ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 586/QĐ-UBND
|
Cao Bằng, ngày 25
tháng 5 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THIẾT LẬP VÀ BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH VÀ
CUNG CẤP THÔNG TIN TRÊN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LỊCH SỬ CAO BẰNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Công nghệ thông
tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật An toàn thông
tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công
nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước;
Căn cứ Nghị định số
72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng
dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01
tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng
dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;
Căn cứ Nghị định số
42/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp
thông tin và dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng;
Căn cứ Đề án số 19-ĐA/TU
ngày 13 tháng 8 năm 2019 của Tỉnh ủy Cao Bằng về đổi mới công tác tuyên truyền,
giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng Cao Bằng giai đoạn 2019-2025;
Theo đề nghị của Sở Thông
tin và Truyền thông tại Tờ trình số 695/TTr- STTTT ngày 19 tháng 5 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Thiết lập Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng
như sau:
1. Tên gọi chính thức: Trang
thông tin điện tử “Lịch sử Cao Bằng”.
2. Địa chỉ truy cập chung trên
mạng Internet: https://lichsu.caobang.gov.vn.
Điều 2.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, vận
hành và cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng (thuộc
Đề án số 19-ĐA/TU ngày 13 tháng 8 năm 2019 của Tỉnh
ủy Cao Bằng về đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trên quê
hương cách mạng Cao Bằng giai đoạn 2019 - 2025).
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trịnh Trường Huy
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, VẬN HÀNH VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN TRÊN TRANG THÔNG TIN
ĐIỆN TỬ LỊCH SỬ CAO BẰNG
(Kèm theo Quyết định số 586/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2023 của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định việc quản
lý, vận hành và cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng.
2. Quy chế này áp dụng đối với
các Sở, Ban ngành; các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác, vận hành
và cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng thuộc Đề án
19-ĐA/TU ngày 13/8/2019 của Tỉnh ủy Cao Bằng về đổi mới công tác tuyên truyền,
giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng Cao Bằng giai đoạn 2019-2025 (sau
đây gọi là Đề án 19- ĐA/TU).
Điều 2.
Chức năng của Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng
1. Giới thiệu, thông tin về lịch
sử Cao Bằng, văn hóa, di tích, danh thắng; cung cấp, cập nhật thông tin chính xác,
đầy đủ và kịp thời về đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trên
quê hương cách mạng Cao Bằng.
2. Cung cấp và cập nhật những
thông tin cần thiết giúp cho nhân dân, du khách hiểu về lịch sử, con người Cao
Bằng.
3. Trang thông tin điện tử Lịch
sử Cao Bằng có tên miền trên Internet tại địa chỉ:
https://lichsu.caobang.gov.vn
Điều 3.
Nguyên tắc cung cấp thông tin
1. Thông tin cung cấp phải đúng
với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước và nhu cầu khai thác thông tin của
các tổ chức, cá nhân.
2. Thông tin cung cấp phải tuân
thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, sở hữu trí tuệ và quản
lý thông tin trên Internet.
3. Việc đăng tải, trích dẫn, sử
dụng lại thông tin phải ghi rõ nguồn của thông tin.
4. Các nội dung thông tin cung
cấp trên Trang thông tin điện tử là sản phẩm của Đề án 19-ĐA/TU; việc số hóa, cập
nhật dữ liệu trên Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng phải được thực hiện
thường xuyên, liên tục trên cơ sở các tư liệu, tài liệu do các cơ quan, tổ chức
thực hiện Đề án 19-ĐA/TU cung cấp.
Điều 4. Những
hành vi bị cấm khi tham gia cung cấp, khai thác và sử dụng thông tin trên Trang
thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng
1. Tiết lộ bí mật nhà nước, bí
mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác đã được pháp luật
quy định.
2. Đưa các thông tin xuyên tạc,
vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.
3. Sử dụng trái phép mật khẩu,
cài đặt các chương trình, mã độc, phần mềm có thể gây nguy hại đến an toàn
thông tin của Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng.
4. Cung cấp thông tin vi phạm
các quy định về sở hữu trí tuệ, về giao dịch thương mại điện tử và các quy định
khác của pháp luật có liên quan.
Chương II
NỘI DUNG CUNG CẤP TRÊN
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LỊCH SỬ CAO BẰNG
Điều 5.
Thông tin chủ yếu cung cấp trên Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng
1. Đặc điểm địa lý, truyền thống
lịch sử, con người Cao Bằng.
2. Lịch sử hình thành và phát
triển tỉnh Cao Bằng; lịch sử đảng bộ tỉnh Cao Bằng.
3. Di tích lịch sử, dư địa chí,
khảo cứu.
4. Di sản văn hóa, nghệ thuật;
bản sắc các dân tộc, lễ hội đặc trưng, sản vật, ẩm thực; công viên địa chất Non
nước Cao Bằng; nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu về lịch sử Cao Bằng.
5. Các tài liệu khác về lịch sử
Cao Bằng khi được cấp có thẩm quyền thẩm định.
