SỞ
GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
124/QĐ-SGDHCM
|
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 10 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẠI SỞ GIAO DỊCH
CHỨNG KHOÁN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TỔNG GIÁM ĐỐC SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Chứng khoán số
70/2006/QH11;
Căn cứ Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;
Được sự chấp thuận của Ủy Ban chứng khoán Nhà nước.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế giao dịch chứng
khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 10 năm
2007.
Điều 3.
Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trưởng phòng ban thuộc
Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, các bên liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- UBCKNN (để báo cáo);
- Các CTCK Thành viên;
- Các Công ty niêm yết;
- Các Thành viên Lưu ký;
- NH chỉ định thanh toán;
- TTLKCK;
- Lưu P.HCTH, P.QLTV
|
TỔNG
GIÁM ĐỐC
Trần Đắc Sinh
|
QUY CHẾ
GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẠI SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN THÀNH PHỐ
HỒ CHÍ MINH
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 124/QĐ-SGDHCM, ngày 09 tháng10 năm2007, của Tổng
Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM)
Chương I.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về hoạt động
giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt
là “SGDCK TP.HCM”).
Điều 2. Giải
thích thuật ngữ
Trong quy chế này, các thuật ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Thành viên giao dịch tại
SGDCK TP.HCM là công ty chứng khoán được SGDCK TP.HCM chấp thuận trở thành
thành viên giao dịch (sau đây gọi tắt là “thành viên”).
2. Hệ thống giao dịch là
hệ thống máy tính dùng cho hoạt động giao dịch chứng khoán tại SGDCK TP.HCM.
3. Hệ thống
chuyển lệnh là hệ thống thực hiện việc chuyển các lệnh giao dịch của nhà đầu
tư từ thành viên đến SGDCK TP.HCM.
4. Biên độ dao động giá
là giới hạn dao động giá chứng khoán quy định trong ngày giao dịch được tính
theo tỷ lệ phần trăm (%) so với giá tham chiếu.
5. Giá tham chiếu là mức
giá làm cơ sở để SGDCK TP.HCM tính giới hạn dao động giá chứng khoán trong ngày
giao dịch.
6. Giá thực hiện là giá
chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ giao dịch
thỏa thuận.
7. Giá mở cửa là giá thực
hiện tại lần khớp lệnh đầu tiên trong ngày giao dịch.
8. Giá đóng cửa là giá thực
hiện tại lần khớp lệnh cuối cùng trong ngày giao dịch. Trong trường hợp không
có giá thực hiện trong ngày giao dịch, giá đóng cửa được xác định là giá đóng cửa
của ngày giao dịch gần nhất trước đó.
9. Trạm đầu
cuối là các thiết bị đầu vào và đầu ra dùng để nhận hoặc chuyển thông tin.
10. Đại diện giao dịch của
thành viên SGDCK TP.HCM là nhân viên do thành viên cử và được SGDCK TP.HCM
cấp thẻ đại diện giao dịch.
Chương II.
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ GIAO
DỊCH
Điều 3.
Quy tắc chung
1. SGDCK TP.HCM tổ chức giao dịch
đối với các loại chứng khoán sau đây:
3.1.1. Cổ phiếu;
3.1.2. Chứng chỉ quỹ đầu tư chứng
khoán;
3.1.3. Trái phiếu;
3.1.4. Các loại chứng khoán khác
sau khi có sự chấp thuận của UBCKNN.
2. Trung tâm Lưu ký chứng khoán
cấp mã chứng khoán cho các chứng khoán niêm yết tại SGDCK TP.HCM trên cơ sở thống
nhất với bảng phân bổ mã ký tự của SGDCK TP.HCM.
3. Chứng khoán niêm yết tại
SGDCK TP.HCM được giao dịch thông qua hệ thống giao dịch của SGDCK TP.HCM, ngoại
trừ các trường hợp sau:
1. Giao dịch lô lẻ;
2. Chào mua công khai;
3. Đấu giá bán phần vốn nhà nước
tại tổ chức niêm yết;
4. Cho, biếu, tặng, thừa kế;
5. Sửa lỗi sau giao dịch;
6. Tổ chức niêm yết thực hiện giao
dịch mua lại cổ phiếu ưu đãi của cán bộ, công nhân viên;
7. Các trường hợp khác theo Quy
định của SGDCK TP.HCM.
