Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 04/VBHN-VPQH Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Văn phòng quốc hội Người ký: Bùi Văn Cường
Ngày ban hành: 16/09/2024 Ngày hợp nhất: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/VBHN-VPQH

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2024

LUẬT

LÂM NGHIỆP

Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024;

2. Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024[1].

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Lâm nghiệp[2].

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.

2. Hoạt động lâm nghiệp bao gồm một hoặc nhiều hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.

3. Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liền vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên.

4. Độ tàn che là mức độ che kín của tán cây rừng theo phương thẳng đứng trên một đơn vị diện tích rừng được biểu thị bằng tỷ lệ phần mười.

5. Tỷ lệ che phủ rừng là tỷ lệ phần trăm giữa diện tích rừng so với tổng diện tích đất tự nhiên trên một phạm vi địa lý nhất định.

6. Rừng tự nhiên là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung.

7. Rừng trồng là rừng được hình thành do con người trồng mới trên đất chưa có rừng; cải tạo rừng tự nhiên; trồng lại hoặc tái sinh sau khai thác rừng trồng.

8. Rừng tín ngưỡng là rừng gắn với niềm tin, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng.

9. Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật.

10. Quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt của chủ rừng đối với cây trồng, vật nuôi và tài sản khác gắn liền với rừng do chủ rừng đầu tư trong thời hạn được giao, được thuê để trồng rừng.

11. Quyền sử dụng rừng là quyền của chủ rừng được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ rừng.

12. Giá trị rừng là tổng giá trị các yếu tố cấu thành hệ sinh thái rừng và các giá trị môi trường rừng tại một thời điểm, trên một diện tích rừng xác định.

13. Giá trị quyền sử dụng rừng là tổng giá trị tính bằng tiền của quyền sử dụng rừng tại một thời điểm, trên một diện tích rừng xác định.

14. Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học, y tế, sinh thái, cảnh quan và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng.

15. Mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng là thực vật rừng, động vật rừng còn sống hoặc đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của chúng.

16. Lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến.

17. Hồ sơ lâm sản là tài liệu về lâm sản được lưu giữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm sản và lưu hành cùng với lâm sản trong quá trình khai thác, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, cất giữ.

18. Gỗ hợp pháp là gỗ, sản phẩm gỗ được khai thác, mua bán, sản xuất phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

19. Quản lý rừng bền vững là phương thức quản trị rừng bảo đảm đạt được các mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, không làm suy giảm các giá trị và nâng cao giá trị rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh.

20. Chứng chỉ quản lý rừng bền vững là văn bản công nhận một diện tích rừng nhất định đáp ứng các tiêu chí về quản lý rừng bền vững.

21. Nhà nước cho thuê rừng là việc Nhà nước quyết định trao quyền sử dụng rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng rừng thông qua hợp đồng cho thuê rừng.

22. Thuê môi trường rừng là việc tổ chức, cá nhân thỏa thuận với chủ rừng để được sử dụng môi trường rừng trong một thời gian nhất định thông qua hợp đồng cho thuê môi trường rừng theo quy định của pháp luật.

23. Dịch vụ môi trường rừng là hoạt động cung ứng các giá trị sử dụng của môi trường rừng.

24. Cộng đồng dân cư bao gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, điểm dân cư tương tự và có cùng phong tục, tập quán.

25. Vùng đệm vùng rừng, vùng đất, vùng mặt nước nằm sát ranh giới của khu rừng đặc dụng có tác dụng ngăn chặn, giảm nhẹ sự tác động tiêu cực đến khu rừng đặc dụng.

26. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn của vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh.

27. Phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng là khu vực được quản lý, bảo vệ chặt chẽ để rừng phục hồi hệ sinh thái tự nhiên của vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh.

28. Phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng là khu vực hoạt động thường xuyên của ban quản lý rừng đặc dụng, cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí kết hợp với xây dựng công trình quản lý dịch vụ của vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh.

29. Đóng cửa rừng tự nhiên là dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trong một thời gian nhất định bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

30. Mở cửa rừng tự nhiên là cho phép khai thác gỗ rừng tự nhiên trở lại bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

31. Suy thoái rừng là sự suy giảm về hệ sinh thái rừng, làm giảm chức năng của rừng.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp

1. Rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp.

3. Bảo đảm tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng.

4. Bảo đảm công khai, minh bạch, sự tham gia của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan trong hoạt động lâm nghiệp.

5. Tuân thủ điều ước quốc tế liên quan đến lâm nghiệp mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này hoặc văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp

1. Nhà nước có chính sách đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động lâm nghiệp gắn liền, đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

2. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

3. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoạt động lâm nghiệp.

4. Nhà nước tổ chức, hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sản xuất; giống cây trồng lâm nghiệp, phục hồi rừng, trồng rừng mới; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện dịch vụ môi trường rừng; trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn; kết cấu hạ tầng; quản lý rừng bền vững; chế biến và thương mại lâm sản; hợp tác quốc tế về lâm nghiệp.

5. Nhà nước khuyến khích sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; sản xuất lâm nghiệp hữu cơ; bảo hiểm rừng sản xuất là rừng trồng.

6. Nhà nước bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của Chính phủ.

Điều 5. Phân loại rừng

1. Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, rừng tự nhiên và rừng trồng được phân thành 03 loại như sau:

a) Rừng đặc dụng;

b) Rừng phòng hộ;

c) Rừng sản xuất.

2. Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường rừng bao gồm:

a) Vườn quốc gia;

b) Khu dự trữ thiên nhiên;

c) Khu bảo tồn loài - sinh cảnh;

d) Khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

đ) Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia.

3. Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; được phân theo mức độ xung yếu bao gồm:

a) Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới;

b) Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.

4. Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để cung cấp lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

5. Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí xác định rừng, phân loại rừng và Quy chế quản lý rừng.

6. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết tiêu chí xác định mức độ xung yếu của rừng phòng hộ.

Điều 6. Phân định ranh giới rừng

1. Rừng được phân định ranh giới cụ thể trên thực địa, trên bản đồ và lập hồ sơ quản lý rừng. Hệ thống phân định ranh giới rừng thống nhất trên phạm vi cả nước theo tiểu khu, khoảnh, lô rừng.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 7. Sở hữu rừng

1. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân bao gồm:

a) Rừng tự nhiên;

b) Rừng trồng do Nhà nước đầu tư toàn bộ;

c) Rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng bao gồm:

a) Rừng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư;

b) Rừng được nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Chủ rừng

1. Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ.

2. Tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này.

3. Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được giao rừng (sau đây gọi là đơn vị vũ trang).

4. Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp.

5. Hộ gia đình, cá nhân trong nước.

6. Cộng đồng dân cư.

7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất.

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp

1. Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật.

2. Đưa chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy, công cụ, phương tiện vào rừng trái quy định của pháp luật; chăn, dắt, thả gia súc, vật nuôi vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, rừng mới trồng.

3. Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật.

4. Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng.

5. Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; quản lý các loài ngoại lai xâm hại; dịch vụ môi trường rừng.

6. Tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh lâm sản trái quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

7. Khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, môi trường rừng trái quy định của pháp luật; xây dựng, đào, bới, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên và các hoạt động khác trái quy định của pháp luật làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng.

8. Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trái quy định của pháp luật; cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái quy định của pháp luật; chuyển đổi diện tích rừng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng trái quy định của pháp luật; phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng.

9. Sử dụng nguyên liệu trong chế biến lâm sản trái quy định của pháp luật.

Chương II

QUY HOẠCH LÂM NGHIỆP

Điều 10. Nguyên tắc, căn cứ lập quy hoạch lâm nghiệp

1. Việc lập quy hoạch lâm nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc của pháp luật về quy hoạch và các nguyên tắc sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia, chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học;

b) Bảo đảm quản lý rừng bền vững; khai thác, sử dụng rừng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao giá trị kinh tế của rừng và giá trị văn hóa, lịch sử; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế của người dân;

c) Rừng tự nhiên phải được đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất;

d) Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng giới;

đ) Nội dung về lâm nghiệp trong quy hoạch tỉnh phải phù hợp với nội dung quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia.

2. Việc lập quy hoạch lâm nghiệp phải tuân thủ căn cứ của pháp luật về quy hoạch và các căn cứ sau đây:

a) Quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia;

b) Nội dung về lâm nghiệp trong quy hoạch tỉnh phải căn cứ vào quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia;

c) Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nguồn lực của cả nước hoặc địa phương.

Điều 11. Thời kỳ và nội dung quy hoạch lâm nghiệp

1. Thời kỳ quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia là 10 năm; tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm.

2. Nội dung quy hoạch lâm nghiệp phải phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch và bao gồm các nội dung sau đây:

a) Thu thập, phân tích, đánh giá các dữ liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, thực trạng tài nguyên rừng; chủ trương, định hướng phát triển, quy hoạch có liên quan; đánh giá nguồn lực phát triển và các vấn đề cần giải quyết;

b) Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch lâm nghiệp kỳ trước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chế biến và thương mại lâm sản; đầu tư, khoa học và công nghệ, lao động;

c) Dự báo về nhu cầu và thị trường lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, tác động của biến đổi khí hậu, tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tiến bộ công nghệ áp dụng trong lâm nghiệp;

d) Nghiên cứu bối cảnh, các mối liên kết ngành; xác định yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đối với ngành;

đ) Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển lâm nghiệp;

e) Định hướng phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất;

g) Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp;

h) Định hướng phát triển thị trường, vùng nguyên liệu, chế biến lâm sản;

i) Giải pháp, nguồn lực tổ chức thực hiện quy hoạch.

Điều 12. Lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia

1. Trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia được quy định như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia;

b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc lập quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia.

2. Việc lấy ý kiến về quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia được thực hiện như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lấy ý kiến cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan; tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý về quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia;

b) Việc lấy ý kiến về quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia được thực hiện thông qua hình thức công khai trên cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng; gửi lấy ý kiến bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo;

c) Thời gian lấy ý kiến là 60 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức lấy ý kiến.

3. Thẩm định quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia;

c) Hội đồng thẩm định quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia tổ chức thẩm định và gửi kết quả thẩm định đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tiếp thu, giải trình về các nội dung thẩm định;

d) Nội dung thẩm định quy hoạch bao gồm sự phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; thực tiễn, nguồn lực, nhu cầu và khả năng sử dụng rừng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường; tính khả thi của quy hoạch.

4. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình.

5. Việc điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia được quy định như sau:

a) Quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia được điều chỉnh khi có thay đổi quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia làm thay đổi lớn đến nội dung quy hoạch lâm nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này;

b) Việc thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia được thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

6. Việc lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về quy hoạch.

Điều 13. Tổ chức tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp

1. Cơ quan lập quy hoạch lâm nghiệp phải lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

2. Tổ chức tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp phải có tư cách pháp nhân và đáp ứng yêu cầu về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định của Chính phủ.

Chương III

QUẢN LÝ RỪNG

Mục 1. GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG, CHUYỂN LOẠI RỪNG, CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG SANG MỤC ĐÍCH KHÁC, THU HỒI RỪNG

Điều 14. Nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng

1.[3] Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

2.[4] Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ các dự án sau đây: dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định.

3. Không giao, cho thuê diện tích rừng đang có tranh chấp.

4. Chủ rừng không được cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác thuê diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư.

5. Thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.

6. Thời hạn, hạn mức giao rừng, cho thuê rừng phù hợp với thời hạn, hạn mức giao đất, cho thuê đất.

7. Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân địa phương; không phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng.

8. Tôn trọng không gian sinh tồn, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư; ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống gắn bó với rừng, có hương ước, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 15. Căn cứ giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

1.[5] Kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của Ủy ban nhân dân cấp huyện được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Diện tích rừng, đất quy hoạch để trồng rừng.

3. Nhu cầu sử dụng rừng thể hiện trong dự án đầu tư đối với tổ chức; đề nghị giao rừng, thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

4. Năng lực quản lý rừng bền vững của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Điều 16. Giao rừng

1. Nhà nước giao rừng đặc dụng không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng sau đây:

a) Ban quản lý rừng đặc dụng đối với vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài - sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; rừng giống quốc gia; vườn thực vật quốc gia;

b) Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp đối với rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, vườn thực vật quốc gia;

c) Ban quản lý rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang đối với khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao xen kẽ trong diện tích rừng được giao;

d) Cộng đồng dân cư đối với khu rừng tín ngưỡng mà họ đang quản lý và sử dụng theo truyền thống;

đ) Tổ chức kinh tế, tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp trong nước đối với rừng giống quốc gia xen kẽ trong diện tích rừng được giao.

2. Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng sau đây:

a) Ban quản lý rừng phòng hộ, đơn vị vũ trang đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển;

b) Tổ chức kinh tế đối với rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích rừng sản xuất của tổ chức đó;

c) Hộ gia đình, cá nhân cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có rừng phòng hộ đối với rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển;

d) Cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có rừng phòng hộ đối với rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư đó;

đ)[6] Ban quản lý rừng đặc dụng đối với rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích rừng đặc dụng.

3. Nhà nước giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng sau đây:

a) Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có diện tích rừng; đơn vị vũ trang;

b) Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ đối với diện tích rừng sản xuất xen kẽ trong diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được giao cho ban quản lý rừng đó.

Điều 17. Cho thuê rừng sản xuất

Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng trả tiền thuê rừng một lần hoặc hằng năm để sản xuất lâm nghiệp; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Điều 18. Chuyển loại rừng

1. Việc chuyển loại rừng này sang loại rừng khác phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp;

b) Đáp ứng các tiêu chí phân loại rừng;

c) Có phương án chuyển loại rừng.

2. Thẩm quyền quyết định chuyển loại rừng được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển loại rừng đối với khu rừng do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển loại rừng không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này, sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương chuyển loại rừng.

Điều 19. Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

1.[7] Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

2. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

3. Có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

4. Có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.

Điều 20. Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác[8]

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trừ trường hợp thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Dầu khí.

Điều 21. Trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

1. Chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế bằng diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng trồng, bằng ba lần diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng tự nhiên.

2. Chủ dự án quy định tại khoản 1 Điều này tự trồng rừng thay thế phải xây dựng phương án trồng rừng thay thế trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Trường hợp chủ dự án không tự trồng rừng thay thế thì nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh.

3. Số tiền nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh bằng diện tích rừng phải trồng thay thế quy định tại khoản 1 Điều này nhân với đơn giá cho 01 ha rừng trồng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng tiền đã nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh.

4. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không bố trí được hoặc không bố trí đủ diện tích đất để trồng rừng thay thế trong thời hạn 12 tháng kể từ khi chủ dự án hoàn thành trách nhiệm nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh thì phải chuyển tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác.

5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định nội dung, trình tự, thủ tục, thời hạn thực hiện trồng rừng thay thế quy định tại Điều này.

Điều 22. Thu hồi rừng

1. Nhà nước thu hồi rừng trong các trường hợp sau đây:

a) Chủ rừng sử dụng rừng không đúng mục đích, cố ý không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về lâm nghiệp;

b) Chủ rừng không tiến hành hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau 12 tháng liên tục kể từ ngày được giao, được thuê rừng, trừ trường hợp bất khả kháng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận;

c) Chủ rừng tự nguyện trả lại rừng;

d) Rừng được Nhà nước giao, cho thuê khi hết hạn mà không được gia hạn;

đ) Rừng được giao, được thuê không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng;

e) Chủ rừng là cá nhân khi chết không có người thừa kế theo quy định của pháp luật;

g) Các trường hợp thu hồi đất có rừng khác theo quy định của Luật Đất đai.

2. Chủ rừng được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi rừng vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; giao rừng, cho thuê rừng không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng.

Điều 23. Thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng

1. Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định như sau:

a)[9] Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

b) Cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thuê đất để trồng rừng sản xuất.

2.[10] Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện được quy định như sau:

a) Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với hộ gia đình, cá nhân;

b) Giao rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với cộng đồng dân cư;

c) Thu hồi rừng đối với trường hợp thu hồi đất có rừng thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai.

3. Trường hợp trong khu vực thu hồi rừng có cả đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi rừng hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi rừng.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng.

Mục 2. TỔ CHỨC QUẢN LÝ RỪNG

Điều 24. Nguyên tắc tổ chức quản lý rừng

1. Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm các diện tích rừng có chủ.

2. Chủ rừng phải thực hiện quản lý rừng bền vững; có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo Quy chế quản lý rừng.

Điều 25. Thẩm quyền thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ có tầm quan trọng quốc gia hoặc nằm trên địa bàn nhiều tỉnh.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ tại địa phương không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Việc thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ thực hiện theo Quy chế quản lý rừng.

Điều 26. Tổ chức quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ

1. Tổ chức quản lý rừng đặc dụng được quy định như sau:

a) Thành lập ban quản lý rừng đặc dụng đối với vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan có diện tích tập trung từ 3.000 ha trở lên.

Trường hợp trên địa bàn cấp tỉnh có một hoặc nhiều khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan có diện tích mỗi khu dưới 3.000 ha thì thành lập một ban quản lý rừng đặc dụng trên địa bàn;

b) Tổ chức được giao khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, vườn thực vật quốc gia, rừng giống quốc gia tự tổ chức quản lý khu rừng.

2. Tổ chức quản lý rừng phòng hộ được quy định như sau:

a) Thành lập ban quản lý rừng phòng hộ đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới có diện tích tập trung từ 5.000 ha trở lên hoặc rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển có diện tích từ 3.000 ha trở lên;

b) Các khu rừng phòng hộ không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì giao cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, đơn vị vũ trang trên địa bàn để quản lý.

3. Việc tổ chức quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thực hiện theo Quy chế quản lý rừng.

Mục 3. QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG

Điều 27. Phương án quản lý rừng bền vững

1. Trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững được quy định như sau:

a) Chủ rừng là tổ chức phải xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững;

b) Khuyến khích chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững.

2. Nội dung cơ bản của phương án quản lý rừng bền vững đối với rừng đặc dụng bao gồm:

a) Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; thực trạng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan;

b) Xác định mục tiêu, phạm vi quản lý rừng bền vững;

c) Xác định diện tích rừng tại các phân khu chức năng bị suy thoái được phục hồi và bảo tồn;

d) Xác định hoạt động quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phát triển và sử dụng rừng;

đ) Giải pháp và tổ chức thực hiện.

3. Nội dung cơ bản của phương án quản lý rừng bền vững đối với rừng phòng hộ bao gồm:

a) Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; thực trạng tài nguyên rừng;

b) Xác định mục tiêu, phạm vi quản lý rừng bền vững;

c) Xác định chức năng phòng hộ của rừng;

d) Xác định hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng;

đ) Giải pháp và tổ chức thực hiện.

4. Nội dung cơ bản của phương án quản lý rừng bền vững đối với rừng sản xuất bao gồm:

a) Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; thực trạng tài nguyên rừng; kết quả sản xuất, kinh doanh; đánh giá thị trường có ảnh hưởng, tác động đến hoạt động của chủ rừng;

b) Xác định mục tiêu, phạm vi quản lý rừng bền vững;

c) Xác định hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và thương mại lâm sản;

d) Giải pháp và tổ chức thực hiện.

5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết về nội dung phương án quản lý rừng bền vững; quy định trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững.

Điều 28. Chứng chỉ quản lý rừng bền vững

1. Chứng chỉ quản lý rừng bền vững được cấp cho chủ rừng theo nguyên tắc tự nguyện.

2. Chủ rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trong nước hoặc quốc tế khi có phương án quản lý rừng bền vững và đáp ứng các tiêu chí quản lý rừng bền vững.

3. Tổ chức hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí quản lý rừng bền vững.

Mục 4. ĐÓNG, MỞ CỬA RỪNG TỰ NHIÊN

Điều 29. Nguyên tắc đóng, mở cửa rừng tự nhiên

1. Bảo đảm quản lý rừng bền vững, bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học.

2. Bảo đảm công khai và minh bạch.

3. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan khi thực hiện đóng, mở cửa rừng tự nhiên.

Điều 30. Trường hợp đóng, mở cửa rừng tự nhiên

1. Đóng cửa rừng tự nhiên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái quy định của pháp luật diễn biến phức tạp, có nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên rừng;

b) Rừng tự nhiên nghèo cần được phục hồi; đa dạng sinh học và chức năng phòng hộ của rừng bị suy thoái nghiêm trọng.

2. Mở cửa rừng tự nhiên được thực hiện khi khắc phục được tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Việc đóng, mở cửa rừng tự nhiên thực hiện theo Quy chế quản lý rừng.

