BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 20/2022/TT-BTTTT
|
Hà Nội, ngày 29 tháng
11
năm 2022
|
THÔNG
TƯ
BAN
HÀNH “QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ TRUY NHẬP INTERNET BĂNG
RỘNG CỐ ĐỊNH MẶT ĐẤT”
Căn cứ Luật
Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật
Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật
Tần số vô tuyến điện ngày 23
tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị
định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn
và Quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị
định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP
ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị
định số 48/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học
và Công nghệ,
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
ban hành Thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ
truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất.
Điều 1. Ban
hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ
truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất (QCVN 34:2022/BTTTT).
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.
2. Thông tư số 08/2019/TT-BTTTT ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Bộ
trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất
lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất” hết hiệu lực thi
hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Thông tin
và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
-
Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Cổng
thông tin điện tử của Bộ;
- Lưu: VT, KHCN (250).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng
|
QCVN
34:2022/BTTTT
QUY
CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ TRUY NHẬP INTERNET BĂNG RỘNG CỐ ĐỊNH
MẶT ĐẤT
National
technical regulation on quality of fixed
land broadband Internet Access Service
Mục lục
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
1.2. Đối tượng áp dụng
1.3. Giải thích từ ngữ
1.4. Chữ viết tắt
2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
2.1. Các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật
2.1.1. Thời gian trễ trung bình
2.1.2. Tốc độ tải dữ liệu trung bình
2.1.3. Mức chiếm dụng băng thông
2.2. Các chỉ tiêu chất lượng phục vụ
2.2.1. Độ khả dụng của dịch vụ
2.2.2. Thời gian thiết lập dịch vụ
2.2.3. Thời gian khắc phục mất kết nối
2.2.4. Khiếu nại của khách hàng về chất
lượng dịch vụ
2.2.5. Hồi âm khiếu nại của khách hàng
2.2.6. Dịch vụ trợ giúp khách hàng
3. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ
4. TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP CUNG CẤP
DỊCH VỤ
5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Phụ lục A (Quy định) Yêu cầu chung về
đo kiểm
Thư mục tài liệu tham khảo
Lời nói đầu
QCVN 34:2022/BTTTT thay thế QCVN
34:2019/BTTTT.
QCVN 34:2022BTTTT do Cục Viễn thông
biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm
định, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kèm theo Thông tư số 20/2022/TT-BTTTT
ngày 29
tháng 11 năm
2022.
QUY CHUẨN KỸ
THUẬT QUỐC GIA VỀ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ TRUY NHẬP INTERNET BĂNG RỘNG CỐ ĐỊNH MẶT ĐẤT
National
technical regulation on quality of fixed
land broadband Internet Access Service
1. QUY ĐỊNH
CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định mức giới hạn
các chỉ tiêu chất lượng đối với dịch vụ truy nhập Internet băng rộng, thuộc
nhóm dịch vụ viễn thông cố định mặt đất (sau đây gọi tắt là dịch vụ truy nhập
Internet băng rộng cố định mặt đất), bao gồm:
- Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng
cố định mặt đất sử dụng công nghệ FTTH/xPON (gọi tắt là dịch vụ truy nhập
Internet cáp quang);
- Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng
cố định mặt đất sử dụng công nghệ Modem cáp truyền hình (gọi tắt là dịch vụ
truy nhập Internet cáp truyền hình).
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với doanh
nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất
(sau đây gọi tắt là DNCCDV) để thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ truy nhập
Internet băng rộng cố định mặt đất theo quy định của Nhà nước và của Bộ Thông
tin và Truyền thông.
Quy chuẩn này cũng là cơ sở để người sử
dụng giám sát chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất của
các doanh nghiệp.
1.3. Giải thích từ ngữ
1.3.1. Khách hàng (người sử dụng dịch
vụ)
Cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc nước
ngoài sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất tại Việt
Nam.
1.3.2. Chất lượng dịch vụ
Kết quả tổng hợp của các chỉ tiêu thể
hiện mức độ hài lòng của người
sử dụng dịch vụ đối với dịch vụ đó.
