Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 18/2008/QĐ-BTTTT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông Người ký: Lê Nam Thắng
Ngày ban hành: 04/04/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 18/2008/QĐ-BTTTT

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG VÔ TUYẾN ĐIỆN NGHIỆP DƯ"

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 1 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về tần số vô tuyến điện;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện,

QUYẾT ÐỊNH:

Ðiều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về hoạt động vô tuyến điện nghiệp dư".

Ðiều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 99/1998/QĐ-CSBĐ ngày 14/2/1998 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện ban hành "Thể lệ vô tuyến điện nghiệp dư".

Ðiều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các Tỉnh, T.P trực thuộc TƯ;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Lưu VT, CTS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Nam Thắng

QUY ĐỊNH

VỀ HOẠT ĐỘNG VÔ TUYẾN ĐIỆN NGHIỆP DƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2008/QÐ-BTTTT ngày 04 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định này điều chỉnh các hoạt động tổ chức thi, cấp và công nhận chứng chỉ khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư; cấp phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư; khai thác, sử dụng đài vô tuyến điện nghiệp dư đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư là nghiệp vụ vô tuyến điện nhằm mục đích tự đào tạo, nghiên cứu kỹ thuật thông tin vô tuyến điện do các khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư là những người được cấp phép, yêu thích kỹ thuật vô tuyến điện thực hiện chỉ với mục đích cá nhân không liên quan đến lợi nhuận.

2. Nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư qua vệ tinh là nghiệp vụ vô tuyến điện sử dụng đài không gian đặt trên các vệ tinh trái đất với cùng mục đích như của nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư.

3. Khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư (viết tắt là KTVVTĐND) là người có Chứng chỉ KTVVTĐND hoặc Chứng chỉ KTVVTĐND nước ngoài.

4. Chứng chỉ khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư (viết tắt là Chứng chỉ KTVVTĐND) là văn bản do các tổ chức được Cục Tần số vô tuyến điện công nhận đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi vô tuyến điện nghiệp dư cấp cho người yêu thích vô tuyến điện nghiệp dư, trong đó thừa nhận trình độ của người được cấp chứng chỉ khi thực hiện liên lạc vô tuyến điện nghiệp dư.

5. Chứng chỉ khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư nước ngoài (viết tắt là Chứng chỉ KTVVTĐND nước ngoài) là văn bản do cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho người yêu thích vô tuyến điện nghiệp dư, trong đó thừa nhận trình độ của người được cấp chứng chỉ khi thực hiện liên lạc vô tuyến điện nghiệp dư.

6. Đài vô tuyến điện là một hoặc nhiều thiết bị vô tuyến điện kể cả thiết bị kèm theo tại một địa điểm để thực hiện một nghiệp vụ vô tuyến điện. Mỗi đài vô tuyến điện được phân loại theo nghiệp vụ mà nó hoạt động thường xuyên hoặc tạm thời.

7. Ðài vô tuyến điện nghiệp dư (viết tắt là đài VTĐND) là một đài vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư.

8. Thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư là thiết bị phát sóng vô tuyến điện khi phát trên dải tần số phân bổ cho nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư.

9. Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện (đối với đài VTĐND) là văn bản do Cục Tần số vô tuyến điện cấp cho người có Chứng chỉ KTVVTĐND hoặc người có Chứng chỉ KTVVTĐND nước ngoài (được công nhận theo điều 11 của Quy định này), trong đó quy định về tần số, giới hạn công suất phát, phương thức phát và các điều kiện khác.

Điều 3. Các hành vi bị cấm

1. KTVVTĐND không được phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc.

2. Các đài vô tuyến điện nghiệp dư không được chuyển phát các thông tin liên quan đến thương mại; các tin tức về an ninh, quốc phòng; các tin tức thời sự; các tín hiệu phát thanh, âm nhạc quảng bá; không được chuyển giao thông tin hộ người thứ ba khi người thứ ba không liên quan đến khai thác đài vô tuyến điện nghiệp dư (trừ trường hợp khẩn cấp khi xảy ra thiên tai, thảm hoạ).

