ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3888/KH-UBND
|
Bình Thuận, ngày
10 tháng 10 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG SỐ CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
Căn cứ Quyết định số
885/QĐ-BTTTT ngày 25/5/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ tiêu
chí đánh giá phát triển hạ tầng số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương.
Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TU,
ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) về chuyển đổi
số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 1282/KH-UBND ngày
04/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm
2030.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế
hoạch phát triển hạ tầng số của tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Phát triển hạ tầng số (bao gồm
hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số,
nền tảng số) băng rộng, siêu rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, mở, đáp ứng
yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Hạ tầng số được phát triển
nhanh, phát triển trước phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số
của tỉnh.
- Hạ tầng số của tỉnh được phát
triển góp phần hoàn thành các mục tiêu trong Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày
18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) về chuyển đổi số
đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch số 1282/KH-UBND ngày 04/5/2022
của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng
bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Phát triển hạ tầng số đáp ứng
xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ cho chuyển đổi
số toàn diện của tỉnh Bình Thuận. Nâng cao chất lượng mạng 4G, từng bước triển
khai mạng 5G. Phổ cập Internet băng rộng như một tiện ích thiết yếu, đặc biệt
là khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Thúc đẩy chuyển
dịch từ dịch vụ viễn thông cơ bản sang dịch vụ công nghệ thông tin và truyền
thông.
- Phát triển hạ tầng số làm cơ
sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp viễn thông phối hợp
trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp hoàn
thành các mục tiêu đề ra. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hạ
tầng viễn thông, chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông của tỉnh. Đảm bảo an
toàn thông tin, an ninh mạng lưới, giảm thiểu các sự cố mất thông tin liên lạc,
đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị.
2. Yêu cầu
- Hạ tầng số được lập kế hoạch,
triển khai song song, đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng chiếu
sáng, hạ tầng công trình ngầm, các hạ tầng kỹ thuật khác.
- Các doanh nghiệp phối hợp
phát triển hạ tầng số theo nguyên tắc dùng chung, chia sẻ….
- Hạ tầng số phát triển theo hướng
mở, ảo hóa, tối ưu cho việc dùng chung để có thể được cung cấp như một dịch vụ,
trong đó giải pháp đột phá là hạ tầng điện toán đám mây và các nền tảng số.
- Phát triển hạ tầng số phải đảm
bảo tính kế thừa, đồng bộ, có bước đi và lộ trình cụ thể.
- Hạ tầng số được phát triển an
toàn, tin cậy, góp phần tạo lập niềm tin số.
- Tuân thủ các quy định, quy
chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan trong việc phát triển hạ tầng, cung cấp
dịch vụ viễn thông cho chuyển đổi số.
- Thực hiện nghiêm chỉ đạo của
Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền Thông để triển khai thực hiện có hiệu quả các
mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước và tình
hình thực tế của tỉnh.
II. MỤC TIÊU
ĐẾN NĂM 2025
1. Hạ tầng viễn thông băng rộng
- Tỷ lệ thôn, bản được phủ băng
rộng di động đạt 100%.
- Tỷ lệ thôn, bản được phủ băng
rộng cố định (FTTH) đạt 100%.
- Tỷ lệ dùng chung vị trí trạm
BTS/Tổng số trạm được xây dựng mới đạt 30%.
- Tỷ lệ dân số được phủ sóng di
động băng thông rộng đạt 100%.
- Hạ tầng mạng băng rộng cáp
quang phủ trên 80% hộ gia đình, trường học, bệnh viện.
- Tỷ lệ phổ cập dịch vụ mạng
băng rộng di động 4G/5G phủ toàn tỉnh đạt 100%.
- Tiếp tục duy trì 100% Ủy ban
nhân dân cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng.
2. Sử dụng dịch vụ viễn
thông
- Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện
thoại thông minh (SMP)/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 80%.
- Tỷ lệ người sử dụng Internet
đạt 95%.
- Tỷ lệ hộ gia đình có khả năng
tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu đạt 100%.
