BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 191/BC-BTTTT
|
Hà Nội, ngày 25
tháng 10 năm 2024
|
BÁO
CÁO
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ TRUYỀN
THANH - TRUYỀN HÌNH CẤP HUYỆN
Chiến lược phát triển
lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021 - 2025 ban hành theo Quyết định số
1381/QĐ-BTTTT ngày 07/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xác
định mục tiêu “đến năm 2023, 100% huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc
tỉnh có cơ sở truyền thông cấp huyện” hoạt động theo mô hình truyền thông đa
phương tiện, đa nền tảng.
Trên cơ sở báo cáo
của Sở Thông tin và Truyền thông 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và
kết quả khảo sát thực tế tại một số địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông
xây dựng Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của cơ sở truyền thanh - truyền
hình cấp huyện như sau:
I. THỰC TRẠNG HOẠT
ĐỘNG
Tính đến ngày
30/5/2024, cả nước có 666 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện[1],
chiếm 94,5% tổng số huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong đó, 625
Đài Truyền thanh - Truyền hình sáp nhập với các đơn vị sự nghiệp công lập khác
trên địa bàn thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Trung tâm Truyền
thông và Văn hóa hoặc Trung tâm có tên gọi khác của cấp huyện có hoạt động
truyền thanh, truyền hình[2]; có 41 Đài Truyền thanh - Truyền hình
của 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang hoạt động độc lập[3].
Cả nước hiện có 39
quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có Đài
Truyền thanh - Truyền hình của 07 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[4].
1. Nhân lực làm công
tác truyền thanh - truyền hình
Tính đến ngày
30/5/2024, cả nước có 5.644 người làm công tác truyền thanh - truyền hình cấp
huyện. Trong đó: khối sản xuất nội dung là 3.371 người (biên tập viên[5],
phóng viên[6], phát thanh viên[7]); khối
kỹ thuật là 1.781 người[8]; khối thực hiện các công việc khác có
liên quan là 492 người[9].
Biểu
đồ: Nhân lực làm công tác truyền thanh - truyền hình
- Về trình độ, chuyên
môn: Số người có trình độ chuyên môn đại học trở lên là 4.507 người, trong đó:
chuyên ngành báo chí, truyền thông là 1.493 người; điện tử - viễn thông, công
nghệ thông tin là 942 người; các ngành khác là 2.072 người; số người có trình
độ cao đẳng trở xuống là 1.137 người, trong đó: chuyên ngành báo chí, truyền
thông là 295 người; điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin là 512 người; các
ngành khác là 330 người.
Biểu
đồ: Trình độ chuyên môn của nhân lực làm công tác truyền thanh - truyền hình
Theo báo cáo của các
địa phương, hạn chế lớn nhất của đội ngũ nhân lực khối sản xuất nội dung không
được đào tạo chuyên ngành báo chí, truyền thông và khối kỹ thuật không được đào
tạo chuyên ngành điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, chiếm tỷ lệ cao
(33,4%). Do vậy, năng lực chuyên môn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày
càng cao về chất lượng nội dung, quy trình số hóa sản xuất nội dung, yêu cầu
đổi mới về phương thức, công nghệ sản xuất nội dung truyền thông đa phương
tiện, đa nền tảng.
Công tác đào tạo lại,
bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ người làm công tác truyền thanh -
truyền hình cấp huyện bước đầu được chú trọng, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu
nhiệm vụ đặt ra khi chuyển đổi hoạt động sang mô hình truyền thông đa phương
tiện, đa nền tảng.
- Về cấp thẻ nhà báo:
Hiện nay các cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện có 468 người là phóng
viên, biên tập viên được cấp thẻ nhà báo, chiếm 13,9% tổng số người làm việc
thuộc khối sản xuất nội dung. Những người được cấp thẻ nhà báo thể hiện năng
lực hoạt động chuyên nghiệp và có những đóng góp trong quá trình cộng tác sản
xuất các tác phẩm báo chí cho các cơ quan báo chí cấp tỉnh và Trung ương theo
quy định của Luật Báo chí.