1.3.3. Dịch vụ truy nhập Internet
Dịch vụ cung cấp cho người sử dụng
Internet khả năng truy nhập đến Internet.
1.3.4. Dịch vụ truy nhập Internet băng
rộng cố định mặt đất
Dịch vụ truy nhập Internet được cung cấp
thông qua mạng băng rộng cố định mặt đất dựa trên các công nghệ khác nhau có tốc
độ tải xuống tối thiểu là 50 Mbit/s.
1.3.5. Dịch vụ truy nhập Internet cáp
quang
Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố
định mặt đất dựa trên họ các công nghệ FTTH/xPON, cho phép truy nhập thông tin
tốc độ cao trên đường thuê bao quang, phân phối băng tần tải xuống và băng tần
tải lên ngang bằng nhau.
1.3.6. Dịch vụ truy nhập Internet cáp
truyền hình
Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố
định mặt đất thông qua mạng cáp truyền hình dựa trên công nghệ Modem cáp, cho
phép truy nhập thông tin tốc độ cao trên đường thuê bao cáp
truyền hình, phân phối băng tần tải xuống có thể lớn hơn băng tần tải lên.
1.3.7. Thời gian trễ
Khoảng thời gian từ lúc máy nguồn gửi
gói tin đến máy đích và nhận được bản tin xác nhận.
1.3.8. Tải lên (Upload)
Tải dữ liệu theo hướng từ thiết bị của
khách hàng về phía hệ thống thiết bị của DNCCDV.
1.3.9. Tải xuống (Download)
Tải dữ liệu theo hướng từ phía hệ thống
thiết bị của DNCCDV đến thiết bị của khách hàng.
1.3.10. Tốc độ tải xuống Vd
Tốc độ tải xuống của gói dịch vụ được
ghi trong hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa DNCCDV và khách hàng.
1.3.11. Tốc độ tải lên Vu
Tốc độ tải lên của gói dịch vụ được
ghi trong hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa DNCCDV và khách hàng.
1.3.12. Sự cố
Hư hỏng của một hoặc một số phần tử mạng
của DNCCDV dẫn đến việc làm gián đoạn cung cấp dịch vụ.
1.3.13. Hướng kết nối
Hướng kết nối Internet từ DNCCDV đến
Internet quốc tế, đến trạm trung chuyển Internet (IX), đến trạm trung chuyển
Internet quốc gia (VNIX), đến các DNCCDV khác, bao gồm cả hướng đi và hướng về.
1.3.14. Lưu lượng trao đổi cao nhất
nhóm 95 %
Bỏ 5 % mẫu lưu lượng trao đổi cao nhất
và lấy mẫu lưu lượng trao đổi cao nhất của 95 % mẫu lưu lượng trao đổi còn lại.
1.3.15. Phương pháp xác định
Phương pháp xác định là các phương
pháp đánh giá chất lượng dịch vụ với mức lấy mẫu tối thiểu được quy định để Cơ
quan quản lý nhà nước và DNCCDV áp dụng trong việc đo kiểm chất lượng dịch vụ.
Mỗi chỉ tiêu chất lượng được quy định một hay nhiều phương pháp xác định khác
nhau. Trong trường hợp chỉ tiêu chất lượng dịch vụ được xác định bằng nhiều
phương pháp khác nhau quy định tại Quy chuẩn này thì chỉ tiêu chất lượng được
đánh giá là phù hợp khi kết quả đánh giá bởi mỗi phương pháp đều phù hợp với mức
chỉ tiêu quy định.
1.3.16. Có sẵn đường dây thuê bao
Có sẵn đường dây thuê bao là trường hợp
DNCCDV có thể cung cấp dịch vụ truy
nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trên đường dây thuê bao sẵn có thuộc hạ
tầng của mình tại địa chỉ cần thiết lập dịch vụ mà khách hàng cung cấp thông
tin trong hợp đồng ký với DNCCDV.
