ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
48/2021/QĐ-UBND
|
Bình Định, ngày
11 tháng 08 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHỮ KÝ SỐ, CHỨNG THƯ SỐ TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
TỈNH BÌNH ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6
năm 2006;
Căn cứ Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông
tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng
9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về
chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;
Căn cứ Thông tư số 41/2017/TT-BTTTT ngày 19
tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định sử dụng
chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 185/2019/TT-BQP ngày 04 tháng
12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc cung cấp, quản lý, sử dụng
dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;
Theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại
Tờ trình số 58/TTr- STTTT ngày 30 tháng 7 năm 2021 (kèm theo ý kiến thẩm định của
Sở Tư pháp tại Báo cáo số 133/BC-STP ngày 08 tháng 6 năm 2021).
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý và sử dụng
chữ ký số, chứng thư số trong cơ quan Nhà nước tỉnh Bình Định.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 24 tháng 08 năm
2021.
Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND ngày
29/03/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chứng thư
số và chữ ký số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin
và Truyền thông; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định
thi hành./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐNĐ tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 4 (QĐ);
- TT Tin học- Công báo;
- Lưu: VT, K9.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lâm Hải Giang
|
QUY CHẾ
QUẢN
LÝ VÀ SỬ DỤNG CHỮ KÝ SỐ, CHỨNG THƯ SỐ TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Kèm theo Quyết định số 48/2021/QĐ-UBND
ngày 11 tháng 08 năm
2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
a) Quy chế này quy định về quản lý và sử dụng chữ
ký số, chứng thư số chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan nhà nước tỉnh Bình
Định.
b) Quy chế này không quy định việc sử dụng chữ ký số,
chứng thư số cho văn bản điện tử chứa thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước.
2. Đối tượng áp dụng
a) Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị
thuộc các cơ quan nhà nước tỉnh Bình Định bao gồm: các Sở, ban, ngành trực thuộc
Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị trực thuộc; Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các đơn vị trực thuộc; Ủy ban nhân các xã, phường
thị trấn và tương đương; các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước (sau
đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức nhà nước).
b) Các cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức được
cấp chữ ký số, chứng thư số đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức nhà nước
được nêu tại Điểm a Khoản 2 Điều này.
c) Quy chế này không áp dụng sử dụng chữ ký số, chứng
thư số trong các cơ quan Đảng của tỉnh.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Khóa bí mật: Là một khóa trong cặp khóa thuộc hệ
thống mật mã không đối xứng, được dùng để tạo chữ ký số.
2. Khóa công khai: Là một khóa trong cặp khóa thuộc
hệ thống mật mã không đối xứng, được sử dụng để kiểm tra chữ ký số được tạo bởi
khoá bí mật tương ứng trong cặp khoá.
3. Chữ ký số: là một dạng chữ ký điện tử được tạo
ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng,
theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người
ký có thể xác định được chính xác:
a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng
khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ
khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.
4. Chứng thư số: là một dạng chứng thư điện tử do tổ
chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp nhằm cung cấp thông tin định
danh cho khóa công khai của một cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó xác nhận cơ
quan, tổ chức, cá nhân là người ký chữ ký số bằng việc sử dụng khóa bí mật
tương ứng.
5. Thuê bao: là cơ quan, tổ chức, cá nhân được cấp
chứng thư số, chấp nhận chứng thư số và giữ khóa bí mật tương ứng với khóa công
khai ghi trên chứng thư số được cấp đó.
6. Thiết bị lưu khóa bí mật: Là thiết bị vật lý chứa
chứng thư số và khóa bí mật của thuê bao.
7. Người ký: là thuê bao dùng khóa bí mật của mình
để ký số vào một thông điệp dữ liệu dưới tên của mình.