- Tỷ lệ hộ gia đình có truy cập
Internet (bao gồm băng rộng cố định và băng rộng di động) đạt 90%.
- Tỷ lệ dân số trưởng thành có
điện thoại thông minh đạt 100%.
- Các tổ chức kinh tế xã hội
như: Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở,
hộ gia đình tại khu vực thành thị có thể truy cập kết nối Internet với tốc độ tối
thiểu 200 Mbps và có thể đạt đến tốc độ 1 Gbps đạt 100%.
- Mạng băng rộng di động với tốc
độ trung bình 70Mb/s phủ sóng 100% dân số.
- 100% hạ tầng thiết yếu như
giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị có khả năng tích hợp cảm biến và ứng
dụng Internet vạn vật (IoT).
- Có khả năng phủ sóng kết nối IoT
bao phủ các khu công nghiệp, sản xuất; sẵn sàng cung cấp dịch vụ, khả năng tích
hợp với tất cả các thành phần hạ tầng vật lý của các ngành: Y tế, giáo dục,
giao thông, năng lượng, điện, nước…
3. Hạ tầng trung tâm dữ liệu
và điện toán đám mây
- Có 80% hệ thống thông tin
dùng chung của tỉnh có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.
- Có 80% cơ quan quản lý Nhà nước
trong tỉnh dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số.
- Trung bình mỗi người dân có
thể có 1 tài khoản sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.
4. Hạ tầng công nghệ số
- Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo
(AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), IoT bước đầu thâm nhập vào nhiều lĩnh
vực kinh tế - xã hội.
- AI, blockchain, IoT hỗ trợ hiệu
quả cho chương trình chuyển đổi số của tỉnh, phát triển kinh tế số, đóng vai
trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ thống quản trị số địa phương và năng lực
quản trị.
5. Nền tảng số có tính chất
hạ tầng
- 100% cơ quan, tổ chức
Nhà nước, 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số có tính chất hạ tầng(*) phục vụ chuyển đổi số.
- Tỷ lệ dân số có danh tính số
đạt 100%.
- Tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở
lên có tài khoản thanh toán điện tử đạt 50%.
- Hình thành hệ sinh thái nền tảng
số đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để phát triển
chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa
bàn, góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển
chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
III. NHIỆM VỤ
1. Đẩy mạnh
đầu tư vào các hạ tầng băng rộng, ứng dụng các công nghệ mới
- Đầu tư, xây dựng, phát triển
hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao (Gb/s, Tb/s), tăng cường phát triển thuê
bao băng rộng cố định FTTH tới hộ gia đình; đảm bảo cung cấp dịch vụ truy cập
Internet băng thông rộng tốc độ cao được phổ cập tới các cơ quan, tổ chức, bệnh
viện, trường học. Ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chất lượng
cao trong các cơ quan Nhà nước, trường học, bệnh viện, địa điểm du lịch trên địa
bàn tỉnh, khu công nghiệp....
- Đầu tư, xây dựng, phát triển
hạ tầng băng rộng di động chất lượng cao (4G/5G/…) trên phạm vi toàn tỉnh; thực
hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ (2G/3G) và chương trình thúc đẩy sử dụng
điện thoại thông minh cho người dân.
- Đầu tư, xây dựng, phát triển
hạ tầng kết nối mạng IoT đáp ứng được yêu cầu của các lĩnh vực có liên quan như
công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị; ứng dụng
IoT vào quản lý, giải quyết các mục tiêu về phát triển và quản lý hạ tầng (đặc
biệt là hạ tầng đô thị).
- Đầu tư, xây dựng, phát triển,
mở rộng hạ tầng trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán đám mây và mạng phân phối
dữ liệu.
- Chuyển đổi toàn bộ mạng lưới,
hệ thống thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin sang ứng dụng địa chỉ giao thức
Internet thế hệ mới (IPv6).
- Mở rộng vùng cung cấp dịch vụ
viễn thông trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa các phương thức cáp quang, di động,
vệ tinh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an
ninh.
