BỘ
XÂY DỰNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số: 98/BC-BXD
|
Hà
Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2009
|
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NHÀ Ở CHO HỌC
SINH, SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP BẰNG
NGUỒN VỐN TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ NĂM 2009 VÀ DỰ KIẾN KẾ HOẠCH NĂM 2010
Kính gửi: Thủ tướng Chính
phủ
Ngày 20/4/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết
số 18/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học
sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu
công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Ngay sau đó,
ngày 24/4/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ban hành
một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học,
cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê. Theo đó, để tạo bước
đột phá ngay trong giai đoạn 2009÷2010 Chính phủ dành khoảng 8.000 tỷ đồng từ
nguồn trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên.
I. NHU CẦU VỀ NHÀ Ở CHO
HỌC SINH, SINH VIÊN
1. Tình hình chung:
Theo Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và
cao đẳng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số
121/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2007, đến năm 2015 quy mô đào tạo của cả mạng
lưới đạt khoảng 3,0 triệu người (chưa kể số học sinh, sinh viên của các trường
dạy nghề) và đến năm 2020 là 4,5 triệu người. Tuy nhiên, theo báo cáo của
các địa phương cho thấy hiện nay cả nước đã có gần 400 trường đại học và cao
đẳng, khoảng 340 trường cao đẳng, trung cấp nghề và hơn 280 trường trung cấp
chuyên nghiệp với tổng số học sinh, sinh viên lên tới gần 03 triệu người
(2,985 triệu). Dự kiến với tốc độ tăng trưởng bình quân như trong 05
năm gần đây (2005-2009) thì đến năm 2015 số học sinh, sinh viên cả nước
sẽ đạt khoảng 4,3 triệu người (chưa tính tới số lượng học sinh được
đào tạo tại các trung tâm dạy nghề). Cũng theo số liệu thống kê hiện
nay số lượng ký túc xá mới đáp ứng cho khoảng 22% số học sinh, sinh
viên khối đào tạo đại học và cao đẳng và khoảng 15% của khối cao
đẳng nghề, trung cấp nghề.
2. Nhu cầu về vốn đầu tư:
Theo tính toán trong tổng số 4,3 triệu học
sinh, sinh viên của cả nước vào năm 2015 thì có khoảng 70% số học
sinh, sinh viên có nhu cầu chỗ ở trong ký túc xá, tương đương với
khoảng 3,0 triệu học sinh, sinh viên, trong đó đã giải quyết chỗ ở từ
những năm trước 2009 được khoảng 660 nghìn người và trong 02 năm
2009÷2010 là 330.000 người (với tổng mức đầu tư khoảng 8.300 tỷ đồng).
Như vậy, đến năm 2015 sẽ còn khoảng 2 triệu học sinh, sinh viên có nhu
cầu chỗ ở trong ký túc xá. Theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009
của Chính phủ và Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ngày 24/6/2009 của Thủ
tướng Chính phủ thì đến năm 2015 phấn đấu đáp ứng cho khoảng 60% số
sinh viên trên toàn quốc, tức khoảng 1,2 triệu học sinh, sinh viên có
nhu cầu được bố trí chỗ ở trong ký túc xá (chưa tính tới số lượng
học sinh được đào tạo tại các trung tâm dạy nghề).
Để thực hiện được mục tiêu này trong thời
gian 05 năm (2011÷2015) cần phải xây dựng hơn 4,8 triệu m2 sàn
nhà ở cho sinh viên (4m2 sàn sử dụng/01 sinh viên) với tổng
mức đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng (kể cả đầu tư hạ tầng thiết yếu),
với suất vốn đầu tư là 25 triệu đồng/01 sinh viên tức mỗi năm cần
khoảng 6.000 tỷ đồng.
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ
HOẠCH NĂM 2009
1. Tiến độ thực hiện:
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số
18/NQ-CP ngày 20/4/2009 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg
ngày 24/4/2009, Bộ Xây dựng đã khẩn trương đôn đốc và trực tiếp hướng dẫn
các địa phương chuẩn bị các thủ tục chuẩn bị đầu tư (tổ chức họp
trực tuyến để hướng dẫn). Các địa phương cũng đã triển khai rất
tích cực trong việc chuẩn bị đất sạch, lập dự án đầu tư và chuẩn
bị thực hiện đầu tư. Bộ Xây dựng đã ban hành 06 Thông tư hướng dẫn triển
khai thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP và 03 Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ, trong đó có Thông tư số 10/2009/TT-BXD ngày 15/6/2009 hướng dẫn
quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp
và nhà ở thu nhập thấp; Thông tư số 13/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 hướng dẫn việc
cho thuê, quản lý vận hành nhà ở sinh viên và nhà ở công nhân khu công nghiệp;
Thông tư số 17/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 hướng dẫn phương pháp xác định giá
cho thuê nhà ở sinh viên được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Theo Quyết định số 1308/QĐ-TTg ngày 20/8/2009 của
Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh mục dự án phát triển nhà ở sinh viên bằng
nguồn trái phiếu Chính phủ năm 2009, có 88 dự án được bố trí vốn trái
phiếu Chính phủ là 3.500 tỷ đồng. Tính đến nay đã có 84 dự án trên tổng
số 88 dự án phát triển nhà ở cho sinh viên đã được khởi công trên cả nước.