Tuy nhiên, sau khi
sáp nhập Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện thành Trung tâm Văn hóa,
Thông tin và Thể thao, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa hoặc Trung tâm có tên
gọi khác của cấp huyện không thể cấp mới thẻ nhà báo cho những phóng viên, biên
tập viên đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện do Luật Báo chí hiện hành không có quy
định cấp thẻ nhà báo cho những người làm việc tại các Trung tâm (Phụ lục 01
kèm theo).
2. Cơ sở vật chất,
thiết bị kỹ thuật, công nghệ
Tính đến ngày
30/5/2024, các cơ sở truyền thanh - truyền hình cả nước có:
- 2.220 máy tính[10]
cài đặt phần mềm biên tập chương trình phát thanh, biên tập chương trình truyền
hình, bình quân 3,3 máy tính/cơ sở.
- 1.891 máy quay phim
chuyên dụng[11], bình quân 2,8 máy/cơ sở.
- 1.211 máy thu âm
chuyên dụng[12], bình quân 1,8 máy/cơ sở.
- 829 máy ảnh[13],
bình quân 1,2 máy/cơ sở.
- 1.451 thiết bị khác
(máy tính văn phòng, máy tăng âm, máy phát sóng, mixer..) phục vụ sản xuất nội
dung chương trình[14], bình quân 2,2 thiết bị/cơ sở.
Theo đánh giá của các
địa phương, các cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện đều có thiết bị kỹ
thuật, công nghệ để phục vụ sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện. Tuy
nhiên, đa số các thiết bị kỹ thuật đều đã cũ, xuống cấp và thiếu đồng bộ.
Nguyên nhân của tình
trạng này là thiết bị được đầu tư từ lâu, theo nhiều nguồn, không được bảo trì,
sửa chữa thường xuyên. Hầu hết các địa phương khi xây dựng kế hoạch chỉ ghi vốn
ngân sách, trên thực tế việc bố trí ngân sách chưa triển khai được. Nhiều địa
phương chỉ duy trì kinh phí hoạt động thường xuyên (lương và các khoản chi có
tính chất lương…), không bố trí được kinh phí mua sắm trang thiết bị mới (Phụ
lục 02 kèm theo).
3. Năng lực sản xuất
sản phẩm truyền thông đa phương tiện
Theo báo cáo của các
địa phương, tính bình quân từ tháng 01 đến tháng 5/2024, tình hình sản xuất sản
phẩm truyền thông của các cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện như sau:
- Số lượng các chương
trình phát thanh tự sản xuất bình quân 33,25 chương trình/tháng[15], cao hơn so với năm 2020
bình quân 30 chương trình/tháng[16] (thời điểm kết thúc thực hiện Đề án quản
lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020 được phê duyệt theo
Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ).
Hầu hết các chương trình phát sóng trên hệ thống truyền thanh cấp huyện và xã,
phường, thị trấn để tuyên truyền đến người dân; trong đó 16,3% chương trình
phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh, 0,28% chương trình phát
sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
- Số lượng các chương
trình truyền hình tự sản xuất bình quân 7,4 chương trình/tháng[17],
giảm khoảng 6 lần so với năm 2020 trở về trước (bình quân 47,1 chương
trình/tháng). Phần lớn các chương trình phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền
hình cấp tỉnh; trong đó 01% chương trình phát sóng trên Đài Truyền hình Việt
Nam, 24% chương trình phát trên cổng, trang thông tin điện tử cấp huyện, trên
trang Fanpage của cấp huyện.
Nguyên nhân số lượng
các chương trình truyền hình tự sản xuất giảm là do sau khi các Đài Truyền
thanh - Truyền hình cấp huyện sáp nhập thành Trung tâm, chức năng phát sóng các
chương trình truyền hình trên đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện không
còn. Việc sản xuất các chương trình truyền hình chủ yếu phục vụ cho hoạt động
tuyên truyền trên Trang địa phương do Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh đặt
hàng, định kỳ 01 - 02 chương trình/tháng, tuyên truyền các sự kiện, hoạt động
quan trọng của cấp huyện.