- Tăng cường phối hợp, chia sẻ,
sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để tăng hiệu quả đầu
tư, phát triển, xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp bảo đảm mỹ quan và an toàn
cho người dân; triển khai các phương pháp chia sẻ hạ tầng tiên tiến (thụ động/tích
cực tích hợp với các hạ tầng liên ngành có tính thiết yếu như điện, nước); triển
khai chuyển vùng (roaming) trong nước trên các hạ tầng di động (4G/5G).
- Triển khai các hoạt động thúc
đẩy phổ cập điện thoại di động thông minh, hỗ trợ người dân tiếp cận nhanh với
quá trình chuyển đổi số, khai thác hiệu quả các dịch vụ số.
2. Phát triển
hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây
- Quy hoạch các trung tâm dữ liệu,
dự phòng lẫn nhau qua kênh truyền cáp quang dùng riêng, có đường truyền
Internet băng rộng tốc độ cao kết nối trực tiếp với trạm trung chuyển Internet
quốc gia.
- Tuyên truyền, khuyến khích,
thúc đẩy các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân ưu tiên dùng các nền tảng
điện toán đám mây, sản phẩm dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây do các
doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.
- Nghiên cứu, áp dụng tiêu chuẩn
tích hợp, sử dụng hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng IoT trong việc phát triển
các lĩnh vực của kinh tế số như thương mại điện tử; chăm sóc sức khỏe từ xa;
công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.
3. Chuyển đổi
từ cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang cung cấp dịch vụ số, phát triển
các nền tảng cung cấp hạ tầng như dịch vụ
- Phát triển chính phủ số, triển
khai các hạ tầng số phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền
số.
- Đầu tư, xây dựng, phát triển các
nền tảng số cung cấp hạ tầng như dịch vụ, phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế số,
xã hội số.
4. Hạ tầng
công nghệ số
Hạ tầng công nghệ số là các nền
tảng dựa trên đám mây cung cấp các công cụ và hạ tầng công nghệ cần để xây dựng
và triển khai các ứng dụng:
- Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số
(AI, blockhain, IoT) trong các lĩnh vực dịch vụ công như định danh số, lưu trữ
dữ liệu và quản trị số, hỗ trợ tính minh bạch, bình đẳng và chính xác của các dịch
vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; phát triển đô
thị thông minh.
- Áp dụng hệ thống tiêu chuẩn kỹ
thuật quốc gia về công nghệ số (AI, blockchain, IoT). Tích cực tham gia vào các
hoạt động tiêu chuẩn hóa toàn cầu AI, blockchain, IoT và thiết lập tiêu chuẩn
quốc tế.
- Thúc đẩy việc tích hợp AI,
blockchain, IoT, dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud Computing) tạo
ra một hạ tầng công nghệ số an toàn, có thể kiểm soát và tương thích.
- Tăng cường quản lý quyền sở hữu
trí tuệ, bằng sáng chế, nhãn hiệu và bản quyền công nghệ số có giá trị cao.
Khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác thiết lập một cơ chế bảo vệ quyền sở hữu
trí tuệ thông qua nhóm bằng sáng chế công nghệ số, liên minh sở hữu trí tuệ
công nghệ số và các mô hình khác.
5. Phát triển
nền tảng số
Tập trung phát triển các nền tảng
số phục vụ chuyển đổi số của tỉnh bao gồm:
- Phát triển các nền tảng số do
cơ quan Nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ,
sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước hoặc cung
cấp dịch vụ công phục vụ xã hội bao gồm: Nền tảng định danh và xác thực điện tử
quốc gia, nền tảng địa chỉ số: Nền tảng bản đồ số, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ
liệu, nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu, nền tảng dạy học trực tuyến, nền tảng
học kỹ năng trực tuyến mở (MOOCS), nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa,
nền tảng trợ lý ảo hỗ trợ công chức và người dân.
- Phát triển các nền tảng số phục
vụ chuyển đổi số ngành của các ngành, lĩnh vực: Y tế, giáo dục, tài chính, ngân
hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải, logistics, năng lượng, tài nguyên và môi
trường, sản xuất công nghiệp.
