KẾ HOẠCH
MỞ ĐỢT CAO ĐIỂM TRIỂN KHAI VẬN ĐỘNG, TUYÊN TRUYỀN, HƯỚNG DẪN
NGƯỜI DÂN SỬ DỤNG ỨNG DỤNG VNEID; KÍCH HOẠT TÀI KHOẢN ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ VÀ THỰC
HIỆN CÁC DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
Thực hiện Quyết định số
06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát
triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển
đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06);
Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh
và xác thực điện tử; Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ
về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất
trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch
vụ công.
UBND tỉnh Lai Châu ban hành Kế
hoạch mở đợt cao điểm vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích
hoạt tài khoản định danh điện tử, sử dụng ứng dụng VNeID (Ứng dụng định danh
điện tử) và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Lai
Châu, với những nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Đẩy mạnh tuyên truyền
về định danh điện tử, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID để
nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang
và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và tiện ích của ứng dụng
VNeID, tài khoản định danh điện tử đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế,
xã hội; giúp người dân có những “công cụ” thật sự thuận tiện thay
thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt
với những giao dịch thiết yếu. Từ đó, tạo sự đồng thuận tham gia, sử dụng ứng dụng
VNeID, tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2 phổ biến trong các giao dịch
hàng ngày của mọi tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
2. Huy động sự vào cuộc
của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các sở, ban, ngành, đơn vị,
đoàn thể, địa phương; phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của Tổ công tác Đề án
06 các cấp, đoàn viên, thanh niên, hội viên Hội phụ nữ xung kích đi đầu trong vận
động tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng ứng dụng
VNeID, tài khoản định danh điện tử nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa đặc biệt rộng rãi
trong xã hội.
3. Đẩy mạnh việc triển
khai kích hoạt tài khoản định danh điện tử để triển khai hiệu quả công tác tiếp
nhận và giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu và
28 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg .
4. Công tác vận động
tuyên truyền, hướng dẫn được triển khai đồng bộ, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp
huyện; cấp xã; thôn, bản, tổ dân phố; hình thức tuyên truyền linh động, phù hợp
với từng địa bàn, từng đối tượng; gắn với công tác, sinh hoạt hàng ngày của mỗi
cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng
vũ trang trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
II. CHỈ TIÊU
THỰC HIỆN
1. Đảm bảo 100% lãnh đạo,
cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ
trang thuộc các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể (Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ)
cấp tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh: (1) Có tài khoản định danh điện tử
mức độ 2; (2) Sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID đã có để truy cập
vào Cổng dịch vụ công Quốc gia để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường
điện tử.
2. Mỗi lãnh đạo, cán bộ,
công chức, viên chức và cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang thuộc các sở, ban,
ngành, đơn vị, đoàn thể (Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ) cấp tỉnh, huyện,
xã trên địa bàn tỉnh: (1) Tuyên truyền, vận động người dân đã có Căn cước
công dân (CCCD), chưa cài đặt ứng dụng VNeID, chưa đăng ký định danh điện tử mức
độ 1 (tự đăng ký trên VNeID) hoặc mức độ 2 (tại bộ phận thu nhận hồ
sơ cấp căn cước công dân lưu động hoặc cố định tại bộ phận một cửa các cấp)
thực hiện thành công việc làm thủ tục đăng ký mức độ 1 hoặc mức độ 2 cho phù hợp
(khuyến khích người dân đi làm mức độ 2); (2) Tuyên truyền, hướng
dẫn cho người dân cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt thành công tài khoản định
danh điện tử mức độ 1 hoặc mức độ 2 và sử dụng tài khoản này truy cập vào Cổng
dịch vụ công Quốc gia để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện
tử.
3. Phấn đấu đến hết
30/6/2023 đạt tối thiểu 163.000 công dân sử dụng ứng dụng VNeID và
tài khoản định danh điện tử được cài đặt, kích hoạt (có Phụ lục I chỉ tiêu
chi tiết từng đơn vị cấp huyện kèm theo kế hoạch này).
III. CHỦ THỂ
THỰC HIỆN, ĐỐI TƯỢNG HƯỚNG DẪN
1. Chủ thể
- Lãnh đạo, cán bộ, công chức,
viên chức và cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang thuộc các sở, ban, ngành, đơn vị,
đoàn thể (Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ) và Tổ Công tác Đề án 06 cấp tỉnh;
cấp huyện; cấp xã; thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
2. Đối tượng
- Người dân sinh sống, làm việc
và học tập trên địa bàn chưa cài đặt ứng dụng VNeID, chưa có tài khoản định
danh điện tử, chưa kích hoạt định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2.
IV. THỜI
GIAN, NỘI DUNG, HÌNH THỨC THỰC HIỆN
1. Thời gian
- Thời gian thực hiện cao điểm (65
ngày): Từ 27/4 đến 30/6/2023.