Chương II
NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ SỬ DỤNG
CHỮ KÝ SỐ, CHỨNG THƯ SỐ
Điều 3. Thẩm quyền quản lý
thuê bao trong các cơ quan, tổ chức nhà nước
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thừa ủy quyền
của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 5114/QĐ-UBND ngày 15 tháng
12 năm 2020 thực hiện trách nhiệm của người quản lý thuê bao chữ ký số, chứng
thư số được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức nhà nước
trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Điều 4. Cơ quan quản lý trực
tiếp chữ ký số, chứng thư số
Cơ quan quản lý trực tiếp là các cơ quan, tổ chức
có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng thuộc các cơ quan, tổ chức nhà nước trực
tiếp quản lý các thuê bao sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng
Chính phủ.
1. Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện thẩm quyền
tại Điều 3 của quy chế này là cơ quan quản lý trực tiếp các thuê bao trực thuộc
Ủy ban nhân dân tỉnh bao gồm: thuê bao của tổ chức là các cơ quan, tổ chức nhà
nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các thuê bao cá nhân
là lãnh đạo cơ quan, tổ chức này.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh là cơ quan quản lý trực tiếp các cơ quan, tổ chức nhà nước trực thuộc cấp
huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Bao gồm thuê bao của tổ chức là các cơ
quan, tổ chức nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân cấp huyện, các thuê bao cá nhân
là lãnh đạo cơ quan, tổ chức này.
3. Các cơ quan, tổ chức có cơ quan, đơn vị trực thuộc
là cơ quan quản lý trực tiếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc đó. Bao gồm các
thuê bao là tổ chức và cá nhân của các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Điều 5. Nguyên tắc quản lý chữ
ký số, chứng thư số chuyên dùng Chính phủ
1. Nguyên tắc quản lý, sử dụng phải bảo đảm theo
đúng quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8 và 9 của Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày
27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện
tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (sau đây gọi tắt là Nghị định số
130/2018/NĐ-CP).
2. Thiết bị lưu khóa bí mật của cá nhân, cơ quan, tổ
chức phải được bàn giao giao cho đúng đối tượng quản lý, sử dụng.
3. Quản lý thiết bị lưu khóa bí mật theo chế độ quản
lý bí mật nhà nước ở cấp độ “Mật”.
4. Việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số phải
bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Điều 6. Nguyên tắc sử dụng chữ
ký số chuyên dùng Chính phủ
1. Sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng
Chính phủ cung cấp trong các loại hình giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước
theo quy định tại Điều 57 của Nghị định số 130/2018/NĐ-CP .
2. Sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng
Chính phủ cung cấp trong giao dịch điện tử tại các hệ thống thông tin của các
cơ quan Thuế, Bảo hiểm xã hội, Kho bạc và các giao dịch điện tử khác phải thực
hiện theo Luật giao dịch điện tử và các hướng dẫn, quy định sử dụng chữ ký số,
chứng thư số trong giao dịch điện tử của các hệ thống thông tin đó.
3. Triển khai sử dụng chữ ký số phải phù hợp với thực
tiễn, không làm chậm trễ công tác văn thư lưu trữ, hành chính khi áp dụng chữ
ký số trên địa bàn tỉnh.
Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cản trở các cá nhân, cơ quan, tổ chức sử dụng chữ
ký số.
2. Không được dùng các công cụ, chương trình hay bất
cứ hình thức nào khác làm thay đổi dữ liệu hoặc làm hư hỏng thiết bị lưu khóa
bí mật.
3. Cản trở, thay đổi, làm sai lệch hoặc ngăn chặn
trái phép quá trình truyền, gửi, nhận văn bản điện tử đã ký số.
4. Tạo ra hoặc phát tán chương trình phần mềm làm rối
loạn, thay đổi, phá hoại hệ thống điều hành hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại
hạ tầng công nghệ về giao dịch điện tử.
5. Trực tiếp hoặc gián tiếp phá hoại hệ thống cung
cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký
số; cản trở hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số; làm giả
hoặc hướng dẫn người khác làm giả chứng thư số.