Điều 6.
Cung cấp nội dung, sản phẩm, tư liệu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức thực
hiện Đề án 19-ĐA/TU
1. Các cơ quan, tổ chức thực hiện
Đề án 19-ĐA/TU có trách nhiệm cung cấp nội dung, sản phẩm, tài liệu cho Sở
Thông tin và Truyền thông ngay sau khi hoàn thành các sản phẩm thông qua một
trong các hình thức sau:
a) Gửi trực tiếp;
b) Thông qua hệ thống Quản lý
văn bản và điều hành iOffice;
c) Qua các thiết bị lưu trữ
khác.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
là cơ quan thực hiện quản lý, vận hành Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng;
phối hợp với các cơ quan liên quan quyết định thành lập Ban Biên tập gồm từ 05
đến 07 thành viên đảm bảo vận hành Trang thông tin điện tử được thường xuyên,
đúng quy định.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
tiếp nhận tài liệu, sản phẩm thuộc Đề án 19-ĐA/TU từ các cơ quan, tổ chức; thực
hiện số hóa và đăng tải trên Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng.
Điều 7. Đối
với các sản phẩm không thuộc Đề án 19-ĐA/TU
1. Các nội dung, tài liệu không
thuộc sản phẩm của Đề án 19-ĐA/TU muốn cung cấp trên Trang thông tin điện tử Lịch
sử Cao Bằng phải được cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định trước khi đăng tải.
2. Đối với các nội dung, tài liệu
sưu tầm cung cấp trên Trang thông tin điện tử do Trưởng Ban Biên tập quyết định,
đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác nội dung thông tin đó.
Điều 8. Bảo
đảm tính thống nhất, phù hợp tiêu chuẩn
1. Thống nhất sử dụng Bộ mã ký
tự chữ Việt Unicode theo tiêu chuẩn 6909:2011 trong việc lưu trữ và trao đổi
thông tin, dữ liệu trên Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng.
2. Trang thông tin điện tử Lịch
sử Cao Bằng phải tuân thủ các tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin được
quy định tại Thông tư số 39/2017/TT- BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ Thông tin và
Truyền thông ban hành danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông
tin trong cơ quan nhà nước
Chương
III
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN BIÊN TẬP
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
Điều 9. Cơ
cấu tổ chức
1. Ban biên tập do Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập. Việc tổ chức và phân công nhiệm vụ cho
các thành viên Ban biên tập do Trưởng Ban biên tập quyết định.
2. Ban biên tập gồm: Trưởng
ban, Phó Trưởng ban, các thành viên đồng thời là đầu mối cung cấp thông tin của
các đơn vị liên quan cho Trang Thông tin điện tử.
3. Ban biên tập có mạng lưới cộng
tác viên để cung cấp tin, bài, tư liệu, hình ảnh và các tài liệu khác phục vụ
công tác biên tập Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng.
Điều 10.
Trách nhiệm cung cấp thông tin của thành viên Ban Biên tập Trang thông
tin điện tử
Các thành viên Ban Biên tập
Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng (sau đây gọi chung là Ban Biên tập)
có trách nhiệm tiếp nhận tài liệu, số hóa, biên tập và thực hiện đăng tải
các nội dung sau:
1. Các nội dung được quy định tại
Điều 5 và sản phẩm, tài liệu, tư liệu do các cơ quan, tổ chức
thực hiện Đề án số 19-ĐA/TU cung cấp.
2. Thường xuyên cập nhật, chỉnh
sửa các chuyên mục tin, giao diện; số hóa nội dung, số liệu, tài liệu thuộc phạm
vi trách nhiệm hoạt động của Ban Biên tập.
3. Phối hợp với các cơ quan, tổ
chức thực hiện Đề án số 19-ĐA/TU trong việc rà soát, khai thác, cập nhật, chỉnh
sửa các nội dung thông tin đảm bảo phù hợp và theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Điều 11.
Trách nhiệm chung của các thành viên Ban Biên tập
1. Chịu trách nhiệm trước pháp
luật, trước Trưởng Ban Biên tập về nội dung tin, bài đăng tải trên Trang thông
tin điện tử Lịch sử Cao Bằng.
2. Thành viên Ban Biên tập có
trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, tổ chức việc thu thập, tiếp nhận, biên tập, số
hóa, cập nhật thông tin cho Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng.
3. Đối với các mục tin chung,
các thành viên Ban Biên tập có trách nhiệm cập nhật nội dung, thông tin kịp thời,
chính xác, đầy đủ theo lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công.
4. Thường xuyên theo dõi, kiểm
tra tính đúng đắn, chính xác của thông tin sau khi đăng tải trên Trang thông
tin điện tử Lịch sử Cao Bằng; theo dõi tiến độ cập nhật, đăng tải thông tin sau
khi được phê duyệt.
5. Đề xuất các biện pháp nâng
cao chất lượng thông tin và hiệu quả hoạt động của Trang thông tin điện tử Lịch
sử Cao Bằng; tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình công tác định kỳ và hằng
năm của Ban Biên tập.
