ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2140/KH-UBND
|
Bến
Tre, ngày 22 tháng 4
năm 2021
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CHUYỂN ĐỔI SỐ CẤP HUYỆN, CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
NĂM 2021
Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày
03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi
số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20
tháng 10 năm 2020 của Tỉnh ủy Bến Tre về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn
2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2581/QĐ-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về
việc phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn
2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
Thực hiện Kết luận số 01/KL-BCĐ ngày
10 tháng 3 năm 2021 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số về việc góp ý quy chế hoạt động,
phân công nhiệm vụ thành viên và định hướng nội dung trọng tâm trong tổ chức và
hoạt động, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện thí điểm chuyển đổi
số cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2021 với
các nội dung, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp
huyện, cấp xã nhằm đúc kết bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, góp phần hoàn thiện,
tăng tính khả thi khi triển khai Nghị quyết và Đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
- Xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp
huyện, cấp xã nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị,
thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi
số trong chính quyền huyện, xã để phục vụ và tương tác với người dân tốt hơn, nâng cao kỹ năng số cho người dân, mở rộng cơ hội tiếp
cận với công nghệ số, giúp người dân dễ dàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm
và các nét văn hóa đặc trưng của địa phương trên môi trường số.
- Thay đổi nhận thức của cộng đồng,
tư duy và ý chí quyết tâm của hệ thống chính trị trong tiếp cận, ứng dụng công
nghệ thông tin và truyền thông có vai trò quyết định trong chuyển đổi số tại địa
phương.
- Sử dụng nền tảng số sẵn có của các
doanh nghiệp công nghệ số nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí,
tăng hiệu quả.
2. Yêu cầu
- Mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp
huyện, cấp xã cần đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của địa phương,
giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết của địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên công nghệ số.
- Thực hiện thí điểm chuyển đổi số cấp
huyện, cấp xã được thực hiện kết hợp với Bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới
nâng cao trên cơ sở gắn kết các thành tựu công nghệ với các nội dung xây dựng
nông thôn mới.
- Triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi
số trên cơ sở bám sát Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số theo Quyết định số
1726/QĐ-BTTTT ngày 12 tháng 10 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Có sự tham gia toàn diện của hệ thống
chính trị, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện, xã được
chọn triển khai thí điểm. Định kỳ hàng tháng có kiểm tra,
báo cáo đánh giá và công bố kết quả thực hiện cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị.
- Huy động và sử dụng có hiệu quả các
nguồn lực thúc đẩy phát triển các nền
tảng công nghệ số, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số trên địa
bàn cấp huyện, cấp xã; Tận dụng, huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa phục vụ
chuyển đổi số của địa phương.
II. MỤC TIÊU
1. Mô hình chuyển
đổi số cấp huyện
1.1. Chính quyền
số
- 100% cán bộ, công chức cấp huyện, cấp
xã được đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
- 100% cán bộ, công chức cấp huyện, cấp
xã được cấp và sử dụng thư điện tử công vụ.
- 100% cán bộ, công chức cấp huyện, cấp
xã được cấp tài khoản và sử dụng tốt hệ thống quản lý văn bản và điều hành.
- 100% văn bản đi, đến (trừ những văn
bản mật theo quy định) của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn huyện (bao
gồm cấp huyện và cấp xã) được gửi, nhận liên thông qua môi trường mạng và đảm bảo
đầy đủ tính pháp lý của văn bản điện tử (văn bản điện tử có ký số đúng theo quy
định).
- 80% hồ sơ công việc cấp huyện, 60%
hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc
phạm vi bí mật nhà nước).
- 100% dịch vụ công trực tuyến đảm bảo
mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả
thiết bị di động.
- 100% các xã, thị trấn trên địa bàn
huyện có trang/ cổng thông tin điện tử và được cập nhật thông tin đầy đủ, kịp
thời và chính xác. Cổng thông tin điện tử của huyện được vận hành hiệu quả góp
phần giới thiệu tiềm năng kinh tế - xã hội của huyện; cung
cấp đầy đủ các chính sách pháp luật cho người dân và doanh nghiệp, cung cấp
thông tin chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước.