3. Các hành vi bị cấm khác theo qui định của pháp luật.

Chương 2:

TỔ CHỨC THI, CẤP VÀ CÔNG NHẬN CHỨNG CHỈ KTVVTĐND

Điều 4. Hệ thống Chứng chỉ KTVVTĐND

Hệ thống Chứng chỉ KTVVTĐND gồm:

1. Chứng chỉ KTVVTĐND cấp 1: Người có chứng chỉ này được quyền khai thác các loại thiết bị vô tuyến điện của một đài VTĐND trên tất cả các phương thức phát với công suất phát ra anten không vượt quá 1 kW, làm việc trên tất cả các băng tần quy định cho nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư (Phụ lục 1).

2. Chứng chỉ KTVVTĐND cấp 2: Người có chứng chỉ này được quyền khai thác các thiết bị vô tuyến điện của đài VTĐND trên tất cả các phương thức phát với công suất phát ra anten không vượt quá 200 W, làm việc trên tất cả các băng tần quy định cho nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư.

3. Chứng chỉ KTVVTĐND cấp 3: Người có chứng chỉ này được quyền khai thác các thiết bị vô tuyến điện của đài VTĐND trên tất cả các phương thức phát với công suất phát ra an ten không vượt quá 50 W, làm việc trên tất cả các băng tần quy định cho nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư.

4. Chứng chỉ KTVVTĐND cấp 4: Người có chứng chỉ này được quyền khai thác các thiết bị vô tuyến điện của đài VTĐND trên tất cả các phương thức phát (trừ phương thức phát điện báo CW) với công suất phát ra an ten không vượt quá 20 W, làm việc trên tất cả các băng tần quy định cho nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư.

Điều 5. Công nhận các tổ chức đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi vô tuyến điện nghiệp dư

1. Các tổ chức đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi vô tuyến điện nghiệp dư phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Về trang thiết bị: Có đài VTĐND được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư đảm bảo đáp ứng yêu cầu thi thực hành (theo qui định tại điều 7, khoản 2 qui định này) của người dự thi với loại chứng chỉ KTVVTĐND tương ứng.

b) Về người chấm thi thực hành (trừ trường hợp chấm thi bằng máy tính):

Người chấm thi thực hành phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Là người có Chứng chỉ KTVVTĐND cao hơn người dự thi ít nhất một bậc;

- Là người có Chứng chỉ KTVVTĐND cùng bậc với người dự thi và đã trải qua ít nhất 1 năm khai thác đài vô tuyến điện nghiệp dư kể từ ngày chấm thi trở về trước;

- Là người đã trải qua ít nhất 1 năm làm nghề điện báo (có khả năng nhận bằng tai và gửi bằng tay các bản tin dưới dạng mã Mooc quốc tế thông qua máy thu phát vô tuyến điện).

2. Hồ sơ xin cấp Giấy công nhận tổ chức đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi vô tuyến điện nghiệp dư gồm:

a) Đơn xin cấp Giấy công nhận, trong đó nêu rõ đề nghị được công nhận đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi đối với chứng chỉ KTVVTĐND cấp bậc nào.

b) Bản sao Giấy phép hoặc Quyết định thành lập tổ chức.

c) Bản sao Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư theo quy định tại điểm a khoản 1 điều này.

d) Danh sách người chấm thi thực hành (người thuộc biên chế chính thức của tổ chức hoặc cộng tác viên) đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 5, khoản 1, điểm b quy định này.

3. Cục Tần số vô tuyến điện cấp Giấy công nhận đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi vô tuyến điện nghiệp dư trong thời hạn tối đa là 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Tần số vô tuyến điện thông báo, hướng dẫn tổ chức bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Trường hợp từ chối cấp giấy công nhận đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi vô tuyến điện nghiệp dư, Cục Tần số vô tuyến điện thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do từ chối trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

4. Danh sách các tổ chức được công nhận đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi vô tuyến điện nghiệp dư được công bố trên trang tin điện tử của Cục Tần số vô tuyến điện (http://www.rfd.gov.vn).