- Số lượng các tin,
bài tự sản xuất/tháng đăng tải trên cổng, trang thông tin điện tử cấp huyện
bình quân 76,3 tin, bài/tháng; trên bảng tin điện tử công cộng cấp huyện bình
quân 16 tin, bài và trên các nền tảng truyền thông khác bình quân 47,5 tin, bài; trên
báo của cấp tỉnh bình quân 11,6 tin, bài/tháng và các báo của Trung ương bình
quân 0,8 tin, bài/tháng.
- Số lượng các
videoclip tự sản xuất đăng phát trên cổng, trang thông tin điện tử cấp huyện
bình quân 11,2 videoclip/tháng; số lượng videoclip đăng phát trên bảng tin điện
tử công cộng cấp huyện bình quân 5,5 videoclip/tháng và đăng phát trên các nền
tảng truyền thông khác bình quân 15,9 videoclip/tháng. Đây là sản phẩm truyền
thông mới, được đăng phát ngày càng phổ biến trên cổng, trang thông tin điện
tử, bảng tin điện tử công cộng và các nền tảng truyền thông (Zalo, Facebook,
trang Fanpage của cấp huyện...) bởi tính trực quan, sinh động thu hút nhiều
lượt người xem (trước năm 2020, các đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện cơ
bản chưa sản xuất sản phẩm truyền thông này).
Theo báo cáo của địa
phương cho thấy, sau sáp nhập hầu hết các cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp
huyện đều phát triển theo hướng hoạt động sản xuất nội dung truyền thông đa
phương tiện, ứng dụng và sử dụng thiết bị công nghệ đa phương tiện, đa nền
tảng. Tập trung sản xuất các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình,
tin, bài, ảnh, videoclip đăng phát trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài
truyền thanh cấp xã; cổng, trang thông tin điện tử, bảng tin điện tử cấp huyện;
trên các cơ quan báo, đài cấp tỉnh và Trung ương; các nền tảng truyền thông để
chuyển tải nội dung thông tin, tuyên truyền nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu
cầu chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, nhất là trong những tình huống
khẩn cấp như phòng, chống dịch bệnh; phòng chống lụt, bão. Một số địa phương
thực hiện tốt hoạt động trên như: Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Nội, Hà Nam, Quảng
Ninh, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đồng Nai, An Giang.
Biểu
đồ: So sánh năng lực sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện của cơ sở
truyền thanh - truyền hình cấp huyện năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2024
Có thể khẳng định,
đây là bước chuyển đổi quan trọng của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp
huyện trong thời đại chuyển đổi số. Từ năm 2020 trở về trước, cơ sở truyền
thanh - truyền hình cấp huyện chủ yếu tổ chức sản xuất một số sản phẩm truyền
thông: tin, bài, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình để phát trên
đài cấp huyện, trên báo, đài cấp tỉnh; chưa sản xuất các sản phẩm truyền thông
khác để tuyên truyền, phổ biến trên các nền tảng (Phụ lục 03 kèm theo).
4. Kinh phí hoạt động
Kinh phí được cấp từ
ngân sách địa phương để duy trì hoạt động thường xuyên, trong giai đoạn 03 năm
2021 - 2023, trung bình mỗi năm khoảng 600 triệu đồng/01 cơ sở truyền thanh -
truyền hình, bao gồm: tiền lương, tiền công, kinh phí thực hiện nhiệm vụ thông
tin, tuyên truyền và một phần kinh phí mua sắm, nâng cấp thiết bị kỹ thuật,
công nghệ phục vụ sản xuất nội dung chương trình.
Kinh phí được cấp để
hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương
tiện từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -
2025: Tính đến tháng 6 năm 2024, có 14 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện
được đầu tư nâng cấp thiết bị kỹ thuật sản xuất chương trình, với tổng kinh phí
là 4.113 triệu đồng. Dự kiến đến năm 2025, có 40 cơ sở truyền thanh - truyền
hình cấp huyện được đầu tư nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật sản xuất chương
trình, với tổng kinh phí là 25.659 triệu đồng.