6. Trộm cắp, gian lận, làm giả, mạo nhận, chiếm đoạt
hoặc sử dụng trái phép chữ ký số và thiết bị lưu khóa bí mật của tổ chức, cá
nhân.
7. Sử dụng chữ ký số nhằm chống lại Nhà nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tiến
hành các hoạt động khác trái với pháp luật, đạo đức xã hội.
Chương III
CẤP PHÁT VÀ SỬ DỤNG CHỮ
KÝ SỐ, CHỨNG THƯ SỐ CHUYÊN DÙNG CHÍNH PHỦ
Điều 8. Thủ tục đăng ký cấp mới,
gia hạn, thay đổi nội dung thông tin, thu hồi chứng thư số, thu hồi thiết bị
lưu khóa bí mật, khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật
1. Điều kiện cấp mới chứng thư số cho cá nhân, cơ
quan, tổ chức nhà nước phải phù hợp với các điều kiện quy định tại Điều 60 của
Nghị định số 130/2018/NĐ-CP .
2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện việc
đăng ký cấp mới, gia hạn, thay đổi nội dung thông tin, thu hồi chứng thư số,
thu hồi thiết bị lưu khóa bí mật, khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật được thực
hiện theo các quy định tại hướng dẫn hồ sơ, mẫu biểu cung cấp, quản lý dịch vụ
chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tại Thông tư số 185/2019/TT-BQP ngày
04 tháng 12 năm 2019 của Bộ Quốc phòng (sau đây được gọi tắt là Thông tư số
185/2019/TT-BQP). Cụ thể:
a) Cấp mới chứng thư số cho cá nhân; cho cơ quan, tổ
chức và cho thiết bị, dịch vụ, phần mềm tại Điều 8 của Thông tư số
185/2019/TT-BQP. (Mẫu số 1, 2, 3, 4, 5 và 6 đính kèm trong Phụ lục của Thông tư
số 185/2019/TT-BQP)
b) Gia hạn, thay đổi nội dung thông tin chứng thư số
tại Điều 9 của Thông tư số 185/2019/TT-BQP (Mẫu số 7 và 8 đính kèm trong Phụ lục
của Thông tư số 185/2019/TT-BQP).
c) Thu hồi chứng thư số, thu hồi thiết bị lưu khóa
bí mật tại Điều 10 của Thông tư số 185/2019/TT-BQP (Mẫu số 9 và 10 đính kèm
trong Phụ lục của Thông tư số 185/2019/TT-BQP); Trong trường hợp thiết bị lưu
khóa bí mật bị thất lạc, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp phải lập biên bản
xác nhận (theo Mẫu 15 đính kèm trong Phụ lục của Thông tư số 185/2019/TT-BQP)
và gửi kèm theo văn bản đề nghị thu hồi
d) Khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật tại Điều 11 của
Thông tư số 185/2019/TT-BQP. (Mẫu số 11 và 12 đính kèm trong Phụ lục của Thông
tư số 185/2019/TT-BQP)
Điều 9. Sử dụng chữ ký số, chứng
thư số trong hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại các cơ quan nhà
nước tỉnh Bình Định
Chữ ký số, chứng thư số được sử dụng rộng rãi trong
giao dịch điện tử cho các loại văn bản điện tử trong hệ thống phần mềm quản lý
văn bản và điều hành tại các cơ quan nhà nước tỉnh Bình Định. Cụ thể:
1. Theo quy định tại Thông tư số 41/2017/TT-BTTTT
ngày 19 tháng 12 năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Quy định sử dụng
chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước.
2. Trong hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều
hành của tỉnh vị trí, hình ảnh, thông tin, thời gian, quy trình ký số, thể thức
của văn bản điện tử có chữ ký số và kiểm tra tính hợp lệ của văn bản có chữ ký
số theo Quyết định số 71/2020/QĐ-UBND ngày 09/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Bình Định Ban hành Quy định công tác văn thư, lưu trữ của tỉnh Bình Định.