Điều 6. Trách nhiệm của tổ chức được công nhận đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi vô tuyến điện nghiệp dư

Tổ chức được công nhận đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi vô tuyến điện nghiệp dư có trách nhiệm:

1. Tổ chức thi, chấm thi, cấp và gia hạn chứng chỉ KTVVTĐND.

2. Lưu giữ các số liệu về kết quả thi, Chứng chỉ KTVVTĐND đã cấp và gia hạn.

3. Báo cáo Cục Tần số vô tuyến điện các thông tin liên quan đến Chứng chỉ KTVVTĐND đã cấp hoặc gia hạn trước ngày 15 tháng 12 hàng năm . Bộ thông tin và Truyền thông tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi, chấm thi, cấp, gia hạn Chứng chỉ KTVVTĐND theo qui định của pháp luật.

4. Chủ động xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức vô tuyến điện nghiệp dư.

5. Các tổ chức được cấp giấy công nhận đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi vô tuyến điện nghiệp dư nếu vi phạm các qui định về tổ chức thi, chấm thi, cấp Chứng chỉ KTVVTĐND sẽ bị thu hồi Giấy công nhận. Cục Tần số vô tuyến điện ra quyết định thu hồi và công bố trên trang tin điện tử (http://www.rfd.gov.vn).

Điều 7. Thi lý thuyết và thực hành để cấp chứng chỉ TVVTĐND

Người xin cấp chứng chỉ KTVVTĐND phải dự thi lý thuyết thi thực hành vô tuyến điện nghiệp dư tại các tổ chức được công nhận đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi vô tuyến điện nghiệp dư.

1. Thi lý thuyết

Thi lý thuyết để kiểm tra kiến thức và trình độ kỹ thuật của thí sinh. Mỗi bài thi lý thuyết bao gồm một bộ câu hỏi sau:

a) Chứng chỉ KTVVTĐND cấp 1: Bài thi gồm 50 câu hỏi, trong đó có 10 câu hỏi về nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư trong Quy định này, 10 câu hỏi về nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư trong Thể lệ vô tuyến điện quốc tế, 15 câu hỏi về kỹ thuật điện, 15 câu hỏi về kỹ thuật vô tuyến điện.Yêu cầu tối thiểu phải trả lời đúng 40 câu hỏi.

Chỉ những người có Chứng chỉ KTVVTĐND cấp 2 và đã thiết lập đài VTĐND từ một năm trở lên mới được thi để cấp chứng chỉ KTVVTĐ cấp 1.

b) Chứng chỉ KTVVTĐND cấp 2: Bài thi gồm 40 câu hỏi, trong đó có 10 câu hỏi về nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư trong Quy định này, 10 câu hỏi về nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư trong Thể lệ vô tuyến điện quốc tế, 10 câu hỏi về kỹ thuật điện, 10 câu hỏi về kỹ thuật vô tuyến điện.Yêu cầu tối thiểu phải trả lời đúng 30 câu hỏi.

c) Chứng chỉ KTVVTĐND cấp 3: Bài thi gồm 35 câu hỏi, trong đó có 10 câu hỏi về nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư trong Quy định này, 5 câu hỏi về nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư trong Thể lệ vô tuyến điện quốc tế, 10 câu hỏi về kỹ thuật điện, 10 câu hỏi về kỹ thuật vô tuyến điện. Yêu cầu tối thiểu phải trả lời đúng 25 câu hỏi.

d) Chứng chỉ khai thác viên cấp 4 (Thí sinh không phải thi thực hành điện báo): Bài thi lý thuyết gồm 35 câu hỏi, trong đó có 10 câu hỏi về nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư trong Quy định này, 5 câu hỏi về nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư trong thể lệ vô tuyến điện quốc tế, 10 câu hỏi về kỹ thuật điện, 10 câu hỏi về kỹ thuật vô tuyến điện.Yêu cầu tối thiểu phải trả lời đúng 25 câu hỏi.

