ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
12/2021/QĐ-UBND
|
Cao Bằng, ngày 14
tháng 6 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ, SỬ DỤNG DỊCH VỤ CHỨNG THỰC
CHỮ KÝ SỐ CHUYÊN DÙNG CHÍNH PHỦ TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
CAO BẰNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số
130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;
Căn cứ Thông tư số
185/2019/TT-BQP ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn
việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng chính
phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Thông tin và Truyền thông.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản
lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các cơ
quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 24 tháng 6 năm
2021 và thay thế Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2015 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Ban hành Quy định về quản lý, ứng dụng chữ ký số
trong việc gửi, nhận và sử dụng văn bản điện tử của các cơ quan hành chính nhà
nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở
Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các Sở, Ban ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và
các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- Ban Cơ yếu Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh: LĐVP; TTTT; các CV;
- Lưu: VT, VX (M).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Hoàng Xuân Ánh
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ, SỬ DỤNG DỊCH VỤ CHỨNG THỰC CHỮ KÝ SỐ
CHUYÊN DÙNG CHÍNH PHỦ TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Kèm theo Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Cao Bằng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nguyên
tắc, nội dung, phương thức và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước tỉnh
Cao Bằng trong việc quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng
Chính phủ.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các
cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, tổ chức, cá nhân có liên quan đến
hoạt động quản lý, triển khai, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng
Chính phủ.
Điều 3.
Nguyên tắc phối hợp
1. Hoạt động phối hợp dựa trên
cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị; tuân thủ quy định
pháp luật về sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và giao
dịch điện tử.
2. Những vướng mắc, phát sinh
trong quá trình phối hợp phải được thống nhất giải quyết phù hợp với yêu cầu
nghiệp vụ của các cơ quan liên quan.
Điều 4. Nội
dung phối hợp
1. Đề xuất, tham mưu ban hành
các kế hoạch, văn bản về quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên
dùng Chính phủ thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Báo cáo tình hình triển
khai, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và xây dựng kế
hoạch, nhu cầu sử dụng hằng năm thuộc quyền quản lý theo hướng dẫn của Ban Cơ yếu
Chính phủ.
3. Quản lý, hỗ trợ kỹ thuật, hướng
dẫn sử dụng, kiểm tra các thuê bao trong quá trình triển khai, quản lý và sử dụng
chứng thư số, thiết bị lưu khóa bí mật, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên
dùng Chính phủ.
4. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng,
triển khai, sử dụng chứng thư số, thiết bị lưu khóa bí mật, dịch vụ chứng thực
chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
Điều 5.
Phương thức phối hợp
Tùy theo tính chất, nội dung
công việc, cơ quan chủ trì quyết định việc áp dụng các phương thức phối hợp sau
đây:
1. Trao đổi thông qua văn bản.
2. Trao đổi thông qua các
phương tiện thông tin liên lạc hoặc trực tiếp gặp gỡ để trao đổi.
3. Cử cán bộ tham gia các hoạt
động phối hợp giữa các bên.
4. Tổ chức hội nghị, hội thảo.
5. Tổ chức Đoàn kiểm tra việc
quản lý và sử dụng chứng thư số, thiết bị lưu khóa bí mật, dịch vụ chứng thực
chữ ký số chuyên dùng Chính phủ thuộc trách nhiệm quản lý.
Chương II
TRÁCH NHIỆM TRIỂN KHAI,
THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 6.
Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
1. Chủ trì tham mưu, đề xuất
ban hành và triển khai thực hiện các kế hoạch, văn bản quy định việc quản lý, sử
dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ thuộc phạm vi quản lý của
Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Chủ trì tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh về tình hình triển khai, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số
chuyên dùng Chính phủ của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan trên
địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch, nhu cầu sử dụng hằng năm.
3. Chủ trì phối hợp với Cục Chứng
thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan liên quan (nếu
có) hướng dẫn, kiểm tra và bảo đảm hỗ trợ kỹ thuật cho các thuê bao thuộc phạm
vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh trong quá trình sử dụng các thiết bị lưu
khóa bí mật do Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin cung cấp.
