ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/CT-UBND
|
Lâm Đồng, ngày
16 tháng 01 năm 2024
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI VÀ GIẢI NGÂN KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU
TƯ CÔNG NĂM 2024
Năm 2023, triển khai thực hiện Nghị
quyết của Trung ương, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng
Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn
đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình
phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Công điện số 749/CĐ-TTg ngày 18/8/2023
của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những
tháng cuối năm 2023, Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 07/12/2022 của Tỉnh
ủy về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng
- hệ thống chính trị năm 2023, Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 05/01/2023 của Chủ tịch
UBND tỉnh về triển khai và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 và các
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh([*]),...
nên công tác triển khai kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh được thực hiện
quyết liệt ngay từ đầu năm; tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ
quan khác nhau, như: (i) Quy trình, thủ tục thực hiện công tác bồi thường
giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phức tạp, mất nhiều thời
gian; (ii) Sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương thực hiện tuyên truyền,
vận động các hộ dân hiểu, đồng thuận và thực hiện các nội dung phục vụ công tác
bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa kịp thời, còn nhiều hạn chế; (iii)
Thời tiết diễn biến bất thường so với mọi năm, mưa lớn kéo dài liên tục, trải đều
các địa phương trong tỉnh, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình; (iv)
Công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ đầu tư các công trình, dự án còn bị động,
chưa chặt chẽ, phải chỉnh sửa, bổ sung kéo dài; công tác đấu thầu lựa chọn nhà
thầu tư vấn lập dự án đầu tư, lập thiết kế - dự toán chưa đảm bảo dẫn đến phải
điều chỉnh, xử lý kỹ thuật trong quá trình triển khai thực hiện; (v) Một
số sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư: chưa nắm chắc diễn biến tình hình thực
tiễn ở cơ sở, chưa thực sự quan tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm; chưa bám
sát, nắm chắc nội dung, tiến độ thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến chuẩn
bị đầu tư; còn có biểu hiện chủ quan, chưa kịp thời kiểm tra, đôn đốc việc triển
khai thực hiện,.... nên đến ngày 31/12/2023, giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh
chỉ đạt 66,4% (thấp hơn 13,7% so với năm 2022, nếu không tính số vốn bố trí
cho các dự án lớn còn vướng thủ tục từ các Bộ, ngành Trung ương không thể giải
ngân thì tỷ lệ giải ngân đạt 84,6%), không đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính
phủ, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Năm 2024, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; là
năm thứ 4 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với
những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách
thức là nhiều hơn. Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính
phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 06/12/2023
của Tỉnh uỷ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng -
an ninh, xây dựng Đảng - hệ thống chính trị năm 2024; Nghị quyết số
228/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
năm 2024; Chương trình hành động, Kế hoạch của UBND tỉnh về những nhiệm vụ, giải
pháp thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện
môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; trong
đó, Tỉnh ủy đã xác định chủ đề năm 2024 là: “Trách nhiệm - Nêu gương - Kỷ
cương - Hiệu quả”; với mục tiêu, yêu cầu triển khai kịp thời, đồng bộ
các biện pháp, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, toàn
diện, bền vững trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng,…Trong đó, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công
có ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng góp trực tiếp vào việc thúc đẩy tiêu thụ
hàng hóa sản xuất trong tỉnh, phát triển cơ sở hạ tầng, tháo gỡ những điểm nghẽn
cho phát triển, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, dẫn dắt và
định hướng vốn đầu tư toàn xã hội.
