Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 7898/BC-BKH Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Người ký: Võ Hồng Phúc
Ngày ban hành: 29/10/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 7898/BC-BKH

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2008

 

BÁO CÁO TÓM TẮT

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC Ở CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG TỪ NĂM 2005 ĐẾN NĂM 2007

(Báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XII)

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam;

Kính thưa các vị Đại biểu Quốc hội;

Kính thưa các vị khách quý;

Thực hiện Nghị quyết 573 NQ/UBTVQH12 ngày 25 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; căn cứ vào kế hoạch giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình Quốc hội “Báo cáo Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007” (Báo cáo số 159/CP-KTTH của Chính phủ ngày 13 tháng 10 năm 2008).

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin trình bày những nội dung chủ yếu của báo cáo như sau:

I. VỀ BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC

1. Tình hình xây dựng, trình Quốc hội thông qua các luật

Từ trước năm 2005, căn cứ vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, nghiên cứu xây dựng các luật: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu.

Trong năm 2005, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 8 thông qua Luật Đấu thầu (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4 năm 2006); Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2006).

Các luật được ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu phát triển nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã được điều chỉnh bởi cùng một luật; hoạt động đấu thầu được quản lý bằng luật thay vì quản lý bằng một văn bản pháp lý ở tầm Nghị định; hạn chế dần tính khép kín trong hoạt động đầu tư; tính công khai, minh bạch được thể hiện đầy đủ hơn; thực tế vận hành của các luật này đã mang lại hiệu quả cao hơn.

Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành ba luật trên đã được triển khai ngay trong quá trình xây dựng luật. Cùng với việc trình Quốc hội ban hành văn bản luật, Chính phủ đã có dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội để cho ý kiến.

2. Tình hình ban hành văn bản hướng dẫn thi hành 

Đối với Luật Doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành các Nghị định về: hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp; đăng ký kinh doanh; Quy định việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.

Đối với Luật Đầu tư, Chính phủ đã ban hành các Nghị định về: quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đầu tư; quy định đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT); quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; quy định khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách Nhà nước...

Đối với Luật Đấu thầu, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng; quyết định các trường hợp đặc biệt được chỉ định thầu; quy chế đấu thầu, đặt hàng đối với dịch vụ công.

Liên quan đến lĩnh vực xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Liên quan đến công tác quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị định về lập phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Nghị định về qui hoạch xây dựng.

Cùng với các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các bộ liên quan đã ban hành nhiều thông tư, quyết định hướng dẫn các vấn đề cụ thể thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của đơn vị mình.

3. Đánh giá về tình hình ban hành các văn bản 

Nhìn chung, các văn bản luật pháp trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng đã được ban hành kịp thời, bổ sung ngày càng đầy đủ hơn, đồng bộ hơn, hiệu lực pháp lý cao hơn và phù hợp với thực tế hơn. Các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư được ban hành đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng. Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật Xây dựng, Đầu tư, Đấu thầu, Doanh nghiệp. Đồng thời các bộ, ngành đã rà soát bãi bỏ các văn bản chồng chéo, văn bản không còn hiệu lực.

Các văn bản ban hành phù hợp với Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật, thể hiện ở các mặt: các Nghị định ban hành đã tuân thủ các qui định tại các luật; các thông tư hướng dẫn và quyết định phù hợp với nghị định và không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, nội dung quản lý. Những văn bản pháp luật có sự mâu thuẫn, chồng chéo đã được xem xét, nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi.

Các Luật và Nghị định hướng dẫn mới ban hành nói chung phù hợp với chủ trương, đường lối, tiến trình hội nhập quốc tế; đồng thời bổ sung thêm các nội dung mới về quản lý đầu tư phù hợp với tình hình mới. Các văn bản ban hành đã thực hiện theo đúng chủ trương phân cấp, tăng quyền hạn cho các bộ, ngành và các địa phương, đồng thời đã gắn quyền hạn với trách nhiệm một cách cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là đối với các chủ đầu tư; tăng cường vai trò và trách nhiệm cá nhân, từng bước qui định cụ thể chế tài xử phạt.