1.4. Chữ viết tắt
ACK
|
Acknowledgement
|
Bản tin xác nhận
|
FTTH
|
Fiber to the Home
|
Cáp quang đến nhà thuê bao bao
|
IX
|
Internet exchange
|
Trạm trung chuyển Internet
|
SACK
|
Selective Acknowledgement
|
Bản tin xác nhận có lựa chọn
|
VNIX
|
Vietnam National Internet exchange
|
Trạm trung chuyển Internet quốc gia
Việt Nam
|
xPON
|
x - Passive Optical Network
|
Họ các công nghệ trên mạng cáp quang
thụ động
|
MB
|
MegaByte
|
Đơn vị tính dung lượng của tệp dữ liệu
|
2. QUY ĐỊNH KỸ
THUẬT
2.1. Các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật
2.1.1. Thời gian trễ trung bình
2.1.1.1. Định nghĩa
Thời gian trễ trung bình là trung bình
cộng của các khoảng thời gian trễ.
2.1.1.2. Chỉ tiêu
Thời gian trễ trung bình: ≤ 50 ms (áp dụng
với kết nối trong nước).
2.1.1.3. Phương pháp xác định
Phương pháp mô phỏng. Sử dụng lệnh Ping tới máy chủ
phục vụ công tác đo kiểm. Số lượng mẫu đo tối thiểu là 1 000 mẫu. Dung lượng
gói tin mẫu là 32 bytes. Yêu cầu chung về đo kiểm được quy định tại Phụ lục A.
2.1.2. Tốc độ tải dữ liệu trung bình
2.1.2.1. Định nghĩa
Tốc độ tải dữ liệu trung bình gồm: tốc
độ tải xuống trung bình (Pd) và tốc độ tải lên trung bình (Pu):
- Tốc độ tải xuống trung bình (Pd)
là tỷ số giữa tổng tốc độ tải xuống trên tổng mẫu đo tải xuống.
- Tốc độ tải lên trung bình (Pu)
là tỷ số giữa tổng tốc độ tải lên trên tổng mẫu đo tải lên. Trong đó:
- Tốc độ tải xuống của từng mẫu đo là
tỷ số giữa tổng dung lượng tệp dữ liệu tải xuống trên tổng thời gian tải xuống
của mẫu đó.
- Tốc độ tải lên của từng mẫu đo là tỷ
số giữa tổng dung lượng tệp dữ liệu tải lên trên tổng thời gian tải lên của mẫu
đó.
2.1.2.2. Chỉ tiêu
• Pd ≥ 0,8 Vd.
• Pu ≥ 0,8 Vu.
2.1.2.3. Phương pháp xác định
Phương pháp mô phỏng, số lượng mẫu đo
tối thiểu là 1000 mẫu đo tải tệp (file) dữ liệu vào các giờ khác nhau trong
ngày với mỗi loại tải lên, tải xuống máy chủ phục vụ công tác đo kiểm. Dung lượng
của tệp dữ liệu (MB) dùng để thực hiện mẫu đo tối thiểu bằng hai lần giá trị tốc
độ tải tối đa (Mbit/s) của gói dịch
vụ được đo kiểm. Khoảng cách giữa hai mẫu đo liên tiếp xuất phát từ một đầu cuối
tối thiểu là 30 s.
Phương pháp xác định này áp dụng cho từng gói dịch vụ của DNCCDV. Yêu cầu chung
về đo kiểm được quy định tại phụ lục A của quy chuẩn này.
2.1.3. Mức chiếm dụng băng thông
2.1.3.1. Định nghĩa
Mức chiếm dụng băng thông là tỷ lệ (%)
giữa lượng dữ liệu trao đổi cao nhất trong nhóm 95 % trên đường truyền trong một
đơn vị thời gian và tốc độ tối đa của đường truyền (tính bằng Mbit/s). Mức chiếm
dụng băng thông được xác định cho từng hướng kết nối. Mức chiếm dụng băng thông
của một hướng kết nối được xác định trên cơ sở tổng dung lượng trao đổi cao nhất
trong nhóm 95 % của tất cả đường truyền trong cùng một hướng kết nối đó.