SGDCK TP.HCM ban hành các Quy
trình giao dịch cụ thể trên hệ thống giao dịch của Sở căn cứ theo quy định tại
Quy chế này.
4. Căn cứ đề
nghị của thành viên, SGDCK TP.HCM sẽ xem xét và cấp trạm đầu cuối cho thành
viên để nhập lệnh vào hệ thống giao dịch. SGDCK TP.HCM có thể thu hồi trạm đầu
cuối đã cấp cho thành viên hoặc yêu cầu thành viên ngừng sử dụng trạm đầu cuối.
Các trường hợp thu hồi hoặc yêu cầu thành viên ngừng sử dụng trạm đầu cuối do
SGDCK TP.HCM quy định.
5. Chỉ đại diện
giao dịch của thành viên mới được nhập lệnh vào hệ thống giao dịch. Hoạt động của
đại diện giao dịch phải tuân thủ Quy chế giao dịch này và các quy định liên
quan của SGDCK TP.HCM về đại diện giao dịch.
Thành viên chịu trách nhiệm về
việc thực hiện nhiệm vụ của các đại diện giao dịch của mình.
Điều 4. Thời
gian giao dịch
1. SGDCK TP.HCM tổ chức giao dịch
chứng khoán từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, trừ các ngày nghỉ theo quy định
trong Bộ luật Lao động.
2. Thời gian giao dịch cụ thể do
SGDCK TP.HCM quyết định sau khi có sự chấp thuận của UBCKNN.
3. SGDCK TP.HCM có thể thay đổi
thời gian giao dịch trong trường hợp cần thiết.
Điều 5. Tạm
ngừng giao dịch chứng khoán
1. SGDCK TP.HCM tạm ngừng hoạt động
giao dịch chứng khoán trong trường hợp:
- Hệ thống giao dịch của SGDCK
TP.HCM gặp sự cố;
-. Khi xảy ra những sự kiện làm ảnh
hưởng đến hoạt động giao dịch bình thường của thị trường như thiên tai, hỏa hoạn
v.v…;
- UBCKNN yêu cầu ngừng giao dịch
để bảo vệ thị trường.
- Các trường hợp SGDCK TP.HCM thấy
cần thiết để bảo vệ lợi ích nhà đầu tư.
2. SGDCK TP.HCM có thể căn cứ
vào tình hình cụ thể để quyết định thay đổi thời gian giao dịch.
3. SGDCK TP.HCM lập tức phải báo
cáo UBCKNN việc tạm ngừng và thay đổi thời giao dịch trên.
Điều 6.
Phương thức giao dịch
1. SGDCK TP.HCM tổ chức giao dịch
chứng khoán thông qua hệ thống giao dịch theo 2 phương thức sau:
*. Phương thức khớp lệnh:
Phương thức khớp lệnh bao gồm:
Khớp lệnh định kỳ và khớp lệnh liên tục.
a. Khớp lệnh định kỳ: Là phương
thức giao dịch được hệ thống giao dịch thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh
mua và lệnh bán chứng khoán của khách hàng tại một thời điểm xác định. Nguyên tắc
xác định giá thực hiện trong phương thức khớp lệnh định kỳ như sau:
i. Là mức giá thực hiện đạt được
khối lượng giao dịch lớn nhất;
ii. Nếu có nhiều mức giá thỏa
mãn tiết i nêu trên thì mức giá trùng hoặc gần với giá thực hiện của lần khớp lệnh
gần nhất sẽ được chọn;
Phương thức khớp lệnh định kỳ được
sử dụng để xác định giá mở cửa và giá đóng cửa của chứng khoán trong phiên giao
dịch.
b. Khớp lệnh liên tục: Là phương
thức giao dịch được hệ thống giao dịch thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh
mua và lệnh bán chứng khoán ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch.
Nguyên tắc xác định giá thực hiện
trong phương thức khớp lệnh liên tục là mức giá của các lệnh giới hạn đối ứng
đang nằm chờ trên sổ lệnh.
*. Phương thức thoả thuận: Là phương
thức giao dịch trong đó các thành viên tự thoả thuận với nhau về các điều kiện
giao dịch và được đại diện giao dịch của thành viên nhập thông tin vào hệ thống
giao dịch để ghi nhận.
2. Cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đầu
tư được giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận.
Trái phiếu được giao dịch theo
phương thức thoả thuận.
3. SGDCK TP.HCM quyết định thay
đổi phương thức giao dịch đối với từng loại chứng khoán sau khi có sự chấp thuận
của UBCKNN.
