ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 23/2014/QĐ-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 03 tháng 07 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY TRÌNH TIẾP NHẬN VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN PHỤC VỤ CÔNG TÁC CỨU NẠN, CỨU HỘ VÀ
NHẮN TIN CẢNH BÁO THIÊN TAI QUA MẠNG THÔNG TIN DI ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm
2009;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19
tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6
tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Viễn thông;
Căn cứ Quyết định số 264/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính
phủ về việc ban hành Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần;
Căn cứ Quyết định số 17/2011/QĐ-TTg ngày 14
tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế báo áp thấp nhiệt
đới, bão, lũ;
Căn cứ Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15
tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ
của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg ngày 20
tháng 1 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm,
cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển;
Căn cứ Thông tư số 35/2011/TT-BTNMT ngày 31
tháng 8 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thực hiện
Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;
Căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BTTTT ngày 5 tháng 11 năm 2012 của Bộ Thông tin và
Truyền thông về quy định việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ
công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Thông tư số 65/2013/TT-BCA ngày 26 tháng
11 năm 2013 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Quyết
định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy
định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Quyết định số 81/2010/QĐ-UBND ngày 8 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế hoạt
động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 59/2011/QĐ-UBND ngày 21
tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố
ban hành Quy định về công tác phòng,
chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và
Truyền thông tại Tờ trình số 12/TTr-STTTT ngày 18 tháng 6 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ
công tác cứu nạn, cứu hộ và nhắn tin cảnh báo thiên tai qua mạng thông tin di
động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố,
Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Giám đốc
Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Công an Thành
phố, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các sở - ngành Thành
phố, các doanh nghiệp thông tin di động trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Cục Kiểm tra Văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân TP;
- TTUB; CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
- Các đoàn thể thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- Các Ban Thành ủy;
- Các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố;
- Sở Nội vụ; Sở Tư pháp;
- Các Báo, Đài (để đưa thông tin và truyền thông);
- VPUB: các PVP; Các Phòng CV, TTCB;
- Lưu: VT, (CNN-V) MH 160.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Mạnh Hà
|
QUY TRÌNH
TIẾP
NHẬN VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN PHỤC VỤ CÔNG TÁC CỨU NẠN, CỨU HỘ VÀ NHẮN TIN CẢNH BÁO
THIÊN TAI QUA MẠNG THÔNG TIN DI ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND
ngày 03 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân
dân thành phố)
Chương I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi và
đối tượng điều chỉnh
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy trình này quy định cơ chế tiếp nhận và xử
lý thông tin phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ và nhắn tin cảnh báo thiên tai
qua mạng thông tin di động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh của tổng đài điện
thoại Công an thành phố (113), Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (114), Sở Y
tế (115), Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành
phố và các đơn vị thông tin di động.
2. Đối tượng điều chỉnh
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
đến công tác tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ và
nhắn tin cảnh báo thiên tai qua mạng thông tin di động trên địa bàn Thành phố
Hồ Chí Minh.
Điều 2. Hình thức lưu
trữ thông tin
1. Thông tin cuộc thoại
Nội dung thông tin các cuộc gọi điện thoại
phải được ghi nhận, lưu vào hệ thống tổng đài, sổ trực của các đơn vị chuyển
tin và nhận tin khi thực hiện Quy trình
này, bao gồm:
a) Số điện thoại, tên của người yêu cầu cứu
nạn cứu hộ.
b) Thời gian bắt đầu và kết thúc cuộc gọi.
c) Nội dung cuộc thoại.
d) Số tổng đài điện thoại được chuyển tiếp đến
(khi thực hiện chuyển tiếp thông tin cho tổng đài khác).