Điều 31. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, công bố quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên đối với diện tích rừng tự nhiên tại địa phương sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua đề án đóng, mở cửa rừng tự nhiên.

3. Quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên phải được công bố, niêm yết công khai.

4. Trình tự, thủ tục công bố quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên thực hiện theo Quy chế quản lý rừng.

Điều 32. Trách nhiệm của Nhà nước khi đóng cửa rừng tự nhiên

1. Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ và phát triển rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong giai đoạn đóng cửa rừng tự nhiên.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ cho chủ rừng khi thực hiện quyết định đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định hỗ trợ cho chủ rừng khi thực hiện quyết định đóng cửa rừng tự nhiên của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Mục 5. ĐIỀU TRA, KIỂM KÊ, THEO DÕI DIỄN BIẾN, CƠ SỞ DỮ LIỆU RỪNG

Điều 33. Điều tra rừng

1. Nội dung điều tra rừng bao gồm:

a) Điều tra, phân loại rừng; phân cấp mức độ xung yếu của rừng phòng hộ;

b) Điều tra, đánh giá chất lượng rừng, tiềm năng phát triển rừng;

c) Điều tra, đánh giá tình trạng mất rừng và suy thoái rừng;

d) Điều tra, đánh giá đa dạng sinh học trong rừng;

đ) Xây dựng và duy trì hệ thống giám sát diễn biến rừng;

e) Đánh giá về giảm phát thải khí nhà kính do thực hiện các giải pháp hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng.

2. Tổ chức điều tra rừng được quy định như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện và công bố kết quả điều tra rừng toàn quốc 05 năm một lần và theo chuyên đề; chỉ đạo việc thực hiện điều tra rừng cấp tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện điều tra rừng tại địa phương và công bố kết quả.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết nội dung điều tra rừng; quy định phương pháp, quy trình điều tra rừng.

Điều 34. Kiểm kê rừng

1. Kiểm kê rừng thực hiện theo cấp chính quyền gắn với chủ quản lý cụ thể trên phạm vi toàn quốc để xác định hiện trạng diện tích, trữ lượng rừng, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp; điều chỉnh, bổ sung cơ sở dữ liệu rừng và đất chưa có rừng.

2. Nội dung cơ bản của kiểm kê rừng bao gồm:

a) Tập hợp và xử lý thông tin về tài nguyên rừng;

b) Kiểm kê diện tích, trữ lượng rừng của lô rừng;

c) Kiểm kê diện tích, trữ lượng rừng của chủ rừng;

d) Kiểm kê tổng diện tích, trữ lượng rừng theo cấp hành chính;

đ) Lập hồ sơ quản lý rừng của lô, khoảnh, tiểu khu, chủ rừng, đơn vị hành chính.

e) Công bố kết quả kiểm kê rừng.

3. Việc kiểm kê rừng được thực hiện 10 năm một lần phù hợp với thời điểm kiểm kê đất đai.

4. Chủ rừng có trách nhiệm thực hiện kiểm kê rừng và chịu sự kiểm tra của cơ quan chuyên ngành về lâm nghiệp cấp tỉnh đối với chủ rừng là tổ chức; hoặc cơ quan chuyên ngành về lâm nghiệp cấp huyện đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; kê khai số liệu kiểm kê rừng theo biểu mẫu quy định và chịu trách nhiệm về nội dung kê khai.

5. Cơ quan chuyên ngành về lâm nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật và kiểm tra, giám sát thực hiện kiểm kê rừng; hỗ trợ kinh phí kiểm kê rừng cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

6. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết nội dung kiểm kê rừng; quy định phương pháp, quy trình kiểm kê rừng.

Điều 35. Theo dõi diễn biến rừng

1. Theo dõi diễn biến rừng được thực hiện hằng năm nhằm nắm vững hiện trạng diện tích các loại rừng, đất chưa có rừng; biến động diện tích các loại rừng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

2. Lô rừng là đơn vị cơ sở để theo dõi diễn biến rừng, được tập hợp theo khoảnh, tiểu khu rừng đối với từng chủ rừng và tổng hợp trên địa bàn cấp xã, huyện, tỉnh, quốc gia.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 36. Cơ sở dữ liệu rừng

1. Cơ sở dữ liệu rừng là tập hợp thông tin, dữ liệu về rừng được thiết lập, cập nhật và duy trì đáp ứng yêu cầu sử dụng thông tin cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và yêu cầu quản lý khác; là bộ phận của hệ thống thông tin về lâm nghiệp.

2. Cơ sở dữ liệu rừng bao gồm:

a) Cơ sở dữ liệu về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến rừng;

b) Cơ sở dữ liệu về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; bảo tồn thiên nhiên, loài nguy cấp, quý, hiếm, nghiên cứu khoa học liên quan đến rừng;

c) Cơ sở dữ liệu về điều tra rừng, kiểm kê rừng, diễn biến rừng, kết quả giảm phát thải khí nhà kính liên quan đến rừng;

d) Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến rừng.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập, quản lý cơ sở dữ liệu rừng thống nhất trong phạm vi cả nước.

Chương IV

BẢO VỆ RỪNG

Điều 37. Bảo vệ hệ sinh thái rừng

Cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rừng, sinh trưởng và phát triển của các loài sinh vật rừng phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 38. Bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng

1. Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được lập danh mục để quản lý, bảo vệ.

2. Chính phủ quy định Danh mục và chế độ quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; trình tự, thủ tục khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài thực vật rừng hoang dã, động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ và động vật rừng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 39. Phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Chủ rừng phải lập và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Mọi trường hợp sử dụng lửa trong rừng, gần rừng để dọn nương rẫy, dọn đồng ruộng, chuẩn bị đất trồng rừng, đốt trước mùa khô hanh hoặc dùng lửa vì mục đích khác, người sử dụng lửa phải thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tiến hành hoạt động trong rừng, xây dựng công trình ở trong rừng, ven rừng phải chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy; thực hiện biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng của chủ rừng.

4. Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải kịp thời chữa cháy rừng, thông báo ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; khắc phục hậu quả sau cháy rừng và báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp chữa cháy rừng kịp thời.

5. Trường hợp cháy rừng xảy ra trên diện rộng có nguy cơ gây thảm họa dẫn đến tình trạng khẩn cấp, việc chữa cháy rừng phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

6. Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn hướng dẫn chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 40. Phòng, trừ sinh vật gây hại rừng

1. Việc phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; nuôi hoặc chăn, thả động vật vào rừng phải thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về đa dạng sinh học, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y.

2. Chủ rừng phải thực hiện các biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; khi phát hiện có sinh vật gây hại rừng trên diện tích rừng được giao, được thuê thì phải báo ngay cho cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y gần nhất để được hướng dẫn và hỗ trợ biện pháp phòng, trừ; tăng cường áp dụng biện pháp lâm sinh, sinh học trong phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức dự báo tình hình dịch bệnh; chỉ đạo biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.

4. Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức, chỉ đạo việc phòng, trừ sinh vật gây hại rừng tại địa phương, không để sinh vật gây hại rừng lây lan sang địa phương khác.

Điều 41. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng

1. Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ nơi không thành lập Kiểm lâm; doanh nghiệp nhà nước, tổ chức không thuộc lực lượng vũ trang được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng và đất rừng được tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

2. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Tuần tra, kiểm tra về bảo vệ rừng, đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp;

b) Thực hiện biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng;

c) Thực hiện biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

3. Chủ rừng có trách nhiệm trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; bảo đảm chế độ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 42. Kiểm tra nguồn gốc lâm sản

1. Kiểm tra nguồn gốc lâm sản bao gồm hoạt động kiểm tra hồ sơ lâm sản, kiểm tra lâm sản trong quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, gây nuôi, trồng cấy nhân tạo, cất giữ lâm sản theo quy định của pháp luật.

2. Việc kiểm tra nguồn gốc lâm sản được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

3. Kiểm lâm các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, dân quân tự vệ, quản lý thị trường, hải quan và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, dân quân tự vệ, quản lý thị trường, hải quan, cơ quan tư pháp và cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp với Kiểm lâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp, trình tự, thủ tục quản lý nguồn gốc lâm sản.

Điều 43. Trách nhiệm bảo vệ rừng của toàn dân

1. Cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định của Luật này, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chủ rừng về cháy rừng, sinh vật gây hại rừng và hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng; chấp hành sự huy động nhân lực, phương tiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra cháy rừng.

Chương V

PHÁT TRIỂN RỪNG

Điều 44. Phát triển giống cây lâm nghiệp

1. Thiết lập hệ thống rừng giống quốc gia để lưu giữ nguồn gen, cung ứng nguồn giống chất lượng cao bền vững.

2. Xây dựng, nâng cấp rừng giống, vườn giống, vườn cây đầu dòng; đối với cây trồng chính, chỉ đưa vào sản xuất, kinh doanh giống, nguồn giống, vật liệu giống được công nhận.

3. Nâng cao phẩm chất di truyền, chọn, tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt, đáp ứng yêu cầu kinh doanh lâm sản và thích ứng với biến đổi khí hậu.

4. Nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chọn, tạo, nhân giống cây trồng lâm nghiệp cho năng suất, chất lượng cao; tăng cường năng lực quản lý, điều hành sản xuất, cung ứng giống; nâng cao nhận thức về giống cây lâm nghiệp cho người dân và cơ quan, tổ chức.

5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định danh mục giống cây trồng chính; trình tự, thủ tục công nhận giống, nguồn giống, vật liệu giống.

Điều 45. Biện pháp lâm sinh

1. Biện pháp lâm sinh bao gồm:

a) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc có trồng bổ sung;

b) Nuôi dưỡng, làm giàu rừng;

c) Cải tạo rừng tự nhiên;

d) Trồng rừng mới, trồng lại rừng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trồng.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 46. Phát triển rừng đặc dụng

1. Đối với vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Duy trì cấu trúc rừng tự nhiên, bảo đảm sự phát triển tự nhiên của rừng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng;

b) Phục hồi cấu trúc rừng tự nhiên; áp dụng biện pháp kết hợp tái sinh tự nhiên với làm giàu rừng, trồng loài cây bản địa trong phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng và phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng;

c) Cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài sinh vật.

2. Đối với khu bảo vệ cảnh quan, thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Duy trì diện tích rừng hiện có;

b) Áp dụng biện pháp kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, làm giàu rừng để nâng cao chất lượng rừng.

3. Đối với khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, thực hiện hoạt động bảo vệ và phát triển rừng theo nhiệm vụ nghiên cứu khoa học do chủ rừng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

4. Đối với rừng giống quốc gia, thực hiện hoạt động để duy trì và phát triển rừng theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

5. Đối với vườn thực vật quốc gia, thực hiện hoạt động sưu tập, chọn lọc, lưu giữ, gây trồng loài cây bản địa gắn với nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, tham quan du lịch.

Điều 47. Phát triển rừng phòng hộ

1. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, phải được xây dựng thành rừng tập trung, liền vùng, duy trì và hình thành cấu trúc rừng bảo đảm chức năng phòng hộ.

2. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư, thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Bảo vệ, kết hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên với làm giàu rừng;

b) Trồng rừng ở nơi đất trống, không có khả năng tái sinh tự nhiên thành rừng; trồng hỗn giao nhiều loài cây bản địa, loài cây đa tác dụng, cây lâm sản ngoài gỗ.

3. Đối với rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Thiết lập đai rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng vùng;

b) Áp dụng biện pháp trồng rừng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt; được trồng bổ sung tại những nơi chưa đủ tiêu chí thành rừng.

Điều 48. Phát triển rừng sản xuất

1. Duy trì diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên hiện có; phục hồi rừng tự nhiên ở những diện tích trước đây đã khai thác mà chưa đạt tiêu chí thành rừng; chỉ được cải tạo rừng tự nhiên ở những diện tích không có khả năng tự phục hồi.

2. Hình thành vùng rừng trồng tập trung, áp dụng công nghệ sinh học hiện đại và kỹ thuật thâm canh rừng để nâng cao năng suất rừng trồng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản.

3. Khuyến khích trồng rừng hỗn loài, lâm sản ngoài gỗ; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi có điều kiện thích hợp.

Điều 49. Trồng cấy thực vật rừng, gây nuôi phát triển động vật rừng

1. Tổ chức, cá nhân trồng cấy nhân tạo và gây nuôi các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; các loài thực vật rừng, động vật rừng thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; động vật rừng thông thường phải bảo đảm điều kiện về nguồn giống hợp pháp, cơ sở nuôi bảo đảm an toàn với người và động vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, không ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn quần thể loài trong môi trường tự nhiên.

2. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp phép trồng cấy nhân tạo và gây nuôi các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; các loài thực vật rừng, động vật rừng thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài động vật rừng thông thường.

Điều 50. Trồng cây phân tán

1. Trồng cây phân tán là trồng cây ngoài diện tích rừng để tăng diện tích cây xanh, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, kết hợp cung cấp gỗ, củi và dịch vụ du lịch.

2. Cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có trách nhiệm tuyên truyền, phát động toàn dân thực hiện phong trào trồng cây phân tán; tổ chức trồng, quản lý, bảo vệ cây phân tán tại đô thị, nông thôn, khu công nghiệp.

3. Nhà nước có chính sách hỗ trợ về giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây phân tán.

Điều 51. Kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng

1. Hệ thống đường lâm nghiệp bao gồm đường vận xuất, vận chuyển lâm sản, đường tuần tra bảo vệ rừng; kho, bến bãi tập kết lâm sản.

2. Công trình phòng, trừ sinh vật gây hại rừng, cứu hộ, bảo vệ, phát triển động vật rừng, thực vật rừng.

3. Công trình phòng cháy và chữa cháy rừng bao gồm đường ranh cản lửa, chòi canh lửa rừng, trạm quan sát, dự báo lửa rừng; kênh, mương, bể chứa nước, đập, hồ chứa nước phòng cháy và chữa cháy rừng.

4. Trạm bảo vệ rừng; biển báo, biển cảnh báo, cọc mốc ranh giới khu rừng, tiểu khu, khoảnh và lô rừng.

5. Công trình kết cấu hạ tầng cần thiết khác phục vụ bảo vệ và phát triển rừng.

Chương VI

SỬ DỤNG RỪNG

Mục 1. SỬ DỤNG RỪNG ĐẶC DỤNG

Điều 52. Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng

1. Đối với vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, được quy định như sau:

a) Không khai thác lâm sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; không khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ trong phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng;

b) Được khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, nấm trong phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng;

c) Được khai thác tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ, nấm trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

d) Được thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, nguồn gen sinh vật theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối với khu rừng bảo vệ cảnh quan, được quy định như sau:

a) Được khai thác tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ, nấm trong quá trình thực hiện biện pháp lâm sinh để bảo tồn, tôn tạo, khôi phục hệ sinh thái, cảnh quan, văn hóa, lịch sử và trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Được thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, nguồn gen sinh vật theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Đối với rừng tín ngưỡng, được khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, thực vật rừng, nấm, lâm sản ngoài gỗ; khai thác gỗ phục vụ mục đích chung của cộng đồng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Đối với khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, được quy định như sau:

a) Được khai thác lâm sản theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Được khai thác tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ, nấm trong quá trình thực hiện điều chỉnh tổ thành rừng, nuôi dưỡng rừng và áp dụng biện pháp lâm sinh khác; khai thác tận thu gỗ, củi, thực vật rừng trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Được khai thác, thu thập các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, nguồn gen phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

4. Đối với vườn thực vật quốc gia, rừng giống quốc gia, được quy định như sau:

a) Được khai thác vật liệu giống;

b) Được khai thác tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ, nấm trong quá trình thực hiện điều chỉnh tổ thành rừng, nuôi dưỡng rừng và áp dụng biện pháp lâm sinh khác; khai thác tận thu gỗ, củi, thực vật rừng, nấm trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ.

5. Việc khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng thực hiện theo quy định của Luật này và Quy chế quản lý rừng.

Điều 53. Hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng[11]

1. Hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Không được thực hiện hoạt động nghỉ dưỡng, giải trí trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.

2. Chủ rừng xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Tổ chức, cá nhân đầu tư hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải lập dự án theo quy định của pháp luật có liên quan và phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

4. Chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và các chức năng khác của khu rừng.

5.[12] Được xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6.[13] Nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng quy định như sau:

a) Chủ rừng xây dựng phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu hoặc để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học;

c) Hoạt động nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 54. Ổn định đời sống dân cư sống trong rừng đặc dụng và vùng đệm của rừng đặc dụng

1. Không được di dân từ nơi khác đến rừng đặc dụng.

2. Ban quản lý rừng đặc dụng khoán bảo vệ và phát triển rừng với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ để bảo vệ và phát triển rừng. Căn cứ điều kiện cụ thể, ban quản lý rừng đặc dụng phối hợp với chính quyền địa phương lập dự án di dân, tái định cư trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để di dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.

3. Đối với phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng, ban quản lý rừng đặc dụng khoán bảo vệ và phát triển rừng hoặc hợp tác, liên kết với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ để bảo vệ và phát triển rừng.

4. Đất ở, đất sản xuất của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư xen kẽ trong rừng đặc dụng không thuộc quy hoạch rừng đặc dụng thì hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được tiếp tục sử dụng theo quy hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng.

5. Ban quản lý rừng đặc dụng có trách nhiệm xây dựng chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng đệm; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư vùng đệm có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương; phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, lập kế hoạch quản lý đối với diện tích đất ở, đất sản xuất xen kẽ trong rừng đặc dụng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

6. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư địa phương hoặc tổ chức có hoạt động trong vùng đệm có quyền giám sát, tham gia thực hiện, phối hợp quản lý chương trình, dự án đầu tư vùng đệm theo quy định của pháp luật.

7. Việc thực hiện ổn định đời sống dân cư sống trong rừng đặc dụng và vùng đệm của rừng đặc dụng theo Quy chế quản lý rừng.

Mục 2. SỬ DỤNG RỪNG PHÒNG HỘ

Điều 55. Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ

1. Đối với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, được khai thác cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, cây bị sâu bệnh, cây đứng ở nơi mật độ lớn hơn mật độ quy định.

2. Đối với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, việc khai thác lâm sản ngoài gỗ được quy định như sau:

a) Được khai thác măng, tre, nứa, nấm trong rừng phòng hộ khi đã đạt yêu cầu phòng hộ;

b) Được khai thác lâm sản ngoài gỗ khác mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng.

3. Đối với rừng phòng hộ là rừng trồng, được quy định như sau:

a) Được khai thác cây phụ trợ, chặt tỉa thưa khi rừng trồng có mật độ lớn hơn mật độ quy định;

b) Được khai thác cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác theo phương thức khai thác chọn hoặc chặt trắng theo băng, đám rừng;

c) Sau khi khai thác, chủ rừng phải thực hiện việc tái sinh hoặc trồng lại rừng trong vụ trồng rừng kế tiếp và tiếp tục quản lý, bảo vệ.

4. Việc khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ thực hiện theo quy định của Luật này và Quy chế quản lý rừng.

Điều 56. Hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng phòng hộ[14]

1. Hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập trong rừng phòng hộ thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chủ rừng xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của khu rừng phòng hộ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Tổ chức, cá nhân đầu tư hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải lập dự án theo quy định của pháp luật có liên quan và phù hợp với đề án du dịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

4. Chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng bảo đảm không làm ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và các chức năng khác của khu rừng.

5.[15] Được xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6.[16] Nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng phòng hộ quy định như sau:

a) Chủ rừng xây dựng phương án nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng phòng hộ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu hoặc để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học;

c) Hoạt động nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng phòng hộ thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 57. Sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ

1. Được trồng xen cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ; chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, không làm ảnh hưởng khả năng phòng hộ của rừng.

2. Được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, không làm ảnh hưởng khả năng phòng hộ của rừng.

3. Việc sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 3. SỬ DỤNG RỪNG SẢN XUẤT

Điều 58. Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên

1. Điều kiện khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên được quy định như sau:

a) Chủ rừng là tổ chức phải có phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khai thác gỗ có đề nghị và được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận.

2. Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên thực hiện theo quy định của Luật này và Quy chế quản lý rừng.

Điều 59. Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng

1. Chủ rừng quyết định khai thác rừng trồng thuộc sở hữu của mình.

2. Trường hợp rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, chủ rừng phải lập hồ sơ khai thác lâm sản trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định.

3. Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng thực hiện theo quy định của Luật này và Quy chế quản lý rừng.

Điều 60. Sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng sản xuất

1. Được trồng xen cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ; chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, không làm suy giảm chất lượng rừng.