- Thúc đẩy phát triển các nền tảng
số do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ, cung cấp dịch vụ phục vụ
nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.
6. Bảo đảm an
toàn thông tin, an ninh mạng, quyền lợi người dùng
- Triển khai áp dụng khung quản
lý an toàn cơ sở hạ tầng số, bảo đảm việc áp dụng thống nhất các chính sách,
quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an toàn đối với hạ tầng số.
- Chủ động thực hiện đồng bộ
các biện pháp phát hiện, xử lý các nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật;
từ chối hợp tác, kinh doanh với các tổ chức, doanh nghiệp có hành vi vi phạm
pháp luật và không để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm
pháp luật sử dụng hạ tầng của mình.
- Bảo đảm an toàn, an ninh
thông tin khi cung cấp các dịch vụ trên nền tảng số cho tổ chức, cá nhân; có
phương án, hệ thống dự phòng bảo đảm an toàn, an ninh cho các tình huống xấu nhất.
IV. GIẢI
PHÁP
1. Thông tin, tuyên truyền
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số trên các
phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử/Trang thông tin điện tử
của các cấp, các ngành, mạng xã hội để từng bước nâng cao nhận thức của người
dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng chuyên mục tuyên
truyền, phổ biến kết quả, thành tựu của các doanh nghiệp viễn thông trong quá
trình phát triển hạ tầng số phục vụ chương trình chuyển đổi số của tỉnh.
- Tổ chức các hội thảo chuyên đề
về phát triển hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số; triển lãm về các giải
pháp công nghệ mới phát triển hạ tầng số của các doanh nghiệp viễn thông trên địa
bàn tỉnh, tuyên dương các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt
chiến lược “Make in Viet Nam”.
2. Ưu tiên phát triển hạ tầng
số
- Nghiên cứu, áp dụng các tiêu
chuẩn, quy chuẩn về việc tích hợp các thành phần của hạ tầng số (đặc biệt là hạ
tầng băng rộng, hạ tầng IoT) trong các công trình xây dựng dân dụng.
- Bảo đảm trong quy hoạch hạ tầng
kỹ thuật đô thị, quy hoạch của khu vực, của từng ngành, địa phương phải có
phương án quản lý, thúc đẩy phát triển hạ tầng số (ưu tiên không gian, vị trí,
tạo điều kiện để phát triển hạ tầng băng rộng, xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ
liệu...).
- Xây dựng quy hoạch hạ tầng viễn
thông tích hợp trong quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến
năm 2050.
- Triển khai chương trình cung
cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
- Quản lý xây dựng và đảm bảo
chất lượng xây dựng các công trình viễn thông theo quy định; tạo điều kiện bố
trí vị trí (đất, trụ sở cơ quan, nhà dân,…) khi xây dựng, lắp đặt công trình hạ
tầng kỹ thuật viễn thông.
- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tỷ
trọng kinh tế từ dịch vụ viễn thông cơ bản (thoại, dữ liệu) sang dịch vụ công
nghệ thông tin và truyền thông.
3. Thu hút mọi nguồn lực của
xã hội tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng số
- Khuyến khích doanh nghiệp tư
nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông cho chuyển đổi số.
- Khuyến khích mọi thành phần
kinh tế cùng tham gia xây dựng, phát triển, khai thác hạ tầng viễn thông và xây
dựng hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động (cột anten, cột treo cáp, cống
bể cáp, hào và tuynel kỹ thuật); đa dạng hóa các dịch vụ viễn thông. Hỗ trợ để
thu hút đầu tư viễn thông vào các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.
- Có chính sách ưu tiên người sử
dụng thiết bị do Việt Nam sản xuất và hỗ trợ, trợ giá cho các hộ nghèo, cận
nghèo, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh, đảm bảo 100% người
dân được tiếp cận chương trình phổ cập điện thoại thông minh (smartphone).