2. Thông tin văn bản, fax, tin nhắn SMS, thư
điện tử (email)
Nội dung thông tin chuyển tiếp, tiếp nhận xử
lý bằng văn bản, fax, tin nhắn SMS, email của các đơn vị khi thực hiện Quy
trình này phải được ghi nhận, lưu vào hệ thống máy tính, tập hồ sơ và thể hiện
các nội dung sau:
a) Số văn bản đến, thời gian nhận được văn
bản.
b) Văn bản fax, thời gian nhận được fax.
c) Nội dung tin nhắn SMS, thời gian thực hiện
gửi và nhận tin nhắn SMS.
d) Nội dung email, thời gian thực hiện gửi và
nhận email.
3. Thông tin liên hệ các đơn vị có liên quan
a) Việc tiếp nhận và phản hồi giữa các đơn vị
được thực hiện thông qua địa chỉ, số điện thoại cố định, số điện thoại di động,
số fax, địa chỉ thư điện tử do các đơn vị liên quan cung cấp.
b) Sở Thông tin và Truyền thông có trách
nhiệm thống kê, cập nhật, bổ sung danh sách thông tin liên hệ các đơn vị có
liên quan hàng năm hoặc khi các đơn vị có thay đổi thông tin liên hệ để thông
báo cho các đơn vị liên quan biết phối hợp
triển khai theo Quy trình.
Chương II
TIẾP
NHẬN VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN CỨU NẠN, CỨU HỘ
Điều 3. Tiếp nhận,
lưu và xử lý thông tin
1. Tiếp nhận và phân tích thông tin
Khi có thông tin do cá nhân, đơn vị gọi đến
tổng đài điện thoại 113, 114, 115 hoặc Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt
bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố thì các đơn vị thực hiện các nội dung sau:
a) Ghi nhận và phân tích thông tin được cung
cấp.
b) Trường hợp nội dung cuộc gọi phù hợp với chức năng thực hiện của từng đơn vị thì
tiến hành thực hiện theo quy trình xử lý nội bộ của đơn vị.
c) Trường hợp nội dung cuộc gọi thuộc chức
năng xử lý của đơn vị khác thì nhân viên trực tổng đài tiến hành chuyển tiếp
thông tin cuộc gọi đến đơn vị có trách nhiệm xử lý lĩnh vực chuyên ngành, cụ thể:
Tổng đài điện thoại 113: an ninh trật tự.
Tổng đài điện thoại 114: cứu nạn cứu hộ,
phòng cháy chữa cháy.
Tổng đài điện thoại 115: lĩnh vực cấp cứu y
tế.
2. Lưu thông tin tiếp nhận
Nội dung các cuộc gọi và thông tin chuyển
tiếp được lưu trữ theo quy định tại Điều 2 Quy trình này.
3. Phân loại chuyển tiếp thông tin cứu nạn
cứu hộ
Trong trường hợp nội dung cuộc gọi yêu cầu
cứu nạn cứu hộ thì nhân viên trực tổng đài tiến hành chuyển tiếp thông tin cuộc
gọi đến Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy theo tổng đài điện thoại 114.
Điều 4. Chuyển tiếp
thông tin cuộc gọi yêu cầu cứu nạn cứu hộ
Tùy theo điều kiện trang
thiết bị hạ tầng kỹ thuật tại từng đơn vị mà nhân viên trực tổng đài thực hiện
một trong hai phương án chuyển tiếp thông tin yêu cầu cứu nạn cứu hộ như sau:
1. Phương án A: Chuyển tiếp thông tin trong
trường hợp chưa đảm bảo kết nối liên thông các tổng đài điện thoại.
Trong trường
hợp tổng đài điện thoại của đơn vị chưa đảm bảo kết nối trực tiếp với tổng
đài điện thoại của đơn vị khác thì nhân viên trực tổng đài thực hiện việc
chuyển tiếp thông tin như sau:
a) Hình thức cung cấp thông tin
Sử dụng tổng
đài điện thoại của đơn vị để gọi điện thoại chuyển tin trực tiếp cho Sở Cảnh
sát phòng cháy và chữa cháy theo tổng đài điện thoại 114.
Sử dụng fax để chuyển tiếp thông tin yêu cầu
cứu nạn cứu hộ cho Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
b) Nội dung thông tin chuyển tiếp (theo Phụ
lục 1)
Số thuê bao điện thoại, tên của người có yêu
cầu cứu nạn cứu hộ.