2. Thi thực hành

a) Thi thực hành điện báo để kiểm tra khả năng nhận chính xác bằng tai hoặc bằng máy vi tính và gửi chính xác bằng tay hoặc bằng máy vi tính các bản tin dưới dạng mã Mooc quốc tế. Đối với chứng chỉ KTVVTĐND cấp 1 yêu cầu tốc độ không thấp hơn 36 từ trong 3 phút; đối với chứng chỉ KTVVTĐND cấp 2 yêu cầu tốc độ không thấp hơn 27 từ trong 3 phút; đối với chứng chỉ KTVVTĐND cấp 3 yêu cầu tốc độ không thấp hơn 15 từ trong 3 phút. Mỗi từ tương đương với 5 ký tự (Các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh, các số từ 0 đến 9, các ký hiệu, dấu phảy, dấu hỏi, gạch ngang và các ký hiệu khác theo quy định tại Phụ lục 2).

b) Người có chứng chỉ khai thác viên vô tuyến điện báo đang liên lạc bằng vô tuyến điện báo hoặc đã thôi hành nghề không quá 3 năm được miễn trừ thi thực hành điện báo.

c) Người thi thực hành để cấp chứng chỉ KTVVTĐND cấp 1, 2, 3 phải thực hành bốn cuộc liên lạc gồm một cuộc thực hành phát thoại, một cuộc thực hành phát điện báo, một cuộc thực hành dò tìm đài bạn bằng phương thức thoại và một cuộc thực hành dò tìm đài bạn bằng điện báo.

Người thi thực hành để cấp chứng chỉ KTVVTĐND cấp 4 phải thực hành hai cuộc liên lạc bằng phương thức thoại.

3. Thời gian tối đa để hoàn thành cả kỳ thi lý thuyết và kỳ thi thực hành là 12 tháng.

Điều 8. Ngân hàng câu hỏi thi lý thuyết vô tuyến điện nghiệp dư

Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Ngân hàng câu hỏi thi lý thuyết vô tuyến điện nghiệp dư. Các bộ câu hỏi đề thi lý thuyết để cấp Chứng chỉ KTVVTĐND các cấp được lấy ngẫu nhiên từ Ngân hàng câu hỏi.

Điều 9. Thủ tục cấp, gia hạn chứng chỉ KTVVTĐND

1. Chứng chỉ KTVVTĐND được cấp với thời hạn là 5 năm.

Chứng chỉ KTVVTĐND được gia hạn với thời hạn là 5 năm và không hạn chế số lần gia hạn. Các tổ chức được công nhận đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi vô tuyến điện nghiệp dư được phép gia hạn chứng chỉ KTVVTĐND do các tổ chức khác cấp.

2. Hồ sơ xin thi để cấp chứng chỉ KTVVTĐND

Hồ sơ xin thi để cấp chứng chỉ KTVVTĐND gồm:

a) Đơn xin thi để cấp chứng chỉ KTVVTĐND (trong đó nêu rõ loại chứng chỉ KTVVTĐND đề nghị);

b) 02 ảnh 4 cm x 6 cm;

c) Bản sao Chứng minh thư hoặc Hộ chiếu.

3. Hồ sơ xin gia hạn chứng chỉ KTVVTĐND

Trước khi chứng chỉ KTVVTĐND hết hạn 60 ngày, KTVVTĐND muốn được gia hạn chứng chỉ KTVVTĐND phải làm thủ tục xin gia hạn. Hồ sơ xin gia hạn gồm:

a) Đơn xin gia hạn;

b) 02 ảnh 4 cm x 6 cm;

c) Bản sao Chứng chỉ KTVVTĐND đang còn hiệu lực.