3. Đảm bảo tính toàn vẹn của văn bản điện tử sau
khi được ký số nội dung không bị thay đổi trong suốt quá trình trao đổi, xử lý
và lưu trữ ngoại trừ các thay đổi được cho phép trong quá trình trao đổi, số
hóa, lưu trữ theo quy định của pháp luật.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của Sở
Thông tin và Truyền thông
1. Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chuyên
trách giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1, 2,
3 và 4 Điều 12 của Thông tư số 185/2019/TT-BQP và thẩm quyền được quy định tại
Điều 3 và khoản 1 Điều 4 của Quy chế này.
2. Xây dựng, cung cấp các mẫu biểu báo cáo quý, sáu
tháng, năm hoặc đột xuất để các cơ quan, tổ chức báo cáo theo quy định.
3. Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn quản lý và
sử dụng chữ ký số, chứng thư số, phần mềm ký số cho các thuê bao; hỗ trợ xử lý
sự cố cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình sử dụng. Tăng cường công tác phổ biến,
tuyên truyền các chủ trương, quy định của Nhà nước về ứng dụng chữ ký số đến đội
ngũ cán bộ công chức, viên chức.
4. Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử
dụng chữ ký số, chứng thư số, thiết bị lưu khóa bí mật và việc thực hiện các
quy định trong Quy chế này của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi thẩm
quyền quản lý.
5. Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí đào
tạo, tập huấn ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước đảm bảo hiệu quả,
tiết kiệm.
Điều 11. Trách nhiệm của cơ
quan quản lý trực tiếp thuê bao
1. Có trách nhiệm phân công và cử nhân sự quản lý
tiếp nhận, tổng hợp các thủ tục được quy định tại Điều 8 của Quy chế này theo
nhiệm vụ thẩm quyền của cơ quan quản lý trực tiếp thuê bao. Thực hiện tiếp nhận
chuyển giao việc cài đặt phần mềm ký số và hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo ký số tại
các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý.
2. Căn cứ nhu cầu sử dụng chữ ký số, chứng thư số
chuyên dùng Chính phủ của các thuê bao là cá nhân, cơ quan, tổ chức nhà nước
thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình, thực hiện trách nhiệm xem xét, xác
nhận văn bản và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đề nghị cấp,
gia hạn, thay đổi nội dung thông tin, thu hồi chứng thư số, khôi phục thiết bị
lưu khóa bí mật cho tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý được quy định tại Điều
15 của Thông tư số 185/2019/TT-BQP .
3. Trực tiếp gửi thông tin đề nghị cấp, gia hạn,
thay đổi nội dung thông tin, thu hồi chứng thư số, khôi phục thiết bị lưu khóa
bí mật cho tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý đến Ban Cơ yếu Chính phủ theo
các thông tin được cung cấp tại Điều 4 của Thông tư số 185/2019/TT-BQP .
4. Tổ chức triển khai sử dụng có hiệu quả chữ ký số,
chứng thư số của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong các lĩnh vực giao dịch điện
tử thuộc thẩm quyền theo quy định.
5. Thường xuyên kiểm tra việc quản lý và sử dụng chữ
ký số, chứng thư số của cơ quan, đơn vị mình quản lý, đảm bảo thực hiện đúng
theo quy định của Quy chế này và các quy định khác có liên quan; định kỳ gửi
báo cáo tình hình sử dụng, cấp mới, thu hồi chữ ký số, chứng thư số theo sáu
tháng, hàng năm hoặc đột xuất và gửi về Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp.
Điều 12. Trách nhiệm của thuê
bao
1. Cung cấp chính xác, đầy đủ thông tin để thực hiện
các thủ tục tại Điều 8 của Quy chế này theo các quy định về trách nhiệm của
thuê bao tại Điều 17 của Thông tư số 185/2019/TT-BQP .