- 50% hệ thống truyền thanh cơ sở
(bao gồm hệ thống truyền thanh cũ) cấp huyện, cấp xã có sử dụng trí tuệ nhân tạo.
- Tạo được kênh giao tiếp đa chiều giữa
lãnh đạo cấp huyện và lãnh đạo cấp xã đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời
và an toàn an ninh thông tin.
- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ
tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý nhà nước góp phần xây dựng nền
hành chính hiện đại; bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch
trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân và doanh nghiệp
ngày càng tốt hơn.
1.2. Kinh tế số
- 100% người dân trên địa bàn huyện
được tuyên truyền về các chủ trương chính sách về chuyển đổi số.
- 100% người dân trên địa bàn huyện
được tuyên truyền, hướng dẫn và tiếp cận, đăng ký sử dụng ứng dụng “công dân số”
của Bưu điện Việt Nam (VNPost).
- 100% người dân trên địa bàn huyện
được tuyên truyền, hướng dẫn và tiếp cận các chương trình thanh toán không dùng
tiền mặt.
- Tại bộ phận một cửa cấp huyện và 100%
bộ phận một cửa cấp xã có hệ thống/ kios thanh toán không dùng tiền mặt.
- 100% các hộ kinh doanh cá thể, các
doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn huyện được tiếp cận chương trình hỗ trợ
doanh nghiệp chuyển đổi số.
- 100% các xã, thị trấn trên địa bàn
huyện phải đăng ký tối thiểu một sản phẩm nông sản hoặc các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp đặc thù của địa phương để xây dựng
thương hiệu và đưa lên sàn thương mại điện tử.
- Triển khai chương trình mỗi người
dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang, mỗi
hộ gia đình một địa chỉ số.
- Triển khai mô hình “Camera an ninh”
ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, lựa chọn đầu tư camera có hỗ trợ AI trên
các trục đường chính của huyện.
1.3. Xã hội số
- Y tế số: lựa chọn tối thiểu 01 xã được trang bị đầy đủ thiết bị để triển khai hệ thống
khám chữa bệnh từ xa qua nền tảng Telehealth cho phép kết nối trạm y tế xã với
mạng lưới hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa; Triển khai ứng dụng tư vấn sức khỏe TeleMedicine, hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện kết nối trực
tiếp với bác sĩ thông qua video call,...
- Giáo dục số: 100% trường học được kết
nối đường truyền băng thông rộng; 100% học sinh các cấp trên địa bàn huyện được
tiếp cận Internet và kho học liệu trực tuyến: thư viện số, giáo trình, bài giảng,
học liệu; triển khai sử dụng tốt phần
mềm kiểm định chất lượng giáo dục, phần mềm học và thi trực tuyến, phần mềm tuyển
sinh đầu cấp; thí điểm Mô hình giáo dục sáng tạo STEAM.
- Du lịch thông minh: thông qua ứng dụng
công nghệ số để quảng bá, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với địa
phương.
2. Mô hình chuyển
đổi số cấp xã
2.1. Chính quyền số
- 100% cán bộ, công chức xã được đào
tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
- 100% cán bộ, công chức xã được cấp
và sử dụng thư điện tử công vụ.
- 100% cán bộ, công chức xã được cấp
tài khoản và sử dụng tốt hệ thống quản lý văn bản và điều hành.
- 100% văn bản đi, đến (trừ những văn
bản mật theo quy định) được gửi, nhận liên thông qua môi trường mạng và đảm bảo
đầy đủ tính pháp lý của văn bản điện tử (văn bản điện tử có ký số đúng theo quy
định).
- 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử
lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
- 100% dịch vụ công trực tuyến đảm bảo
mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả
thiết bị di động.
- Xã có trang/ cổng thông tin điện tử
và được cập nhật thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác.
- Hệ thống truyền thanh xã (hệ thống
truyền thanh cũ) có sử dụng trí tuệ nhân tạo (ứng dụng giải
pháp “Text to Speech”).
- Tạo được kênh giao tiếp đa chiều giữa
lãnh đạo cấp xã và các Tổ trưởng tổ nhân dân tự quản đảm bảo thuận tiện, nhanh
chóng, kịp thời và an toàn an ninh thông tin.
- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tăng
cường ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý nhà nước góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại; bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả
và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân
và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
2.2. Kinh tế số
- 100% người dân trên địa bàn xã được
tuyên truyền về các chủ trương chính sách về chuyển đổi số.
- 100% người dân trên địa bàn xã được
tuyên truyền, hướng dẫn và tiếp cận, đăng ký sử dụng ứng dụng “công dân số” của
Bưu điện Việt Nam (VNPost).
- 100% người dân trên địa bàn xã được
tuyên truyền, hướng dẫn và tiếp cận các chương trình thanh toán không dùng tiền
mặt.
- Tại bộ phận một cửa của xã có hệ thống/
kios thanh toán không dùng tiền mặt.
- 100% các hộ kinh doanh cá thể, các
doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn xã được tiếp cận chương trình hỗ trợ doanh
nghiệp chuyển đổi số.
- Lựa chọn sản phẩm nông sản, các mặt
hàng tiểu thủ công nghiệp đặc thù của địa phương được xây dựng thương hiệu và
đưa lên sàn thương mại điện tử.
- Triển khai chương trình mỗi hộ gia
đình có một điện thoại thông minh, mỗi doanh nghiệp kinh doanh có một đường
Internet cáp quang.
- Triển khai mô hình “Camera an ninh”
trên địa bàn xã, lựa chọn đầu tư camera có hỗ trợ AI trên các trục đường chính
của xã.
2.3. Xã hội số
- Y tế số: đầu tư, trang bị đầy đủ
thiết bị để triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa qua nền tảng Telehealth
cho phép kết nối trạm y tế xã với mạng
lưới hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa; Triển khai ứng dụng tư vấn sức khỏe TeleMedicine, hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện kết nối trực
tiếp với bác sĩ thông qua video call,...
- Giáo dục số: 100% trường học được kết
nối đường truyền băng thông rộng; 100% học sinh các cấp trên địa bàn xã được tiếp
cận Internet và kho học liệu trực tuyến: thư viện số, giáo trình, bài giảng, học
liệu, giáo dục sáng tạo STEM/STEAM.
- Du lịch thông minh: thông qua ứng dụng
công nghệ số để quảng bá, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với địa
phương.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI
PHÁP
1. Phát triển nền
tảng cho chuyển đổi số
1.1. Chuyển đổi nhận thức
- Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực
tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực mình phụ trách; tổ chức
phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng,
chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của
chuyển đổi số. Gắn
các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, mục tiêu, nhiệm vụ phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tham gia các lớp tập huấn kiến thức
cơ bản về chuyển đổi số và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ
quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo.
- Tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện
chuyên đề về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm trao đổi
kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
- Xây dựng các chuyên mục thông tin,
tuyên truyền về kế hoạch chuyển đổi số trên hệ thống truyền
thanh cơ sở; xây dựng các cụm pano, khẩu hiệu tuyên truyền, công khai trên các
trang thông tin điện tử.
1.2. Phát triển hạ tầng số
- Phối hợp với các doanh nghiệp viễn
thông tổ chức triển khai chương trình mỗi người dân một điện thoại thông minh,
mỗi hộ gia đình một đường Internet
cáp quang, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số.
- Chuyển đổi mạng Internet sang sử dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (Ipv6) đối với toàn bộ hệ thống thông tin đang triển khai.
- Xây dựng mạng lưới băng thông rộng,
chất lượng cao kết nối 100% các cơ quan nhà nước.
1.3. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng
- Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là điều
kiện tiên quyết để chuyển đổi số. Để đảm bảo an toàn, an
ninh mạng, địa phương cần dành ít nhất từ 10% đến 15% ngân sách cho các dự án ứng
dụng công nghệ thông tin.
- Xây dựng mạng lưới đảm bảo an toàn
thông tin mạng trên cơ sở nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ chuyên trách
an toàn thông tin, Tổ ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng
kết hợp với nhân sự phụ trách công nghệ thông tin các doanh nghiệp.