2. Được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, không làm thoái hóa, ô nhiễm đất; không chuyển mục đích sử dụng đất rừng.

3. Được kết hợp kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập.

4.[17] Được tự tổ chức, hợp tác, liên doanh, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê rừng, thuê môi trường rừng phù hợp với quyền của chủ rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí hoặc nuôi, trồng phát triển cây dược liệu hoặc để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng không được ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

5. Được xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

6. Các hoạt động quy định tại Điều này thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 4. DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG

Điều 61. Các loại dịch vụ môi trường rừng

1. Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối.

2. Điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội.

3. Hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh.

4. Bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch.

5. Cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản.

Điều 62. Nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng

1. Rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng khi đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật này và cung ứng một hoặc một số dịch vụ môi trường rừng quy định tại Điều 61 của Luật này.

2. Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

3. Thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng bằng tiền thông qua hình thức chi trả trực tiếp hoặc chi trả gián tiếp.

4. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là một yếu tố trong giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng.

5. Bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, công bằng; phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 63. Đối tượng, hình thức chi trả và quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng

1. Đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bao gồm:

a) Chủ rừng được quy định tại Điều 8 của Luật này;

b) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hợp đồng nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng là tổ chức do Nhà nước thành lập;

c) Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng được quy định như sau:

a) Cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện;

b) Cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch;

c) Cơ sở sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất công nghiệp;

d) Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng;

đ) Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng;

e) Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải chi trả tiền dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng cho nuôi trồng thủy sản;

g) Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

3. Hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng được quy định như sau:

a) Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền trực tiếp cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng;

b) Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng ủy thác qua quỹ bảo vệ và phát triển rừng;

c) Nhà nước khuyến khích áp dụng chi trả trực tiếp cho tất cả các trường hợp nếu bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng tự thỏa thuận trên cơ sở mức tiền chi trả dịch vụ do Chính phủ quy định.

4. Việc quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng được thực hiện như sau:

a) Xác định tổng số tiền thu được từ dịch vụ môi trường rừng;

b) Xác định mức chi trả dịch vụ môi trường rừng;

c) Xác định đối tượng được chi trả dịch vụ môi trường rừng;

d) Xác định hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng;

đ) Lập kế hoạch thu, chi dịch vụ môi trường rừng;

e) Xác định trường hợp được miễn, giảm nộp tiền dịch vụ môi trường rừng;

g) Tổ chức chi trả dịch vụ môi trường rừng;

h) Kiểm tra, giám sát quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.

5. Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng và điều chỉnh, miễn, giảm mức chi trả dịch vụ môi trường rừng; quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Điều 64. Quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng

1. Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng có quyền sau đây:

a) Được thông báo về tình hình thực hiện, kết quả bảo vệ và phát triển rừng trong phạm vi khu rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng; thông báo về diện tích, chất lượng và trạng thái rừng ở khu vực có cung ứng dịch vụ môi trường rừng;

b) Được quỹ bảo vệ và phát triển rừng thông báo kết quả chi trả ủy thác tiền dịch vụ môi trường rừng đến bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng;

c) Tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và nghiệm thu kết quả bảo vệ và phát triển rừng trên phạm vi khu rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng;

d) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc điều chỉnh tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng trong trường hợp bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng không bảo đảm đúng diện tích rừng hoặc làm suy giảm chất lượng, trạng thái rừng mà bên sử dụng dịch vụ đã chi trả số tiền tương ứng.

2. Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng có nghĩa vụ sau đây:

a) Ký hợp đồng, kê khai số tiền dịch vụ môi trường rừng phải chi trả ủy thác vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng;

b) Trả tiền dịch vụ môi trường rừng đầy đủ và đúng hạn theo hợp đồng cho chủ rừng trong trường hợp chi trả trực tiếp hoặc cho quỹ bảo vệ và phát triển rừng trong trường hợp chi trả gián tiếp.

Điều 65. Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng

1. Bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng có quyền sau đây:

a) Yêu cầu chi trả tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này;

b) Được cung cấp thông tin về giá trị dịch vụ môi trường rừng;

c) Tham gia vào việc xây dựng kế hoạch, lập hồ sơ phục vụ chi trả, kiểm tra quá trình thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng của cơ quan quản lý nhà nước và của quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

2. Bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng có nghĩa vụ sau đây:

a) Phải bảo đảm diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng được bảo vệ và phát triển theo quy hoạch, kế hoạch quản lý đối với từng loại rừng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng phải bảo đảm diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng được bảo vệ và phát triển theo hợp đồng khoán đã ký với chủ rừng;

c) Bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng là tổ chức do Nhà nước thành lập phải quản lý, sử dụng số tiền được chi trả theo quy định của pháp luật.

Chương VII

CHẾ BIẾN VÀ THƯƠNG MẠI LÂM SẢN

Mục 1. CHẾ BIẾN LÂM SẢN

Điều 66. Chính sách phát triển chế biến lâm sản

1. Chính sách phát triển chế biến lâm sản được quy định như sau:

a) Hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết với chủ rừng để tạo vùng nguyên liệu, quản lý rừng bền vững, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới và giải pháp tăng trưởng xanh, nâng cao giá trị gia tăng;

b) Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản;

c) Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong chế biến lâm sản.

2. Chính sách phát triển chế biến lâm sản quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 67. Chế biến mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng

1. Cơ sở chế biến và hoạt động chế biến mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, bảo vệ môi trường, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn thực phẩm và phù hợp với Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

2. Việc chế biến mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và mẫu vật các loài thực vật rừng hoang dã, động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Mẫu vật có nguồn gốc hợp pháp từ cơ sở trồng cấy nhân tạo hoặc gây nuôi;

b) Mẫu vật có nguồn gốc khai thác hợp pháp từ tự nhiên;

c) Mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật.

3. Chế biến mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng thông thường phải bảo đảm có nguồn gốc hợp pháp.

Điều 68. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở chế biến lâm sản

1. Cơ sở chế biến lâm sản có quyền sau đây:

a) Sản xuất những mặt hàng lâm sản Nhà nước không cấm;

b) Được Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp; hỗ trợ liên kết chuỗi sản xuất, chế biến; áp dụng chính sách quy định tại Điều 66 của Luật này và pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp trong khu vực nông thôn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa.

2. Cơ sở chế biến lâm sản có nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, bảo vệ môi trường, lao động, tài chính; quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản;

b) Chế biến mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng phải thực hiện theo quy định tại Điều 67 của Luật này;

c) Chấp hành sự quản lý, kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình sản xuất.

Điều 69. Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam

1. Nhà nước xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; ban hành tiêu chí, thẩm quyền, quy trình, thủ tục phân loại doanh nghiệp khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. THƯƠNG MẠI LÂM SẢN

Điều 70. Chính sách phát triển thị trường lâm sản

1. Chính sách phát triển thị trường lâm sản được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân hợp tác, liên kết, thu mua, tiêu thụ lâm sản được cung cấp tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật;

b) Nhà nước hỗ trợ hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, cung cấp thông tin thị trường lâm sản trong nước và quốc tế.

2. Chính sách phát triển thị trường lâm sản quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 71. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở thương mại lâm sản

1. Cơ sở thương mại lâm sản có quyền sau đây:

a) Kinh doanh những mặt hàng lâm sản Nhà nước không cấm;

b) Được Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp; hỗ trợ hợp tác, liên kết chuỗi kinh doanh lâm sản; áp dụng chính sách quy định tại Điều 70 của Luật này và pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp trong khu vực nông thôn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa.

2. Cơ sở thương mại lâm sản có nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, bảo vệ môi trường, lao động, tài chính; quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản;

b) Chấp hành sự quản lý, kiểm tra, thanh tra trong quá trình kinh doanh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 72. Quản lý thương mại lâm sản và kinh doanh mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng

1. Quản lý thương mại lâm sản được quy định như sau:

a) Dự báo thị trường và định hướng phát triển chế biến lâm sản trong từng thời kỳ;

b) Đàm phán điều ước quốc tế về thương mại, mở cửa thị trường lâm sản, công nhận lẫn nhau về gỗ hợp pháp và tiêu chí quản lý rừng bền vững;

c) Cấp giấy phép, giấy chứng nhận đối với lâm sản xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

d) Việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng vì mục đích thương mại phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;

đ) Thương mại nội địa lâm sản phải thực hiện quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản;

e) Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

2. Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng được quy định như sau:

a) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; các loài thực vật rừng hoang dã, động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp phải bảo đảm truy xuất nguồn gốc và quản lý theo chuỗi từ khai thác, trồng cấy, gây nuôi đến chế biến và tiêu dùng;

b) Mẫu vật các loài quy định tại điểm a khoản này phải được đánh dấu xác định nguồn gốc hợp pháp phù hợp với tính chất và chủng loại của từng loại mẫu vật, bảo đảm chống làm giả hoặc tẩy xóa;

c) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ truy xuất nguồn gốc và đánh dấu mẫu vật các loài quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Chương VIII

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CHỦ RỪNG

Mục 1. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CHUNG CỦA CHỦ RỪNG

Điều 73. Quyền chung của chủ rừng

1. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật.

2. Được hưởng lâm sản tăng thêm từ rừng do tự đầu tư vào rừng tự nhiên, rừng trồng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

3. Sử dụng rừng phù hợp với thời hạn giao rừng, cho thuê rừng và thời hạn giao đất, cho thuê đất trồng rừng theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai.

4. Được cung ứng dịch vụ môi trường rừng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.

5. Được hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ khác theo quy định để bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng; được hưởng lợi từ công trình hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng do Nhà nước đầu tư.

6. Được Nhà nước bồi thường giá trị rừng, tài sản do chủ rừng đầu tư, xây dựng hợp pháp tại thời điểm quyết định thu hồi rừng.

7. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với chủ rừng phát triển rừng sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai.

8. Hợp tác, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để bảo vệ và phát triển rừng.

9. Được bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp khác.

Điều 74. Nghĩa vụ chung của chủ rừng

1. Quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững theo Quy chế quản lý rừng, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Thực hiện quy định về theo dõi diễn biến rừng.

3. Trả lại rừng khi Nhà nước thu hồi rừng theo quy định của Luật này.

4. Bảo tồn đa dạng sinh học rừng, thực vật rừng, động vật rừng.

5. Phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.

6. Chấp hành sự quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Mục 2. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CHỦ RỪNG LÀ BAN QUẢN LÝ RỪNG ĐẶC DỤNG, BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ

Điều 75. Quyền và nghĩa vụ của ban quản lý rừng đặc dụng

1. Ban quản lý rừng đặc dụng có quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

b) Được hưởng chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 94 của Luật này;

c) Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 52, rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 58, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

d) Được cho thuê môi trường rừng; hợp tác, liên kết kinh doanh du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ, giảng dạy, thực tập, hợp tác quốc tế.

2. Ban quản lý rừng đặc dụng có nghĩa vụ sau đây:

a) Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;

b) Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện phương án đã được phê duyệt;

c) Hỗ trợ cộng đồng dân cư trong vùng đệm ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Điều 54 của Luật này;

d) Khoán bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ theo quy định của Chính phủ.

Điều 76. Quyền và nghĩa vụ của ban quản lý rừng phòng hộ

1. Ban quản lý rừng phòng hộ có quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại Điều 73 và điểm đ khoản 1 Điều 75 của Luật này;

b) Cho thuê môi trường rừng; hợp tác, liên kết kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Được hưởng chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 94 của Luật này;

d) Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan theo quy định tại Điều 52, rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55, rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 58, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

2. Ban quản lý rừng phòng hộ có nghĩa vụ sau đây:

a) Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;

b) Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện phương án đã được phê duyệt;

c) Khoán bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ theo quy định của Chính phủ.

Mục 3. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CHỦ RỪNG LÀ TỔ CHỨC KINH TẾ

Điều 77. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng giống quốc gia xen kẽ trong diện tích rừng đã giao

1. Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng giống quốc gia xen kẽ trong diện tích rừng đã giao có quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

b) Được Nhà nước bảo đảm kinh phí đầu tư để duy trì và phát triển rừng giống theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Khai thác lâm sản trong rừng giống quốc gia theo quy định tại Điều 52 của Luật này;

d) Bán sản phẩm để tạo nguồn thu và được quản lý, sử dụng nguồn thu theo quy định của pháp luật về tài chính.

2. Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng giống quốc gia xen kẽ trong diện tích rừng đã giao có nghĩa vụ sau đây:

a) Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch duy trì và phát triển rừng giống được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 78. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan

1. Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan có quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

b) Được hưởng chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 94 của Luật này;

c) Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan theo quy định tại Điều 52, rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55 của Luật này;

d) Cho thuê môi trường rừng; hợp tác, liên kết đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan có nghĩa vụ sau đây:

a) Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;

b) Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện phương án đã được phê duyệt;

c) Ký hợp đồng khoán bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ theo quy định của Chính phủ.

Điều 79. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất

1. Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất có quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

b) Được chia sẻ lợi ích từ rừng theo hợp đồng thuê rừng;

c) Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác gắn liền với rừng do chủ rừng đầu tư;

d) Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 58, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

2. Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất có nghĩa vụ sau đây:

a) Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;

b) Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện phương án đã được phê duyệt.

Điều 80. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để trồng rừng

1. Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất để trồng rừng phòng hộ bằng vốn ngân sách nhà nước có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 73 và Điều 74 của Luật này;

b) Được tổ chức trồng rừng theo dự toán thiết kế do cơ quan chủ quản nguồn vốn phê duyệt;

c) Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55 của Luật này và được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước.

2. Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất để trồng rừng phòng hộ bằng vốn tự đầu tư có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 73 và Điều 74 của Luật này;

b) Được sở hữu cây trồng xen, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng phòng hộ;

c) Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55 của Luật này.

3. Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất bằng vốn tự đầu tư có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 73 và Điều 74 của Luật này;

b) Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng;

c) Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

d) Được chuyển nhượng, cho thuê rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng.

Mục 4. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CHỦ RỪNG LÀ HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN, CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ

Điều 81. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng phòng hộ

1. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng phòng hộ có quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

b) Được Nhà nước bảo đảm kinh phí bảo vệ và phát triển rừng;

c) Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55 của Luật này và được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước;

d) Được chuyển đổi diện tích rừng được giao cho hộ gia đình, cá nhân trong cùng xã, phường, thị trấn; cá nhân được để lại quyền sử dụng rừng cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.

2. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng phòng hộ có nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này.

Điều 82. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng sản xuất

1. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng sản xuất có quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

b) Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên, được khai thác lâm sản theo quy định tại Điều 58 của Luật này và được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước;

c) Đối với rừng sản xuất là rừng trồng, được khai thác lâm sản theo quy định tại Điều 59 của Luật này; được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước; được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác gắn liền với rừng trồng do chủ rừng đầu tư;

d) Được chuyển đổi diện tích rừng được giao cho hộ gia đình, cá nhân trong cùng xã, phường, thị trấn; cá nhân được để lại quyền sử dụng rừng cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.

2. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng sản xuất có nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này.

Điều 83. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất

1. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất có quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

b) Được chia sẻ lợi ích từ rừng theo hợp đồng thuê rừng; được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác gắn liền với rừng trồng do chủ rừng đầu tư;

c) Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 58, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

d) Cá nhân được để lại quyền sử dụng rừng cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.

2. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất có nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này.

Điều 84. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ

1. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ có quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

b) Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng sản xuất do chủ rừng đầu tư;

c) Được sở hữu cây trồng xen, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng phòng hộ do chủ rừng đầu tư;

d) Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

đ) Được chia sẻ lợi ích từ rừng trong trường hợp trồng rừng bằng vốn ngân sách nhà nước;

e) Được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng;

g) Cá nhân được để lại quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, quyền sử dụng rừng cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.

2. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ có nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này.

Điều 85. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất

1. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất có quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

b) Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng; khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này;

c) Được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng trong thời gian thuê đất; cá nhân được để lại quyền sở hữu rừng cho người thừa kế theo quy định của pháp luật.

2. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất có nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này.

Điều 86. Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng tín ngưỡng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất

1. Cộng đồng dân cư được giao rừng tín ngưỡng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất có quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

b) Được Nhà nước bảo đảm kinh phí bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ giao cho cộng đồng dân cư;

c) Được hướng dẫn sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, canh tác dưới tán rừng, chăn thả gia súc theo Quy chế quản lý rừng; được hỗ trợ phát triển kinh tế rừng, hỗ trợ phục hồi rừng bằng cây lâm nghiệp bản địa;

d) Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng là rừng tín ngưỡng theo quy định tại Điều 52, rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55, rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 58, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này; được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước; được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng do chủ rừng đầu tư.

2. Cộng đồng dân cư được giao rừng tín ngưỡng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất có nghĩa vụ sau đây:

a) Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;

b) Hoàn thiện, thực hiện hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Bảo đảm duy trì diện tích rừng được giao;

d) Không được phân chia rừng cho các thành viên trong cộng đồng dân cư;

đ) Không được chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng rừng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng.

Mục 5. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CHỦ RỪNG LÀ ĐƠN VỊ VŨ TRANG; TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐÀO TẠO, GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP; DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 87. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng sản xuất

1. Đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

b) Được Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;

c) Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan theo quy định tại Điều 52, rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55, rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 58, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

2. Đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có nghĩa vụ sau đây:

a) Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;

b) Bảo đảm duy trì diện tích rừng được giao;

c) Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng rừng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng.

Điều 88. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp được Nhà nước giao khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia

1. Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp được Nhà nước giao khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia có quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

b) Khai thác lâm sản trong khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia theo quy định tại Điều 52 của Luật này;

c) Hợp tác, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

d) Được bán sản phẩm rừng trồng, cây giống lâm nghiệp và lâm sản khác theo Quy chế quản lý rừng.

2. Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp được Nhà nước giao khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia có nghĩa vụ sau đây:

a) Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;

b) Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng rừng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng;

c) Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp.

Điều 89. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất

1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất có quyền sau đây:

a) Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;

b) Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác do doanh nghiệp đầu tư trên đất được thuê theo quy định của pháp luật;

c) Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất có nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này.

Chương IX

ĐỊNH GIÁ RỪNG, ĐẦU TƯ, TÀI CHÍNH TRONG LÂM NGHIỆP

Mục 1. ĐỊNH GIÁ RỪNG TRONG LÂM NGHIỆP

Điều 90. Định giá rừng

1. Định giá rừng bao gồm các hoạt động nhằm xác định tổng giá trị kinh tế của rừng.

2. Nguyên tắc định giá rừng được quy định như sau:

a) Phù hợp với giá trị lâm sản và giá trị dịch vụ môi trường rừng đang giao dịch trên thị trường tại thời điểm định giá;

b) Phù hợp với từng loại rừng gắn với quy định về quyền sử dụng rừng, khả năng sinh lợi và thu nhập từ rừng;

c) Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và khoa học.

3.[18] Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phương pháp định giá rừng; hướng dẫn định khung giá rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thuộc sở hữu toàn dân.

4.[19] Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định khung giá rừng trên địa bàn quản lý.

Điều 91. Trường hợp định giá rừng

1. Trường hợp Nhà nước giao rừng, tổ chức đấu giá quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng; tính giá trị rừng khi thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.

2. Trường hợp Nhà nước thu hồi rừng, thanh lý rừng; xác định giá trị vốn góp; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước.

3. Trường hợp xác định giá trị phải bồi thường khi có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đối với rừng; thiệt hại do thiên tai, cháy rừng và các thiệt hại khác đối với rừng; xác định giá trị rừng phục vụ giải quyết tranh chấp liên quan tới rừng.

4. Trường hợp xác định thuế, phí và lệ phí liên quan đến rừng.

5. Trường hợp khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mục 2. ĐẦU TƯ VÀ TÀI CHÍNH TRONG LÂM NGHIỆP

Điều 92. Nguồn tài chính trong lâm nghiệp

1. Ngân sách nhà nước.

2. Đầu tư, đóng góp, ủng hộ, tài trợ từ tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

3. Thu từ khai thác lâm sản; cho thuê rừng, đất rừng.

4. Thu từ thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế do chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

5. Thu từ dịch vụ môi trường rừng và cho thuê môi trường rừng.

6. Vốn tín dụng từ tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài.

7. Nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Điều 93. Những hoạt động lâm nghiệp được sử dụng ngân sách nhà nước

1. Căn cứ vào yêu cầu quản lý, phát triển lâm nghiệp và khả năng của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định những hoạt động được sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Việc lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán và giám sát ngân sách nhà nước cho lâm nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 94. Chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng

1. Nhà nước có chính sách đầu tư cho các hoạt động sau đây:

a) Bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;

b) Bảo vệ và cứu hộ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;

c) Nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp;

d) Xây dựng khu nghiên cứu phát triển, khu công nghệ cao;

đ) Đầu tư phương tiện, trang bị, thiết bị nhằm bảo vệ rừng; quan trắc, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; xây dựng công trình phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng;

e) Xây dựng, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng phục vụ cho bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

2. Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động sau đây:

a) Hoạt động chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, khuyến lâm và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững;

b) Phát triển kết cấu hạ tầng gắn với đầu tư phát triển, kinh doanh rừng sản xuất theo chuỗi giá trị;

c) Hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng của đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới;

d) Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho chủ rừng;

đ) Xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường, thương mại trong hoạt động lâm nghiệp; mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về lâm nghiệp.