Đã thực hiện phân cấp một cách mạnh mẽ cho các cấp, các ngành và địa phương từ quyết định chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư, thẩm định, ra quyết định đầu tư, phân bổ vốn đầu tư, theo dõi và quản lý thực hiện các dự án. Theo đó Thủ tướng Chính phủ chỉ ra quyết định phê duyệt các dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư; còn lại tất cả các dự án thuộc nhóm A, B, C đều đã được phân cấp cho các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) phê duyệt quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, trong vận hành thực thi các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung đó là:

- Chưa thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, nhiều đề án chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra. Một số văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa ban hành theo đúng thời gian đã được quy định tại các luật; các văn bản được ban hành ở những thời điểm khác nhau, nên khái niệm, nội dung quản lý đã có những thay đổi, cần được tiếp tục nghiên cứu để đồng bộ và thống nhất trong quản lý.

- Về phạm vi điều chỉnh các hoạt động đầu tư: thiếu một hệ thống luật pháp nhất quán điều chỉnh họat động đầu tư nói chung. Luật Đầu tư hiện hành chỉ điều chỉnh hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh; còn lại các hoạt động đầu tư không nhằm mục đích kinh doanh chưa có luật tương ứng để điều chỉnh.

- Còn có sự khác nhau giữa các Luật và văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến đầu tư trong một số vấn đề như: thuật ngữ, phân loại dự án, trình tự đầu tư,...

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC Ở CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

1. Tình hình chung

Thực hiện Nghị quyết số 36/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước, từ năm 2005 đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nợ tồn đọng đầu tư xây dựng cơ bản.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XI; Chính phủ đã có báo cáo số 140/CP-KTTH ngày 13 tháng 10 năm 2005 về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2004/NQ11 của Quốc hội về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn Nhà nước. Nội dung của báo cáo đề cập đến việc tổ chức thực hiện Nghị Quyết của Quốc hội, rà soát các văn bản pháp quy; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chống dàn trải, chống lãng phí thất thoát; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nhà nước, xử lý nợ đọng khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản.

Hàng năm Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; hàng tháng đều có các Nghị quyết về phiên họp Chính phủ thường kỳ, trong đó đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, chống lãng phí, thất thoát vốn đầu tư của nhà nước; đồng thời Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển.

Về quản lý qui hoạch, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo sự phù hợp giữa quy hoạch phát triển ngành với quy hoạch phát triển vùng, lãnh thổ.

Về kế hoạch đầu tư, việc bố trí vốn đầu tư trong những năm qua đã được tập trung cho các công trình trọng điểm, công trình có sức lan tỏa cao, khắc phục từng bước tình trạng đầu tư dàn đều, phân tán nguồn lực.

Các tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư từ NSNN được quy định cụ thể, phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển và yêu cầu điều chỉnh cơ cấu kinh tế. Việc phân bổ vốn được thực hiện công khai, minh bạch từ Trung ương đến địa phương.

Đặc biệt, để góp phần kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17/4/2008 về điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách nhà nước năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát. 

Công tác giám sát, đánh giá đầu tư đã được tăng cường ở tất cả các cấp, các ngành và đã đạt được kết quả bước đầu. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc giám sát và đánh giá lại công tác đầu tư, đồng thời nắm bắt tình hình, phân tích những tồn tại và hạn chế, đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn.

Hệ thống thanh tra kế hoạch và đầu tư đã được hình thành từ Trung ương đến địa phương. Hoạt động của thanh tra bước đầu được triển khai thực hiện; kết quả một số cuộc thanh tra đã phát hiện được nhiều vấn đề tồn tại trong cơ chế quản lý, nhiều sai phạm trong quản lý đầu tư và đã có những kiến nghị cụ thể để xử lý những vi phạm.

Tuy nhiên, công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém, làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, xã hội. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn trong tình trạng quá tải (hệ thống giao thông, điện, bệnh viện,…). Thủ tục trong đầu tư  xây dựng vẫn còn rườm rà, phức tạp, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Hiệu quả đầu tư nói chung còn thấp, tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu tập trung; thất thoát và lãng phí vốn đầu tư, nhất là vốn ngân sách nhà nước chưa được khắc phục triệt để. Đầu tư thiếu đồng bộ, tiến độ kéo dài, dự án phải điều chỉnh nhiều lần làm tăng tổng mức đầu tư và gây bị động trong khâu cân đối kế hoạch vốn hàng năm.

Hiện tại, kế hoạch trung hạn trong đầu tư chưa được quan tâm đúng mức, nên hàng năm các bộ ngành và địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, nhất là kế hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do hệ thống văn bản quản lý đầu tư còn thiếu đồng bộ, thống nhất và chưa cụ thể; công tác điều hành còn nhiều yếu kém; năng lực của chủ đầu tư, cán bộ quản lý còn hạn chế; năng lực của nhà thầu trong cả tư vấn và xây dựng còn yếu; một bộ phận cán bộ quản lý chưa có tinh thần trách nhiệm cao; công tác theo dõi kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán chưa được quan tâm đầy đủ, và chế tài thực hiện chưa đủ mạnh, chưa nghiêm minh.