2.1.3.2. Chỉ tiêu
Mức chiếm dụng băng thông của hướng kết
nối từ DNCCDV đến Internet quốc tế: ≤ 95 %.
Mức chiếm dụng băng thông của các hướng
kết nối khác: ≤ 90 %.
2.1.3.3. Phương pháp xác định
Phương pháp giám sát. Giám sát lưu lượng
tất cả các hướng kết nối từ 00h00 đến 24h00 hàng ngày trong khoảng thời gian tối
thiểu là 3 tháng liên tiếp, thời gian mỗi mẫu giám sát là 5 min.
2.2. Các chỉ tiêu chất lượng phục vụ
2.2.1. Độ khả dụng của dịch vụ
2.2.1.1. Định nghĩa
Độ khả dụng của dịch vụ (D) là tỷ lệ
thời gian trong đó DNCCDV sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho khách hàng:
Trong đó:
Tr: Thời gian
xác định độ khả dụng của dịch vụ.
Tf: Thời gian sự cố thuộc
trách nhiệm của DNCCDV được tính theo công thức:
N: Tổng số lần xảy ra
sự cố trong thời gian xác định độ khả dụng
Ri: Tổng số
thuê bao Internet cố định băng rộng tại thời điểm xảy ra sự cố thứ i
ri: Số thuê bao Internet
bị ảnh hưởng trong sự cố thứ i
ti: Thời gian sự
cố thứ i
2.2.1.2. Chỉ tiêu
Độ khả dụng của dịch vụ ≥ 99,5 %.
2.2.1.3. Phương pháp xác định
Phương pháp thống kê. Thống kê toàn bộ
sự cố trong thời gian xác định độ khả dụng. Thời gian xác định độ khả dụng tối
thiểu là 3 tháng liên tiếp.
2.2.2. Thời gian thiết lập dịch vụ
2.2.2.1. Định nghĩa
Thời gian thiết lập dịch vụ (E) là khoảng
thời gian được tính từ lúc DNCCDV ký hợp đồng cung cấp dịch vụ truy nhập
Internet băng rộng cố định mặt đất với khách hàng và thống nhất với khách hàng
về thời gian lắp đặt, thiết lập dịch vụ cho tới khi khách hàng có thể sử dụng
được dịch vụ.
Nếu DNCCDV không thể ký hợp đồng cung
cấp dịch vụ thì trong vòng 3 ngày kể từ thời điểm nhận được yêu cầu cung cấp dịch
vụ của khách hàng, DNCCDV phải có văn bản thông báo cho khách hàng về việc từ
chối ký kết hợp đồng dịch vụ và nêu rõ lý do từ chối.
2.2.2.2. Chỉ tiêu
Trường hợp đã có sẵn đường dây thuê
bao: ≥ 90 % số hợp
đồng cung cấp dịch vụ có E ≤ 4 ngày.
Trường hợp chưa có sẵn đường dây thuê
bao:
- Nội thành, thị xã: ≥ 90 % số hợp
đồng cung cấp dịch vụ có E ≤ 7 ngày.
- Thị trấn, xã: ≥ 90 % số hợp
đồng cung cấp dịch vụ có E ≤ 9 ngày.
2.2.2.3. Phương pháp xác định
Phương pháp thống kê. Thống kê toàn bộ
yêu cầu thiết lập dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất của DNCCDV
trong khoảng thời gian tối thiểu là 3 tháng liên tiếp.
2.2.3. Thời gian khắc phục mất kết nối
2.2.3.1. Định nghĩa
Thời gian khắc phục mất kết nối (R) được
tính từ lúc DNCCDV nhận được thông báo về việc mất kết nối Internet từ phía
khách hàng hoặc từ hệ thống thiết bị của doanh nghiệp đến lúc kết nối được khôi
phục.
2.2.3.2. Chỉ tiêu
- Nội thành, thị xã: ≥ 95 % số lần mất
kết nối có R ≤ 36 h.