Điều 7.
Nguyên tắc khớp lệnh giao dịch
Hệ thống giao dịch thực hiện so
khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán theo nguyên tắc ưu tiên về giá và
thời gian như sau:
1. Ưu tiên về giá:
- Lệnh mua có mức giá cao hơn được
ưu tiên thực hiện trước;
- Lệnh bán có mức giá thấp hơn
được ưu tiên thực hiện trước;
2. Ưu tiên về thời gian: Trường
hợp các lệnh mua hoặc lệnh bán có cùng mức giá thì lệnh nhập vào hệ thống giao
dịch trước sẽ được ưu tiên thực hiện trước.
Điều 8. Đơn
vị giao dịch và đơn vị yết giá
1. Đơn vị giao dịch được quy định
như sau:
SGDCK TP. HCM quy định đơn vị
giao dịch lô chẵn, khối lượng giao dịch lô lớn sau khi có sự chấp thuận của
UBCKNN.
2. Đơn vị yết giá được quy định
như sau:
a. Giao dịch theo phương thức khớp
lệnh:
Mức
giá
|
Đơn
vị yết giá
|
≤
49.900
|
100
đồng
|
50.000
- 99.500
|
500
đồng
|
≥
100.000
|
1.000
đồng
|
b. Không quy định đơn vị yết giá
đối với phương thức giao dịch thoả thuận.
Điều 9. Biên
độ dao động giá
1. SGDCK TP.HCM quy định biên độ
dao động giá đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư trong ngày giao dịch sau khi
có sự chấp thuận của UBCKNN.
2. Không áp dụng biên độ dao động
giá đối với giao dịch trái phiếu.
3. Biên độ dao động giá đối với
cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư được xác định như sau:
Giá tối đa (Giá trần) = Giá tham
chiếu + (Giá tham chiếu x Biên độ dao động giá)
Giá tối thiểu (Giá sàn) = Giá
tham chiếu – (Giá tham chiếu xBiên độ dao động giá)
4. Biên độ dao động giá quy định
tại Khoản 9.1 điều này không áp dụng đối với chứng khoán trong một số trường hợp
sau:
- Ngày giao dịch đầu tiên của cổ
phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư mới niêm yết;
- Cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư
được giao dịch trở lại sau khi bị tạm ngừng giao dịch trên 30 ngày;
- Các trường hợp khác theo quyết
định của SGDCK TP.HCM.
Điều 10.
Giá tham chiếu
1. Giá tham chiếu của cổ phiếu
và chứng chỉ quỹ đầu tư đang giao dịch là giá đóng cửa của ngày giao dịch gần
nhất trước đó.
2. Trường hợp cổ phiếu, chứng chỉ
quỹ đầu tư mới được niêm yết, trong ngày giao dịch đầu tiên, giá tham chiếu được
xác định theo quy định tại Điều 11 của Quy chế này.
3. Trường hợp
chứng khoán bị tạm ngừng giao dịch trên 30 ngày khi được giao dịch trở lại thì
giá tham chiếu được xác định tương tự quy định tại Khoản 10.2. Điều này.
4. Trường hợp giao dịch chứng
khoán không được hưởng cổ tức và các quyền kèm theo, giá tham chiếu tại ngày
không hưởng quyền được xác định theo nguyên tắc lấy giá đóng cửa của ngày giao
dịch gần nhất điều chỉnh theo giá trị cổ tức được nhận hoặc giá trị các quyền
kèm theo.
5. Trường hợp tách hoặc gộp cổ
phiếu, giá tham chiếu tại ngày giao dịch trở lại được xác định theo nguyên tắc
lấy giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày tách, gộp điều chỉnh theo tỷ lệ
tách, gộp cổ phiếu.
6. Trong một số trường hợp cần
thiết, SGDCK TP.HCM có thể áp dụng phương thức xác định giá tham chiếu khác sau
khi có sự chấp thuận của UBCKNN.
Điều 11.
Xác định giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và trái phiếu mới niêm yết
1. Việc xác định giá của cổ phiếu,
chứng chỉ quỹ mới niêm yết trong ngày giao dịch đầu tiên được quy định như sau:
- Tổ chức niêm yết và tổ chức tư
vấn niêm yết (nếu có) phải đưa ra mức giá giao dịch dự kiến để làm giá tham chiếu
trong ngày giao dịch đầu tiên.