4. Tạo đột phá về năng lực,
mạng lưới
- Triển khai các biện pháp phổ
cập mạng băng thông rộng cáp quang hộ gia đình, phổ cập điện thoại di động
thông minh, kết nối mọi người dân, mọi hộ gia đình.
- Triển khai, xây dựng, mở rộng
mạng cáp quang đất liền, mạng trục; có dự phòng; đảm bảo phát triển nhanh, bền
vững.
- Triển khai các biện pháp dùng
chung, cùng phát triển, cùng khai thác hạ tầng.
- Triển khai các nền tảng số
dùng chung của tỉnh bảo đảm phù hợp, tương thích và có khả năng triển khai trên
hạ tầng điện toán đám mây (nền tảng số hóa, nền tảng du lịch số, nền tảng công
dân số, nền tảng thanh toán trực tuyến; các nền tảng công nghệ khác). Triển
khai các nền tảng số quốc gia dùng chung theo ngành, lĩnh vực do các bộ, ngành
Trung ương chủ trì xây dựng, triển khai.
5. Nghiên cứu, ứng dụng khoa
học - công nghệ
- Tập trung nguồn lực về tài
chính và con người cho nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ trong
lĩnh vực viễn thông nhằm ứng dụng, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh
tranh của các doanh nghiệp viễn thông.
- Ứng dụng công nghệ tiên tiến,
hiện đại, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong việc thiết lập mạng
lưới, cung cấp dịch vụ viễn thông; phổ cập nhanh các dịch vụ viễn thông đến người
dân với chất lượng tốt và giá cước hợp lý.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
thông tin vào việc quản lý, khai thác mạng lưới, cung cấp dịch vụ để giảm chi
phí, giá thành và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đồng thời bảo đảm
tính thống nhất, an toàn, an ninh thông tin.
6. Hợp tác trong nước
Tăng cường trao đổi hợp tác với
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phát triển hạ tầng viễn thông trở
thành hạ tầng số.
V. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
Nguồn ngân sách nhà nước theo
phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí
hợp pháp khác.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền
thông
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của
Kế hoạch. Đồng thời, có văn bản đề nghị các cơ quan báo chí thông tin, tuyên
truyền về nội dung Kế hoạch này và kết quả phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ
chuyển đổi số của tỉnh.
- Phối hợp các cơ quan chuyên
môn thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý Nhà nước về viễn
thông, triển khai các giải pháp định hướng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp viễn
thông trên địa bàn tỉnh phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh
tranh.
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thực hiện
việc xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phù hợp với
quy hoạch kiến trúc, đô thị của tỉnh và quy định của pháp luật về xây dựng.
- Phối hợp với các sở, ban,
ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp viễn thông.
- Xây dựng, phát triển hệ thống
thông tin quản lý hạ tầng viễn thông tích hợp với bản đồ số; thực hiện chuyển đổi
số trong công tác quản lý Nhà nước về viễn thông.
- Theo dõi, đánh giá, tổng hợp
và định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện;
kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung kế hoạch (nếu cần thiết) đảm bảo
phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành và địa phương có liên quan tổ chức thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
chấp thuận chủ trương đầu tư dự án về phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh
theo quy định.
3. Sở Tài chính
- Trên cơ sở dự toán hàng năm của
các sở, ngành; Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng
nhân dân tỉnh giao dự toán kinh phí thường xuyên để thực hiện Kế hoạch theo
phân cấp nhiệm vụ chi phù hợp khả năng ngân sách địa phương theo quy định của
Luật Ngân sách nhà nước.
- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền
thông, các đơn vị liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh
phục vụ phát triển hạ tầng viễn thông theo đúng quy định của pháp luật và chức
năng nhiệm vụ được giao.
4. Sở Xây dựng
- Tiếp nhận thông tin phản ánh
về các trường hợp xây dựng công trình hạ tầng viễn thông sử dụng chung không
đúng quy định, không đảm bảo an toàn và các sự cố công trình xây dựng hạ tầng
viễn thông sử dụng chung để kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan
khắc phục và xử lý theo quy định đối với các công trình thuộc thẩm quyền xử lý
theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên
quan hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thực hiện việc xây dựng
công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phù hợp với quy hoạch xây dựng
và quy định của pháp luật về xây dựng.
