BỘ TƯ PHÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5926/VBHN-BTP
|
Hà Nội, ngày 04
tháng 12 năm 2023
|
THÔNG TƯ
BAN HÀNH, HƯỚNG DẪN VIỆC GHI CHÉP, SỬ
DỤNG, QUẢN LÝ VÀ LƯU TRỮ SỔ, MẪU GIẤY TỜ, HỒ SƠ NUÔI CON NUÔI
Thông
tư số 10/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc
ban hành, hướng dẫn việc ghi chép, sử dụng, quản lý và lưu trữ Sổ, mẫu giấy tờ,
hồ sơ nuôi con nuôi, có hiệu lực từ ngày 26 tháng 02 năm 2021, được sửa đổi, bổ
sung bởi:
Thông
tư số 07/2023/TT-BTP ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi,
bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 12 năm 2020
của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành, hướng dẫn việc ghi chép, sử dụng,
quản lý và lưu trữ Sổ, mẫu giấy tờ, hồ sơ nuôi con nuôi, có hiệu lực từ ngày 30
tháng 11 năm 2023.
Căn cứ Luật Nuôi con
nuôi ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số
19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi; Căn cứ Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày
05 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Nuôi con nuôi;
Căn cứ Nghị định số
96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Theo đề nghị của Cục
trưởng Cục Con nuôi;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp
ban hành Thông tư Ban hành, hướng dẫn việc ghi chép, sử dụng, quản lý và
lưu trữ Sổ, mẫu giấy tờ, hồ sơ nuôi con nuôi[1].
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
Thông tư này ban hành, hướng dẫn việc ghi
chép, sử dụng các mẫu Sổ đăng ký nuôi con nuôi, Sổ cấp, gia hạn, sửa đổi Giấy
phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam, giấy tờ nuôi con
nuôi; lưu trữ, quản lý Sổ, giấy tờ nuôi con nuôi, hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi
trong nước, hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài và hồ sơ cấp, gia
hạn, sửa đổi Giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng sử
dụng mẫu Sổ và mẫu giấy tờ
1. Công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước
ngoài, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam và người nước ngoài thường trú
ở nước ngoài có yêu cầu giải quyết các việc về nuôi con nuôi tại Việt Nam;
2. Ủy ban nhân dân các cấp;
3. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương (sau đây gọi là Sở Tư pháp);
4. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;
5. [2]
Bộ Tư pháp;
6. Tổ chức con nuôi nước ngoài xin cấp, gia
hạn, sửa đổi Giấy phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam;
7. Cá nhân, tổ chức khác có liên quan theo
quy định của Luật Nuôi con nuôi.
Điều 3. Ban hành mẫu
Sổ, mẫu giấy tờ
1.
Ban hành kèm theo Thông tư này:
a) 02 mẫu Sổ (Phụ lục
1);
b) 07 mẫu giấy tờ dùng cho việc đăng ký nuôi
con nuôi trong nước (Phụ lục 2);
c)[3]
16 mẫu giấy tờ dùng cho việc đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (Phụ lục 3);
d) 06 mẫu giấy tờ dùng chung cho việc đăng ký
nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (Phụ lục 4);
đ)[4]
Nội dung các mẫu điện tử tương tác về đăng ký nuôi con nuôi trực tuyến (Phụ lục 5);
e)[5]
Bản điện tử Giấy chứng nhận nuôi con nuôi trong nước (Phụ
lục 6).
2. Tiêu chuẩn về kích thước, màu sắc, chi tiết
kỹ thuật của mẫu Sổ và mẫu giấy tờ được mô tả cụ thể trong các Phụ lục ban hành
kèm theo Thông tư này.
Điều 4. In, phát hành
mẫu Sổ và mẫu giấy tờ
1. Các mẫu Sổ, mẫu giấy tờ nuôi con nuôi được
đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (tại địa chỉ:
www.moj.gov.vn), cơ quan đăng ký nuôi con nuôi có thể truy cập, tự in để sử
dụng, trừ mẫu Sổ và các mẫu giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này.
Các mẫu Sổ, mẫu giấy tờ nuôi con nuôi do cơ
quan đăng ký nuôi con nuôi tự in phải được in bằng loại mực tốt, màu đen, không
bị nhòe, mất nét hoặc phai màu.
2.[6]
Việc in, phát hành Sổ đăng ký nuôi con nuôi, bản chính có nội dung và bản chính
- phôi không có nội dung của Giấy chứng nhận nuôi con nuôi trong nước, Quyết
định nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, Giấy phép hoạt động của tổ chức con
nuôi nước ngoài tại Việt Nam, Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi có yếu tố nước
ngoài phù hợp Công ước La Hay số 33 được thực hiện theo quy định pháp luật.
