BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số 36-NQ/TW
|
Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2023
|
NGHỊ QUYẾT
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
VỀ PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG
CÔNG NGHỆ SINH HỌC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC TRONG TÌNH HÌNH MỚI
I- TÌNH HÌNH
Thực hiện Chỉ thị số
50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII
về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá,
hiện đại hoá đất nước, những năm qua, các cấp, các ngành đã nhận thức ngày càng
rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công nghệ sinh học. Công nghệ sinh học
nước ta có bước phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; ứng dụng
ngày càng rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo đột phá trong các lĩnh vực nông
nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường.
Công nghiệp sinh học từng bước được hình thành; nhiều
doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất, thương mại hoá sản phẩm công nghệ
sinh học trên một số lĩnh vực với quy mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi
trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đội ngũ
cán bộ nghiên cứu về công nghệ sinh học tăng cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, công nghệ sinh học phát triển chưa tương xứng với
tiềm năng; năng lực công nghệ sinh học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế
- xã hội trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ; một số lĩnh vực quan trọng của công nghệ sinh học lạc hậu so với khu vực và thế giới; công
nghiệp sinh học chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; đào tạo
và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế, bất cập.
Nguyên nhân của hạn
chế, yếu kém trên chủ yếu là do nhận thức của không ít cấp uỷ, chính quyền về
vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công nghệ sinh học chưa đầy đủ; cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiếu hấp dẫn để
thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; đầu tư
cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển
kinh tế - xã hội; mối liên kết giữa
các nhà khoa học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học chưa hiệu
quả, còn lỏng lẻo.
II- QUAN ĐIỂM
1. Phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới; là
động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu
lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống Nhân dân.
2. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học
phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng
vùng và địa phương; lợi thế của quốc gia đi sau. Tập trung đầu tư phát triển một
số lĩnh vực trọng điểm, cơ bản, nhất là tận dụng ưu thế về đa dạng sinh học nước
ta.
3. Phát triển công nghiệp sinh học thành
ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng là giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh
tế - xã hội; lấy doanh nghiệp là chủ thể, có cơ chế, chính sách vượt trội tạo
điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu
tư phát triển công nghiệp sinh học.
III- MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Tập
trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh
học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh
học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học
thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.
2. Mục tiêu cụ thể
Đến năm 2030
- Nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một
trong 10 quốc gia hàng đầu Châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ
sinh học; được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển
kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
- Xây dựng nền công nghệ
sinh học có nguồn nhân
lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công
nghệ sinh học.
- Công nghiệp
sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật
quan trọng; doanh nghiệp công
nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô
tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu;
đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Tầm nhìn
đến năm 2045
Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ
sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông
minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu
khu vực Châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp
10 - 15% vào GDP.
IV-
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Thống
nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới
- Các cấp uỷ, tổ
chức đảng, cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển và ứng dụng công nghệ
sinh học. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức
trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của
phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân.
- Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là một nội dung,
nhiệm vụ được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
của các địa phương, ngành, lĩnh vực.
- Hệ thống báo chí chú trọng giới thiệu thành tựu
công nghệ sinh học; chủ động tuyên truyền các tập thể, cá nhân điển hình trong
nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Kịp
thời khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động hiệu quả.
2. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển
và ứng dụng công nghệ sinh học
- Xây dựng, hoàn
thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ
sinh học; thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản
xuất sản phẩm công nghệ sinh học; bảo đảm an toàn sinh học.
- Có chính sách vượt trội, phù hợp để phát triển và
ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị
cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, quốc phòng, an ninh;
khuyến khích đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học đối với vùng
kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo; khuyến khích
xuất khẩu sản phẩm công nghệ sinh học; đào tạo, phát hiện, sử dụng nguồn nhân lực
công nghệ sinh học.
- Xây dựng cơ chế bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa
các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và
ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng, triển khai các chương trình khoa học và
công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công
nghệ sinh học.
- Hoàn thiện hệ
thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
về sản phẩm công nghệ sinh học.
3. Tập
trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống;
phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục
vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
- Chú trọng
nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong
nông nghiệp, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu,
chống chịu sâu bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; các vắcxin
và chế phẩm sinh học phòng bệnh cho vật nuôi, cây trồng, nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới phát sinh, góp
phần xây dựng nền nông nghiệp thông
minh, an toàn, hiệu quả, bảo tồn và phát triển
các nguồn gen quý, hiếm.
- Phát triển, ứng dụng, hiện
đại hoá công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến các sản phẩm an toàn, hiệu quả, có giá trị cao từ nguồn nguyên liệu trong nước.
- Đẩy mạnh ứng dụng
công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế. Tập trung nghiên cứu, sản xuất thuốc, vắcxin đáp ứng
nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong công nghiệp dược phẩm, công nghệ
gen, sản xuất nguyên liệu và các loại thuốc sinh
học, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược.
