ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 38/2018/QĐ-UBND
|
Hà
Nam, ngày 31 tháng 10
năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CHỨNG THƯ SỐ, CHỮ KÝ SỐ CHUYÊN DÙNG
TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH HÀ NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày
29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin
ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch
vụ chứng thực chữ ký số;
Căn cứ Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg
ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện
tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 08/2016/TT-BQP
ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng quy định về cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;
Căn cứ Thông tư số
41/2017/TT-BTTTT ngày 19 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông về quy định sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông
tin và Truyền thông.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản
lý, sử dụng chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước tỉnh
Hà Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15
tháng 11 năm 2018.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở
Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và
các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Thông tin
và Truyền thông;
- Cục Kiểm tra VBQPPL- Bộ Tư pháp;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Cổng TTĐT tỉnh, Công báo tỉnh;
- Báo Hà Nam, Đài PT&TH Hà Nam;
- VPUB: LĐVP, NC, HCTC, TH;
- Lưu: VT, TH(D).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Đông
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CHỨNG THƯ SỐ, CHỮ KÝ SỐ CHUYÊN DÙNG TRONG CÁC CƠ QUAN
NHÀ NƯỚC TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Hà Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
1. Quy chế này quy
định việc quản lý, sử dụng chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng trong việc trao
đổi và sử dụng văn bản điện tử của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà
Nam.
2. Quy chế này không quy định việc sử
dụng chữ ký số cho văn bản điện tử chứa thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước
và các văn bản khác theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các Sở,
Ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn và các tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan nhà nước tỉnh có liên quan đến
hoạt động quản lý và sử dụng chứng thư số, chữ ký số đối với văn bản điện tử.
Điều 3. Nguyên
tắc sử dụng chữ ký số đối với văn bản điện tử
1. Chữ ký số phải gắn kèm văn bản điện
tử sau khi ký số.
2. Văn bản điện tử được ký số phải đảm
bảo tính xác thực, tính toàn vẹn xuyên suốt quá trình trao đổi, xử lý và lưu trữ
văn bản điện tử được ký số.
3. Chữ ký số của các cơ quan, tổ chức,
cá nhân chỉ được sử dụng để thực hiện các giao dịch theo đúng thẩm quyền của cơ
quan, tổ chức và chức danh được cấp chứng thư số.
Điều 4. Giá trị
pháp lý của văn bản điện tử được ký số
1. Văn bản điện tử được ký số với loại
chữ ký số của cá nhân đã được xác thực hợp lệ thì có giá trị tương đương với văn
bản giấy có chữ ký tay của cá nhân đó.
2. Văn bản điện tử được ký số với loại
chữ ký số của cơ quan đã được xác thực hợp lệ thì có giá trị tương đương với
văn bản giấy có đóng dấu của cơ quan đó, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản
5 Điều này.
3. Văn bản điện tử được ký số với loại chữ ký số của cá nhân và chữ ký số của cơ
quan đã được xác thực hợp lệ thì có giá trị tương đương với văn bản giấy có chữ
ký tay và đóng dấu của cơ quan đó.
4. Văn bản điện tử đã ký số được xác thực hợp lệ gửi, nhận qua các hệ thống thông tin (Quản lý văn
bản và điều hành, hệ thống thông tin một cửa điện tử, hệ thống thư điện tử công
vụ, Cổng/trang thông tin điện tử...) và qua các phương tiện truyền đưa khác có
giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy.
5. Chữ ký số chỉ có giá trị pháp lý
khi tồn tại ở dạng văn bản điện tử được ký số hợp lệ:
a) Văn bản điện tử được quét từ văn bản
giấy có chữ ký tay và đóng dấu cơ quan được ký số với loại chữ ký số cơ quan, tổ
chức được xác thực hợp lệ thì vẫn có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy
có chữ ký tay và đóng dấu của cơ quan đó;
b) Văn bản là bản giấy được in hoặc
phô tô từ văn bản điện tử có chữ ký số thì không có giá trị pháp lý.