2. Kết quả thực hiện trên một số ngành, lĩnh vực và địa phương

(1) Về qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội 

Đến đầu năm 2008 đã hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 của 6 vùng; xây dựng quy hoạch phát triển các hành kinh tế; xây dựng quy hoạch phát triển các dải ven biển; xây dựng quy hoạch hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu cả nước.

Đến nay, đã có 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.

Trên cơ sở các quy hoạch đã được duyệt, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, thu hút được ngày càng nhiều vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, bước đầu hình thành được cơ cấu nguồn vốn đầu tư hợp lý nhằm mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhiều quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm trên địa bàn cả nước đã được xây dựng và triển khai thực hiện. Theo báo cáo của các bộ, ngành, đến nay đã có 102 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu được lập, trong đó có 38 quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Những năm gần đây công tác lập quy hoạch đã có nhiều đổi mới. Đối với một số ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các quy hoạch đã chú ý tới tính linh hoạt trong việc xác định mục tiêu, định hướng, chú ý nhiều hơn đến yếu tố thị trường và khả năng cạnh tranh, tránh được việc đưa ra các chỉ tiêu và các công trình, dự án quá cụ thể.

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay của các bản quy hoạch đó là chất lượng chưa cao, thiếu căn cứ vững chắc, chưa có tầm nhìn xa. Công tác phân tích và dự báo về thị trường thiếu tin cậy cho nên nhiều bản quy hoạch phải thay đổi nhiều lần; chưa phù hợp với cơ chế thị trường, nhất là các diễn biến về thị trường quốc tế.

Các quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng xã hội ở các tỉnh, thành phố thiếu đồng bộ, triển khai chậm, chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa; ở các thành phố lớn vẫn chưa có các quy hoạch kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Hệ thống tổ chức cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch từ Trung ương đến địa phương còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Kinh phí phục vụ cho công tác xây dựng quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, không đủ khả năng thuê tư vấn có trình độ cao, tư vấn quốc tế,… Quản lý đầu tư theo quy hoạch còn nhiều yếu kém, nhất là trong lĩnh vực đất đai, quản lý đô thị.

(2) Một số kết quả thực hiện đầu tư xây dựng ở một số bộ, ngành và địa phương

- Lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn (phần do trung ương quản lý)

Từ năm 2005 - 2007, vốn đầu tư ngân sách nhà nước giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bao gồm cả Bộ Thủy sản cũ) là 6.587 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2005 - 2007 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng, bằng 121% kế hoạch vốn, do nguồn vốn ngoài nước đã giải ngân vượt kế hoạch được giao.

Số dự án đầu tư trong giai đoạn 2005 - 2007 là 307 dự án, hoàn thành khoảng 200 dự án, chiếm 65% dự án triển khai, trong đó: 95 dự án thủy lợi, 46 dự án nông nghiệp, 9 dự án lâm nghiệp, 20 dự án thủy sản, 13 dự án khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đầu tư 71 dự án công trình thủy lợi với số vốn được giao quản lý là 15,5 nghìn tỷ đồng. Đến hết năm 2007 có 11 dự án hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, bao gồm 7 dự án thủy lợi, 4 công trình thủy lợi miền núi.

Năng lực tưới của hệ thống thủy lợi đã đảm bảo cho khoảng 3,4 triệu ha đất canh tác. Diện tích gieo trồng được tưới đạt 6,85 triệu ha; diện tích rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày được tưới đạt khoảng 1,49 triệu ha. Đảm bảo tiêu thoát nước cho 1,71 triệu ha đất nông nghiệp. Các công trình thủy lợi còn góp phần ngăn mặn 0,87 triệu ha; cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha; duy trì cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trên 5,65 tỷ m3/năm.

- Lĩnh vực giao thông vận tải (phần do trung ương quản lý):

Trong 3 năm 2005 - 2007, vốn đầu tư ngân sách nhà nước giao cho Bộ Giao thông vận tải khoảng 20.000 tỷ đồng (gồm cả vốn ODA) và vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 33 nghìn tỷ đồng; đã triển khai thực hiện và hoàn thành nhiều công trình đưa vào khai thác sử dụng, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, vận tải hàng hóa, hành khách, cải thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông.

Cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 từ Hòa Lạc (Hà Tây) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài 1.432 km đường, 53 cầu lớn và 261 cầu trung. Hoàn thành đưa vào sử dụng gần 100 công trình, dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, trong đó có: 56 công trình giao thông đường bộ, 42 cầu. Đã triển khai một số dự án quy mô lớn như Nam Sông Hậu, Quản Lộ-Phụng Hiệp, QL6 (giai đoạn 2), QL279 (đoạn Tuần giáo- Điện Biên).

Nhờ tập trung đầu tư như trên, năng lực của ngành đã tăng lên đáng kể: nâng cấp, cải tạo, làm mới gần 3.000 km đường quốc lộ, trên 35.000 m cầu, 5.600 m cầu cảng biển, tăng thêm năng lực thông qua cảng biển là 24 triệu tấn/năm; các tuyến đường sắt tiếp tục được nâng cấp; nhiều hạng mục công trình của các cảng hàng không được nâng cấp và xây dựng mới, năng lực thông qua cảng hàng không tăng 10,5 triệu hành khách/năm.

- Xây dựng hệ thống bệnh viện đa khoa tuyến huyện

Nhu cầu vốn đầu tư (theo Đề án 225) là 8.350 tỷ đồng. Tập trung đầu tư 387 bệnh viện đa khoa huyện và 9 bệnh viện đa khoa khu vực từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn vốn ODA.

Trong giai đoạn 2005-2007: hầu hết các tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 225/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đã có khoảng 250 bệnh viện đang được đầu tư. Tổng vốn đầu tư từ tất cả các nguồn trong 3 năm ước đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh thực hiện mục tiêu này, trong giai đoạn tới Chính phủ dự kiến mỗi năm sử dụng khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ để đầu tư đẩy nhanh việc triển khai thực hiện, sớm hoàn thành việc nâng cấp bệnh viện tuyến huyện, giải quyết một phần tình trạng quá tải hiện nay của các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương.

- Chương trình kiên cố hóa trường lớp học (giai đoạn 1 theo Quyết định 159/QĐ-TTg).

Vốn thực hiện chương trình là 9.310 tỷ đồng, trong đó: ngân sách trung ương huy động từ công trái giáo dục là 5.336 tỷ đồng, ngân sách địa phương 3.174 tỷ đồng, nguồn vốn khác 913 tỷ đồng. Số vốn đã giải ngân là 4.882 tỷ đồng, đạt 93,5% tổng số vốn trung ương đã hỗ trợ cho địa phương.

Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình đã xây dựng mới và kiên cố được 74.216 phòng học, trong đó có hơn 67.053 phòng học đã hoàn thành đưa vào sử dụng có đủ bàn, ghế, bảng, đèn điện chiếu sáng. Thực hiện được mục tiêu xoá bỏ các lớp học 3 ca và thanh toán những phòng học tạm thời tranh tre nứa lá. Chất lượng giáo dục được nâng dần, góp phần thực hiện việc đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 40 của Quốc hội khoá X.

Phần lớn các phòng học từ bậc học mầm non đến phổ thông được xây dựng theo thiết kế mẫu, thiết kế điển hình do Bộ Xây dựng ban hành, đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu của Chương trình là kiên cố, bền vững, phù hợp với điều kiện của Việt Nam ở các vùng, miền khác nhau.

- Tình hình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản ở các địa phương

Việc bố trí vốn đầu tư XDCB của các địa phương đã tập trung bố trí vốn cho các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng và xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương, đồng thời góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo thêm việc làm mới, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Trong bố trí kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hàng năm, các địa phương đã quan tâm hơn trong việc tập trung vốn cho các dự án hoàn thành trong năm kế hoạch, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Hàng năm các địa phương đã dành một phần vốn để thanh toán các khoản nợ đọng XDCB kéo dài nhiều năm.

Đối với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ có mục tiêu: Các địa phương đã triển khai đúng với mức vốn và định hướng được giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương, nhất là đối với các tỉnh ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ,...

3. Tình hình và kết quả thanh tra, kiểm tra về đầu tư xây dựng cơ bản

Cùng với việc ban hành các văn bản pháp luật về quản lý và triển khai thực hiện trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về đầu tư xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, hạn chế đầu tư dàn trải theo tinh thần Nghị quyết số 36/2004/QH11 ngày 03/12/2004 của Quốc hội khóa XI về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước. Đồng thời qua thanh tra, kiểm tra để phát hiện và kiến nghị bổ sung, sửa đổi chính sách cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Để triển khai thực hiện, ngoài các giải pháp tại các Nghị quyết hàng năm và Nghị quyết hàng tháng của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã có các Công điện và Chỉ thị chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các công trình, dự án trọng điểm có sử dụng nguồn vốn của Nhà nước (kể cả vốn ODA), trong đó trọng tâm là các công trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi.

