ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 230/KH-UBND
|
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2014
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC CHUẨN HÓA DỮ LIỆU, SỐ HÓA TÀI LIỆU HỒ SƠ ĐĂNG
KÝ DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thực hiện Nghị định số 43/2010/NĐ-CP
ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, Quyết định số 419/QĐ-TTg
ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới quản lý nhà nước
đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập, Thông tư số 01/2013/TT-BKHĐT ngày
21/01/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, căn cứ
Quyết định số 1852/QĐ-BKHĐT ngày 28/12/2012 và công văn số 2430/BKHĐT-ĐKKD ngày
16/4/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc triển khai công tác chuẩn hóa dữ liệu,
số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, UBND
Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển
khai thực hiện công tác chuẩn hóa dữ liệu, số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh
nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:
I. Mục đích, yêu cầu:
1. Mục đích: Góp phần xây dựng và hoàn thiện Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc
gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định
số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; Thực hiện
quy định về bổ sung, chuẩn hóa thông tin về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế
tại Thông tư số 01/2013/TT-BKHĐT ngày 21/01/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng
dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
2. Yêu cầu:
2.1. Đối với công tác rà soát
và chuẩn hóa dữ liệu doanh nghiệp:
- Tìm ra những thông tin doanh nghiệp
sai lệch, còn thiếu và chưa đồng bộ giữa Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh của
doanh nghiệp và dữ liệu trên Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia
(NBRS); giữa Hệ thống thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia và Hệ thống thông
tin thuế của Tổng cục Thuế.
- Xác định các doanh nghiệp có thông
tin thiếu, chưa chính xác, chưa được thống nhất để đính chính, cập nhật, bổ
sung nhằm đạt được thông tin đầy đủ, chính xác nhất của mỗi doanh nghiệp trên cả
2 hệ thống (Đăng ký kinh doanh quốc gia và Tổng cục thuế).
- Xác định danh sách doanh nghiệp
không còn hoạt động để làm cơ sở cho việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp;
2.2. Đối với công tác số hóa
tài liệu:
- Đảm bảo duy trì thông tin doanh
nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với hồ sơ giấy của
doanh nghiệp trong kho lưu trữ; Hỗ trợ việc sao lưu dự phòng tài liệu lưu trữ gốc;
Hỗ trợ việc thực hiện duy tu, bảo dưỡng và kiểm soát thông tin, tài liệu; giảm
thiểu sự xuống cấp về mặt vật lý và hóa học
của tài liệu gốc bằng giấy trong quá trình khai thác, sử dụng.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ công
thông qua việc liên tục cập nhật, số hóa thông tin lưu trữ doanh nghiệp và tạo
ra cách thức truy cập dễ dàng.
- Nâng cao việc tiếp cận và chia sẻ
nhiều hơn các thông tin về hồ sơ, tài liệu lưu trữ của doanh nghiệp đối với mọi
tổ chức, cá nhân.
II. Nội dung triển
khai:
1. Đối tượng triển
khai, thực hiện:
- Chương trình chuẩn hóa dữ liệu được
triển khai đối với tất cả các đối tượng doanh nghiệp đã thành lập và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy
chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp hiện đang còn hoạt động, tạm ngừng hoạt động; Các doanh nghiệp đã:
giải thể, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển trụ sở sang thành/thành phố khác mà vẫn còn dữ liệu trên Hệ thống
thông tin ĐKDN Quốc Gia.
- Cơ quan chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu
tư;
- Các cơ quan phối hợp: Cục thuế; UBND các quận, huyện, thị xã; các Sở, ban,
ngành liên quan công tác đăng ký doanh nghiệp;
- Cơ quan hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ:
Cục quản lý Đăng ký kinh doanh
2. Phạm vi, hình
thức triển khai:
2.1. Rà soát, chuẩn hóa dữ liệu
doanh nghiệp:
- Thực hiện rà soát toàn bộ các thông
tin về doanh nghiệp đã đăng ký trên địa bàn thành phố Hà Nội; so sánh đối chiếu
với thông tin đăng ký thuế, dựa trên các tiêu chí: Danh sách doanh nghiệp đã
nghỉ kinh doanh; Danh sách doanh nghiệp đã đóng mã số thuế (hoặc đã giải thể)
còn tồn tại trên hệ thống ĐKDN Quốc Gia; Danh sách doanh nghiệp có ĐKKD nhưng
không đăng ký thuế; danh sách doanh nghiệp có dữ liệu chưa trùng khớp giữa cơ
quan ĐKKD và cơ quan Thuế.