4. Chủ trì phối hợp với Cục Chứng
thực số và Bảo mật thông tin và các cơ quan liên quan (nếu có) tổ chức tập huấn,
huấn luyện triển khai sử dụng chứng thư số, thiết bị lưu khóa bí mật, dịch vụ
chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
Điều 7.
Trách nhiệm của cơ quan nhà nước sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên
dùng Chính phủ
1. Thực hiện quản lý, sử dụng
hiệu quả các chứng thư số được cấp của cơ quan, đơn vị mình theo quy định.
2. Căn cứ nhu cầu sử dụng chữ
ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình đề nghị cấp
mới, gia hạn, thay đổi nội dung thông tin, khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật
cho tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý. Tiếp nhận, bàn giao chứng thư số, thiết
bị lưu khóa bí mật cho thuê bao theo quy định. Thu hồi thiết bị lưu khóa bí mật
của các tổ chức, cá nhân thuộc quyền bàn giao cho Cục Chứng thực số và Bảo mật
thông tin.
3. Chủ trì kiểm tra, sử dụng chứng
thư số, thiết bị lưu khóa bí mật, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng
Chính phủ trong phạm vi quản lý của cơ quan. Cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ đề
nghị cấp, gia hạn, thay đổi nội dung thông tin, thu hồi chứng thư số, khôi phục
thiết bị lưu khóa bí mật của thuê bao thuộc phạm vi quản lý theo quy định của
pháp luật. Triển khai quán triệt đầy đủ các quy định của pháp luật về trách nhiệm
cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được giao quản lý, sử dụng chứng
thư số.
4. Báo cáo số liệu tình hình
triển khai, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong phạm
vi quản lý, cung cấp thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Phân công cán bộ phụ trách
triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, ưu tiên lựa chọn cán bộ phụ trách
là cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin của cơ quan.
Điều 8.
Trách nhiệm của các cơ quan triển khai các giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ
thông tin chuyên ngành có tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ
1. Chủ trì quản lý, đôn đốc, hướng
dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan, đơn vị sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký
số chuyên dùng Chính phủ trong các giao dịch điện tử của ngành mình, bảo đảm
theo đúng quy định.
2. Tổng hợp, thống kê, kiểm tra
tình hình sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các
giao dịch điện tử của ngành mình báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông khi có
yêu cầu.
Điều 9.
Trách nhiệm của thuê bao trong việc quản lý chứng thư số
1. Việc quản lý thiết bị lưu
khóa bí mật được thực hiện theo các quy định tại Điều 17 Thông tư số
185/2019/TT-BQP ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn
việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng chính
phủ.
2. Thiết bị lưu khoá bí mật của
cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho văn thư hoặc người có trách nhiệm quản lý và
sử dụng. Người được giao quản lý thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, đơn vị
chịu trách nhiệm trong việc bảo quản, lưu giữ, quản lý, sử dụng thiết bị lưu
khóa bí mật. Khi thay đổi người quản lý thiết bị lưu khóa bí mật phải lập biên
bản bàn giao theo quy định.
3. Thiết bị lưu khóa của cá
nhân do chính cá nhân đó bảo quản, lưu giữ và sử dụng. Không được tiết lộ mật
khẩu hoặc để người khác sử dụng thiết bị của mình.
4. Người quản lý chứng thư số
có trách nhiệm quản lý thiết bị an toàn, chịu trách nhiệm với thiết bị đã tiếp
nhận.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10.
Trách nhiệm thi hành
1. Giám đốc Sở Thông tin và
Truyền thông có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm
tra, đôn đốc thực hiện Quy chế này.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị; các Sở, Ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm tiếp
nhận các vướng mắc của các đơn vị trực thuộc gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng
hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ
các nội dung quy định tại Quy chế này tại đơn vị mình và đơn vị trực thuộc.
Điều 11. Sửa
đổi, bổ sung Quy chế
Trong quá trình triển khai thực
hiện Quy chế, nếu có vướng mắc, kiến nghị, các cơ quan, đơn vị, cá nhân báo cáo
về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét,
quyết định./.