- Triển khai các chương trình nâng
cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin đến các cán bộ, nhân viên trong cơ
quan Nhà nước và các doanh nghiệp chuyển đổi số.
1.4. Phát triển nguồn nhân lực
- Tập trung triển khai phát triển nguồn
nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số của địa
phương.
- Có kế hoạch tổ chức đào tạo đội ngũ
chuyên trách công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước thành các chuyên gia
chuyển đổi số trong các ngành.
- Tham gia các chương trình đào tạo
nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước khi
tỉnh mở lớp.
- Phối hợp xây dựng kế hoạch truyền
thông, phổ cập kỹ năng số cho người dân và doanh nghiệp.
2. Phát triển
chính quyền số
- Chuyển đổi số trong hoạt động của
các cơ quan Nhà nước, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền số trong đó tập
trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung,
thông suốt; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả thiết bị di động thông minh để người
dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không
giấy tờ, giảm chi phí.
- Đảm bảo các ngành hoàn thiện hệ thống
thông tin chuyên ngành trên nền tảng số hóa và vận hành bởi quy trình số. Tạo lập
dữ liệu thống kê phục vụ quản lý số liệu chuyên ngành, tổng hợp số liệu chỉ
tiêu kinh tế xã hội.
- Triển khai các ứng dụng nhằm nâng
cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến
trúc chính quyền điện tử và kết quả triển khai Chính quyền điện tử; triển khai
hiệu quả chương trình truyền thông về chính quyền điện tử.
- Phối hợp với ngành có liên quan xây
dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát
triển chính phủ số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ
quan Nhà nước.
3. Phát triển xã
hội số
- Phối hợp xây dựng kế hoạch, tổng rà
soát và triển khai phương án đảm bảo 100% hệ thống cáp quang được phủ đến tận cấp
xã.
- Thúc đẩy phát triển hạn chế tối đa
dùng tiền mặt để giao dịch. Trước tiên là nêu cao tinh thần, trách nhiệm, gương
mẫu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước.
- Thực hiện các chương trình đào tạo,
đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu cơ quan,
doanh nghiệp.
IV. CÁC THÀNH PHẦN
TRONG MÔ HÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ CẤP HUYỆN VÀ CẤP XÃ
1. Chính quyền số
Chính quyền ứng dụng triệt để công
nghệ số vào công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của chính quyền,
tăng tính minh bạch trong các hoạt động của xã và để phục vụ người dân trong xã tốt hơn.
- Tối ưu hóa hệ thống mạng nội bộ của
chính quyền, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
- Ứng dụng các phần mềm dùng chung với
cấp huyện, cấp tỉnh như: phần mềm quản lý văn bản có ứng dụng chữ ký số để trao
đổi văn bản điện tử liên thông 4 cấp, hệ thống thư điện tử, hệ thống một cửa điện
tử,... để tạo sự đồng bộ, thống nhất và liên thông trong hệ thống chính quyền.
- Triển khai ứng dụng công nghệ nhằm
hỗ trợ thêm cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền như: phần mềm
quản lý tài sản, phần mềm tài chính - kế toán, phần mềm quản
lý nhân sự,...
- Thiết lập cổng/ trang thông tin điện
tử để cung cấp thông tin về các hoạt động của chính quyền, tiếp nhận phản ánh,
kiến nghị của người dân và quảng bá về hình ảnh, các nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Cập nhật thông tin và các sự kiện thường xuyên trên
trang thông tin điện tử.
- Cán bộ, công chức tăng cường sử dụng
công nghệ số trong công việc, giao tiếp với người dân thông qua các phương tiện
truyền thông số, mạng xã hội của Việt Nam,... Chủ động nghiên cứu, tìm hiểu ứng
dụng công nghệ số phục vụ hoạt động chỉ đạo, quản lý của lãnh đạo và không ngừng
trau dồi kỹ năng số.
2. Giao tiếp
người dân
Hỗ trợ việc thay đổi cách thức chính
quyền địa phương giao tiếp, tương tác với người dân thông qua các công cụ công
nghệ số.
- Sử dụng loa truyền thanh thông minh
không dây thay thế cho hệ thống loa truyền thanh truyền thống.