4. Nơi tiếp nhận hồ sơ, cấp và gia hạn chứng chỉ KTVVTĐND

Các tổ chức được công nhận đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi vô tuyến điện nghiệp dư tiếp nhận hồ sơ, cấp và gia hạn chứng chỉ KTVVTĐND (theo mẫu quy định tại Phụ lục 3).

5. Thời gian giải quyết cấp, gia hạn chứng chỉ KTVVTĐND

a) Các tổ chức được công nhận đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi vô tuyến điện nghiệp dư có trách nhiệm cấp mới chứng chỉ KTVVTĐND trong thời hạn tối đa là 10 ngày làm việc kể từ ngày thí sinh thi đạt cả thi lý thuyết và thi thực hành vô tuyến điện nghiệp dư; gia hạn chứng chỉ KTVVTĐND trong thời hạn tối đa là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

b) Trường hợp từ chối cấp mới, gia hạn chứng chỉ KTVVTĐND, tổ chức được công nhận đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi vô tuyến điện nghiệp dư có trách nhiệm thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối trong thời hạn 05 ngày làm việc.

Điều 10. Lệ phí thi, cấp và gia hạn Chứng chỉ KTVVTĐND

Thí sinh phải nộp lệ phí thi, lệ phí cấp, gia hạn Chứng chỉ KTVVTĐND theo các qui định hiện hành.

Điều 11. Công nhận Chứng chỉ KTVVTĐND nước ngoài

Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận Chứng chỉ KTVVTĐND nước ngoài trong những trường hợp sau đây:

1. Công nhận Chứng chỉ KTVVTĐND nước ngoài đối với những KTVVTĐND đến từ những nước đã ký thoả thuận công nhận lẫn nhau về hoạt động vô tuyến điện nghiệp dư với Việt Nam.

2. Công nhận Chứng chỉ KTVVTĐND nước ngoài đối với những KTVVTĐND đến từ những nước chưa ký thoả thuận công nhận lẫn nhau về hoạt động vô tuyến điện nghiệp dư với Việt Nam nếu có đề nghị của Câu lạc bộ vô tuyến điện nghiệp dư Việt Nam.

3. Các trường hợp khác do Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét quyết định.

Chương 3:

CẤP PHÉP SỬ DỤNG TẦN SỐ VÀ THIẾT BỊ PHÁT SÓNG VÔ TUYẾN ĐIỆN NGHIỆP DƯ

Điều 12. Điều kiện cấp phép

Các đối tượng nêu tại Điều 1 của Quy định này muốn được cấp phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

1. Việc thiết lập và sử dụng đài vô tuyến điện nghiệp dư chỉ nhằm mục đích tự đào tạo, nghiên cứu kỹ thuật thông tin không liên quan đến lợi nhuận.

2. Thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định áp dụng.

3. Có chứng chỉ KTVVTĐND hoặc Chứng chỉ KTVVTĐND nước ngoài được công nhận theo điều 11 Quy định này.

Điều 13. Hồ sơ xin cấp phép

Hồ sơ xin cấp phép bao gồm:

1. Đơn và bản khai xin cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư (Phụ lục 4).

2. Bản sao chứng chỉ KTVVTĐND hoặc bản sao Chứng chỉ KTVVTĐND nước ngoài được công nhận theo điều 11 của Quy định này.

3. Bản sao Hộ chiếu cùng thẻ thường trú hoặc chứng nhận tạm trú hay thẻ tạm trú (đối với khai thác viên là người nước ngoài).

Điều 14. Gia hạn giấy phép

Trước khi hết hạn giấy phép 30 ngày, nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng (không sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép) phải làm đơn xin gia hạn giấy phép.

Điều 15. Sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép

1. Khi muốn sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến nghiệp dư trong thời gian hiệu lực của giấy phép, người có giấy phép phải làm hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung giấy phép. Hồ sơ gồm:

a) Đơn xin sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép.

b) Bản khai bổ sung nếu có thay đổi.

c) Các tài liệu khác có liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung.