6. Tự bảo quản an toàn tuyệt đối
tài khoản và mật khẩu truy cập được cấp quyền đăng tin, bài vào Trang thông tin
điện tử Lịch sử Cao Bằng.
7. Thực hiện các nhiệm vụ khác
do Trưởng ban Biên tập giao.
Điều 12.
Trách nhiệm của Trưởng ban Biên tập
Ngoài việc thực hiện các trách
nhiệm chung quy định tại Điều 11 của Quy chế này, Trưởng ban
Biên tập có trách nhiệm sau:
1. Điều hành hoạt động của Ban
Biên tập và thường xuyên theo dõi việc thực hiện trách nhiệm của Ban Biên tập
được quy định tại Điều 10 Quy chế này và chịu trách nhiệm
trước pháp luật về hoạt động của Ban Biên tập.
2. Chỉ đạo xây dựng quy trình
tiếp nhận, thu thập, biên tập, số hóa, cập nhật thông tin nhằm nâng cao hiệu quả
xử lý thông tin tại khâu biên tập và số hóa.
3. Chỉ đạo xây dựng, triển khai
thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng thông tin của Trang thông tin điện tử Lịch
sử Cao Bằng; kế hoạch, chương trình công tác định kỳ và hằng năm của Ban Biên tập.
4. Chỉ đạo việc hướng dẫn, đôn
đốc, đề nghị các cơ quan, tổ chức phối hợp cung cấp thông tin, nội dung, tài liệu;
phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Biên tập.
Điều 13.
Nguyên tắc, chế độ hoạt động của Ban Biên tập
1. Ban Biên tập hoạt động theo
nguyên tắc đề cao và phát huy trách nhiệm của các thành viên Ban Biên tập, có sự
phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.
2. Các thành viên Ban Biên tập
làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; theo đúng chức năng, nhiệm vụ, trong phạm vi
quyền hạn, có kế hoạch và hiệu quả.
4. Ban Biên tập họp định kỳ 01
lần/năm. Trường hợp cần thiết, Ban Biên tập họp đột xuất theo triệu tập của Trưởng
Ban Biên tập hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14.
Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
1. Chủ trì quản lý, vận hành
Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng, xây dựng Quy chế quản lý hoạt động;
phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp, cập nhật thông tin liên
quan đăng tải trên Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng. Thường xuyên rà
soát, nâng cấp các mục, tin bài bảo đảm phù hợp với nội dung, yêu cầu theo quy
định.
2. Tiếp nhận các tài liệu, sản
phẩm thuộc Đề án 19-ĐA/TU từ các sở, ngành, đoàn thể để số hóa, cập nhật lên
Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng đảm bảo tuân thủ đúng các quy định.
3. Thường xuyên kiểm tra, giám
sát các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật trong việc duy trì hoạt động Trang thông
tin điện tử Lịch sử Cao Bằng. Tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về tình hình
hoạt động Trang thông tin điện tử.
Điều 15.
Trách nhiệm của các sở, ngành thực hiện Đề án 19-ĐA/TU
Cử cán bộ tham gia Ban Biên tập
Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền
thông. Định kỳ ít nhất 03 tháng/lần (hoặc hàng quý) cung cấp cho Sở Thông tin
và Truyền thông các tài liệu, dữ liệu, sản phẩm thuộc Đề án 19-ĐA/TU do cơ quan
chủ trì thực hiện.
Điều 16. Đề
nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
1. Cử cán bộ tham gia Ban Biên
tập Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng. Thẩm định, cung cấp các tài liệu
về lịch sử tỉnh Cao Bằng để cung cấp trên Trang thông tin điện tử đối với các sản
phẩm không thuộc Đề án 19- ĐA/TU; phối hợp cung cấp cho Sở Thông tin và Truyền
thông các tài liệu, dữ liệu, sản phẩm thuộc Đề án 19-ĐA/TU do cơ quan thực hiện.
2. Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông, các cơ quan liên quan đảm bảo duy trì hoạt động của Trang thông
tin điện tử Lịch sử Cao Bằng.
Điều 17. Đề
nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị -
xã hội tỉnh
1. Tuyên truyền tới toàn thể
đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về mục đích, ý nghĩa của
Trang thông tin điện tử Lịch sử Cao Bằng để Nhân dân và du khách nắm bắt, tra cứu
thông tin khi có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử Cao Bằng.
2. Định kỳ ít nhất 03 tháng/lần
(hoặc hàng quý) cung cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông các tài liệu, dữ liệu,
sản phẩm thuộc Đề án 19-ĐA/TU do cơ quan thực hiện.
Điều 18. Xử
lý các vướng mắc, phát sinh
Trong quá trình thực hiện Quy
chế này, nếu có phát sinh, vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung, các Sở, Ban
ngành cấp tỉnh và các tổ chức, cá nhân có văn bản đề xuất, gửi về Sở Thông tin
và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.