(1) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước qua công tác thanh tra, kiểm tra.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 36/2004/QH11 (từ 2005-2007), Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành hàng ngàn cuộc thanh tra các dự án, công trình đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn nhà nước. Các cuộc thanh tra cũng được thực hiện theo nhiều hình thức và phạm vi khác nhau như thanh tra theo chuyên đề (các dự án kiên cố hóa kênh mương, dự án đầu tư xây dựng trường học, dự án giao thông nông thôn giai đoạn II, dự án thủy lợi đồng bằng sông Hồng...); theo diện rộng (các dự án giao thông tỉnh Khánh Hòa, các dự án thủy lợi tỉnh Sóc Trăng...); các dự án lớn (Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, Dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 1A đoạn Cần Thơ - Năm Căn, Dự án đường dây 500 KV đoạn Phú Mỹ - Nhà Bè,...); các Chương trình hỗ trợ có mục tiêu (Dự án hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng, Dự án giảm nghèo các tỉnh phía Bắc, Dự án giảm nghèo các tỉnh Miền Trung...) và các dự án, công trình khác do các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, các dự án điện. Trong 2 năm 2005 và 2006 đã tiến hành 12 cuộc thanh tra về các lĩnh vực này, trong đó: giao thông 5 cuộc với 21 dự án, công trình có tổng mức đầu tư 5.618 tỷ đồng; thủy lợi 5 cuộc với 28 dự án, công trình có tổng mức đầu tư 1.722 tỷ đồng; điện 2 cuộc với 2 dự án có tổng mức đầu tư 3.225 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ cũng thực hiện nhiều cuộc thanh tra khác về các Khu công nghiệp, các Chương trình hỗ trợ có mục tiêu trong đó có nội dung về đầu tư xây dựng cơ bản.

Nhìn chung qua kết quả thanh tra, kiểm tra, công tác quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng đã dần đi vào nề nếp. Hệ thống văn bản pháp luật từng bước được hoàn thiện cùng với việc phân cấp quản lý mạnh mẽ đã góp phần khắc phục dần các tồn tại trong đầu tư xây dựng như phân bổ vốn đầu tư dàn trải, thất thoát lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp,... Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và nhà thầu về cơ bản chấp hành tương đối đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, các bước thực hiện đều tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định. Nhiều công trình hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy được hiệu quả đầu tư, góp phần vào việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước. Các chương trình hỗ trợ có mục tiêu trong đó chủ yếu là đầu tư xây dựng các công trình nhỏ được thực hiện ở các địa bàn vùng cao, khó khăn đã tạo điều kiện cho người dân nghèo ổn định và phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc.

(2) Các tồn tại, sai phạm về đầu tư xây dựng được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra.

Ngoài các tồn tại đã được nêu trong phần đánh giá giám sát đầu tư và thực hiện pháp luật về đấu thầu, qua thanh tra, kiểm tra các dự án công trình cụ thể, công tác quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng còn các tồn tại, sai phạm chủ yếu sau:

Hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng chưa đầy đủ, chưa rõ ràng và còn thiếu thống nhất về một số nội dung nên dẫn tới việc hiểu và vận dụng thực hiện khác nhau.

Công tác khảo sát để lập hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật còn yếu kém, sai sót dẫn tới phải điều chỉnh, bổ sung khối lượng thực hiện.

Trong công tác lập dự toán công trình vẫn còn tình trạng áp sai đơn giá, định mức, khối lượng làm tăng chi phí xây dựng.

Còn có tình trạng tổ chức đấu thầu hình thức, có biểu hiện thông thầu, đặc biệt đối với các công trình nhỏ ở các địa phương dẫn tới hiệu quả đấu thầu thấp, không có tính cạnh tranh.

Tiến độ thực hiện chậm ở hầu hết các dự án, công trình được thanh tra, kiểm tra dẫn tới tăng chi phí xây dựng, hiệu quả đầu tư thấp.

Công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng thực hiện còn nhiều sai sót, sai phạm, giải ngân chậm. Qua thanh tra các dự án đầu tư xây dựng trong 3 năm, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành và địa phương cả nước đã kiến nghị giảm trừ thanh toán, xuất toán và thu hồi hàng ngàn tỷ đồng.

