CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG
CƯỜNG SỬ DỤNG PHẦN MỀM MÃ NGUỒN MỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Hiện nay, việc
xây dựng và triển khai các ứng dụng phần mềm mã nguồn mở (PMNM) là một trong
những giải pháp tối ưu giúp giảm thiểu tối đa kinh phí mua bản quyền, đặc biệt
là bản quyền về hệ điều hành, các ứng dụng văn phòng cơ bản, Bộ Thông tin và
Truyền thông đã ban hành danh mục các sản phẩm PMNM đáp ứng được yêu cầu sử
dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước (gồm: Văn phòng OpenOffice, thư điện
tử trên máy trạm Mozilla ThunderBird, trình duyệt web Mozilla FireFox, bộ gõ
tiếng Việt Unikey,...). Thời gian qua, việc ứng dụng PMNM bước đầu đã được
triển khai và phát huy tác dụng tại một số các cơ quan nhà nước trên địa bàn
tỉnh. Song, việc ứng dụng PMNM chưa thực sự rộng rãi, phổ biến, vấn đề vi phạm
bản quyền phần mềm còn khá nhiều ở các cơ quan, các tổ chức, cá nhân trên địa
bàn tỉnh.
Nhằm đẩy mạnh
việc sử dụng các PMNM, góp phần hạn chế vi phạm bản quyền phần mềm theo quy
định tại Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg ngày 17/7/2006 của Thủ tướng
Chính phủ về việc đầu tư, mua sắm các
sản phẩm công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân
sách nhà nước (Quyết định 169/QĐ-TTg); Quyết
định số 223/2006/QĐ-TTg ngày 04/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ
sửa đổi một số điều của Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg (Quyết định 223/QĐ-TTg);
Chỉ thị số 07/2008/CT-BTTTT ngày 30/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông về
đẩy mạnh sử dụng PMNM trong hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước; UBND tỉnh
yêu cầu các sở, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân
có liên quan thực hiện một số công tác sau:
1. Sở Thông tin và Truyền
thông:
a) Tham mưu,
đề xuất UBND tỉnh kế hoạch sử dụng PMNM trong hoạt động của cơ quan nhà nước
trên địa bàn tỉnh; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và các tổ chức
về phát triển PMNM; lồng ghép, đưa các nội dung đào tạo, tập huấn thúc đẩy sử
dụng PMNM vào kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh hàng năm,
đồng thời chủ trì tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ công chức, viên
chức (CBCC-VC) về sử dụng PMNM.
b) Tổ chức hội thảo, soạn thảo và phát hành các tài liệu
hướng dẫn sử dụng PMNM; cung cấp thông tin cho Báo Long An, Đài Phát
thanh và Truyền hình tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thông tin ở địa phương
tăng cường tuyên truyền phổ biến các văn bản, quy định có liên quan về sử dụng
PMNM nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích sử
dụng PMNM trong các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân; hạn chế tình trạng
vi phạm bản quyền phần mềm trên địa bàn tỉnh.
c) Thường
xuyên nghiên cứu, cập nhật danh mục các sản phẩm PMNM đáp ứng yêu cầu sử dụng
trong các cơ quan, tổ chức nhà nước theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền
thông. Trước mắt ưu tiên triển khai, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm PMNM cho các cơ
quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Danh mục các sản phẩm PMNM đáp
ứng được yêu cầu sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước ban hành kèm theo Thông
tư số 41/2009/TT-BTTTT ngày 30/12/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
d) Phối hợp với các cơ quan có
liên quan tham mưu UBND tỉnh cơ chế, chính sách để hỗ trợ, phát triển các doanh
nghiệp kinh doanh PMNM và các dịch vụ liên quan. Hỗ trợ, thúc đẩy đào tạo, phát
triển nguồn nhân lực làm PMNM và các cộng đồng PMNM trên địa bàn tỉnh.
đ) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể
thao - Du lịch và các cơ quan có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra nhắc
nhở, xử lý theo quy định của pháp luật về bản quyền
phần mềm và sở hữu trí tuệ.
e) Định kỳ hàng năm sơ kết, đánh
giá và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh việc thực hiện chỉ thị về việc tăng cường
sử dụng PMNM trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông và các cơ
quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định thi đua, khen
thưởng về việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó có
việc sử dụng PMNM vào nội dung bình xét thi đua, khen thưởng hàng
năm của các cơ quan, đơn vị.
3. Sở Khoa học và Công nghệ: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký các đề tài nghiên cứu và phát
triển PMNM, ưu tiên bố trí vốn nghiên cứu khoa học cho các đề tài nghiên cứu
phát triển PMNM trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Tài chính: Bố trí kinh phí để thực hiện có hiệu quả công tác tăng cường sử dụng và
phát triển PMNM, góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm trên
địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Nghiên cứu đưa các nội dung đào tạo sử dụng sản phẩm PMNM vào chương
trình đào tạo các cấp phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông
tư số 08/2010/TT-BGDĐT ngày 01/3/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về
sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục.
6. Các sở, ngành tỉnh, UBND các
huyện, thành phố Tân An:
a) Hàng năm, chủ động bố trí và
dành một phần trong tổng kinh phí về ứng dụng và phát triển CNTT của cơ quan mình
để xây dựng kế hoạch đào tạo sử dụng PMNM cho CBCC-VC kết hợp với xây dựng kế
hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan, đơn vị mình; tạo điều kiện, khuyến khích CBCC-VC
tham gia học tập, nghiên cứu, triển khai sử dụng sản phẩm PMNM.
b) Thực hiện nghiêm túc các quy
định về ưu tiên đầu tư, mua sắm sử dụng các sản phẩm PMNM theo quy định tại Quyết
định số 169/QĐ-TTg và Quyết định số 223/QĐ-TTg.
c) Thường xuyên kiểm tra, đánh giá
việc sử dụng PMNM của CBCC-VC trong công việc, coi đây là biện pháp hữu hiệu để
nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hành tiết kiệm. Từng cơ quan phải đưa hoạt
động này vào tiêu chí bình xét khen thưởng hàng năm.
7. Hội Tin học tỉnh và các doanh
nghiệp công nghệ thông tin - điện tử trong tỉnh:
a) Hội Tin học tỉnh tổ chức các
hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho các thành viên trao đổi thông tin, kinh
nghiệm để không ngừng nâng cao năng lực khai thác, cung cấp sản phẩm, dịch vụ
PMNM; phối hợp, hỗ trợ Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ nêu
trên.
b) Các doanh nghiệp cung cấp máy
tính: Cài đặt các PMNM đã quy định tại Thông tư số 41/2009/TT-BTTTT vào các máy
tính khi cung cấp cho các cơ quan, tổ chức nhà nước; không được cung cấp ra thị
trường các máy tính với những phần mềm không có bản quyền hợp pháp.
c) Các doanh nghiệp phần mềm, các
doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT: nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ phần mềm
nói chung và PMNM nói riêng cho các cơ quan nhà nước; khuyến khích phát triển
các ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ dựa trên PMNM.
d) Các cơ sở, doanh nghiệp cung
cấp dịch vụ đào tạo CNTT: tích cực, chủ động xây dựng các chương trình, giáo
trình và tổ chức các khoá đào tạo về PMNM; đưa nội dung đào tạo sử dụng các sản
phẩm PMNM vào các chương trình đào tạo về tin học cơ bản, tin học văn phòng,
tin học nâng cao.
Nhận được chỉ thị này, yêu cầu thủ
trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố; tổ chức, cá nhân
trong tỉnh triển khai thực hiện./.