3. Nhà nước có chính sách ưu đãi đầu tư cho các hoạt động sau đây:

a) Phát triển rừng sản xuất ở những vùng đất trống, đồi núi trọc;

b) Trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn; phát triển lâm sản ngoài gỗ;

c) Phục hồi rừng tự nhiên;

d) Phát triển giống cây lâm nghiệp công nghệ cao.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 95. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng

1. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập.

2. Nguyên tắc hoạt động của quỹ bảo vệ và phát triển rừng được quy định như sau:

a) Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận;

b) Chỉ hỗ trợ cho chương trình, dự án hoặc hoạt động phi dự án liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng đủ yêu cầu đầu tư;

c) Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Tổ chức quỹ bảo vệ và phát triển rừng được quy định như sau:

a) Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập ở cấp trung ương;

b) Quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

4. Nguồn tài chính hình thành quỹ bảo vệ và phát triển rừng bao gồm:

a) Tài trợ, đóng góp tự nguyện, vốn ủy thác của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

b) Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng;

c) Tiền trồng rừng thay thế do chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác;

d) Các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước.

5. Hằng năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình quản lý, sử dụng quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh.

6. Chính phủ quy định chi tiết về nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, nguồn tài chính, cơ chế quản lý, sử dụng tài chính của quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

Chương X

KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ LÂM NGHIỆP

Điều 96. Hoạt động khoa học và công nghệ về lâm nghiệp

1. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong các hoạt động sau đây:

a) Điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng;

b) Phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng;

c) Chọn, tạo, nhân giống cây trồng thân gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ;

d) Thâm canh rừng trồng cung cấp gỗ lớn, trồng cây bản địa, trồng rừng hỗn loài; hiện đại hóa quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác rừng;

đ) Phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên nghèo;

e) Khai thác, vận chuyển, chế biến và bảo quản lâm sản;

g) Công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản.

2. Nghiên cứu hệ sinh thái rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng.

3. Nghiên cứu giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

4. Nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển rừng bền vững; mô hình lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp bền vững.

5. Chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, quản lý lâm nghiệp.

6. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lâm nghiệp.

Điều 97. Chính sách khoa học và công nghệ về lâm nghiệp

1. Nhà nước có cơ chế, chính sách ưu tiên cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp với chu kỳ sinh trưởng, phát triển của rừng và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lâm nghiệp.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1, các khoản 2, 3 và 6 Điều 96 của Luật này.

3. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại các điểm d, e và g khoản 1, khoản 4 và khoản 5 Điều 96 của Luật này.

Điều 98. Hoạt động hợp tác quốc tế về lâm nghiệp

1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện hợp tác quốc tế về lâm nghiệp với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, pháp luật của mỗi bên và pháp luật quốc tế.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan đề xuất việc ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về lâm nghiệp; là cơ quan đầu mối, đại diện quốc gia thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, Công ước chống sa mạc hóa và các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế khác liên quan đến lâm nghiệp.

Điều 99. Chính sách hợp tác quốc tế về lâm nghiệp

1. Khuyến khích mở rộng hợp tác về lâm nghiệp với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và cam kết quốc tế khác mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

3. Tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, hỗ trợ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, chế biến và thương mại lâm sản tại Việt Nam; phát triển và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực hợp tác quốc tế cho ngành lâm nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.

4. Thúc đẩy hợp tác với các nước có chung đường biên giới để giải quyết có hiệu quả vấn đề về cháy rừng, khói mù xuyên biên giới, phòng, chống buôn bán bất hợp pháp về gỗ và mẫu vật các loài thực vật hoang dã, động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên.

5. Chính phủ ban hành chính sách hợp tác quốc tế về lâm nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể trong từng thời kỳ.

Chương XI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LÂM NGHIỆP VÀ KIỂM LÂM

Mục 1. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LÂM NGHIỆP

Điều 100. Nguyên tắc tổ chức hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp

1. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp được tổ chức thống nhất, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp.

2. Cơ quan quản lý chuyên ngành về lâm nghiệp được tổ chức ở trung ương, cấp tỉnh; nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lâm nghiệp ở cấp huyện được tổ chức theo quy định của Chính phủ.

3. Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, không chồng chéo chức năng quản lý; công khai, minh bạch.

Điều 101. Trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lâm nghiệp trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lâm nghiệp, có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp;

b) Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về lâm nghiệp;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế quản lý rừng, chế độ quản lý, bảo vệ các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;

d) Trình Thủ tướng Chính phủ thành lập khu rừng phòng hộ, khu rừng đặc dụng có tầm quan trọng quốc gia hoặc nằm trên địa bàn nhiều tỉnh;

đ) Chỉ đạo thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ của Kiểm lâm;

e) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan quản lý, bảo vệ rừng; bảo vệ hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học trong các loại rừng;

g) Hướng dẫn, kiểm tra việc điều tra rừng, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng và lập hồ sơ quản lý rừng; lập và quản lý cơ sở dữ liệu rừng;

h) Tổ chức phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng;

i) Xây dựng hệ thống rừng giống quốc gia, vườn thực vật quốc gia;

k) Quản lý, tổ chức thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng;

l) Quản lý hoạt động cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, định giá rừng;

m) Quản lý hoạt động chế biến và thương mại lâm sản theo quy định của pháp luật;

n) Tổ chức nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới về lâm nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lâm nghiệp;

o) Tổ chức thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về lâm nghiệp; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp;

p) Đầu mối hợp tác quốc tế về lâm nghiệp;

q) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về lâm nghiệp.

Điều 102. Trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp, quyết định chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp bền vững tại địa phương;

b) Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp, chiến lược phát triển lâm nghiệp, quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, chương trình, dự án, kế hoạch phát triển lâm nghiệp tại địa phương;

c) Tổ chức thực hiện việc phân loại rừng, phân định ranh giới các loại rừng theo thẩm quyền;

d) Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với tổ chức; tổ chức trồng rừng thay thế;

đ) Tổ chức thực hiện điều tra rừng, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng tại địa phương;

e) Cập nhật cơ sở dữ liệu rừng, lập hồ sơ quản lý rừng của địa phương;

g) Tổ chức bảo vệ rừng; bảo tồn đa dạng sinh học rừng; phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; phát triển rừng; sử dụng rừng; chế biến và thị trường lâm sản tại địa phương;

h) Quyết định khung giá rừng trên địa bàn tỉnh;

i) Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong lâm nghiệp tại địa phương;

k) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp tại địa phương;

l) Huy động các lực lượng, vật tư, phương tiện, thiết bị của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn để ứng phó khẩn cấp chữa cháy rừng theo thẩm quyền;

m) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp, quyết định chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp bền vững tại địa phương;

b) Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp, chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp bền vững tại địa phương;

c) Tổ chức thực hiện việc phân loại rừng, phân định ranh giới các loại rừng tại địa phương theo quy định của pháp luật;

d) Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; lập hồ sơ quản lý rừng; tổ chức trồng rừng thay thế;

đ) Tổ chức thực hiện điều tra rừng, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng tại địa phương;

e) Tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng;

g) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp tại địa phương;

h) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã lập dự án giao đất, giao rừng đối với diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê theo quy định của pháp luật;

i) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lâm nghiệp tại địa phương theo quy định của pháp luật.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp, quyết định chương trình, dự án về phát triển lâm nghiệp bền vững, sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, canh tác nương rẫy và tổ chức thực hiện tại địa phương;

b) Quản lý diện tích, ranh giới khu rừng; xác nhận hồ sơ đề nghị giao rừng, thuê rừng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật;

c) Tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê;

d) Tổ chức thực hiện kiểm kê rừng tại địa phương;

đ) Hướng dẫn cộng đồng dân cư xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn phù hợp với quy định của pháp luật;

e) Tổ chức hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn; xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lâm nghiệp tại địa phương theo quy định của pháp luật.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm về cháy rừng, phá rừng hoặc mất rừng do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng gây ra thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Mục 2. KIỂM LÂM

Điều 103. Chức năng của Kiểm lâm

Kiểm lâm là tổ chức có chức năng quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng.

Điều 104. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm

1. Nhiệm vụ của Kiểm lâm được quy định như sau:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch bảo vệ rừng, phương án phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, phòng cháy và chữa cháy rừng;

b) Bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức bảo vệ rừng thuộc sở hữu toàn dân chưa giao, chưa cho thuê;

c) Tổ chức cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng; tổ chức lực lượng chuyên ngành phòng cháy và chữa cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng hằng năm;

d) Tổ chức đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trong bảo vệ rừng, khai thác rừng, sử dụng rừng, vận chuyển, kinh doanh, cất giữ, chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật;

đ) Hướng dẫn chủ rừng lập và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng cho chủ rừng;

e) Tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở;

g) Thực hiện nhiệm vụ khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.

2. Quyền hạn của Kiểm lâm được quy định như sau:

a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu trong thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;

b) Xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính; khởi tố, điều tra vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật;

c) Sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng, vũ khí, công cụ hỗ trợ và trang phục theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 105. Tổ chức Kiểm lâm

1. Kiểm lâm được tổ chức ở trung ương, ở cấp tỉnh.

2. Kiểm lâm được tổ chức ở cấp huyện trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, phòng cháy và chữa cháy rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản tại địa phương.

3. Kiểm lâm trong vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển thuộc Kiểm lâm ở trung ương hoặc ở cấp tỉnh được tổ chức trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 106. Trang bị bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Kiểm lâm

1. Trang bị bảo đảm hoạt động đối với Kiểm lâm được quy định như sau:

a) Được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng;

b) Được trang bị thống nhất về đồng phục, phù hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu, giấy chứng nhận kiểm lâm.

2. Chế độ, chính sách đối với Kiểm lâm được quy định như sau:

a) Kiểm lâm được hưởng chế độ lương theo ngạch, bậc; phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp ưu đãi nghề và các chế độ phụ cấp khác theo quy định của pháp luật;

b) Kiểm lâm bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ được công nhận và được hưởng chế độ, chính sách như thương binh, liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương XII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[20]

Điều 107. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

2. Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 108. Quy định chuyển tiếp

1. Chủ rừng đã được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn được giao, cho thuê; thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Chủ rừng là tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng sản xuất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn được giao; quyền và nghĩa vụ được thực hiện theo quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 và khoản 2 Điều 79 của Luật này.

3. Đối với các dự án thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải phóng mặt bằng trước khi Luật này có hiệu lực thi hành, phải trồng rừng thay thế theo quy định tại Điều 21 của Luật này.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát diện tích rừng tự nhiên hiện có để đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

CHỦ NHIỆM




Bùi Văn Cường



[1] Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 được sửa đổi hiệu lực thành từ ngày 01 tháng 8 năm 2024 theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Luật số 43/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.

[2] Luật Giá số 16/2023/QH15 có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Giá.”.

Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Đất đai.”.

[3] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 248 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

[4] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 248 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

[5] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 248 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

[6] Điểm này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 248 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

[7] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 248 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

[8] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 248 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

[9] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 248 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

[10] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 248 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

[11] Tên Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 248 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

[12] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 248 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

[13] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 248 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

[14] Tên Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 248 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

[15] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 248 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

[16] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 248 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

[17] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 248 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

[18] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 73 của Luật Giá số 16/2023/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

[19] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 73 của Luật Giá số 16/2023/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

[20] Điều 74 và Điều 75 của Luật Giá số 16/2023/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 quy định như sau:

Điều 74. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Quy định tại khoản 2 Điều 60 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, hội đồng thẩm định giá phải có ít nhất 01 thành viên có một trong các chứng nhận chuyên môn sau đây:

a) Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên ngành giá, thẩm định giá;

b) Thẻ thẩm định viên về giá;

c) Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá;

d) Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước.

3. Luật Giá số 11/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2014/QH13, Luật số 64/2020/QH14 và Luật số 07/2022/QH15 (sau đây gọi chung là Luật Giá số 11/2012/QH13) hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ các quy định tại Điều 75 của Luật này.

Điều 75. Quy định chuyển tiếp

1. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp thẩm định giá đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật Giá số 11/2012/QH13 phải bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật này. Sau thời hạn nêu trên mà doanh nghiệp thẩm định giá không bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của Luật này, Bộ Tài chính thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

2. Người được cấp thẻ thẩm định viên về giá theo quy định của Luật Giá số 11/2012/QH13 thì được tiếp tục đăng ký hành nghề thẩm định giá trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản và thẩm định giá doanh nghiệp theo quy định của Luật này.”.

Điều 252 và Điều 253 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024 quy định như sau:

Điều 252. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Điều 190 và Điều 248 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

3. Việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

Khoản 9 Điều 60 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày Nghị quyết số 61/2022/QH15 hết hiệu lực.

4. Luật Đất đai số 45/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 (sau đây gọi là Luật Đất đai số 45/2013/QH13) hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 253. Quy định chuyển tiếp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi Luật này có hiệu lực thi hành

1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện và được điều chỉnh khi rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định tại Điều 73 của Luật này.

2. Đối với địa phương đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh để thực hiện công tác quản lý đất đai cho đến hết kỳ quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14.”.

THE OFFICE OF THE NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM
----------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence-Freedom-Happiness
-----------------

No. 04/VBHN-VPQH

Hanoi, September 16, 2024

LAW ON FORESTRY

The Law on Forestry No. 16/2017/QH14 dated November 15, 2017 of the National Assembly, which comes into force from January 01, 2019, is amended by:

1. The Law on Prices No. 16/2023/QH15 dated June 19, 2023 of the National Assembly, which comes into force from July 01, 2024;

2. The Land Law No. 31/2024/QH15 dated January 18, 2024 of the National Assembly of Vietnam, which comes into force from August 01, 2024[1].

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly of Vietnam promulgates the Law on Forestry[2].

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



This Law deals with management, protection, development and use of forests; forest products processing and trade.

Article 2. Definitions

For the purposes of this Law, terms used herein shall be construed as follows:

1. “forestry” means an economic-technical industry that includes management, protection, development and use of forests, forest products processing and trade.

2. “forestry activities” include one or some activities related to management, protection, development and use of forests, forest products processing and trade.

3. “forest” means an ecosystem which comprises of forest flora and fauna, fungi, microorganisms, forestland and other environmental factors in which the main component is one or some species of trees, bamboo or arecaceae whose height is determined according to the flora of the soil or rocky mountain, submerged land, sandy land or other typical flora, with inter-regional area of ​​at least 0.3 ha, and canopy cover of at least 0.1.

4. canopy cover” means the level of coverage of forest crowns in a vertical direction per unit of forest area in tenths.

5. “forest cover” means the percentage of total natural land area in a specific geographic area covered by forests.

6. “natural forest” means a forest that is available in nature or restored by natural regeneration or regeneration with additional afforestation.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



8. “sacred forest” means a forest that is associated with beliefs or customs of a forest-dependent community.

9. “forest owner” may be an organization, family household, individual or community that is allocated or leased out a forest by the State; allocated or leased out land for afforestation, forest regeneration or development; receives transfer of the forest, receives the forest as a gift or inherits the forest according to regulations of law.

10. “planted production forest ownership” means the forest owner’s right to own, use and dispose of plants, animals and other property in the forest invested by the forest owner during the allocation/lease term of afforestation.

11. “forest use rights” means the forest owner’s rights to utilize the forest and enjoy benefits and yields arising therefrom.

12. “forest value” means total value of components of a forest ecosystem and forest environment values ​​at a given time and on a specific forest area.

13. “value of forest use rights” means total monetary value of the forest use rights at a given time and on a specific forest area.

14. “endangered, precious and rare forest plant and animal species” refer to the forest plant and animal species which have special economic, scientific, medical, ecological, landscape and environmental values, and exist in such small numbers or are at risk of extinction.

15. “specimens of forest plant and animal species” refer to living or dead forest plants, animals, eggs, larvae, parts or derivatives thereof.

16. “forest product” means a product that is harvested from the forest including forest plants and animals, and other forest organisms consisting of timbers, non-timber forest products, rattan and bamboo products.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



18. “legal timber” means timber or timber products that are logged, traded or produced under regulations of Vietnam law.

19. “sustainable forest management” means a method of forest management that ensures the achievement of forest protection and development objectives without declining values ​​and enhancing the forest value, improving livelihoods, protecting the environment and contributing to maintain the national security.

20. “certificate of sustainable forest management” means a document that recognizes that a specific forest area satisfies sustainable forest management criteria.

21. “forest leased out by the State” means an act of the State deciding to transfer forest use rights to an organization, household or individual that wishes to use the forest under a forest lease agreement.

22. “hiring forest environment” means that an organization or individual negotiates with a forest owner to use the forest environment for a certain period of time under a forestland lease contract in accordance with the law.

23. “forest environment services” mean activities that provide value for the use of the forest environment.

24. “community” means a Vietnamese community living in the same village, hamlet, or residential area and having the same customs.

25. “buffer zone” means a forest area, land area or water surface area that is close to the boundary of a reserve forest and serves the prevention and reduction of negative impacts on the reserve forest.

26. “strictly protected sub-zone of the reserve forest” means an area that is fully preserved in a national park, natural reserve or species – habitat reserve.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



28. “service and administrative sub-zone of the reserve forest” means an area serving regular activities of the reserve forest management unit, research or experiment institution, area providing tourism, relaxation or entertainment services combined with construction works to manage services of the national park, natural reserve or species – habitat reserve.

29. “natural forest closure” means an act of stopping logging of timber from the natural forest for a certain period of time according to a decision issued by a competent state authority.

30. “natural forest opening” means an act of giving permission to continue logging of timber from the natural forest according to a decision issued by a competent state authority.

31.

Article 3. Rules for performing forestry activities

1. Manage forest area and quality in a sustainable manner and in harmony with targets for socio-economic development, national security, biodiversity conservation, to enhance the forest cover and forest service value and preparedness to climate change.

2. Promote private sector involvement in forestry activities; ensure the harmony between the state interests and the interests of forest owners and entities involving in forestry activities.

3. Ensure connection of chains from forest protection, development and use to forest products processing and trade to enhance the forest value.

4. Ensure openness, transparency and participation of organizations, households, individuals and communities involving in forestry activities.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 4. State's forestry policies

1. The State shall develop investment policies and mobilize private sectors to make investments in forestry activities in compliance with socio-economic development and national security policies.

2. The State shall ensure resources for management, protection and development of reserve forests and protection forests.

3. The State shall protect legitimate rights and interests of organizations, households, individuals and communities involving in forestry activities.

4. The State shall organize and assist management, protection and development of production forests; forestry varieties, forest restoration and forestation; research and application of science, high, advanced and new technologies; personnel training; provision of forest environmental services; large-sized timber forestation, conversion from small-sized timber to large-sized timber forestation; infrastructure; sustainable forest management; forest products processing and trade; international cooperation in forestry.

5. The State shall encourage combined forestry-agricultural-fishery production; organic forestry production; and planted production forest insurance.

6. The State shall allocate forest and land to ethnic minority people and communities whose income mainly comes from forests for combined forestry-agricultural-fishery production; facilitate cooperation in forest protection and development with forest owners and benefit sharing arising from forests; facilitate practice in culture and beliefs associated with forests according to the Government’ regulations.

Article 5. Forest classification

1. According to their primary use purposes, natural and planted forests shall be classified into 03 types as follows:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Protection forests;

c) Production forests.

2. Reserve forests shall be mostly used to serve conservation of natural forest ecosystems and genetic resources of forest organisms, scientific research and conservation of historical - cultural relics, beliefs, places of scenic beauty associated with ecotourism, relaxation and entertainment, except for strictly protected sub-zones of reserve forests; and provision of forest environmental services including:

a) National parks;

b) Natural reserves;

c) Species – habitat reserves;

d) Landscape protection areas, including forests used for preserving historical - cultural relics and places of scenic beauty; sacred forests; forests protecting environment of urban areas, industrial parks, export-processing zones, economic zones and high-tech zones;

dd) Forests used for scientific research and experiment purposes; national botanical gardens; national seed stands.

