Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 3607/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Nguyễn Ngọc Hồi
Ngày ban hành: 01/11/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3607/QĐ-UBND

Thanh Hoá, ngày 01 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020.

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HOÁ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23/11/2009;

Căn cứ Luật Tần số Vô tuyến điện ngày 23/11/2009;

Căn cứ Luật Bưu chính ngày 17/6/2010;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 05/02/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020.

Căn cứ Quyết định số 2225/QĐ-UBND ngày 23/6/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ “Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020”;

Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 646/TTr-STTTT (kèm theo hồ sơ) ngày 17/10/2011, về việc phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020 và Báo cáo kết quả thẩm định ngày 18/9/2011 của Hội đồng thẩm định quy hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. Tên dự án: Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020.

II. Chủ đầu tư: Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa.

III. Nội dung quy hoạch:

A. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển Bưu chính

Hạ tầng mạng lưới Bưu chính gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đi đôi với việc bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Dịch vụ Bưu chính theo hướng tin học hóa, đa dạng hóa loại hình dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ; phổ cập dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hệ thống điểm phục vụ.

Phát huy mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ Bưu chính, chuyển phát trong môi trường cạnh tranh lành mạnh.

2. Phát triển Viễn thông

Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng Viễn thông có công nghệ hiện đại, đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, có độ bao phủ rộng khắp với dung lượng lớn, hình thành một mạng lưới thông tin có chất lượng cao, cung cấp đa dịch vụ và hoạt động có hiệu quả.

Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông trong kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Tiếp tục đẩy nhanh phổ cập các dịch vụ Viễn thông và Internet cho các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Phát huy mọi nguồn lực mở rộng, phát triển hạ tầng mạng lưới Viễn thông; tạo lập thị trường cạnh tranh, phát triển lành mạnh.

3. Phát triển công nghệ thông tin

Đẩy mạnh và phát triển ứng dụng công nghệ thông tin rộng khắp, đồng bộ, bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, phù hợp với định hướng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Quốc gia các chương trình, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực khác liên quan.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn chặt với cải cách hành chính trong tất cả các cấp, các ngành, góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh; từng bước xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử tại Thanh Hóa.

Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng mạng công nghệ thông tin thông lượng lớn, chất lượng cao. Mở rộng mạng chuyên dùng tới cấp xã; đảm bảo an ninh mạng cho hệ thống mạng LAN tại các đơn vị cũng như mạng chuyên dùng của tỉnh.

Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin phải gắn kết chặt chẽ với quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo, theo hướng hội nhập, đạt trình độ khu vực và quốc tế; bảo đảm tính kế thừa và tính hiện đại.

Từng bước tạo tiền đề để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tế tại Thanh Hóa.

B. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Bưu chính

Xây dựng mạng, điểm phục vụ Bưu chính rộng khắp. Khuyến khích phát triển hình thức đại lý Bưu điện đa dịch vụ. Nâng cao năng lực phục vụ thông tin cơ sở tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 667 điểm phục vụ Bưu chính, bán kính phục vụ đạt 2,3km/điểm, số dân phục vụ bình quân đạt 5.340 người/điểm.

Tiếp tục triển khai cung cấp và nâng cao chất lượng các dịch vụ Bưu chính cơ bản, phổ cập các dịch vụ Bưu chính công ích đến tất cả các vùng miền trong tỉnh, với chất lượng phục vụ ngày càng cao. Mở rộng và phát triển các dịch vụ bưu chính chất lượng cao và các dịch vụ mới.

Giai đoạn 2011-2015: Dịch vụ bưu chính truyền thống có tốc độ tăng trưởng 8-10%/năm. Dịch vụ bưu chính chất lượng cao có tốc độ tăng trưởng 10-12%/năm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ bưu chính từ 10-12%/năm.

Giai đoạn 2016-2020: Dịch vụ bưu chính truyền thống có tốc độ tăng trưởng 6-8%/năm. Dịch vụ bưu chính chất lượng cao có tốc độ tăng trưởng 12-13%/năm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ bưu chính từ 15-18%/năm.

2. Viễn thông

Xây dựng hạ tầng mạng viễn thông có công nghệ hiện đại, theo hướng hội tụ; có độ bao phủ rộng với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao; đồng bộ với cơ sở hạ tầng của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để toàn xã hội cùng khai thác, truyền tải và cung cấp thông tin. Phục vụ tốt cho công tác phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Đến 2015: Mạng băng thông rộng đến 100% các trung tâm xã, phường, thị trấn và 30% số thôn bản. 100% các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp các trường học, cơ sở y tế, đóng trên địa bàn xã được cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng. Phủ sóng thông tin di động băng thông rộng đến đến 85% dân cư.

Đến 2020: Mạng băng thông rộng đến hầu hết các thôn, bản. 50-60% số hộ truy cập được Internet băng thông rộng, trong đó 20-25% truy nhập Internet băng thông rộng bằng cáp quang. Phủ sóng thông tin di động băng thông rộng đến 95% dân cư.

Thực hiện lộ trình ngầm hoá cáp viễn thông, phát thanh, truyền hình trong khu vực thành phố, thị xã. Đến năm 2015, ngầm hoá tối thiểu đến 50% cáp gốc, đường dây trục và đến năm 2020 chỉ tiêu này đạt 70%. Đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư mới thì xây dựng hạ tầng Viễn thông theo hướng ngầm hoá đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật khác trong khu vực.

Phát triển các điểm truy cập điện thoại cố định, Internet công cộng tại các địa điểm phù hợp với từng địa phương, cơ sở như: điểm Bưu điện - Văn hóa xã, các đồn biên phòng, nhà văn hóa xã… tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có thể khai thác, sử dụng các dịch vụ điện thoại cố định và truy cập Internet.

Tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường dịch vụ Viễn thông và đầu tư, phát triển hạ tầng Viễn thông, phổ cập dịch vụ, phát triển dịch vụ mang tính công ích. Phát huy hiệu quả và tăng cường kiểm soát sử dụng Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích theo quy định trên địa bàn tỉnh.

3. Công nghệ thông tin

3.1. Hạ tầng công nghệ thông tin

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các cơ quan Đảng, Nhà nước tiếp tục được hiện đại hóa và hoàn thiện về số lượng, chất lượng, tốc độ, băng thông và độ tin cậy.

Đến năm 2015, kết nối mạng chuyên dùng tới 100% các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, sở, ban, ngành; kết nối 80% các đơn vị cấp xã, phường, thị trấn với mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh. Đến năm 2020, kết nối tới 100% các đơn vị cấp xã, phường, thị trấn với mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh.

Đến năm 2015, hoàn thiện hạ tầng phục vụ hệ thống ứng dụng, quản lý tác nghiệp, cổng (hoặc trang) thông tin điện tử tại 100% các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và 80% Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoàn thiện hạ tầng và hệ thống ứng dụng quản lý tác nghiệp. Đến năm 2020, 100% Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoàn thiện chỉ tiêu trên.

