CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG
CƯỜNG QUẢN LÝ HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông, truyền
hình cáp đang đẩy mạnh công tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cột ăngten, cột
treo cáp viễn thông, cống, bể, ống cáp viễn thông, hào kỹ thuật, tuynel kỹ
thuật sau đây gọi tắt là hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động nhằm đáp ứng nhu
cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet và truyền hình cáp của các tổ
chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, mở rộng
cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để cung cấp các dịch vụ viễn thông,
internet, phát thanh, truyền hình đến người sử dụng với chất lượng cao, giá rẻ,
góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an
ninh quốc phòng là cần thiết.
Tuy nhiên, việc đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ
thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số
hạn chế, như: công tác phối hợp quản lý giữa các sở, ban, ngành và địa phương
chưa đồng bộ; công tác thực thi pháp luật còn hạn chế.
Để quản lý tốt việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ
thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 25/2011/NĐ-CP
ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều Luật Viễn thông; Chỉ thị số 422/CT- TTg ngày 02 tháng 4 năm 2010
của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý và phát triển bền vững cơ sở
hạ tầng viễn thông; Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công
nghệ thông tin và truyền thông”, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận chỉ thị:
1. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp viễn
thông xây dựng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động chi tiết của
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến 2020, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt
theo quy định. Phối hợp với sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố tiếp tục triển khai, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, các doanh
nghiệp viễn thông, truyền hình cáp thực hiện việc chỉnh trang làm gọn mạng cáp
treo trên đường trong thành phố, trung tâm các huyện;
b) Hàng năm hướng dẫn, đôn đốc và có văn bản
thống nhất danh mục xây dựng kế hoạch đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật
viễn thông thụ động cho các doanh nghiệp triển khai. Đôn đốc, kiểm tra, thanh
tra các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật
viễn thông thụ động;
c) Xây dựng chương trình bản đồ số để quản lý cơ
sở dữ liệu về hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh;
d) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên
quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các
tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật
viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh;
đ) Tuyên truyền phổ biến các quy định, chính
sách về phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (về mục đích, ý nghĩa
lợi ích kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trong việc đầu tư, mở rộng hạ tầng
kỹ thuật viễn thông thụ động); nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của doanh
nghiệp, chính quyền cơ sở và nhân dân trong việc tham gia bảo vệ an toàn, an
ninh cho công trình viễn thông;
e) Công khai số điện thoại cố định, hộp thư điện
tử để tiếp nhận các thông tin liên quan đến việc treo cáp không bảo đảm Quy
chuẩn kỹ thuật Việt Nam về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông và các thông
tin liên quan đến công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động
viễn thông, internet; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xử lý các hành
vi vi phạm theo quy định;
g) Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với
các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định có liên quan về lập và thực hiện quy
hoạch công trình viễn thông, quy định về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng công
trình về viễn thông.
2. Sở Xây dựng:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông đưa nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vào các
quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/2000, 1/500 cùng với các nội dung sẵn có về
điện, cấp nước, thoát nước đối với các khu đô thị, khu dân cư mới trên địa bàn
tỉnh;
b) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông
hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp triển khai, thực hiện
Chỉ thị số 06/2013/CT-UBND ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh
về việc ngầm hoá hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và quản lý cơ sở dữ liệu ngầm
trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; xây dựng lộ trình ngầm hoá mạng cáp viễn thông,
cáp truyền hình đối với các tuyến đường chính trên địa bàn các huyện, thành phố;
c) Công khai số điện thoại cố định, hộp thư điện
tử để tiếp nhận các thông tin liên quan về việc thi công xây dựng công trình hạ
tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trái phép và việc treo cáp không bảo đảm mỹ
quan đô thị;
d) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên
quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về xây
dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trái phép và về việc treo
cáp không bảo đảm mỹ quan đô thị.