- Cơ quan đăng ký kinh doanh gửi
thông báo rà soát, cập nhật thông tin về đăng ký doanh nghiệp đến các doanh
nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp tự đối chiếu, kiểm tra thông tin đăng ký
doanh nghiệp có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp so với
thông tin hiện tại của doanh nghiệp và thực hiện phản hồi lại cho cơ quan đăng
ký kinh doanh để thực hiện bổ sung, cập nhật, đính chính thông tin đăng ký doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin
đăng ký doanh nghiệp quốc gia hoặc xử lý các trường hợp doanh nghiệp vi phạm
các quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp có trách nhiệm tự đối
chiếu, kiểm tra thông tin đăng ký doanh nghiệp có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia
về đăng ký doanh nghiệp (trên Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia tại
địa chỉ: http://dangkykinhdoanh.gov.vn
hoặc truy cập trực tiếp vào địa chỉ http://hieudinh.dangkykinhdoanh.gov.vn và làm theo hướng dẫn), so
sánh với thông tin hiện tại của doanh nghiệp để phản hồi lại Thông báo rà soát,
cập nhật thông tin về đăng ký doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh, đồng
thời thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo các quy định của pháp luật
(nếu cần thiết).
2.2. Số hóa thông tin tài liệu
hồ sơ đăng ký doanh nghiệp:
- Thực hiện số hóa khoảng: 168.000 hồ
sơ doanh nghiệp; 12.000 hồ sơ chi nhánh, văn phòng đại diện đã đăng ký và đang
hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội (số liệu ước đến hết 2014) theo phương
thức: Hợp đồng với doanh nghiệp/đơn vị có năng lực và kinh nghiệm về nhập tin,
số hóa tài liệu.
- Tải và lưu trữ hồ sơ tài liệu đã số
hóa vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
3. Công tác chuẩn
bị:
3.1. Thực hiện việc tuyên truyền,
phổ biến nội dung chương trình chuẩn hóa dữ liệu
đăng ký doanh nghiệp đến cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan:
- Đăng thông tin, kế hoạch triển khai
chuẩn hóa dữ liệu, số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên trang web của
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế Đô thị, Đài
Phát thanh và Truyền hình Hà Nội;
- Niêm yết thông báo tại Bộ phận một
cửa của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội;
3.2. Thực hiện công tác phối hợp
trong việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu:
- Phối hợp với Cục Thuế, UBND các quận,
huyện, thị xã trong việc gửi Thông báo cho doanh nghiệp;
- Phối hợp với cơ quan thuế, công bố
danh sách các doanh nghiệp vi phạm trên trang web của Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Cục thuế Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế Đô thị, Đài Phát thanh
và Truyền hình Hà Nội;
- Phối hợp với cơ quan thuế, công an
các quận, huyện, thị xã trong việc thu hồi Giấy chứng nhận ĐKKD/ĐKDN đối với
các trường hợp thuộc diện thu hồi;
4. Nội dung thực
hiện:
Trên cơ sở danh sách 134.735 doanh
nghiệp do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế
hoạch và Đầu tư cung cấp. Tiến hành rà soát, phân loại đối với các doanh
nghiệp đã thành lập và được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh/Giấy chứng
nhận Đăng ký kinh doanh và Đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp
(trừ các doanh nghiệp được cấp mới trên Hệ thống thông tin ĐKDN Quốc Gia) trên
địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể:
4.1. Tiến hành rà soát, xác định
danh sách doanh nghiệp theo các tiêu chí gồm:
- Danh sách doanh nghiệp “Ngừng hoạt
động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế (tình trạng thuế 03)” khoảng:
22.327 doanh nghiệp;
- Danh sách “Doanh nghiệp chưa cập nhật,
hiệu đính thông tin kể từ ngày chuyển đổi dữ liệu phần mềm ĐKKD cũ lên Hệ thống
thông tin ĐKDN Quốc gia” khoảng: 55.122 doanh nghiệp;
- Danh sách “Doanh nghiệp còn thiếu
thông tin đăng ký doanh nghiệp trên Hệ thống
thông tin ĐKDN Quốc gia” khoảng: 26.462 doanh nghiệp;
- Danh sách “Doanh nghiệp bị trống mã
số thuế trên Hệ thống thông tin ĐKDN Quốc gia” khoảng: 30.824 doanh nghiệp.