Các dự án chưa khởi công là:
- Ký túc xá Đại học Lâm Nghiệp (Hà Nội);
- Ký túc xá Đại học Nông Nghiệp (Hà
Nội);
- Cụm nhà ở sinh viên tập trung khu 1 (Thái
Bình);
- Ký túc xá sinh viên trường Cao đẳng công
nghiệp Phúc Yên (Vĩnh Phúc).
Theo báo cáo của các địa phương, các dự án đã khởi
công đều triển khai đảm bảo tiến độ, nhiều dự án đã hoàn thành xây dựng phần
móng, đặc biệt một số dự án triển khai sớm đã xây dựng lên tầng 2-3 của công
trình (tỉnh Thái Nguyên, Bộ Quốc phòng…). Nhiều địa phương đang tập trung
chỉ đạo, triển khai quyết liệt để phấn đấu hoàn thành các dự án sớm trước tiến
độ đề ra.
Về danh mục các dự án tại thành phố Hà Nội
và thành phố Hồ Chí Minh, sau khi Ủy ban nhân dân các thành phố có quyết định
phê duyệt và báo cáo cụ thể về các dự án xây dựng nhà ở sinh viên trên địa bàn,
Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan đã tổ chức rà soát, làm việc trực tiếp
và thống nhất danh mục dự án với hai địa phương. Ngày 24/11/2009 Bộ Xây dựng đã
có Tờ trình số 104/TTr-BXD gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt danh mục dự
án phát triển nhà ở sinh viên tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và điều
chỉnh danh mục dự án nhà ở sinh viên cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công an bằng nguồn
vốn Trái phiếu Chính phủ năm 2009. Theo đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 10
dự án với tổng số vốn phân bổ năm 2009 là 625 tỷ đồng và trên địa bàn thành phố
Hồ Chí Minh có 05 dự án với tổng số vốn phân bổ năm 2009 là 800 tỷ đồng (bằng
số vốn trái phiếu Chính phủ đã được phân bổ năm 2009 theo Quyết định số
1308/QĐ-TTg ngày 20/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ).
Các dự án nhà ở sinh viên chưa khởi công của
hai thành phố cũng đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, sẵn sàng khởi công
ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ (dự kiến trong tháng
12/2009).
Nhìn chung tiến độ triển khai các dự án
đầu tư nhà ở cho học sinh, sinh viên tại các địa phương là nhanh, do
các cơ chế chính sách nêu trên là đúng đắn và được xã hội đồng
tình, chính quyền các cấp của các địa phương ủng hộ, doanh nghiệp
tích cực tham gia, nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.
2. Tình hình giải ngân, thanh toán
Sau hơn 03 tháng triển khai thực hiện, theo
báo cáo của các địa phương đến ngày 10/12/2009 đã thực hiện giải ngân được
tổng số vốn là 1.255 tỷ đồng đạt 36% số vốn được phân bổ. Trong đó nhiều địa
phương đã thực hiện giải ngân trên 50% số vốn như Hưng Yên (100%), Quảng Nam
(100%), Thái Nguyên (76%), Ninh Bình (100%), Thừa Thiên Huế (94%), Cần Thơ
(53%)...Các dự án còn lại đang làm thủ tục giải ngân, dự kiến trong tháng
12/2009 sẽ thực hiện giải ngân đạt khoảng 1.800-2.000 tỷ đồng (thêm khoảng
1.000 tỷ đồng so với số vốn giải ngân được tính đến cuối tháng
11/2009) tức đạt khoảng 57%. Một số nguyên nhân việc giải ngân chưa đạt
được tiến độ đề ra, cụ thể là:
- Quyết định phê duyệt Danh mục dự án phát triển
nhà ở sinh viên bằng nguồn trái phiếu Chính phủ năm 2009 của Thủ tướng
Chính phủ mới ban hành ngày 20/8/2009 (đến nay mới được gần 04
tháng).
- Thông báo kế hoạch vốn trái phiếu Chính
phủ bổ sung năm 2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày
16/9/2009 (đến nay mới được gần 03 tháng).
- Vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009 được
phân bổ cho các dự án nhà ở sinh viên tại thành phố Hà Nội và
thành phố Hồ Chí Minh là 1.425 tỷ đồng (chiếm tới 41%) chưa giải ngân
được do chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án, nên
ảnh hưởng không nhỏ tới tổng mức giải ngân của Chương trình.