Đến năm 2015, 100% các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, trường tiểu học, các bệnh viện hoàn thiện hạ tầng, hệ thống ứng dụng quản lý điều trị, cổng thông tin điện tử. Đến năm 2020, 100% các Trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường, thị trấn có đủ máy tính, thiết bị ngoại vi phục vụ công tác chuyên ngành.

3.2. Ứng dụng công nghệ thông tin

Triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT-TT trong các cơ quan đảng, đoàn thể chính trị của tỉnh. Hình thành môi trường, quy trình làm việc, trao đổi và tác nghiệp trực tuyến qua mạng máy tính trong tất cả các cơ quan Đảng và chính quyền.

Đến năm 2015, hầu hết các văn bản được trao đổi trên môi trường mạng tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; 80% đối với UBND cấp xã. Đến năm 2020 đạt 95% văn bản cấp xã được trao đổi trên môi trường mạng.

Đến năm 2015, hầu hết các cán bộ công chức các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đều sử dụng thư điện tử và các phần mềm điều hành, tác nghiệp. Đến năm 2020, hầu hết các cán bộ xã, phường, thị trấn đều sử dụng thư điện tử và các phần mềm điều hành, tác nghiệp.

Đến năm 2015, 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện xây dựng được từ 2 đến 4 cơ sở dữ liệu riêng và tích hợp, chia sẻ, sử dụng các cơ sở dữ liệu lớn liên quan. Đến năm 2020, hầu hết UBND cấp xã đều xây dựng được cơ sở dữ liệu riêng.

Đến năm 2015, hoàn thiện hệ thống ứng dụng quản lý văn bản và hồ sơ công việc, cổng (hoặc trang) thông tin điện tử tại 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; 50% UBND cấp xã hoàn thiện hệ thống ứng dụng quản lý tác nghiệp. Đến năm 2020, 100% UBND cấp xã hoàn thiện chỉ tiêu trên.

Đến năm 2015, 100% các cơ quan Nhà nước đều xây dựng và cung cấp 100% các dịch vụ hành chính công mức độ 2, từ 5-10% dịch vụ hành chính công mức độ 3. Đến năm 2020, đạt 30 – 40% dịch vụ hành chính công mức độ 3, từ 5-10% dịch vụ hành chính công mức độ 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

3.3. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Đến năm 2015, 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện có ít nhất 01 cán bộ lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO); bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin có từ 01 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp có từ 01 đến 03 cán bộ có trình độ cao về CNTT.

Thành lập và nâng cao chất lượng các khoa công nghệ thông tin trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng được nhu cầu ứng dụng và quản lý công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

3.4. Công nghiệp công nghệ thông tin

Đến năm 2015, có 02 đến 03 doanh nghiệp sản xuất các linh kiện máy tính và các linh kiện điện tử công nghệ cao; 05 đến 10 doanh nghiệp gia công và cung cấp các giải pháp phần mềm, dịch vụ, nội dung số. Thanh Hóa phấn đấu nâng cao tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ thông tin/tổng giá trị sản phẩm công nghiệp, dịch vụ của tỉnh đạt 4-5% GDP.

Giai đoạn 2015-2020, xây dựng Khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung trong Khu công nghệ cao của tỉnh để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.

C. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN

1. Quy hoạch Bưu chính

1.1. Mạng bưu cục, điểm phục vụ

Tiếp tục phát triển mới, tổ chức lại mạng lưới các bưu cục, đại lý đa dịch vụ, điểm Bưu điện - Văn hóa xã phù hợp với quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm làng nghề và các tuyến đường giao thông. Đặc biệt quan tâm phát triển mạng lưới và dịch vụ Bưu chính tại các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Mạng lưới bưu cục vẫn được tổ chức theo 3 cấp như hiện nay. Cơ bản giữ nguyên số lượng bưu cục được phân bố tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh; trường hợp đặc biệt có thể bổ sung phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Các bưu cục được nâng cấp đầu tư các thiết bị hiện đại.

Phát triển thêm 05 điểm phục vụ tại các xã chưa có điểm phục vụ (Xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát và xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn) và các khu công nghiệp, khu du lịch, cửa khẩu như Khu Kinh tế Nghi Sơn, của khẩu Bát Mọt...; phát triển điểm phục vụ (bưu cục cấp 3) tại khu quy hoạch Hoàng Long (Thành phố Thanh Hóa).

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 667 điểm phục vụ Bưu chính, bán kính phục vụ đạt 2,3km/điểm phục vụ, số dân phục vụ bình quân đạt 5.340 người/điểm phục vụ. Nhu cầu sử dụng đất dành cho phát triển bưu chính khoảng 12.000m2.

Tổ chức hệ thống thùng thư đảm bảo các nguyên tắc theo quy định, dễ nhìn, dễ tiếp cận, thuận tiện cho việc cung cấp dịch vụ, quản lý và sử dụng.

1.2. Mạng vận chuyển bưu chính, chuyển phát

Duy trì các tuyến đường thư cấp 2 với tần suất 01 đến 02 chuyến/ngày. Tăng cường và nâng cấp các phương tiện vận chuyển cho các tuyến đường thư, nhằm nâng cao tính chủ động, rút ngắn thời gian chuyển phát thư tới các huyện vùng xa.

Nâng cao chất lượng việc chuyển phát thư trong nội huyện theo hướng kết hợp với trung tâm chia chọn tự động đến cấp xã trong từng huyện. Đảm bảo cho việc mạng vận chuyển thư cấp 3 được nhanh chóng cần bổ sung thêm phương tiện vận chuyển phù hợp cho các huyện.

Khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ chuyển phát, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và quyền lợi người sử dụng dịch vụ. Xã hội hoá lĩnh vực kinh doanh dịch vụ chuyển phát và chuyển phát theo hướng cạnh tranh, khuyến khích đầu tư phát triển mạng lưới chuyển phát chất lượng cao đảm bảo chỉ tiêu "Nhanh chóng, An toàn, Tiện lợi".

Định hướng các điều kiện cho phép các doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư trong địa bàn tỉnh hoạt động một cách hợp pháp.

1.3. Dịch vụ và thị trường Bưu chính

Duy trì và nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính cơ bản, dịch vụ bưu chính công ích, phát triển các dịch vụ bưu chính mới, đa dạng hoá việc cung cấp các dịch vụ bưu chính đến các điểm phục vụ; chú trọng tới phát triển các dịch vụ mới, dịch vụ tài chính và các dịch vụ ứng dụng trên nền công nghệ thông tin. Đến 2020, đạt tốc độ tăng trưởng đối với bưu phẩm thường 3% đến 5 %; Dịch vụ chuyển phát nhanh, tiết kiệm bưu điện tăng trưởng hàng năm trung bình từ 12% đến 13%.

Tham gia cung cấp các dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, thương mại điện tử, dịch vụ văn hoá… theo quy định của pháp luật, thông qua các hình thức hợp tác, bán lại dịch vụ, đại lý cho các doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ.