2. Trong thời hạn có hiệu lực của giấy phép, Cục Tần số vô tuyến điện được quyền thay đổi nội dung của giấy phép cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Việc thay đổi này sẽ được thông báo cho người có giấy phép biết trước khi cấp giấy phép theo nội dung mới.

Điều 16. Nơi tiếp nhận hồ sơ và giao nhận giấy phép

Nơi tiếp nhận hồ sơ và giao nhận giấy phép đối với trường hợp cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép tại một trong các địa điểm sau:

1. Cục Tần số vô tuyến điện.

2. Các Trung tâm Tần số vô tuyến điện thuộc Cục Tần số vô tuyến điện tại các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Vinh, Nha Trang, Việt Trì.

Điều 17. Thời gian giải quyết cấp phép

1. Cục Tần số vô tuyến điện có trách nhiệm giải quyết cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép (theo mẫu quy định tại Phụ lục 5) trong thời hạn tối đa là 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Đối với hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư của KTVVTĐND nước ngoài đến Việt nam trong thời gian dưới 30 ngày, thời hạn giải quyết là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

2. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Tần số vô tuyến điện có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn cho người xin cấp phép để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Điều 18. Từ chối cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép

Trường hợp từ chối cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép, Cục Tần số vô tuyến điện thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho người xin cấp phép trong thời hạn 05 ngày làm việc.

Điều 19. Phí và lệ phí tần số vô tuyến điện

Việc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư; cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư đều phải trả phí và lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

Chương 4:

QUI ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐÀI VÔ TUYẾN ĐIỆN NGHIỆP DƯ

Điều 20. Quy định về hô hiệu

1. Tại thời điểm đầu và cuối các phiên liên lạc, đài vô tuyến điện nghiệp dư phải phát hô hiệu hoặc các nhận dạng đã được ghi trong giấy phép. Nếu phiên liên lạc kéo dài thì ít nhất cứ 10 phút một lần, đài vô tuyến điện nghiệp dư phải nhắc lại hô hiệu của mình.

2. Không được phát tín hiệu mà không kèm theo hô hiệu hoặc có hô hiệu nhưng không phải do Cục Tần số vô tuyến điện quy định.

3. Hô hiệu phải được chuyển phát theo cách sau đây:

a) Với phương thức mã Morse quốc tế (CW): Tốc độ không được quá 20 từ trong một phút;

b) Với phương thức thoại: Phải sử dụng bảng phiên âm quốc tế;

c) Với phương thức truyền chữ trực tiếp (RTTY): Phải dùng mã số qui định;

d) Với phương thức đơn biên: Phải phát hô hiệu ở dải tần hẹp;

4. Cấu trúc hô hiệu đài vô tuyến điện nghiệp dư tại Việt Nam không ít hơn 4 chữ hoặc số và bắt đầu bằng chữ XV hoặc 3W chỉ mã quốc gia, kèm theo là các chữ hoặc số nhận dạng do Cục Tần số vô tuyến điện quy định.

Điều 21. Quy định về khai thác

1. Khi vận hành một đài vô tuyến điện nghiệp dư, KTVVTĐND phải luôn có Chứng chỉ KTVVTĐND và giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư để sẵn sàng trình báo khi được yêu cầu kiểm tra.

2. Đài vô tuyến điện nghiệp dư không được phép hoạt động vì mục đích lợi nhuận.

3. Đài vô tuyến điện nghiệp dư chỉ được sử dụng công suất tối thiểu đủ để đảm bảo thông tin với đối tượng ở khoảng cách đang liên lạc. Phát xạ phụ của máy phát vô tuyến điện nghiệp dư phải giảm tới mức tối thiểu. Nếu một phát xạ phụ kể cả bức xạ từ vỏ máy và nguồn gây can nhiễu có hại đến các đài khác thì đài vô tuyến điện nghiệp dư đó phải ngừng hoạt động và phải có biện pháp khử hết nhiễu có hại trước khi đưa đài vào hoạt động trở lại.