- Ứng dụng nhắn tin trên điện thoại thông minh, hội thoại nhóm, nhắn tin giao tiếp với
toàn bộ người dân, các nhóm trao đổi khác nhau tùy theo mục
đích tuyên truyền (Ví dụ: Thông tin đến toàn bộ người dân trong các trường hợp
cần thiết như thiên tai, hạn mặn, mưa bão, tình hình an ninh, cảnh báo thông
tin thời tiết thông tin ảnh hưởng hoạt động sản xuất của người dân, ... Thiết lập
các nhóm trao đổi về bảo đảm an ninh, tố giác tội phạm, phát triển kinh
doanh,... trên các ứng dụng nhắn tin như Zalo, Mocha,...).
- Thiết lập kênh giao tiếp chính thức
trên các mạng xã hội của Việt Nam (Zalo, Mocha, Lotus, Gapo,...) để tuyên truyền,
cung cấp thông tin cho người dân và giao tiếp, tiếp nhận các ý kiến, phản ánh,
kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
3. Thương mại
điện tử
- Hỗ trợ quảng
bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng.
- Nghiên cứu, xác định các sản phẩm
nông sản, các sản phẩm OCOP, các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp đặc thù của địa
phương để quảng bá, tiếp thị và bán hàng.
- Xác định đối tượng khách hàng tiềm
năng trên không gian số tương ứng với các sản phẩm, dịch vụ
đặc thù, tiềm năng của địa phương.
- Xác định các kênh
trên trực tuyến để tiếp cận, quảng bá, cung cấp, phân phối sản phẩm, dịch vụ
(Zalo, Tiki, Sendo, Voso, Postmark Facebook, Amazon,...).
- Hướng dẫn người dân tạo tài khoản,
viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng
trên các sàn thương mại điện tử, trên các mạng xã hội.
- Hướng dẫn người dân sử dụng các
phương thức thanh toán điện tử an toàn, tin cậy cho các
giao dịch thương mại điện tử.
4. Du lịch: Thông qua ứng dụng công nghệ số để quảng bá, thu hút du khách trong và
ngoài nước đến với địa phương.
- Xác định các nét văn hóa đặc thù của
địa phương như các di tích lịch, sử, di sản văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch
tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, gắn phát triển sản xuất với
phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
- Xác định các kênh trực tuyến để quảng
bá hình ảnh, sản phẩm văn hóa, du lịch của địa phương trên
môi trường mạng (các website, diễn đàn, ứng dụng di động về du lịch,...).
- Xây dựng các phần mềm thuyết minh về
các di tích lịch sử, di sản văn hóa, về quy trình, công đoạn sản xuất sản phẩm
làng nghề của địa phương.
- Kết nối, liên kết với các công ty
du lịch trên địa bàn tỉnh và trên môi trường mạng để quảng bá, tổ chức các tour
du lịch theo chu trình khép kín từ tham quan, trải nghiệm, mua sắm, ăn uống,...
cho du khách tại địa phương, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh để phục
vụ du khách.
- Đào tạo kỹ năng ngoại ngữ giao tiếp
cơ bản cho người dân để giao tiếp với du khách nước ngoài.
5. Dịch vụ xã hội: ứng dụng công nghệ số cung cấp các dịch vụ xã hội để phục vụ và hỗ trợ
người dân tốt hơn, giúp người dân cảm nhận được sự chuyển
đổi trong môi trường mình sinh sống so với trước.
- Y tế thông minh: kết nối trạm y tế
của xã với hệ thống khám chữa bệnh từ xa của huyện, tỉnh, Trung ương để người
dân trong xã được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng tư vấn, hỗ trợ khám chữa bệnh
trực tuyến,...
- Nông nghiệp thông minh: cung cấp, cập
nhật thông tin về các mô hình làm nông nghiệp mới như nông nghiệp sạch, nông
nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh dựa trên công nghệ số giúp tăng cao năng suất
nông sản, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tác hại từ các yếu tố thời tiết, môi
trường,... Xây dựng ứng dụng giúp truy xuất nguồn gốc và tạo dựng được thương
hiệu cho sản phẩm; Xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm (tập trung các sản phẩm chủ
lực của địa phương).