Nhìn chung, kinh phí
duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp
huyện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; việc bố trí kinh phí từ chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hiện
đại hóa trang thiết bị kỹ thuật rất hạn chế (Phụ lục 04 kèm theo).
II. NHẬN XÉT, ĐÁNH
GIÁ
1. Ưu điểm
a) Đối với Đài Truyền
thanh - Truyền hình đã sáp nhập thành trung tâm:
Việc sáp nhập đã góp
phần tinh gọn đầu mối, tổ chức bộ máy, tập trung nguồn lực và phát huy được
năng lực của viên chức, người lao động; phù hợp với chủ trương tinh giản biên
chế, giảm bớt đầu mối, có điều kiện phát huy năng lực đội ngũ viên chức[18].
Nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là “góp phần giảm mạnh
số lượng cơ sở sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông”[19].
Các Đài Truyền thanh
- Truyền hình sau sáp nhập thành bộ phận (tổ truyền thanh hoặc tổ thông tin,
tuyên truyền) thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Trung tâm Truyền
thông và Văn hóa hoặc Trung tâm có tên gọi khác của cấp huyện, bước đầu đã thực
hiện theo định hướng chuyển đổi hoạt động sang mô hình sản xuất nội dung truyền
thông đa phương tiện theo Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn
2021 - 2025. Chủ đề, nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng, thiết thực và
được tuyên truyền, phổ biến thường xuyên, đều đặn trên các đài, báo cấp tỉnh,
cổng, trang thông tin điện tử, bảng tin điện tử công cộng cấp huyện, hệ thống
truyền thanh cấp huyện và cấp xã, các nền tảng truyền thông khác, thu hút đông
đảo người dân quan tâm, theo dõi.
b) Đối với Đài Truyền
thanh - Truyền hình chưa sáp nhập:
Đài Truyền thanh -
Truyền hình đang hoạt động độc lập chủ yếu thực hiện nhiệm vụ phát thanh,
truyền thanh. Số lượng chương trình phát thanh tự sản xuất cao hơn so với các
Đài Truyền thanh - Truyền hình đã sáp nhập thành Trung tâm, bình quân 35,2
chương trình phát thanh/tháng.
Tuy nhiên, năng lực
sản xuất các sản phẩm truyền thông đa phương tiện thấp hơn[20] so với các Đài Truyền
thanh - Truyền hình đã sáp nhập thành Trung tâm, như: số lượng tin, bài tự sản
xuất đăng phát trên cổng, trang thông tin điện tử cấp huyện bình quân 65,4 tin,
bài/tháng; trên bảng tin điện tử công cộng cấp huyện bình quân 4,2 tin, bài/tháng.
2. Khó khăn, hạn chế
và nguyên nhân
a. Khó khăn, hạn chế:
- Các Đài Truyền
thanh - Truyền hình sau khi sáp nhập thành Trung tâm được giao nhiều nhiệm vụ
khác thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, trong khi biên chế ít, bình quân chỉ có
8,5 người làm công tác thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông/Trung tâm[21] , nên gặp nhiều khó
khăn trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, ảnh
hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động.
- Một số các sản phẩm
truyền thông chất lượng chưa cao, chưa thực sự hấp dẫn, nên hiệu quả thông tin,
tuyên truyền, định hướng dư luận còn hạn chế.
- Nhiều phóng viên,
biên tập viên chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu tự học, tích lũy kinh nghiệm
qua thực tế hoạt động, nên kỹ năng sản xuất nội dung truyền thông đa phương
tiện còn hạn chế.
- Một số viên chức
làm công tác thông tin, truyền thông trong các Trung tâm chưa được nâng hạng,
chuyển hạng theo đúng bằng cấp, vị trí việc làm.
b) Nguyên nhân của
khó khăn, vướng mắc
- Việc sáp nhập Đài
Truyền thanh - Truyền hình thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao,
Trung tâm Truyền thông và Văn hóa từ những đơn vị khác nhau nên một số Trung
tâm bố trí viên chức, người lao động theo vị trí việc làm chưa phù hợp với
chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo.