Nếu trong tháng 12 này, khi được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt danh mục dự án của thành phố Hà Nội và thành
phố Hồ Chí Minh thì khối lượng giải ngân của Chương trình này sẽ
tăng lên rất nhanh.
(Chi tiết xin xem tại Phụ lục số 01 kèm
theo)
III. DỰ KIẾN PHÂN BỔ VỐN
TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ NĂM 2010:
1. Nguyên tắc phân bổ vốn:
- Tập trung vốn để tiếp tục hoàn thành các dự án
đã được bố trí vốn và triển khai trong năm 2009 và hoàn thành vào năm 2010;
- Căn cứ theo quy định tại Quyết định số
1308/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương còn lại bố
trí vốn trong năm 2010 để đáp ứng cho khoảng 36.777 học sinh. Chỉ bố
trí vốn cho các dự án đã có quỹ đất sạch, đã có quyết định phê
duyệt dự án và sẵn sàng khởi công ngay trong quý I năm 2010.
- Ưu tiên đầu tư các dự án nhà ở sinh viên
theo hướng tập trung theo cụm trường tại các địa phương có nhiều sinh viên,
nhiều cơ sở đào tạo và có nhu cầu về chỗ ở cho học sinh, sinh viên cao. Đồng
thời các dự án đó ở tại các địa phương khó khăn trong việc thu ngân
sách phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương lớn.
2. Dự kiến kế hoạch phân bổ vốn
trái phiếu Chính phủ năm 2010:
Căn cứ tình hình thực hiện Quyết định số
65/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nguyên tắc phân bổ nguồn vốn
trái phiếu Chính phủ nêu trên, Bộ Xây dựng đã cùng các Bộ, ngành liên quan
đang khẩn trương rà soát, tổng hợp danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở sinh
viên bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010 để trình Thủ tướng Chính phủ
xem xét, phê duyệt vào cuối tháng 12/2009.
Theo Quyết định số 1308/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ thì đa số các dự án được bố trí vốn phải hoàn
thành trong 02 năm 2010-2011 (trong số 88 dự án có 72 dự án phải hoàn
thành trong năm 2010 và 16 dự án sẽ hoàn thành chậm nhất vào quý III
năm 2011). Bộ Xây dựng cũng đã thống nhất với các địa phương phấn
đấu để hoàn thành và bàn giao các dự án để đưa vào sử dụng trước
năm học mới 2010, 2011. Để đảm bảo được mục tiêu trên, Bộ Xây dựng đề
nghị tiếp tục phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010 cho các
dự án tại 28 địa phương (trong đó có 04 địa phương được bổ sung danh
mục) và 02 Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã được bố trí vốn và triển khai
trong năm 2009 là 3.942 tỷ đồng; cho 28 địa phương địa phương chưa được
bố trí trong năm 2009 sẽ được phân bổ là 858 tỷ đồng. Tổng mức vốn
trái phiếu Chính phủ đề nghị phân bổ trong năm 2010 là 4.800 tỷ đồng.
(Chi tiết xin xem tại Phụ lục số 02 kèm
theo)
III. KIẾN NGHỊ:
1. Đề nghị Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn vốn
trái phiếu Chính phủ trong năm 2010 là 4.800 tỷ đồng, để hoàn thành các dự án
đã khởi công trong năm 2009 và triển khai một số dự án mới tại các
địa phương chưa được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ trong năm 2009. Để
các dự án này có thể được đưa vào khai thác vận hành vào cuối năm 2010 hoặc đầu
năm 2011.
2. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có kế hoạch
tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ trong giai
đoạn 2011÷2015 là 30.000 tỷ đồng với mỗi năm là 6.000 tỷ đồng để
phát triển quỹ nhà ở cho học sinh, sinh viên. Đảm bảo mục tiêu đến năm
2015 sẽ đáp ứng cho khoảng 60% số học sinh, sinh viên trên toàn quốc có nhu
cầu được thuê nhà ở tại các dự án nhà ở sinh viên,
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp
tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan tăng cường việc kiểm tra, đôn
đốc, rà soát tiến độ thực hiện tại các địa phương được phân bổ
trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên, đảm bảo
tiến độ xây dựng, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đạt được
hiệu quả cao; đồng thời thực hiện tốt chức năng điều hành chuyển
vốn theo quy định để phát huy hiệu quả nguồn vốn trái phiếu.
Bộ Xây dựng xin Kính trình Thủ tướng
Chính phủ tình hình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nhà ở cho
học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp bằng
nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong năm 2009 và dự kiến phân bổ kế hoạch
vốn trái phiếu Chính phủ trong năm 2010.
Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét,
quyết định./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC,
GD&ĐT;
- Lưu: VP, QLN (2 b).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Quân
|