Thời gian nhận cuộc gọi yêu cầu cứu nạn cứu
hộ.
Cung cấp đầy đủ lại nội dung do người yêu cầu
cứu nạn cứu hộ cung cấp.
2. Phương án B: Chuyển tiếp thông tin trong
trường hợp đảm bảo kết nối liên thông các tổng đài điện thoại
Nhân viên trực tổng đài thực hiện các thao
tác (trên điện thoại/máy tính) tiến hành chuyển tiếp thông tin cuộc gọi yêu cầu
cứu nạn cứu hộ đến Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy theo tổng đài điện thoại
114.
3. Lưu trữ thông tin
Nội dung thông tin thực hiện chuyển tiếp theo
phương án A hoặc phương án B đều phải được lưu trữ theo quy định tại Điều 2 Quy
trình này.
Điều 5. Xử lý thông
tin và triển khai thực hiện cứu nạn cứu hộ
Khi nhận được thông tin yêu cầu cứu nạn cứu
hộ từ hệ thống tổng đài điện thoại 114, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tiếp
nhận và phân tích xử lý thông tin được cung cấp để triển khai lực lượng theo
quy trình cứu nạn, cứu hộ; đồng thời báo cáo kịp thời, chính xác tình hình cho
Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và các
cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ. Nội dung thông tin
chuyển tiếp được lưu trữ theo quy định tại Điều 2 Quy trình này.
Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và
Tìm kiếm cứu nạn thành phố căn cứ theo các quy định thực hiện chuyển tin để tổ
chức, điều hành, chỉ huy cho các tổ chức lực lượng cứu nạn, cứu hộ và các cá
nhân có trách nhiệm qua thiết bị fax, điện thoại, tin nhắn. Các tổ chức, cá
nhân khi nhận được thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và
Tìm kiếm cứu nạn thành phố có trách nhiệm phải phản hồi thông tin. Tất cả các
thông tin fax, điện thoại, tin nhắn gửi đi và thông tin phản hồi của các đơn vị
phải được ghi nhận, sao lưu vào hệ thống
của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố
theo quy định tại Điều 2 Quy trình này.
Trong quá trình
xử lý các sự cố tai nạn, cứu nạn, cứu hộ cần định vị thuê bao di động bị nạn
thì Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở
Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo các bước tại Chương III của Quy
trình này.
Trong trường hợp sự cố, tai nạn vượt quá khả
năng xử lý (sự cố lớn, thảm họa, khu vực vùng biển xa bờ,..), Sở Cảnh sát phòng
cháy và chữa cháy khẩn trương báo cáo Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt
bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố để tổ chức điều hành, chỉ huy các lực lượng
cứu nạn, cứu hộ triển khai phương án ứng
phó theo quy định.
Điều 6. Báo cáo và
kết thúc xử lý
Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ cứu nạn cứu
hộ, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy gửi báo cáo bằng fax, điện thoại, tin
nhắn SMS đến Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn
thành phố; sau đó gửi báo cáo chính thức bằng văn bản.
Chương III
PHƯƠNG
ÁN ĐỊNH VỊ THUÊ BAO DI ĐỘNG PHỤC VỤ CÔNG TÁC CỨU NẠN, CỨU HỘ
Điều 7. Xác định các
trường hợp cần cung cấp thông tin định vị thuê bao di động
Khi nhận được thông tin cứu nạn cứu hộ,
Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở
Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phân tích thông tin yêu cầu cứu nạn, cứu hộ để
ra quyết định cần định vị thuê bao di động phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ.
Điều 8. Thường trực
Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở
Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cung cấp cho doanh nghiệp thông tin di động
1. Nội dung thông tin (theo Phụ lục 5)
Số thuê bao di động cần được định vị.
Cung cấp các thông tin khác về thuê bao di
động (như giới hạn vị trí địa lý: vùng biển gần bờ, vùng cửa biển, sông
lớn...).