- Chế độ tiền lương
thấp, chưa có chế độ phụ cấp cho đội ngũ hiện đang giữ chức danh trưởng, phó tổ
truyền thanh hoặc tổ thông tin, tuyên truyền thuộc Trung tâm, nên chưa động
viên, giữ được người có chuyên môn, kinh nghiệm yên tâm làm việc.
- Chính quyền cấp
huyện nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đầu tư, nâng cấp đồng bộ cơ sở vật
chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa
phương tiện, đa nền tảng.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI
PHÁP
1.
Chuyển đổi mô hình hoạt động của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện
a) Sắp xếp lại cơ sở
truyền thanh - truyền hình cấp huyện sau khi chấm dứt hoạt động phát sóng, tiếp
sóng phát thanh.
Cơ sở truyền thanh -
truyền hình cấp huyện bao gồm: Đài Truyền thanh - Truyền hình, Trung tâm Văn
hóa, Thông tin và Thể thao, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa, hoặc Trung tâm
có tên gọi khác có hoạt động truyền thanh, truyền hình (sau đây gọi tắt là
Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện
thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày
07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự
nghiệp công lập. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thành lập, tổ chức
lại, giải thể và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
đơn vị sự nghiệp cấp huyện theo quy định của pháp luật, phân cấp của Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh[22].
Theo đó, mô hình hoạt
động của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện sau khi chấm dứt hoạt động
phát sóng, tiếp sóng chương trình phát thanh trước ngày 31/12/2025 theo quy định
tại Điều 41 Nghị định 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ quy định về
hoạt động thông tin cơ sở là chuyển đổi thành đơn vị làm công tác thông tin cơ
sở cấp huyện thuộc các Trung tâm của cấp huyện, có nhiệm vụ sản xuất nội dung
truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng, theo hướng:
- Đối với những địa
phương đã sáp nhập Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện thành bộ phận (tổ
truyền thanh) thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Trung tâm Truyền
thông và Văn hóa, hoặc các Trung tâm có tên gọi khác, Ủy ban nhân dân cấp huyện
quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế, bố
trí kinh phí hoạt động của Trung tâm, trong đó có bộ phận làm công tác thông
tin cơ sở của cấp huyện.
- Đối với những địa
phương có Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đang hoạt động độc lập[23],
Ủy ban nhân dân cấp huyện nghiên cứu tổ chức, sắp xếp lại thành đơn vị hoạt
động thông tin cơ sở cấp huyện, có thể đổi tên thành Trung tâm Truyền thông cấp
huyện cho phù hợp với mô hình hoạt động truyền thông đa phương tiện, đa nền
tảng; hoặc có thể sáp nhập đài với đơn vị sự nghiệp công lập khác trên địa bàn
theo điều kiện thực tế của địa phương, trong cơ cấu tổ chức của đơn vị sau sáp
nhập có bộ phận làm công tác thông tin cơ sở (tổ truyền thông hoặc tổ thông
tin, tuyên truyền).
- Đối với những địa
phương không có Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện[24], Ủy
ban nhân dân cấp huyện tổ chức bộ phận làm công tác thông tin cơ sở cấp huyện
thuộc đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ phù hợp (như
tổ truyền thông hoặc tổ thông tin, tuyên truyền thuộc các Trung tâm Văn hóa,
Thể thao, Du lịch).