Mở rộng phạm vi kinh doanh các lĩnh vực khác để tăng hiệu quả kinh doanh Bưu chính, hướng chủ yếu là bán các mặt hàng thông dụng phục vụ mọi tầng lớp nhân dân nhưng không làm ảnh hưởng đến cung cấp dịch vụ hiện có; định hướng lĩnh vực kinh doanh: văn phòng phẩm, đồ dùng và dụng cụ học tập…

Triển khai tốt dịch vụ bưu chính công ích đến năm 2020 theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, đảm bảo cung cấp đầy đủ và chất lượng ổn định đến tất cả các điểm phục vụ trên toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của mọi người dân và thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ thông tin của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Đáp ứng các quy định cụ thể về việc cung cấp dịch vụ bưu chính công ích của Nhà nước.

Tăng cường cơ sở vật chất về công nghệ thông tin, các đầu sách, báo, tạp chí văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật có nội dung phù hợp tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của nhân dân, đồng thời là địa chỉ để người dân truy cập tìm kiếm thông tin và sử dụng các dịch vụ hành chính công trên mạng Tin học diện rộng của tỉnh do UBND các cấp, sở, ban, ngành cung cấp.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia trong thị trường chuyển phát nhanh.

1.4. Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong Bưu chính

Đổi mới hệ thống quản lý, khai thác (ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng mã vạch trong việc chia chọn, các hệ thống truy tìm, định vị và tra cứu bưu gửi...) nhằm nâng cao năng suất lao động và giảm giá thành. Triển khai áp dụng các chuẩn hóa về bao bì, túi gói bưu chính để đảm bảo khả năng chia chọn tự động, các hệ thống truy tìm, định vị và các hệ thống thông tin quản lý bưu chính.

Ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ trong việc phát triển mạng tin học bưu chính, sử dụng các phần mềm phục vụ quản lý, khai thác, kinh doanh bưu chính.

1.5. Phát triển nguồn nhân lực Bưu chính

Tăng cường về nhân lực, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ quản lý nhà nước lĩnh vực Bưu chính tại Sở Thông tin và Truyền thông và phòng Văn hoá - Thông tin cấp huyện, đảm bảo quản lý việc phát triển Bưu chính trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định hiện hành của nhà nước, phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền và đảm bảo quyền lợi sử dụng dịch vụ của người dân.

Các doanh nghiệp kinh doanh Bưu chính có kế hoạch phát triển, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực phù hợp với thị trường cạnh tranh, đảm bảo phát triển doanh nghiệp trong môi trường hội nhập, phát triển của ngành và địa phương.

Đào tạo nguồn nhân lực tại 100% các điểm Bưu điện - Văn hóa xã, trong đó chủ yếu tập trung đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, đặc biệt là các dịch vụ mới và đào tạo nâng cao kỹ năng sử dụng thành thạo Internet để phục vụ việc phổ cập.

2. Quy hoạch phát triển Viễn thông

2.1. Phát triển hạ tầng mạng Viễn thông

Xây dựng, phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông và Internet đồng bộ, tiên tiến, hiện đại, hoạt động hiệu quả, độ an toàn và tin cậy cao, có độ bao phủ rộng khắp, đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng (hạ tầng mạng di động, ngoại vi....) nhằm tiết kiệm nguồn vốn đầu tư và đảm bảo mỹ quan đô thị, nông thôn.

Phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng viễn thông thụ động theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Trong quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao phải đưa quy hoạch hạ tầng kỹ thuật Viễn thông thụ động có liên quan (có bản vẽ hiện trạng và chi tiết tỷ lệ 1/2.000, 1/500) để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư xây dựng và thuận tiện cho việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông dùng chung và cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông.

Đối với các khu công nghiệp, khu dân cư mới, các tòa nhà cao tầng có nhiều chủ sử dụng, xây dựng hạ tầng viễn thông theo hướng ngầm hoá đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật khác trong khu vực và quyền lợi của người sử dụng.

Đến năm 2015, hoàn thành cáp quang hoá, trong đó phát triển cáp quang đến tất cả các trung tâm các xã, tạo thành các RING nội tỉnh. Thực hiện xây dựng mạng cáp quang đồng bộ với hạ tầng các khu công nghiệp, khu đô thị mới. Xây dựng các đường cáp quang và thiết bị truy nhập phù hợp phục vụ các khu vực tập trung dân cư. Xây dựng các tuyến cáp quang đến thôn, bản; tổ chức lại các thiết bị vi ba để dự phòng cho các nút mạng Viễn thông quan trọng, cũng như phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc trong các trường hợp ứng cứu đột xuất.

Trên cơ sở các tuyến cáp quang của 03 doanh nghiệp là Viễn thông Thanh Hoá, Tập đoàn Viễn thông quân đội chi nhánh Thanh Hóa, Công ty thông tin Viễn thông Điện lực theo các tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã để thực hiện xây dựng thêm các tuyến cáp quang đến 100% các xã và 5% thôn, bản trong tỉnh. Khuyến khích kết hợp các tuyến cáp quang của các doanh nghiệp tổ chức thành các RING đảm bảo an toàn và dung lượng trong truyền tải thông tin. Duy trì và tổ chức các tuyến Viba dự phòng ở các điểm quan trọng đảm bảo thông tin liên lạc khi có sự cố.

Đến năm 2020, xây dựng tuyến cáp quang đến 30% các thôn, bản; xây dựng các tuyến cáp đồng đến 100% các thôn, bản trên địa bàn tỉnh.

2.2. Phát triển mạng điện thoại cố định

Phát triển, xây dựng mạng theo hướng công nghệ mạng thế hệ mới (NGN) đảm bảo phát huy năng lực mạng lưới viễn thông hiện tại, đáp ứng được nhu cầu về dung lượng và chất lượng, chuyển tải các loại hình dịch vụ viễn thông, Internet, phát thanh, truyền hình, dịch vụ thông tin số, các mạng truyền số liệu dùng riêng… trên cơ sở hạ tầng thông tin thống nhất.

Đến năm 2015, lắp đặt điểm truy nhập đến 100% các trung tâm huyện, trung tâm xã, các khu công nghiệp, khu kinh tế, làng nghề. Đạt các chỉ tiêu 100% số xã được cung cấp sử dụng dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến và thuê bao Internet băng thông rộng; mật độ máy điện thoại cố định đạt 20,67 máy/100 dân; mật độ thuê bao Internet băng thông rộng đạt 3,86 máy/100 dân; số người sử dụng Internet đạt trên 22,8 người sử dụng/100 dân; 100% số xã trở lên có điểm truy nhập internet công cộng có người phục vụ.

Đến năm 2020, lắp đặt điểm truy nhập đến hầu hết trung tâm các thôn, bản; đạt chỉ tiêu 80% số thôn, bản được cung cấp sử dụng dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến và thuê bao Internet băng thông rộng; mật độ máy điện thoại cố định đạt 23,20 máy/100 dân; mật độ thuê bao Internet băng thông rộng đạt 6,43 thuê bao/100 dân; số người sử dụng Internet đạt khoảng trên 40 người sử dụng/100 dân; 100% số xã trở lên có điểm truy nhập internet công cộng có người phục vụ.