- Cải tạo, chỉnh trang lại các điểm
bưu điện văn hóa xã, trang bị kết nối Internet, trạm phát Wifi để người dân
truy cập, khai thác thông tin trên Internet.
- Xây dựng môi trường xã văn minh,
xanh, sạch, đẹp: chỉnh trang, sơn vẽ tại các địa điểm dễ gây mất cảnh quan môi
trường (địa điểm thu gom rác, cột đèn, cột điện, trạm biến
áp, trạm thu phát sóng,..) trở thành những công trình nghệ thuật.
6. Quảng bá -
Thương hiệu: ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ quảng
bá, xây dựng thương hiệu và hình ảnh về mô hình xã chuyển đổi số, thương hiệu
cho các sản phẩm nông sản, dịch vụ du lịch của địa phương trên môi trường mạng.
- Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu
chung của địa phương trên môi trường mạng (đặt trên trang thông tin điện tử của
địa phương, trên các kênh truyền thông trực tuyến chính thức).
- Thiết lập các kênh quảng bá về mô
hình chuyển đổi cấp huyện, cấp xã (trên cổng thông tin điện
tử của tỉnh, của huyện, trên các mạng xã hội, fanpage Smart
Vietnam,...) để truyền cảm hứng và lan tỏa đến các địa
phương khác.
- Phối hợp với các kênh truyền thông,
truyền hình để đưa tin, bài viết, phóng sự về mô hình chuyển đổi số cấp huyện,
cấp xã.
- Lấy đối tượng
đoàn thanh niên và thanh niên trong xã làm nòng cốt để thực hiện tuyên truyền,
thuyết phục người dân đồng hành cùng
chính quyền xã chung tay xây dựng, phát triển mô hình xã
thông minh, tích cực sử dụng các dịch vụ chính quyền xã cung cấp trên công nghệ
số.
- Hướng dẫn, hỗ trợ người dân, hộ
kinh doanh, hợp tác xã tạo và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ của
mình.
V. THỜI GIAN VÀ ĐỊA
PHƯƠNG THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM
1. Đối với thí điểm chuyển đổi số
cấp huyên (02 huyện): Thí điểm chuyển đổi số tại huyện
Bình Đại và huyện Châu Thành.
2. Đối với thí điểm chuyển đổi số
cấp xã (10 xã):
STT
|
Tên huyện
|
Tên
xã, phường
|
Ghi
chú
|
1
|
Chợ Lách
|
Xã Long Thói
|
|
2
|
Giồng Trôm
|
Xã Mỹ Thạnh
|
|
3
|
Bình Đại
|
Xã Bình Thới
|
|
4
|
Ba Tri
|
Xã Phú Lễ
|
|
5
|
Mỏ Cày Nam
|
Xã An Định
|
|
6
|
Mỏ Cày Bắc
|
Xã Phước Mỹ Trung
|
|
7
|
Thạnh Phú
|
Xã Thạnh Phong
|
|
8
|
Châu Thành
|
Xã Tân Thạch
|
|
9
|
Thành phố Bến Tre
|
Phường An hội
|
TP Bến
Tre chọn thí điểm 1 phường và 1 xã
|
10
|
Xã Phú Nhuận
|
3. Thời gian thực hiện thí điểm
Thời gian thực hiện thí điểm chuyển đổi
đổi số cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 (tháng 9/2021: công bố kết quả triển khai thí điểm
ban đầu; tháng 12/2021: công bố kết quả thí điểm chuyển đổi số cấp huyện, cấp
xã trên địa bàn tỉnh).
VI. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
- Nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh (theo
phân bổ thực hiện Đề án Chuyển đổi số tổng thể và của từng ngành, lĩnh vực ưu
tiên).
- Nguồn vốn hỗ trợ của huyện;
- Nguồn vốn do xã huy động;
- Nguồn huy động từ các doanh nghiệp,
cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện, xã.