- Biên độ dao
động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20% so với giá giao dịch dự kiến.
- Giá đóng cửa trong ngày giao dịch
đầu tiên sẽ là giá tham chiếu cho ngày giao dịch kế tiếp. Biên độ dao động giá
quy định tại điều 9 Quy chế này được áp dụng từ ngày giao dịch kế tiếp.
- Nếu trong 3 ngày giao dịch đầu
tiên, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mới niêm yết vẫn chưa có giá đóng cửa, tổ chức
niêm yết sẽ phải xác định lại giá giao dịch dự kiến.
2. Không cho phép giao dịch thỏa
thuận cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong ngày giao dịch đầu tiên.
3. Không quy định mức giá giao dịch
dự kiến, biên độ dao động giá đối với trái phiếu mới niêm yết trong ngày giao dịch
đầu tiên.
Điều 12. Lệnh
giao dịch
1. Lệnh giới hạn:
- Là lệnh mua hoặc lệnh bán chứng
khoán tại một mức giá xác định hoặc tốt hơn.
- Lệnh giới hạn có hiệu lực kể từ
khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch cho đến lúc kết thúc ngày giao dịch
hoặc cho đến khi lệnh bị hủy bỏ.
2. Lệnh thị trường (viết tắt là
MP):
- Là lệnh mua chứng khoán tại mức
giá bán thấp nhất hoặc lệnh bán chứng khoán tại mức giá mua cao nhất hiện có
trên thị trường.
- Nếu sau khi so khớp lệnh theo nguyên
tắc ở điểm 12.2.1 mà khối lượng đặt lệnh của lệnh thị trường vẫn chưa được thực
hiện hết thì lệnh thị trường sẽ được xem là lệnh mua tại mức giá bán cao hơn hoặc
lệnh bán tại mức giá mua thấp hơn tiếp theo hiện có trên thị trường.
- Nếu khối lượng đặt lệnh của lệnh
thị trường vẫn còn sau khi giao dịch theo nguyên tắc tại điểm 12.2.2 và không
thể tiếp tục khớp được nữa thì lệnh thị trường sẽ được chuyển thành lệnh giới hạn
mua tại mức giá cao hơn một bước giá so với giá giao dịch cuối cùng trước đó hoặc
lệnh giới hạn bán tại mức giá thấp hơn một bước giá so với giá giao dịch cuối
cùng trước đó.
Trường hợp giá thực hiện cuối
cùng là giá trần đối với lệnh thị trường mua hoặc giá sàn đối với lệnh thị trường
bán thì lệnh thị trường sẽ được chuyển thành lệnh giới hạn mua tại giá trần hoặc
lệnh giới hạn bán tại giá sàn.
- Các thành viên không được nhập
lệnh thị trường vào hệ thống giao dịch khi chưa có lệnh giới hạn đối ứng đối với
chứng khoán đó.
- Lệnh thị trường được nhập vào
hệ thống giao dịch trong thời gian khớp lệnh liên tục.
3. Lệnh giao dịch tại mức giá khớp
lệnh xác định giá mở cửa (viết tắt là ATO):
- Là lệnh đặt mua hoặc đặt bán
chứng khoán tại mức giá mở cửa.
- Lệnh ATO được ưu tiên trước lệnh
giới hạn trong khi so khớp lệnh.
- Lệnh ATO được nhập vào hệ thống
giao dịch trong thời gian khớp lệnh định kỳ để xác định giá mở cửa và sẽ tự động
bị hủy bỏ sau thời điểm xác định giá mở cửa nếu lệnh không được thực hiện hoặc
không được thực hiện hết.
4. Lệnh giao dịch tại mức giá khớp
lệnh xác định giá đóng cửa (viết tắt là ATC):
- Là lệnh đặt mua hoặc đặt bán
chứng khoán tại mức giá đóng cửa.
- Lệnh ATC được ưu tiên trước lệnh
giới hạn trong khi so khớp lệnh.
- Lệnh ATC được nhập vào hệ thống
giao dịch trong thời gian khớp lệnh định kỳ để xác định giá đóng cửa và sẽ tự động
bị hủy bỏ sau thời điểm xác định giá đóng cửa nếu lệnh không được thực hiện hoặc
không được thực hiện hết.