4.2. Gửi thông báo đến địa chỉ
các doanh nghiệp có dữ liệu sai lệch, thiếu, vi phạm... để yêu cầu rà soát, cập
nhật thông tin chính xác về doanh nghiệp theo mẫu
quy định về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.
4.3. Theo dõi, cập nhật tình
hình triển khai gồm: Doanh nghiệp đã gửi thông
báo, doanh nghiệp đã nhận được thông báo/chưa nhận được thông báo; doanh nghiệp
đã phản hồi/doanh nghiệp không có phản hồi; Dữ liệu doanh nghiệp đã được điều
chỉnh; cảnh báo; vi phạm vào mục “Trạng thái xử lý” tại Phần mềm chuẩn hóa dữ
liệu của Cục quản lý ĐKKD.
4.4. Thực hiện bổ sung, cập nhật,
đính chính thông tin đăng ký của doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin ĐKDN quốc
gia như: Mã số doanh nghiệp; tình trạng hoạt động;
số điện thoại, fax, email, website; thông tin Người đại diện pháp luật; ngành
nghề kinh doanh chính; thông tin về đăng ký thuế (địa chỉ nhận thông báo thuế,
ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh, số lao động, các loại thuế phải nộp...); kết
nối, hiệu chỉnh thông tin các đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp...
4.5. Xử lý các trường hợp vi phạm:
- Lập danh sách các doanh nghiệp vi
phạm sau khi kết thúc thời hạn báo cáo;
- Công bố danh sách các doanh nghiệp
vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng và Cổng thông tin đăng ký doanh
nghiệp Quốc Gia;
- Ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp
báo cáo về tình hình ĐKKD (theo Điều 163 Luật Doanh nghiệp); Ra Quyết định thu
hồi ĐKKD đối với doanh nghiệp không có báo cáo sau 03 tháng theo Điều 165 Luật
Doanh nghiệp.
- Xử lý các doanh nghiệp bị “Cảnh
báo”/“Vi phạm” cập nhật tại Phần mềm chuẩn hóa dữ liệu trên Hệ thống thông tin
Đăng ký doanh nghiệp Quốc Gia;
- Phối hợp với Cơ quan thuế, công an,
UBND các địa phương thực hiện thu hồi Giấy
chứng nhận ĐKKD/ĐKDN theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy trình thu hồi
trên Hệ thống thông tin ĐKDN quốc gia;
4.6. Công bố danh sách doanh
nghiệp đã thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận ĐKKD/ĐKDN lên phương tiện thông tin đại chúng và Cổng thông tin ĐKDN Quốc gia;
4.7. Tiến hành số hóa thông tin
tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp: Rút hồ sơ
doanh nghiệp lưu trữ; Scan tài liệu, đặt tên và lưu trữ; Tải file tài liệu đã
lưu trữ vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
4.8. Hoàn thiện hồ sơ doanh
nghiệp đã số hóa tạo tiền đề cho việc nâng cao
năng lực, hiệu quả công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh.