(Quy mô kinh phí, nguồn kinh phí
và phản kỳ thực hiện được xác định theo từng dự án, nhiệm vụ cụ thể)
VII. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Thông tin
và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có
liên quan hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai Kế hoạch; hướng dẫn các
cơ quan, tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm chuyển đổi số tại các địa
phương.
- Chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ
hàng tháng kết quả triển khai thí điểm về UBND tỉnh theo
dõi, chỉ đạo.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có
liên quan tổ chức báo cáo, đánh giá tổng kết kết quả thực hiện thí điểm và đề
xuất triển khai nhân rộng.
- Tham mưu Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển
đổi số phân công Thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách, hỗ trợ xã triển khai thực hiện
thí điểm chuyển đổi số.
2. Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn
- Phối hợp với các Sở, ngành liên
quan hỗ trợ UBND các huyện, xã trong quá trình triển khai kế hoạch;
- Tổ chức lồng ghép các Chương trình,
dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn các huyện, xã để
thực hiện.
3. Sở Khoa học
và Công nghệ
- Phối hợp với UBND các huyện, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các Đề tài
khoa học công nghệ liên quan đến các nội dung như quản lý trang trại, quản lý sản
xuất, ứng dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, trong
đời sống xã hội,...
- Gắn kết các hoạt động sáng kiến cộng
đồng và hỗ trợ khởi nghiệp để kết nối, chuyển giao các
sáng kiến giải quyết những vấn đề và nhu cầu của cộng đồng
dân cư trong sản xuất, cải thiện môi trường, dịch vụ,...
4. Sở Công Thương
Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn hỗ trợ cho nông dân, tổ hợp tác, HTX thực hiện cập nhật thông tin thị
trường, tập huấn kỹ năng bán sản phẩm trên các sàn Thương mại điện tử (sản phẩm
OCOP, chợ điện tử, bán hàng Online,...) xây dựng, cung cấp kênh thông tin kết nối các sự kiện liên quan đến xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tiêu
thụ sản phẩm trong và ngoài nước để người sản xuất tiếp cận.
5. Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch
Phối hợp UBND các huyện, thành phố
xúc tiến kết nối du lịch, tổ chức và khai thác các đoàn khách du lịch đến các
điểm du lịch tại các huyện, xã thí điểm; ưu tiên lồng ghép các chương trình, đề án và nguồn kinh phí chuyển đổi số du lịch tại các huyện, xã được chọn thí điểm theo kế hoạch.
6. Sở Y tế
- Phối hợp với các Sở, ngành liên
quan hỗ trợ UBND các huyện, xã trong quá trình triển khai kế hoạch;
- Đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong Y
tế tại các huyện, xã thí điểm.
7. Sở Giáo dục và
Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
- Triển khai các giải pháp đào tạo,
liên kết đào tạo nguồn nhân lực để tạo nên các chủ thể xây dựng “huyện thông
minh”, “xã thông minh”; Khuyến khích đặt hàng cho các cơ Sở
nghề nghiệp đào tạo cung cấp nguồn nhân lực về hướng dẫn du lịch, nông dân làm
du lịch, nông nghiệp công nghiệp cao để ứng dụng hiệu quả,...
- Phối hợp với UBND các huyện, thành
phố lồng ghép và đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong giáo dục tại các huyện, xã
thí điểm.
8. Sở Kế hoạch và
Đầu tư, Sở Tài chính
Tham mưu UBND tỉnh xem xét, cân đối bố
trí vốn hỗ trợ để triển khai thành công kế hoạch.
9. Thành viên Ban
Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của
mình hướng dẫn các địa phương triển khai chuyển đổi số thuộc ngành, lĩnh vực phụ
trách.
10. Đề nghị Tỉnh
đoàn: chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
- Đóng vai trò nòng cốt trong công
tác tuyên truyền vận động người dân tại các xã điểm tham gia vào việc xây dựng
xã thông minh.
- Hướng dẫn người dân trong xã sử
dụng thiết bị di động thông minh để khai
thác các dịch vụ mà chính quyền cung cấp (khai nộp thủ tục hành chính, tra cứu
kết quả xử lý thủ tục hành chính, khai thác thông tin chính quyền cung cấp trên
môi trường số, hướng dẫn người dân truy cập Internet và
khai thác thông tin tại điểm bưu điện văn hóa xã,...).