3. Trường hợp cơ quan đăng ký nuôi con nuôi
đã sử dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung thì có thể sử dụng phôi
mẫu Giấy chứng nhận nuôi con nuôi trong nước (bản chính - phôi, không có nội
dung) và phôi mẫu Quyết định nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (bản
chính - phôi, không có nội dung) để in trực tiếp toàn bộ nội dung thông tin
đăng ký nuôi con nuôi theo đúng tiêu chuẩn, được Bộ Tư pháp công nhận.
4. Cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải quyết
việc nuôi con nuôi (sau đây gọi chung là người có yêu cầu) truy cập trên Cổng
thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (tại địa chỉ: www.moj.gov.vn) để tự in và sử
dụng các loại mẫu Đơn, Tờ khai và Báo cáo.
Trường hợp người có yêu cầu không thể tự in
các loại mẫu Đơn, Tờ khai và Báo cáo, thì cơ quan đăng ký nuôi con nuôi có trách nhiệm in và
phát miễn phí cho người có yêu cầu.
Điều 5. Yêu cầu đối
với việc ghi và cách ghi Sổ đăng ký nuôi con nuôi, Sổ cấp, gia hạn, sửa đổi
Giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam và giấy tờ
nuôi con nuôi
1. Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, người
làm công tác hộ tịch tại Phòng Tư pháp cấp huyện, công chức Sở Tư pháp, viên
chức ngoại giao, lãnh sự, công chức[7]
Bộ Tư pháp (sau đây gọi là người làm công tác đăng ký nuôi con nuôi) là người
thực hiện thủ tục phải trực tiếp ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi và giấy tờ
nuôi con nuôi. Nội dung ghi phải chính xác; chữ viết phải rõ ràng, đủ nét,
không viết tắt, không tẩy xóa; viết cùng một màu mực; không dùng mực đỏ.
Việc ghi vào Sổ cấp, gia hạn, sửa đổi Giấy
phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện trên
máy tính.
2. Họ, chữ đệm, tên của cha, mẹ nuôi và con
nuôi phải ghi bằng chữ in hoa theo đúng Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công
dân/Hộ chiếu/Giấy khai sinh hoặc giấy tờ có giá trị thay thế khác có dán ảnh và
thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.
3. Mục Nơi sinh ghi đầy đủ theo Giấy khai
sinh của người được nhận làm con nuôi.
4. Mục Giấy tờ tùy thân ghi rõ số, cơ quan
cấp, ngày cấp Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu hoặc giấy tờ
có giá trị thay thế khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm
quyền cấp, còn giá trị sử dụng.
Ví dụ: Chứng minh nhân dân số 00108912345, do
Công an thành phố Hà Nội cấp ngày 20/10/2014; Hộ chiếu số 503705379, do Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ cấp ngày 23/12/2019.
5. Mục Nơi cư trú được ghi như sau:
a) Trường hợp cha, mẹ nuôi là công dân Việt
Nam cư trú ở trong nước, hoặc người nước ngoài thường trú ở Việt Nam thì ghi
theo địa chỉ đăng ký thường trú và ghi đủ 03 cấp hành chính (xã, huyện, tỉnh).
Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng hoặc
cô, cậu, dì, chú bác ruột nhận cháu làm con nuôi, nếu không có nơi đăng ký
thường trú thì ghi theo địa chỉ đăng ký tạm trú; trường hợp không có nơi đăng
ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú thì ghi theo địa chỉ nơi đang sinh sống.
b) Trường hợp cha, mẹ nuôi là người nước ngoài
thường trú ở nước ngoài thì ghi theo địa chỉ thường trú ở nước ngoài. Trường
hợp người nước ngoài đang làm việc, học tập ở Việt Nam trong thời gian ít nhất
là 01 năm thì ghi đồng thời cả địa chỉ thường trú ở nước ngoài và địa chỉ tạm
trú ở Việt Nam.
c) Nơi cư trú của con nuôi ghi theo địa chỉ
đăng ký thường trú của con nuôi và ghi đủ 03 cấp hành chính (xã, huyện, tỉnh).
Nếu con nuôi sống ở cơ sở nuôi dưỡng thì ghi tên và địa chỉ trụ sở của cơ sở
nuôi dưỡng.
6. Mục Cơ quan đăng ký việc nuôi con nuôi
được ghi như sau:
a) Trường hợp việc nuôi con nuôi trong nước
được đăng ký ở trong nước thì ghi đủ 03 cấp hành chính (xã, huyện, tỉnh) nơi
đăng ký.
b) Trường hợp việc nuôi con nuôi trong nước
được đăng ký tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì ghi tên Cơ quan đại
diện Việt Nam ở nước ngoài (ví dụ: Đại sứ quán CHXHCN Việt Nam tại Berlin).
c) Trường hợp ghi vào Sổ việc nuôi con nuôi
đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì ghi đủ 02 cấp hành
chính (huyện, tỉnh).
d) Trường hợp đăng ký việc nuôi con nuôi có
yếu tố nước ngoài thì ghi tên Sở Tư pháp nơi đăng ký.