3. Protection forests shall be mainly used to serve protection of water resources and soil, prevention of erosion/landslides/floods, combat against desertification, disaster risk reduction, climate regulation, contribution to environmental protection and national security associated with ecotourism, relaxation and entertainment; provision of forest environmental services, and be classified according to their importance, including:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Wind/sand shielding protection forests; protection forests for tide shielding or sea encroachment prevention.

4. Production forests shall be primarily used to serve provision of forest products; combined forestry-agricultural-fishery production and trade; ecotourism, relaxation and entertainment; and provision of forest entertainment services.

5. The Government shall elaborate criteria for forest determination and classification and regulations on forest management.

6. The Minister of Agriculture and Rural Development shall elaborate criteria for determining the importance of protection forests.

Article 6. Forest boundary delimitation

1. Forests shall have boundaries delimited clearly on sites and maps with documents on forest management. The forest boundary delimitation system shall ensure consistency among subzones, plots and pieces of forests throughout the country.

2. The Minister of Agriculture and Rural Development shall elaborate this Article.

Article 7. Forest ownership

1. The State shall be the owner representative of public forests, including:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Planted forests entirely invested by the State;

c) Planted forests appropriated or given by the State, or whose forest ownership is transferred in accordance with regulations of law.

2. Organizations, households, individuals and communities shall own planted production forests, including:

a) Their own forests;

b) Forests that are received from transfer, gifting or inheritance from other owners.

Article 8. Forest owners

Forest owners include:
1. Reserve forest and protection forest management units.

2. Business entities, including enterprises, cooperatives, cooperative unions and other business entities that are established and operating in accordance with regulations of law, except for the owners stated in Clause 7 this Article.

3. Authorities that are affiliated to the People’s Armed Forces and allocated forests (hereinafter referred to as “armed force authorities”).

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. Domestic households and individuals.

6. Communities.

7. Foreign-invested enterprises that use land leased out by the State for planting production forests.

Article 9. Prohibited acts in forestry activities

1. Illegally felling, deforesting, exploiting or encroaching forests.

2. Illegally discharging sewage or bringing toxic chemicals, explosives, flammable substances, tools or vehicles into forests; grazing cattle or livestock in strictly protected sub-zones of reserve forests or newly planted forests.

3. Illegally hunting, shooting, catching, caging, slaughtering, transporting or trading in forest animals; illegally collecting specimens of forest plant or animal species.

4. Destroying forest resources, ecosystems or works used for forest protection and development.

5. Committing violations against regulations on fire safety in forests; prevention and elimination of organisms harmful to forests; management of harmful allochthonous species; provision of forest environmental services.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



7. Exploiting natural resources, mineral resources or forest environment; building, digging, damming, stopping natural flows or other activities against regulations of law that lead to change in the natural landscape structure of forest ecosystems.

8. Illegally allocating, leasing out or appropriating forests, converting types of forests, repurposing of forests; illegally exploiting or transporting forest products; illegally changing forest area, transferring, inheriting, gifting, mortgaging or contributing capital with the value of forest use rights or planted production forest ownership; discriminating against religions, beliefs or genders when allocating or leasing out forests.

9. Illegally using materials for forest products processing.

Chapter II

FORESTRY PLANNING

Article 10. Rules and bases for preparing forestry planning

1. The forestry planning shall be made in accordance with rules of law on planning and the following rules:

a) Forestry planning must be conformable with the national comprehensive planning, national land use planning, national forestry development strategy and national strategy on biodiversity;

b) Forestry planning must ensure sustainable forest management; harvest and use of forests associated with conservation of national resources, enhancement of economic value of forests and cultural - historical value; environmental safety, preparedness to climate change and improvement of people’s livelihood;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Forestry planning must ensure participation of organizations, households, individuals and communities; ensure publicity, transparency and sexual equality;

dd) Forestry contents in provincial plannings must be conformable with the national forestry planning.

2. The forestry planning shall be made in accordance with provisions of the law on planning and on the following grounds:

a) The national forestry planning shall be based on the national comprehensive planning, national land use planning and national forestry development strategy;

b) Forestry contents in provincial plannings must be based on the national forestry planning;

c) Forestry planning shall be based on natural and socio-economic conditions and national or local resources.

Article 11. Periods and contents of forestry planning

1. The period of national forestry planning shall be 10 years with a vision from 30 to 50 years.

2. Forestry planning contents shall be in compliance with regulations law on planning, including:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Assessing the implementation of previous forestry planning on forest management, protection and development; forest products processing and trade; investment in science and technology and workforce;

c) Forecasting forest products demand and market, forest environmental services, effect of climate change, scientific and technical advances and technological advances applied to forestry;

d) Studying cases and connection of industries; determining requirements for socio-economic development of forestry;

dd) Determining points of view and development goals of forestry;

e) Sustainable development orientation of reserve forests, protection forests and production forests;

g) Development orientation of forestry infrastructure;

h) Development orientation of the market, material supplying areas and processing of forest products;

i) Solutions and resources for implementing the planning.

Article 12. Preparation, comments, assessment, approval and adjustment of national forestry planning

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam shall prepare the national forestry planning;

b) Ministries, ministerial agencies and provincial People's Committees shall cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in preparing the national forestry planning.

2. Comments on the national forestry planning shall be collected as follows:

a) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall collect comments from relevant state authorities, organizations, households, individuals and communities; consolidate, select and explain comments on the national forestry planning;

b) Comments on the national forestry planning shall be collected publicly through websites and mass media; sending comments in writing; organizing conferences or workshops;

c) The time limit for collecting comments shall be 60 days from the day on which a competent state authority makes a decision on collection of comments.

3. Assessment of the national forestry planning:

a) The Prime Minister shall set up an assessment council responsible for the national forestry planning;

b) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall be the standing authority of the assessment council of the national forestry planning;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Assessment contents shall include the compliance with the national comprehensive planning, national forestry development strategy and national land use planning; actual situations, resources, demand and capability of using forests to satisfy requirements for sustainable development; socio-economic and environmental efficiency; and feasibility of the planning.

4. The Prime Minister shall approve the national forestry planning submitted by the Minister of Agriculture and Rural Development.

5. Adjustment of the national forestry planning:

a) The national forestry planning shall be adjusted if any change in the national overall planning, national land use planning or national forestry development strategy makes a big change in the forestry planning contents mentioned in Clause 2 Article 11 herein;

b) The adjustment of the national forestry planning shall be assessed and approved in accordance with the provisions of Clause 3 and Clause 4 this Article.

6. Preparation, comments, assessment, approval and adjustment of the national forestry planning shall comply with provisions stated herein and regulations of law on planning.

Article 13. Consultancy on forestry planning preparation

1. The authority in charge of preparing the forestry planning shall organize selection of qualified consultants for preparation of the forestry planning in accordance with regulations of law on bidding.

2. A consultant for preparation of the forestry planning shall have a legal status and satisfy qualification requirements suitable for its assigned tasks in accordance with regulations of the Government.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



FOREST MANAGEMENT

Section 1. FOREST ALLOCATION, LEASE, REPURPOSING OR APPROPRIATION AND CONVERSION OF FOREST TYPES

Article 14. Rules for forest allocation, lease, repurposing and appropriation

1. [3] Forest allocation, lease, repurposing and appropriation must be conformable with the national forestry planning, or provincial planning or district-level land use planning.

2. [4] Natural forests shall not be repurposed, except projects of national importance, projects serving national defense and security purposes, and other urgent projects determined according to criteria set out by the Government.

3. Forest areas that are in dispute shall not be allocated or leased out.

4. Forest owners shall not be entitled to lease out natural or planted forest area invested by the State to other organizations, households or individuals.

5. Forest and land allocation, lease, repurposing and appropriation shall ensure consistency.

6. Forest allocation or lease terms and limits shall be consistent with land allocation or lease terms and limits.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



8. Forest allocation, lease, repurposing and appropriation shall respect living space and customs of the communities; give priority to ethnic minority people, households, individuals and communities having traditional customs, culture or beliefs associated with forests and having local community rules in compliance with regulations of law.

Article 15. Grounds for forest allocation, lease and repurposing

1. [5] Plans forest allocation, lease or repurposing of District-level People’s Committees which are approved by provincial People’s Committees or annual land use plans of District-level People’s Committees which are approved by competent authorities.

2. Forest or land area planned for afforestation.

3. Demand for using forests stated in investment projects of organizations or in enquiry forms of forest allocation, lease or repurposing of households, individuals or communities.

4. Capability to manage forest sustainably by organizations, households, individuals or communities.

Article 16. Forest allocation

1. The State shall allocate levy-free reserve forests to the following entities:

a) Reserve forest management units of national parks; natural reserves; species – habitat reserves; landscape protection areas including forests used for preserving historical - cultural relics and places of scenic beauty; forests protecting environment of urban areas, industrial parks, export-processing zones, economic zones and high-tech zones; national seed stands; or national botanical gardens;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Protection forest management units, business entities, armed force authorities of landscape protection areas including forests used for preserving historical - cultural relics and places of scenic beauty; forests protecting environment of urban areas, industrial parks, export-processing zones, economic zones and high-tech zones interspersed in allocated forest area;

d) Communities having sacred forests managed and used traditionally;

dd) Domestic business entities, science and technology institutions or vocational education and training centers in forestry having national seed stands interspersed in allocated forest area.

2. The State shall allocate levy-free protection forests to the following entities:

a) Protection forest management units or armed force authorities of headwaters or bordering protection forests; wind or sand shielding protection forests; protection forests for tide shielding or sea encroachment prevention;

b) Business entities having protection forests interspersed in their production forest area;

c) Households or individuals legally residing in the districts where protection forests are located having headwaters protection forests; wind or sand shielding protection forests; protection forests for tide shielding or sea encroachment prevention;

d) Communities legally residing in the communes where protection forests are located having headwaters protection forests; wind or sand shielding protection forests; protection forests for tide shielding or sea encroachment prevention; or forests protecting their water resources.

dd) [6] Reserve forest management units in respect of protection forests interspersed in reserve forests.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Households, individuals or communities legally residing in the communes where forests are located; armed force authorities;

b) Reserve forest management units or protection forest management units of production forests interspersed in reserve forest/protection forest area allocated to them.

Article 17. Production forests for lease

The State shall lease out natural production forests or planted production forests with lump-sum or annual rent to business entities, households or individuals for forestry production; combined forestry-agricultural-fishery production; or trade in ecotourism, relaxation or entertainment.

Article 18. Conversion of forest types

1. Conversion from a forest type to another shall satisfy the following requirements:

a) The conversion is suitable for forestry planning;

b) The conversion meets criteria for forest classification;

c) The plan for conversion of forest types is available.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The Prime Minister shall decide to convert types of forests that the Prime Minister established at the request of the Ministry of Agriculture and Rural Development;

b) Chairpersons of provincial People’s Committees shall decide to convert types of forests other than those mentioned in Point a this Clause after same-level People’s Councils issue decisions to approve guidelines for conversion of forest types.

Article 19. Requirements for forest repurposing

1. [7] Forest repurposing must be conformable with the national forestry planning, or provincial planning or district-level land use planning.

2. Decisions to approve forest repurposing guidelines issued by competent authorities are available.

3. There are investment projects approved by competent authorities.

4. There are replacement afforestation plans approved by competent state authorities or payment for replacement afforestation has been fully made.

Article 20. Authority to issue decision to approve forest repurposing guidelines[8]

Provincial People’s Councils shall consider issuing decisions to approve forest repurposing guidelines, except the projects whose investment guidelines are subject to approval or decision of the National Assembly, the Prime Minister or provincial People’s Councils as prescribed in the Law on Investment, the Law on Public Investment, the Law on Public - Private Partnership Investment, and the Law on Petroleum.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. A project owner whose land is allocated or rented and repurposing the forest shall plant a replacement forest equal to the area of the repurposed forest if it is a planted forest or increasing threefold the area of the repurposed forest if it is a natural forest.

2. The project owner mentioned in Clause 1 this Article shall develop the replacement afforestation plan to request the People’s Committee of province for approval if he/she plants the forest or pay an amount to the forest protection and development fund of the province if he/she does not plant the forest.

3. The amount paid to the forest protection and development fund of the province shall be the replacement afforestation area stated in Clause 1 this Article multiplied by the unit price per ha decided by the People’s Committee of province; People’s Committee of province shall decide to use the amount paid to such fund to carry out replacement afforestation in the province.

4. If the People’s Committee of province fails to arrange area used for replacement afforestation within 12 months from the day on which the project owner make full payment to the forest protection and development fund of the province, the amount of replacement afforestation shall be transferred to the national forest protection and development fund in order to organize replacement afforestation in another province.

5. The Minister of Agriculture and Rural Development shall specify contents, procedures and time limit for implementing replacement afforestation mentioned in this Article.

Article 22. Forest appropriation

1. The State shall appropriate the forest in the following cases:

a) The forest owner uses the forest for improper purposes, does not fulfill obligations towards the State intentionally or commits serious violations against regulations of law on forestry;

b) The forest owner fails to carry out forest protection and development after 12 consecutive months from the day on which the forest is allocated or leased out, except for force majeure events confirmed by a competent state authority;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) The term of the forest allocated or leased out by the State expires without any extension;

dd) The forest is allocated or leased ultra vires or to a wrong subject;

e) The forest owner is an individual who dies without any heir;

g) Other cases of forestland appropriation prescribed in the Land Law.

2. The forest owner shall be entitled to receive compensation when the State appropriates the forest for national security purposes; socio-economic development for national and public interests; allocates or leases out the forest ultra vires or to a wrong subject.

Article 23. Power to allocate, lease out, repurpose or appropriate forests

1. Power of provincial People’s Committees:

a) [9] Allocate, lease out forests to, repurpose or appropriate forests of organizations, except the cases prescribed in point c clause 2 of this Article;

b) Lease out land to foreign-invested enterprises operating in Vietnam for planting production forests.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Allocate, lease out forests to, repurpose or appropriate forests of households and individuals;

b) Allocate forests to, repurpose or appropriate forests of communities;

c) Appropriate forests in case of forestland appropriation which falls within the jurisdiction of the District-level People’s Committees as prescribed in the Land Law.

3. If the appropriated forest area includes the subjects mentioned in Point a Clause 1 and Clause 2 this Article, provincial People’s Committees shall make decisions on forest appropriation or authorize District-level People’s Committees to make decisions thereon.

4. The Government shall elaborate forest allocation, lease, repurposing, appropriation and conversion of forest types.

Section 2. FOREST MANAGEMENT

Article 24. Rules for forestry management

1. The State shall allocate, lease out, manage and protect forests and make sure that forest area is possessed.

2. Forest owners shall manage forests sustainably; manage, protect, develop and use forests in accordance with forest management regulations.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. The Prime Minister shall decide to establish reserve forests and protection forests that are of national importance or involve multiple provinces.

2. Provincial People’s Committees shall make decisions on establishing reserve forests and protection forests in other provinces that are not mentioned in Clause 1 this Article.

3. Reserve forests and protection forests shall be established according to forest management regulations.

Article 26. Reserve forest and protection forest management

1. Reserve forest management:

a) Reserve forest management units shall be established to manage national parks, species – habitat reserves or landscape protection areas provided that area of each park/reserve/area is at least 3,000 ha.

Each province shall set up a reserve forest management unit if the province has one or some natural reserves, species – habitat reserves or landscape protection areas provided that area of each reserve/area is under 3,000 ha;

b) Organizations provided with forests used for scientific research or experiment purposes, national botanical gardens or national seed stands shall manage their own forests.

2. Protection forest management:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Other protection forests not mentioned in Point a this Clause shall be managed by business entities, households, individuals, communities or armed force authorities in provinces.

3. Reserve forests and protection forests shall be managed under forest management regulations.

Section 3. SUSTAINABLE FOREST MANAGEMENT

Article 27. Sustainable forest management plans

1. Responsibilities of developing and implementing sustainable forest management plans:

a) Sustainable forest management plans shall be developed and implemented by forest owners;

b) Forest owners that are households, individuals, communities or associated household and individuals are encouraged to develop and implement sustainable forest management plans.

2. Basic contents of the sustainable forest management plan applied to reserve forests include:

a) Assessment of natural and socio-economic conditions and national security; actual state of forest ecosystems, biodiversity, genetic resources of organisms, historical-cultural relics and landscapes;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Determining forest area in degraded functional areas to be rehabilitated and conserved;

d) Determination of forest management, protection, conservation, development and use;

dd) Solutions to and implementation of the plan.

3. Basic contents of the sustainable forest management plan applied to protection forests include:

a) Assessment of natural and socio-economic conditions and national security; actual state of forest resources;

b) Identification of sustainable forest management goal and scope;

c) Determining the protection of forests;

d) Determination of forest management, protection, development and use;

dd) Solutions to and implementation of the plan.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Assessment of natural and socio-economic conditions; actual state of forest resources; productivity and income; assessment of markets affecting operation of forest owners;

b) Identification of sustainable forest management goal and scope;

c) Determination of forest products management, protection, development, use and trade;

d) Solutions to and implementation of the plan.

5. The Minister of Agriculture and Rural Development shall elaborate contents of sustainable forest management plans and procedures for developing and adopting such plans.

Article 28. Certificates of sustainable forest management

1. Certificates of sustainable forest management shall be issued to forest owners on the voluntary principle.

2. Forest owners shall be granted certificates of domestic or international sustainable forest management when they make sustainable forest management plans and satisfy criteria for sustainable forest management.

3. Organizations responsible for assessing and granting certificates of sustainable forest management in Vietnam shall comply with regulations of Vietnam law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Section 4. OPENING AND CLOSURE OF NATURAL FORESTS

Article 29. Rules for opening and closure of natural forests

1. Ensure sustainable forest management and conserve forest resources and biodiversity.

2. Ensure public disclosure, transparency and fairness.

3. Ensure legitimate rights and interests of relevant authorities when opening or closing natural forests.

Article 30. Cases of opening and closure of natural forests

1. A natural forest shall be closed in the following cases:

a) Deforestation or illegal forest exploitation becomes complicated or has risks of declining forest resources seriously;

b) The poor natural forest needs to be restored; biodiversity and protection function of the forest degrade significantly.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Opening and closure of natural forests shall comply with forest management regulations.

Article 31. Power, procedures and publishing of decisions on opening and closing natural forests

1. The Prime Minister shall decide to open or close natural resources throughout the country or across multiple provinces/central-affiliated cities.

2. Chairpersons of Provincial People’s Committees shall decide to open or close natural forests located at their provinces after People’s Councils thereof have adopted plans for opening or closure of natural forests.

3. Decisions on opening or closing natural forests shall be publicly available.

4. Procedures for opening and closure of natural forests shall comply with forest management regulations.

Article 32. State’s responsibilities for closure of natural forests

1. The State shall provide funding for natural production forest protection and development when natural forests are closed.

2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall direct and cooperate with the Ministry of Finance in requesting the Prime Minister to consider assisting forest owners when natural forests are closed according to the Prime Minister’s decision.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Section 5. INVESTIGATION, STOCKTAKING, DEVELOPMENT INSPECTION OF FORESTS AND FOREST DATABASE

Article 33. Forest investigation

1. Contents of forest investigation:

a) Forest investigation and classification; ranking importance of protection forests;

b) Investigating and assessing forest quality and forest development potential;

c) Investigating and assessing forest loss and degradation;

d) Investigating and assessing forest biodiversity;

dd) Developing and maintaining the forest development supervision system;

e) Assessing the greenhouse gas emission reduction due to finding solutions to limit forest loss and degradation, manage forests sustainably, conserve and increase forest carbon reserves.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall implement and publish national forest investigation results every 05 years and according to each topic; direct implementation of provincial forest investigation;

b) Provincial People’s Committees shall carry out forest investigation in their provinces and publish its results.

3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall specify contents of forest investigation; methods and procedures for forest investigation.

Article 34. Forest stocktaking

1. Forest stocktaking shall be done under orders of local authorities associated with specific forest managers nationwide to determine real area, forest reserves or land whose forests have not been planned for forestry; revise database on forests and non-forested land.

2. Basic contents of forest stocktaking:

a) Consolidating and processing information about forest resources;

b) Doing stocktaking of forest area and reserves of pieces of forest;

c) Doing stocktaking of forest area and reserves of forest owners;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Making documents on management of pieces, plots or subzones of forests, forest owners and administrative authorities.

e) Publishing of forest stocktaking results.