2. Nội dung
- Tuyên truyền về tiện ích của
CCCD và ứng dụng VNeID, lợi ích, thuận lợi của tài khoản định danh và xác thực
điện tử.
- Hướng dẫn đăng ký, kích hoạt
tài khoản định danh mức độ 1, mức độ 2 và xác thực điện tử cho các trường hợp
sau:
+ Công dân đã có hồ sơ đăng ký
tài khoản định danh và xác thực điện tử đang chờ phê duyệt cấp tài khoản.
+ Công dân làm thủ tục cấp tài
khoản định danh và xác thực điện tử khi có thẻ CCCD gắn chíp.
+ Hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng
dụng VNeID.
+ Tuyên truyền công tác bảo mật
thông tin; thao tác thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ
công.
3. Hình thức
- Triển khai liên tục, đồng bộ
bằng nhiều hình thức, loại hình sinh động, phong phú, thiết thực, kịp thời.
- Xây dựng các bài viết, phóng
sự, tin tức, đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin truyền thông,
cơ quan thông tấn báo chí, Cổng/Trang thông tin điện tử và hệ thống truyền
thanh cơ sở, mạng viễn thông, mạng xã hội.
- Biên soạn và phát hành sổ
tay, tài liệu có chứa nội dung cần thông tin, tuyên truyền; bố trí băng rôn, khẩu
hiệu, tờ rơi, áp phích; tuyên truyền qua các màn hình LED tại các địa điểm công
cộng.
- Thông qua các cuộc thi tìm hiểu
pháp luật, tọa đàm, giao lưu, đối thoại; lồng ghép các hoạt động văn hóa văn
nghệ, thể thao hoặc các hình thức khác.
- Thông qua các phong trào, hoạt
động an sinh xã hội, trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, hướng dẫn về giá trị, tiện
ích của ứng dụng VNeID; trực tiếp hướng dẫn, trợ giúp người dân thực hiện các
quy trình, thủ tục đăng ký kích hoạt tài khoản định danh và xác thực điện tử mức
độ 1, mức độ 2 và hướng dẫn sử dụng ứng dụng VNeID tại gia đình, khi công dân đến
cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp giao dịch hành chính, tại các địa điểm tập trung
đông người như nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, chợ, trung tâm thương mại....
- Thông qua công tác chuyên môn
(nhất là các lĩnh vực trực tiếp tiếp xúc với nhân dân qua thực hiện các công
tác nghiệp vụ) và thông qua sinh hoạt hàng ngày (bạn bè, người thân, người
quen...).
V. CÁC BƯỚC
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Bước 1: Rà soát, chuẩn bị
- Khảo sát toàn bộ người dân trên
địa bàn có sử dụng điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng internet (theo
từng hộ).
- Tổ công tác Đề án 06, Tổ công
nghệ số cộng đồng phát huy vài trò nòng cốt, xung kích đến từng nhà tuyên truyền,
hướng dẫn người dân kích hoạt, sử dụng VNeID và Định danh điện tử.
2. Bước 2: Giao nhiệm vụ cụ
thể
- Giao khoán chỉ tiêu từng Tổ
công tác theo tiêu chí 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả,
rõ trách nhiệm” gắn với thời gian hoàn thành cụ thể.
- Đảng viên, cán bộ, công chức,
viên chức, lực lượng vũ trang phát động thi đua theo các nội dung tại mục 2, phần
II về chỉ tiêu thực hiện của Kế hoạch này.
3. Bước 3: Thống kê, đánh
giá số liệu báo cáo
- Công an tỉnh phối hợp với các
đơn vị thành lập các Tổ công tác kiểm tra xác xuất từng đơn vị cấp huyện, cấp
xã để đánh giá đúng thực tế số liệu báo cáo (lưu ý chỉ báo cáo số liệu đã được
kích hoạt thành công) đồng thời phối hợp với đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công
an để đánh giá tỷ lệ kích hoạt trên hệ thống định danh điện tử theo từng địa
bàn, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
- Chỉ tiêu được tính trong số
tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2 được kích hoạt theo Phụ lục I.
Kết quả của các ngành, đơn vị cấp huyện, cấp xã tính vào kết quả của UBND cấp
huyện.
- Tập hợp, báo cáo và đề xuất
cơ quan chức năng khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, vượt
chỉ tiêu giao; không xem xét thi đua, khen thưởng đối với những đơn vị không
báo cáo, báo cáo không đúng thực tế, thực hiện không đạt chỉ tiêu giao.
VI. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện
trong dự toán ngân sách triển khai thực hiện Kế hoạch số 572/KH-UBND ngày
24/2/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm
2023. Kinh phí khen thưởng thực hiện từ Quỹ thi đua khen thưởng năm 2023 đã
giao cho Sở Nội vụ.