Điều 13. Nội
dung của lệnh giao dịch
1. Lệnh giới hạn nhập vào
hệ thống giao dịch bao gồm các nội dung sau:
- Lệnh mua, lệnh bán;
- Mã chứng khoán;
- Số lượng;
- Giá;
- Số hiệu tài khoản của nhà đầu
tư;
- Ký hiệu lệnh giao dịch theo
quy định tại Điều 14 Quy chế này..
2. Lệnh giao dịch tại mức giá
khớp lệnh xác định giá mở cửa của chứng khoán nhập vào hệ thống giao dịch
có nội dung như lệnh giới hạn, nhưng không ghi mức giá mà ghi là ATO.
3. Lệnh giao dịch tại mức giá
khớp lệnh xác định giá đóng cửa của chứng khoán nhập vào hệ thống giao dịch
có nội dung như lệnh giới hạn, nhưng không ghi mức giá mà ghi là ATC.
4. Lệnh thị trường nhập vào
hệ thống giao dịch có nội dung như lệnh giới hạn nhưng không ghi mức giá mà ghi
là MP.
Điều 14. Ký
hiệu lệnh giao dịch
Các ký hiệu lệnh giao dịch đối với
lệnh nhập vào hệ thống giao dịch bao gồm:
Loại khách hàng
|
Ký
hiệu lệnh
|
Thành viên giao dịch tự doanh
|
P
|
Nhà đầu tư trong nước lưu ký tại
thành viên giao dịch
|
C
|
Nhà đầu tư nước ngoài lưu ký tại
thành viên giao dịch, tổ chức lưu ký trong nước hoặc tổ chức lưu ký nước
ngoài; Tổ chức lưu ký nước ngoài tự doanh
|
F
|
Nhà đầu tư trong nước lưu ký tại
tổ chức lưu ký trong nước hoặc tại tổ chức lưu ký nước ngoài; Tổ chức lưu ký
trong nước tự doanh
|
M
|
Điều 15. Sửa
hủy lệnh đối với giao dịch khớp lệnh
1. Trong thời gian khớp lệnh định
kỳ:
a. Nghiêm cấm việc huỷ lệnh giao
dịch được đặt trong cùng đợt khớp lệnh định kỳ. Chỉ được phép huỷ các lệnh gốc
hoặc phần còn lại của lệnh gốc chưa được thực hiện trong lần khớp lệnh định kỳ
hoặc liên tục trước đó.
b. Đại diện
giao dịch được phép sửa lệnh giao dịch khi nhập sai lệnh giao dịch của khách
hàng nhưng phải xuất trình lệnh gốc và được SGDCK TP.HCM chấp thuận. Việc sửa lệnh
giao dịch chỉ có hiệu lực khi lệnh gốc chưa được thực hiện hoặc phần còn lại của
lệnh gốc chưa được thực hiện. Việc sửa lệnh trong thời gian giao dịch của thành
viên phải tuân thủ Quy trình sửa lệnh giao dịch do SGDCK TP.HCM ban hành.
2. Trong thời gian khớp lệnh
liên tục, khi khách hàng yêu cầu hoặc khi thành viên nhập sai thông tin của lệnh
gốc, đại diện giao dịch được phép sửa, hủy lệnh nếu lệnh hoặc phần còn lại của
lệnh chưa được thực hiện, kể cả các lệnh hoặc phần còn lại của lệnh chưa được
thực hiện ở lần khớp lệnh định kỳ trước đó.
3. Trường hợp sửa số hiệu tài
khoản của nhà đầu tư, thứ tự ưu tiên của lệnh vẫn được giữ nguyên so với lệnh gốc.
Trường hợp sửa các thông tin
khác của lệnh giao dịch, thứ tự ưu tiên về thời gian của lệnh sau khi sửa được
tính kể từ khi lệnh đúng nhập vào hệ thống giao dịch.
Điều 16. Quảng
cáo giao dịch thỏa thuận
1. Trong thời gian giao dịch thỏa
thuận, đại diện giao dịch của Thành viên được nhập lệnh quảng cáo mua bán chứng
khoán theo phương thức giao dịch thỏa thuận trên hệ thống giao dịch.
2. Nội dung quảng cáo giao dịch
thỏa thuận do đại diện giao dịch nhập trên hệ thống giao dịch bao gồm:
- Mã chứng khoán;
- Giá quảng cáo;
- Khối lượng;
- Lệnh chào mua hoặc bán;
- Số điện thoại liên hệ.
Điều 17. Thực
hiện giao dịch thỏa thuận
1. Trong thời gian giao dịch thoả
thuận, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư được thực hiện giao dịch theo lô lớn.