2. Các hình thức cung cấp thông tin:
Thường trực Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống
lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố hoặc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy
chuyển tiếp thông tin số thuê bao di động cần định vị cho các doanh nghiệp
thông tin di động bằng:
a) Điện thoại thông báo.
b) Tin nhắn SMS.
c) Fax công văn hỏa tốc (bắt buộc).
d) Gửi công văn hỏa tốc (bắt buộc - có thể
gửi sau khi đã thực hiện định vị thuê bao).
Điều 9. Doanh nghiệp
thông tin di động thực hiện định vị thuê bao
Sau 5 phút kể từ khi nhận được thông tin,
doanh nghiệp thông tin di động phải điện thoại, tin nhắn SMS, fax (bắt buộc),
thư điện tử, công văn hỏa tốc thông báo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt
bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố hoặc Sở
Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy biết đã nhận được thông tin (theo Phụ lục 6)
và khẩn trương thực hiện yêu cầu định vị thuê bao.
Điều 10. Doanh nghiệp
thông tin di động báo cáo về thông tin định vị
Sau 15 phút kể từ khi nhận được thông tin,
doanh nghiệp thông tin di động phải cung cấp cho Văn phòng Ban chỉ huy Phòng
chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố hoặc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa
cháy thông tin định vị thuê bao.
Đối với trường hợp không thể định vị thuê bao
di động đã được yêu cầu, các doanh nghiệp thông tin di động cũng báo cáo Văn
phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy
biết để kịp thời xử lý.
1. Thông tin định, vị thuê bao di động (theo
Phụ lục 7)
a) Số thuê bao.
b) Thời gian nhận tin.
c) Thông tin khu vực cell phục vụ thuê bao:
tọa độ, vị trí, địa chỉ, bán kính phủ của trạm BTS đang quản lý thuê bao di
động cần định vị.
d) Thời gian thực hiện định vị.
e) Thông tin khác (họ tên, tuổi, địa chỉ, số
điện thoại nhà...).
g) Cung cấp thêm các nội dung khác khi Văn
phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố hoặc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa
cháy yêu cầu (tọa độ vị trí thông tin tại các thời
điểm sau đó...).
2. Hình thức báo cáo
a) Điện thoại thông báo.
b) Tin nhắn SMS.
c) Fax công văn hỏa tốc (bắt buộc).
d) Email cung cấp thông tin.
e) Công văn hỏa tốc (bắt buộc - có thể gửi
sau khi đã gửi trực tiếp thông tin định vị thuê bao).
3. Các đơn vị phải đảm bảo sử dụng và lưu trữ
thông tin thuê bao di động phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ theo quy định của
pháp luật.
Điều 11. Thời điểm kết thúc cung cấp định vị thông tin
thuê bao di động
Các doanh nghiệp thông tin di động hoàn thành
nhiệm vụ sau khi cung cấp thông tin định vị thuê bao di động cho Văn phòng Ban
chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố hoặc Sở Cảnh sát
phòng cháy và chữa cháy như quy định tại Điều 10 cho đến khi hết yêu cầu.
Chương IV
NHẮN TIN
CẢNH BÁO THIÊN TAI QUA MẠNG THÔNG TIN DI ĐỘNG
Điều 12. Xác định
phát tin cảnh báo thiên tai
1. Các trường hợp phát tin cảnh báo thiên tai
Khi có thông tin dự báo thiên tai xảy ra,
Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố quyết
định phát tin cảnh báo thiên tai và giao Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt
bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố biên tập chuyển nội dung thông tin cảnh báo
thiên tai cho các doanh nghiệp thông tin di động khẩn trương tổ chức nhắn tin
đến các thuê bao di động đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
2. Các trường hợp thực hiện nhắn tin cảnh báo
a) Bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp
đến Thành phố Hồ Chí Minh.