Để thực hiện hoàn thành mục tiêu,
nhiệm vụ kế hoạch đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đẩy nhanh tiến độ triển
khai thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng của tỉnh, đặc biệt là hai dự án
xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương và các chương
trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao; Chủ tịch
UBND tỉnh yêu cầu:
1. Giám đốc/Thủ
trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt
và Bảo Lộc; các chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan:
a) Rà soát, rút kinh nghiệm sâu sắc
và thực hiện ngay việc khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác giải
ngân vốn đầu tư công năm 2023 nêu trên; chủ động dự báo, đánh giá những thời
cơ, thuận lợi và những khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra trong năm 2024 để triển
khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công của các dự
án năm 2024 sát với diễn biến tình hình thực tiễn, đảm bảo chủ động hơn, quyết
liệt hơn, tốt hơn, nhanh hơn, chất lượng hơn.
b) Tiếp tục thực hiện nghiêm việc
phân công Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND các huyện,
thành phố chịu trách nhiệm, nắm chắc tình hình đầu tư từng dự án theo dõi, đôn
đốc tiến độ thực hiện của từng dự án; thành lập các Đoàn công tác (do lãnh đạo
Sở Kế hoạch và Đầu tư làm trưởng đoàn, thành viên là lãnh đạo các sở chuyên
ngành) và xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm tra hàng tháng, quý theo từng địa
bàn, từng công trình; khởi động các Tổ công tác đôn đốc, giải ngân vốn đầu tư
công tại các huyện, thành phố; xem nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là
nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của năm 2024; kết quả thực hiện giải ngân kế hoạch
vốn đầu tư công là chỉ tiêu đánh giá công tác chuyên môn của năm 2024; báo cáo UBND tỉnh kết quả phân công lãnh đạo theo dõi, đôn đốc tiến độ
thực hiện của các dự án trước ngày 30/01/2024.
c) Chủ động, tập trung theo dõi,
kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công
năm 2024, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng
rừng; kịp thời xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo đề xuất
UBND tỉnh xem xét giải quyết theo thẩm quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện
cho các dự án.
d) Rà soát các công tác chuẩn bị đầu
tư và dự kiến dự án khởi công mới trong năm 2024; đôn đốc các cơ quan, đơn vị
có liên quan chủ động và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư đảm bảo
nhanh nhất, chất lượng nhất để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu
tư, quyết định dự án đầu tư trong Quý I/2024; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều
kiện để triển khai khởi công ngay dự án khi được bố trí vốn theo quy định.
đ) Chỉ đạo các chủ đầu tư dự án
xây dựng tiến độ thi công, lộ trình giải ngân vốn cụ thể của từng dự án theo từng
tuần, tháng, quý; nắm chắc, bám sát tiến độ để tập trung kiểm tra, chỉ đạo, đôn
đốc trong quá trình triển khai thực hiện để đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng
công trình dự án.
e) UBND các huyện, thành phố Đà Lạt
và Bảo Lộc rà soát, tổng hợp, báo cáo việc phân bổ chi tiết danh mục công trình,
dự án thuộc các nguồn vốn ngân sách tỉnh phân cấp cho các địa phương; gửi Sở Kế
hoạch và Đầu tư trước ngày 20/01/2024 để kiểm tra, kiểm soát về nguyên tắc,
tiêu chí, thứ tự ưu tiên phân bổ vốn theo quy định.
g) Tập trung, huy động nhân lực
đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (nếu có) của
các dự án, nhất là đối với các dự án khởi công mới (đo đạc, xác định ranh giới
thu hồi, xây dựng hệ số đền bù, xây dựng phương án đền bù, kế hoạch sử dụng đất
hằng năm,...). Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để cung cấp,
hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuyển
đổi mục đích sử dụng rừng, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị
thi công.
2. Các Sở chuyên
ngành:
a) Thực hiện tốt công tác cải cách
hành chính trong công tác thẩm định hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế xây dựng sau
thiết kế cơ sở, các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa, hồ
sơ đánh giá tác động môi trường, kế hoạch đấu thầu để trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo của các dự án theo quy định.
b) Thực hiện tốt việc kiểm tra,
giám sát về chất lượng, tiến độ đầu tư các dự án do cấp mình quản lý, kịp thời
đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện gắn với đảm bảo chất lượng
công trình theo quy định; khẩn trương xử lý hoặc đề xuất xử lý, giải quyết các
khó khăn, vướng mắc (nếu có) nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư của các dự án.