3. Sở Giao thông Vận tải:
a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đưa
nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vào quy hoạch kết cấu
hạ tầng kỹ thuật giao thông; hướng dẫn các chủ đầu tư đưa hạ tầng kỹ thuật viễn
thông thụ động là nội dung bắt buộc phải có khi lập thiết kế cơ sở xây dựng
cầu, đường;
b) Phối hợp cung cấp thông tin cho các sở, ban,
ngành liên quan về việc chấp thuận, cấp phép xây dựng, lắp đặt cơ sở hạ tầng
cống, bể, ống cáp, cột treo cáp viễn thông, cáp truyền hình dọc theo các tuyến
đường trên địa bàn quản lý theo quy định;
c) Phối hợp với sở, ban, ngành liên quan và Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi, chấn chỉnh các doanh nghiệp,
công ty (điện lực, viễn thông, truyền hình cáp, ...) thực hiện chỉnh trang làm
gọn mạng cáp treo trên đường trong thành phố, trung tâm các huyện. Tổ chức
thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân
vi phạm quy định về việc treo cáp không bảo đảm an toàn giao thông thuộc các
tuyến đường trên địa bàn quản lý theo quy định.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường: phối hợp Sở
Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các
doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp sử dụng đất đai, xây dựng cơ sở hạ
tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, đặc biệt là sử dụng đất xây dựng trạm BTS.
5. Công an tỉnh:
a) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng
cường công tác bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh; chủ
động phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp
luật đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn;
b) Thông báo cho các sở, ban, ngành liên quan về
các vụ vi phạm cơ sở hạ tầng công trình viễn thông trên địa bàn đã được cơ quan
Công an xử lý theo quy định.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và
các sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, giám sát việc đầu tư
phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn; tăng cường kiểm
tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền về việc xây dựng, lắp
đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn theo quy
định của pháp luật;
b) Phối hợp các sở, ban, ngành liên quan và các
doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp xây dựng lộ trình ngầm hoá các mạng
cáp viễn thông, cáp truyền hình đối các tuyến đường chính trên địa bàn các
huyện, thành phố;
c) Chỉ đạo Đài Truyền thanh huyện, thành phố xã,
phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến về mục đích ý nghĩa, lợi ích kinh tế -
xã hội, quốc phòng, an ninh về việc đầu tư, mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn
thông thụ động tại địa phương.
7. Các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp:
a) Căn cứ quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông
thụ động trên địa bàn tỉnh, quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm
thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp có
trách nhiệm xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa
phương của doanh nghiệp gửi Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định, trình Ủy
ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định;
b) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để
xây dựng kế hoạch triển khai ngầm hoá các mạng cáp viễn thông, cáp truyền hình
đối các tuyến đường chính trên địa bàn các huyện, thành phố;
c) Việc xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang
hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh, chủ đầu tư phải tính
đến giải pháp bảo đảm an toàn công trình khi có thiên tai, lụt bão xảy ra, đồng
thời gửi lấy ý kiến thẩm định của Sở Thông tin và Truyền thông trước khi tiến
hành thi công công trình. Đối với những tuyến cáp chưa thể thực hiện ngầm hoá,
cần tiến hành chỉnh trang, xử lý, thu gọn các mạng cáp treo để bảo đảm mỹ quan
đô thị và an toàn cho công trình. Các tuyến cáp không còn sử dụng được thì
doanh nghiệp phải tiến hành tháo bỏ, không để tồn lưu chúng trên mạng cáp treo;
d) Tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các doanh
nghiệp viễn thông, truyền hình cáp trong việc chia sẻ, dùng chung cơ sở hạ tầng
kỹ thuật viễn thông thụ động; thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ
tầng kỹ thuật dùng chung để giảm thiểu thiệt hại công trình do thiên tai, lụt bão
gây ra;
đ) Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các
thông tin về thực trạng và kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ
động của đơn vị trên địa bàn khi có yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Sở
Thông tin và Truyền thông.
8. Hiệu lực thi hành:
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ
ngày ký ban hành.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông có trách
nhiệm theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị này.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc
các sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố; thủ trưởng các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ
chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.