THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
22/2011/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 04 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM THỦ TỤC BIÊN PHÒNG ĐIỆN TỬ CẢNG
BIỂN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về quản
lý cảng biển và luồng hàng hải;
Căn cứ Nghị định số 50/2008/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về quản
lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quyết định
này quy định việc áp dụng thí điểm thủ tục biên phòng điện tử tại các cảng biển
do các đơn vị Biên phòng cửa khẩu cảng quy định tại Điều 3 của Quyết định này
quản lý.
2. Quyết định
này áp dụng đối với các đơn vị Biên phòng cửa khẩu cảng tại các cảng biển quy định
tại Điều 3 của Quyết định này và tàu, thuyền Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh;
tàu, thuyền, thuyền viên nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng
tại các cảng biển đó.
Quyết định này
không áp dụng đối với tàu, thuyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được
hưởng quyền ưu đãi, miền trừ theo quy định của pháp luật; tàu biển chạy bằng
năng lượng nguyên tử của nước ngoài; tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tàu cá Việt Nam.
Điều
2. Nguyên tắc thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển
1. Thủ tục biên
phòng điện tử cảng biển phải đảm bảo sự bình đẳng, an toàn và tuân thủ các quy
định của pháp luật trong giao dịch điện tử; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của
cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
2. Thủ tục biên
phòng điện tử cảng biển phải đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, thuận
tiện; trình tự thủ tục, hồ sơ biên phòng điện tử phải tuân thủ các quy định của
pháp luật Việt Nam về xuất nhập cảnh. Trường hợp điều ước quốc tế có liên quan
mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên quy định khác thì thực
hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.
3. Biên phòng cửa
khẩu cảng thực hiện và hoàn thành thủ tục biên phòng trên cơ sở hồ sơ điện tử
(các bản khai điện tử quy định tại Khoản 4 Điều 4 Quyết định này) do người làm
thủ tục khai báo.
Trên cơ sở kết
quả phân tích thông tin từ cơ sở dữ liệu của Biên phòng cửa khẩu cảng và các
nguồn thông tin khác, Biên phòng cửa khẩu cảng xác báo hoàn thành thủ tục biên
phòng; từ chối nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng; thực hiện kiểm tra
trực tiếp tại tàu, thuyền khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thông tin khai báo
về tàu, thuyền, thuyền viên không đầy đủ, không chính xác.
Điều
3. Các đơn vị Biên phòng cửa khẩu cảng được phép thực hiện thí điểm thủ tục
biên phòng điện tử cảng biển
Cho phép Bộ Quốc
phòng triển khai thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển tại 07
đơn vị Biên phòng cửa khẩu cảng sau đây:
1. Ban Chỉ huy
Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố
Hải Phòng – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
2. Ban Chỉ huy
Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố
Đà Nẵng – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
3. Ban Chỉ huy
Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Tàu thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa
- Vũng Tàu – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
4. Ban Chỉ huy
Biên phòng cửa khẩu cảng Sài Gòn thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hồ
Chí Minh – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
5. Đồn Biên
phòng cửa khẩu cảng Hòn Gai thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh
– Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
6. Đồn Biên phòng
cửa khẩu cảng Quy Nhơn thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định – Bộ
Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
7. Đồn Biên
phòng cửa khẩu cảng Nha Trang thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa
– Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Điều
4. Nội dung thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển
1. Các đơn vị
Biên phòng cửa khẩu cảng thuộc Bộ đội Biên phòng – Bộ Quốc phòng; các chủ tàu,
người quản lý tàu, người khai thác tàu hoặc người được ủy quyền… (sau đây gọi
chung là người làm thủ tục) Việt Nam và nước ngoài làm thủ tục nhập cảnh, xuất
cảnh, quá cảnh, chuyển cảng cho người, tàu, thuyền quy định tại Điều 3 của Quyết
định này, sử dụng mạng internet để khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và xác
báo hoàn thành thủ tục biên phòng cho người, tàu, thuyền quy định tại Điều này.