3. Kho Bạc nhà nước
tỉnh chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các
chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thanh toán giải ngân vốn; thực hiện kiểm soát chặt
chẽ việc thanh toán vốn đầu tư, giải quyết thủ tục thanh toán vốn đầu tư nhanh,
gọn, đúng quy định; đôn đốc các chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục hoàn ứng đối với
các khoản tạm ứng theo đúng quy định.
4. Các chủ đầu
tư:
a) Đối với nguồn vốn kéo dài của
năm 2023 sang năm 2024:
- Rà soát toàn bộ các dự án do
mình quản lý, đánh giá khả năng giải ngân trong thời gian chỉnh lý quyết toán
ngân sách theo số vốn đã được bố trí; dự báo số vốn giải ngân hết và còn dư để
tổng hợp, đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn sang năm 2024 (lưu
ý: các dự án đề xuất kéo dài phải đảm bảo phù hợp với quy định về điều kiện được
kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công), gửi Sở Kế hoạch
và Đầu tư trước ngày 10/02/2024 để tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét,
quyết định.
- Giám đốc/Thủ trưởng các đơn vị
chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh
đối với sự phù hợp quy định về điều kiện kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân
vốn của các dự án do mình đề xuất. Yêu cầu phải triển khai thực hiện và
giải ngân 100% số vốn kéo dài trước ngày 30/6/2024 và chịu hoàn
toàn trách nhiệm nếu không giải ngân hết số vốn do mình đề xuất kéo dài.
b) Đối với nguồn vốn bố trí thực
hiện trong năm 2024:
Chủ đầu tư lập kế hoạch triển
khai chi tiết của từng dự án, tranh thủ thời tiết thuận lợi của những ngày đầu,
tháng đầu của năm 2024 (trong mùa khô) thực hiện việc đẩy nhanh tiến độ
chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án bằng nhiều biện pháp, phù hợp tình hình thực
tế của từng dự án; trong đó, lưu ý: tăng cường biện pháp tập trung nhân công,
ca máy, tập kết đầy đủ vật liệu trên công trường; thực hiện làm ngoài giờ (kể cả
thứ 7, Chủ nhật), thực hiện tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ nhằm bù đắp
tiến độ cho các tháng mưa, bão. Nắm chắc và chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,
bảo đảm tiến độ thi công; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán với
Kho bạc nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để chậm trễ hoặc để dồn
vào cuối năm mới thanh toán và không để gây ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản,
cụ thể:
- Đối với các dự án hoàn thành năm
2024: tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm
thu, thanh toán và giải ngân vốn; khẩn trương lập báo cáo quyết toán dự án hoàn
thành trình thẩm tra, phê duyệt theo đúng thời gian quy định.
- Đối với các dự án chuyển tiếp
hoàn thành sau năm 2024: Nắm chắc tiến độ, tăng cường tần suất kiểm tra, giám
sát, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện các
thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để đủ điều kiện thanh toán
cho các nhà thầu. Nghiêm cấm tình trạng dự án đã có khối lượng nhưng chủ đầu tư
chậm tổ chức nghiệm thu, thanh toán vốn cho nhà thầu (các nhà thầu cung cấp
thông tin đối với các chủ đầu tư cố ý kéo dài, không thực hiện hoặc chậm tổ chức
nghiệm thu, lập thủ tục thanh toán khi công trình đã có khối lượng, đã đảm bảo
thủ tục thanh toán theo quy định; gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo
cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định).
- Đối với các dự án khởi công mới
năm 2024: khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư của dự án được bố trí vốn
trong kế hoạch năm 2024 để tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, sớm khởi công
công trình theo kế hoạch.
c) Từng chủ đầu tư triển khai xây
dựng biểu đồ tiến độ chi tiết thực hiện từng hạng mục công việc theo từng
tháng, quý (đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng) của từng dự án do
mình làm chủ đầu tư để làm cơ sở giám sát, kiểm tra và chủ động thực hiện theo
lộ trình đã đề ra; chủ động trước một bước trong công tác triển khai, rà soát
các công việc có khả năng vướng mắc để tập trung chỉ đạo xử lý, tránh để tình
trạng bị động, lúng túng.
d) Nâng cao trách nhiệm của Chủ đầu
tư; kiên quyết thực hiện nghiêm việc xử lý, xử phạt các nhà thầu vi phạm tiến độ
theo hợp đồng đã ký kết; vi phạm chất lượng công trình; chậm lập, giao nộp thủ
tục thanh toán khối lượng hoàn thành theo quy định.