b) Tổ chức hoạt động
thông tin cơ sở của cấp huyện
Nghị định số
49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ quy định hoạt động thông tin cơ sở
là căn cứ pháp lý quy định hoạt động thông tin cơ sở của cấp huyện là hoạt động
do Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện hoặc bộ phận chuyên biệt làm công
tác thông tin cơ sở thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Trung tâm
Truyền thông và Văn hóa, hoặc Trung tâm có tên gọi khác của cấp huyện thực hiện
nhiệm vụ theo quy định tại Điều 40 Nghị định này, cụ thể:
- Sản xuất chương
trình phát thanh bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số tại địa phương để phát
trên đài truyền thanh cấp xã;
- Sản xuất tin, bài,
ảnh, video clip, đồ họa thông tin và các hình thức phù hợp khác để cung cấp,
phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân trên đa phương tiện, đa nền tảng
theo quy định của pháp luật;
- Cộng tác, phối hợp
sản xuất tin, bài, ảnh, video clip, chương trình phát thanh, chương trình
truyền hình để đăng phát trên báo, đài cấp tỉnh và trung ương theo quy định của
pháp luật;
- Vận hành hoạt động
bảng tin công cộng của cấp huyện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của
Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Thực hiện cung cấp
thông tin trên hệ thống thông tin nguồn thông tin cơ sở cấp tỉnh theo quy định
của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bộ Thông tin và
Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của đơn
vị làm công tác thông tin cơ sở thuộc các Trung tâm của cấp huyện. Hướng dẫn
triển khai thực hiện Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước
trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (trong đó có nhóm dịch vụ của thông
tin cơ sở) sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt. Đề
xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí hiện hành quy định về
cấp thẻ nhà báo cho những người làm công tác thông tin cơ sở cấp huyện có tác
phẩm báo chí đăng phát trên các cơ quan báo chí của Trung ương và cấp tỉnh, đáp
ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật.
2.
Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật sản xuất nội
dung truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng
Các địa phương tăng
cường đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung
truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng của đơn vị làm công tác thông tin cơ
sở thuộc các Trung tâm của cấp huyện để tuyên truyền, phổ biến trên đài truyền
thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, đăng phát trên cổng,
trang thông tin điện tử, bảng tin điện tử công cộng và các phương tiện truyền
thông khác của cấp huyện, cấp xã; cộng tác sản xuất chương trình phát thanh,
chương trình truyền hình, cung cấp nội dung cho các đài phát thanh, truyền hình
tỉnh, thành phố và Trung ương.
Sử dụng hiệu quả các
nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm
nghèo bền vững, ngân sách địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư
nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông
đa phương tiện, đa nền tảng của đơn vị làm công tác thông tin cơ sở thuộc các
Trung tâm của cấp huyện.
3.
Tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội
ngũ làm công tác thông tin cơ sở cấp huyện
Bộ Thông tin và
Truyền thông tổ chức biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn,
nghiệp vụ, cập nhật kiến thức kỹ thuật, công nghệ, hướng dẫn kỹ năng tuyên
truyền; đưa nội dung đào tạo, bồi dưỡng lên nền tảng trực tuyến để người làm
công tác thông tin cơ sở có thể tự học, tự nghiên cứu; phối hợp với các địa
phương tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thông tin cơ
sở, cập nhật kiến thức bằng hình thức trực tuyến.
Các địa phương định
kỳ tổ chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
đối với nhân lực thực hiện nhiệm vụ sản xuất nội dung (phóng viên, biên tập
viên, phát thanh viên); tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
đối với nhân lực thực hiện nhiệm vụ truyền dẫn, phát sóng (nhân viên kỹ thuật)
để quản lý, sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, hỗ trợ kỹ thuật đối với các đài
truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn, hoặc có thể chuyển đổi công
việc sang thực hiện nhiệm vụ sản xuất nội dung.
IV. KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
1. Chỉ đạo Sở Thông
tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nội vụ và cơ quan có liên quan tham mưu
hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể
thao, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa hoặc các Trung tâm có tên gọi khác của
cấp huyện, trong đó có bộ phận làm công tác thông tin cơ sở sau khi chấm dứt
hoạt động phát sóng, tiếp sóng chương trình phát thanh, chuyển đổi sang hoạt
động truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng.
2. Bố trí nguồn lực
từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025,
ngân sách địa phương để nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản
xuất nội dung truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng của bộ phận làm công tác
thông tin cơ sở thuộc các Trung tâm cấp huyện.
3. Tổ chức đào tạo
lại, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho đội ngũ làm công
tác thông tin cơ sở của cấp huyện.
4. Định kỳ tổ chức
khen thưởng, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc
trong hoạt động thông tin cơ sở tại địa phương./.
Nơi nhận:
-
Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, TTCS.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn
Thanh Lâm
|