2.3. Phát triển mạng thông tin di động mặt đất

Phát triển hạ tầng mạng thông tin di động đồng bộ với phát triển hạ tầng kinh tế xã hội; đảm bảo cảnh quan đô thị, nông thôn. Tổ chức các trạm phát sóng thông tin di động mặt đất băng thông rộng dọc các đường quốc lộ, tỉnh lộ, các khu vực trọng yếu dọc các tuyến đê biển, đê sông Mã, Sông Chu, Sông Lèn, Sông Bưởi, dọc các tuyến biên giới… để đảm bảo thông tin cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Giai đoạn 2011-2015: Phủ sóng thông tin di động mặt đất đến tất cả thôn, bản các tuyến đường biên giới quốc gia, đảm bảo tối thiểu mỗi thôn, bản được phủ sóng thông tin di động của 03 nhà cung cấp dịch vụ khác nhau. Phát triển mới 1.100 vị trí trạm thu phát sóng; nâng tổng số vị trí trạm thu phát sóng trên địa bàn tỉnh lên gần 3.000 vị trí, bán kính phục vụ bình quân trên 1km/trạm thu phát sóng. Phủ sóng thông tin di động băng thông rộng đến các xã và dọc các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ quan trọng và đường biên giới quốc gia đảm bảo phủ sóng đến 85% dân; mật độ máy điện thoại di động đạt 49,33 máy/100 dân.

Giai đoạn 2016-2020: Bổ sung, nâng cấp, phát triển mới các trạm thu, phát sóng thông tin di động băng thông rộng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo năng lực và dung lượng đáp ứng nhu cầu cung cấp các đa dịch vụ băng thông rộng trên hạ tầng mạng lưới thông tin di động. Đến năm 2020, trên toàn tỉnh dự kiến có khoảng trên 3.500 vị trí trạm thu, phát sóng di động, phủ sóng đến 95% dân cư; mật độ máy điện thoại di động đạt 68,42 máy/100 dân.

2.4. Phát triển mạng ngoại vi

Thực hiện ngầm hoá đến khu vực dân cư, cụm dân cư, khu công nghiệp. Phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và hiện đại hoá hạ tầng mạng lưới. Tiến độ xây dựng tuyến cống bể, ngầm hóa mạng ngoại vi đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị.

- Giai đoạn 2011-2015: Ngầm hóa tối thiểu 50% hạ tầng mạng ngoại vi (Cáp gốc, đường dây trục) khu vực thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Sầm Sơn, thị trấn các huyện.

- Giai đoạn 2016-2020: ngầm hóa tối thiểu 70% hạ tầng mạng ngoại vi (Cáp gốc, đường dây trục) khu vực Thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Sầm Sơn, thị trấn các huyện. Triển khai ngầm hóa tới khu vực các huyện, các xã.

Đẩy nhanh quá trình ngầm hóa cáp treo hiện có, rút ngắn khoảng cách cáp phục vụ (cáp gốc và dây thuê bao), đảm bảo chất lượng cáp phục vụ việc cung cấp dịch vụ băng rộng và mỹ quan đô thị, nông thôn.

Đối với các tuyến đường cải tạo và xây mới, các khu chung cư, khu đô thị mới, khu du lịch, tuyến cáp quang quy hoạch mới và sẽ được ngầm hóa toàn bộ.

Khi có nhiều doanh nghiệp cùng có nhu cầu xây dựng tuyến cáp ngoại vi bắt buộc phải sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Không cho phép có nhiều tuyến cáp chôn trên một tuyến đường.

Khuyến nghị doanh nghiệp đầu tư và sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng ngoại vi. Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối để thông tin cho các doanh nghiệp tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị và phối hợp tổ chức các doanh nghiệp Viễn thông xây dựng mạng lưới đồng bộ với các ngành khác, trong đó theo quy hoạch của sở Giao thông Vận tải về quy định bảo vệ hành lang an toàn giao thông thì đối với khu vực dọc đường quốc lộ thực hiện ngầm hóa sau chỉ giới đỏ và vùng nội đô.

2.5. Mạng dùng riêng

Duy trì và nâng cao năng lực các mạng dùng riêng của các đơn vị, đặc biệt mạng của Quân đội, Công an, mạng CODAN phục vụ phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn…; phát triển và quản lý tốt các mạng dùng riêng của các doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, doanh nghiệp như mạng các ngân hàng, ngành đường sắt, các hãng taxi…

Duy trì và mở rộng tuyến truyền dẫn cáp quang dùng riêng trong cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối đến Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố phục vụ công tác quản lý điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã.

2.6. Phát triển dịch vụ và thị trường Viễn thông

a) Dịch vụ Viễn thông:

- Duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ Viễn thông cơ bản, phục vụ tốt nhu cầu các dịch vụ Viễn thông bắt buộc cho nhân dân, đặc biệt là người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới và hải đảo.

- Ưu tiên phát triển các dịch vụ mới phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ phát thanh, truyền hình, công nghệ thông tin, viễn thông và xu hướng hội tụ dịch vụ truyền thông băng rộng trên hạ tầng viễn thông di động.

b) Thị trường Viễn thông:

- Tạo lập thị trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Viễn thông, Internet cùng hợp tác và phát triển.

- Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh cung cấp dịch vụ Viễn thông và Internet, đặc biệt trong lĩnh vực bán lại dịch vụ, cung cấp các dịch vụ gia tăng giá trị và Internet.

2.7. Các chỉ tiêu phát triển Viễn thông

Năm

Điện thoại cố định

Điện thoại di động

Internet

Số thuê bao

Mật độ

(100 dân)

Số thuê bao

Mật độ (100 dân)

Số thuê bao

Mật độ thuê bao (100 dân)

2011

699.500

20,39

1.568.500

45,72

84.261

2,46

2012

704.160

20,44

1.597.600

46,37

96.850

2,81

2013

708.920

20,49

1.641.641

47,46

107.256

3,10

2014

715.060

20,59

1.680.932

48,40

117.949

3,40

2015

720.970

20,67

1.720.630

49,33

134.636

3,86

2016

731.300

20,79

1.822.700

51,81

149.636

4,25

2017

753.200

21,32

1.954.700

55,33

166.636

4,72

2018

775.700

21,86

2.108.700

59,43

185.636

5,23

2019

804.000

22,57

2.276.700

63,90

207.136

5,81

2020

834.000

23,20

2.459.700

68,42

231.136

6,43

2.8. Ứng dụng khoa học, công nghệ trong Viễn thông

Mạng viễn thông phát triển theo xu hướng hội tụ: hội tụ công nghệ, tích hợp đa dịch vụ (mạng PSTN và mạng số liệu phát triển hội tụ về mạng NGN)…

Thông tin di động phát triển lên công nghệ 3G, 4G... theo hướng ứng dụng công nghệ truy nhập vô tuyến băng rộng để cung cấp đa dịch vụ.

