ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 11/CT-UBND
|
Quảng Ninh, ngày 15 tháng 11 năm 2019
|
CHỈ THỊ
VỀ
THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH, NÂNG CAO
NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH PCI
Năm 2019, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có
nhiều chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt và nỗ lực nhằm cải thiện mạnh mẽ và thực
chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các sở, ban, ngành và địa phương đã có sự chủ động vào cuộc và tích cực hơn;
đa dạng các hình thức tương tác với doanh nghiệp, triển khai hiệu quả công tác
xúc tiến đầu tư “tại chỗ”. Tuy nhiên, qua tiếp nhận ý kiến phản ánh của các
doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức kinh tế cho thấy, quá trình tổ chức
thực hiện tại một số sở, ban, ngành và địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu
đặt ra. Một số nội dung triển khai còn mang tính hình thức, chất lượng và hiệu
quả chưa rõ nét. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban,
ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm
sau:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện
nghiêm túc các nhiệm vụ của đơn vị, địa phương được giao để nâng cao chất lượng
công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị được giao là
đầu mối chỉ đạo và triển khai các chỉ số thành phần phải chịu trách nhiệm trước
Tỉnh về các chỉ tiêu theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày
01/01/2019 của Chính phủ; Kế hoạch số
61/KH-UBND ngày 08/3/2019 và Văn bản số 3254/UBND-TM5 ngày 15/5/2019 của UBND
tỉnh.
2. Các cơ quan đầu mối các mục tiêu
theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ bao gồm: Sở Khoa học và Công nghệ (đầu
mối chỉ tiêu về Đổi mới sáng tạo), Sở Công Thương (đầu mối chỉ tiêu về Hiệu quả logistics), Sở
Thông tin và Truyền thông (đầu mối chỉ tiêu
về Chính phủ điện tử) và
Sở Du lịch (đầu mối chỉ tiêu về Năng lực cạnh tranh du lịch) phải chủ
động, tiếp tục bám sát các Bộ ngành đầu mối để triển khai hiệu
quả ở cấp địa phương.
3. Các cơ quan đầu mối các chỉ số
thành phần PCI khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả, đảm bảo
mục tiêu đã đề ra, nhất là đối với các chỉ số dự báo chưa đạt
mục tiêu, chịu trách nhiệm trước Tỉnh về thứ hạng các chỉ
số thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị mình.
4. Nâng cao tính minh bạch Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các Cổng thông tin điện tử thành phần và các kênh thông tin khác. Tăng cường
công tác đấu thầu qua mạng cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính và các nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
5. Tích cực, chủ động triển khai đồng
bộ các giải pháp thiết thực, cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh
nghiệp; kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp bằng văn
bản (có thời hạn cụ thể) và công khai các kiến nghị và quá trình giải quyết
kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên các Cổng thông
tin điện tử của sở, ngành và địa phương (gồm website và fanpage DDCI của sở/ngành
và địa phương), đặc biệt là trong thời điểm cao điểm đánh giá PCI hiện tại;
đồng thời kết nối đến trang fanpage DDCI Quảng Ninh và Cổng
thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của UBND tỉnh để theo dõi,
đôn đốc.
6. Rà soát chặt chẽ, nâng cao chất
lượng cán bộ nhất là tại các Trung tâm hành chính công tỉnh và huyện, thị xã,
thành phố; thường xuyên đổi mới phong cách làm việc của
từng cán bộ công chức, từng đơn vị và phương pháp đánh giá chất lượng cán bộ
công chức, nhằm nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử làm việc của đội ngũ cán
bộ tiếp xúc làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp; nghiêm túc, kiên
quyết thay thế những người không đủ năng lực, trình độ và
phẩm chất; thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương công chức trong thực thi công
vụ.
7. Người đứng đầu các địa phương phối
hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để rà soát, nắm bắt cụ thể tình hình
thực hiện dự án của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trên địa bàn, từ
đó nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư “tại chỗ” và hỗ trợ doanh nghiệp
ngày càng đi vào thực chất.
Các sở, ngành, địa phương chủ động
phối hợp với cơ quan đầu mối (IPA) trong công tác hỗ trợ đầu tư; Định kỳ hàng
tháng cung cấp thông tin, kết quả triển khai hỗ trợ đầu tư về IPA để tổng hợp
báo cáo UBND tỉnh.
8. Sở Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì, đôn đốc các sở, ban, ngành và địa phương liên quan giải
quyết dứt điểm các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp tại các Hội nghị tiếp
xúc doanh nghiệp; tham mưu các giải pháp triển khai có hiệu
quả Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp
khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đảm bảo bám sát nhu cầu và phù hợp với thực tiễn
của doanh nghiệp; công khai danh sách doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành
nghề cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và chủ trì nghiên cứu đề xuất giải
pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp
này. Chủ trì triển khai đánh giá hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
để tham mưu, đề xuất giải pháp phù hợp, sát thực tiễn.
9. Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn
trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn toàn tỉnh; tiếp tục phối
hợp với các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện việc công khai quỹ đất
sạch trên các Cổng Thông tin điện tử thành phần; tháo gỡ
và giải quyết hiệu quả khó khăn vướng mắc cho các địa phương trong công tác
giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tạo thuận
lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiếp cận đất đai.
10. Sở Thông tin và Truyền thông rà
soát, đôn đốc nâng cao hiệu quả của Cổng thông tin Hỗ trợ doanh nghiệp của UBND
tỉnh; đôn đốc các sở, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động của các Cổng thông tin điện tử thành phần, nhất là các chuyên mục hỗ trợ doanh
nghiệp trực tuyến; chủ trì nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả, tăng cường tính
tương tác của trang Fanpage DDCI Quảng Ninh; triển khai thực hiện gắn “Blue
tick” trang Fanpage để doanh nghiệp biết, theo dõi. Phối hợp với Trung tâm
Truyền thông tỉnh và các sở, ngành, địa phương theo dõi, cung cấp thông tin phản
hồi và biện pháp xử lý kịp thời để tránh ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh và PCI của
Tỉnh.
11. Sở Công Thương chủ trì triển
khai, theo dõi và đánh giá quá trình triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư vào cụm công nghiệp để có giải pháp điều chỉnh kịp thời, phù
hợp.
12. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội chủ trì, chỉ đạo các trường đào tạo nghề triển khai khảo sát, nắm bắt nhu
cầu tuyển dụng lao động của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; dự
báo xu thế để tham mưu triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động; Tham mưu chính sách hỗ trợ đào
tạo, tuyển dụng lao động chất lượng cao, bổ sung vào Đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
13. Trung tâm phục vụ Hành chính công
tỉnh chủ trì, tiếp tục giám sát, nắm bắt chặt chẽ thông tin cũng như quá trình
giải quyết TTHC tại Trung tâm, đặc biệt lưu ý đến chất lượng, tỷ lệ giải quyết
thủ tục đúng hạn; Đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cử
đến làm việc tại Trung tâm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi
nhũng nhiễu, gây bức xúc với doanh nghiệp; Đảm bảo chất lượng
và thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các trung tâm hành
chính công cấp tỉnh và cấp huyện.
14. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư chủ
trì, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và đơn vị tư vấn hoàn thành Chương
trình khảo sát DDCI Quảng Ninh 2019 theo đúng tiến độ đã đề ra; tham mưu tổ
chức Lễ công bố DDCI 2019 trong Quý I năm 2020.
15. Thanh tra tỉnh thường xuyên rà
soát, cập nhật, công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để tránh
trùng lặp, chồng chéo; đảm bảo nguyên tắc không thanh tra, kiểm tra quá 1
lần/doanh nghiệp/năm; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật. Tăng cường các kênh
phát hiện thông tin, tiếp nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế về tố cáo hành
vi nhũng nhiễu và có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm kiểm soát, ngăn
chặn kịp thời hành vi có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
16. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức
tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các cơ chế chính sách của Tỉnh đến cộng đồng
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực hiện đánh giá giám
sát độc lập Chương trình triển khai DDCI Quảng Ninh 2019 của đơn vị tư vấn theo
chỉ đạo tại Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 08/3/2019 của UBND tỉnh. Tiếp tục phối
hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức các phiên “Cafe doanh nhân” với những biện
pháp, hình thức cụ thể, phải thường xuyên đổi mới để đạt hiệu quả, thiết thực,
tránh hình thức. Bám sát các sở, ban, ngành và địa phương để nắm bắt, giải quyết
triệt để các kiến nghị của doanh nghiệp; Chủ trì nghiên cứu
các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh
thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
17. Trung tâm Truyền thông tỉnh
nghiên cứu và đa dạng cách thức tuyên truyền, phổ biến
rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ về
các chủ trương, chính sách của Tỉnh có tác động trực tiếp tới doanh nghiệp,
những nỗ lực của Tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư,
kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh PCI, DDCI.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và
các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức,
viên chức biết và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Viện Nghiên cứu và
QLKTTW Bộ KHĐT (để biết);
- TT Tỉnh ủy;
TT HĐND tỉnh (để b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Pháp chế - VCCI (để biết);
- Tổ công tác PCI tỉnh (t/hiện);
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh (t/hiện);
- UBND các huyện, TX, TP (t/hiện);
- Trung tâm Truyền thông tỉnh;
- Chánh, Phó Chánh Văn phòng;
- Các hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh;
- Các CVNCTH Văn phòng;
- Lưu: VT, TM1.
CT02, H30
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Thắng
|