Điều 6. Sửa chữa sai
sót khi ghi Sổ đăng ký nuôi con nuôi và giấy tờ nuôi con nuôi
1. Trong quá trình đăng ký nuôi con nuôi, nếu
có sai sót trên giấy tờ nuôi con nuôi thì người làm công tác đăng ký nuôi con
nuôi phải hủy bỏ giấy tờ đó và ghi giấy tờ mới, không cấp cho người dân giấy tờ
nuôi con nuôi đã bị sửa chữa.
2. Trong quá trình đăng ký nuôi con nuôi nếu
có sai sót trong việc ghi nội dung vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi, người làm công
tác đăng ký nuôi con nuôi phải gạch ngang phần sai sót, ghi sang bên cạnh hoặc
lên phía trên, không được chữa đè lên chữ cũ, không được tẩy xóa và viết đè lên
chỗ đã tẩy xóa.
Trường hợp có sai sót bỏ trống trang Sổ thì
người làm công tác đăng ký nuôi con nuôi phải gạch chéo trang bỏ trống.
Cột ghi chú của Sổ đăng ký nuôi con nuôi phải
ghi rõ nội dung sửa chữa sai sót; ngày, tháng, năm sửa; người làm công tác đăng
ký nuôi con nuôi ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên.
Người làm công tác đăng ký nuôi con nuôi có
trách nhiệm báo cáo Thủ trưởng cơ quan đăng ký nuôi con nuôi biết về việc sửa
chữa sai sót. Thủ trưởng cơ quan đăng ký nuôi con nuôi có trách nhiệm kiểm tra,
đóng dấu xác nhận vào nội dung sửa chữa sai sót.
Người làm công tác đăng ký nuôi con nuôi
không được tự ý tẩy xóa, sửa chữa, bổ sung làm sai lệch nội dung đã ghi trong
giấy tờ nuôi con nuôi và Sổ đăng ký nuôi con nuôi.
3. Khi quá trình đăng ký nuôi con nuôi đã kết
thúc mà sau đó mới phát hiện có sai sót thông tin trong Sổ hoặc giấy tờ nuôi
con nuôi do lỗi của người đi đăng ký nuôi con
nuôi hoặc của cơ quan đăng ký nuôi con nuôi thì thực hiện việc cải
chính. Thủ tục cải chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về cải
chính hộ tịch.
Điều 7. Lưu trữ, quản
lý Sổ và hồ sơ nuôi con nuôi
1. Sổ đăng ký nuôi con nuôi phải được cơ quan
đăng ký nuôi con nuôi giữ gìn, bảo quản và lưu trữ vĩnh viễn để sử dụng, phục
vụ nhu cầu của người dân và hoạt động quản lý nhà nước.
2. Hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trong nước, hồ
sơ đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, hồ sơ và Sổ cấp, gia hạn, sửa
đổi Giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam được lưu
trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ, có thể được lưu trữ điện tử tạo lập
từ việc số hóa.
3. Bộ Tư pháp[8],
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân
cấp huyện, Sở Tư pháp có trách nhiệm lưu trữ, bảo quản, khai thác sử dụng Sổ,
hồ sơ nuôi con nuôi, hồ sơ cấp, gia hạn, sửa đổi Giấy phép hoạt động của tổ
chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật; thực
hiện các biện pháp phòng chống bão lụt, cháy, ẩm ướt, mối mọt để bảo đảm an
toàn.
Điều 8. Điều khoản
chuyển tiếp
1. Hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trong nước, hồ
sơ đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài, hồ sơ cấp, gia hạn, sửa đổi Giấy phép hoạt động
của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền
tiếp nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa giải quyết xong thì các mẫu
giấy tờ nuôi con nuôi đã có trong hồ sơ vẫn tiếp tục có giá trị pháp lý theo
quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tư pháp
về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu nuôi con
nuôi và Thông tư số 24/2014/TT-BTP ngày 29 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tư pháp sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm
2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử
dụng biểu mẫu nuôi con nuôi.
2. Giấy Chứng nhận nuôi con
nuôi, Quyết định về việc cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài và Sổ đăng
ký nuôi con nuôi theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 24/2014/TT-BTP ngày 29
tháng 12 năm 2014 của Bộ Tư pháp đang sử dụng tại cơ quan nhà nước có thẩm
quyền thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2021.
Điều 9. Hiệu lực thi
hành[9]
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 26 tháng
02 năm 2021 và thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của
Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu
nuôi con nuôi và Thông tư số 24/2014/TT-BTP ngày 29 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tư
pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27 tháng
6 năm 2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ,
sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi.
2. Bãi bỏ Mẫu số 01/BC/PTTE được quy định tại
điểm a khoản 2 Điều 9 và Mẫu số 02/BC/VPCNNNg được quy định tại khoản 1 Điều 10
Thông tư số 21/2011/TT-BTP ngày 21 tháng 11 năm 2011 của Bộ Tư pháp về việc
quản lý Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu
có vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, Sở Tư pháp, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài kịp thời phản ánh về
Bộ Tư pháp để có hướng dẫn./.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Tiến Dũng
|