt động đầu tư.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính
phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các
Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Trợ lý TTg;
- Lưu: VT, KTTH (3).XH
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|