Chương II
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG
CHỨNG THƯ SỐ VÀ CHỮ KÝ SỐ
Điều 5. Cấp mới,
gia hạn, thay đổi thông tin, thu hồi chứng thư số
Điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục,
thời gian thực hiện cấp mới, gia hạn, thay đổi thông tin, thu hồi chứng thư số
được thực hiện theo quy định từ Điều 60 đến Điều 70 Nghị định số
130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018.
Điều 6. Cấp chứng
thư số sau khi chứng thư số cũ hết hạn hoặc chứng thư số bị thu hồi
Điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp
chứng thư số sau khi chứng thư số cũ hết hạn hoặc chứng thư số bị thu hồi được thực hiện theo quy định tại Điều 72 Nghị định số
130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018.
Điều 7. Thu hồi,
khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật
1. Thu hồi thiết bị lưu khóa bí mật
sau khi chứng thư số hết hạn sử dụng hoặc chứng thư số bị thu hồi được thực hiện
theo quy định tại Điều 71 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018.
2. Khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật
trong trường hợp thiết bị lưu khóa bí mật bị khóa khi nhập sai mật khẩu quá số
lần quy định được thực hiện theo quy định tại Điều 73 Nghị định số
130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018.
Điều 8. Quản lý
thiết bị lưu khóa bí mật
1. Việc quản lý thiết bị lưu khóa bí
mật được thực hiện theo quy định tại Điều 74 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày
27/9/2018.
2. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có
trách nhiệm giao cho nhân viên văn thư quản lý và sử dụng thiết bị lưu khoá bí
mật của cơ quan, tổ chức để tạo ra chữ ký số của cơ quan,
tổ chức mình. Thiết bị lưu khoá bí mật của cơ quan, tổ chức phải được cất giữ
an toàn tại trụ sở cơ quan, tổ chức.
3. Thiết bị lưu khóa bí mật của cá
nhân do chính cá nhân đó bảo quản an toàn. Không được tiết lộ mật khẩu hoặc để
người khác sử dụng thiết bị của mình.
Điều 9. Ký số
trên văn bản điện tử
1. Việc ký số được thực hiện thông
qua phần mềm ký số; ký số vào văn bản điện tử thành công hay không thành công
phải được thông báo xác thực thông qua phần mềm.
2. Vị trí ký số:
a) Đối với vị trí ký số của cơ quan,
tổ chức:
- Khi sử dụng một chữ ký số cơ quan, tổ chức: Là vị trí trên cùng, bên trái, ở trang đầu tiên của
văn bản;
- Khi sử dụng hai chữ ký số (01 chữ
ký số cá nhân, 01 chữ ký số cơ quan, tổ chức): Là vị trí chức vụ, họ tên và chữ
ký của người có thẩm quyền trên văn bản giấy.
b) Đối với vị trí ký số của cá nhân:
Là vị trí ký tay trên văn bản giấy;
c) Đối với các văn bản như: Chương
trình phối hợp, biên bản, các loại văn bản có nhiều người ký, vị trí ký số trên
văn bản điện tử được phân bổ theo quy định như văn bản giấy;
d) Đối với các trường hợp khác:
- Dấu giáp lai: Văn bản điện tử sau
khi đã ký số được đảm bảo tính toàn vẹn của văn bản (nội dung không bị thay đổi
trong suốt quá trình trao đổi, xử lý, lưu trữ) nên không cần cơ chế dấu giáp
lai các trang của văn bản điện tử đã ký số;
- Dấu treo: Các tệp tài liệu, phụ lục
gửi kèm văn bản điện tử sau khi đã ký số được đảm bảo tính toàn vẹn nên thay thế
hoàn toàn dấu treo trên các phụ lục, tài liệu.