Mạng Internet phát triển theo hướng hội tụ, cung cấp đa dịch vụ: cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình (IPTV), báo chí (E-papers)…

2.9. Phát triển nguồn nhân lực Viễn thông

Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân viên có đầy đủ đức, tài có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho phát triển viễn thông phục vụ đất nước trong thời bình, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ khi có chiến tranh xảy ra.

Trong tổng số lao động Viễn thông đến 2015, cơ cấu lao động trình độ đại học và trên đại học đạt 35%; trình độ cao đẳng đạt 25%; trình độ trung cấp, công nhân và phổ thông đạt 40%.

Trong tổng số lao động Viễn thông đến 2020, cơ cấu lao động trình độ đại học và trên đại học đạt 40%; trình độ cao đẳng đạt 20%; trình độ trung cấp, công nhân và phổ thông đạt 40%.

2.10. Nhu cầu sử dụng đất dành cho Viễn thông

Nhu cầu sử dụng đất dành cho viễn thông chủ yếu dùng cho việc xây dựng, lắp đặt các công trình và hạ tầng mạng lưới viễn thông đến năm 2020 cần khoảng 120.000 m2 đất để quy hoạch vị trí lắp đặt trạm phát sóng di động.

3. Quy hoạch phát triển Công nghệ thông tin

3.1. Quy hoạch hạ tầng công nghệ thông tin

a) Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước

Tại Trung tâm tích hợp dữ liệu, Trung tâm dữ liệu và an ninh mạng: Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu và Trung tâm dữ liệu, an ninh mạng của tỉnh với các hệ thống máy chủ ứng dụng (application server), hệ thống máy chủ dữ liệu (database server), hệ thống mạng LAN, WAN và hệ thống an ninh thông tin. Xây dựng giải pháp triển khai hệ thống thông tin.

Tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã: Đến năm 2015, trang bị bổ sung máy tính cho các đơn vị; hoàn thiện và nâng cấp hệ thống mạng LAN; trang bị thêm hoặc nâng cấp máy chủ và kết nối mạng WAN cho các đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện. Đảm bảo 100% cán bộ công chức có máy tính sử dụng trong công việc; 100% cơ quan đơn vị có đủ máy chủ và kết nối mạng WAN.

Tiếp tục triển khai và hoàn thiện mạng truyền số liệu trong cơ quan Đảng và Nhà nước. Giai đoạn 2011-2015: Đảm bảo kết nối mạng chuyên dùng cho 100% đơn vị s, ban, ngành; huyện, thị, thành phố và 80% đơn vị xã, phường, thị trấn. Giai đoạn 2016-2020: Đẩy nhanh tốc độ phát triển mạng chuyên dùng cho 100% đơn vị cấp xã, phường, thị trấn.

b) Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trong các đơn vị giáo dục

Đến năm 2015, 100% các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có phòng máy tính và đầy đủ các thiết bị ngoại vi hỗ trợ công tác dạy và học của giáo viên, học sinh trong trường. Trong đó, mỗi trường sẽ có khoảng từ 02 đến 05 máy in, 02 đến 05 máy chiếu, ít nhất 01 máy phô tô và 01 máy scan.

Đến năm 2020, 100% các trường tiểu học có phòng máy và đầy đủ các thiết bị ngoại vi hỗ trợ công tác dạy và học của giáo viên, học sinh trong trường. Trong đó, mỗi trường có khoảng từ 01 đến 02 máy in, 01 đến 02 máy chiếu, ít nhất 01 máy phô tô và 01 máy scan.

c) Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trong các đơn vị y tế

Giai đoạn 2011-2020: Tiến hành trang bị và nâng cấp, xây dựng mới mạng LAN, mạng WAN và kết nối Internet cho 100% các bệnh viện tỉnh, huyện phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai các chương trình phát triển y tế từ xa.

3.2. Ứng dụng CNTT dùng chung trong các cơ quan Nhà nước

a) Xây dựng hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện

Giai đoạn 2011-2015 xây dựng và triển khai hệ thống giao ban đa phương tiện đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng hầu hết các cuộc họp quan trọng của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các s, ban, ngành có thể họp, chỉ đạo trực tuyến qua môi trường mạng.

Giai đoạn 2015-2020: mở rộng và nâng cấp hệ thống giao ban đa phương tiện có tốc độ cao đảm bảo đường truyền số liệu, âm thanh, hình ảnh chất lượng tốt, đáp ứng khả năng đối thoại hai chiều phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh và tất cả các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.

b) Nâng cấp, mở rộng hệ thống thư điện tử

Giai đoạn 2011-2015, triển khai đến hầu hết cán bộ công chức cấp huyện và các sở, ban, ngành 80% cán bộ công chức cấp xã sử dụng thư điện tử trong công việc.

Giai đoạn 2015-2020, xây dựng giải pháp, triển khai mở rộng mô hình hệ thống thư điện tử, nâng cấp cấu hình và dung lượng hệ thống đảm bảo các yêu cầu về tốc độ đường truyền, tốc độ xử lý, an toàn thông tin, đảm bảo 100% cán bộ công chức từ cấp xã trở lên sử dụng hòm thư điện tử trong công việc.

c) Xây dựng hệ thống thông tin quản lý cán bộ

Đến năm 2015, triển khai hệ thống thông tin quản lý cán bộ cho 100% các s, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố.

Đến năm 2020, 100% hồ sơ quản lý cán bộ công chức các cấp được quản lý trên mạng với quy mô quốc gia.

d) Hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp

Giai đoạn 2011-2015: Tiếp tục triển khai phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc đến tất cả các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và khoảng 80% UBND cấp xã.

Giai đoạn 2015-2020: Nâng cấp và mở rộng phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc đến 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã.

e) Triển khai hệ thống chữ ký số và chứng thực chữ ký số

Triển khai sử dụng hệ thống chữ ký số và chứng thực chữ ký số cho tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 đạt tỷ lệ 50% và năm 2020 là 100%. Triển khai sử dụng hệ thống thông tin chữ ký số và chứng thực chữ ký số phục vụ cho hệ thống dịch vụ công mức 3 trong các giao dịch G2G, G2C, G2B, B2B, B2C, C2C.

f) Xây dựng hệ thống phần mềm một cửa và dịch vụ công

Triển khai phần mềm một cửa cho các sở, ban, ngành, UBND các cấp và dịch vụ công cung cấp trên cổng thông tin điện tử của tỉnh phục vụ cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Đến năm 2015: Đảm bảo cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 1, mức độ 2; từ 5% -10% dịch vụ công ở mức độ 3. Đến năm 2020: 30%-40% dịch vụ công được cung cấp ở mức độ 3; 5% -10% dịch vụ công được cung cấp trên mạng ở mức độ 4.

g) Hoàn thiện, nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh

Giai đoạn 2011-2020, tiếp tục hoàn thiện Cổng thông tin điện tử tỉnh và Website thành phần cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, đảm bảo cung cấp thông tin phục vụ kịp thời cho sự chỉ đạo, điều hành, công khai các hoạt động của các cơ quan nhà nước.

h) Triển khai các hệ thống thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

Các s, ban, ngành thực hiện một cách đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh các Hệ thống thông tin do các Bộ, cơ quan ngang Bộ triển khai.