2. Đối với các nội dung
trong Kế hoạch nếu có phát sinh kinh phí trong quá trình triển khai thực hiện,
các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các cấp phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài
chính để xây dựng dự toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí bổ sung
kinh phí theo quy định.
VII. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Công an tỉnh - Cơ quan
thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh
- Thường trực giúp UBND tỉnh, Tổ
công tác Đề án 06 tỉnh theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch
này.
- Chủ trì, phối hợp các sở,
ngành, đơn vị liên quan tham mưu triển khai các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền,
vận động, hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử; hướng dẫn nghiệp vụ cho các Tổ
công tác của các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể.
- Phối hợp tổ chức, hướng dẫn
nghiệp vụ, phương pháp cho Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, các sở, ban,
ngành, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan;
chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã phối hợp tổ chức, hướng dẫn nghiệp vụ, phương
pháp cho các ngành liên quan thuộc cấp huyện, cấp xã trong triển khai thực hiện
các nhiệm vụ có liên quan thành thạo kỹ năng, thao tác cài đặt, đăng ký, sử dụng
ứng dụng VNeID, tài khoản trên cổng dịch vụ công và các dịch vụ công trực tuyến.
Giao lực lượng Công an cấp cơ sở trực tiếp cài đặt, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc
của các cơ quan, đơn vị trong việc kích hoạt tài khoản định danh và xác thực điện
tử, sử dụng ứng dụng VNeID.
- Chỉ đạo Công an cấp huyện phối
hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cấp huyện phát huy vai trò nòng cốt, hướng
dẫn cho các ngành cấp huyện triển khai thực hiện có hiệu quả; mở đợt cao điểm
thực hiện đăng ký tài khoản định danh điện tử và ứng dụng VNeID theo cách thức “đi
từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”.
- Chủ trì, phối hợp với Cục
nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ thành lập các Tổ
công tác để kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện của các đơn vị (lồng
ghép trong việc kiểm tra thực hiện Đề án 06 theo Kế hoạch chung của UBND tỉnh).
- Chủ trì tổng hợp kết quả thực
hiện của các đơn vị, địa phương; phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ
phân bổ chỉ tiêu khen thưởng, tổng hợp trình Sở Nội vụ thẩm định, trình Chủ tịch
UBND tỉnh khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện
nhiệm vụ Đề án 06 (hoàn thành trước ngày 07/7/2023).
- Tổ chức Tổng kết đợt cao điểm
triển khai vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng
VNeID; kích hoạt tài khoản định danh điện tử và thực hiện các dịch vụ công trực
tuyến trên địa bàn tỉnh Lai Châu (dự kiến hoàn thành trước ngày 20/7/2023).
2. Sở Thông tin và Truyền
thông
- Phối hợp với Công an tỉnh chỉ
đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị,
đoàn thể và lực lượng công an đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về các hoạt động
của kế hoạch.
- Tăng cường thời lượng tuyên
truyền, phổ biến về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng VNeID, tài khoản
định danh điện tử trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu,
nhận thức đầy đủ về lợi ích, hiệu quả của việc sử dụng ứng dụng VNeID, tài khoản
định danh điện tử để thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến,
sử dụng thẻ CCCD gắn chíp, thiết bị đọc QRcode, chíp trên thẻ CCCD thay thế việc
xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch
dân sự....
- Phối hợp Công an tỉnh xây dựng
pano, biên soạn hình ảnh tuyên truyền về việc hướng dẫn, kích hoạt tài khoản định
danh điện tử, sử dụng ứng dụng VNeID để các đơn vị tạo liên kết và đăng tải
tuyên truyền.
- Phối hợp với Công an tỉnh lồng
ghép tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, kích hoạt, sử dụng ứng dụng VneID và tài
khoản định danh điện tử trong các hội nghị, lớp tập huấn nghiệp vụ cho Tổ Công
nghệ số cộng đồng trên địa bàn.
- Phối hợp với Công an tỉnh kiểm
tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện của các đơn vị.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về định danh điện tử, ứng dụng VNeID đến toàn thể
giáo viên, học sinh (cấp THCS trở lên) bằng nhiều hình thức phù hợp. Chỉ
đạo đội ngũ giáo viên toàn ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện cài đặt
và sử dụng ứng dụng VNeID, tài khoản định danh điện tử.
4. Sở Nội vụ: Thẩm định,
tổng hợp trình Hội đồng Thi đua, Khen thưởng tỉnh xem xét, trình Chủ tịch UBND tỉnh
tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện
Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Lai Châu (hoàn thành trước ngày 12/7/2023).
5. Sở Tài chính: Phối hợp
với Công an tỉnh tham mưu bố trí kinh phí triển khai thực hiện kế hoạch cao điểm.
6. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh:
Đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và tiện ích của
ứng dụng VNeID, tài khoản định danh điện tử cho công chức, viên chức, người lao
động thuộc thẩm quyền quản lý của Ban; công nhân lao động tại Khu kinh tế. Đồng
thời, hướng dẫn người lao động cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID, tài khoản định
danh điện tử và đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công để thực hiện các dịch
vụ công trực tuyến (phấn đấu 100% công dân Việt Nam qua cửa khẩu đều được
cán bộ hướng dẫn, cài đặt thành công ứng dụng VNeID).
7. Các Sở, ban, ngành, lực
lượng vũ trang
- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
chỉ đạo giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ chiến sĩ lực
lượng vũ trang hoặc giao cho các tổ chức đoàn thể vận động tuyên truyền, hướng
dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 1 hoặc mức
độ 2 (riêng đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại
các cơ quan, đơn vị kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đạt 100%,
hoàn thành trong tháng 4/2023) theo tiêu chí 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ
tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm; quá trình thực hiện phải đảm bảo được tiến
độ; hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của người dân trong việc kích hoạt
tài khoản định danh và xác thực điện tử, sử dụng ứng dụng VNeID.
- Treo băng rôn, khẩu hiệu
tuyên truyền tại các bộ phận một cửa của đơn vị, địa phương và kết hợp tuyên
truyền trên không gian mạng cho phù hợp.
8. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh
ủy
- Chỉ đạo cơ quan báo chí trong
tỉnh, Ban Tuyên giáo các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền về định danh
điện tử, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID, cách thức đăng ký
tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
- Thường xuyên định hướng công
tác thông tin tuyên truyền, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên của tỉnh; bồi dưỡng
nâng cao chất lượng tin bài cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác
viên về Đề án 06.
9. Đề nghị Tỉnh đoàn Lai
Châu, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh
- Phát huy vai trò xung kích,
đi đầu của đoàn viên thanh niên, cán bộ Hội phụ nữ các cấp tổ chức triển khai
toàn diện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận. Xây dựng kế hoạch triển
khai toàn diện; chỉ đạo các cấp thành lập các Đội tình nguyện phối hợp với lực
lượng Cảnh sát khu vực, Công an cấp xã trên địa bàn trực tiếp cài đặt, hướng dẫn
đăng ký, sử dụng ứng dụng VNeID, tài khoản định danh điện tử đến từng cá nhân,
hộ gia đình, lập danh sách xác nhận sau khi đã hoàn thành.
- Chỉ đạo gắn hoạt động của các
Chi đoàn, Chi hội, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam của từng cơ quan, đơn vị,
địa phương với hoạt động vận động tuyên truyền của cả đơn vị, địa phương mình.
- Các cơ sở Đoàn Thanh niên, Hội
phụ nữ chủ động báo cáo đề xuất cấp ủy, thủ trưởng đơn vị, địa phương mình bố
trí kinh phí hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn theo quy định.
10. UBND cấp huyện
- Rà soát, chỉ đạo kiện toàn Tổ
công tác Đề án 06 cấp huyện, cấp xã; giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm của người đứng
đầu các cơ quan, đơn vị, các thành viên Tổ công tác Đề án 06 các cấp tiếp tục
triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06 ở cấp huyện; cấp xã; thôn, bản, tổ
dân phố.
- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị
cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Kế hoạch
theo hoạt động của UBND cấp huyện (giao khoán chỉ tiêu, kiểm soát kết quả thực
hiện); tăng cường tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phát huy vai trò
phối hợp thực hiện từ cấp cơ sở.
- Thành lập các tổ kiểm tra,
giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện tại các đơn vị, khắc phục giải quyết
ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện kế
hoạch.
11. Chế độ thông tin báo cáo
- Căn cứ vào nội dung của kế hoạch
này, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách
nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ, chất lượng và hiệu quả các công việc
được giao thực hiện.
- Kết thúc cao điểm các cơ
quan, đơn vị, địa phương tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo Phụ lục II
về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh - Cơ quan Thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh)
trước ngày 04/7/2023 (đầu mối phối hợp: Đồng chí Đại úy Phạm Minh Cường,
số điện thoại 0968.800.033).
Trong quá trình thực hiện nếu
có khó khăn, vướng mắc, đề nghị liên hệ qua Đồng chí thiếu tá Nguyễn Xuân Hòa,
Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội - Công an tỉnh, số điện thoại:
0971.888.688 để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Công an - Cục C06 (để báo cáo);
- TTr Tỉnh ủy; TTr HĐND tỉnh (để báo cáo);
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Tỉnh Đoàn Lai Châu;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Lai Châu; Đài PT&TH tỉnh;
- Lưu: VT, CAT, KS.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tống Thanh Hải
|