3. Forest stocktaking shall be done every 10 years in accordance with the time for doing land stocktaking.

4. Forest owners shall do forest stocktaking and facilitate forestry authorities of provinces to carry out inspections if forest owners are organizations; or facilitate forestry authorities of districts if forest owners are households/ individuals/ communities; declare forest stocktaking figures according to specimens and take responsibility for their declaration.

5. Forestry authorities shall provide guidelines for and assist in techniques and carry out inspections and supervision of forest stocktaking; provide forest owners with funding for making forest stocktaking if they are households/ individuals/ communities.

6. The Minister of Agriculture and Rural Development shall elaborate contents of forest stocktaking; methods and procedures for making forest stocktaking.

Article 35. Inspection of forest development

1. Inspection of forest development shall be conducted every year in order to have a thorough grasp of area of types of forests or non-forested land; variation in area of forest types serving forest management, protection and development.

2. A piece of forest shall be the base unit to inspect forest development, gathered according to each forest plot or subzone of each forest owner and consolidated in communes/ districts/ provinces or nationwide.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 36. Forest database

1. Forest database is an organized set of data on forests that is developed, updated and maintained to satisfy the needs of using information serving forest management, protection and development and other managing requirements; and is a part of the forestry information system.

2. Forest database includes:

a) Data on legislative documents related to forests;

b) Data on forest management, protection, development and use; conservation of nature, endangered/rare species endangered, precious and rare forest plant and animal species, scientific research related to forests;

c) Data on forest investigation, stocktaking, development and results of greenhouse gas emission reduction related to forests;

d) Other data relevant to forests.

3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall ensure consistency of development and management of forest database across the country.

Chapter IV

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 37. Forest ecosystem protection

State authorities, organizations, households, individuals and communities directly affecting forest ecosystems or forest organism growth and development shall conform to provisions stated herein and regulations of law on environmental safety, biodiversity protection, protection and quarantine of plants and animals and other regulations of relevant law.

Article 38. Protection of forest plants and animals

1. Endangered, precious and rare forest plant and animal species shall be listed to be managed and protected.

2. The Government shall make the list and develop policies on management and protection of endangered, precious and rare forest plant and animal species; procedures for harvesting endangered, precious, rare and wild species of forest plants and animals provided in Appendices of the Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora (CITES).

3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall specify procedures for harvesting timber and non-timber forest products and forest animals, apart from the provision of Clause 2 this Article.

Article 39. Forest fire safety

1. Forest owners shall make and implement fire safety plans; follow instructions given and inspections carried out by competent state authorities.

2. In case of being permitted to build a fire in or close to forests to clear off hills or fields to prepare land for afforestation, or to build a fire before the dry season or to use flame for other purposes, persons building fires shall impose fire safety measures.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. In case of outbreak of forest fires, forest owners shall promptly put out fires and immediately report them to relevant authorities or entities; overcome fire damage and report it to competent state authorities. State authorities and relevant entities shall cooperate in extinguishing forest fires promptly.

5. In the cases where a forest fire breaks out in a vast area threatening to cause disaster that leads to an emergency, the forest fire fighting shall conform to regulations of law on emergencies.

6. Forest rangers shall take charge and cooperate with fire police in providing guidelines for forest owners to develop fire safety plans.

7. The Government shall elaborate this Article.

Article 40. Prevention and elimination of forest pests

1. Prevention and elimination of forest pests; feeding or grazing animals in forests shall abide by provisions stated herein and regulations of law on biodiversity, protection and quarantine of plants and animals.

2. Forest owners shall take measures to prevent and eliminate forest pests; immediately inform nearest plant or animal protection and quarantine authorities of any pests in the allocated/leased forest areas are found; impose bio-forestry or biological measures for prevention and elimination of forest pests.

3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall forecast epidemics; direct preventive and remedial measures for forest pests.

4. People’s Committees shall organize and direct preventive and remedial measures for forest pests in their local areas to make sure that forest pests will not spread to other areas.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Reserve forest management units and protection forest management units of the area where forest rangers are not available; state-owned enterprises, organizations not affiliated to armed forces whose forests and forestland are allocated or leased out by the State shall be entitled to organize forces responsible for protecting forests.

2. Forces responsible for protecting forests shall:

a) Carry out patrols and inspections of protecting forests and forestland that are planned for forestry;

b) Take preventive measures for fire safety;

c) Impose preventive measures for violations against regulations on forest management, protection and development; have the rights to use combat gear in accordance with regulations of law.

3. Forest owners shall directly manage and direct activities of forces responsible for protecting forests; ensure policies for forces responsible for protecting forests.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 42. Inspection of forest products origins

1. Inspection of forest products origins include inspection of forest product dossier, inspection of forest products in the course of harvesting, transporting, processing, trading, exporting, importing, transplanting and storing forest products.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Forest rangers shall take charge and cooperate with Vietnamese police and army, militias, market surveillance authorities, customs and relevant organizations and authorities in taking preventive measures, conducting inspections, detecting and taking actions against violations within their competence.

4. Vietnamese police and army, militias, market surveillance authorities, customs, judicial authorities and relevant organizations and authorities shall cooperate with forest rangers carrying out their functions, tasks and power within their competence.

5. The Minister of Agriculture and Rural Development shall specify documents on legal forest products and procedures for management of forest products origin.

Article 43. Forest protection responsibilities of the entire people

1. State authorities, organizations, households, individuals and communities shall protect forests in compliance with provisions stated herein and regulations of law on fire and environmental safety, biodiversity protection, protection and quarantine of plants and animals and other regulations of relevant law.

2. Organizations, households, individuals and communities shall promptly inform competent state authorities or forest owners of forest fires, forest pests and violations against regulations on forest management and protection; comply with personnel and vehicle mobilization of competent state authorities in case of forest fires.

Chapter V

FOREST DEVELOPMENT

Article 44. Development of varieties of forest plants

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Develop and upgrade seed stands, seed orchards, and elite orchards; only produce or trade in recognized varieties, varieties resources and materials in case of primary trees.

3. Improve genetic quality, select and reproduce new varieties with high productivity, high quality and good resistance in order to satisfy requirements for trading in forest products and adapt to climate change.

4. Conduct research and apply science and technology advances in selecting, reproducing and propagating highly productive and high quality forest plant varieties; enhance capacity of varieties management, reproduction execution and supply; raise awareness of people, authorities and organizations of forestry plant varieties.

5. The Minister of Agriculture and Rural Development shall specify the list of primary plant varieties; procedures for recognizing varieties, varieties resources and materials.

Article 45. Silvicultural measures

1. Silvicultural measures include:

a) Assisted natural regeneration or assisted natural regeneration enhanced with planting of additional trees;

b) Forest nurturing and enrichment planting;

c) Regeneration of natural forests;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The Minister of Agriculture and Rural Development shall elaborate this Article.

Article 46. Reserve forest development

1. In case of national parks, natural reserves and species - habitat reserves:

a) Maintain natural structures of forests and ensure natural development of forests in strictly protected sub-zones of reserve forests;

b) Restore natural structures of forests; impose measures for combining natural regeneration and enrichment of forests, plant native trees in ecological restoration sub-zones of reserve forests and service and administrative sub-zones of reserve forests;

c) Rescue, conserve and develop species of organisms.

2. In case of landscape protection areas:

a) Maintain available forest area;

b) Apply techniques to afforestation, assisted natural regeneration and enrichment planting to improve forest quality.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. National seed stands shall be maintained and developed according to plans adopted by competent state authorities.

5. National botanical gardens shall collect, select, store and plant native trees associated with scientific research, education and training in environment and tourism.

Article 47. Protection forest development

1. Headwaters and bordering protection forests shall be developed as concentrated forests or inter-areas; maintain and form forest structures to ensure forest protection functions.

2. In case of headwaters or bordering protection forests and forests protecting community water resources:

a) Protect and combine assisted natural regeneration and enrichment planting;

b) Plant forests on vacant land or unable to be naturally regenerated into forests; plant mixture of multiple native trees, multi-purpose trees and non-timber forestry products.

3. In case of wind or sand shielding protection forests; forests for tide shielding or sea encroachment prevention:

a) Establish forest belts in compliance with natural conditions in each area;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 48. Production forest development

1. Maintain available natural production forests; restore natural forests in area that has been harvested but fails to meet forest criteria; only reform natural forests located in area that is unable to restore.

2. Form concentrated forest areas, apply modern biotechnology and intensive forestry techniques to improve planted forest productivity and provide materials for forest products processing industry.

3. Stimulate afforestation of mixed-species or non-timber forest products; combine planting fast-growing small trees with planting long-term large trees; convert from small timber forests into large ones (if possible).

Article 49. Transplant of forest plants and breeding of forest animals

1. Organizations and individuals transplanting and reproducing forest plants and breeding forest animals that are endangered or rare, forest plants or animals on the list of the CITES Appendices or ordinary forest animals shall satisfy requirements for legal varieties and breeds, farms ensuring safety for human and livestock, environmental and epidemic safety not having adverse influence on species population conservation in natural environment.

2. The Government shall specify requirements, procedures and power to license transplanting and reproduction of forest plants and breeding of forest animals that are endangered or rare, forest plants or animals on the list of the CITES Appendices and ordinary forest animals.

Article 50. Scattered afforestation

1. Scattered tree planting means planting trees beyond forest area in order to increase green space, create landscapes, protect the environment associated with timber or wood supply and tourist services.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The State shall formulate policies on varieties supply and provide guidance on planting techniques of scattered trees.

Article 51. Infrastructure serving forest protection and development

1. Forestry route system including roads for exporting/transporting forest products, patrolling roads for forest protection; warehouses or forest products yards.

2. Works for preventing and eliminating forest pests, rescue, protection and development of forest plants and animals.

3. Forest fire safety works including fire barriers, forest guard towers, observation stations and forest fire forecasts; canals, ditches, reservoirs and dams for fire safety.

4. Forest protection stations; signs, warning signs, forest boundary markers, subzones, plots and pieces of forests.

5. Other essential infrastructure serving forest protection and development.

Chapter VI

USE OF FORESTS

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 52. Harvesting of forest products in reserve forests

1. In case of national parks, natural reserves and species - habitat reserves:

a) Not use forest products in strictly protected sub-zones of reserve forests; not carry out secondary mining of dead timber trees or broken trees in ecological restoration sub-zones of reserve forests;

b) Be entitled to secondary mining of dead timber trees, broken trees and fungi in service or administrative subzones of reserve forests;

c) Be eligible to take advantage of timbers, wood, non-timber forest plants and fungi within scope of ground clearance for building works approved by competent state authorities;

d) Have the rights to collect specimens of forest plants, animals, fungi and organism genetic resources in accordance with science and technology tasks after obtaining approval from competent state authorities.

2. In case of landscape protection forests:

a) Be eligible to take advantage of timbers, wood, non-timber forest plants and fungi in the course of implementing bio-forestry methods to conserve, renovate or restore ecosystems, landscapes, culture or history and within the scope of ground clearance for construction of works after obtaining approval from competent state authorities;

b) Have the rights to collect specimens of forest plants, animals, fungi and organism genetic resources in accordance with science and technology tasks after obtaining approval from competent state authorities;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. In case of forests used for scientific research or experimental purposes:

a) Be eligible to use forest products in accordance with science and technology tasks after getting approval from competent state authorities;

b) Be entitled to take advantage of timbers, wood, non-timber forest plants and fungi in the course of adjusting groups to forests, nurturing forests and applying other bio-forestry methods; secondary mining of timbers, wood and forest plants within scope of ground clearance for construction of works adopted by competent state authorities;

c) Have the rights to use and collect species of forest plants, animals, fungi, microorganisms, specimens of forest plants, animals and genetic resources serving scientific research and technological development.

4. In case of national botanical gardens and national seed stands:

a) Be eligible to use seedling materials;

b) Be entitled to take advantage of timbers, wood, non-timber forest plants and fungi in the course of adjusting groups to forests, nurturing forests and applying other bio-forestry methods; secondary mining of timbers, wood, forest plants and fungi within scope of ground clearance for construction of works adopted by competent state authorities; secondary mining of dead timber trees and broken trees.

5. Harvesting of forest products in reserve forests shall comply with provisions stated herein and forest management regulations.

Article 53. Scientific research, training, practice activities, ecotourism, relaxation and entertainment, planting, development and harvesting of medicinal plants in reserve forests [11]

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Forest owners shall formulate projects on ecotourism, relaxation or entertainment in reserve forests and submit them to request competent state authorities for approval.

3. Entities invested in ecotourism, relaxation or entertainment activities shall set up projects in compliance with regulations of relevant law and projects on ecotourism, relaxation or entertainment.

4. Forest owners shall organize, cooperate, associate or lease out forest environment to entities so as to trade in ecotourism, relaxation or entertainment in reserve forests provided that conservation of natural ecosystems, biodiversity, environmental landscapes and other functions of forests are not affected.

5. [12] Building of works serving eco-tourism, relaxation and entertainment is permitted. Procedures for developing, assessing and approving ecotourism, relaxation and entertainment schemes and managing construction of works serving ecotourism, relaxation or entertainment in reserve forests shall comply with forest management regulations and other regulations of relevant law.

6. [13] Planting, development and harvesting of medicinal plants in reserve forests are prescribed as follows:

a) Forest owners shall develop their own plans for planting, development and harvesting of medicinal plants in reserve forests and submit them to competent authorities for approval;

b) Forest owners shall self-organize, cooperate, associate or lease out forest environment to organizations and individuals to plant, develop and harvest medicinal plants or to organize scientific research activities;

c) The planting, development and harvesting of medicinal plants in reserve forests shall comply with forest management regulations and other relevant laws.

Article 54. Life stabilization for people residing in reserve forests and buffer zones of reserve forests

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Reserve forest management units shall assign forest protection and development to local households, individuals or communities. According to particular conditions, reserve forest management units shall cooperate with local authorities in planning migration or relocation projects to request competent state authorities for approval.

3. Reserve forest management units having ecological restoration sub-zones of reserve forests shall assign, cooperate or associate with local households, individuals or communities in protecting and developing forests.

4. In the cases where residential land or production land of households, individuals or communities alternate in reserve forests are not included in reserve forestry planning, households, individuals or communities shall be entitled to continue using in accordance with land use planning adopted by competent state authorities and sustainable forest management plans of forest owners.

5. Reserve forest management units shall develop buffer zone programs or projects; run buffer zone programs or projects with participation of local communities; cooperate with local authorities in reviewing and making management plans for residential land or production land alternate in reserve forests and send them to competent state authorities for approval.

6. Local organizations, households, individuals, communities or organizations operating in buffer zones shall be eligible to supervise, implement and cooperate in managing buffer zone programs or projects.

7. Life stabilization of people residing in reserve forests and buffer zones of reserve forests shall be implemented according to forest management regulations.

Section 2. USE OF PROTECTION FORESTS

Article 55. Harvesting of forest products in protection forests

1. With regard to protection forests which are natural forests, logging of dead timber trees, broken trees, diseased trees or standing trees in places where forest density is higher than prescribed density shall be allowed.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Bamboos, bamboo shoots and fungi in protection forests shall be harvested when protection requirements are fulfilled;

b) Other non-timer forest products may be harvested provided that such harvesting shall cause no adverse impacts on the protection capacity of the forest.

3. With regard to protection forests which are planted forests:

a) Logging of supportive trees, trimming or pruning shall be allowed if the planted forest has a density higher than the prescribed one;

b) Logging of primary trees shall be allowed when they meet standards for selective logging or clearcut logging in given forest strips or forest areas;

c) After logging or harvesting, forest owners shall regenerate or replant forests in the next season and continue to manage and protect them.

4. Harvesting of forest products in protection forests shall comply with provisions stated herein and forest management regulations.

Article 56. Scientific research, training, practice activities, ecotourism, relaxation and entertainment, planting, development and harvesting of medicinal plants in protection forests [14]

1. Scientific research, training, practice activities in protection forests shall conform to forest management regulations and other regulations of relevant law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Entities invested in ecotourism, relaxation or entertainment activities shall set up projects in compliance with regulations of relevant law and projects on ecotourism, relaxation or entertainment.

4. Forest owners shall self-organize, cooperate, associate or lease out forest environment to entities so as to trade in ecotourism, relaxation or entertainment in protection forests provided that conservation of natural ecosystems, biodiversity, environmental landscapes and other functions of forests are not affected.

5. [15] Building of works serving eco-tourism, relaxation and entertainment is permitted. Procedures for developing, assessing and approving ecotourism, relaxation and entertainment schemes and managing construction of works serving ecotourism, relaxation or entertainment in protection forests shall comply with forest management regulations and other regulations of relevant law.

6. [16] Planting and development of medicinal plants in protection forests are prescribed as follows:

a) Forest owners shall develop their own plans for planting and development of medicinal plants in protection forests and submit them to competent authorities for approval;

b) Forest owners shall self-organize, cooperate, associate or lease out forest environment to organizations and individuals to plant, develop medicinal plants or to organize scientific research activities;

c) The planting and development of medicinal plants in protection forests shall comply with forest management regulations and other relevant laws.

Article 57. Combined forestry-agricultural-fishery production in protection forests

1. It is allowed to plant alternately agricultural plants and non-timber forest products; raise and plant aquatic products under forest canopies provided that capability of forest protection is not affected.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Combined forestry-agricultural-fishery production in protection forests shall comply with forest management regulations and other regulations of relevant law.

Section 3. USE OF PRODUCTION FORESTS

Article 58. Harvesting of forest products in production forests which are natural forests

1. Conditions for harvesting of forest products in production forests which are natural forests:

a) Forest owners that are organizations shall prepare sustainable forest management plans adopted by competent state authorities;

b) Forest owners that are households, individuals or communities carrying out logging of timber have requests for logging approved by District-level People’s Committees.

2. Harvesting of forest products in protection forests which are natural forests shall comply with provisions stated herein and forest management regulations.

Article 59. Harvesting of forest products in production forests which are planted forests

1. Forest owners shall decide to carry out logging of their own planted forests.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Harvesting of forest products in protection forests which are planted forests shall comply with provisions stated herein and forest management regulations.

Article 60. Combined forestry-agricultural-fishery production, scientific research, training, practice activities, trade in ecotourism, relaxation and entertainment in protection forests

1. It is allowed to plant alternately agricultural plants and non-timber forest products; raise and plant aquatic products under forest canopies provided that capability of forest protection is not affected.

2. It is allowed to use non-forested land for combined agricultural-forestry production provided that the land is not degraded, polluted or repurposed.

3. It is permitted to combine trading in ecotourism, relaxation and entertainment with scientific research, training and practice activities.

4. [17] It is permitted to self-organize, cooperate, enter into joint ventures, associate or lease forests or forest environments to organizations and individuals in compliance with the forest owners’ rights to trade in ecotourism, relaxation or entertainment or plant medicinal plants or organize scientific research activities, provided that it does not affect the land use purpose according to the Land Law.

5. Building of works serving eco-tourism, relaxation and entertainment is permitted.

6. The activities mentioned in this Article shall conform to forest management regulations and other regulations of relevant law.

Section 4. FOREST ENVIRONMENTAL SERVICES

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Land protection, erosion and sedimentation limit of lakebeds, river beds and stream beds.

2. Regulating and maintaining water resources for production and social life.

3. Absorbing and storing carbon of forests; reducing greenhouse gas emission by limiting forest loss and degradation; sustainable forest management and green growth.

4. Protecting and maintaining natural landscape beauty, conserving biodiversity of forest ecosystems for trading in tourism services.

5. Providing spawning grounds, food sources, natural breeding stock, water resources from forests and environmental elements and forest ecosystems for aquaculture.

Article 62. Rules for payment for forest environmental services

1. Forest environmental services shall be paid when the criteria mentioned in Clause 3 Article 2 herein are satisfied and one or some of the forest environmental services stated in Article 61 herein are provided.

2. Users of forest environmental services shall pay relevant charges to their forest environmental service providers.

3. Charges for forest environmental safety services shall be paid directly or indirectly.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. Forest environmental services shall ensure publicity, democracy, objectivity and equality; compliance with Vietnam law and international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Article 63. Payers, receivers, methods of payment and management of forest environmental service fees

1. Payments for forest environmental services shall be made to the following entities:

a) The forest owners mentioned in Article 8 of this Law;

b) Organizations, households, individuals and communities that have been hired to protect and develop forests under agreements concluded with forest owners that are organizations established by the State;

c) People’s Committees of communes and other organizations that the State assigns to manage forests.