- Thị trấn, xã: ≥ 95 % số lần
mất kết nối có R ≤ 72 h.
2.2.3.3. Phương pháp xác định
Phương pháp thống kê. Thống kê đầy đủ
số liệu khắc phục mất kết nối trong khoảng thời gian tối thiểu là 3 tháng liên
tiếp.
2.2.4. Khiếu nại của khách hàng về chất
lượng dịch vụ
2.2.4.1. Định nghĩa
Khiếu nại của khách hàng về chất lượng
dịch vụ là sự không hài lòng của khách hàng về chất lượng dịch vụ được báo cho
DNCCDV bằng văn bản.
2.2.4.2. Chỉ tiêu
Số khiếu nại của khách hàng về chất lượng
dịch vụ (K): ≤ 0,25 khiếu nại/100
thuê bao/3 tháng.
2.2.4.3. Phương pháp xác định
Phương pháp thống kê. Thống kê toàn bộ
số khiếu nại của khách hàng về chất lượng dịch vụ trong khoảng thời gian 3
tháng liên tiếp.
2.2.5. Hồi âm khiếu nại của khách hàng
2.2.5.1. Định nghĩa
Hồi âm khiếu nại của khách hàng là văn
bản của DNCCDV thông báo cho khách hàng có đơn, thư khiếu nại về việc tiếp nhận
và xem xét giải quyết khiếu nại.
2.2.5.2. Chỉ tiêu
DNCCDV phải có văn bản hồi âm cho 100
% khách hàng khiếu nại trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ thời điểm tiếp nhận
khiếu nại.
2.2.5.3. Phương pháp xác định
Phương pháp thống kê. Thống kê toàn bộ
văn bản hồi âm cho khách hàng khiếu nại về chất lượng dịch vụ trong khoảng thời
gian tối thiểu là 3 tháng liên tiếp.
2.2.6. Dịch vụ trợ giúp khách hàng
2.2.6.1. Định nghĩa
Dịch vụ trợ giúp khách hàng là dịch vụ
giải đáp thắc mắc, tư vấn, hướng dẫn sử dụng, tiếp nhận yêu cầu, cung cấp thông
tin cho khách hàng về dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất.
2.2.6.2. Chỉ tiêu
- Thời gian cung cấp dịch vụ trợ giúp
khách hàng bằng nhân công qua điện thoại là 24 h trong ngày.
- Tỷ lệ (%) cuộc gọi tới dịch vụ trợ
giúp khách hàng chiếm mạch thành công, gửi yêu cầu kết nối đến điện thoại viên
và nhận được tín hiệu trả lời của điện thoại viên trong vòng 60 s ≥ 80 %.
2.2.6.3. Phương pháp xác định
- Phương pháp mô phỏng hoặc gọi nhân
công. Thực hiện mô phỏng hoặc gọi nhân công tới dịch vụ hỗ trợ khách hàng, số
cuộc gọi thử tối thiểu là 250 cuộc
gọi vào các giờ khác nhau trong ngày.
- Phương pháp giám sát. Thực hiện giám
sát tất cả các cuộc
gọi tới dịch vụ hỗ trợ khách hàng bằng thiết bị hoặc bằng tính năng sẵn có của
mạng, số lượng cuộc gọi lấy mẫu tối thiểu là toàn bộ cuộc gọi trong 7 ngày liên
tiếp.
3. QUY ĐỊNH VỀ
QUẢN LÝ
3.1. Dịch vụ truy nhập
Internet băng rộng cố định mặt đất thuộc phạm vi quy định tại 1.1
phải tuân thủ các quy định tại Quy chuẩn này.
3.2. Phương tiện đo, thiết
bị đo: tuân thủ quy định của pháp luật đo lường.
4. TRÁCH NHIỆM CỦA
DOANH NGHIỆP CUNG CẤP DỊCH VỤ
4.1. Các Doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ phải đảm bảo chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố
định mặt đất phù hợp với Quy chuẩn này, thực hiện công bố chất lượng dịch
vụ và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo các quy định hiện hành.