b) Động đất ảnh hưởng trực tiếp đến Thành phố
Hồ Chí Minh,
c) Sóng thần có khả năng ảnh hưởng trực tiếp
đến Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Đối tượng nhận được tin nhắn cảnh báo
Các thuê bao di động đang hoạt động trên địa
bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 13. Văn phòng
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố chuyển tin cho
các doanh nghiệp thông tin di động
1. Nội dung tin nhắn khẩn cấp (theo Phụ lục
8)
a) Hình thức định danh tin nhắn: “PCTT
TP.HCM” (Phòng chống thiên tai Thành phố Hồ Chí Minh).
b) Bão/ áp thấp nhiệt đới dự kiến sắp đổ bộ
Thành phố Hồ Chí Minh: “Bão số .../Áp thấp nhiệt đới đang cách TP.HCM khoảng
...km, sẽ vào TP trong... giờ tới. Mọi người theo dõi để phòng tránh! The storm
No. .../Tropical depression will hit HCMC within the next.. hrs!”.
c) Động đất đang ảnh hưởng trực tiếp đến
Thành phố Hồ Chí Minh: “Động đất đang ảnh hưởng đến TP.HCM. Mọi người khẩn
trương theo dõi, phòng tránh! Earthquake is going to affect HCMC. Be
attention!”.
d) Sóng thần dự kiến ảnh hưởng trực tiếp đến
Thành phố Hồ Chí Minh: “Sóng thần sẽ ảnh hưởng Cần Giờ và Nhà Bè trong... giờ
tới. Mọi người khẩn trương phòng tránh! Tsunami will affect Cangio and Nhabe
dist. within the next... hrs!”.
2. Hình thức chuyển tin
Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm
kiếm cứu nạn thành phố chuyển tin (theo thứ tự ưu tiên) cho các doanh nghiệp
thông tin di động bằng các phương tiện sau:
a) Fax công văn hỏa tốc (bắt buộc).
b) Tin nhắn SMS.
c) Điện thoại thông báo.
d) Gửi công văn hỏa tốc.
Điều 14. Phát tin
cảnh báo
Sau 10 phút kể từ khi nhận được thông tin,
các doanh nghiệp thông tin di động phải gửi fax (bắt buộc), điện thoại, tin
nhắn SMS thông báo cho Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm
cứu nạn thành phố biết đã nhận được thông tin và đang triển khai thực hiện
(theo Phụ lục 9).
Sau thời gian 3 giờ đồng hồ kể từ khi nhận được
thông tin yêu cầu nhắn tin cảnh báo thiên tai, các doanh nghiệp thông tin di
động phải khẩn trương chuyển đúng nội dung tin nhắn do Văn phòng Ban chỉ huy
Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cung cấp đến các thuê bao di
động trong thời gian sớm nhất.
Trường hợp các doanh nghiệp thông tin di động
chưa thực hiện xong việc nhắn tin cho các thuê bao di động trong vòng 3 giờ
đồng hồ kể từ khi nhận được thông tin yêu
cầu nhắn tin cảnh báo thiên tai thì phải báo cáo về Văn phòng Ban chỉ huy Phòng
chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố. Đồng thời, các doanh nghiệp thông
tin di động tiếp tục nhắn tin cảnh báo cho các thuê bao di động để đảm bảo
trong thời gian 5 giờ đồng hồ kể từ khi nhận được thông tin yêu cầu từ Văn
phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố thực hiện
hoàn thành việc nhắn tin cảnh báo thiên tai cho tất cả các thuê bao di động
đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Các doanh nghiệp thông tin di động kịp thời
điều chỉnh, cập nhật thông tin cảnh báo khi nhận được tin mới theo yêu cầu của
Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.
Hình thức nhắn tin cảnh báo cho các thuê bao
di động tùy thuộc vào điều kiện kỹ thuật
của các doanh nghiệp thông tin di động.
Điều 15. Kết thúc,
cập nhật thông tin thiên tai
Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ cảnh báo
thiên tai, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành
phố có thông báo cho các doanh nghiệp thông tin di động biết để dừng việc nhắn
tin cảnh báo (theo Phụ lục 8).