2. The following entities are required to make payments for forest environmental services:

a) Hydroelectric producers that have to pay service charges for land protection, erosion or sedimentation limit of lakebeds/river beds/stream beds, regulating and maintaining water resources used for hydroelectric production;

b) Clean water suppliers that have to pay service charges for regulating and maintaining water resources used for clean water production;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Entities trading in ecotourism, relaxation or entertainment services that have to pay services charges for protecting and maintaining natural landscape beauty and conserving biodiversity of forest ecosystems;

dd) Producers or traders causing massive green gas emission that have to pay service charges for absorbing and storing carbon in forests;

e) Producers of aquatic products that have to pay service charges for providing spawning grounds, food sources, natural breeding stock, water resources, environmental elements and forest ecosystems for aquaculture;

g) Other payers prescribed in regulations of law.

3. Methods of payment for forest environmental services:

a) Users of forest environmental services shall make payments directly to the service providers.

b) The user of forest environmental services shall make payment to the provider by transferring the payment amount to the forest protection and development fund;

c) The State encourages making directly payment in all cases if both the provider and the user of forest environmental services reach an agreement on the basis of the payment amount regulated by the Government.

4. Management and use of forest environmental service fees:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Identify the payment amount of forest environmental services;

c) Determine entities obliged to make payments for forest environmental services;

d) Determine the methods of payment for forest environmental services;

dd) Make plans on revenues and expenses related to forest environmental services;

e) Determine the cases where forest environmental service fees are reduced or exempted;

g) Make payment for forest environmental services;

h) Inspect and supervise management and use of forest environmental service fees.

5. The Government shall elaborate payers, receivers, methods of payment, forest environmental service fees, adjustment, reduction and exemption of forest environmental service fees; management and use of revenue earned from forest environmental services.

Article 64. Rights and obligations of users of forest environmental services

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Receive notification of implementation and results of forest protection and development within the forest area where forest environmental services are provided; notification of area, quality and status of the forest at the place where forest environmental services are provided;

b) Receive notification of results of payment for forest environmental services from the forest protection and development fund transferred to the provider;

c) Participate in the process of making plans, organize implementation, carry out inspection, supervision and commissioning of forest protection and development results within the forest area where forest environmental services are provided;

d) Request a competent state authority to consider adjusting charges for forest environmental services if the provider fails to ensure the agreed forest area or degrade the forest quality or status that the user has made payment for.

2. The user of forest environmental services shall have the following obligations:

a) Conclude the agreement and declare the payable amount of forest environmental services transferred to the forest protection and development fund;

b) Make payment for forest environmental services in full and on schedule according to the agreement to the forest owner in case of direct payment or to the forest protection and development fund in case of indirect payment.

Article 65. Rights and obligations of providers of forest environmental services

1. The provider of forest environmental services shall have the following rights:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Receive information about the value of forest environmental services;

c) Take part in developing plans and preparing documents serving making of payment, inspect the payment process carried out by the state authority and the forest protection and development fund.

2. The provider of forest environmental services shall have the following obligations:

a) The provider shall make sure that the area where forest environmental services are provided is protected and developed under planning and management plans for each type of forests adopted by a competent state authority;

b) The provider that is an organization/household/individual/community and has been hired to protect and develop the forest shall make sure that the area used for providing forest environmental services is protected and developed under the agreement concluded with the forest owner;

c) The provider that is an organization established by the State shall manage and use the amount received in compliance with regulations of law.

Chapter VII

FOREST PRODUCT PROCESSING AND TRADE

Section 1. FOREST PRODUCT PROCESSING

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Policies on development of forest product processing include:

a) Assisting enterprises in entering into cooperation, joint venture or association with forest owners to produce materials, managing forests sustainably, consuming products, applying science and high, advanced and new technologies, and solutions for green growth and increase in value added;

b) Giving priority to supporting industry development in forest product processing;

c) Assisting provision of personnel training in forest products processing.

2. The policies on development of forest product processing mentioned in Clause 1 this Article shall be carried out in accordance with the Government's regulations.

Article 67. Processing of specimens of forest plant and animal species

1. Processors of specimens of forest plant and animal species shall comply with provisions of this Law; regulations of law on investment, enterprises, environmental protection, protection and quarantine of plants and animals, goods quality, food safety and conform to regulations of the CITES.

2. Processing of specimens of endangered, precious, rare and wild species of forest plants and animals provided in the CITES Appendices shall satisfy the following requirements:

a) Specimens legally derive from nurseries or farms;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Specimens are confiscated under regulations of law.

3. Processing of specimens of other forest plant and animal species shall ensure legal origin.

Article 68. Rights and obligations of forest product processors

1. A processor of forest products shall have the following rights:

a) Produce forest products that are not banned by the State;

b) Have legitimate rights and interests guaranteed by the State; be assisted in production and processing lines; implement the policies stated in Article 66 herein and regulations of law on investment and enterprises in rural areas, especially remote and isolated areas.

2. A processor of forest products shall have the following obligations:

a) Comply with regulations of law on investment, enterprises, environmental protection, labor, finance; regulations on legal forest product dossier and inspect origins of forest products;

b) Process specimens of forest plant and animal species in compliance with the provision of Article 67 herein;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 69. Vietnam's timber legality assurance system

1. The State shall develop and operate Vietnam’s timber legality assurance system; issue regulations on criteria, power, procedures for classification of enterprises in charge of logging, transporting, consuming, processing and exporting timber or timber products.

2. The Government shall elaborate this Article.

Section 2. TRADE IN FOREST PRODUCTS

Article 70. Policies on development of forest product market

1. Policies on development of forest product market include:

a) Entities cooperating, associating, purchasing or consuming forest products shall be provided with credit incentives;

b) The State shall assist development of brands, trade promotion, market development and provision of information about domestic and global markets.

2. The policies on development of forest product market mentioned in Clause 1 this Article shall be carried out in accordance with the Government's regulations.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. A forest product trader shall have the following rights:

a) Trade in forest products that are not banned by the State;

b) Have legitimate rights and interests guaranteed by the State; be assisted in entering cooperation or linkages for forest product trading; implement the policies stated in Article 70 herein and regulations of law on investment and enterprises in rural areas, especially remote and isolated areas.

2. A forest product trader shall have the following obligations:

a) Comply with regulations of law on investment, enterprises, environmental protection, labor, finance; regulations on legal forest product dossier and inspect origins of forest products;

c) Facilitate management and inspection carried out by a competent state authority in the business process.

Article 72. Management of trading in forest products and specimens of forest plant and animal species

1. Management of trading in forest products:

a) Market forecast and development orientation of forest product processing in each period;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Issuance of licenses for or certificates of eligible exported/imported forest products that is suitable for international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory;

d) Export, import, temporary import, temporary export or transit of specimens of forest plant and animal species for commercial purposes shall comply with regulations of Vietnam law and the CITES;

dd) Domestic trade in forest products shall conform to regulations on legal forest product dossier and inspection of origins thereof;

e) The Government shall elaborate this clause.

2. Trading in specimens of forest plant and animal species:

a) Trade in specimens of endangered/rare/wild species of forest plants and animals provided in the CITES Appendices shall ensure origins and management of from use, transplant, nurture to processing and consumption;

b) Specimens of species stated in Point a this Clause shall be marked to identify legal origins in accordance with characteristics and categories of each specimen and ensure anti-falsification;

c) The Minister of Agriculture and Rural Development shall specify procedures and documents on detecting origins and marking the specimens of species mentioned in Points a and b this Clause.

Chapter VIII

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Section 1. GENERAL RIGHTS AND OBLIGATIONS OF FOREST OWNERS

Article 73. General rights of forest owners

A forest owner shall have the following rights:
1. Have forest use rights or planted production forest ownership recognized by a competent state authority.

2. Enjoy increase in forest products from their investments in natural or planted reserve and protection forests.

3. Use the forest during the forest allocation/lease term and forestland allocation/lease term in accordance with provisions stated herein and regulations of law on land.

4. Receive forest environmental services and enjoy benefits arising therefrom.

5. Receive guidance on techniques and other assistance to protect and develop the forest, conserve forest biodiversity; enjoy benefits arising from construction works serving forest protection and development invested by the State.

6. Receive the State’s compensation for the values of forests and assets that they have legally invested in or developed from the day on which the decision on forest appropriation is given.

7. Have funding provided by the State if their production forest is damaged due to natural disaster events.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



9. Have other legitimate rights and interests.

Article 74. General obligations of forest owners

A forest owner shall fulfill the following obligations:

1. Manage, protect, develop and use the forest sustainably in compliance with forest management regulations, provisions stated herein and other regulations of relevant law.

2. Comply with regulations on inspection of forest development.

3. Return the forest that the State appropriates according to provisions stated herein.

4. Conserve forest biodiversity, forest plants and animals.

5. Ensure forest fire safety; prevent and eliminate forest pests.

6. Facilitate management, inspection or actions against violations carried out by a competent state authority.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Section 2. RIGHTS AND OBLIGATIONS OF FOREST OWNERS THAT ARE RESERVE/PROTECTION FOREST MANAGEMENT UNITS

Article 75. Rights and obligations of reserve forest management units

1. A reserve forest management unit shall have the following rights:

a) The rights mentioned in Article 73 herein;

b) Enjoy the investment policies on reserve forest protection and development mentioned in Article 94 herein;

c) Harvest forest products in the reserve forest stated in Article 52, natural production forest stated in Article 58 or planted production forest stated in Article 59 herein;

d) Lease out the forest environment; cooperate in or associate with trade in ecotourism, relaxation or entertainment, except for strictly protected sub-zones of the reserve forest according to the sustainable forest management plan adopted by the competent state authority;

dd) Carry out activities related to science and technology, provide training, practice activities and international cooperation.

2. A reserve forest management unit shall have the following obligations:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Prepare and submit sustainable forest management plans to a competent state authority for approval and implement approved plans;

c) Assist the community in the buffer zone in people’s living improvement and socio-economic development mentioned in Article 54 herein;

d) Assign forest protection and development to local households, individuals or communities through an agreement according to the Government's regulations.

Article 76. Rights and obligations of protection forest management units

1. A protection forest management unit shall have the following rights:

a) The rights mentioned in Article 73 and Point dd Clause 1 Article 75 herein;

b) Lease out the forest environment; cooperate in or associate with trade in ecotourism, relaxation or entertainment according to the sustainable forest management plan adopted by the competent state authority;

c) Enjoy the investment policies on protection and development of protection/reserve forests mentioned in Article 94 herein;

d) Harvest forest products in the reserve forest that is the landscape protection area stated in Article 52, protection forest stated in Article 55, natural production forest stated in Article 58 or planted production forest stated in Article 59 herein;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The obligations mentioned in Article 74 herein;

b) Prepare and submit sustainable forest management plans to a competent state authority for approval and implement approved plans;

c) Assign forest protection and development to local households, individuals or communities through an agreement according to the Government's regulations.

Section 3. GENERAL RIGHTS AND OBLIGATIONS OF FOREST OWNERS THAT ARE BUSINESS ENTITIES

Article 77. Rights and obligations of business entities that are allocated national seed stands interspersed in allocated forest areas by the State

1. A business entity that is allocated national seed stands interspersed in allocated forest areas by the State shall have the following rights:

a) The rights mentioned in Article 73 herein;

b) Have funding provided by the State in order to maintain and develop the seed stands according to plans adopted by a competent state authority;

c) Harvest forest products from national seed stands as prescribed in Article 52 herein;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. A business entity that is allocated national seed stands interspersed in allocated forest areas by the State shall have the following obligations:

a) The obligations mentioned in Article 74 herein;

b) Develop and implement plans for maintaining and developing seed stands adopted by a competent state authority.

Article 78. Rights and obligations of business entities that are allocated protection forests or reserve forests which are landscape protection areas by the State

1. A business entity that is allocated protection forest or reserve forest which is a landscape protection area by the State shall have the following rights:

a) The rights mentioned in Article 73 herein;

b) Enjoy the investment policies on protection and development of protection forests and reserve forests mentioned in Article 94 herein;

c) Harvest forest products in the reserve forest that is the landscape protection area stated in Article 52 or in protection forest stated in Article 55 herein;

d) Lease out the forest environment; cooperate in or associate with investment in ecotourism, relaxation or entertainment; combined forestry-agricultural-fishery production according to sustainable forest management plans adopted by the competent state authority.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The obligations mentioned in Article 74 herein;

b) Prepare and submit sustainable forest management plans to a competent state authority for approval and implement approved plans;

c) Assign forest protection and development to local households, individuals or communities through an agreement according to the Government's regulations.

Article 79. Rights and obligations of business entities that lease production forests from the State

1. A business entity that uses production forest leased out by the State shall have the following rights:

a) The rights mentioned in Article 73 herein;

b) Enjoy benefits arising from the forest in compliance with the forest lease agreement;

c) Own plants, livestock and other property in the forestry;

d) Harvest forest products in the natural production forest stated in Article 58 or planted production forest stated in Article 59 herein.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The obligations mentioned in Article 74 herein;

b) Prepare and submit sustainable forest management plans to a competent state authority for approval and implement approved plans.

Article 80. Rights and obligations of business entities that use land allocated or leased by the State for afforestation

1. A business entity that uses land allocated by the State to plant a protection forest using funding from state budget shall have the following rights and obligations:

a) Exercise the rights and fulfill the obligations mentioned in Articles 73 and 74 herein;

b) Organize afforestation according to the cost estimate approved by the authority in charge of allocating funding;

c) Harvest forest products in the protection forest stated in Article 55 herein and enjoy benefits arising from the forest according to policies of the State.

2. A business entity that uses land allocated by the State to plant a protection forest using its own funding shall have the following rights and obligations:

a) Exercise the rights and fulfill the obligations mentioned in Articles 73 and 74 herein;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Harvest forest products from the protection forest as prescribed in Article 55 herein;

3. A business entity that uses land leased by the State to plant a protection forest using its own funding shall have the following rights and obligations:

a) Exercise the rights and fulfill the obligations mentioned in Articles 73 and 74 herein;

b) Own plants, livestock and other property on forestland;

c) Harvest forest products from the planted protection forest as prescribed in Article 59 herein;

d) Transfer or lease out the planted production forest; put up the forest as collateral or contribute capital by the value of the planted production forest.

Section 4. RIGHTS AND OBLIGATIONS OF FOREST OWNERS THAT ARE HOUSEHOLDS, INDIVIDUALS OR COMMUNITIES

Article 81. Rights and obligations of households and individuals having protection forests allocated by the State

1. A household or individual that has protection forest allocated by the State shall have the following rights:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Have funding for forest protection and development provided by the State;

c) Harvest forest products in the protection forest stated in Article 55 herein and enjoy benefits arising from the forest according to policies of the State;

d) Transfer allocated forest area to another household or individual in the same commune/ward/town; or transfer forest use rights to an heir if the forest owner is an individual.

2. A household or individual that has protection forest allocated by the State shall fulfill the obligations mentioned in Article 74 herein.

Article 82. Rights and obligations of households and individuals having production forests allocated by the State

1. A household or individual that has production forest allocated by the State shall have the following rights:

a) The rights mentioned in Article 73 herein;

b) Harvest forest products in the natural production forest stated in Article 58 herein and enjoy benefits arising from the forest according to policies of the State;

c) Harvest forest products in the planted production forest stated in Article 59 herein; enjoy benefits arising from the forest according to policies of the State; own plants, livestock and other property on the planted forest invested by the household/individual;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. A household or individual that has production forest allocated by the State shall fulfill the obligations mentioned in Article 74 herein.

Article 83. Rights and obligations of households and individuals having production forests leased by the State

1. A household or individual that has production forest leased by the State shall have the following rights:

a) The rights mentioned in Article 73 herein;

b) Enjoy benefits arising from the forest according to the forest lease agreement; own plants, livestock and other property on the planted forest invested by the household/individual;

c) Harvest forest products in the natural production forest stated in Article 58 or planted production forest stated in Article 59 herein;

d) Transfer forest use rights to his/her heir if the forest owner is an individual.

2. A household or individual that has production forest leased by the State shall fulfill the obligations mentioned in Article 74 herein.

Article 84. Rights and obligations of households and individuals that use land allocated by the State for planting production forests and protection forests

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The rights mentioned in Article 73 herein;

b) Own plants, livestock and other property on production forestland invested by the household/individual;

c) Own alternate plants, livestock and other property on protection forestland invested by the household/individual;

d) Harvest forest products in the protection forest stated in Article 55 or planted production forest stated in Article 59 herein;

dd) Enjoy benefits arising from the forest which is planted using funding from state budget;

e) Transfer, gift or lease out the planted production forest; put up the forest as a collateral or contribute capital by the value of the planted production forest;

g) Transfer the planted production forest ownership or forest use rights to his/her heir if the forest owner is an individual.

2. A household or individual that use land allocated by the State for planting production/protection forest shall fulfill the obligations mentioned in Article 74 herein.

Article 85. Rights and obligations of households and individuals that use land leased by the State for planting production forests

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The rights mentioned in Article 73 herein;

b) Own plants, livestock and other property on forestland; harvest forest products in the planted production forest stated in Article 59 herein;

c) Transfer, gift or lease out the planted production forest; put up the forest as collateral or contribute capital by the value of the planted production forest during the land lease term; transfer the forest ownership to his/her heir if the forest owner is an individual.

2. A household or individual that uses land leased by the State for planting production forests shall fulfill the obligations mentioned in Article 74 herein.

Article 86. Rights and obligations of communities having sacred forests, protection forests or production forests allocated by the State

1. A community having sacred forest, protection forest or production forest allocated by the State shall have the following rights:

a) The rights mentioned in Article 73 herein;

b) Have funding for reserve and protection forest protection and development provided by the State;

c) Receive instructions on combined forestry-agricultural-fishery production, cultivation under the forest canopy or grazing cattle in accordance with forest management regulations; receive assistance in forest economic development or forest restoration by planting native trees;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. A community having sacred forest, protection forest or production forest allocated by the State shall have the following obligations:

a) The obligations mentioned in Article 74 herein;

b) Complete and comply with local community rules for forest protection and development in conformity with provisions stated herein and other regulations of relevant law;

c) Maintain allocated forest area;

d) Not divide the forest to any member in the community;

dd) Not transfer, gift or lease out forest use rights; put up the forest as collateral or contribute capital by the value of forest use rights.

Section 5. RIGHTS AND OBLIGATIONS OF FOREST OWNERS THAT ARE ARMED FORCE AUTHORITIES; SCIENCE AND TECHNOLOGY INSTITUTIONS, VOCATIONAL EDUCATION AND TRAINING CENTERS; FOREIGN-INVESTED ENTERPRISES

Article 87. Rights and obligations of armed force authorities that have reserve forests which are landscape protection areas, protection forests or production forests allocated by the State

1. An armed force authority that has reserve forest which is a landscape protection area, protection forest or production forest allocated by the State shall have the following rights:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Have funding for reserve and protection forest protection and development provided by the State;

c) Harvest forest products in the reserve forest that is the landscape protection area stated in Article 52, protection forest stated in Article 55, natural production forest stated in Article 58 or planted production forest stated in Article 59 herein;

2. An armed force authority that has reserve forest which is a landscape protection area, protection forest or production forest allocated by the State shall have the following obligations:

a) The obligations mentioned in Article 74 herein;

b) Maintain allocated forest area;

c) Not transfer, gift or lease out forest use rights; put up the forest as collateral or contribute capital by the value of forest use rights.

Article 88. Rights and obligations of science and technology institutions, vocational education and training centers specializing in forestry that have forests for scientific research or experiment purposes; national botanical gardens; national seed stands allocated by the State

1. Science and technology institutions, vocational education and training centers specializing in forestry that have forests for scientific research or experiment purposes; national botanical gardens; national seed stands allocated by the State shall have the following rights:

a) The rights mentioned in Article 73 herein;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Cooperate and associate with domestic and international organizations and individuals in performing scientific and technological tasks;

d) Sell the planted forest, seedlings and other forest products in accordance with forest management regulations.

2. Science and technology institutions, vocational education and training centers specializing in forestry that have forests for scientific research or experiment purposes; national botanical gardens; national seed stands allocated by the State shall have the following obligations:

a) The obligations mentioned in Article 74 herein;

b) Not transfer, gift or lease out forest use rights; put up the forest as collateral or contribute capital by the value of forest use rights;

c) Perform scientific and technological tasks; provide vocational education and training in forestry.

Article 89. Rights and obligations of foreign-invested enterprises that use land leased out by the State for planting production forests

1. A foreign-invested enterprise that uses land leased out by the State for planting production forests shall have the following rights:

a) The rights mentioned in Article 73 herein;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Harvest forest products from the planted protection forest as prescribed in Article 59 herein.

2. A foreign-invested enterprise that uses land leased out by the State for planting production forests shall fulfill the obligations stated in Article 74 herein.