2. Thủ tục biên
phòng điện tử cảng biển thực hiện theo nội dung đăng tải trên cổng thông tin điện
tử của Chính phủ hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành, cơ quan thực
hiện thủ tục hành chính.
3. Địa điểm tiếp
nhận khai báo và xác nhận hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử được thực hiện
tại trụ sở Biên phòng cửa khẩu cảng theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định
số 50/2008/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an
ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển.
4. Khuôn dạng
chuẩn các biểu mẫu (bản khai điện tử) của hồ sơ biên phòng điện tử do Bộ Quốc
phòng quy định, bao gồm: bản khai chung; danh sách thuyền viên; danh sách hành
khách (nếu có); bản khai hàng hóa nguy hiểm, vũ khí, vật liệu nổ (nếu có); bản
khai người trốn trên tàu (nếu có).
Nội dung biểu mẫu
các bản khai điện tử phải thống nhất với nội dung biểu mẫu các bản khai giấy
theo quy định hiện hành.
Thông tin khai
báo trong hồ sơ biên phòng điện tử có giá trị như thông tin khai báo trong hồ
sơ giấy.
5. Tàu, thuyền
nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng đến được xác báo đã hoàn thành thủ tục biên
phòng và thủ tục của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại cửa khẩu
cảng được phép thực hiện xếp, dỡ hàng hóa và các hoạt động khác theo chương trình,
kế hoạch; thuyền viên thuộc tàu, thuyền đó được phép đi bờ ngay sau khi tàu,
thuyền neo đậu an toàn tại cầu cảng hoặc các vị trí khác trong vùng nước cảng.
6. Tàu, thuyền
xuất cảnh, chuyển cảng đi sau khi được xác báo hoàn thành thủ tục biên phòng, mà
có sự thay đổi về thuyền bộ hoặc vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam phải
xử lý thì phải làm lại thủ tục biên phòng. Tàu, thuyền chỉ được phép rời cảng
khi mọi vấn đề liên quan đến con tàu, thuyền viên, hành khách, hàng hóa đã được
xử lý, giải quyết xong.
7. Sau khi hoàn
thành thủ tục biên phòng điện tử, người làm thủ tục phải nộp hồ sơ giấy (các bản
khai giấy quy định tại Điều 8 Nghị định số 50/2008/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm
2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển).
Các hành vi vi phạm về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng; khai báo
không đầy đủ, không chính xác bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều
5. Thời hạn thủ tục biên phòng điện tử cảng biển
1. Chậm nhất 08
giờ trước khi tàu, thuyền dự kiến đến cảng và 02 giờ trước khi tàu, thuyền dự
kiến rời cảng, các thông tin liên quan đến tàu, thuyền, thuyền viên nhập cảnh,
xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng; hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh, chuyển
cảng tại cửa khẩu cảng biển phải được người làm thủ tục khai báo theo mẫu biểu
quy định trong hồ sơ thủ tục biên phòng điện tử.
2. Chậm nhất 02
giờ sau khi tàu, thuyền neo đậu tại cầu cảng hoặc các vị trí khác trong vùng nước
cảng người làm thủ tục phải nộp hồ sơ giấy cho Biên phòng cửa khẩu cảng.
Nếu tàu, thuyền
không có thay đổi về thuyền bộ, không vi phạm các quy định của pháp luật Việt
Nam, chậm nhất 02 giờ sau khi tàu thuyền rời cảng, người làm thủ tục phải nộp hồ
sơ giấy cho Biên phòng cửa khẩu cảng.
3. Chậm nhất 01
giờ kể từ khi tiếp nhận đầy đủ các thông tin mà người làm thủ tục khai báo
trong hồ sơ điện tử gửi tới, Biên phòng cửa khẩu cảng phải xác báo hoàn thành
thủ tục biên phòng hoặc thông báo từ chối nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển
cảng, kiểm tra trực tiếp tại tàu cho người làm thủ tục và các cơ quan quản lý
nhà nước chuyên ngành tại cảng.