- Chú trọng phát
triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong
bảo vệ môi trường; giảm thiểu suy thoái, phục hồi và cải thiện chất lượng môi
trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học,
sử dụng bền vững nguồn tài nguyên góp
phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần
hoàn; sản xuất nhiên liệu, vật liệu sinh học thân thiện môi trường, phát huy tiềm năng kinh tế biển.
- Tập trung xây dựng
ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sớm quy hoạch
phát triển công nghiệp sinh học, khai thác tối đa lợi thế vùng nhằm sản xuất
các sản phẩm chủ lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; liên kết các doanh
nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm công nghệ sinh học.
- Hỗ trợ doanh nghiệp
công nghệ sinh học nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ; nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy
mô công nghiệp; xây dựng thương hiệu, thương mại hoá sản phẩm; khai thác, sử dụng hiệu quả các phát minh, sáng chế công
nghệ sinh học có giá trị cao của thế giới, ứng dụng hiệu quả trong công nghiệp sinh học.
- Chủ động ứng
phó tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học, chiến tranh sử dụng vũ khí sinh
học; xử lý chất độc hoá học; bảo đảm an ninh sinh học trong nghiên cứu, sản xuất,
làm chủ công nghệ sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học đặc thù phục vụ quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
4. Xây dựng nguồn nhân lực công
nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu,
phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học
- Nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo nhân lực công
nghệ sinh học từ giáo dục phổ thông đến đại học và trên đại học. Tăng cường
liên kết giữa các doanh nghiệp công nghệ sinh học, đơn vị sử dụng lao động với các
cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ sinh học. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học
và nhu cầu thực tiễn, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu
cầu.
- Chú trọng xây dựng đội ngũ nhà khoa học đầu
ngành, hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu có uy tín đạt trình độ quốc
tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo,
xuất khẩu nhân lực công nghệ sinh học có trình độ cao.
- Tập trung đầu tư nguồn lực nhằm
nâng cao năng lực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, trong
đó ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu làm chủ công
nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ sinh học mà Việt Nam có lợi thế.
- Tiếp tục đầu tư hoàn thiện, sớm đưa các
trung tâm công nghệ sinh học quốc gia ở ba miền Bắc, Trung, Nam vào hoạt động;
hiện đại hoá hệ thống phòng thí nghiệm công nghệ sinh học, các trung tâm
đánh giá, kiểm định; xây dựng một số trung tâm kiểm soát dịch bệnh theo tiêu
chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu giám sát và phòng, chống dịch bệnh.
- Hỗ trợ, phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ,
ươm tạo doanh nghiệp khoa học - công nghệ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh
học. Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng
tạo, hiện đại hoá công nghệ, thiết bị nhằm sản xuất sản phẩm công nghệ đạt
trình độ quốc tế; nâng cao năng lực của các cơ sở nghiên cứu công nghệ sinh học
lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
5. Đẩy
mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học
Tăng cường hợp
tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tuân thủ các điều ước quốc tế có
liên quan đến công nghệ sinh học mà Việt Nam tham gia. Có chính sách mua, chuyển
giao, trao đổi công nghệ sinh học, trong đó quan tâm nghiên cứu, chuyển giao
công nghệ mới, công nghệ có giá trị cao của thế giới vào Việt Nam; hợp tác
nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế sinh học,
quản lý tài nguyên, quản lý kinh tế, xã hội bền vững với các quốc gia có trình độ công nghệ sinh học phát triển.
V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền
nội dung Nghị quyết tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; xây dựng
các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết.
2. Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi,
hoàn thiện pháp luật; tăng cường giám sát hoạt động phát triển và ứng dụng công
nghệ sinh học.
3. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng
chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết; chỉ đạo xây dựng, hoàn
thiện chính sách liên quan đến phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; ưu
tiên bố trí nguồn lực tài chính để thực hiện Nghị quyết; rà soát, sửa đổi, bổ
sung các văn bản dưới luật có liên quan đến phát triển và ứng dụng công nghệ
sinh học.
4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị -
xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch hướng dẫn, vận động Nhân dân thực hiện Nghị
quyết, phát huy vai trò phản biện xã hội, tham gia xây dựng pháp luật, cơ chế,
chính sách về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.
5. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan tổ chức, hướng dẫn việc quán triệt thực hiện Nghị quyết; định kỳ
sơ kết, tổng kết việc thực hiện, báo cáo Bộ Chính trị.
Nơi nhận:
- Các tỉnh uỷ, thành uỷ,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng,
đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương,
- Ban Bí thư Trung ương
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
- Các đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Uỷ viên
Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
TỔNG BÍ THƯ
Nguyễn Phú Trọng
|