2. Giao dịch thỏa thuận cổ phiếu,
chứng chỉ quỹ phải tuân theo quy định về biên độ dao động giá trong ngày.
3. Giao dịch thoả thuận do thành
viên bên mua và bên bán nhập vào hệ thống giao dịch theo Quy trình giao dịch
thoả thuận do SGDCK TP.HCM ban hành.
Điều 18. Sửa,
hủy giao dịch thỏa thuận
1. Giao dịch thỏa thuận trên hệ
thống giao dịch không được phép hủy bỏ.
2. Trong trường
hợp đại diện giao dịch nhập sai giao dịch thỏa thuận, đại diện giao dịch được
phép sửa giao dịch thỏa thuận nhưng phải xuất trình lệnh gốc của khách hàng, phải
được bên đối tác chấp thuận sửa và được SGDCK TP.HCM chấp thuận việc sửa giao dịch
thoả thuận. Việc sửa giao dịch thoả thuận của thành viên phải tuân thủ Quy
trình sửa lệnh giao dịch do SGDCK TP.HCM ban hành.
Điều 19. Sửa
lỗi sau giao dịch
Sau khi kết thúc giao dịch, nếu
thành viên phát hiện lỗi giao dịch do nhầm lẫn, sai sót trong quá trình nhận lệnh,
chuyển, nhập lệnh vào hệ thống giao dịch, thành viên phải báo cáo SGDCK TP.HCM
về lỗi giao dịch và chịu trách nhiệm giải quyết với khách hàng về lỗi giao dịch
của mình. Việc sửa lỗi sau giao dịch của thành viên phải tuân thủ Quy trình sửa
lỗi sau giao dịch do SGDCK TP.HCM và Trung tâm Lưu ký chứng khoán ban hành.
Điều 20.
Xác lập và huỷ bỏ giao dịch
1. Giao dịch chứng khoán được
xác lập khi hệ thống giao dịch thực hiện khớp lệnh mua và lệnh bán theo phương
thức khớp lệnh hoặc ghi nhận giao dịch theo phương thức thỏa thuận, ngoại trừ
có quy định khác do SGDCK TP.HCM ban hành.
Thành viên bên mua và bên bán có
trách nhiệm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán đối với giao dịch chứng khoán đã được
xác lập.
2. Trong trường hợp giao dịch đã
được thiết lập ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư hoặc
toàn bộ giao dịch trên thị trường, SGDCK TP.HCM có thể quyết định sửa hoặc hủy
bỏ giao dịch trên.
3. Trong trường hợp hệ thống
giao dịch gặp sự cố dẫn đến tạm ngừng giao dịch, SGDCK TP.HCM căn cứ tình hình
khắc phục sự cố để quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả giao dịch.
Điều 21. Kiểm
soát giao dịch chứng khoán của người đầu tư nước ngoài
1. Hệ thống giao dịch kiểm soát
và công bố khối lượng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài
còn được phép mua theo nguyên tắc:
a. Trong thời gian giao dịch khớp
lệnh:
21.1.1.1. Khối lượng cổ phiếu,
chứng chỉ quỹ đầu tư mua của nhà đầu tư nước ngoài được trừ vào khối lượng còn
được phép mua ngay sau khi lệnh mua được thực hiện; khối lượng cổ phiếu, chứng
chỉ quỹ đầu tư bán của nhà đầu tư nước ngoài được cộng vào khối lượng cổ phiếu,
chứng chỉ quỹ đầu tư còn được phép mua ngay sau khi kết thúc việc thanh toán
giao dịch.
21.1.1.2. Lệnh mua hoặc một phần
lệnh mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài chưa được thực
hiện sẽ tự động bị hủy nếu khối lượng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư còn được
phép mua đã hết và lệnh mua được nhập tiếp vào hệ thống giao dịch sẽ không được
chấp nhận.
b. Trong thời gian giao dịch thỏa
thuận:
21.1.2.1. Khối lượng chứng khoán
còn được phép mua của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được giảm xuống ngay sau khi
giao dịch thỏa thuận được thực hiện nếu giao dịch đó là giữa một nhà đầu tư nước
ngoài mua với một nhà đầu tư trong nước bán.
21.1.2.2. Khối lượng chứng khoán
còn được phép mua của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được tăng lên ngay sau khi kết
thúc việc thanh toán giao dịch nếu giao dịch đó là giữa một nhà đầu tư nước
ngoài bán với một nhà đầu tư trong nước mua.