5. Thời gian thực
hiện:
- Thời gian thực hiện kế hoạch dự kiến:
Từ 01/01/2015 đến 31/12/2016
6. Kinh phí thực hiện:
- Nguồn kinh phí thực hiện được sử dụng
từ: Nguồn vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ chi thường xuyên theo quy định tại Điều
48 Thông tư 01/2013/TT-BKH ngày 23/01/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn
về đăng ký doanh nghiệp; các nguồn vốn khác;
- Sở Kế
hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì) phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự
toán kinh phí thực hiện; Chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và thanh quyết toán
kinh phí thực hiện chương trình theo quy định của pháp luật;
III. Tổ chức thực
hiện:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Trình UBND
Thành phố phê duyệt kiện toàn “Tổ công tác liên ngành” trên cơ sở kiện toàn lại
Tổ công tác liên ngành đã được thành lập theo Quyết định số 5771/QĐ-UBND ngày 12/12/2011 và Quyết định số 5988/QĐ-UBND ngày 21/12/2012 của UBND thành phố Hà Nội;
- Tổ chức lựa chọn đơn vị/doanh nghiệp
có năng lực và kinh nghiệm thực hiện nhập tin, số hóa tài liệu;
- Hợp đồng thuê lao động để hỗ trợ
công tác nhập thông tin, in ấn thông báo và tài liệu …;
- Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện
triển khai chuẩn hóa dữ liệu và số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; Chịu
trách nhiệm quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện chương trình
công tác theo quy định của pháp luật;
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị có liên quan triển khai thực hiện
công tác rà soát, chuẩn hóa dữ liệu, số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;
- Duy trì thường xuyên công tác chuẩn
hóa dữ liệu, số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Chính
phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Cục Thuế:
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, xác định tình trạng
đăng ký thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Kiểm tra, rà soát
tình trạng hoạt động của doanh nghiệp như: Doanh nghiệp đã đăng ký, doanh nghiệp
bỏ địa chỉ kinh doanh không hoạt động, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, doanh
nghiệp đã đóng mã số thuế nhưng chưa làm thủ tục giải thể,... tổng hợp kết quả
làm cơ sở để chuẩn hóa dữ liệu quản lý doanh nghiệp giữa cơ quan thuế và cơ
quan đăng ký kinh doanh;
- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn
nghiệp vụ và Chi cục Thuế các quận, huyện, thị xã triển khai rà soát thông tin
đăng ký doanh nghiệp; kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp chấp hành
và thực hiện tốt yêu cầu kê khai, rà soát theo quy định;
- Cử cán bộ tham gia Tổ công tác liên
ngành theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
3. Sở Tài chính:
- Hướng dẫn, bố trí kinh phí thực hiện
công tác rà soát, chuẩn hóa dữ liệu, số hóa tài liệu đăng ký doanh nghiệp theo
đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định
pháp luật;
- Cử cán bộ tham gia Tổ công tác liên
ngành theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
4. Sở Thông tin và truyền thông,
Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội:
- Phối hợp tuyên truyền, phổ biến mục
đích, yêu cầu nội dung kế hoạch triển khai công tác rà soát, chuẩn hóa dữ liệu,
số hóa tài liệu đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố
Hà Nội, công bố danh sách doanh nghiệp theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Cử cán bộ tham gia Tổ công tác liên
ngành theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
5. UBND các quận, huyện, thị xã:
- Chỉ đạo các Phòng, ban chuyên môn,
UBND cấp xã, phường, thị trấn kiểm tra yêu cầu các doanh nghiệp đóng trên địa
bàn chấp hành và thực hiện tốt việc kê khai, rà soát thông tin doanh nghiệp.
Trong đó, chú trọng việc kiểm tra tình trạng hoạt động của doanh nghiệp trên địa
bàn: Phát hiện doanh nghiệp vi phạm quy định về trụ sở, biển hiệu; các doanh
nghiệp đã thông báo tạm ngừng hoạt động, giải thể hoặc bị đình chỉ hoạt động mà
vẫn hoạt động kinh doanh để lập danh sách báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh và
cơ quan thuế tổng hợp phục vụ công tác quản lý, chấn chỉnh doanh nghiệp.
- Cử cán bộ các phòng, ban chuyên môn
tham gia Tổ công tác liên ngành theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư;
UBND Thành
phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện,
thị xã và các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện và báo cáo thường xuyên, kịp thời
theo quy định; trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về
Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất
UBND Thành phố giải quyết./.
Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND TP; (để b/c)
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư; (để b/c)
- Chủ tịch UBND TP; (để b/c)
- Các PCT UBND TP; (để b/c)
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế; (để
th/hiện)
- Các Sở, Ban, ngành thuộc Thành phố; (để th/hiện)
- Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; (để th/hiện)
- CVP, các PCVP, các phòng CV; (để th/hiện)
- Các Cơ quan báo, đài TP Hà Nội; (để th/hiện)
- Lưu: VT, CTh.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Tuấn
|