4. Hệ thống anten của đài phải được lắp đặt theo đúng kỹ thuật, bảo đảm an toàn, chịu được gió bão, không ảnh hưởng đến mỹ quan của môi trường xung quanh. Địa điểm lắp đặt anten, chiều cao anten phải phù hợp với các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và các quy định khác của pháp luật về bảo đảm an toàn hàng không.

5. Trong mọi lúc, trên mọi tần số, khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư phải dành ưu tiên cho thông tin cấp cứu và an toàn và phải trợ giúp đắc lực cho thông tin nói trên.

6. Mọi liên lạc phải được ghi rõ ràng trong nhật biên (Phụ lục 6) và phải trình sổ nhật biên này cho nhân viên kiểm tra có thẩm quyền khi được yêu cầu. Sổ nhật biên phải được lưu tại đài 3 năm mới được hủy bỏ.

7. Đài vô tuyến điện nghiệp dư chỉ được cho mượn giữa những KTVVTĐND với nhau và phải tuân theo các quy định sau:

a) Khi sử dụng đài VTĐND mượn, khai thác viên mượn đài chỉ được thực hiện liên lạc hạn chế theo quy định trong chứng chỉ KTVVTĐND của mình và khai thác hạn chế theo quy định trong giấy phép cấp cho đài vô tuyến điện nghiệp dư cho mượn.

b) Khi mượn đài VTĐND để khai thác, KTVVTĐND phải dùng hô hiệu của đài cho mượn kèm theo sau là hô hiệu hoặc tên của KTVVTĐND mượn đài.

c) Người cho mượn đài VTĐND phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính hợp lệ của nội dung thông tin theo quy định này, ghi nhật biên đầy đủ và đảm bảo người mượn đài không khai thác vượt quá các giới hạn quy định trong giấy phép cấp cho đài của mình.

d) Người mượn đài VTĐND để liên lạc tại những địa điểm khác với quy định trong giấy phép trong thời hạn dưới 30 ngày phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Cục tần số vô tuyến điện. Thủ tục như sau:

Nộp hồ sơ về Cục Tần số vô tuyến điện. Hồ sơ gồm:

- Giấy đăng ký mượn đài VTĐND (trong đó nêu rõ hô hiệu hoặc nhận dạng đăng ký, địa điểm đặt đài, địa chỉ liên hệ);

- Văn bản chấp thuận cho mượn đài VTĐND của tổ chức (cá nhân) cho mượn đài, trong đó ghi rõ: Tên của tổ chức, cá nhân cho mượn đài, số giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện, thời hạn có hiệu lực của giấy phép; thời gian mượn đài;

- Bản sao chứng minh thư hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài) của người mượn đài;

- Bản sao Chứng chỉ KTVVTĐND hoặc Chứng chỉ KTVVTĐND nước ngoài.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Tần số vô tuyến điện ra Thông báo chấp thuận đăng ký mượn đài VTĐND (kèm theo hô hiệu, nhận dạng, địa điểm đặt đài). Trường hợp không chấp thuận đăng ký mượn đài VTĐND, Cục Tần số vô tuyến điện thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do từ chối.

8. Việc thay đổi địa chỉ thường trú của khai thác viên hoặc địa chỉ đặt đài VTÐND, việc chuyển nhượng thiết bị phát sóng VTĐND phải được thông báo trước với Cục Tần số vô tuyến điện để xét thay đổi giấy phép.

9. Trường hợp KTVVTĐND vẫn giữ địa chỉ thường trú cũ nhưng di chuyển đài VTĐND đến địa phương khác để khai thác trong thời hạn dưới 30 ngày thì không phải làm thủ tục sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép nhưng phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Cục Tần số vô tuyến điện.

a) Hồ sơ đăng ký di chuyển tạm thời gồm:

- Giấy đăng ký di chuyển tạm thời địa điểm đặt đài VTĐND, trong đó ghi rõ thời gian và điạ điểm phát sóng tại địa phương mới;

- Bản sao Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký di chuyển tạm thời địa điểm đặt đài VTĐND, Cục Tần số vô tuyến điện ra thông báo về việc chấp thuận, trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm phát sóng tại địa phương mới kèm theo hô hiệu và nhận dạng. Trường hợp không chấp thuận việc di chuyển địa điểm đặt đài VTĐND, Cục Tần số vô tuyến điện thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do từ chối.