4.2. Các Doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ phải nêu rõ các giá trị Vd, Vu đối với từng
gói dịch vụ cụ thể trong hợp đồng
cung cấp dịch vụ giữa DNCCDV và khách hàng.
4.3. Các doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ có trách nhiệm xây dựng máy chủ để đảm bảo công tác kiểm tra,
giám sát chất lượng dịch vụ theo Quy chuẩn này.
4.4. Trách nhiệm cụ thể của
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về
quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông.
5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
5.1. Cục Viễn thông và
các Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai
quản lý chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất theo
Quy chuẩn này.
5.2. Quy chuẩn này được
áp dụng thay thế cho Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 34:2019/BTTTT, Quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt
đất.
5.3. Trong trường hợp các
quy định nêu tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì
thực hiện theo quy định tại văn bản mới./.
Phụ
lục A
(Quy định)
Yêu cầu chung về đo kiểm
A.1. Máy chủ phục vụ công tác đo kiểm
- Máy chủ phục vụ công tác đo kiểm phải là máy
chủ chuyên dụng phục vụ công tác đo kiểm, không sử dụng chung với mục đích
thương mại.
- Máy chủ phục vụ công tác đo kiểm được nhận dạng
bằng địa chỉ IP chứ không phải bằng địa chỉ tên miền đầy đủ.
- Máy chủ phục vụ công tác đo kiểm được kết nối
tới mạng Internet bằng đường truyền có băng thông phải lớn hơn hoặc bằng tổng
lưu lượng các hướng đo.
- Thiết lập giao thức điều khiển truyền tải
(TCP) của máy chủ phục vụ công tác đo kiểm phải thỏa mãn tối thiểu các yêu cầu
sau:
+ Kích cỡ đoạn lớn nhất nằm trong khoảng
1 380 bytes - 1 460 bytes (Maximum Segment Size between 1 380 Bytes and 1 460
Bytes);
+ Kích cỡ cửa số TCP Rx >
4 096 bytes (TCP RX Window Size > 4 096 Bytes);
+ Cho phép SACK (SACK enabled);
+ Cho phép truyền lại nhanh TCP (TCP
Fast Retransmit);
+ Cho phép khôi phục nhanh TCP (TCP
Fast Recovery enabled);
+ Cho phép trễ ACK (200 ms) (Delayed
ACK enabled).
A.2. Yêu cầu về số lượng điểm đo
Trong khu vực có ít hơn 50.000 thuê
bao, số điểm đo kiểm cần thực hiện: tối thiểu 01 điểm đo;
Trong khu vực có từ 50 000 đến 100 000
thuê bao, số điểm đo kiểm cần thực hiện: tối thiểu 02 điểm đo;
Trong khu vực có từ 100 000 đến 200
000 thuê bao, số điểm đo kiểm cần thực hiện: tối thiểu 03 điểm đo;
Trong khu vực có từ 200 000 đến 400
000 thuê bao, số điểm đo kiểm cần thực hiện: tối thiểu 04 điểm đo;
Trong khu vực có nhiều hơn 400 000
thuê bao, số điểm đo kiểm cần thực hiện: tối thiểu 05 điểm đo.
A.3. Tệp dữ liệu mẫu
Tệp dữ liệu (MB) dùng để thực hiện mẫu
đo phải ở dạng nén.
Thư
mục tài liệu tham khảo
[1] QCVN34:2019/BTTTT, Quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất.
[2] ITU-T Recommendation G.1000
(2001), Communications quality of service: A framework and definitions.
[3] ITU-T Recommendation G.1010
(2001), End - User multimedia QoS categories .
[4] ETSI EG 202 057-4 V1.2.1(2008),
Speech Processing, Transmission and Quality Aspects (STQ); User related
QoS parameter definitions and measurements; Part 4: Internet access.
[5] ITU-T Y.1545.1 (2017) “Framework
for monitoring the quality of service of IP network services”.
[6] ITU-T Q.3960 (2016) “Framework of
Internet related performance measurements”.