3.3. Xây dựng các ứng dụng chuyên ngành

a) Xây dựng hệ thống phần mềm chuyên ngành

Đến năm 2015, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng phần mềm chuyên ngành phục vụ hoạt động quản lý và chuyên môn của đơn vị.

Đến năm 2020, triển khai mở rộng các phần mềm chuyên ngành đến UBND cấp xã. Đảm bảo hầu hết các hoạt động tác nghiệp chuyên ngành có phần mềm hỗ trợ và hệ thống cơ sở dữ liệu lưu trữ.

b) Tích hợp dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia

Tích hợp sử dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn có quy mô quốc gia: Các sở, ban, ngành cần phối hợp với các Bộ, Ngành chủ quản để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu có quy mô quốc gia. Đảm bảo các hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ về cấu trúc và an toàn về dữ liệu khi tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, Ngành thông qua môi trường mạng chuyên dùng của cơ quan Nhà nước.

Xây dựng giải pháp và cơ chế tích hợp, chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu thành phần, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sử dụng, ứng dụng của các đơn vị cơ quan Nhà nước trong tỉnh và các dịch vụ, hệ thống ứng khác phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Danh sách các cơ sở dữ liệu có quy mô quốc gia

TT

Tên Cơ sở dữ liệu

1

Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trên Internet

2

Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức

3

Cơ sở dữ liệu quốc gia kinh tế công nghiệp và thương mại

4

Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường

5

Cơ sở dữ liệu quốc gia về Biên giới lãnh thổ

6

Cơ sở dữ liệu quốc gia về các dự án đầu tư

7

Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp

8

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

9

Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính

3.4. Quy hoạch ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh và dịch vụ

Giai đoạn 2011-2020, đảm bảo 100% các doanh nghiệp lớn và 50% các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều tham gia thương mại điện tử. Trong đó tập trung phát triển sàn giao dịch việc làm do Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì; cung cấp các thông tin về việc làm cho doanh nghiệp và người lao động, các văn bản của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước về chính sách trợ giúp những đối tượng cần ưu đãi và trợ cấp; trao đổi trực tuyến về các vấn đề xã hội, việc làm giữa người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử do Sở Công thương chủ trì; cung cấp các thông tin hàng hóa, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ; nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích hoạt động giao dịch điện tử và cụ thể hoá hệ thống pháp lý trong giao dịch điện tử, thương mại điện tử, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động giao dịch thương mại điện tử; thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh cũng như các doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện xúc tiến thương mại.

3.5. Quy hoạch ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực đời sống xã hội

a) Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo

Thực hiện tốt chủ trương đưa Tin học vào giảng dạy và công tác quản lý giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và chương trình trọng điểm ứng dụng Công nghệ thông tin của tỉnh và ngành Giáo dục Đào tạo.

Đẩy mạnh việc ứng dụng và đào tạo công nghệ thông tin trong hệ thống giáo dục các cấp, trong đó chú trọng việc ứng dụng trong quản lý giáo dục; ứng dụng hỗ trợ công tác giảng dạy; ứng dụng phát triển mạng thông tin giáo dục nhằm tăng cường giao tiếp giữa gia đình, nhà trườngxã hội; nâng cao chất lượng và đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Đến năm 2015, 100% cơ sở Giáo dục kết nối Internet; 80% trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp có website riêng được liên kết, tích hợp với website của Sở Giáo dục và Đào tạo; 80% đơn vị giáo dục thực hiện tin học hóa công tác quản lý, điều hành, xây dựng nội dung thông tin số; 80% giáo viên được tập huấn, hướng dẫn soạn bài, trình chiếu bài giảng điện tử và giáo án trên máy tính; 5% đơn vị giáo dục triển khai hình thức giáo dục điện tử (e-Learning), tổ chức các khóa học trên mạng;

Đến năm 2020, 100% trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp có website riêng được liên kết, tích hợp với website của Sở Giáo dục và Đào tạo; hầu hết các trường Trung học cơ sở đều giảng dạy môn tin học và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy. 50% đơn vị giáo dục triển khai hoạt động giáo dục điện tử (e-Learning).

b) Ứng dụng trong Y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

Hình thành và phát triển Mạng thông tin y tế phục vụ nhu cầu tra cứu, cập nhật thông tin, trao đổi và nghiên cứu của nhân dân cũng như cán bộ ngành y tế. Nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng và khai thác công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ y tế.

Giai đoạn 2011-2015: Trang bị các phần mềm ứng dụng phục vụ cho công tác quản lý y tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiệp vụ chuyên khoa, hỗ trợ khám và điều trị tại hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện.

Xây dựng hệ thống thông tin hiện đại và phổ cập để người dân có thể nhận được những thông tin, những chỉ dẫn thiết thực về vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình.

Giai đoạn 2016- 2020, đảm bảo hầu hết bệnh viện tỉnh, trên 70% bệnh viện và trung tâm y tế huyện ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, điều hành, tác nghiệp, hỗ trợ khám và điều trị. Trên 70% cán bộ, y bác sỹ trong các bệnh viện tỉnh, trên 50% cán bộ, y bác sỹ trong các bệnh viện và trung tâm y tế huyện được đào tạo cơ bản về tin học.

c) Ứng dụng công nghệ thông tin tới người dân

Mở rộng phạm vi phổ cập về ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đưa công nghệ thông tin vào cuộc sống của nhân dân, phục vụ thiết thực nhu cầu của nhân dân.

Cung cấp thông tin nâng cao dân trí, cập nhật thông tin kịp thời cho nhân dân trong toàn tỉnh: thông tin nông nghiệp, y tế, thông tin khoa học công nghệ, thông tin văn hoá, thông tin thời sự. Kết hợp khai thác hiệu quả hệ thống thông tin được cung cấp tại các điểm Bưu điện văn hoá xã, điểm truy nhập Internet công cộng hệ thống truyền thanh phường, xã.

3.6. Quy hoạch nguồn nhân lực công nghệ thông tin

a) Đào tạo công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng, Nhà nước

Đào tạo phổ cập công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn tỉnh, nâng cao trình độ và kỹ năng ứng dụng, khai thác công nghệ thông tin.

Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng và khai thác các hệ thống thông tin tác nghiệp, các công cụ giao dịch trực tuyến, nghiệp vụ giao dịch thương mại điện tử cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách trong các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện.

Đào tạo đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan có trình độ chuyên sâu, nhằm đáp ứng tốt quá trình triển khai ứng dụng và khai thác công nghệ thông tin. Đào tạo nâng cao năng lực, công tác quản lý về công nghệ thông tin cho các lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO).