10. KTVVTĐND phải thông báo trước với Bộ Thông tin và Truyền thông nếu ngừng hoạt động đài từ 3 tháng trở lên.

11. Đài vô tuyến điện nghiệp dư có thể bị Cục Tần số vô tuyến điện đình chỉ phát sóng hoặc trưng dụng để phục vụ cho an ninh, quốc phòng trong trường hợp khẩn cấp.

Điều 22. Đài vô tuyến điện nghiệp dư lắp đặt trên các phương tiện di động

1. Việc lắp đặt Đài VTĐND trên các phương tiện di động phải được sự đồng ý của chủ phương tiện.

2. Đài VTĐND phải đặt cách biệt với tất cả các thiết bị vô tuyến điện khác của phương tiện di động. Riêng anten có thể được dùng chung với anten của các phương tiện di động nếu được chủ phương tiện chấp nhận. Phát xạ của đài VTĐND không được can nhiễu cho bất cứ thiết bị nào lắp đặt trên các phương tiện di động.

3. Hoạt động của đài VTĐND không được ảnh hưởng đến sự an toàn về tính mạng của người và tài sản của các phương tiện di động có lắp đặt đài VTĐND.

Chương 5:

KIỂM TRA, KIỂM SOÁT VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 23. Kiểm tra, kiểm soát

Tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khai thác viên VTĐND và người có giấy phép sử dụng đài VTĐND phải sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của đoàn kiểm tra.

Điều 24. Xử lý vi phạm

Người sử dụng thiết bị vô tuyến điện nghiệp dư không có giấy phép, hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép, vi phạm các điều khoản trong Qui định này và các qui định khác của pháp luật về viễn thông và tần số vô tuyến điện thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo qui định của pháp luật.

Chương 6:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Điều khoản chuyển tiếp

1. Người có Giấy chứng nhận vô tuyến điện viên nghiệp dư do Trung tâm đào tạo Bưu chính Viễn thông II và Hội vô tuyến điện tử Thành phố Hồ Chí Minh cấp trước ngày 06/02/2004 được chuyển đổi sang chứng chỉ KTVVTĐND tương đương theo quy định:

a) Tương đương với chứng chỉ KTVVTĐND cấp 3 của quy định này nếu sử dụng phương thức phát điện thoại và điện báo;

b) Tương đương với Chứng chỉ KTVVTĐND cấp 4 của quy định này nếu chỉ sử dụng phương thức phát điện thoại.

2. Thời gian chuyển đổi chứng chỉ tính từ ngày quyết định này có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.

3. Hồ sơ xin đổi chứng chỉ gồm đơn, 02 ảnh 4 cm x 6 cm và Giấy chứng nhận vô tuyến điện viên nghiệp dư (do Trung tâm đào tạo Bưu chính Viễn thông II và Hội vô tuyến điện tử Thành phố Hồ Chí Minh cấp trước ngày 06/02/2004).

4. Các tổ chức được công nhận đủ điều kiện tổ chức thi, chấm thi vô tuyến điện nghiệp dư cấp chứng chỉ KTVVTĐND cho người đề nghị chuyển đổi theo qui định tại khoản 1 điều này.

Điều 26. Tổ chức thực hiện

1. Cục Tần số vô tuyến điện chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các chủ thể tham gia hoạt động vô tuyến điện nghiệp dư thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn hoặc xem xét sửa đổi, bổ sung Quy định này.

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 18/2008/QĐ-BTTTT ngày 04/04/2008 Quy định về hoạt động vô tuyến điện nghiệp dư do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


7.034

DMCA.com Protection Status
IP: 18.218.94.236
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!