Các doanh nghiệp thông tin di động có trách
nhiệm tổng hợp số liệu, báo cáo nhanh về
Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và Sở
Thông tin và Truyền thông (theo Phụ lục 10).
Chương V
TRÁCH
NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ
Điều 16. Sở Cảnh sát
phòng cháy và chữa cháy
Quản lý và đảm bảo cho hệ thống thông tin
tổng đài điện thoại 114 được vận hành thông suốt, ổn định theo quy trình.
Chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị,
xã hội, báo, đài thực hiện tuyên truyền sử dụng tổng đài điện thoại 114 để tiếp
nhận thông tin cứu nạn, cứu hộ.
Phối hợp với Sở Cảnh sát
phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành kề cận Thành phố thực hiện quy chế phối
hợp, phương án cứu nạn, cứu hộ trên vùng biển gần bờ, cửa biển tiếp giáp khi
tiếp nhận thông tin cứu nạn, cứu hộ.
Điều 17. Văn phòng
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố
Đảm bảo công tác phối hợp, xử lý, chuyển tiếp
thông tin cứu nạn cứu hộ giữa Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và
Tìm kiếm cứu nạn thành phố với Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và các cơ
quan, đơn vị có liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ theo quy định.
Tham mưu cho Lãnh đạo Ban chỉ huy Phòng chống
lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố chủ trì, điều hành các lực lượng làm
nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ kịp thời, hiệu quả và an toàn ngay khi nhận được tin
báo.
Phối hợp với các sở - ngành thành phố, quận -
huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tổng đài điện thoại cứu nạn,
cứu hộ 114 bằng nhiều hình thức và lồng ghép vào chương trình nâng cao nhận thức
cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hàng năm.
Điều 18. Sở Thông tin
và Truyền thông
Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát xây
dựng, nâng cấp, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật kết nối các tổng đài 113, 114, 115
phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ trên địa bàn thành phố.
Tổ chức kiểm tra, giám sát và đôn đốc các
doanh nghiệp thông tin di động và các đơn vị có liên quan thực hiện Quy trình
này.
Phối hợp các cơ quan báo đài
thực hiện tuyên truyền rộng phương án thực hiện nhắn tin cảnh báo thiên tai qua
thuê bao di động đến nhân dân trên địa bàn thành phố.
Kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải pháp xử lý khó
khăn vướng mắc của các đơn vị trong quá
trình triển khai thực hiện.
Điều 19. Công an
Thành phố
Kiểm tra, giám sát các đơn vị, cá nhân quản
lý và vận hành hệ thống thông tin tại đơn vị thực hiện theo đúng Quy trình này.
Điều 20. Sở Y tế
Kiểm tra, giám sát các đơn vị, cá nhân quản
lý và vận hành hệ thống thông tin tại đơn vị thực hiện theo đúng Quy trình này.
Điều 21. Các doanh
nghiệp thông tin di động
Thực hiện nghiêm, đúng quy trình về định vị
thuê bao di động phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ theo Quy trình này.
Thực hiện nhắn tin thông báo, tuyên truyền
cho người sử dụng các thuê bao di động về chủ trương, phương án nhắn tin cảnh
báo thiên tai qua thuê bao di động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Xây dựng quy trình nội bộ; bố trí nhân sự,
phương tiện kỹ thuật để đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận, xử lý nhắn tin cảnh báo
thiên tai theo Quy trình này.
Chương VI
TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Điều 22. Giao Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm
cứu nạn thành phố, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, Công an thành phố, Sở Y
tế, Sở Thông tin và Truyền thông, các sở - ngành chức năng, các đơn vị thông
tin di động trên địa bàn thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quy trình này.
Điều 23. Trong quá trình áp dụng Quy trình này, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ xem xét quyết định
điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với
từng giai đoạn và tình hình thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ của thành phố
trên cơ sở kiến nghị của Sở Thông tin và Truyền thông và các sở - ngành có liên
quan./.