CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG
QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CƠ SỞ HẠ TẦNG VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH
PHƯỚC
Ngành viễn thông là một trong những ngành kinh
tế mũi nhọn thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân, đồng thời là công
cụ phục vụ sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua,
ngành viễn thông có vai trò quan trọng, có đóng góp vào sự phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển và quản lý hạ tầng viễn thông, đặc
biệt là hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động như: Nhà, trạm máy; cống, bể cáp;
cột ăngten; cột dây thông tin… còn hạn chế như: nhận thức chưa thống nhất, cơ
chế chính sách, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu và chưa
đồng bộ; một số quy định quản lý chưa cụ thể và sử dụng chưa hiệu quả; công tác
thực thi pháp luật về viễn thông còn nhiều bất cập.
Để phát triển và khai thác cơ sở
hạ tầng viễn thông bền vững, hiệu quả phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước và nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn mạng lưới, đồng thời
giữ sạch đẹp cảnh quan môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
có liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện đầy đủ và nghiêm túc
Quyết định số 2268/QĐ-UBND ngày 17/8/2009 của UBND tỉnh ban hành Quy định việc
sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh; tổng hợp báo cáo tình
hình triển khai thực hiện của các ngành có liên quan về UBND tỉnh, rà soát và
đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực
tế;
b) Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở
Công Thương, Sở Giao thông vận tải tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử
lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định quản lý cơ sở hạ tầng
viễn thông và các hành vi phá hoại, gây cản trở việc xây dựng các công trình
viễn thông tại địa phương;
c) Chủ trì, xây dựng quy hoạch
viễn thông giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020; định hướng các doanh
nghiệp viễn thông đảm bảo thực hiện đúng với quy hoạch phát triển viễn thông
quốc gia và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
d) Phối hợp với sở, ngành có liên quan
xây dựng kế hoạch thí điểm việc chỉnh trang, ngầm hóa và treo lại các tuyến cáp
viễn thông trên địa bàn tỉnh;
e) Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông
tăng cường hợp tác sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là nhà trạm,
cột ăngten, cống bể cáp trên nguyên tắc đàm phán cùng có lợi;
f) Chủ động phối hợp với chính
quyền địa phương để giải quyết những vấn đề liên quan đến xây dựng hạ tầng viễn
thông, đặc biệt các doanh nghiệp viễn thông khi đi thuê hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt
là khi thuê trụ ăngten để lắp đặt trạm BTS) để triển khai dịch vụ cần chú trọng
đến điều kiện các hạ tầng này đã được cấp giấy phép xây dựng mới tiến hành thuê
mướn, nhằm phòng tránh trường hợp khi các cơ quan chức năng cưỡng chế các công
trình viễn thông xây dựng trái phép gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh
nghiệp;
Tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng viễn
thông thụ động, đặc biệt là cống bể, cột ăngten, cột dây thông tin để sử dụng chung
cho nhiều doanh nghiệp theo quy hoạch và chính sách xã hội hóa về đầu tư cơ sở
hạ tầng kỹ thuật của địa phương.
2. Sở Xây dựng
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
có liên quan ban hành văn bản hướng dẫn quy định sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ
thuật với các ngành liên quan như: Xây dựng, Giao thông vận tải, Điện lực, Cấp thoát
nước, Viễn thông, Phát thanh và Truyền hình;
b) Hướng dẫn đưa nội dung Quy
hoạch hạ tầng viễn thông thụ động vào các quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ
1/2000, 1/500 cùng với các nội dung sẵn có về điện, cấp nước, thoát nước;
c) Hướng dẫn cho các doanh nghiệp viễn
thông đưa hạ tầng viễn thông thụ động thành nội dung bắt buộc phải có khi lập
thiết kế các hệ thống công trình kỹ thuật xây dựng.
3. Sở Giao thông vận tải
a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông đưa nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vào quy hoạch
kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn đưa hạ tầng kỹ
thuật viễn thông thụ động thành nội dung bắt buộc phải có khi lập thiết kế cơ
sở xây dựng cầu, đường.
4. Sở Công Thương
a) Phối hợp với các Sở Thông tin và
Truyền thông, Giao thông vận tải, Xây dựng chỉnh trang treo lại hệ thống các tuyến
cáp thông tin hiện có trên cột điện nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị;
b) Chỉ đạo Công ty Điện lực Bình Phước
phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông dùng chung hạ tầng kỹ thuật điện lực,
đặc biệt là hệ thống cột điện với giá thuê trên cơ sở giá thành phù hợp, hợp tác
cùng phát triển và vì lợi ích công cộng.
5. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
có liên quan ban hành cơ chế, nguyên tắc kiểm soát và quản lý giá thuê hạ tầng
kỹ thuật công cộng giữa các ngành: Xây dựng, Giao thông, Điện lực, Cấp nước, Viễn
thông, Phát thanh và Truyền hình… trên cơ sở thúc đẩy dùng chung giữa các ngành
nhằm đảm bảo tiết kiệm tài nguyên, phát huy hiệu quả trong đầu tư và đảm bảo mỹ
quan đô thị.
6. Đài Phát thanh và Truyền
hình
Thông qua hệ thống phát thanh, truyền
hình, Đài Phát thanh và Truyền hình tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, lợi
ích kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn
thông nói chung và việc xây dụng mạng ngoại vi nói riêng để các tổ chức, cá
nhân hiểu rõ.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã
Tổ chức, tuyên truyền cho các tổ chức,
cá nhân có liên quan hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, lợi ích kinh tế - xã hội, an
ninh, quốc phòng của việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn;
Chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc kiểm
tra, giám sát việc phát triển hạ tầng viễn thông của các tổ chức, cá nhân trên
địa bàn. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra việc xây dựng các trụ phát sóng tín hiệu
tại các địa bàn vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu
số, nhằm phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng hạ tầng viễn thông để
chống phá an ninh quốc gia.
Yêu cầu các sở, ban, ngành có liên
quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị
này.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau
10 ngày, kể từ ngày ký./.