21.1.2.3. Khối lượng chứng khoán
còn được phép mua của nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thay đổi nếu giao dịch thỏa
thuận được thực hiện giữa hai nhà đầu tư nước ngoài với nhau.
2. Hệ thống giao dịch hiển thị
thông tin chào mua của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu
tư theo nguyên tắc như sau:
21.2.1. Lệnh mua của nhà đầu tư
nước ngoài được cộng vào khối lượng mua của toàn thị trường tại từng mức giá, từ
mức giá có thứ tự ưu tiên cao nhất đến mức giá có thứ tự ưu tiên thấp nhất, cho
đến khi bằng khối lượng còn được phép mua của nhà đầu tư nước ngoài.
21.2.2. Các lệnh mua còn lại của
nhà đầu tư nước ngoài không được hiển thị vẫn nằm chờ trên sổ lệnh và sẽ tự động
bị hủy khi khối lượng còn được phép mua của nhà đầu tư nước ngoài đã hết.
21.2.3 Hệ thống giao dịch cập nhật
thông tin chào mua của nhà đầu tư nước ngoài và điều chỉnh việc hiển thị mỗi
khi lệnh mua của nhà đầu tư nước ngoài được nhập vào hệ thống hoặc bị hủy bỏ.
Điều 22.
Giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư
1. Nhà đầu tư chỉ được có một
tài khoản giao dịch chứng khoán và chỉ được mở tại một công ty chứng khoán. Tài
khoản của nhà đầu tư phải tuân thủ quy định về cấp mã tài khoản cho nhà đầu tư
do SGDCK TP.HCM ban hành. Thành viên có trách nhiệm lưu giữ chứng từ giao dịch,
thông tin giao dịch chứng khoán của số tài khoản đã cấp, thông tin về chủ tài
khoản, ngày mở và đóng tài khoản.
2. Nhà đầu tư không được phép đồng
thời đặt lệnh mua và bán đối với một loại cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư trong
cùng một ngày giao dịch.
3. Khi đặt lệnh bán chứng khoán
hoặc quảng cáo bán chứng khoán (khi đặt lệnh mua chứng khoán hoặc quảng cáo mua
chứng khoán), số dư chứng khoán (số dư tiền) trên tài khoản của khách hàng mở tại
thành viên phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ ký quỹ chứng khoán (tiền).
Điều 23.
Giao dịch chứng khoán của cổ đông sáng lập trong thời hạn còn bị hạn chế chuyển
nhượng
23.1. Giao dịch cổ phiếu của các
cổ đông sáng lập được thực hiện theo phương thức thoả thuận trực tiếp tại Trung
tâm lưu ký chứng khoán, nhưng phải báo cáo và công bố thông tin trên hệ thống của
SGDCK TP.HCM ít nhất 01 ngày trước ngày thực hiện giao dịch. Trong vòng 03 ngày
sau khi hoàn tất giao dịch, cổ đông sáng lập phải báo cáo tỷ lệ sở hữu hiện tại
của mình với SGDCK TP.HCM.
23.2. Giá giao dịch nằm trong
biên độ giao động giá của ngày giao dịch.
Điều 24.
Giao dịch cổ phiếu quỹ
1. Trong mỗi ngày giao dịch, tổ
chức niêm yết giao dịch cổ phiếu quỹ chỉ được phép đặt lệnh mua lại cổ phiếu hoặc
bán cổ phiếu quỹ với khối lượng tối thiểu bằng 3% và khối lượng tối đa bằng 5%
khối lượng xin phép trong đơn đăng ký gửi SGDCK TP.HCM. Tổ chức niêm yết muốn
giao dịch với khối lượng vượt quá 5% khối lượng xin phép trong đơn hoặc thực hiện
giao dịch lô lớn theo phương thức giao dịch thỏa thuận phải được sự chấp thuận
của SGDCK TP.HCM và SGDCK TP.HCM phải báo cáo UBCKNN ít nhất một ngày trước
ngày tổ chức niêm yết thực hiện giao dịch. Trường hợp tổ chức niêm yết mua lại
cổ phiếu quỹ, khối lượng mua lại không được vượt quá 10% khối lượng giao dịch của
cổ phiếu đó trong ngày giao dịch liền trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch cổ
phiếu quỹ.