Đến 2020, 100% cán bộ, công chức tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã được đào tạo cơ bản về tin học, nghiệp vụ chung cho ứng dụng công nghệ thông tin. Trong các cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh có cán bộ được đào tạo chuyên về quản lý và điều hành các dự án công nghệ thông tin, 100% đơn vị có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, có ít nhất 01 cán bộ nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý.

b) Hỗ trợ đào tạo công nghệ thông tin trong các Doanh nghiệp

Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đủ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Người lao động có đủ kỹ năng sử dụng máy tính và các ứng dụng công nghệ thông tin cần thiết trong doanh nghiệp, có khả năng tham gia thương mại điện tử.

c) Đào tạo công nghệ thông tin cho các đối tượng xã hội

Đẩy mạnh tin học hoá xã hội, nâng cao nhận thức và hiểu biết về vai trò của công nghệ thông tin trong đời sống văn hoá, kinh tế xã hội, tăng đáng kể tỷ lệ người biết sử dụng và khai thác công nghệ thông tin trong toàn dân.

Đa số người dân đều có thể tiếp cận với máy tính, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Đặc biệt những người nông dân có thể khai thác các thông tin trên Internet để bổ sung thêm kiến thức phục vụ cho công việc chăn nuôi, canh tác của mình.

d) Nâng cấp hệ thống các trường, cơ sở giáo dục đào tạo công nghệ thông tin

Phát triển về quy mô, loại hình và chất lượng đào tạo công nghệ thông tin theo hướng xã hội hoá, chuyên nghiệp hoá và quốc tế hoá. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài.

Tiếp tục triển khai và nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung phù hợp các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo nhằm đào tạo đội ngũ chuyên viên có trình độ cao đáp ứng kịp thời nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của tỉnh; đồng thời tạo dựng cơ sở vững chắc cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh trong tương lai.

Nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin trong hệ thống giáo dục các cấp và các cơ sở đào tạo khác trên địa bàn tỉnh hiện nay nhằm theo kịp tốc độ phát triển của khoa học công nghệ thế giới.

Đưa tin học trở thành môn học chính trong chương trình đào tạo phổ thông, nâng cao chất lượng chuyên môn chuyên sâu công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên.

3.7. Quy hoạch phát triển công nghiệp công nghệ thông tin

Phát triển công nghiệp phần cứng: Thu hút các dự án kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển một số doanh nghiệp lắp ráp các sản phẩm viễn thông; các linh kiện, sản phẩm điện tử dân dụng; sản phẩm tin học mang thương hiệu Việt Nam tại Khu công nghiệp Nghi Sơn, Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp khác của tỉnh.

Công nghiệp phần mềm và nội dung số: Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực sản xuất phần mềm và nội dung số. Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Phát triển các doanh nghiệp phần mềm đang có trên địa bàn tỉnh, gia công các sản phẩm dịch vụ nội dung số cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

D. CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ DỰ ÁN ĐẦU TƯ

1. Các chương trình phát triển và dự án đầu tư

- Chương trình cung cấp dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

- Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

- Chương trình phát triển thông tin, truyền thông nông thôn giai đoạn 2011-2020.

- Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đưa Việt nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

- Các chương trình, dự án về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

2. Khái toán đầu tư phát triển Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin

- Tổng đầu tư cho bưu chính, viễn thông là: 1.526.989 triệu đồng; trong đó:

+ Đầu tư cho Bưu chính là 28.650 triệu đồng;

+ Đầu tư cho Viễn thông là 1.498.339 triệu đồng.

Sử dụng chủ yếu là nguồn vốn của doanh nghiệp và từ quỹ dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích.

- Đầu tư cho công nghệ thông tin là 532.840 triệu đồng; trong đó:

+ Ngân sách địa phương: 250.500 triệu đồng;

+ Hỗ trợ từ ngân sách Trung ương: 212.340 triệu đồng;

+ Nguồn vốn khác: 70.000 triệu đồng.

E. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp về nguồn vốn đầu tư

1.1. Bưu chính, Viễn thông

Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nguồn vốn xây dựng, phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ Bưu chính, Viễn thông theo quy hoạch của tỉnh, kế hoạch phát triển của từng giai đoạn và nhu cầu thị trường. Ngun vốn cho phát triển, nâng cấp mạng lưới Bưu chính, Viễn thông cơ bản do các doanh nghiệp đầu tư, một phần được hỗ trợ theo quy định từ quỹ Bưu chính công ích, quỹ Viễn thông công ích.

Khuyến khích các thành phần kinh tế, huy động các nguồn vốn đầu tư để xây dựng hạ tầng Viễn thông thụ động đảm bảo năng lực cho các doanh nghiệp Viễn thông thuê lại để phát triển mạng, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế để xây dựng các điểm phục vụ và bán lại dịch vụ Bưu chính, Viễn thông, Internet.

Phát huy tối đa nguồn vốn từ các quỹ Bưu chính công ích, Viễn thông công ích và các chương trình mục tiêu Quốc gia do các Bộ, Ngành Trung ương để triển khai, thực hiện đúng theo quy định trên địa bàn tỉnh.

Nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí, kết hợp với các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm tăng cường đưa thông tin về cơ sở, đặc biệt là khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa và khu vực nông thôn; đầu tư nâng cao năng lực phục vụ tại các điểm Bưu điện - Văn hoá xã.

1.2. Công nghệ thông tin

Đầu tư cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước chủ yếu sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách địa phương, một phần hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; ngân sách cấp tỉnh dành cho ứng dụng và phát triển CNTT để thực hiện các nhiệm vụ, dự án đầu tư tập trung và các nhiệm vụ thường xuyên cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh; ngân sách cấp huyện dành cho các nhiệm vụ chi ứng dụng CNTT cho các đơn vị cấp huyện theo kế hoạch.

Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư mạnh mẽ cho ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quản lý và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ưu tiên cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh tham gia các dự án công nghệ thông tin của tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, nâng cao trình độ, mở rộng quy mô và đi tắt đón đầu công nghệ.

Thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về huy động vốn nhàn rỗi của dân. Khuyến khích tư nhân trong và ngoài tỉnh, Việt kiều ở nước ngoài đầu tư dưới hình thức liên doanh, góp cổ phần hoặc đầu tư trực tiếp để phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

2. Giải pháp về hợp tác phát triển

Đối với cung ứng dịch vụ chuyển phát Bưu chính hợp tác với các doanh nghiệp vận chuyển hành khách đến các huyện trong địa bản tỉnh để vận chuyển thư, bưu phẩm bưu kiện… giảm tải số lượng xe cần bổ sung cho vận chuyển Bưu chính đồng thời giảm chi phí vận chuyển.

Hợp tác phát triển trong đầu tư phát triển hạ tầng Viễn thông thụ động, đặc biệt là hệ thống cống, bể, cột treo cáp, cột BTS tại các khu đô thị mới các tuyến đường mới; các doanh nghiệp có thể đầu tư xây dựng hạ tầng Viễn thông cho các doanh nghiệp Viễn Thông thuê lại.