đ) Thực hiện nghiêm công tác báo
cáo giám sát đánh giá đầu tư dự án theo nội dung và thời gian quy định. Định kỳ
(trước ngày 01 và 15 hàng tháng) tổng hợp, báo cáo kết quả, tiến độ thực
hiện của từng dự án, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để theo
dõi, tổng hợp.
5. Đối với các dự
án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI
nhiệm kỳ 2020-2025:
a) Dự án xây dựng tuyến đường bộ
cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương:
- Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh
chủ trì, phối hợp với các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các
dự án, chủ động bám sát các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong quá
trình thẩm định hồ sơ, phấn đấu khởi công các dự án trong Quý II/2024.
- UBND thành phố Bảo Lộc và UBND
các huyện: Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai khẩn trương hoàn thiện hồ sơ
trình phê duyệt các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư phục vụ hai dự
án cao tốc trong Quý I/2024, phấn đấu khởi công trước tháng 4/2024.
b) Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng
nhằm phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 1) sử dụng vốn vay của
Chính phủ Nhật Bản: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và
công nghiệp tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan bám sát
các Bộ, ngành Trung ương để hoàn thành thủ tục pháp lý đối với thỏa thuận vay
được ký kết và đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, phấn đấu khởi
công trong Quý III/2024.
c) Đối với các dự án xây dựng hồ
chứa nước Ta Hoét (huyện Đức Trọng), hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà) và
hồ chứa nước Ka Zam (huyện Đơn Dương): Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
UBND các huyện: Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương chủ động phối hợp tốt với các sở,
ban, ngành, địa phương trong công tác thẩm định hồ sơ; thực hiện tốt công tác
tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc đền bù, giải phóng mặt
bằng; phân công trực tiếp từng cán bộ theo dõi, thường trực, bám sát tiến độ thực
hiện các công việc tại các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan để kịp thời cung
cấp hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đơn thư khiếu nại (nếu có); đề
ra phương pháp làm việc, biện pháp thi công theo hướng linh hoạt, thích ứng với
tình hình thực tế, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Yêu cầu Giám đốc/Thủ trưởng các sở,
ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, các cơ quan,
đơn vị và các chủ đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội
dung tại Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND tỉnh (để b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Huyện uỷ/Thành uỷ và UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP và các CV;
- Lưu: VT, KH.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Ngọc Hiệp
|
([*]) Ban hành 15 Văn bản của
UBND tỉnh gồm: Văn bản số 789/UBND-TH2
ngày 06/02/2023, Văn bản số 2932/UBND-KH ngày 03/4/2023, Văn bản số
3456/UBND-KH ngày 18/4/2023, Văn bản số 3715/UBND-KH ngày 25/4/2023, Văn bản số
4006/UBND-KH1 ngày 08/5/2023, Văn bản số 4119/UBND-KH ngày
11/5/2023, Văn bản số 5684/UBND-KH ngày 03/7/2023, Văn bản số 7307/UBND-KH ngày
21/8/2023, Văn bản số 7706/UBND-KH ngày 05/9/2023, Văn bản số 7848/UBND-KH ngày
11/9/2023, Văn bản số 8714/UBND-KH1 ngày 06/10/2023, Văn bản số
9851/UBND-KH ngày 08/11/2023, Văn bản số 10237/UBND-KH ngày 17/11/2023, Văn bản
số 10855/UBND-KH ngày 06/12/2023 và Văn bản số 11396/UBND-KH ngày
25/12/2023,...