Chapter IX

FOREST VALUATION, INVESTMENT AND FINANCIAL RESOURCES IN FORESTRY

Section 1. FOREST VALUATION

Article 90. Forest valuation

1. Forest valuation includes activities related to determination of the total economic value of the forest.

2. Rules for forest valuation:

a) Forest valuation shall be suitable for the value of forest products and value of forest environmental services provided on the market at the time of valuation;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Forest valuation shall be carried out in an open, transparent, objective and logical manner.

3. [18] The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide regulations on methods of forest valuation; and guidelines on price brackets of production forests, protection forests and reserve forests under entire-people’s ownership.

4. [19] Each provincial People’s Committee shall set the price bracket for the forests in their responsible province.

Article 91. Forest valuation cases

1. The State allocates forests, organizes auctions of forest use rights or forests for lease; calculates the forest value when making payment for forest environmental services.

2. The State appropriates or liquidates forests; determines the value of stake; carries out equitization of state-owned enterprises or state divestment.

3. Compensation must be determined when there are violations causing damage to forests; damage caused by natural disasters, forest fires and other damage to forests; the value of forests serving settlement of forest-related disputes is identified.

4. Tax, fees and charges related to forests are determined.

5. Forest valuation is carried out in other cases at the request of competent state authorities.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 92. Financial resources in forestry

Financial resources in forestry may derive from:
1. State budget.

2. Investment, contribution, assistance or sponsorship by domestic and international entities.

3. Profit earned from harvesting of forest products; forest or forestland for lease.

4. Profit earned from payment for replacement afforestation when forests are repurposed.

5. Profit earned from provision and lease of forest environmental services.

6. Credit capital by domestic and international credit institutions.

7. Other financial resources prescribed in regulations of law.

Article 93. Forestry activities funded by state budget

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Preparation, implementation, audit, final statement and supervision of state budget-derived funding used for performing forestry activities shall comply with regulations of law on state budget.

Article 94. Investment policies on forest protection and development

1. The State shall carry out investment policies on:

a) Protection and development of reserve forests and protection forests;

b) Protecting and rescuing endangered, precious and rare forest plant and animal species;

c) Research and application of scientific research results, technology development and provision of training for personnel responsible for state management of forestry;

d) Construction of research and development zones and high-tech zones;

dd) Vehicles and equipment used for forest protection; monitoring and warning threat of forest fires; development of forest fire safety works; prevention and elimination of forest pests;

e) Construction, upgrading and renovation of infrastructure serving protection and development of reserve forests and protection forests.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Transfer of high, advanced and new technologies, forestry encouragement and issuance of certificates of sustainable forest management;

b) Development of infrastructure facilities associated with investment in development and trade in production forests under value chains;

c) Cooperation in and association with forest protection and development of ethnic minority groups and communities associated with programs of socio-economic development and new rural area development;

d) Provision of training and refresher training courses for personnel of forest owners;

dd) Promotion of investment, development of markets and trade in forest activities; enhancing international cooperation in forestry.

3. The State shall implement investment incentive policies on:

a) Development of production forests on vacant land or mountains;

b) Planting of large-sized trees and conversion from planting small-sized trees into large-sized trees; non-timber forest products development;

c) Restoration of natural forests;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The Government shall elaborate this Article.

Article 95. Forest protection and development funds

1. Forest protection and development fund is a non-state budget fund that is organized and operating in the form of a public service provider and established by a competent state authority.

2. Operating rules of the forest protection and development fund:

a) Non-profit operation;

b) Assisting in programs, projects or non-profit activities related to forest protection and development that the state budget has not invested in or satisfied investment requirements only;

c) Ensuring openness, transparency and effectiveness; management and use of the fund for proper purposes and in accordance with regulations of law.

3. The forest protection and development fund shall be organized as follows:

a) Vietnam Forest Protection and Development Fund is established by the Minister of Agriculture and Rural Development and considered a central-level authority;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Financial resources for establishing forest protection and development funds:

a) Sponsorship, voluntary contribution, authorized capital by domestic and international entities;

b) Payment for forest environmental services;

c) Profit earned from replacement afforestation when forests are repurposed;

d) Other legal non-state budget financial resources.

5. Every year, the Minister of Agriculture and Rural Development shall report the Prime Minister on management and use of Vietnam Forest Protection and Development Fund; Chairpersons of Provincial People’s Committees shall report the Minister of Agriculture and Rural Development on management and use of provincial forest protection and development funds.

6. The Government shall specify tasks, organizational structures, financial resources, mechanisms for management and use financial resources of forest protection and development funds.

Chapter X

SCIENCE AND TECHNOLOGY AND INTERNATIONAL COOPERATION IN FORESTRY

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. High, advanced and new technologies shall be applied to the following activities:

a) Investigation, stocktaking and monitoring of forest development;

b) Forest fire safety; prevention and elimination of forest pests.

c) Selection, transplant or propagation of trees and non-timber forest products;

d) Intensive forest planting for providing large-sized timbers, native tree planting, multi-species plantation; modernization of procedures for planting, nurturing and harvesting of forests;

dd) Forest regeneration and improvement of poor quality natural forests;

e) Harvesting, transport, processing and storage of forest products;

g) Supporting industries in forest product processing.

2. Research on forest ecosystems and value of forest environmental services.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Research on reforming models of forestry production in accordance with the value chain and associated with sustainable forest management; sustainably combined forestry-agricultural-fishery models.

5. Transfer of technology and research results in forestry to forestry production, trade and management.

6. Developing and completing national standards and technical regulations on forestry.

Article 97. Policies for science and technology in forestry

1. The State shall provide priority mechanisms and policies for scientific research and technology development in compliance with growth and development cycles of forests and application of science and technology advances to forestry.

2. The State shall give priority to science and technology activities mentioned in Points a, b, c and dd Clause 1, Clauses 2, 3 and 6 Article 96 herein.

3. The State shall encourage and facilitate implementation of science and technology activities mentioned in Points d, e and g Clause 1, Clauses 4 and 5 Article 96 herein.

Article 98. International cooperation in forestry

1. The Socialist Republic of Vietnam shall enter into international cooperation in forestry with countries, territories and international organization on the basis of equality, mutual benefits, respect for independence, sovereignty and law of each party and international law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 99. Policies for international cooperation in forestry

1. It is recommended to cooperate with countries, territories, foreign organizations and individuals in assisting targets of sustainable forest development, commitments to environmental safety, preparedness to climate change and other international commitments to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

2. Domestic organizations and individuals are encouraged to cooperate with international ones in forest protection and development, forest product processing and trade, enhancing capacity and efficiency of state management of forestry in conformity with regulations of Vietnam law and international law.

3. Foreign organizations and individuals and overseas Vietnamese shall be assisted in provision of training for personnel, scientific research, transfer of technology in forest protection and development, nature conservation, forest product processing and trade in Vietnam; developing and using properly and effectively resources of international cooperation and preparedness to climate change.

4. It is recommended to cooperate with bordering countries in resolving effectively forest fires, smokes, response to illegal trade in timbers and specimens of wild plant and animal species and nature conservation.

5. The Government shall promulgate policies for international cooperation in forestry in accordance with specific requirements.

Chapter XI

STATE MANAGEMENT OF FORESTRY AND FOREST RANGERS

Section 1. STATE MANAGEMENT OF FORESTRY

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. The state management system of forestry shall be organized systematically and suitable for requirements for performing state management tasks of forestry.

2. Forestry authorities shall be organized in both central and provincial levels; forestry management tasks in districts shall be organized according to the Government’s regulations.

3. Tasks and power shall be clearly assigned and not be overlapped with management function; and shall ensure openness and transparency.

Article 101. State management responsibilities for forestry of Government, ministries and ministerial authorities

1. The Government shall ensure consistency of state management of forestry throughout the country.

2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall act as the focal point to assist the Government in state management of forestry and assume the following responsibilities:

a) issue within their power or request competent state authorities to issue and implement strategies, planning, plans, policies or legislative documents on forestry;

b) develop national standards and issue national technical regulations or economic – technical norms for forestry;

c) direct, instruct and inspect implementation of forest management regulations, policies on management and protection of species of endangered, precious and rare forest plant and animal species;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) direct professional skills and qualifications of forest rangers consistently;

e) take charge and cooperate with ministries and ministerial authorities relevant to forest management and protection; protection of forest ecosystems and biodiversity;

g) instruct and inspect forest investigation or stocktaking, keep track of forest development and prepare documents on forest management; develop and manage forest database;

h) ensure fire safety; prevent and eliminate forest pests;

i) develop systems of national seed stands and national botanical gardens;

k) manage payment for forest environmental service charges;

l) manage issuance of certificates of sustainable forest management and forest valuation;

m) manage forest product processing and trade in accordance with regulations of law;

n) conduct scientific research and apply high, state-of-the-art and new technology in forestry; provide training and refresher courses for forest personnel;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



p) act as a focal point of international cooperation in forestry;

q) carry out inspection, take actions against violations and settle complaints related to forestry.

3. The Ministry of National Defense, Ministry of Public Security, Ministry of Natural Resources and Environment, ministries and ministerial authorities shall cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in carrying out state management of forestry within their competence.

Article 102. Responsibilities of People’s Committees of all levels for state management of forestry

1. Provincial People’s Committees shall:

a) Issue within their power or request competent state authorities to issue legislative documents on forestry, make decisions on sustainable forestry development programs or projects in their provinces;

b) Implement legislative documents on forestry, forestry development strategy, national forestry planning, forestry development programs/projects/plans in their provinces;

c) Classify forests and demarcate types of forests within their competence;

d) Allocate, lease out, repurpose or appropriate forests of organizations; organize replacement afforestation;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



e) Update forest database and prepare documents on forest management;

g) Protect forests; conserve forest biodiversity; forest fire safety; prevent and eliminate forest pests; develop and use forests; forest product processing on the market;

h) Decide price brackets for forests in their provinces;

i) Conduct research and apply advanced science technology to forestry in their provinces;

k) Disseminate and educate law on forestry in their provinces;

l) Mobilize forces, materials, vehicles and equipment of organizations, households and individuals in their provinces to respond to forest fire emergencies within their competence;

m) Carry out inspections and take actions against violations; settle complaints related to forestry.

2. District-level People’s Committees shall:

a) Issue within their power or request competent state authorities to issue legislative documents on forestry, make decisions on sustainable forestry development programs or projects in their districts;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Classify forests and demarcate types of forests in their districts in accordance with regulations of law;

d) Allocate, lease out, repurpose or appropriate forest of households, individuals and communities; prepare documents on forest management; organize replacement afforestation;

dd) Pursue investigation, do forest stocktaking and inspect forest development;

e) Manage and protect forests, conserve forest biodiversity and ensure forest fires safety;

g) Disseminate and educate law on forestry in their districts;

h) Direct Commune-level People’s Committees to formulate projects on land/forest allocation for forest area that has not been allocated or leased out;

i) Carry out inspections and take actions against violations; settle complaints related to forestry in their districts.

3. Commune-level People’s Committees shall discharge the following responsibilities:

a) Issue within their power or request competent state authorities to issue legislative documents on forestry; make decisions on sustainable forestry development programs or projects, combined forestry-agricultural-fishery production, shifting cultivation and apply to their communes;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Manage and protect forest area that the State has not allocated or leased out;

d) Do forest stocktaking in their communes;

dd) Instruct communities to develop and comply with local community rules on forest protection and development in their communes in compliance with regulations of law;

e) Carry out fire safety activities; respond to violations against regulations of forestry; take actions against violations, settle complaints related to forestry in their communes.

4. Chairpersons of People’s Committees of all levels shall take responsibilities for any forest fires, deforestation or forest loss caused by violations against regulations of law on forest management or protection under their management.

Section 2. FOREST RANGERS

Article 103. Functions of forest rangers

Forest rangers are organizations that are responsible for managing and protecting forests and ensuring compliance with regulations of law on forestry; and play a role as forces specialized in fire safety.

Article 104. Responsibilities and rights of forest rangers

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Develop programs or plans for forest protection, response to violations against regulations of law on forestry and fire safety;

b) Protect reserve forests and protection forests; cooperate with relevant authorities in protecting public forests that have not been allocated or leased out;

c) Warn or forecast risks of forest fires; organize forest fire safety forces and inspect annual forest development;

d) Take preventive measures, inspect, supervise and take actions against violations against regulations of law on forest protection and use and forest products transport, trade, storage and processing;

dd) Instruct forest owners to make and implement forest fire safety plans; provide refresher courses in forest protection and forest fire safety for forest owners;

e) Disseminate and raise people's awareness of forest protection and development; organize the public to protect their local forests;

g) Perform other tasks assigned by competent state authorities.

2. Rights of forest rangers:

a) Request relevant authorities or entities to provide information or documents serving their duties performance;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Use dedicated instruments or equipment, weapons, combat gear and uniforms in compliance with regulations of law.

3. The Government shall elaborate this Article.

Article 105. Organization of forest rangers

1. Forest rangers shall be organized in central and provincial levels.

2. Forest rangers shall be organized in district level on the basis of requirements and tasks of forest management and protection in order to ensure compliance with regulations of law on forestry, forest fire safety, forest development or use, forest product processing and trade in their districts.

3. Forest rangers working for national parks, natural reserves, species - habitat reserves, headwaters protection forests, wind/sand shielding protection forests, protection forests for tide shielding or sea encroachment prevention under central or provincial forest rangers shall be organized on the basis of requirements and tasks of forest management and protection.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 106. Equipment ensuring operation and policies for forest rangers

1. Equipment ensuring operation of forest rangers shall be as follows:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Forest rangers shall be provided with consistent uniforms, badges, grades, flags and certificates of forest ranger.

2. Policies for forest rangers:

a) Forest rangers shall be entitled to receive salary based on grades; seniority allowance, preferential allowance and other allowance regulated by law;

b) Forest rangers that have been injured or sacrificed in the performance of their duties shall be recognized and enjoy policies same as those for war invalids and martyrs in accordance with regulations of law on incentives to people with meritorious services to the revolution.

3. The Government shall elaborate this Article.

Chapter XII

Article 107. Effect

1. This Law comes into force from January 01, 2019.

2. The Law on Forest Protection and Development No. 29/2004/QH11 shall cease to have effect from the effective date of this Law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. The forest owner whose land has been allocated or leased out by the State before the effective date of this Law shall be entitled to continue using the land until the land use/lease term expires, except for the provisions of Clause 2 this Article.

2. The forest owner that is an organization and the State has allocated land to before the effective date of this Law shall be entitled to continue using the land until the land use term expires; fulfill rights and obligations mentioned in Points a, c and d Clause 1 and Clause 2 Article 79 herein.

3. The repurposed project that has been approved but the ground has not been cleared before the effective date of this Law shall be planted with the replacement forest mentioned in Article 21 herein.

4. Provincial People’s Committees shall review available natural forest area to add to the planning of reserve forests, protection forests or production forests within 12 months from the effective date of this Law./.

CERTIFIED BY

CHAIRMAN OF THE OFFICE OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Bui Van Cuong

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



[1] The effective date of the Land Law No. 31/2024/QH15 is changed from “from January 01, 2025” to “from August 01, 2024” according to clause 2 Article 1 of the Law No. 43/2024/QH15 providing amendments to the Land Law No. 31/2024/QH15, the Housing Law No. 27/2023/QH15, the Law on Real Estate Business No. 29/2023/QH15 and the Law on Credit Institutions No. 32/2024/QH15, coming into force from August 01, 2024.

[2] The Law on Prices No. 16/2023/QH15 is promulgated pursuant to:

“The Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;”

The Land Law No. 31/2024/QH15 is promulgated pursuant to:

“The Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;”

[3] This Clause is amended according to Clause 1 Article 248 of the Land Law No. 31/2024/QH15, coming into force from April 01, 2024.

[4] This Clause is amended according to Clause 1 Article 248 of the Land Law No. 31/2024/QH15, coming into force from April 01, 2024.

[5] This Clause is amended according to Clause 2 Article 248 of the Land Law No. 31/2024/QH15, coming into force from April 01, 2024.

[6] This Point is added according to Clause 3 Article 248 of the Land Law No. 31/2024/QH15, coming into force from April 01, 2024.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



[8] This Article is amended according to Clause 5 Article 248 of the Land Law No. 31/2024/QH15, coming into force from April 01, 2024.

[9] This Point is amended according to Point a Clause 6 Article 248 of the Land Law No. 31/2024/QH15, coming into force from April 01, 2024.

[10] This Clause is amended according to point b Clause 6 Article 248 of the Land Law No. 31/2024/QH15, coming into force from April 01, 2024.

[11] Heading of this Article is amended according to point a Clause 7 Article 248 of the Land Law No. 31/2024/QH15, coming into force from April 01, 2024.

[12] This Clause is amended according to point b Clause 7 Article 248 of the Land Law No. 31/2024/QH15, coming into force from April 01, 2024.

[13] This Clause is added according to point b Clause 7 Article 248 of the Land Law No. 31/2024/QH15, coming into force from April 01, 2024.

[14] Heading of this Article is amended according to point a Clause 8 Article 248 of the Land Law No. 31/2024/QH15, coming into force from April 01, 2024.

[15] This Clause is amended according to point b Clause 8 Article 248 of the Land Law No. 31/2024/QH15, coming into force from April 01, 2024.

[16] This Clause is added according to point b Clause 8 Article 248 of the Land Law No. 31/2024/QH15, coming into force from April 01, 2024.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



[18] This Clause is amended according to Clause 4 Article 73 of the Law on Prices No. 16/2023/QH15, coming into force from July 01, 2024.

[19] This Clause is amended according to Clause 4 Article 73 of the Law on Prices No. 16/2023/QH15, coming into force from July 01, 2024.

[20] Articles 74 and 75 of the Law on Prices No. 16/2023/QH15, coming in force from July 01, 2024, stipulate as follows:

“Article 74. Effect

1. This Law comes into force from July 01, 2024, except the cases prescribed in Clause 2 of this Article.

2. Clause 2 Article 60 of this Law comes into force from January 01, 2026. From July 01, 2024 to the end of December 31, 2025, each valuation council shall have at least 01 member having one of the following professional certificates:

a) College diploma, or higher, in prices or valuation;

b) Valuer certificate;

c) Certificate of completion of professional training course in valuation;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The Law on Prices No. 11/2012/QH13, as amended by the Law No. 61/2014/QH13, the Law No. 64/2020/QH14 and the Law No. 07/2022/QH15 (hereinafter referred to as “Law on Prices No. 11/2012/QH13") shall cease to have effect from the effective date of this Law, except provisions of Article 75 of this Law.

Article 75. Transition

1. Within 12 months after this Law comes into force, valuation enterprises issued with certificates of eligibility to provide valuation services under the Law on Prices No. 11/2012/QH13 shall be required to meet all of eligibility requirements for valuation services laid down in this Law. After the abovementioned period, if any valuation enterprise fails to meet eligibility requirements for valuation services laid down in this Law, its certificate of eligibility to provide valuation services shall be revoked by the Ministry of Finance of Vietnam.

2. Holders of valuer certificates issued in accordance with the Law on Prices No. 11/2012/QH13 may apply for practice in asset valuation and business valuation in accordance with provisions of this Law.”.

Articles 252 and 253 of the Land Law No. 31/2024/QH15, coming in force from August 01, 2024, stipulate as follows:

“Article 252. Effect

1. This Law comes into force from January 01, 2025, except the cases prescribed in Clauses 2 and 3 of this Article.

2. Articles 190 and 248 of this Law come into force from April 01, 2024.

3. Formulation and approval of land use plannings shall continue complying with provisions of the National Assembly’s Resolution No. 61/2022/QH15 dated June 16, 2022 on increase of efficiency and validity of policies and laws on planning and certain solutions for dealing with difficulties to accelerate the formulation process and improve quality of plannings for the 2021-2030 period.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The Land Law No. 45/2013/QH13, as amended by the Law No. 35/2018/QH14 (hereinafter referred to as “the Land Law No. 45/2013/QH13”) shall cease to have effect from the effective date of this Law.

Article 253. Transitional provisions on land use plannings and plans when this Law comes into force

1. Land use plannings and plans that have been decided and approved by competent regulatory agencies before the effective date of this Law may continue to be implemented and revised when land use plannings and plans are reviewed according to Article 73 hereof.

2. In case a provincial planning for the 2021 - 2030 period has been approved according to regulations of law on planning before the effective date of this Law, the land distribution and zoning measures in such approved provincial planning shall be used as the basis for carrying out land management until the end of the planning period. Any modifications to the provincial planning shall be made according to the Planning Law No. 21/2017/QH14.”.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Văn bản hợp nhất 04/VBHN-VPQH ngày 16/09/2024 hợp nhất Luật Lâm nghiệp do Văn phòng Quốc hội ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


265

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.107.159
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!