3. Quy trình chung về ký số:
a) Sử dụng hai chữ ký số: 01 chữ ký số
cá nhân, 01 chữ ký số cơ quan, tổ chức để phát hành văn bản điện tử (áp dụng
cho các văn bản điện tử tương đương văn bản giấy có chữ ký tay và đóng dấu cơ
quan):
- Soạn tệp văn bản điện tử, gửi lãnh
đạo duyệt văn bản;
- Lãnh đạo duyệt văn bản gửi văn thư
vào số và ngày, tháng ban hành văn bản;
- Văn thư trình ký văn bản điện tử đã
được vào số và ngày, tháng ban hành;
- Lãnh đạo ký duyệt ký số văn bản điện
tử trình ký, chuyển văn thư;
- Văn thư sử dụng chứng thư số của cơ
quan, tổ chức ký số lên văn bản điện tử đã được ký duyệt;
- Phát hành văn bản điện tử đã được
ký số.
b) Sử dụng một chữ ký số cơ quan, tổ
chức để phát hành văn bản điện tử (áp dụng cho các văn bản quy định tại Điểm a
Khoản 5 Điều 4 của Quy chế này; văn bản dự thảo gửi trình cơ quan cấp trên ký
ban hành hoặc gửi xin ý kiến các cơ quan khác; các tệp tài liệu, phụ lục gửi
kèm tệp văn bản phát hành có chữ ký số):
- Soạn tệp văn bản điện tử, gửi trình
duyệt;
- Người duyệt văn bản chuyển văn thư;
- Văn thư sử dụng chữ ký số của cơ
quan, tổ chức ký số lên văn bản điện tử đã được duyệt;
- Phát hành văn bản điện tử đã được
ký số.
4. Ngày ký số lên văn bản điện tử phải
cùng ngày ban hành văn bản điện tử đó, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản
5 Điều 4 của Quy chế này. Căn cứ Khoản 3 Điều này, các cơ quan ban hành quy
trình ký số phát hành văn bản điện tử theo quy định, phù hợp với tình hình thực
tế của cơ quan mình.
5. Hiển thị thông tin về chữ ký số của
người có thẩm quyền và chữ ký số của cơ quan, tổ chức trên
văn bản điện tử thực hiện theo quy định của Bộ Nội vụ.
Điều 10. Gửi, nhận
văn bản điện tử
1. Đối với các cơ quan có sử dụng hệ
thống Quản lý văn bản và điều hành được kết nối liên thông với nhau bằng giải
pháp kỹ thuật, công nghệ: Phải gửi, nhận văn bản điện tử được ký số qua hệ thống
Quản lý văn bản và điều hành giữa các quan với nhau, thay cho việc gửi, nhận
văn bản giấy trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quyết định số
28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận
văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
2. Các cơ quan sử dụng Cổng dịch vụ
công, hệ thống thông tin một cửa điện tử, hệ thống thư điện tử công vụ, cổng hoặc
trang thông tin điện tử và các phương tiện truyền đưa khác để trao đổi văn bản
điện tử được ký số với các tổ chức, cá nhân không có hệ thống Quản lý văn bản
và điều hành liên thông.
3. Văn bản điện tử đã ký số phải đảm
bảo yêu cầu về thể thức, kỹ thuật trình bày theo quy định như đối với văn bản
giấy.
4. Văn bản điện tử phải được gửi ngay
trong ngày văn bản đó ký ban hành, chậm nhất là trong buổi sáng của ngày làm việc
tiếp theo.
Điều 11. Kiểm
tra chữ ký số trên văn bản điện tử
Thực hiện kiểm tra chữ ký số trên văn
bản điện tử theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Thông tư số 41/2017/TT-BTTTT ngày
19/12/2017.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách
nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
1. Chủ trì, hướng dẫn các cơ quan, tổ
chức triển khai thực hiện Quy chế này và các quy định có liên quan đến công tác
quản lý, sử dụng chứng thư số, chữ ký số trong các cơ quan nhà nước trên địa
bàn tỉnh Hà Nam.
2. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn quản
lý và sử dụng chứng thư số, chữ ký số, phần mềm ký số cho cán bộ, công chức,
viên chức được cấp chứng thư số.
3. Phối hợp với các cơ quan liên quan
nghiên cứu tích hợp chữ ký số vào các phần mềm ứng dụng.
4. Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc
quản lý và sử dụng chứng thư số, chữ ký số, thiết bị lưu khóa bí mật và việc thực
hiện các quy định trong Quy chế này của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
5. Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Sở
Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí ứng dụng
chữ ký số trong các cơ quan nhà nước để đáp ứng nhu cầu khai thác và sử dụng chữ
ký số, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
6. Thống kê, theo dõi việc sử dụng chứng
thư số, chữ ký số trên địa bàn tỉnh; thực hiện báo cáo định
kỳ, đột xuất về Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ
quan liên quan.
Điều 13. Trách
nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức
1. Tổ chức triển khai sử dụng có hiệu
quả chứng thư số của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý theo
quy định; thực hiện ứng dụng chữ ký số trong việc gửi, nhận văn bản điện tử
theo quy định tại Quy chế này.
2. Phân công cán bộ phụ trách công
nghệ thông tin tiếp nhận chứng thư số, cài đặt phần mềm ký số và hướng dẫn sử dụng
ký số cho cá nhân được cấp chứng thư số.
3. Thường xuyên kiểm tra, rà soát việc
quản lý và sử dụng chữ ký số, chứng thư số của cơ quan, tổ chức mình đảm bảo thực
hiện theo đúng các quy định của Quy chế này và các quy định khác có liên quan.
4. Trang bị hạ tầng kỹ thuật và các hệ
thống thông tin đáp ứng yêu cầu để thực hiện ký số, lưu trữ văn bản điện tử, phục
vụ khai thác và sử dụng văn bản điện tử theo quy định.
5. Thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất
kết quả sử dụng chữ ký số, chứng thư số của cơ quan, tổ chức gửi về Sở Thông
tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
theo quy định.
Điều 14. Trách
nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được cấp chứng thư số
1. Có trách nhiệm quản lý, sử dụng
thiết bị lưu khoá bí mật của mình một cách an toàn, bí mật trong suốt thời gian
chứng thư số của mình có hiệu lực và bị tạm dừng.
2. Thông báo trong thời gian 24 giờ
cho cơ quan và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của mình nếu phát
hiện thấy dấu hiệu khoá bí mật của mình đã bị lộ, bị đánh cắp hoặc sử dụng trái
phép để có biện pháp xử lý.
3. Tham gia các chương trình tập huấn,
hướng dẫn về ứng dụng chữ ký số do cơ
quan cấp trên và Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Điều 15. Trách
nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức làm công tác Văn thư tại các cơ quan, tổ
chức
1. Thực hiện ký số văn bản điện tử và
phát hành văn bản điện tử đã ký số theo quy trình quy định được quy định trong
Quy chế này và các quy định khác có liên quan.
2. Thực hiện xác thực chữ ký số trên
các văn bản đến của các cơ quan, tổ chức khác gửi đến, phản ánh với cơ quan, tổ
chức đó nếu chữ ký số không hợp lệ.
3. Thực hiện lưu trữ văn bản điện tử
theo quy định hiện hành.
4. Chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản
lý và sử dụng chứng thư số, thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức khi
được giao, đảm bảo đúng các quy định trong Quy chế này và các quy định khác có
liên quan.
Điều 16. Trách
nhiệm của cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, tổ chức
1. Chịu trách nhiệm cài đặt phần mềm
ký số, cập nhật phiên bản phần mềm ký số mới (nếu có), hỗ
trợ kỹ thuật và hướng dẫn trong quá trình sử dụng chữ ký số cho cán bộ, công chức, viên chức được cấp chứng thư số tại cơ quan, tổ
chức.
2. Tham mưu cho lãnh đạo cơ quan thực
hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin tại cơ quan, tổ chức mình.
3. Chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản
lý và sử dụng chứng thư số, thiết bị lưu khóa bí mật của thiết bị, phần mềm của
cơ quan, tổ chức khi được giao, đảm bảo đúng các quy định trong Quy chế này và
các quy định khác có liên quan.
4. Tham gia các chương trình tập huấn,
hướng dẫn về quản lý, sử dụng chứng thư số, chữ ký số do cơ quan cấp trên và Sở
Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Điều 17. Điều
khoản thi hành
1. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và
cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm nghiêm túc thực hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có
những vướng mắc phát sinh cần điều chỉnh, bổ sung, các cơ quan, tổ chức phản
ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.