Công tác quyết toán dự án, công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng hầu hết đều thực hiện chậm, không đúng thời gian quy định.

III. CÁC GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÓ HIỆU QUẢ NGUỒN VỐN CỦA NHÀ NƯỚC

1. Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy về quản lý đầu tư và xây dựng theo hướng đồng bộ, thống nhất và ổn định. Nghiên cứu xây dựng và trình Quốc hội luật quản lý hoạt động đầu tư không nhằm mục đích kinh doanh. Sửa đổi một số điều của các luật Đầu tư, Đấu thầu, Doanh nghiệp, Xây dựng hiện còn chưa thống nhất. Hoàn chỉnh hệ thống văn bản hướng dẫn các luật đã ban hành về quản lý đầu tư theo hướng hạn chế chồng chéo, loại bỏ những nội dung mâu thuẫn, không thống nhất và không đồng bộ. Trước mắt cần xử lý sớm các vướng mắc do chưa có sự thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu.

2. Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch xây dựng và tăng cường quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch, theo hướng: đảm bảo quy hoạch phải đi trước một bước; huy động các nguồn lực, tăng vốn đầu tư cho công tác quy hoạch xây dựng để sớm phủ kín quy hoạch; đồng thời đảm bảo sự liên kết, khớp nối giữa các quy hoạch. Bố trí đủ vốn cho công tác lập và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Bảo đảm tính thống nhất giữa quy hoạch của các tỉnh, với quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển của cả nước. Nâng cao tính pháp lý của các quy hoạch được phê duyệt; chấp hành nghiêm quản lý đầu tư theo quy hoạch.

3. Nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng đã được pháp luật quy định (người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn,...). Xóa bỏ tình trạng khép kín quá trình đầu tư xây dựng ở các bộ, ngành, địa phương như hiện nay.

4. Hoàn thiện các văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng phù hợp các quy định của WTO. Nghiên cứu xây dựng pháp luật về tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội (theo hình thức kết hợp giữa nhà nước và tư nhân). Phát triển mạnh hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp trong xây dựng; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng đối với các công trình mang tính dịch vụ; xã hội hóa các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng như hình thức tư nhân xây dựng trụ sở, trường học, bệnh viện cho nhà nước thuê hoặc để kinh doanh.

5. Đổi mới công tác phân bổ vốn và thanh, quyết toán vốn đầu tư. Tiếp tục nghiên cứu để bổ sung hoàn thiện các tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư theo Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện việc rà soát, sắp xếp bố trí lại kế hoạch đầu tư theo các quy định tại Quyết định 390/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hoàn thiện cơ chế và điều hành chính sách giá cả hiệu quả hơn, đồng thời với việc hoàn thiện cơ chế quản lý đơn giá xây dựng đảm bảo tính công bằng, chống tiêu cực, thất thoát trong quản lý đầu tư xây dựng.

6. Đưa công tác giải phóng mặt bằng vào giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện giải phóng mặt bằng theo qui hoạch. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường về lực lượng cán bộ, giải quyết nhanh thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ cho các dự án, cập nhật và thông báo kịp thời giá của các loại vật liệu xây dựng chủ yếu để có cơ sở quản lý và thực hiện việc điều chỉnh giá theo đúng quy định.

7. Tăng cường công tác đánh giá, giám sát đầu tư; có hệ thống theo dõi từ Trung ương đến các Bộ, ngành và địa phương. Chính phủ có biện pháp kiểm tra chất lượng báo cáo giám sát đánh giá đầu tư của các Bộ, ngành, tỉnh thành. Có biện pháp để công tác giám sát giám sát, đánh giá đầu tư được thực hiện đầy đủ trong tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư, như: Quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu, thi công xây dựng công trình, kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng, tránh tình trạng chỉ chủ yếu tập trung vào giai đoạn thi công xây dựng công trình như hiện nay.

8. Công tác thanh tra, kiểm tra trong quản lý đầu tư và xây dựng cần quy định cụ thể trách nhiệm và quyền hạn của từng bộ về nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra, cần quy định cơ chế phối hợp công tác thanh tra kiểm tra giữa các bộ ngành tránh tình trạng trùng lắp./.

 

 

Nơi nhận:
- Các đại biểu Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Lưu: VT, vụ TH

BỘ TRƯỞNG




Võ Hồng Phúc

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo số 7898/BC-BKH ngày 29/10/2008 về việc tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.042

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.115.45
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!