5. Công an tỉnh
Tham gia kiểm tra, thẩm định,
đánh giá điều kiện an ninh, an toàn thông tin theo quy định trong việc trang bị,
mua sắm các thiết bị hạ tầng số; giám sát an toàn cơ sở hạ tầng số và an ninh mạng
đối với hệ thống thông tin của tỉnh. Xác định, cảnh báo, xử lý các nguy cơ đe dọa
hạ tầng số, an ninh mạng; phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp
luật liên quan đến vụ việc sử dụng hạ tầng số và an ninh mạng theo quy định.
6. Báo Bình Thuận, Đài Phát
thanh - Truyền hình Bình Thuận
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền
về chuyển đổi số của tỉnh. Xây dựng chuyên mục tuyên truyền, phổ biến kết quả,
thành tựu của các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình phát triển hạ tầng số
phục vụ chương trình chuyển đổi số của tỉnh
7. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố
- Hỗ trợ, tạo điều kiện các
doanh nghiệp viễn thông triển khai các nhiệm vụ phát triển hạ tầng, nâng cao chất
lượng dịch vụ viễn thông trên địa bàn quản lý phù hợp với quy hoạch phát triển
ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông trong công tác quản lý Nhà nước về viễn thông. Tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về xây dựng, phát
triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo đúng quy định của pháp luật.
- Rà soát, đánh giá chất lượng
thiết bị kỹ thuật của đài truyền thanh cấp xã xây dựng kế hoạch, lộ trình triển
khai hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trên
địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với sở,
ban, ngành liên quan lập danh mục các tuyến đường trong các đô thị cần phải xây
dựng sửa chữa, nâng cấp công trình hạ tầng viễn thông sử dụng chung; tiếp nhận
thông tin phản ánh về các trường hợp xây dựng công trình hạ tầng viễn thông sử
dụng chung không đúng quy định, không đảm bảo an toàn; các sự cố về công trình
hạ tầng viễn thông sử dụng chung để kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị
có liên quan khắc phục và xử lý theo quy định.
8. Các doanh nghiệp viễn
thông, Internet, doanh nghiệp cung cấp trung tâm dữ liệu
- Trên cơ sở những nội dung định
hướng của tỉnh tại Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực
hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả phục vụ chương trình chuyển đổi số của tỉnh.
- Tuân thủ các quy định về cấp
phép và quản lý xây dựng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ
động; chấp hành các quy định về sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật; tăng cường việc
chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông và hạ tầng kỹ thuật liên ngành; xác định
giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật được sử dụng chung do doanh nghiệp đầu
tư.
- Phối hợp với các sở, ngành,
các đơn vị và các doanh nghiệp liên quan đến đầu tư hạ tầng, thống nhất phương
án đầu tư xây dựng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng; đầu tư xây dựng các công
trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đồng bộ với đầu tư các công trình hạ
tầng kỹ thuật khác./.
Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh (Đ/c Minh);
- Công an tỉnh;
- Cục Thuế tỉnh;
- Các cơ quan chuyên môn;
- Trường CĐ Bình Thuận;
- Báo BT, Đài PT-TH Bình Thuận;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh;
- Lưu: VT,TTTT, KGVXNV, Trang.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Minh
|
*
Nền tảng số có tính chất hạ tầng là nền tảng hình thành hạ tầng cho kinh tế số,
xã hội số, chính phủ số: Nền tảng định danh và xác thực điện tử quốc gia, nền tảng
địa chỉ số quốc gia, nền tảng bản đồ số quốc gia, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ
liệu quốc gia, nền tảng phát thanh, truyền hình quốc gia, nền tảng thanh toán
điện tử quốc gia, nền tảng hóa đơn điện tử quốc gia, nền tảng chứng thư điện tử
quốc gia.