2. Đối với thuê bao là cơ quan, tổ chức nhà nước phải
có văn bản bàn giao thiết bị lưu khóa bí mật cho cá nhân được phân công làm nhiệm
vụ quản lý mộc dấu, văn thư, cá nhân có trách nhiệm sử dụng theo quy định; đảm
bảo an toàn việc sử dụng thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức.
3. Đối với thuê bao là cá nhân có trách quản lý thiết
bị lưu khóa bí mật của mình và tuyệt đối không đưa, cung cấp thiết bị cho người
không có thẩm quyền sử dụng.
4. Lưu trữ quản lý thiết bị chữ ký số và sử dụng
khóa bí mật phải bảo đảm an toàn, bí mật trong suốt thời gian chứng thư số của
mình có hiệu lực và bị tạm dừng. Trong trường hợp thất lạc thiết bị, hoặc nghi
ngờ lộ khóa bí mật phải báo ngay cho cơ quan quản lý trực tiếp để thực hiện các
thủ tục thu hồi.
5. Không được dùng các công cụ, chương trình hay bất
cứ hình thức nào khác làm thay đổi dữ liệu khi chưa có sự đồng ý của Ban Cơ yếu
Chính phủ hoặc làm hư hỏng thiết bị lưu khóa bí mật.
6. Tham gia các khóa đào tạo, tập huấn liên quan đến
việc quản lý và sử dụng chữ ký số, chứng thư số trong các cơ quan quản lý nhà
nước và Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Điều 13. Trách nhiệm của người
được giao sử dụng mẫu dấu, công tác văn thư và cá nhân được sử dụng chữ ký số,
chứng thư số của cơ quan, tổ chức
1. Thực hiện đúng quy định tại Điều 7 của Nghị định
số 130/2018/NĐ-CP và các quy định tại khoản 3, 4 và 5 tại Điều 12 của Quy chế
này.
2. Chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và sử dụng
thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức khi được phân công, đảm bảo đúng
các quy định trong Quy chế này và các quy định khác có liên quan.
3. Đối với hệ thống phần mềm quản lý văn bản của tỉnh
thực hiện theo Điều 9 của Quy chế này và thực hiện:
a) Phải trực tiếp ký số vào văn bản của cơ quan, tổ
chức;
b) Chỉ được ký số vào văn bản của cơ quan, tổ chức
sau khi đã có chữ ký số của người có thẩm quyền ban hành.
4. Không giao thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan,
tổ chức cho người khác khi chưa được sử đồng ý bằng văn bản của người có thẩm
quyền. Trường hợp thay đổi người quản lý thiết bị lưu khóa bí mật theo phân
công của người có thẩm quyền, phải làm thủ tục bàn giao thiết bị lưu khóa bí mật
và phải lập thành biên bản.
Điều 14. Trách nhiệm của người
làm chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị
Thực hiện trách nhiệm được phân công tại Khoản 1 Điều
11 của Quy chế này
1. Lập danh sách quản lý thuê bao cá nhân, tổ chức
của cơ quan, tổ chức trong phạm vi mình quản lý, cung cấp
các biểu mẫu cho các cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục tại Điều 8 của Quy
chế này.
2. Chịu trách nhiệm cài đặt phần mềm ký số, hỗ trợ
và hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình sử dụng chữ ký số cho cán bộ, công chức,
viên chức được cấp chữ ký số, chứng thư số tại cơ quan, đơn vị mình.
3. Tham gia các chương trình tập huấn, hướng dẫn ứng
dụng chữ ký số do cơ quan cấp trên hoặc Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Điều 15. Điều khoản thi hành
1. Giao Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm
chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn, triển khai
và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc cần sửa đổi, bổ sung; các cơ quan, tổ chức báo cáo về Sở Thông tin và Truyền
thông để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.