Phối hợp giữa các đơn vị cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp trong phát triển hạ tầng và khai thác hạ tầng công nghệ thông tin như: đầu tư trang bị hạ tầng, dữ liệu, phần mềm hệ thống và đội ngũ bảo trì, sửa chữa nhằm tiết kiệm chi phí, dễ triển khai, bảo đảm chất lượng cho người sử dụng và phát triển hệ thống.

Hợp tác phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin: Phối hợp, liên kết đào tạo với các tổ chức đào tạo chuyên nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao, đào tạo các cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, các cán bộ lãnh đạo công nghệ thông tin.

3. Giải pháp về khoa học và công nghệ

3.1. Bưu chính, Viễn thông

Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng mạng lưới theo hướng ứng dụng các công nghệ mới (NGN, 3G, 4G, truy cập vô tuyến băng rộng…), cung cấp nhiều giải pháp xây dựng hạ tầng hiệu quả và nhanh chóng.

3.2. Công nghệ thông tin

Triển khai tốt các TCVN, TCN trong lĩnh vực CNTT; lựa chọn, hướng dẫn chuyển giao, quản lý công nghệ; xu hướng phát triển và cải tiến công nghệ; các tiêu chuẩn, quy định xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống lưu trữ dữ liệu, phần mềm ứng dụng dùng chung phù hợp với các định hướng phát triển của quốc gia và đồng bộ về công nghệ.

Ưu tiên và khuyến khích thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông ứng dụng vào thực tiễn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ưu tiên đầu tư cho các dự án nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ về phần mềm; đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở; đầu tư nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm phần mềm nguồn mở có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, đáp ứng được nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh. Gắn nghiên cứu - sản xuất - kinh doanh các sản phẩm công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

4. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

4.1. Bưu chính, Viễn thông

Tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về Bưu chính, Viễn thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện; hàng năm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Bưu chính Viễn thông.

Có cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực phục vụ tại các điểm Bưu điện văn hóa xã nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng, khai thác và hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ thông tin và truyền thông trên mạng Internet và trên các hệ thống thông tin khác.

Các doanh nghiệp kinh doanh Bưu chính, Viễn thông chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực phù hợp với thị trường cạnh tranh, đảm bảo phát triển doanh nghiệp trong môi trường hội nhập phát triển của ngành và địa phương.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Bưu chính, Viễn thông cho các tổ chức, cán bộ công nhân viên của các doanh nghiệp, các cá nhân tham gia hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông.

4.2. Công nghệ thông tin

Quy hoạch, nâng cấp các trường, các trung tâm đào tạo công nghệ thông tin vừa đáp ứng phổ cập và vừa đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu và hướng tới hợp tác đào tạo chuyên gia.

Hàng năm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập thường xuyên cho cán bộ công chức, cán bộ lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO) trong toàn tỉnh về kiến thức và kỹ năng quản lý, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Tăng cường xã hội hóa công tác phổ cập tin học cho toàn xã hội: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin dưới nhiều hình thức.

Xây dựng và thực hiện các chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao ở trong và ngoài nước về tham gia phát triển công nghệ thông tin tỉnh; các chính sách đào tạo cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin.

5. Giải pháp về cơ chế, chính sách và quản lý.

5.1. Bưu chính, Viễn thông

Có cơ chế, chính sách hỗ trợ thu nhập cho lao động tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã từ các nguồn vốn hợp pháp.

Tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, các thủ tục giấy tờ trong quyền hạn của tỉnh để thu hút các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước tham gia xây dựng và cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.

Ban hành các cơ chế ưu đãi, điều kiện hỗ trợ đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông cho các cơ quan Đảng, Nhà nước tại địa phươngnhững khu vực có mật độ người sử dụng thấp.

Ban hành các quy định, quy chế về chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng Viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp nhằm khai thác hiệu quả hạ tầng viễn thông, bảo đảm yêu cầu về cảnh quan, môi trường và quy hoạch đô thị.

5.2. Công nghệ thông tin

Ban hành các quy định trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo các quy trình tác nghiệp được thực hiện hiệu quả, đồng thời tạo ra nề nếp làm việc và thói quen sử dụng máy tính trong công việc của cán bộ công chức.

Khuyến khích các đơn vị sử dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giao dịch với cơ quan Nhà nước, sử dụng các dịch vụ hành chính công được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành và UBND các cấp.

Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển cho khối doanh nghiệp khi xây dựng sàn giao dịch điện tử B2B và B2C cung cấp các dịch vụ mua bán, thanh toán, quảng bá thương hiệu, tự động hoá quy trình sản xuất, khai báo thuế, báo cáo thống kê trên môi trường mạng

Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong tỉnh, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghệ thông tin. Khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ thông tin; chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Khuyến khích và hỗ trợ người dân lao động nông nghiệp, người dân ở vùng nông thôn và vùng nghèo biết và sử dụng công nghệ thông tin nhằm từng bước đưa công nghệ thông tin thâm nhập vào đời sống của nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. SThông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung sau:

a) Tổ chức công bố, phổ biến rộng rãi Quy hoạch “Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020” cho đến các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.

b) Theo dõi, xây dựng quy hoạch chi tiết, các chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án và tổ chức thực hiện quy hoạch.

c) Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

d) Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin thực hiện xây dựng hạ tầng mạng lưới và cung cấp dịch vụ Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh theo đúng quy hoạch.

e) Chủ động đấu mối với Bộ Thông tin & Truyền thông và các Bộ, Ngành liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các chương trình, đề án của Chính phủ, ngành Thông tin và Truyền thông trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành liên quan căn cứ nội dung quy hoạch này và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh về các nguồn lực đảm bảo việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

3. Sở Tài chính bố trí và đảm bảo kinh phí cho các chương trình, dự án bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin theo kế hoạch được duyệt.

4. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan xây dựng các kế hoạch, cơ chế chính sách, đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin cho các ngành, các cấp trong tỉnh.

5. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh UBND cấp huyện căn cứ nội dung quy hoạch này, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch của đơn vị về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin theo thời kỳ, giai đoạn.

6. Các doanh nghiệp, hiệp hội Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin: Chấp hành nghiêm túc các qui định của nhà nước và tại Quy hoạch này trong việc triển khai xây dựng hạ tầng, cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

Các hiệp hội tăng cường các hoạt động của mình nhằm phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh phát triển bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin theo quy hoạch, kế hoạch của tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các s, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin hoạt động trên địa bàn tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- Văn phòng Chính phủ (để B
C);
- Bộ
Thông tin và Truyền thông (để BC);
- Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT (để B
C);
- TTr Tỉnh uỷ; TTr HĐND tỉnh
(để BC);
- Chủ tịch
, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các doanh nghiệp BCVT&CNTT;
- Công báo tỉnh và Công TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, CNTT
(2).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hồi

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 3607/QĐ-UBND ngày 01/11/2011 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.712

DMCA.com Protection Status
IP: 3.131.13.24
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!