2. Giá đặt mua lại cổ phiếu của
tổ chức niêm yết trong ngày giao dịch không lớn hơn giá tham chiếu cộng ba đơn
vị yết giá. Giá đặt bán cổ phiếu quỹ trong ngày giao dịch không được nhỏ hơn
giá tham chiếu trừ ba đơn vị yết giá.
3. Trong những trường hợp đặc biệt,
SGDCK TP.HCM sẽ xem xét và quyết định việc giao dịch cổ phiếu quỹ trên cơ sở đề
nghị của tổ chức niêm yết.
Điều 25.
Các ký hiệu giao dịch không hưởng quyền
Vào các ngày giao dịch không hưởng
quyền, SGDCK TP.HCM sẽ công bố các ký hiệu giao dịch sau đây trên hệ thống giao
dịch đối với các loại chứng khoán:
25.1 “XR”: Giao dịch không hưởng
quyền đặt mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu;
25.2 “XD”: Giao dịch không hưởng
cổ tức của cổ phiếu và chứng chỉ;
25.3 “XA”: Giao dịch không hưởng
cổ tức, quyền mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư phát hành thêm cho cổ đông hiện
hữu trong cùng một ngày.
25.4 “XI”: Giao dịch không hưởng
lãi trái phiếu.
Chương
III.
QUY ĐỊNH VỀ KIỂM SOÁT, TẠM
NGỪNG, HỦY NIÊM YẾT ĐỐI VỚI CÁC CHỨNG KHOÁN NIÊM YẾT
Điều 26. Kiểm
soát giao dịch đối với chứng khoán niêm yết
26.1 Khi chứng khoán thuộc
diện bị kiểm soát theo quy định tại Quy chế Niêm yết chứng khoán tại SGDCK
TP.HCM hoặc Quy chế Giám sát giao dịch tại SGDCK TP.HCM, SGDCK TP.HCM lên ký hiệu
kiểm soát “C” đối với loại chứng khoán đó trên hệ thống giao dịch.
26.2 Trường hợp chứng khoán
không còn bị kiểm soát theo quy định tại Quy chế Niêm yết chứng khoán tại SGDCK
TP.HCM và/hoặc Quy chế Giám sát giao dịch tại SGDCK TP.HCM, SGDCK TP.HCM hủy bỏ
ký hiệu kiểm soát “C” đối với chứng khoán đó trên hệ thống giao dịch.
Điều 27. Tạm
ngừng giao dịch của chứng khoán niêm yết
27.1 SGDCK TP.HCM có thể quyết định
tạm ngừng giao dịch đối với một loại chứng khoán theo quy định tại Quy chế Niêm
yết chứng khoán tại SGDCK TP.HCM hoặc Quy chế Giám sát giao dịch tại SGDCK
TP.HCM.
27.2 Trường hợp việc tạm ngừng
giao dịch không quá một (01) phiên giao dịch, ký hiệu tạm ngừng giao dịch trên
hệ thống giao dịch là “H”.
27.3 Trường hợp việc tạm ngừng
giao dịch từ hai (02) phiên giao dịch trở lên, ký hiệu tạm ngừng giao dịch trên
hệ thống giao dịch là “SP”.
27.4 Chứng khoán tạm ngừng giao
dịch sẽ được SGDCK TP.HCM cho phép giao dịch trở lại sau khi đáp ứng quy định tại
Quy chế Niêm yết chứng khoán tại SGDCK TP.HCM và/hoặc Quy chế Giám sát chứng
khoán tại SGDCK TP.HCM.
Điều 28. Hủy
niêm yết chứng khoán
Trường hợp chứng khoán thuộc diện
hủy niêm yết tự nguyện hoặc chứng khoán thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc theo
quy định tại Quy chế Niêm yết chứng khoán tại SGDCK TP.HCM, SGDCK TP.HCM thực
hiện hủy niêm yết đối với loại chứng khoán đó trên hệ thống giao dịch.
Chương IV.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 29. Điều
khoản thi hành
29.1 SGDCK TP.HCM thực hiện giám
sát việc tuân thủ Quy chế này của các thành viên giao dịch.
29.2 SGDCK TP.HCM chịu trách nhiệm
xây dựng các Quy chế làm việc và quy trình nghiệp vụ phù hợp với quy định của
Quy chế này.
29.3 Việc sửa đổi bổ sung Quy chế
này do SGDCK TP.HCM quyết định sau khi có ý kiến chấp thuận của UBCKNN.