- Hỗ trợ người
dân, hộ kinh doanh, chính quyền quảng bá hình ảnh, thông tin về sản phẩm, dịch
vụ, nét văn hóa của xã trên môi trường mạng, trên các sản thương mại điện tử.
- Tham mưu cho chính quyền xã về các
mô hình ứng dụng công nghệ số để thay đổi cách quản lý, hoạt động của chính quyền
xã.
11. Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố
- Hỗ trợ, bố trí
kinh phí và các nguồn lực cần thiết cho Ủy ban nhân dân xã
được lựa chọn để triển khai thí điểm;
- Tham gia hỗ trợ, định hướng cho Ủy
ban nhân dân xã về cơ chế, chính sách nhằm hoàn thành việc thí điểm xã chuyển đổi
số.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, các Sở, ngành liên quan lồng ghép các chương trình, dự án, hướng
dẫn UBND các xã trong quá trình triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu
và xã thông minh.
- Phối hợp đánh giá kết quả triển
khai mô hình xây dựng xã chuyển đổi số để xem xét, hoàn
thiện mô hình và nhân rộng việc triển khai mô hình tại các xã.
12. Ủy ban nhân
dân huyện Bình Đại, Châu Thành và Ủy ban nhân dân các xã triển khai thí điểm
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể đê thực hiện triển khai thí điểm chuyển đổi số tại địa phương.
- Tích cực, chủ động thay đổi nhận thức và thói quen làm việc của cán bộ, công chức để tiếp cận và ứng
dụng công nghệ số trong mô hình mới
- Nâng cao kiến thức, kỹ năng số và
chủ động thực hiện các nội dung trong mô hình thuộc trách nhiệm của chính quyền.
- Thực hiện tuyên truyền, phổ biến đến
từng nhà, từng người dân trong địa phương hiểu được ý nghĩa của việc thí điểm
triển khai mô hình xây dựng huyện, xã chuyển đổi số.
- Đoàn kết, thu hút, kêu gọi các nguồn
lực xã hội cùng chung tay hỗ trợ, bảo trợ xây dựng mô hình (doanh nghiệp công
nghệ số, hội, hiệp hội công nghệ thông tin, các doanh nghiệp phát triển,...).
- Không ngừng,
tìm hiểu ứng dụng công nghệ số để thay đổi cách làm mới nhằm
nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền xã.
- Phối hợp đánh giá kết quả triển khai thí điểm mô hình xã
thông minh. Bố trí các nguồn lực cần thiết để tiếp tục duy
trì, vận hành, phát triển mô hình xã thông minh sau thời
gian thí điểm.
- Huy động sự tham gia của người dân
trong quá trình xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động của kế hoạch.
- Báo cáo hàng tháng kết quả triển
khai thí điểm tại địa phương về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo
cáo về Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số theo dõi, chỉ đạo.
13. Người dân
các địa phương
- Nâng cao nhận thức về ý nghĩa của
việc xây dựng mô hình xã thông minh. Chung tay đóng góp xây dựng cùng chính quyền xã để triển khai mô hình thành công.
- Chủ động tìm hiểu, tham gia sử dụng
các dịch vụ mà chính quyền cung cấp trên môi trường số.
Tìm hiểu, tích cực quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình cung cấp và thương hiệu
chung của xã trên môi trường mạng.
- Tham gia đóng góp ý kiến trong suốt
quá trình xây dựng xã thông minh giúp chính quyền hoàn thiện mô hình tốt hơn.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh
năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã thực hiện thí
điểm triển khai thực hiện.Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh mới hoặc gặp
khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Thông tin và
Truyền thông để tổng hợp trình Ủy
ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- TT.TU,
TT.HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- TV.BCĐ Chuyển đổi số tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh (để thực hiện):
- Chánh, PCVP.UBND tỉnh;
- Báo ĐK, Đài PTTH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố (để thực hiện);
- UBND các xã thực hiện thí điểm (để thực hiện);
- Phòng: KGVX.TH, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT (Ph).
|
CHỦ
TỊCH
Trần Ngọc Tam
|