Điều
6. Trách nhiệm của các Bộ, ngành; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; các đơn
vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện
tử cảng biển
1. Trách nhiệm của
Bộ Quốc phòng
a) Chủ trì, phối
hợp với các Bộ, ngành; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương liên quan; Ban Chỉ đạo thực hiện Công ước FAL 65 của Chính phủ trong việc
tổ chức thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển.
Tổ chức tuyên
truyền trong cộng đồng doanh nghiệp vận tải; các tổ chức, cá nhân liên quan,
khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu, phối
hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, xử lý các vướng mắc phát sinh.
b) Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thí điểm thủ tục biên
phòng điện tử cảng biển.
Chỉ đạo, kiểm
tra Bộ đội Biên phòng thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển;
tổ chức đào tạo, tập huấn, bố trí cán bộ có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm
đáp ứng yêu cầu thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển và quá
trình triển khai chính thức thủ tục biên phòng điện tử cảng biển toàn quốc nếu
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
c) Đảm bảo kinh
phí và các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc triển
khai thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển.
d) Sơ kết, tổng
kết, đánh giá, báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng
điện tử cảng biển.
đ) Đề xuất, ban
hành các cơ chế, chính sách, lộ trình, kinh phí, cơ sở hạ tầng, trang bị để triển
khai chính thức thủ tục biên phòng điện tử cảng biển trên hệ thống cửa khẩu cảng
biển toàn quốc do Bộ Quốc phòng quản lý.
2. Trách nhiệm của
các Bộ, ngành liên quan
Bộ Thông tin và
Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan khác,
trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn
các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trực thuộc phối hợp với Bộ đội Biên
phòng trong thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển.
3. Trách nhiệm của
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm thủ
tục biên phòng điện tử cảng biển.
Trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành chức năng địa phương
nơi thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển phối hợp, tạo điều
kiện thuận lợi cho Biên phòng cửa khẩu cảng quy định tại Điều 3 Quyết định này
triển khai thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển tại địa
phương.
4. Trách nhiệm của
Biên phòng cửa khẩu cảng
a) Cung cấp phần
mềm, mẫu biểu; hướng dẫn cài đặt, khai báo thông tin cho người làm thủ tục tham
gia thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển.
b) Cung cấp,
chia sẻ thông tin liên quan đến tàu, thuyền, thuyền viên làm thủ tục biên phòng
điện tử cảng biển cho các cơ quan nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu cảng.
c) Chủ trì, phối
hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển, chính quyền địa
phương trong tuyên truyền, thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng
biển.
d) Kiểm tra trực
tiếp tại tàu, thuyền khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thông tin khai báo về
tàu, thuyền, thuyền viên không đầy đủ, không chính xác; xử lý theo quy định của
pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật và khai báo thông tin không đầy đủ,
không chính xác.
5. Trách nhiệm của
tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển
Tổ chức, cá nhân
khi thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển phải chịu trách nhiệm trước
pháp luật về sự chính xác và trung thực của nội dung khai báo thủ tục biên
phòng điện tử; chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn và chịu sự kiểm tra, xử
lý vi phạm của Biên phòng cửa khẩu cảng.
Điều
7. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định
này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 6 năm 2011.
2. Thời gian thực
hiện thí điểm thủ tục biên phòng cảng biển là 02 năm kể từ khi Quyết định này
có hiệu lực thi hành, gồm 02 giai đoạn:
a) Giai đoạn I
thực hiện trong 01 năm, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
b) Giai đoạn II
thực hiện trong 01 năm (kể từ khi kết thúc Giai đoạn I):
- 06 tháng đầu:
sơ kết, rút kinh nghiệm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quá trình triển khai thực
hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển trong giai đoạn I;
- 06 tháng sau:
hoàn thiện quy trình để tổng kết thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử
cảng biển, phục vụ cho việc triển khai trên toàn bộ hệ thống cửa khẩu cảng biển
toàn quốc; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các nội dung triển khai trên
toàn bộ hệ thống cửa khẩu cảng biển toàn quốc.
Điều
8. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức và cá nhân liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KTN, PL, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (5b).
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|